Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2025

30 Tháng 4, 2025 - 50 năm sau - Nguyễn Tài Ngọc


Trang bìa của tuần báo Newsweek và Time ấn bản ngày 5 Tháng 5 1975 sau khi Việt Nam Cộng Hòa thất thủ. Tựa của Newsweek là “End of an era – Kết cục một kỷ nguyên”, và của Time là “Hanoi’s Triumph – Hà Nội chiến thắng” 30 Tháng 4 là ngày không một người dân Việt Nam Cộng Hòa nào có thể quên. Nó gắn liền ở bộ nhớ trong tâm trí, không cần suy nghĩ nhưng giây phút nào cũng hiện hữu trong tư tưởng. 
<!>
Ai cũng nhớ nó, giống như chồng nào cũng nhớ sinh nhật vợ vì cả hai liên hệ đến một dữ kiện kinh hoàng sinh tử: 30 Tháng 4 1975 không tìm đường tự do thoát khỏi Việt Nam thì chết, sinh nhật vợ mà không nhớ ngày thì nàng cho mình đi về miền chín suối.

30 Tháng Tư 2025 là một dấu mốc trọng đại trong lịch sử Việt Nam Cộng Hòa: nó đánh dấu đúng 50 năm từ lúc miền Nam thất thủ, và cho riêng tôi, đúng 50 năm từ ngày tôi rời nơi chôn nhau cắt rốn.


Báo Los Angeles Times, Los Angeles, California ngày 30 Tháng 4 1975

Sau khi ở trong trại tỵ nạn Orote Point, Philippines, và Asan Annex, Guam, hai tháng,


Trại tỵ nạn Asan Annex, Guam

tôi đặt chân lên đất Mỹ lần đầu tiên vào cuối tháng 5 năm 1975 ở Fort Indiantown Gap, gần Harrisburg, Pennsylvania.



Fort Indiantown Gap, Pennsylvania, 1975. Nguồn: https://www.pennlive.com/life/2017/04/fort_indiantown_gap_after_the.html



Tôi đến thăm trại Fort Indiantown Gap, Pennsylvania vào năm 2013

Ở trong trại tỵ nạn một thời gian, khi có một hội thánh Mỹ bảo trợ, tôi bay về California định cư vĩnh viễn ở San Diego. Vài tháng sau, tôi vào học Trung học lớp 12 trường Herbert Hoover High School trên đường El Cajon Blvd.

Thầy dạy Sử ký của tôi tên là Rosengrant. Có lẽ vì tôi là học trò ngoan nên thỉnh thoảng weekend ông chở tôi về nhà ăn uống hay chở tôi đi xem thắng cảnh ở San Diego. Một lần làm bài thi, tôi được ông cho điểm A. Ông ta viết một cái card gửi cho ông Hiệu trưởng, kèm theo bài làm của tôi, nói cho ông Hiệu trưởng biết là một học sinh Việt Nam tỵ nạn trong lớp của ông xuất sắc. Tôi vẫn còn giữ mấy mảnh giấy này cho đến bây giờ:


Thầy dạy Sử ký của tôi Rosengrant


Tôi lúc học lớp 12 ở Mỹ


Thầy Rosengrant viết vài giòng trên mảnh giấy này kèm với bài thi của tôi dưới đây cho ông Hiệu trưởng Yates. Tôi không nhớ bà Ranta là ai.


Giống như phi hành gia bay trên cung trăng hoàn toàn cách biệt với sinh hoạt dưới trái đất, ở Hoa Kỳ tôi không biết một tin tức gì về Việt Nam. Thỉnh thoảng tôi lấy xe bus đi vào downtown đến một tiệm sách cũ mua lại tất cả báo hàng tuần của Newsweek và Time trong hai tháng 4 và 5 1975, đọc ngấu nghiến để biết diễn tiến đưa đến Sài-Gòn thất thủ.


Tôi mua được quyển “GIAI PHONG” của ký giả người Ý Tiziano Terzani. Ông ta bay về Sài-Gòn ngày 27 Tháng 4 1975 với mục đích duy nhất là để chứng kiến và ghi lại ngày Cộng Sản chiếm miền Nam.

Mặc dù phải dùng tự điển mỏi cả ngón tay để tra chữ không hiểu, tôi đọc say mê từ đầu đến cuối sách vì nó ghi lại cảnh đau thương, hỗn loạn của Sài-Gòn lúc vừa mới bị Cộng Sản chiếm đóng.


Trong những năm đầu định cư ở Hoa Kỳ, tôi nghĩ chỉ sống ở đây tạm thời, có lẽ mười năm nữa tôi sẽ về lại căn nhà ở chợ Bàn Cờ sinh sống sau khi Việt Nam trở lại tự do.

Lúc bấy giờ mười năm đối với tôi là một thời gian xa lâu lắc, lâu như 165 triệu năm khủng long sống trên trái đất trước khi bị tuyệt chủng, lâu như Việt Nam chìm đắm trong chiến tranh ngay từ lúc tôi sinh ra đời, lâu như cải lương trên đài Truyền hình Việt Nam mỗi tối Chủ Nhật bắt đầu từ 8, 9 giờ tối, nghỉ giải lao 11 giờ đọc tin tức rồi lại tiếp tục hát đến rạng đêm về sáng, lâu như xếp hàng đợi đến phiên mình mua bánh mì Huỳnh Hoa trên đường Lê Thị Riêng* ở Ngã Sáu.

[*Trước 1975 đường Lê Thị Riêng là đường Ngô Tùng Châu. Lê Thị Riêng là đặc công Cộng Sản bị Việt Nam Cộng Hòa bắt năm 1967 và bị hành quyết vào năm sau.

Cộng Sản xem vua nhà Nguyễn là “phản động”. Sách Lịch sử Việt Nam do Viện Khoa học Xã hội của Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà xuất bản 1971 viết: “Triều Nguyễn là vương triều phong kiến cuối cùng dựng lên bằng một cuộc chiến tranh phản cách mạng nhờ thế lực xâm lược của người nước ngoài. Gia Long lên làm vua lập ra triều Nguyễn sau khi đàn áp cuộc chiến tranh cách mạng của nông dân. Triều Nguyễn là vương triều tối phản động…”.

Vì thế, tất cả những con đường mang tên các nhân vật liên hệ với vua chúa Nguyễn đều bị Cộng Sản trừ khử. Lê Văn Duyệt, Ngô Tùng Châu, Võ Tánh... đều là tướng lãnh của vua Gia Long chống lại anh em nhà Tây Sơn. Phan Thanh Giản, Trương Minh Giảng là Quan dưới thời Minh Mạng.

Đường Lê Văn Duyệt bị thay bằng Cách Mạng Tháng Tám, Võ Tánh thay bằng Nguyễn Trãi, Ngô Tùng Châu thay bằng Lê Thị Riêng (đặc công Cộng Sản thời VNCH), Phan Thanh Giản thay bằng Điện Biên Phủ, Trương Minh Giảng thay bằng Trần Quốc Thảo (đặc công Cộng Sản thời Pháp thuộc), Minh Mạng thay bằng Ngô Gia Tự (đặc công Cộng Sản thời Pháp thuộc), Gia Long thay bằng Lý Tự Trọng (đặc công Cộng Sản thời Pháp thuộc), Hiền Vương (danh hiệu của vua Nguyễn Phúc Tần hay là Nguyễn Thái Tôn) thay bằng Võ Thị Sáu (đặc công Cộng Sản thời Pháp thuộc), và trường Gia Long thay bằng Nguyễn Thị Minh Khai (đặc công Cộng Sản thời Pháp thuộc) ].



Khách đợi mua bánh mì Huỳnh Hoa (Thank Khương – thanhnien.vn)

Thế mà bây giờ 50 năm đã trôi qua!

Khi tuổi đời chồng chất thì 50 năm trôi qua nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Ngày xưa học lịch sử, có những mốc thời gian mình thấy lâu lắm, nhưng bây giờ nghĩ lại thì thấy nó chẳng lâu lắc gì so với 50 năm đã trải qua từ ngày đau thương 30 Tháng 4 1975:

- 1884–1945: Tuy là người Pháp đánh Đà Nẵng lần đầu tiên vào năm 1858, mãi đến năm 1884 nhà Nguyễn mới ký Hòa Ước Giáp Thân chia Việt Nam thành ba vùng Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam), Nam Kỳ (Cochinchine), đặt dưới quyền cai trị của người Pháp. Năm 1945 Nhật vào Việt Nam lật đổ Pháp: thời gian Pháp đô hộ Việt Nam là 61 năm.

-1954–1975: Hiệp ước Genève chia đôi đất nước năm 1954. Năm 1957 Bắc Việt bắt đầu xâm lăng miền Nam. Năm 1975 Sài-Gòn thất thủ. Chiến tranh Việt Nam kéo dài 18 năm để rồi Cộng sản xâm chiếm Sài-Gòn.

50 năm mọc rễ ở California với đàn con cháu sinh sôi nẩy nở, nỗi ước mơ trở về sống ở Việt Nam, cùng với các nhân vật lớn lên trong thời niên thiếu của tôi như Bà Năm Sa Đéc, Chiêm tinh gia Huỳnh Liên, người đẹp Bích-La-Thôn, bây giờ ngày càng phai mờ trong tâm trí. Cơ hội trở về sống nơi quê hương cũ hiếm hoi hơn là cơ hội tôi có thể chứng kiến cháu của tôi khôn lớn, lập gia đình.

Cô cháu Ellie lớn nhất 9 tuổi của tôi tuần vừa rồi Facetime nói nó có bài làm trong trường là phỏng vấn một người ngoại quốc đến Mỹ sinh sống. Nó chọn ông nó nên hỏi tôi chi tiết liên quan nguyên nhân tôi đến Hoa Kỳ.

Lý do? -Rời Việt Nam vì chạy nạn Cộng Sản.
Mấy tuổi? -17 tuổi.
Lúc nào? - 30 tháng 4 1975, 50 năm trước đây.
……
Nghe đến 50 năm, nó suýt xoa quãng thời gian này là “a long time ago”. Nó nói thêm với tôi là nó sẽ viết vào bài làm là nó gọi tôi là “ôngmì” thay vì “grandpa”.
Ước mơ về Sài-Gòn sinh sống của tôi sắp sửa tắt ngúm như cây nến hết sáp, thế nhưng 30 Tháng 4 -ngày Cộng Sản chiếm Việt Nam Cộng Hòa- sẽ sống mãi trong cháu Ellie, dòng máu mủ Việt Nam của tôi trên đất Mỹ.

Nguyễn Tài Ngọc
April 2025


Tài liệu tham khảo:

Không có nhận xét nào: