Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 15 tháng 11, 2023

Ăn Hồng Cần Lưu Ý- Xấu và Tốt - Sương Lam


Đây là bài số sáu trăm tám mươi tám (688) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo. Đứng trong nhà nhìn ra vườn sau, người viết cảm thấy vui vui trong lòng một ít khi nhìn những trái hồng bắt đầu đổi sang màu vàng cam rất đẹp trên cành. Những cây hồng vườn nhà tôi đã “lão” rồi giống như chủ của chúng vì đã được trồng từ năm 1988 khi chúng tôi mới dọn về đây. Các cây hồng này quá cao nên phu quân của tôi phải đốn thấp đi để cho dễ hái trái và có trái mới to hơn trên những nhánh mới. Mấy năm sau này, tôi thu hoạch ít trái hồng hơn. Tuy nhiên tôi vẫn có thể hái được một ít trái hồng vườn nhà để cúng Phật và để tặng bạn bè, thân nhân một vài trái hồng gọi là ăn lấy thảo cho vui.
<!>
Sẵn dịp mùa hồng, người viết xin chia sẻ một vài điều về trái hồng với các bạn nhé.

Trái hồng có hai loại: loại hồng mềm và loại hồng dòn

1.-Hồng mềm, còn được gọi là hồng Mòng (Hachiya) trái to hình dầu dục, lớn như trái xoài cát. Khi còn sống, mặc dầu có vỏ màu cam bên ngoài rất đẹp nhưng nếu ăn vào lúc này thì rất chát vì nhựa trái hồng làm cho quíu lưỡi và làm cho mắc nghẹn ở cổ họng, nên chưa ăn được.

Hồng mềm phải đợi thật chín, cái vỏ ngoài thật mềm mới ăn được và mới thưởng thức được cái vị ngon ngọt nó “tao” trong miệng. Quý vị dân gốc Bắc và quý vị “lão trượng” thích ăn hồng mềm này. Ngoài chợ ít bán loại hồng mềm vì “kén” khách thưởng thức. Trong vườn cũng ít người trồng vì trái hồng mềm bị rụng nhiều hơn là trái hồng dòn.

2.-Hồng giòn, (Fuyu) trái tròn và hơi dẹp, nhỏ như trái cam. Khi còn sống cái vỏ màu xanh, sẽ đổi thành màu cam đo đỏ khi hồng chín. Hồng dòn phải ăn lúc vừa mới chín tới, ăn vừa dòn “sực sực”, vừa ngọt ngọt. Nếu để chín mềm quá, chất thịt bên trong ăn không ngon như ăn hồng mềm đã chín. Đa số quý bà thích ăn hồng dòn và ngoài chợ bán nhiều hồng dòn. Tháng 11 là mùa hồng chín. Nếu thấy “nữa hồn thương đau” của bạn rinh nguyên thùng hồng dòn về nhà để trước cúng sau ăn thì xin Bạn đừng lấy gì làm ngạc nhiên nhé!

Lũ chim chóc cũng khôn lắm, bạn ạ. Chúng chỉ ăn nhũng trái hồng đã chín ngọt lịm mà thôi chứ không ăn khi hồng chưa chín vì còn chát. Khi một trái hồng mềm đã bị chim mổ rồi thì kể như trái đó bị vứt đi vì nếu tiếc của, hái vào nhà, vài ngày sau trái hồng mềm này sẽ chảy nước chèm nhẹp rồi cũng phải vứt đi mà thôi. Hồng mềm rất khó tính, chỉ một vết nhỏ chim ăn hay một vết cắn của con sóc (squirrel) cũng đủ làm tiêu tùng trái hồng này rồi. Hơn nữa hồng mềm lại rụng nhiều hơn là hồng dòn nên số thu hoạch rất ít và giá cả mắc hơn hồng dòn nên ít người trồng hơn hồng dòn.

Mời xem

Youtube Chim đến ăn hồng vườn nhà Sương Lam


Hồng dòn trồng ở Portland vì mưa nhiều nên ít ngọt hơn hồng dòn trồng ở Cali. Đa số hồng giòn bán ở các chợ Việt Nam là được trồng ở Cali mang lên. Tới mùa hồng chín là chúng tôi lại bận rộn hái hồng đem kính biếu bạn bè và hàng xóm ăn lấy thảo. Nhìn những nụ cười của bạn bè khi nhận quà biếu “cây nhà lá vườn” của chúng tôi, người viết cũng thấy vui trong lòng một ít . Smile!

Người viết còn nhớ một câu chuyện vui vui vì “bé cái lầm” về cây hồng đã làm người viết mừng hụt và nhớ mãi đến nay, xin kể cho bạn đọc cho vui nhé.

Năm 2010, Cộng đồng Việt Nam Oregon tại Portland tổ chức hội chợ mừng Xuân có mời người viết làm giám khảo cuộc thi mâm ngũ quả . Dĩ nhiên tên tuổi, điện thoại của tôi được in trên trên tờ quảng cáo Hội Tết này để cho mọi người biết mà ghi danh dự thi mâm ngũ quả. Gần tới ngày Hội Tết mà chưa thấy ai ghi tên dự thi cả, tôi cũng hơi lo.

Một buổi tối, tôi nhận được một cú điện thoại hỏi thăm có phải tôi là Sương Lam, giám khảo mục thi mâm ngũ quả không? Tôi mừng húm vì có người ghi danh dự thi. Nhưng … chính chữ Nhưng này làm tôi nhớ mãi vì người gọi điện thoại đến tôi thay vì ghi danh dự thi mâm ngũ quả lại hỏi tôi chỉ cách trồng hồng thế nào để không bị rụng quả nhiều vì cây hồng nhà ông bị rụng trái nhiều quá! Tôi rất ngạc nhiên hỏi tại sao ông hỏi tôi câu hỏi này. Vị khách quý này trả lời: “Tôi thấy hình cây hồng rất sai trái và bài viết về cây hồng của bà đăng trên báo Oregon Thời Báo trước đây. Hôm nay tôi mới biết được điện thoại của bà, mừng quá nên tôi mạn phép hỏi thăm bà về cách trồng hồng như thế nào mà đạt được kết quả tốt như thế”.


Trời đất ơi! Lại mừng hụt rồi! Mâm ngũ quả thi khó quá nên ít người dự thi chăng? Rồi đây nếu biết được số điện thoại của tôi thì sẽ có người hỏi tôi nhiều việc khác nữa chăng? Kể từ đấy, tôi không dám cho ai biết số điện thoại của tôi nữa, trừ những bạn bè thân hoặc thân nhân trong gia đình mà thôi, để khỏi bị mừng hụt như vụ trái hồng này nữa.

Lại có bạn còn chỉ cho người viết mẹo vặt muốn hồng mau chín thì để hồng bên cạnh trái táo Mỹ (apple). Việc này người viết không có làm vì người viết hái trái hồng xong thì đem đi cúng chùa và kính biếu bạn bè ráo trọi chỉ chừa lại một vài trái hồng chờ chín ăn dần dần mà thôi. Bạn thử làm xem sao?

Quý bạn nào muốn tìm hiểu thêm về cây hồng và trái hồng xin vào website dưới đây:



Trái hồng rất ngon ngọt nên nhiều người thích ăn hồng nhưng chúng ta cần lưu ý như sau:

Ăn Trái Hồng Cần Lưu Ý

Thường chúng ta thích ăn trái tươi, trái hồng ngon ngọt và có vài chất bổ thật, nhưng phải chú ý những điều sau đây:

1.- Không nên ăn khi bụng đói.

Lý do là nó có chất “tannin” (hoặc có thể gọi là “mủ”, một chất trong vỏ trái cây) và chất “pectin” (hóa chất trong trái cây), hai chất này tác hợp với axít dạ dầy (gastric acid) sẽ kết hợp lại rồi tạo ra những cục (lumps) lớn nhỏ, cuối cùng được gọi là “sạn trái hồng trong dạ dầy” (gastric persimmon stone). Khó mà tống xuất tự nhiên sạn này và phải đi giải phẩu. Triệu chứng sẽ là đau bụng, ói và có thể ói ra máu, và có thể có các triệu chứng khó chịu khác.

2.- Không nên ăn luôn vỏ vì lớp vỏ trái này quy tụ rất nhiều “tannin” ( mủ ), gây tác hại nói trên.

3.- Không ăn tráng miệng trái hồng (dessert) sau khi ăn cua, tôm, cá hoặc thực phẩm có high protein. Theo Đông y, trái Hồng và cua (hải sản) thuộc Hàn (âm khí, “lạnh bụng”).

4.- Tiểu đường, phải tránh ăn trái hồng. Độ đường trái này cao 10.8% mà là loại đường “ăn hại” (surcose, fructose, glucose, tuy rằng Glucose (đường) vẫn rất cần thiết cho tế bào), sẽ bị tăng đường trong máu (Hyperglycemia).

5.- Chất tannin (tannic acid) của trái hồng khi gặp và hợp chung với Calcium, Zinc, Magnesium và vài khoáng chất khác, nó sẽ trở thành một hợp chất (compound) mà cơ thể ta không tiêu hóa được. Không tiêu hóa các khoáng chất thì cơ thể bị thiếu khoáng chất. Chung quy là không nên ăn quá 200 grams trái hồng mỗi ngày.

6.- Nhớ đánh răng súc miệng sau khi ăn hồng. Lý do cũng là “tannic acid” nơi các mảnh hồng nhỏ còn kẹt lại giữa kẽ răng sẽ làm sâu răng (tooth decay).
Nhiều nhà bạn VN vườn sau thích có một cây hồng dòn, nhớ phổ biến tin này cho nhau nhé.

7.- Hồng sẽ làm táo bón khủng khiếp.

(Nguồn: Trích email của sư cô Huệ Hương chùa Bửu Hưng gửi tới – Xin cám ơn sư cô Huệ Hương)

Tuy nhiên, người viết cũng sưu tầm được một tài liệu nói rằng ăn hồng cũng rất tốt cho sức khỏe. Người viết không biết có đúng không nhưng cũng xin chia sẻ để quý bạn cùng rõ.

5 tác dụng trị bệnh của quả hồng:

Trái hồng là một loại quả có tác dụng bảo vệ sức khỏe rất tốt cho những người mắc chứng bệnh viêm phế quản mãn tính, huyết áp cao, xơ cứng động mạch và bệnh trĩ.

Y học truyền thống Trung Quốc cho rằng quả hồng có vị ngọt, chát, tính hàn. Quả hồng vị ngọt chát, tính hàn, vô độc; cuống hồng vị chát, tính bình, thông kinh mạch phổi, tỳ ( lá lách), thận, đại tràng; có tác dụng thanh nhiệt khứ táo, nhuận phế tiêu đờm, nhuyễn kiên, chỉ khát sinh tân, kiện tỳ, trị lỵ, chỉ huyết v.v… có thể giúp giảm táo bón, đau nhức do bệnh trĩ hoặc các chứng bệnh như là xuất huyết, ho khan, đau họng, huyết áp cao v.v…
Cho nên trái hồng là một loại quả có tác dụng bảo vệ sức khỏe rất tốt cho những người mắc chứng bệnh viêm phế quản mãn tính, huyết áp cao, xơ cứng động mạch và các bệnh nhân trĩ nội trĩ ngoại. Nếu như dùng lá hồng sắc uống hoặc hãm uống thay trà cũng có tác dụng như: thúc đẩy quá trình tạo mới cho các tế bào, hạ huyết áp, tăng cường lưu lượng máu cho các động mạch và trị ho tiêu đờm.

Dưới đây là 5 tác dụng trị bệnh của quả hồng:

1. Trị chứng tiêu chảy: dùng 2 trái hồng để lên trên cơm hấp chín ăn.

2. Trị cao huyết áp, ho khan do viêm phế quản mãn tính, đau họng: 3 trái hồng (bỏ cuống), rửa sạch ráo nước và cho lượng đường phèn thích hợp, hấp cách thuỷ cho đến khi mền là có thể sử dụng được.

3. Trị ho khan thổ huyết, lị lâu ngày ra máu, tiểu tiện ra máu: 3 trái hồng bỏ cuống cắt từng miếng nhỏ khoảng 100gam/miếng, nấu cùng với cháo, thêm đường trắng hoặc đường phèn cho vừa khẩu vị ăn.

4. Trị sưng phù tại tuyến giáp trạng: Trái hồng xanh 1000 gam, rửa sạch cắt cuống, giã nát, dùng tấm vải thô chắt lấy nước cho vào nồi, đun to lửa cho đến khi đặc sền sệt, cho thêm vào 2 phần mật ong tiếp tục nấu đến đặc sệt lần nữa, có thể đợi nguội đóng vào chai dùng dần. Mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 thìa, pha nước nóng uống.

5. Trị viêm đường tiết niệu, xuất huyết đường niệu: 2 trái hồng, 6gam cỏ bấc đèn, nấu thành canh, cho thêm đường trắng vừa với khẩu vị, uống mỗi ngày 2 lần.

(Nguồn:Theo afamily.vn)

Theo thiển ý, bất cứ trái cây hay thức ăn nào chúng ta cũng cần thưởng thức một ít cho vui chứ đừng ăn quá nhiều thì sẽ có hại cho sức khỏe. Bất cập cũng như thái quá đều không tốt, bạn nhỉ?

Mời xem

Youtube Hồng Chín Mùa Thu vườn nhà Sương Lam năm 2013



Bây giờ tôi phải kêu người đến "trim" bớt các cây hồng, cây lê vì lá rụng nhiều, không quét lá nổi nữa, nên phải kêu thợ đến hốt lá, trả tiền trim cây và hốt lá tốn tiền quá. Cũng đành thôi!

Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 688-ORTB 1117- 111523)

Sương Lam


Không có nhận xét nào: