Chuyện loại bỏ được mấy cái kính chiếu hậu trên xe thật sự là tin vui cho những người lái xe. Nhiều người mới tập lái xe vẫn nhớ sự đòi hỏi tập trung khi phải nhìn kính chiếu hậu. Lái xe mà phải vừa nhìn phía trước, vừa quan sát 3 cái kính chiếu hậu (trái, phải, trước mặt) đòi hỏi sự tập trung dữ lắm. Mà nó lại là điều bắt buộc. Này nhé, khi đi thi lấy bằng lái xe, nếu sang lane mà quên nhìn kính chiếu hậu, rồi “quay đầu lại nhìn qua vai” (look over the shoulder) thì có khả năng rớt như chơi. Trong thực tế, việc thường xuyên nhìn kính chiếu hậu đôi khi cứu cả sinh mạng người lái xe, vì giúp tránh được chuyện đụng với những chiếc xe đến từ phía sau. Cho đến ngày hôm nay, việc xe hơi phải có kiếng chiếu hậu được qui định trong luật pháp hẳn hòi.
Hãy cùng nhìn lại lịch sử của bộ phận nhỏ nhưng rất quan trọng này của xe. Kính chiếu hậu đã được sử dụng trên xe hơi từ những năm đầu của thế kỷ 20. Chiếc kính chiếu hậu được lắp đặt trên xe lần đầu tiên được ghi nhận là của tay đua xe người Mỹ Harroun Marmon, trong dịp khánh thành cuộc đua xe Indianapolis 500 vào năm 1911. Tuy nhiên, Elmer Berger – một nhà phát minh người Mỹ – là người đầu tiên đăng ký bằng phát minh kính chiếu hậu của xe hơi vào năm 1921. Công ty của ông-Berger & Company – cũng là công ty sản xuất kính chiếu hậu sau đó.
Kính chiếu hậu ra đời đã được ngành công nghiệp xe hơi chào đón nhiệt liệt, vì sự hữu ích của nó trong vấn đề an toàn cho người lái. Tuy nhiên, nó cũng có những bất tiện, khiến cho các nhà chế tạo xe hơi nghĩ đến việc loại bỏ nó, sau gần 100 năm đồng hành cùng xe hơi. Bất tiện vì người lái xe phải tập trung quan sát tứ bề như đã nêu trên chỉ là một nguyên nhân. Những nguyên nhân khác để loại bỏ kính chiếu hậu là vấn đề an toàn, tăng hiệu suất sử dụng nhiên liệu, và vấn đề thiết kế kiểu dáng xe.
Người lái xe nào cũng có thể nhận ra là nhìn kính chiếu hậu chưa đủ an toàn cho người lái xe, vì bản thân kính chiếu hậu khá hạn chế về góc nhìn. “Blind spot,” hay điểm mù của kính chiếu hậu là vị trí không thấy được của chúng. Nó đã gây ra không biết bao nhiêu tai nạn, khi người lái xe sang lane mà chỉ quan sát kính chiếu hậu. Ðó là lý do vì sao động tác “xoay đầu nhìn qua vai” trước khi sang lane vẫn luôn được khuyến khích thực hiện. Ðó là lý do tại sao bây giờ nhiều xe hơi có trang bị thêm gương lồi (đặc biệt là ở kính chiếu hậu phía bên trái), để góc nhìn phía sau của người lái được rộng hơn nữa. Nhưng vẫn chưa đủ. Thay thế cho kính chiếu hậu trong tương lai sẽ là các camera được lắp đặt trên thân xe, để thu hình ảnh chung quanh xe toàn diện hơn, rõ ràng hơn, và hiển thị màn hình đặt trước mặt người lái. Dễ quan sát hơn nhiều! Hơn thế nữa, hệ thống camera còn giúp tăng khả năng quan sát trong những điều kiện chói nắng, những lúc trời tối và trong lúc trời mưa.
Xét trong góc độ tiết kiệm nhiên liệu, hệ thống camera-màn hình có trọng lượng nhẹ hơn, và loại bỏ được mức độ cản gió của các kính chiếu hậu, do đó chạy sẽ ít hao xăng hơn. Xét về mặt khí động học, dễ dàng nhận ra 2 kính chiếu hậu bên trái và phải là những chi tiết cản gió khá nhiều.
Còn đứng ở góc độ kiểu dáng, các nhà thiết kế mẫu xe tin rằng không có kính chiếu hậu, họ sẽ sáng tạo ra những mẫu mã xe nhìn… sexy hơn rất nhiều! Tưởng tượng hình dáng xe với những đường cong tuyệt mỹ như thân hình của một phụ nữ, mà lại còn loại được hai… “cục bướu” không cần thiết là hai kính chiếu hậu hai bên. Chắc chắn là đẹp hơn rồi!
Nhật là quốc gia đi tiên phong trong ý tưởng “xe hơi không có kính chiếu hậu.” Trước tiên là phải tháo bỏ rào cản về pháp lý. Các nhà lập pháp Nhật đã thay đổi luật, cho phép chế tạo xe không có kính chiếu hậu bắt đầu vào ngày 17 tháng 6 năm 2016. Vào cuối năm ngoái, một cuộc hội thảo của Liên Hiệp Quốc về vấn đề qui định chung cho xe hơi toàn cầu cũng đã cho phép việc thay thế kính chiếu hậu bằng hệ thống camera có đặc tính kỹ thuật phù hợp. Ðiều này phản ảnh rằng công nghệ chế tạo camera ngày nay đã phát triển đủ mạnh, có thể chế tạo những hệ thống camera-màn hình quan sát – đạt tiêu chuẩn an toàn cho người lái xe.
Công ty Ichikoh – một công ty Nhật chuyên cung cấp đèn và kính xe hơi – đã có những sản phẩm đầu tiên cho những chiếc xe không còn kính chiếu hậu. CEO của Ichikoh – Ali Ordoobadi – đã trả lời phỏng vấn báo chí rằng đây là một thị trường mới mẻ, đầy tiềm năng, và Ichikoh sẽ đi đầu trong lĩnh vực này. Sản phẩm đầu tiên của Ichikoh là một loại kính chiếu hậu bên trong xe có hai chức năng. Một, vẫn là kính chiếu hậu bình thường như hiện nay. Hai, khi chỉ cần bật một nút chuyển, kính sẽ biến thành một màn hình, cho thấy hình ảnh phía sau xe.
Ichikoh xác định khách hàng tiềm năng hiện nay sẽ là các nhà chế tạo xe hơi Nhật, có kế hoạch sản xuất những chiếc xe theo đơn đặt hàng riêng của khách, có yêu cầu sử dụng hệ thống màn hình quan sát thay cho kính chiếu hậu.
Ngoài Nhật, Châu Âu cũng sẽ thay đổi luật để cho phép áp dụng kỹ thuật mới thay cho kính chiếu hậu trong năm nay. Dự trù Mỹ sẽ làm điều tương tự vào năm 2018. Sau đó sẽ là Trung Cộng.
Theo Ichikoh, thị trường cho kỹ thuật mới này hiện nay còn nhỏ, vì giá thành còn cao. Tuy nhiên, thị trường dự kiến sẽ mở rộng trong những năm tới. Ichikoh tiên đoán rằng đến năm 2023, khoảng 29% số lượng xe bán ra ở Nhật (khoảng 2.3 triệu chiếc) sẽ trang bị loại kính chiếu hậu trong xe với màn hình quan sát phía nhau như đã mô tả ở phần trên, và khoảng 12% các xe tại nhật sẽ thay 2 kính chiếu hậu bên ngoài bằng hệ thống camera quan sát. Và Ichikoh cũng đã lên kế hoạch để mở rộng thị trường sang các quốc gia khác.
Tất nhiên là với một thị trường tiềm năng như vậy, không chỉ có Ichikoh một mình một ngựa. Murakami Corp – một đối thủ cạnh tranh của Ichikoh trong mặt hàng gương – đã tiết lộ kế hoạch sẽ sản xuất những hệ thống màn hình quan sát thay cho gương vào năm 2018. Công ty Ðức Bosch có thể sẽ sẵn sàng tham gia vào khoảng 3 năm nữa, với những hệ thống lắp đặt cho các xe tải thương mại. Ở Mỹ, hãng xe Tesla Motors đang chờ chính phủ Mỹ thay đổi luật để vào cuộc.
Như vậy là ngày mà các tài xế không còn phải liếc qua, liếc lại nhìn mấy tấm gương trên xe đã đến gần. Lái xe bây giờ chỉ còn là việc nhìn về phía trước…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét