Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2025

TIẾC THƯƠNG CHO NGƯỜI NẰM XUỐNG TRUNG TƯỚNG LÊ NGUYÊN KHANG (1931-1996) - TQLC Phạm Văn Tiền



Buổi chiều khi hết giờ làm chuẩn bị ra về, thì được Lâm đến báo tin là ông Tư Lệnh TQLC mình đã mất.[...] Chúng tôi biết bệnh ông từ lâu, ông bị ung thư phổi hết thuốc trị và chỉ chờ đợi có ngày này. Ông không còn đủ sức khỏe đến với anh em chúng tôi trong mỗi dịp ngày kỷ niệm binh chủng như trước, nhưng ông vẫn còn minh mẫn, gọi điện hỏi thăm, theo dõi từng bước chúng tôi đi.[...] Và sự thật thì không còn gì để mà hy vọng, ông đã mất, mất vào lúc 3 giờ 10 phút chiều ngày thứ ba 12.11.1996 tại Los Angeles, hưởng thọ 64 tuổi. 
<!>
Tôi tưởng tôi nghe lầm số tuổi của ông. Tôi hỏi lại bao nhiêu? 64 tuổi. Thì ra ông đã làm tướng từ khi vừa trên dưới 30 tuổi đời, còn rất trẻ và khá đẹp trai.[...]

Vào lính năm 1963, ra trường năm 1965 với lon Thiếu Úy, không kinh nghiệm chiến trường, tôi đã "nướng" gần hết Trung Đội mình trong trận thử lửa đầu tiên khi xung phong qua cánh đồng trống tại An Quý Bồng Sơn, tôi là thằng điếc không sợ súng. Không hơn gì tôi, Liêm bạn cùng khóa, vị tân Thiếu Úy mới ra trường đã bỏ lại chiếc giò thân thương của mình tại đồi "10" khi dũng mãnh hiên ngang đứng chỉ huy Trung Đội mình. Vị Tư Lệnh thân yêu của chúng tôi đã có mặt tại chiến trường sau đó một ngày; ông đã đến bắt tay từng người tại vị trí chiến hào. Ông đã khiển trách bộ chỉ huy hành quân khi mở cuộc tấn công mà không sẵn sàng pháo binh cơ hữu yểm trợ. Lần ấy, sau khi về hậu cứ trong một buổi lễ khao quân chính tay ông đã gắn lên ngực tôi Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao vàng, một bảo vật đầu tiên của người lính; và ông đã trách nhẹ tôi là "Cậu đánh giặc quá liều lĩnh và hơi sát quân", tôi gật đầu "Dạ" với niềm đau xót, vừa hãnh diện vừa đắng cay. Tôi chỉ là thằng sĩ quan quèn mới ra trường nhưng rõ ràng lời nói này đã làm tôi vô cùng xúc động, một kỷ niệm không thể nào quên được trong cuộc đời mình. Ông đã sống, đã chỉ huy và đã rất gần với các thuộc cấp của mình.

Tháng tư năm 1966, trong buổi họp tại hậu cứ Tiểu Đoàn, ông đã đề nghị với vị Thiếu Tá Lê Hằng Minh, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 TQLC là nên tìm một cái tên nào đó đặt cho đơn vị, như cái tên "Cọp Ba Đầu Rằn" của Biệt Động Quân vậy. Và danh từ "Trâu Điên" đã ra đời cho Tiểu Đoàn 2 lúc này vì những chiến tích mới đây tại Tam Quan Bồng Sơn...đơn vị được kẻ thù gọi là "các con của bà phước và húc như trâu...". Chuẩn Úy Cầu, Ban 5 Tiểu Đoàn được lệnh thực hiện ngay huy hiệu Tiểu Đoàn với tài họa sĩ của anh. Sau này các tên Quái Điểu, Sói Biển, Kình Ngư, Hắc Long, Thần Ưng, Hùm Xám, Ó Biển, Mãnh Hổ...cũng đã được ra đời.

Tháng Năm 1966, sau nhiều biến cố liên tiếp của Phật Gíáo tại miền Trung, TQLC lại lên đường hành quân ra Đà Nẵng bằng chỉ thị thật rõ ràng của ông. Chỉ làm nhiệm vụ yểm trợ các lực lượng địa phương nhằm ổn định tình hình, cố gắng đừng làm mất lòng dân vì quân đội chỉ phục vụ cho dân và vì dân mà chiến đấu. Nếu có ai đó bảo rằng TQLC đã đàn áp Phật Giáo, cướp của đốt bàn thờ...thì đó chỉ là âm mưu tuyên truyền của kẻ thù.[...]

Đoạn đường di chuyển hành quân từ Đà Nẵng ra Huế thật thê thảm vô cùng, đoàn xe cứ nhích lên từng đoạn một, phải bò lách qua những dẫy bàn thờ đầy dẫy tại các khu phố Lăng Cô. Bọn Cộng Sản đã xâm nhập và lạm dụng lòng tín ngưỡng của con người một cách thô bạo và trắng trợn. Cũng như Đà Nẵng, đơn vị chúng tôi đã ổn định trật tự tại thành phố Huế chỉ vỏn vẹn có vài ngày. Thừa nước đục thả câu, các Sư Đoàn Cộng Sản đã tập trung sát nách Quảng Trị và âm mưu cưỡng chiếm thị xã này... Lại lên đường... Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên đã bị lọt vào trận độn thổ phục kích của địch vào lúc 10 giờ sáng ngày 29.6.1966 tại cây số 23 phía Nam Cầu Phò Trạch, Phong Điền, Thừa Thiên. Cố Đại Tá Lê Minh Hằng bị tử trận cùng nguyên Trung Úy Son Xít. Nhưng bù lại xác địch cũng nằm ngổn ngang trải dài trên những ngọn đồi máu từ quốc lộ 1 về phía Tây tận dãy Trường Sơn... Đại Úy cố vấn Campbell đã bị bắt sống và vượt thoát trở về nhờ sự phản công của các lực lượng ta và đồng minh Huê Kỳ. Đây là một cuộc hành quân bị tiết lộ trước do các tên Cộng Sản nằm vùng bộ Chỉ Huy hành quân vùng I Chiến Thuật nhằm triệt hạ uy danh của Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên.

Đám tang của vị Tiểu Đoàn Trưởng trẻ tuổi, tài ba, nghệ sĩ...được tổ chức thật long trọng tại Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp trước sự chứng kiến đưa tiễn của nhiều người...Và vị Tư Lệnh TQLC của chúng tôi đã khóc! Những giọt nước mắt long lanh lăn nhẹ trên gò cao qua làn kính trắng quả đã tô đậm thêm cho mầu cờ sắc áo của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam. Cuộc chiến vẫn tiếp diễn, người nằm xuống được vinh danh tiếc thương...Kẻ còn sống lại tiếp tục chiến đấu...Và Minh, Chinh, Kiệt, những người cùng khóa với tôi ở Tiểu Đoàn Trâu Điên này đã lần lượt nằm xuống...khi tuổi đời hãy còn rất trẻ.

Ông đã hiện diện và sát cánh với anh em TQLC chúng tôi khắp mọi nơi, mọi thời điểm. Ngay cả những khi sau này khi ông không còn giữ chức Tư Lệnh Sư Đoàn nữa. Vào những ngày sôi động nhất của cuộc chiến Hạ Lào 1971, Mùa Hè Đỏ Lửa 72...ông đã đến tận chiến trường với chúng tôi bằng con tim và khối óc. Ông đã thở bằng nhịp thở của từng người lính, từng cấp chỉ huy, từng đơn vị. Ông theo dõi từng trận chiến, hãnh diện và đau lòng về các thành tích và thiệt hại. Trận đánh Cửa Việt năm 1973...trong lúc chỉ huy, đơn vị tôi đã bị vây hãm tứ bề. Ông hỏi thăm về tôi, về thằng Tây Ninh là thằng nào?... Và chính ông đã ra lệnh cho bộ Chỉ Huy hành quân bằng mọi cách phải cứu nó về. Tôi nhớ ơn ông và thật sự tôi đã được trở về trong đường kẽ tóc.

Ngày nay, sau một thời gian dài mất nước, còn lại gì sau cuộc bể dâu nghiệt ngã tan thương, người lính thực sự không còn nguyên vẹn hình hài, mất tích nơi rừng sâu biển động hay còn rên siết trong xích xiềng tù đầy bóng tối hoặc tha phương cầu thực xứ người. Nào mấy ai còn nhớ được tình chiến hữu ngày nào! Cuộc sống vật chất đã làm biến dạng hình hài. Họ - những cấp chỉ huy tối cao, những người lãnh đạo đất nước vẫn tiếp tục cuộc sống phè phỡn hưởng thụ - đoạn tuyệt với quá khứ, chính cái quá khứ đã tạo nên cuộc sống vàng son muôn đời của họ. Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi, thời gian được tính toán đo lường một cách chỉ ly theo vật chất lũy tiến hằng ngày. Nước mắt nhà tan cũng chẳng sao, ai còn, ai mất, ai tù đày...cũng chẳng ăn nhằm gì tới họ. Sống chui rúc vào cái vỏ sò khép kín được bọc bằng cái học bị "bác sĩ", "kỹ sư"... cho gia đình và chí con cháu họ. Sống một cách nhục nhã, ích kỷ, ươn hèn.

Cựu Trung Tướng Lê Nguyên Khang, nguyên Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC, là một trường hợp điển hình quý hiếm, ông đã sống hết mình với anh em, với đồng bào... Và hầu như họ cũng dành trọn cuộc đời cho quê hương dân tộc. Ông quả xứng đáng là một danh tướng của QLVNCH. Từ nhiều năm nay, ông đã có mặt trong hầu hết các buổi sinh hoạt của các hội đoàn, của cộng đồn, ông đã đi nhiều nơi, nhưng không ngoài mục đích là đấu tranh cho một nước Việt Nam không Cộng Sản.

Có chứng kiến được hình ảnh của ông với chiếc béret xanh mầu TQLC đội nghiêng nửa đầu, tay cầm lá quốc kỳ thân yêu vẫy mạnh trong đoàn người biểu tình tại Cali...Có nghe ông hát thật to, thật ngạo nghễ cùng đôi bàn tay vỗ mạnh nhịp nhàng bản nhạc "Cờ Bay, Cờ Bay" hay "TQLC Hành Khúc" trong mỗi lần kỷ niệm binh chủng tại Seattle, Washington D.C., Houston...Có nhìn thấy tận mắt Ông Bà cùng ăn, cùng ngủ với các chiến hữu của mình tại nhà anh chị Trung Úy Gừng ở Okhahoma City, của gia đình Hạ Sĩ Thành ở Sacramento ngay trên thảm nhà, trên bộ salon bình dị thoải mái...và có thuộc vào diện những người mới đến định cư với những lời hỏi thăm ân cần, một chút quà nhỏ tượng trưng của ông để sớm làm quen với cuộc sống...thì mới biết được tấm lòng bao la của vị cựu Tư Lệnh TQLC mgày nào và tại sao trái tim mình như muốn ngừng đập vì sự mất mát quá lớn lao này.

Rồi đây trong những ngày họp mặt binh chủng sắp tới, chắc chắn rằng trong lòng mỗi cựu chiến hữu TQLC chúng tôi sẽ thấy xốn xang, nuối tiếc, thèm thuồng hình ảnh người anh cả của Sư Đoàn cắt nhẹ chiếc bánh sinh nhật kỷ niệm...Sẽ mất đi lời chỉ dậy ân cần cho một sự nghiệp đấu tranh còn tiếp tục. Sẽ không còn ai hỏi thăm lo lắng về gia đình Vô Đằng Phương, Nguyễn Văn Nhiều, Trần Văn Lượm... Về những hoàn cảnh nghiệt ngã của từng thuộc cấp ở quê nhà, sẽ không còn ai nhắc đến những người hùng của TQLC Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, Đỗ Hữu Tùng, Nguyễn Đằng Tống, Trân Ba, Trần Văn Hợp... Và các cây viết mũ xanh như Cao Xuân Huy, Huỳnh Văn Phú, Trần Ngọc Toàn, Nguyễn Đăng Hòa, Trần Xuân Dũng...sẽ đau xót biết bao cho cái tang chung này. Vì lúc ông còn sống, đã từng nâng niu, hãnh diện về các tác phẩm của họ... Thôi mất hết rồi...Còn gì nữa hỡi các chiến hữu TQLC/VN. Xin kính cẩn nghiêng mình kính chào vĩnh biệt ông.

TQLC Phạm Văn Tiền

Ngày 17/11/1996
Arlington, Texas.
Thiếu tá Phạm Văn Tiền là Tiểu đoàn trưởng-Tiểu đoàn 5 Hắc Long - Lữ đoàn 147 TQLC ,trải qua hơn 10 năm tù sau 1975.

Ông làm Tiểu đoàn trưởng- khi 31 Tuổi 1974.

Không có nhận xét nào: