Tôi đi trả nợ cho nửa quê hương thất trận hơn mười năm trở về,
ngơ ngác giữa dòng đời bon chen xào xáo nhưng hiếm hoi chân tình với người
chung quanh gần gũi. Cha tôi đã mất, sư bác cũng đã siêu linh tịnh độ hơn bảy tám
năm nay rồi. Những buổi chiều buồn, tôi lang thang vô cái cốc đóng kín cửa
hoang phế, phủ bụi từ ấy để tìm chút dư vị tuổi thơ.
<!>Một lần tôi tò mò mở một gói
giấy dầu đặt ở cuối góc trang thờ Phật, ngoài có đề mấy chữ nắn nót: Kinh Phật Di Di Đà. Tôi mở ra, ngoài hai
gói kinh còn có một gói tiền toàn giấy nhỏ một trăm, hai trăm, năm trăm, một ngàn,
hai ngàn .. và một bức thơ gởi cho tôi.
Phong
Điền, ngày tháng năm vô vọng.
Tuấn
con,
Tiền
nầy sư bác chắt mót kỳ khu hơn hai chục năm mới có được. Đổi đi đổi lại thì ra thế
nầy, đủ để mua mười lượng vàng hay cất một kiểng chùa nho nhỏ cho Phật tử có nơi
đến chiêm bái đấng Từ Phụ. Đủ tiền thì sư bác thỏa mãn ước vọng xây chùa đồng
thời thất vọng về chính mình, té ra bao nhiêu năm nay mình lặn lội cực nhọc,
mình dè xẻn khiêm tốn vì một số tiền, mình cười với tín hữu nầy, vâng dạ với
tín hữu kia vì số tiền đó.
Ngôi
chùa phát họa trong tâm tưởng hướng dẫn cái hành Bồ Tát, còn cái hạnh Bồ Tát của sư bác nằm ở đâu? Cất chùa lớn rồi thì sư bác phải dính vô
chuyện duy trì chùa, bão vệ chùa, sư bác sẽ sinh hoạt chùa chớ còn đâu tâm trí
để tu hành kệ kinh, sư bác sẽ làm chuyên chùa sự chứ đâu phải làm chuyện Phật
sự. Cái hạnh Bồ Tát suốt đời sư bác nhắm về coi như mỗi lúc
càng chạy ra xa.
Khám
phá ra điều nầy, sư bác thấy bao nhiêu năm nay tưởng rằng mình làm đúng hóa ra
sai. Sư bác tạ lỗi với chư Phật bằng cách tuyệt thực từ từ cho đến ngày được về
chầu Phật tổ. Số tiền nầy con có toàn quyền sử dụng theo ý muốn, có ích cho con
hay cho người khác đều được.
Nhưng
con nên nhớ cái hạnh đáng quí gấp mấy lần cái hành.
Cầu
nguyện ơn trên gia hộ cho con.
Thích
Giác Nguyện.
Chỗ ký tên thế danh lâu ngày mực nhòe nhoẹt không đọc
được, cố gắng lắm mới nhìn ra là Nguyễn văn Bửu.
Số tiền đó má tôi chép miệng than rằng với thời giá,
mua chưa đầy ba chỉ vàng, một cái chùa bình thường nho nhỏ ở vùng quê lúc nầy cũng
phải tốn gấp trăm lần số đó. Ngồi nhìn gói tiền lâu ngày ẩm mốc, bốc mùi tanh tanh
từ những bàn tay dính đầy dầu mở, cát đất, cá thịt của chúng sanh nghèo khổ khi
cúng dường cho sư, tôi quyết định đem đốt bỏ để giải thoát hương linh sư khỏi vướng
víu với nó nữa. Nơi chốn thiêng liêng kia chắc sư không còn thắc mắc về hành hạnh, theo tôi hai khái niệm nầy hòa
quyện lẫn nhau không có lằn ranh phân biệt, càng biện biệt ta càng bị bủa vây
không lối thoát…
Xếp bằng chỗ ngày xưa sư bác đặt bồ đoàn ngồi gõ mõ
tụng kinh, tôi đốt từ tờ những tấm giấy bạc thiệt như người ta đốt giấy tiền vàng
mã. Ngọn lửa xanh lân tinh từ tốn ngún cháy, liếm từ chút từ chút, mấy cái hình
trên giấy bạc bỗng chốc trở nên méo mó dị dạng. Tôi chợt mơ hồ thấy nụ cười hiền
từ của sư bác quanh quẩn đâu đây.
‘Mong sư bác siêu thăng, hành và hạnh Bồ Tát chẳng
qua là những điều dạy đạo lý giúp người đời sống từ bi vị tha, sư bác đã hành thiện,
đã sống xứng đáng là một con người khi cố gắng thực hành một ước vọng không vì
mình.
Sư bác đáng được về cõi tĩnh hằng miên viễn như một
Bồ Tát….’
Nguyễn
Văn Sâm (Trích ‘Ngôi chùa trong tâm tưởng’ 2009)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét