Nằm ở thị xã Dĩ An của tình Bình Dương, Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa – nay là Nghĩa trang Nhân dân Bình An – là một địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử của cuộc chiến tranh Việt Nam.Được khởi công từ năm 1965, nghĩa trang là nơi chôn cất các quân nhân chính quyền Sài Gòn tử trận. Đây là nghĩa trang quân đội lớn và quan trọng nhất ở miền Nam trước 1975.
Nghĩa trang được quy hoạch với khả năng chứa 30.000 mộ phần. Cho đến tháng 4/1975, có khoảng 16.000 binh sĩ chính quyền Sài Gòn được an táng ở nơi đây.
Riêng các giai đoạn Mậu Thân 1968 và Mùa hè đỏ lửa 1972, đã có hơn 10.000 quân nhân tử trận được đưa về nghĩa trang này.
Từ ngày đất nước thống nhất, Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa nằm dưới sự quản lí của Quân khu 7.
Đến tháng 11/2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1568/QĐ – TTgchuyển khu nghĩa trang sang sử dụng vào mục đích dân sự. Sau đó, nghĩa trang được đổi tên thành Nghĩa trang Nhân dân Bình An.
Kể từ đó, diện mạo khu nghĩa trang của các tử sĩ VNCH đã thay đổi nhanh chóng. Hiện, hàng nghìn nấm mộ đã được tôn tạo hoặc xây mới khang trang. Các con đường nhựa phẳng phiu dần thay thế đường sỏi đá gồ ghề. Màu sắc của các loài hoa cảnh khiến không gian nghĩa trang không còn hiu quạnh.
Tại tất cả các khu mộ, chính quyền đã cho xây dựng những chiếc bàn đá sử dụng làm chỗ thắp hương và để hoa quả cúng.
Thân nhân của người quá cố có thể trùng tu phần mộ theo ý nguyện của gia đình.
Nghĩa Dũng đài, công trình cao 43m ở trung tâm nghĩa trang được trùng tu và trồng các loại hoa cảnh ở xung quanh để trang trí.
Phía trước Nghĩa Dũng đài, một bệ thắp hương bằng đá đen trang nghiêm được xây dựng.
Từng con đường và thảm cỏ trong nghĩa trang được quét dọn và chăm sóc hàng ngày bởi một đội ngũ công nhân viên tận tụy.
Những gì đã và đang diễn ra ở nơi đây là minh chứng sinh động cho tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc giữa những con người cùng mang dòng máu Việt.
(Theo Kiến thức)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét