Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tới Ukraina để thể hiện tình đoàn kết trong cuộc chiến chống NgaBộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin đã tới Ukraina vào hôm nay 21/10/2024 để thể hiện tình đoàn kết của Washington với Kiev trong cuộc chiến chống Matxcơva. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin (T) và tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tham dự cuộc họp Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraina ngày 06/09/2024 tại căn cứ không quân Mỹ ở Ramstein, tây nam nước Đức. AFP - DANIEL ROLAND Phan Minh
<!>
Hai tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 mang tính quyết định với Kiev, đây là lần thứ tư và có lẽ là lần cuối cùng ông Lloyd Austin tới Ukraina với tư cách lãnh đạo Lầu Năm Góc. Trả lời báo giới, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ khẳng định “sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraina bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”.
Theo CNN, ông Austin gặp tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và bộ trưởng Quốc Phòng Rustem Umerov để thảo luận về yêu cầu gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Kiev, điểm đầu tiên trong “kế hoạch giành chiến thắng” do tổng thống Zelensky đề xuất.
Nhưng có nhiều khả năng Hoa Kỳ không chấp nhận yêu cầu của tổng thống Zelensky cho phép Ukraina sử dụng vũ khí phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Về tình hình chiến sự, quân đội Nga, hôm qua 20/10, đã oanh kích thành phố Kharkiv, đông bắc Ukraina, làm ít nhất 12 người bị thương và khiến nhiều khu vực trong thành phố bị mất điện. Nằm cách biên giới Nga chưa đầy 30 km, Kharkiv thường xuyên là mục tiêu của những cuộc tấn công của Nga.
Vào tháng 05/2024, quân đội Nga đã tìm cách tiến vào khu vực này để tạo ra vùng đệm nhằm hạn chế các cuộc tấn công của Ukraina nhắm vào các mục tiêu quân sự và công nghiệp trên lãnh thổ Nga.
Lính Bắc Triều Tiên tham chiến tại Ukraina : Hàn Quốc triệu đại sứ Nga lên để phản đối
Sáng ngày 21/12/2024 bộ Ngoại Giao Hàn Quốc triệu đại sứ Nga tại Seoul lên để phản đối việc Nga huy động hàng ngàn lính Bắc Triều Tiên tham gia cuộc chiến ở Ukraina. Cùng ngày tân lãnh đạo Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO đánh giá sự hiện diện của quân nhân Bắc Triều Tiên tại Ukraina là dấu hiệu « leo thang đáng quan ngại ».
Lính Bắc Triều Tiên nhận thiết bị quân sự từ sĩ quan Nga. Ảnh chụp từ màn hình vô tuyến Hàn Quốc tại một nhà ga xe lửa ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 21/10/2024. AP - Ahn Young-joon
Thanh Hà
Thứ Sáu tuần trước, tình báo Hàn Quốc xác định khoảng 1.500 lính Bắc Triều Tiên đã được điều sang Nga để chuẩn bị tham chiến tại Ukraina và có thể là trong thời gian tới, Bình Nhưỡng huy động thêm cả chục ngàn quân để tiếp sức cho Nga. Thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc Kim Hong Kyun cho rằng việc Bắc Triều Tiên cung cấp vũ khí và binh sĩ cho Matxcơva là một « mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh không chỉ của bản thân Hàn Quốc mà còn với cộng đồng quốc tế ».
Đại sứ Nga tại Seoul thanh minh rằng, « hợp tác quân sự giữa Nga và Bắc Triều Tiên không nhắm vào quyền lợi an ninh của Hàn Quốc »
Tại Bruxelles, tổng thư ký NATO Mark Rutter sáng nay nói đến một « bước căng thẳng leo thang đáng quan ngại » trong xung đột ở Ukraina. Một chuyên gia của Hàn Quốc được AFP trích dẫn cho rằng, qua việc đưa quân sang tiếp tay cho Nga trong cuộc chiến Ukraina, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un « nhắm đến mục tiêu học hỏi những công nghệ quân sự của Nga trong các lĩnh vực từ vệ tinh quan sát đến tàu ngầm ».
Israel không kích tổ chức tài chính có liên hệ với Hezbollah
Quân đội Israel, hôm qua 20/10/2024, đã thực hiện những cuộc không kích nhắm vào các trụ sở của tổ chức Al-Qard Al-Hassan mà Nhà nước Do Thái cáo buộc tài trợ cho nhóm lính Hezbollah ở Liban.
Một chi nhánh bị hư hại của tổ chức Al-Qard Al-Hassan sau cuộc không kích của Israel ở Aaqbiyeh, Liban, ngày 21/10/2024. © Ali Hankir / Reuters
Phan Minh
Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh cho biết cụ thể :
Một lần nữa, vùng ngoại ô phía nam của Beyrouth lại hứng chịu nhiều trận mưa bom nhất, với 13 vụ oanh kích của Israel trong vòng chưa đầy một giờ, chủ yếu nhắm vào các tòa nhà nơi đặt trụ sở của tổ chức tín dụng vi mô Al-Qard Al-Hassan, có liên kết với Hezbollah.
Hai cuộc đột kích đã gây ảnh hưởng đến các khu vực gần sân bay Beyrouth, với những cột khói bốc lên trời. Các chuyến bay vẫn được duy trì, bất chấp những vụ oanh kích nói trên.
Máy bay Israel đã tấn công trụ sở của Al-Qard Al-Hassan ở trung tâm và phía bắc đồng bằng Bekaa cũng như ở phía nam Liban. Thông báo vào ban đêm của quân đội Israel về ý định oanh kích cơ sở hạ tầng của tổ chức này đã gây ra sự hoảng loạn trong nước. Tại một số khu vực lân cận của Beyrouth và vùng ngoại ô, người dân bị đánh thức bởi những loạt súng máy bắt mọi người phải bỏ nhà và sơ tán.
Đợt tấn công này diễn ra một ngày sau những trận oanh kích dữ dội của Israel, nhắm vào khoảng 60 địa điểm ở miền nam Liban.
Về phần mình, Hezbollah đã bắn hàng trăm quả rốc-két nhắm vào 3 căn cứ quân sự tại miền bắc Israel. Trong đêm, nhóm lính Hồi Giáo theo hệ phái Shia thông báo đã bắn hạ một drone Hermes 900 của Israel.
Vẫn tại Trung Đông, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin, hôm nay 21/10, thông báo hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD do Washington cung cấp đã « sẵn sàng hoạt động » ở Israel.
Hội nghị quốc tế về đa dạng sinh học COP16 khai mạc tại Cali-Colombia
Trong hai tuần kể từ ngày 21/10/2024 đại diện của hơn 190 quốc gia tập hợp về Cali, Colombia, để dự hội nghị quốc tế về đa dạng sinh học COP16. Khẩu hiệu chính năm nay là các bên cần khẩn cấp « biến lời nói thành hành động ».
Những người phụ nữ Colombia gốc Phi biểu diễn trong lễ khai mạc COP16, một hội nghị đa dạng sinh học của Liên Hiệp Quốc, ở Cali, Colombia, ngày 20/10/2024 AP - Fernando Vergara
Thanh Hà
Hội nghị được tổ chức hai năm một lần và tại Cali, tây nam Colombia, lần này được xem là dịp để rà soát lại xem rằng 23 mục tiêu được đề ra nhân hội nghị ở Côn Minh- Montréal lần trước, đã được thực hiện đến đâu.
Trong số các mục tiêu được đề ra nhân hội nghị COP15 hồi năm 2022, 196 thành viên Công Ước Liên Hiệp Quốc về Đa Dạng Sinh Học -Convention on Biological Diversity CBD (Mỹ không có tên trong danh sách này) đồng ý « bảo vệ 30 % diện tích đất và biển từ nay đến năm 2030 » ; giảm 50 % những mối nguy cơ liên quan đến việc sử dụng thuốc trừ sâu, giảm thiểu các khoản trợ cấp cho các ngành nghề và hoạt động mang tính tàn phá môi trường, huy động đến 200 tỷ đô la mỗi năm để bảo vệ thiên nhiên …
Theo giới quan sát, ba tuần lễ trước hội nghị về khí hậu, tổ chức tại Azerbaijan, hội nghị tại Cali nhằm chứng minh rằng những cam kết được thông qua tại Côn Minh và Montréal cách nay 2 năm, không chỉ là những lời nói suông.
Trong cương vị nước chủ nhà, Colombia có nhiều cơ sở để đại diện rộng rãi cho khối các quốc gia đang phát triển, đòi phương Tây đóng góp nhiều hơn cho các dự án bảo tồn đa dạng sinh học. Thông tín viên đài RFI Marie Eve Detoeuf từ Bogota giải thích :
« Với ba dãy nũi, 2 bờ biển bao quanh, rồi với rừng Amazon, sông băng, sa mạc …. Colombia là một đất nước phong phú về mặt đa dạng sinh học. Bogota muốn thu hút hút ý của cộng đồng quốc tế, muốn các công dân Colombia quan tâm đến chủ đề này và ước mơ đóng một vai trò hàng đầu trong các vòng đàm phán quốc tế.
Colombia biết rằng, hình ảnh của đất nước này bị gắn liền với các đường dây ma túy, với ông trùm Pablo Escobar, hay với các phiến quân Colombia … Chính quyền của tổng thống Gustavo Petro muốn đưa ra một hình ảnh khác để chứng minh rằng đất nước ông không chỉ có thế. Ông là một trong những vị nguyên thủ hiếm hoi trên thế giới đặt tiến trình chuyển đổi năng lượng và bảo vệ môi trường vào trung tâm chương trình hành động. Điều đó khiến ông có khá nhiều kẻ thù.
Tổng thống Colombia kỳ vọng rằng hội nghị COP16 lần này tạo thêm tính chính đáng cho chính quyền ở Bogota. Tổ chức hội nghị quốc tế là một thách thức cả về mặt tổ chức lẫn an ninh. Tại Cali, cảnh sát đề cao cảnh giác cao độ. Nếu thành công, hội nghị COP16 lần này có thể làm thay đổi tương lại của trái đất và luôn cả hình ảnh của Colombia ».
Việt Nam có tân chủ tịch nước xuất thân từ tướng quân đội
Hôm nay trong ngày đầu kỳ họp thứ 8 khóa 15, Quốc Hội Việt Nam đã bầu đại tướng Lương Cường giữ chức chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.
Đại tướng Lương Cường tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước, tại Quốc Hội, Hà Nội, Việt Nam. AFP - DANG ANH
Anh Vũ
Theo truyền thông chính thức tại Việt Nam, « Quốc Hội đã thông qua Nghị quyết về việc bầu ông Lương Cường làm Chủ tịch nước với 440/440 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành ». Trước đó, Quốc hội đã bỏ phiếu kín để quyết định việc bầu ông Lương Cường làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ngay sau khi được bầu, ông Lương Cường đã tuyên thệ nhậm chức trước Quốc Hội chiều nay.
Ông Lương Cường, 67 tuổi, xuất thân là một quân nhân nhập ngũ năm 1975. Sự nghiệp thăng tiến chính trị của ông gắn với quân đội, ông được phong quân hàm đại tướng, giữ chức chủ nhiệm Tổng cục Chính Trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đến tháng 5/2024, trong bối cảnh nội bộ thượng tầng lãnh đạo của Việt Nam đang có nhiều xáo trộn, ông Lương Cường được bổ nhiệm làm thường trực Ban bí thư Trung ương đảng Cộng Sản, thay bà Trương Thị Mai xin từ chức.
Ban bí thư là cơ quan xử lý các công việc hàng ngày của Đảng, có nhiệm vụ chỉ đạo hoặc kiểm tra việc chuẩn bị các vấn đề đưa ra Bộ Chính trị thảo luận và quyết định.
Trước đó, hồi tháng 3/2024, ông Võ Văn Thưởng xin từ chức chủ tịch nước vì những sai phạm trong công tác. Tháng 5/2024, ông Tô Lâm được Quốc Hội bầu làm chủ tịch nước thay ông Thưởng. Đến tháng 8/2024, một tháng sau khi tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng qua đời , ông Tô Lâm được bầu làm tổng bí thư kiêm chức chủ tịch nước cho đến nay.
Theo Hiến Pháp Việt Nam, chủ tịch nước đứng đầu Nhà nước, thay mặt đất nước về đối nội và đối ngoại. Tuy nhiên, trong thể chế Việt Nam, chủ tịch nước không nắm nhiều thực quyền.
Gruzia : Phe thân châu Âu biểu tình rầm rộ tại Tbilisi trước cuộc bầu cử Quốc Hội
Hôm qua, 20/10/2024, hàng chục nghìn người biểu tình tập hợp tại thủ đô Tbilisi của Gruzia để biểu thị sự ủng hộ gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Tại kỳ bầu cử Quốc Hội cuối tuần này, phe đối lập gồm bốn liên minh chủ yếu sẽ phải đối mặt với đảng bảo thủ cầm quyền, Giấc Mơ Gruzia, bị tố cáo có khuynh hướng độc tài thân Nga và làm chệch hướng tiến trình gia nhập Liên Hiệp Châu Âu của Gruzia.
Các đảng đối lập biểu tình rầm rộ tại Tbilisi, Gruzia, ngày 20/10/2024. © Zurab Tsertsvadze / AP
Anh Vũ
Thông tín viên RFI, Régis Genté tại Tbilissi tường trình :
Người biểu tình có mặt không được đông như hồi mùa xuân vừa rồi nhưng đủ để nhắc nhở chính quyền, khát vọng gia nhập Liên Hiệp Châu Âu ở Gruzia là vô cùng sâu sắc.
Theo lời kêu gọi của tổ chức xã hội dân sự và 4 đảng phái đối lập chính, các đoàn người biểu tình hình thành vào lúc khoảng 17 giờ để tập trung về quảng trường Tự Do.
Cuộc tuần hành này được tổ chức để chống lại chính sách thân Nga của đảng cầm quyền, đảng Giấc Mơ Gruzia của nhà tài phiệt Bidzina Ivanichvili, và với lo ngại lớn phe của họ có nguy cơ thất bại trong cuộc bầu cử Quốc Hội viện vào ngày thứ Bảy tới.
Cuộc bỏ phiếu được các bộ phận thân phương Tây tích cực ở Gruzia nhìn nhận như là cơ hội cuối cùng cứu đất nước đang trên đà trở lại quỹ đạo của Nga.
Nhất là khi hồi mùa xuân năm nay, đảng cầm quyền đã ép thông qua luật về « tác nhân nước ngoài », chịu ảnh hưởng nặng nề của bộ luật năm 2012 của Nga nhằm triệt tiêu các quyền tự do.
Dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng đó là bà tổng thống Salomé Zourabichvili lần đầu tiên tham gia vào một cuộc tập hợp của dân chúng để một lần nữa bảo vệ tương lai gia nhập Liên Hiệp Châu Âu của đất nước.
Trưng cầu dân ý tại Moldova : Phe thân châu Âu thắng thế với kết quả rất sít sao
Theo kết quả kiểm phiếu gần như chắc chắn được các hãng thông tấn ghi nhận vào trưa nay, 21/10/2024, với một đa số rất sít sao, đa số cử tri Moldova ủng hộ tiến trình gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Riêng tổng thống mãn nhiệm, Maia Sandu có lập trường thân châu Âu được 42% cử tri tín nhiệm trong cuộc bầu cử tổng thống ở vòng một.
Kiểm phiếu tại một điểm bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Moldova và cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, tại Chisinau, Moldova ngày 20/10/2024. REUTERS - Stringer
Thanh Hà
Chủ Nhật 20/10, cử tri Moldova đi bầu tổng thống ở vòng một và tham gia cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Liên Âu. Theo hãng tin Pháp AFP, sau một cuộc kiểm phiếu với rất nhiều bất ngờ, suốt đêm qua và cho đến tận sáng ngày hôm nay, cuối cùng phe ủng hộ châu Âu thắng thế với 50,28 %. « Khoảng cách giữa phe ủng hộ và chống đối châu Âu chỉ vào quãng 8.000 phiếu ».
Giới quan sát nói đến một thắng lợi trong « đường tơ kẽ tóc », trong lúc phe ủng hộ châu Âu mà điển hình là ứng cử - tổng thống mãn nhiệm bà Sandu thất vọng bởi Chisinau hy vọng cử tri ồ ạt ủng hộ tiến trình đưa Moldova đến gần với Liên Âu.
Moldova từng thuộc Liên Xô cũ, nhưng Chisinau đã mạnh mẽ lên án Matxcơva xâm chiếm Ukraina và chính quyền của tổng thống Maia Sandu cố gắng xích lại gần với Liên Âu.
Trong cuộc bầu cử tổng thống Moldova ở vòng 1, bà Sandu tuy đã về đầu nhưng ở vòng 2, dự trù diễn ra vào ngày 03/11/2024 bà sẽ phải đối mặt với ứng cử viên bài châu Âu và có lập trường thân Nga là Alexandr Stoianoglo.
Đặc phái viên RFI Daniel Vallot từ thủ đô Moldova tường thuật về một đêm kiểm phiếu rất dài đối với cả phe ủng hộ và bài châu Âu cùng với những cáo buộc « đã có sự can thiệp của Nga ».
Cả đêm qua Vitali mắt đã dán vào điện thoại di động để chờ đợi kết quả được ủy ban bầu cử loan báo. Ủng hộ bà Maia Sandu, anh kỳ vọng lá phiếu của cử tri ở hải ngoại có thể đảo ngược tình huống và cuối cùng cho phép phe thân Liên Âu thắng thế. Vitali nói : « Những kết quả đầu tiên từ những thị trấn nhỏ gửi về không mấy thuận lợi cho châu Âu. Nhưng rồi đến khuya mới có kết quả từ cộng đồng người Moldova sống ở nước ngoài và đây là điều mang tính quyết định bởi vì thành phần này thường có lập trường thân châu Âu và họ ủng hộ bà Sandu ». Vitali có lý khi chiu khó đợi chờ và hy vọng. Vào sáng sớm nay, xu hướng có phần thay đổi để rồi cuối cùng, phe bỏ phiếu ủng hộ châu Âu giành được thắng lợi với một kết quả rất sít sao.
Cô Katalina, một nhà đấu tranh ủng hộ châu Âu thở phào nhẹ nhõm và cô từ chối nghĩ đến khả năng thất bại. Katalina nói : « Đối với chúng tôi thì Liên Âu là con đường duy nhất, bởi Moldova chỉ có thể phát triển, mở mang nhờ Châu Âu. Liên Âu tài trợ cho tất cả các dự án và đối với tôi thì gia nhập Liên Hiệp Châu Âu là giải pháp duy nhất ». Khi đi ngủ tối qua, phe ủng hộ tiến trình hội nhập vào Liên Âu tưởng rằng họ đã đánh mất lá phiếu, nhưng sáng nay khi thức dậy thì được tin rằng họ đã thành công dù chỉ là trong đường tơ kẽ tóc. Uy tín của tổng thống mãn nhiệm, Maia Sandu dù vậy cũng đã bị sứt mẻ phần nào. Bà từng kỳ vọng các cử tri ồ ạt bỏ phiếu ủng hộ tham vọng gia nhập Liên Âu của bà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét