Tết tây rồi tết ta tới nơi! Trời hôm nay lạnh căm căm, lất phất mưa thêm não lòng những người đa cảm, luôn cả những người đang cảm thời tiết. Ai cũng dán mắt lên cái đồng hồ treo tường vì trông giờ về. Thế mà bà sếp thân thương lại đến nhờ tôi với chị Hường ở lại, làm cho xong việc mới về vì hãng cần gởi hàng đi cho khách hàng ngay trong hôm nay. Chị Hường lười nói tiếng Anh nên hất hàm ra lệnh cho tôi trả lời. Biết nói gì đây? Khi hãng cần hàng gấp thì sếp năn nỉ lính. Nhưng khi lính cần sếp quan hoài lúc hãng ít việc thì… sếp đàn bà ưa để bụng! Nên tôi nói láo lòng mình: “Không có gì. Thưa bà. Tôi với bà Hường sẽ ở lại, và cố gắng làm xong sớm nhất cho bà.”
<!>
Sếp cảm ơn tử tế hơn cần thiết vì là sếp đàn bà mà. Chỉ khi sếp đi rồi, chị Hường mới nói:
“Mẹ ơi! Mùa này ra hãng 5 giờ rưỡi đã tối hù. Làm xong mớ hàng này cho mẻ thì sớm nhất cũng 7 giờ. Ra hãng chắc tưởng nửa đêm…”
Tôi nói với chị:
“Em không cần giải thích nhiều với chị đâu, vì chị em mình biết nhau quá mà! Em cũng không ngại giờ về, thời tiết con khỉ khô gì hết. Nhưng em đói quá rồi, mới là chuyện đáng lo! Bây giờ chị để em làm một mình, chắc chắn là nhanh hơn làm chung với chị vì em rành việc này hơn chị. Còn chị chỉ kiểm tra lại dùm em là mình vừa được nhanh để về, vừa an toàn hậu sự…”
Chị em tôi cắm cúi làm cho nhanh, nhưng cơn đói làm mờ mắt. Tôi nói với chị Hường:
“Chị. Giờ này về. Trời thì lạnh. Người thì mệt. Em đang tưởng tượng tới cháo gà, dĩa gỏi xé phay… Trời ơi! Chị Hường ơi…!”
Cầu được ước thấy. Đâu ngờ chị trả lời:
“Cầu được ước thấy hen. Sao biết tui nấu cháo gà, làm gỏi xé phay hay vậy?”
“Má ơi! Chị nấu gì ở nhà chị thì ông Táo biết chứ làm sao em biết!”
Chị nói:
“Thôi làm nhanh đi. Ra khỏi hãng thì tui kêu con gái tui hâm cháo gà. Mình về tới nhà là có ăn liền cho bớt đói…”
“Chị mời em thiệt không đó? Chuyện đói bụng là chuyện sanh tử đó à nha…!”
“Làm đi…!”
**********
Tôi lái theo xe chị Hường về nhà chị. Bước vô nhà đã thơm lừng mùi cháo gà. Chị bảo cháu ngoại:
“Thưa ông đi con.”
Tôi hết đói với suy tư… mình lên hàng ông thật rồi sao? Nhưng đến con gái chị khoanh tay “Thưa chú” thì tôi hết muộn phiền tuổi tác vì đói quá sức rồi!
Thôi thì nỗi buồn nào cũng không hơn nỗi buồn khi cái bao tử rỗng. Bỗng nhớ nhà văn quân đội Lâm Chương hết sức, vì anh ấy viết một câu từ trong tù cải tạo như kinh điển: “Khi đói. Bộ óc người ta tuột xuống dưới bao tử để chỉ nghĩ đến cái ăn…”
Nhưng khi tôi đã phá tan dĩa gỏi gà, tung hoành xạch bách tô cháo nóng và vài món cúng khác nữa, tôi mới thấy trên bệ lò sưởi có bình bông cúng, cái ly kiểu cách đến chỉ để cắm nhang thì nhang còn mới tới như nhang vừa tàn… Tôi hỏi chị Hường:
“Hôm nay nhà chị có đám giỗ hả?”
Chị trả lời:
“Giỗ ba chồng tui hôm qua. Tui đi chợ. Về làm mấy món cúng mà ba tui ưa thích hồi còn sống. Rồi mệt quá nên tui đi nằm. Con gái tui gọi hoài mà má không bắt điện thoại nên nó chở con về nhà ngoại vì lo tui chết thúi trong nhà…”
“Vậy…! Anh nhà đâu? Em đói quá nên quên hỏi thăm anh…”
“Trời mẹ ơi! Ổng bỏ tui từ hồi con nhỏ này (tay chỉ con gái chị) mới 9, 10 tuổi. Nay nó 30 mấy rồi! Con nó đi lớp 1 rồi!...”
“Nhưng…?”
“Tui nghe nhiều rồi, nên đừng hỏi nữa!”
“Dạ chị.”
“Con Hiền. Lấy chai rượu cúng hôm qua ra đây cho má!”
*******
Chị tôi say, nên tôi tin là phước phần có thật. Bởi chị có người con gái quá hiếu thảo với mẹ, khi từ cô kể ra:
“Má con đã 65 tuổi rồi, con 36 tuổi. Ba con bỏ nhà đi khi con mới 10 tuổi. Hồi đó con tức giận ba con, vì thấy má con ban ngày đã cực khổ quá, đêm tới cứ khóc thầm hoài… Nhưng lớn hơn lên thì con khuyên má con đi bước nữa. Tại bác… (đó) là người làm chung hãng với má con. Bác thường tới nhà giúp cho má con những việc đàn bà không làm được như cưa bớt nhánh cây ngoài sân trước, sân sau. Bác sửa vòi nước bị rỉ trong nhà tắm, thay bóng đèn tuốt trên trần nhà, vô dầu mỡ cho cửa garage hết kêu kót két; bác sửa xe, thay thắng, thay nhớt ở nhà cho má con đỡ tốn tiền… Bác giỏi lắm, cái gì cũng biết làm. Còn nấu ăn ngon nữa. Bác mời mà má con không qua nhà bác ăn thì bác bưng luôn nguyên nồi sang nhà con ăn cơm chung cho vui… Con lớn rồi nên con hiểu được bác có tình cảm với má con. Trong khi vợ của bác thì chết bệnh cũng lâu rồi. Bác ấy hiền, đối xử tốt với má con và con. Nên con khuyên má con ưng bác đi cho con có ba.
Không biết má con nghĩ gì, kể ra cũng lạ lùng lắm chú! Vì mắc gì mà cứ cúng giỗ ông nội với bà nội của con khi cha con đã đối xử với má con và con như vậy? Nhưng má con suy nghĩ lâu tới bác đó chết già luôn cũng không chịu đi bước nữa, vì tao còn mặt mũi nào để nhìn ông bà nội mày! Ai già cũng phải chết. Rồi xuống dưới gặp lại nhau, làm sao nhìn mặt mà không xấu hổ?”
********
Tôi về. Con gái chị Hường tiễn tôi ra cửa vì má đã ngủ ngồi với cháu ngoại của bà trên sofa. Con rể của chị cũng vừa đến. Vì, “tối nay em với con ngủ bên nhà ngoại thì anh ngủ nhà với ai…?”
Người trẻ thật dễ thương với đối đáp, nhưng người già thương dễ nhau hơn bởi đã không ít thì nhiều bị đời làm tổn thương nên mới biết tới tình nghĩa.
Tôi nhớ những lời say của người chị:
“Ở đời, đâu có ai bắt mình quỳ lạy ai đâu! Nên khi đã tự ý quỳ lạy cha mẹ chồng cho mình được làm con dâu, thì họ sống, mình phải phụng dưỡng như cha mẹ đẻ của mình. Họ chết rồi, mình phải giỗ quảy tới hết đời mình. Còn chuyện vợ chồng với nhau thì phước phần, duyên nợ, là chuyện riêng của hai vợ chồng. Đâu bất hiếu với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ mình được. Cái thời của tui nó như vậy, không giống bây giờ.
Để tui kể cho nghe: Bà bạn tui, cũng cỡ tuổi tui. Nhưng bà ấy ốm đau bệnh hoạn rề rề… Sống với con trai thì con dâu than thở tốn kém, hầu hạ… mệt quá! Thằng con trai ráng nhịn vợ cho mẹ mình được ở nhà. Thì vợ nó đem con về ở nhà mẹ đẻ của nó. Có khác nào bỏ chồng?
Tới thằng con trai hết đường, năn nỉ thằng em rể cho đem mẹ qua ở với con gái. Thì cũng không được bao lâu, thằng rể than phiền tốn kém, nhà có người già, bệnh hoạn… Nó sống không nổi đâu vì không khí trong nhà u ám quá!
Thành thử hôm đưa bả vô nhà già, tui đến tiễn chân. Bả khóc thảm thiết như con nít đi học ngày đầu. Cứ níu áo hết con gái tới con trai, hết cháu nội tới cháu ngoại nhờ nói cho bà một tiếng! Nhưng người ta bây giờ lạnh lòng tới dửng dưng vậy đó! Ruột thịt mà coi như người dưng…
Rồi thì thời gian đầu ở nhà già, con cháu còn tới thăm. Từ từ tụi nó quên luôn là có mẹ ở nhà già. Đám cháu nội, cháu ngoại thì sợ bà như sợ bà phù thủy. Lần nào tui tới nhà già thăm bả, tui cũng khóc lúc đi về. Tự bả cứ níu áo tui ở lại với bả thêm chút nữa… thấy tội nghiệp lắm!
Nên bả chết hồi năm rồi! Tui đi đưa đám ma bạn mà trang điểm, mặc quần áo như đi đám cưới. Con gái tui nói ‘má kỳ vậy má’. Tui kệ. Tự tui mừng cho bà bạn tui đã hết buồn. Tui buồn cho con trai, con gái của bạn tui khóc lóc thảm thiết với cái xác không hồn… Thời buổi này, tới chừng đi làm hết nổi, tui cầu cho trời phật kêu tui cái một cho khoẻ thân. Tui chỉ van vái trời phật đừng cho tui bệnh. Còn chết thì đâu ai khỏi. Đúng không?”
*******
Tôi ấn tượng với căn nhà quá sức đơn giản của chị Hường. Dường như chẳng có thứ gì để có thể gọi là đồ trang trí trong nhà. Nhớ những hôm thấy chị không vui, hỏi thăm thì y như rằng: Con gái với thằng rể mua sắm gì đó cho chị thì chị bắt đem trả. Nếu không phải chuyện đó thì là ngược lại, chị mới vừa cho bớt đồ gia dụng đã quá ít trong nhà, nên con cái cự nự…
Từ đó tôi hiểu ra những suy nghĩ đằng sau, bên trong những lời nói ra, hay những hành vi khác thường của chị trong hãng. Như sếp hỏi: “Tôi cần một người ở lại làm trễ để hoàn tất việc này. Ai có thể giúp?” Thì hàng chục cánh giơ lên! Trong khi chị cũng ngưng làm, nhưng không để giơ tay lên mà là… giấu hai tay xuống gầm bàn.
Nên tôi hết lạ với những điều chị nói cũng khác thường. Mấy người đàn bà rủ chị chơi hụi. Chị trả lời: Tui đóng hụi chết hết hơi rồi. Tiền đâu nữa mà chơi hụi với mấy bà. Hụi chết của chị là cho từ thiện đều đặn, cúng chùa mỗi rằm…
Người đàn bà phi thường trong đời thường, vẫn lặng lẽ đi làm để nuôi thân khi đã 65 tuổi đời; nuôi cả chút văn hóa dân tộc còn sót lại qua lòng hiếu thảo với tứ thân phụ mẫu. Thật khả kính.
Phan
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài mới là truyện kể cuối năm dễ làm mềm lòng người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét