- Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, anh cũng yêu và chờ em mãi mãi.
Tôi tin lời nói thành thực ấy. Tôi biết rằng Hải yêu tôi, chỉ một mình tôi trong suốt những tháng ngày ở Đà lạt, dù có nhiều bạn tôi rất thích chàng. Thế là chúng tôi xa nhau với những lời thề thốt gắn bó keo sơn. Hải không ngăn cản tôi trong con đường học vấn, chàng cũng không hề bày tỏ nỗi lo sợ sẽ mất tôi mà chỉ nhấn mạnh rằng chàng là con người hơi khó khăn khi chọn lựa, mà khi đã chọn lựa rồi thì không bao giờ thay đổi. Tôi là người đầu tiên đưa chàng vào tình yêu diễm tuyệt. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì tình yêu đầu tiên này sẽ là mãi mãi. Tôi cũng dùng đủ mọi danh từ hoa mỹ thề thốt, để chàng tin rằng tôi cũng nghĩ như chàng.
Nhưng rồi hoàn cảnh của chúng tôi ngày càng khác biệt. Tôi đã quen thuộc với đời sống xa hoa và tiện nghi vật chất, mà Hải thì lại cứ bận rộn hành quân chinh chiến, nên dù có dịp về thăm nhà trong những kỳ nghỉ hè chúng tôi cũng ít có dịp gặp nhau. Một ông văn sĩ lãng mạn nào đó đã định nghĩa rằng tình yêu là sự va chạm của hai làn da, có lẽ cũng không có gì là sai, nếu so sánh trong trường hợp của tôi. Chúng tôi có quá nhiều thời gian xa cách, rồi cuộc sống tự do nơi xứ người đã thay đổi tâm hồn tôi. Tôi cần những sự đụng chạm, những môi hôn, những lời thầm thì yêu đương, mà Hải và tôi không thể sống gần nhau. Những ngày, những tháng, những năm nối tiếp nhau qua. Tình yêu với Hải trong tôi dần dần cũng phôi pha theo ngày tháng.
Một ngày mùa thu, khi trở lại Việt nam, tôi theo một chiếc trực thăng lên tiền đồn miền biên giới thăm Hải. Chúng tôi gặp nhau không nói được thêm điều gì. Hải thường bảo chàng là một sĩ quan, lo trước nỗi lo và vui sau niềm vui của lính. Tôi bày tỏ ý muốn nhờ uy thế của cha, giúp đỡ chàng về một nơi tốt hơn, có cơ hội thăng tiến và đi du học, nhưng Hải từ chối. Chàng không muốn nhờ vả gia đình tôi dù bất cứ điều gì. Tôi, có lẽ vì mặc cảm, bùng lên cơn giận:
- Anh nghĩ lại coi, từ trên xuống dưới ai cũng mong có người che chở, không ai gàn bướng như anh.
Hải không nói gì, chàng yên lặng nhìn vào khoảng không xa thẳm. Có lẽ trong đầu óc chàng không mấy thích gia đình tôi khi ấy. Tôi nghĩ rằng chàng đã đánh giá tôi và gia đình thuộc thành phần, mà trong tâm hồn Hải có sự rẻ khinh, chỉ biết tìm điều lợi cho mình mặc cho đất nước đang bị xâu xé bởi chiến tranh. Càng nghĩ cơn giận trong tôi càng bùng lên mãnh liệt. Lần đầu tiên kể từ lúc yêu nhau chúng tôi cãi vã. Tôi giận dỗi về lại Sài gòn, hàng mấy tháng không thèm viết thư cho Hải.
Rồi một ngày kia ở nơi xứ người, tôi gặp lại Thức - Con của bạn cha tôi, người đã tán tỉnh tôi dạo trước - Thức đi du học trước tôi cả 6,7 năm, đã sành sỏi và thành công trên đường đời. Sự thành công được đánh giá bằng giàu sang và danh vọng. Tôi quên hẳn một ngày xưa, trước khi đi du học Thức đã mếu máo khổ sở, lợi dụng sự quen biết tìm đến cha tôi nhờ can thiệp cho chàng khỏi vào lính như những thanh niên khác.
Chúng tôi về lại Việt Nam. Cả hai gia đinh đều vui mừng vì môn đăng hộ đối. Thế rồi chúng tôi kết hôn ngay sau đó. Một đám cưới rềnh rang, xa hoa và lãng phí được tổ chức trong lúc chiến cuộc diển ra dữ dội kinh hoàng. Ngày tôi ngồi trên chiếc xe hoa lộng lẫy muôn màu về làm vợ Thức, thấy những chiếc xe nhà binh chở người ra trận địa, lòng chợt nao nao nhớ đến ngày xưa và Hải. Không biết giờ này chàng ở phương nao?
Tháng tư 1975 trong lúc Sài Gòn đang hấp hối, trên chuyến xe vội vã ra phi trường tôi chợt nhìn thấy Hải và những người lính của anh dưới một giao thông hào mới được đào để phòng thủ ở ven đường. Nhìn vẻ hoảng hốt lo sợ quá đáng của Thức thật tương phản với nét rắn rỏi và vẻ bình tĩnh ngoài kia của Hải, tự nhiên trong lòng tôi dâng lên niềm thương cảm và hối hận. Phải, từ ngày tôi lập gia đình, đã bao nhiêu lần tôi nhận được thơ của Hải, vẫn những chuyện hành quân trên đường xa vạn dặm, vẫn những lời yêu thương tha thiết nồng nàn, vẫn một lòng dạ thủy chung chưa hề biết đến tôi đang bội phản. Chàng còn xin lỗi đã làm tôi không được vui trong những một ngày lên thăm dạo trước, và cố phân trần giải thích rằng chàng chỉ muốn tự lập, tự định đoạt cuộc đời mình. Tôi không dám trả lời Hải. Cho đến một ngày kia biết ra sự thật, Hải vẫn không oán hờn, trách cứ mà lại nhận lỗi về mình. Chàng xin lỗi vì đã bỏ tôi chờ đợi trong nhiều năm tháng lạnh lùng, và cầu chúc cho tôi có được cuộc đời hạnh phúc.
Từ đó, sau ngày mất quê hương, sống bên chồng nhưng tôi không thể nào quên được hình ảnh Hải với gương mặt bình thản, lạnh lùng, trong chiều di tản....
Tiếng ai gõ cửa làm tôi tỉnh giấc. Người nhân viên phục vụ lễ phép trong khách sạn mời tôi:
- Thưa bà, ông nhà cho mời bà xuống nhà ăn dùng bữa.
Tôi thay quần áo, trang điểm qua loa rồi bước theo sau người nhân viên đang còn chờ ngoài cửa. Đi qua một dãy hành lang dài tôi bước xuống cầu thang chật hẹp vào phòng ăn được bài trí thật sang trọng dành riêng cho ngoại kiều và cán bộ. Thức đang khoa tay múa chân nói chuyện với 3 người đàn ông lạ. Hai người mặc thường phục, áo quần thuộc loại đắt tiền, có thắt cà vạt. Người thứ ba là một viên công an. Ông ta mặc đồng phục màu vàng, vai đeo xà cột, trên cổ áo có gắn cấp hiệu. Mấy ngôi sao trên miếng vải đỏ tươi như máu. Thấy tôi Thức đứng lên giới thiệu:
- Thưa các anh, đây là nhà tôi.
Quay sang tôi anh tiếp:
- Đây là hai đồng chí trong ban lãnh đạo thành phố, còn đây là đồng chí chỉ huy công an.
Tôi gật đầu chào những người đầy tớ của nhân dân đang ngồi bảnh chọe trên những chiếc ghế nệm dầy, trong lúc các món ăn đang được dọn ra. Hai ba người nhân viên vội vã kính cẩn đang chờ sai bảo. Người mặc sắc phục công an nhìn tôi chằm chằm như dò xét. Cái nhìn đầy vẻ trịch thượng của một kẻ nghĩ rằng mình đang có uy quyền, pha lẫn những khát khao thèm muốn. Tôi bỗng nhớ đến chị Tâm bạn tôi kể cho nghe những ngày tháng đi thăm chồng cải tạo. Có những bà vợ lính bị chúng lợi dụng những đêm tối cô đơn, vắng vẻ để cưỡng hiếp mà không dám than thở, thưa gửi cùng ai.Khi những lời mời chào, chúc tụng khách sáo qua đi, cả 3 người đều hục vào ăn uống sảng khoái. Họ vừa ăn vừa nói bô bô như không còn có ai ngoài họ. Cái cấp hiệu màu đỏ tươi như máu kia làm tôi nhớ lại những sợ hãi, hốt hoảng 20 năm tướrc khi chạy lên tàu tìm đường trốn ra khỏi nước. Bây giờ nhờ những đồng tiền lại được ngồi đây, được tiếp đón.Tự nhiên tôi muốn buồn nôn cuộc đời. Tôi ghê tởm chính tôi, ghê tởm cả 4 thằng đàn ông đang ngồi trước mặt. Tôi lại nhớ đến Hải và những ngày xưa...
...Mấy năm sau ngày di tản, tôi được tin Hải bị lưu đày nơi núi rừng Việt Bắc cùng với chồng của một chị bạn học ngày xưa. Khi chị ấy vượt biển sang được miền đất tự do, chúng tôi có dịp gặp nhau, có nhiều thì giờ kể cho nhau nghe. Tôi được biết chồng chị đã chết vì kiệt sức, còn Hải thì bị chúng giam cầm riêng trong ngục tối vì trong những ngày cuối cùng chàng không chịu tuân lệnh Dương Văn Minh cho lính buông súng đầu hàng. Đáng lẽ ra Hải đã bị xử tử, nhưng vì mẹ chàng tình cờ gặp lại một người em làm lớn ở phía bên kia. Bà đã cố gắng lạy van người em cứu con mình nên bản án tử hình của Hải không đem ra thi hành.
Nhưng dù không giết chàng ngay khi ấy, vì nhân danh khoan hồng và nhân đạo, vì tình nghĩa gia đình, người Cộng Sản tìm cách giết Hải dần dần bằng những trận đòn tra tấn, thù hằn. Chúng nghĩ rằng trong đầu óc chàng chứa đựng cả một âm mưu ghê gớm, chống lại chúng. Không bao giờ người Cộng sản biết được Hải đã nghĩ gì, và đổi lại chàng phải gánh chịu những cực hình man rợ nhất. Tôi bỗng nhớ đến đôi mắt Hải, đôi mát sáng và trong như tâm hồn của chàng. Ngày ấy, mỗi lần hát cho tôi nghe những bản tình ca thì đôi mắt kia cũng nhìn tôi đắm đuối.
Cuộc sống của chúng tôi ở nước ngoài vô cùng thoải mái, Thức lúc nào cũng khôn ngoan trong công chuyện làm ăn và chưa bao giờ chồng tôi thất bại. Tiền bạc vật chất dư thừa không làm tôi cảm thấy vui tươi trong cuộc sống. Tôi luôn luôn bị ám ảnh rằng còn thiếu Hải một món nợ không bao giờ trả nổi bằng những vật chất dư thừa mà tôi đã có. Những lời hẹn hò ngày xưa thật ra không bay theo gió.Chúng vẫn hiện hữu trong tâm hồn tôi hôm nay để nhắc nhở rằng tôi chỉ là một người đàn bà bội phản, một người đàn bà dối gian trong một cuộc tình tươi đẹp nhất, một người đàn bà ham giàu sang danh vọng mà quên đi cả những lời thề trang trọng trong đời.
Tôi cố gắng tìm mọi cách để liên lạc và giúp đỡ Hải khi được biết chàng được thả ra, nhưng vô ích. Hải tìm đủ mọi cách tránh né và từ chối sự giúp đỡ vật chất của tôi cho dù chàng thiếu thốn. Đã mấy lần tôi kín đáo nhờ cậy bạn bè, dò la tin tức nhưng cũng chỉ biết đại khái rằng chàng đã được thả ra sau 7 năm tù tội. Rồi khi có chương trình ra đi nhân đạo dành cho những cựu tù nhân, tôi vẫn hồi hộp đợi chờ sẽ có một ngày gặp lại Hải trên miền đất tự do. Nhưng chờ mãi cho đến khi không còn kiên nhẫn nữa, tôi đành phải nhờ người chị cùng học với tôi ở Đà lạt khi xưa lên tìm Hải, và tôi được biết rằng Hải không có ý định ra đi.
Hôm qua, trước khi lên Đà lạt, tôi đã nói chuyện nhiều với chị Tâm về Hải. Tôi cũng cho chị biết là tôi sẽ lên đây tìm Hải vì chị cho biết Hải vẫn ở ngôi nhà ngày trước, nhưng bây giờ thì mẹ chàng không còn nữa. Có điều không hiểu sao chị Tâm không hề khuyến khích tôi mà lại có ý ngăn cản tôi đừng lên.
- Ngọc à, chị hỏi thực, em có còn yêu Hải nữa không?
- Sao vậy chị, chị có biết rằng em về đây chỉ là để gặp lại Hải một lần. Bao nhiêu năm đã qua rồi, bây giờ em chắc chắn nói với chị rằng trong đời em, em chỉ yêu một mình Hải mà thôi.
- Chị biết chứ... nhưng mà..
- Nhưng mà sao hả chị, hay là Hải đã có gia đình. Nếu thế thì em cũng mừng cho Hải và đúng như chị nói, em không nên lên trên ấy.
- Không phải đâu, Hải vẫn còn độc thân. Chị biết Hải vẫn còn yêu em, chắc chỉ yêu có mình em thôi. Nhưng mà...
- Thế là đủ rồi. Thế thì em lại càng nên gặp Hải để xin anh ấy một lời tha thứ. Em cũng muốn khuyên anh ấy nên nghĩ đến mình mà hãy lập gia đình để có người lo cho lúc về chiều.
- Thôi tùy em đấy, nhưng theo chị nghĩ người như Hải chắc chẳng nghe ai...
Tôi muốn đi bộ một mình trên những con đường xưa để nghe thấy lòng mình rung động theo từng sự đổi thay của cảnh vật. Nắng lên, Đà Lạt đắm chìm trong ánh sáng. Tôi nghe thoáng đâu đây tiếng suối reo trong rừng thông vắng. Gió êm đềm chở những hương thơm của muôn loài hoa Đà lạt bay bay trong không gian sáng trong như ngọc. Ngày xưa Hải vẫn thường nịnh khi anh bảo rằng đời anh may mắn có một viên ngọc quí là tôi. Anh thường nói rằng “mỗi sáng, nắng lên cao, nhìn cây cỏ xanh tươi chìm trong ánh nắng, anh cứ tưởng đến những viên ngọc bích, và anh lại nghĩ tới em”. Hôm nay trong khúc đường quanh co của một không gian xưa cũ, tôi vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây tiếng thầm thì êm dịu của Hải rót vào tai tôi những lời mật ngọt yêu đương.....
Qua khỏi con dốc vắng là đến con đường dẫn đến khu nhà nằm ở ven đồi. Ngày xưa không biết bao nhiêu lần tôi đi ngang qua chốn này để đến thăm mẹ Hải, để chờ đợi chàng trong những chúa nhật được phép ra ngoài dạo phố. Nhà của Hải không lớn lắm nhưng hoa hồng thì lại rất nhiều. Những bụi tường vi uốn ngoài đầu ngõ phô bày những chùm hoa mơn mởn tươi xinh, những đóa hồng đỏ thắm, vàng tươi, trắng muốt. Cả một rừng màu sắc rực rỡ như tuổi thanh xuân quây quần lấy hai chúng tôi dạo ấy.
Tôi dừng lại trên đầu dốc, ngạc nhiên nhìn con đường quanh co phía dưới chân đồi, chẳng còn gì ngoài những vạt đất khô cằn, những bức tường đổ nát loang lổ rêu bụi phủ mờ. Cả một thôn xóm trù phú tươi xanh ngày xưa đã bị giải phóng cuốn trôi đi chỉ còn lại đổ nát, lở lói hoang tàn. Tôi lần xuống con đường hỏi thăm bà cụ đang ngồi thái khoai bên túp lều gần đó.
- Cụ ơi cho con hỏi thăm.
Bà cụ ngửng đầu lên nhìn tôi đăm đăm khiến tôi hơi ngượng vì những gì mình đang khoác trên người. Dù đã cố gắng ăn mặc giản dị nhưng vẫn tương phản với những rách rưới nghèo nàn chung quanh. Tôi đứng im lặng đợi chờ một sự cảm thông, giúp đỡ. Bà cụ ngừng tay, mời tôi ngồi xuồng chiếc ghế mây duy nhất đã rách nát xác xơ:
- Cô muốn hỏi thăm ai?
- Dạ cháu muốn hỏi thăm ông Hải. Cháu nghe mói ông ấy vẫn còn ở đây phải không, thưa cụ?
- Có phải là ông Hải đang bị quản chế đó không? Thế cô là gì của ông ấy? Bây giờ chắc ông ấy không có nhà đâu. Nhà ông ấy ở ngay kia kìa.
Vừa nói bà cụ vừa chỉ đến một túp lều khác được dựng ngay trên nền căn nhà cũ. Đó chỉ là một mái tranh dựa trên một bức tường vôi duy nhất còn sót lại, chung quanh được che bằng những tấm tranh thưa. Đúng rồi, đó là nhà của Hải ngày xưa. Tôi còn nhớ chiếc cổng rào thưa trồng những hàng cây tường vi hồng lạt. Không trả lời mà tôi lại hỏi ngay bà cụ:
- Sao mà ở đây nhà nào cũng bị phá đi tan nát hết? Chắc lúc trước đánh nhau ở đây dữ lắm, phải không cụ?
- Đâu có đánh nhau gì. Ngày mới vô các ông ấy nói là phải đi kinh tế mới, bắt dân gỡ hết nhà cửa mang lên rừng ở. Mấy năm ở trên ấy chẳng ai ngó ngàng gì đến, làm không đủ ăn nên lại lục đục kéo nhau về thì nhà cửa còn đâu. Thôi đành che tạm để có chỗ mà chui chứ biết làm sao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét