Chủ nghĩa dân tộc là quân bài yêu thích thường được giới cầm quyền Trung Quốc sử dụng để củng cố chế độ. Giờ đây, trong thời đại của mạng xã hội, lá bài này lại càng phát triển mạnh mẽ, có khi cực đoan và thái quá, dưới hình thức mới là tấn công và bạo lực mạng. Tuy nhiên, đây là « con dao hai lưỡi » không ít lần phản chủ, vượt khỏi tầm kiểm soát và khiến chính phủ Trung Quốc phải đau đầu.Những người biểu tình chống Nhật cầm chân dung của cố lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc Mao Trạch Đông và các tấm áp phích có nội dung: "Tẩy chay sản phẩm của Nhật Bản" bên ngoài Đại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/09/2012. AP - Alexander F. Yuan - Minh Phương
Các nhóm dân tộc cực đoan trực tuyến tại Trung Quốc hoạt động như thế nào ?
Trước hết cần biết rằng một số nhóm này được tài trợ và hoạt động dưới sự chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc. Ví dụ như trường hợp của Đội quân 50 Xu, nhóm chuyên đăng tải các bình luận, thông điệp ủng hộ chính phủ trên mạng xã hội, nhằm thao túng dư luận và nâng cao hình ảnh của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tên của nhóm này xuất phát từ các báo cáo cho rằng Bắc Kinh trả cho các thành viên 0,5 nhân dân tệ (tương đương 0,69 đô la) cho mỗi bài đăng. Theo tờ The Guardian, có thể có tới 300.000 người làm việc toàn thời gian và bán thời gian cho nhóm này.
Tuy nhiên, cũng có nhiều nhóm trong số này hoạt động độc lập. Thậm chí, theo The Conversation, có những trường hợp các nhóm dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc tham gia vào các cuộc chiến trực tuyến, nhiều khi trái với mong muốn của đảng Cộng Sản. Các nhóm này ngày càng hung hăng và cực đoan, họ chỉ trích, quấy rối và đe dọa tất cả những gì mà họ tự cho là đi ngược lại với lợi ích của Trung Quốc, hoặc thậm chí là cả những cá nhân, doanh nghiệp trong nước nhưng lại được cho là không thể hiện đủ tinh thần yêu nước, như trường hợp của công ty kinh doanh nước giải khát Nongfu Spring, vốn là một doanh nghiệp nội địa rất thành công. Kênh BBC cho biết, vào tháng 3, những người theo chủ nghĩa dân tộc đã cáo buộc công ty này sử dụng các yếu tố Nhật Bản trong thiết kế sản phẩm của mình. Một trong những logo của Nongfu Spring được cho là gợi liên tưởng tới một ngôi đền Thần đạo, còn chiếc nắp có màu đỏ thì bị tố cáo là giống với màu đỏ trên quốc kỳ Nhật Bản. Ngay sau đó, trên mạng xã hội Trung Quốc đã tràn ngập những chiến dịch trực tuyến kêu gọi tẩy chay hãng nước uống này, đăng tải video quay cảnh giẫm bẹp chai Nongfu Spring hay đổ đồ uống của họ xuống bồn cầu.
Hay như nhà văn Mạc Ngôn, tác giả người Trung Quốc duy nhất từng được trao giải Nobel Văn Học cho tới nay, cũng đã phải nhận nhiều bình luận hung hăng trên mạng xã hội. Viết những tác phẩm đậm chất hiện thực về khó khăn, thăng trầm của người dân Trung Quốc, nhưng Mạc Ngôn lại bị những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan cho rằng ông không đủ lòng yêu nước, cố tình bôi nhọ hình ảnh của Trung Quốc để làm vừa lòng độc giả phương Tây.
Không chỉ vậy, những nhóm này còn thành lập các liên minh hacker để thực hiện những cuộc tấn công mạng nhắm vào những “tác nhân nước ngoài”. Tờ The Conversation lấy ví dụ về trường hợp của liên minh mang tên Hacker Đỏ. Vào năm 2008, nhóm này đã thực hiện một cuộc tấn công mạng nhắm vào công ty truyền thông CNN của Mỹ sau khi đài này đưa ra báo cáo về các cuộc biểu tình chống Bắc Kinh ở Tây Tạng, nơi đã bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1950. Trong một ví dụ khác, một nhóm có tên là Liên minh Honker đã phát động các cuộc tấn công mạng nhằm vào Philippines vì các vấn đề tranh chấp giữa hai nước trên Biển Đông. Liên minh Honker đã xâm nhập vào trang web của Đại học Philippines và đăng tải các khẩu hiệu ủng hộ Trung Quốc và một bản đồ cho thấy các yêu sách về lãnh thổ của Trung Quốc trên trang chính của trường đại học này.
Tại sao có sự phát triển mạnh mẽ như vậy ?
Đài BBC của Anh dẫn lời bà Rose Luqiu, giảng viên tại trường báo chí thuộc Đại học Baptist Hồng Kông, nhận định rằng chính “chủ nghĩa yêu nước do nhà nước hậu thuẫn” và những lời cảnh báo liên tục của Bắc Kinh về ảnh hưởng của ngoại bang đã góp phần thổi bùng lên ngọn lửa cực đoan này. Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc không ngừng gia tăng nỗ lực củng cố lòng yêu nước. Tháng 1 năm nay, Bắc Kinh đã cho ban hành “Luật giáo dục yêu nước”. Theo đó, các trường học và công ty Trung Quốc phải đưa giáo dục lòng yêu nước vào chương trình giảng dạy và các hoạt động quản lý kinh doanh và đào tạo nghề. Luật còn quy định cha mẹ cần “đưa tình yêu quê hương vào việc giáo dục trong gia đình”. Không chỉ vậy, theo bà Luqiu, chủ nghĩa dân tộc có khi còn đến từ những lo ngại về các rủi ro pháp lý vì chính quyền Trung Quốc đã hình sự hoá nhiều hành vi mà họ cho là không yêu nước.
Ngoài giới cầm quyền, những nhà sáng tạo nội dung, các tiktoker hiện nay tại Trung Quốc cũng có xu hướng “thương mại hoá chủ nghĩa dân tộc” để thu hút thêm người theo dõi, đánh bóng tên tuổi và kiếm tiền từ lượng truy cập. Các video, những bình luận nhiều khi mang tính tự tôn dân tộc thái quá lại dễ nhận được sự ủng hộ của công chúng và dưới tác động của thuật toán trên các nền tảng mạng xã hội, những quan điểm cực đoan như vậy lại càng được lan truyền rộng rãi.
Đương nhiên cũng không thể phủ nhận ngọn lửa dân tộc cực đoan này còn do sự gia tăng tư tưởng bài Trung Quốc trên khắp thế giới sau đại dịch Covid-19 cùng những căng thẳng thương mại, những lệnh trừng phạt và áp thuế với hàng hoá của Trung Quốc mà các nước phương Tây đưa ra. Theo BBC, điều này đã khiến một số người Trung Quốc cảm thấy đất nước của họ đang bị đối xử bất công.
Vượt khỏi tầm kiểm soát của đảng Cộng Sản, những nhóm dân tộc cực đoan này gây ra những tác động như thế nào ?
Tờ The Conversation phân tích, đảng Cộng Sản Trung Quốc (CCP) thường dựa vào lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc để củng cố chế độ. Tuy nhiên, sự phụ thuộc này đã vô tình trao cho các phong trào dân tộc chủ nghĩa một sức ảnh hưởng đáng kể. Kết quả là các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc trực tuyến đã thoát khỏi sự kiểm soát của đảng Cộng Sản, làm suy yếu và đôi khi mâu thuẫn với chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
Ví dụ, vào năm 2020, khi đảng Cộng Sản Trung Quốc kêu gọi các nhóm dân tộc chủ nghĩa kiềm chế sau khi bị nước ngoài chỉ trích về việc đàn áp Hồng Kông. Tuy nhiên, các nhóm này vẫn tiến hành một chiến dịch bôi nhọ, bài ngoại trên mạng xã hội. Trong khuôn khổ chiến dịch đó, các hacker đã tiến hành các cuộc tấn công mạng, như đánh cắp tài khoản Twitter của đại sứ quán Trung Quốc tại Paris và đăng một bức tranh vẽ hình nước Mỹ như hiện thân của thần chết đang ghé thăm Hồng Kông. Đại sứ quán Trung Quốc đã nhanh chóng xóa bỏ hình ảnh và xin lỗi hai nước Pháp và Mỹ. Nhưng sự cố này cũng cho thấy đảng Cộng Sản gặp khó khăn trong việc kiểm soát các nhóm dân tộc chủ nghĩa trên mạng.
Hơn nữa, theo tờ Courrier International, việc đàn áp mọi sự phê bình mang tính xây dựng có thể dẫn đến sự hình thành một dòng tư tưởng tự tôn thái quá, thậm chí là kiêu ngạo và phiến diện trong dư luận Trung Quốc. Không thể phủ nhận sự phát triển của Trung Quốc trong những năm vừa qua, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc không có gì đáng phê phán trong các chính sách của nước này. Do vậy, những bình luận, phê bình thiện chí đề cập đến những thất bại của chính phủ Trung Quốc là cần thiết để phát triển và quản lý đất nước.
Ngoài ra, tinh thần dân tộc cực đoan và những ý thức hệ về chủ quyền được tuyên truyền quá mức cũng làm giảm đáng kể khả năng hành động của Nhà nước trong trường hợp xảy ra xung đột. Khi đó, nếu chính phủ Trung Quốc muốn thực hiện những hành động nhằm giảm căng thẳng và làm dịu tình hình ở các khu vực như Biển Đông hoặc biên giới Trung-Ấn, sẽ có thể bị các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc coi là một sự đầu hàng không thể tha thứ.
(Nguồn : The Conversation, Courrier International, BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét