Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

Vua Đồng Khánh từng đòi Pháp trả lại các báu vật Nhà Nguyễn - VOA

Dong Khanh emperor

Bất luận thế nào, vua Đồng Khánh do Pháp dựng lên còn không nề đòi nước này trả lại cho hết các báu vật Nhà Nguyễn bị cướp đoạt thì không có lý do gì Chính phủ Việt Nam - chính phủ của một quốc gia độc lập - lại phải xin mua ấn vàng “Hoàng Đế Chi Bảo”...Cù Huy Hà Vũ - Sau khi đánh bại Nhà Tây Sơn và thống nhất đất nước vào năm 1802, Chúa Nguyễn Ánh (1762 – 1820) lên ngôi Hoàng Đế với niên hiệu Gia Long. Ông đặt tên nước là Việt Nam và lấy Phú Xuân (Huế sau này) làm kinh đô. Số lượng vàng bạc mà người khai sáng Triều Nguyễn có trong tay lớn đến mức chính quyền trung ương, mà ở đây là Nội vụ phủ, đặt dưới sự kiểm soát của Nội các gồm thành viên là người trong hoàng tộc và quan chức ở Bộ Hộ, chỉ quản lý việc đúc vàng; việc đúc bạc được giao cho các xưởng ở các trấn (sau đổi là tỉnh).

<!>

Cùng với việc đánh chiếm Nam kỳ lục tỉnh, thực dân Pháp bắt đầu dòm ngó kho vàng bạc của Triều Nguyễn mà họ gọi là Triều đình Huế (la Cour de Hué). Tháng 1/1885, Charles le Myre de Vilers, Thống đốc dân sự đầu tiên của Nam kỳ lục tỉnh và là Đặc sứ Trung Kỳ, trong một báo cáo đã đề cập đến một “kho tàng bao la” ở Huế. Theo nhà cai trị thực dân này, triều đình Huế cất giữ khối lượng vàng trị giá 2 triệu franc và khối lượng bạc trị giá 11 triệu franc. Các số liệu này đã được điều chỉnh sau khi Pháp chiếm được kinh thành Huế và phát hiện nhiều hầm vàng, bạc mà vua Minh Mạng (1820 – 1841) đã cho chôn giấu, theo đó khối lượng vàng được đánh giá lại lên đến 7 triệu franc và khối lượng bạc chỉ khoảng 6,5 triệu franc (1).

Kinh đô thất thủ và cuộc cướp bóc lịch sử

Nhằm chiếm đoạt “kho tàng bao la” của Triều đình Huế cũng như biến toàn bộ Việt Nam thành thuộc địa, ngày 2/7/1885, tướng Pháp De Courcy, tổng trú sứ Trung kỳ và Bắc kỳ, đến Huế với 1 tiểu đoàn lính Phi châu, 1 đơn vị đặc nhiệm sơn cước và 2 tàu chiến, tổng cộng 19 sĩ quan và 1024 binh sĩ. Với mục đích khiêu khích, viên tướng thực dân đòi vua Hàm Nghi để phái đoàn Pháp đi thẳng vào Hoàng thành qua Ngọ Môn, vốn là cửa dành riêng cho Hoàng Đế Đại Nam, và bước xuống ngai vàng ra đón. De Courcy còn khước từ quà tặng của vua để cuối cùng lật bài ngửa: "Nếu các người muốn yên ổn, thì trong 3 ngày phải nộp 200.000 thỏi vàng, 200.000 thỏi bạc và 200.000 francs" (2).

Để phá vỡ tình thế mất chủ quyền quốc gia đã cận kề, 3 giờ sáng ngày 5/7/1885 (23/5 âm lịch), Phụ chính đại thần, Thượng thư bộ binh Tôn Thất Thuyết điều 30 nghìn quân tấn công quân Pháp đang đóng tại đồn Mang Cá và tòa Khâm sứ. Trang bị chủ yếu bằng giáo mác và súng thần công với độ bắn không chính xác nên quân Triều đình dù đông hơn hẳn đã không địch lại được quân Pháp trang bị vũ khí hiện đại khi đội quân này phản công. Kết cục là Tôn Thất Thuyết đã phải đưa vua Hàm Nghi và Tam Cung rời bỏ kinh thành và di tản về căn cứ Tân Sở ở Quảng Trị. Tại đây, ngày 13/7/1885, nhà vua trẻ đã tự tay đóng ấn “Ngự Tiền Chi Bảo” lên “Dụ thiên hạ Cần Vương”, kêu gọi sĩ phu và dân chúng mọi miền đứng lên chống Pháp.

Vua Đồng Khánh tại lễ Đăng Cơ năm 1885. (Source: Charles-Édouard Hocquard - Antoine Lefébure (dir.), Explorateurs photographes. Territoires inconnus. 1850-1930, La Découverte, 2003)
Vua Đồng Khánh tại lễ Đăng Cơ năm 1885. (Source: Charles-Édouard Hocquard - Antoine Lefébure (dir.), Explorateurs photographes. Territoires inconnus. 1850-1930, La Découverte, 2003)

Ngay sau khi kinh thành thất thủ vào trưa ngày 5/7/1885, quân Pháp đã tiến hành cướp bóc “kho tàng bao la” của Triều đình, điều này được chính Tướng De Courcy xác nhận trong bức điện ngày 24-7-1885 gửi Paris:

“…Trị giá phỏng chừng các quý vật bằng vàng hay bằng bạc giấu kỹ trong các hầm kín là chín triệu franc. Đã khám phá thêm nhiều ấn tín và kim sách đáng giá bạc triệu. Xúc tiến rất khó khăn việc tập trung những kho tàng mỹ thuật. Cần cử sang đây một chiếc tàu cùng nhiều nhân viên thành thạo để mang về mọi thứ cùng với kho tàng” (3).

Một nhân chứng là cha Siefert, linh mục cai quản giáo xứ Trung Kỳ, kể:

“Họ (người Việt Nam) khiến cho quý vị hết sức lúng túng khi có sẵn trong tay bảng tổng kê tài sản trước ngày 5-7, họ nói rằng người Pháp đã lấy trong trại Cấm vệ quân 113 lạng vàng, 742 lạng bạc, 2.627 quan tiền; tại cung bà Thái hậu Từ Dũ sinh ra Vua Tự Đức 228 viên kim cương, 266 món nữ trang có nạm kim cương, hạt trai, hạt ngọc, 271 đồ bằng vàng, 1.258 nén bạc, 3.416 lạng vàng; tại các tôn miếu thờ các đức Vua Thiệu Trị, Minh Mạng, Gia Long chứa đầy vật phẩm riêng của các tiên đế dùng lúc sinh thời, hầu hết những thứ có thể tiện mang đi như mũ miện, đai áo, thảm, đệm, triều phục, long sàng và bàn tròn xoay chạm trổ, hoành treo vũ khí, cháp trầu, ống phóng, chậu thau, hỏa lò, mùng và màn the hoa, đỉnh trầm, bình pha trà và khay chén, tăm xỉa răng… Kho tàng trong Hoàng cung đã mất đi gần 24 triệu quan vàng và bạc … Cuộc cướp cạn ấy kéo dài trong 2 tháng còn gây tai tiếng hơn cuộc cướp phá Cung điện Mùa Hè của Thanh Đế ở Bắc Kinh.” (4)

Dù có xét vụ Huế theo cách nào thì bổn phận nghiêm ngặt nhất cũng không cho phép biển thủ một ly tài sản của Triều đình…”

Bản thân Tướng De Courcy thủ được một kiếm báu mà binh lính dưới quyền cướp được ở Đại Nội trong hoàng thành. Viên tướng này sau đó đã tặng thanh kiếm cho Bộ trưởng bộ Chiến tranh Pháp là tướng Campenon, ông này lại tặng nó cho Bảo tàng quân đội Pháp. Ngày 2/10/1913, kẻ gian đột nhập Bảo tàng Quân đội Pháp và lấy mất bao kiếm “mạ vàng, nạm đá, ngọc, có một giá trị lớn”, theo mô tả của tờ Journal ngày 03/10/1913.

Ông Võ Quang Yến, người đã được Quản Đốc Viện Bảo Tàng Quân Đội mở tủ kính cho xem thanh kiếm, mô tả nó như sau:

“Thanh kiếm gồm 2 phần, phần lưỡi dài khoảng 1 thước, phần cán ngắn bằng 1/5 chiều dài của lưỡi. Đầu cán là một đầu rồng bằng vàng được nối với phần đốc kiếm bằng ngọc thạch có tạo 7 đốt như đốt tre. Miệng rồng nhả ra một băng mạ vàng cũng mang phía ngoài 4 chuỗi san hô xanh đỏ uốn quanh về đốc kiếm. Ở đằng cuối, cánh đốc kiếm này nở rộng ra quanh lưỡi kiếm, có chạm trổ những hình lá và nạm những hạt kim cương. Lưỡi kiếm hình hơi cong, là một thanh thép sáng ngời, khắc ở phần trên là một mặt trời nằm giữa mấy cuộn mây và liền sát với 3 chữ Hán: Thái A kiếm.” (5)

Cuộc cướp bóc kinh hoàng này làm cho chính người trong bộ máy thuộc địa cũng phải bất bình. Trong báo cáo ngày 28-2-1889 gửi Toàn quyền Đông Dương Richaud, Khâm sứ Trung Kỳ Rheinart viết:

“Ngày 5-7-1885, nhân vụ biến cố ở Huế, một số lớn bảo vật đã bị cướp đoạt và người ta phải hổ thẹn khi nghĩ tới những cảnh tượng đã xảy ra vào dịp đó: con voi bằng vàng đúc rất khéo, rất quý giá, bị chặt làm đôi vì sự tranh chấp giữa hai kẻ muốn giành được cho mình một phần nguyên chất của bảo vật. Điểm đáng buồn hơn cần phải nhắc lại, là một vị tướng lãnh, thiếu tướng Prudomme, đã chẳng ngần ngại chiếm đoạt những phẩm vật quý giá, và chẳng hề có ai nghĩ cách giác ngộ lương tri của mãnh nhân ấy, báo chí cũng không đả động gì, và người ta cũng chẳng yêu cầu kẻ tham bạo trả lại Triều đình Huế một phần các chiến lợi phẩm. Nhận định hiện trạng nghèo nàn, túng bấn của Triều đình Huế, người ta phải quên đi ác ý cũ do chính chúng ta đã gây ra bằng những hành động khó mà biện bạch nổi, và người ta rất tiếc không còn ai có thể bắt phải hoàn lại một phần những thứ đã bị cướp đoạt một cách trắng trợn.

Tất nhiên, người ta đã có thể coi biến cố ngày 5-7-1885 như một “cuộc mai phục” nhưng há chẳng phải là chính chúng ta đã gây ra vụ ấy, và Triều đình Huế há lại chẳng nhớ hai lần Hà Nội thất thủ và những cuộc khiêu khích của chúng ta tại Bắc Kỳ?” (6)

Của Việt Nam phải trả lại Việt Nam!

Do không thuyết phục được vua Hàm Nghi từ bỏ kháng chiến, ngày 19/9/1885, Pháp đưa lên ngôi vua anh trai của ông và là con nuôi của vua Tự Đức - hoàng thân Nguyễn Phúc Ưng Kỷ, còn gọi là Chánh Mông. Vị tân vương này vẫn giữ niên hiệu Hàm Nghi sau khi đăng quang, sau mới đổi thành Đồng Khánh (7).

Nhân dịp này, Tướng De Courcy đã trả tân vương một phần “kho tàng bao la” mà quân Pháp đã cướp được trong và sau sự kiện 5/7/1885. Đó là các báu vật hoàng gia như các kim bảo, ngọc tỷ (ấn tín bằng vàng, ngọc), kim sách (sách phong bằng vàng). Việc làm này đã được ông ta thông báo trước cho Bộ Chiến tranh trong một bức điện gửi ngày 14/9/1885. Phần còn lại của kho báu gồm vàng thoi, bạc nén và tiền đồng sẽ là chủ đề của một cuộc tranh cãi kéo dài giữa ba cơ quan của chính phủ Pháp là Bộ Hải quân và Thuộc địa, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính. Vào tháng 1/1886, ba bộ trên đã đạt thỏa thuận như sau:

- Giao trả tân vương Đồng Khánh phân nửa kho báu (việc này sẽ được Tổng trú sứ Paul Bert thực hiện vào tháng 5.1886).

- Phân nửa còn lại được dành bồi hoàn cho công khố Pháp đã ứng trước để tiến hành các hoạt động quân sự và đài thọ các chi phí quản lý cho bộ máy bảo hộ ở Trung và Bắc kỳ.

Cần nhắc lại rằng đây không phải lần đầu Triều đình Huế phải trả cho Pháp chiến phí.

Với Hòa ước Nhâm Tuất ký năm 1862 với thực dân Pháp, vua Tự Đức không những phải nhượng cho Pháp trọn ba tỉnh là Biên Hòa, tỉnh Gia Định và tỉnh Định Tường và đảo Côn Lôn mà còn phải trả cho đế quốc thực dân này chiến phí lớn khủng khiếp. Khoản 8 Hòa ước ghi rõ: “Hoàng đế nước Đại Nam sẽ phải bồi thường một số tiền là bốn triệu piastre (tương đương 2.880.000 lạng bạc - CHHV), trả trong 10 năm.” Thế nhưng toàn bộ vàng, bạc có trong quốc khố dù được vét sạch nhưng vẫn không đủ để trả chiến phí. Cực chẳng đã, vua Tự Đức đã cho thu hồi một số bảo vật bằng vàng và bạc đang trưng bày trong các cung điện và đúc thành vàng thoi, bạc nén cho mục đích này. Vì lý do đã rõ, năm 1869, vị quân chủ này của Việt Nam đã phải ra lệnh cho các hoàng tử, công chúa, hoàng thân… nộp lại kim ấn, kim sách mà triều đình đã ban cho họ trước đây để đúc thành 135 đĩnh vàng dùng cho chi tiêu của triều đình. Đổi lại, Tự Đức đã cải cấp (cấp lại) cho họ kim ấn, kim sách làm bằng đồng.

Sách Đại Nam thực lục ghi vào tháng 5 năm Đồng Khánh nguyên niên (1886), “Toàn quyền đưa thư đến nói: Một nửa vàng, bạc giao trả nước ta, còn một nửa mang về đúc bạc đồng và sung cho tập binh 2 năm, cùng là chi phí các công tác. Vua chuẩn cho Thị lang bộ Hộ là Hồ Lệ và Hộ lý Nội vụ là Nguyễn Huề hội đồng với quan Pháp mà kiểm nhận.

Phần bạc của nước ta, tất cả tiền thỏi, tiền đồng các hạng, cộng nặng 78.421 cân; tiền vàng 594 đồng, cộng nặng 11 cân. Phần bạc của nước Pháp: bạc thỏi cộng nặng 32.235 cân; vàng và các hạng tiền bạc thỏi, bạc đĩnh, bạc lá cộng nặng 3.005 cân; đều cân bằng thứ cân của nước Xích mao, mỗi cân ngang với trung bình 11 lạng 8 đồng cân. Cùng biên giao cho nhau để giữ lại lưu chiểu.” (8)

Như vậy, không có chuyện vua Đồng Khánh chủ động đòi pháp trả lại một nửa kho báu của Triều đình Huế như một số tài liệu, trong đó có Wikipedia, đã nói. Ngược lại, tân vương đã đòi Pháp trả hết những báu vật hoàng gia mà quân Pháp đã cướp trong và sau sự kiện kinh đô thất thủ.

Biên bản ngày 21.3.1888 của Pháp về buổi vua Đồng Khánh thăm xã giao Toàn quyền Constans ghi: “Trở lại chuyện đã bàn trước đây, hoàng thượng (vua Đồng Khánh) nhắc rằng các vật phẩm quý giá của hoàng gia bị thất thoát sau biến cố ngày 5.7 và chắc chắn hiện giờ đang nằm trên đất Pháp, giá trị nhất là chuỗi kim cương kết lại từ đời vua Gia Long cho tới đời vua Tự Đức, cùng một bảo kiếm nạm ngọc quý truyền lại từ đời vua Gia Long.”(9)

Không nghi ngờ gì nữa, “chuỗi kim cương kết lại từ đời vua Gia Long cho tới đời vua Tự Đức” nếu không phải là thì cũng nằm trong số 228 viên kim cương bị cướp từ cung của Thái hậu Từ Dũ và “bảo kiếm nạm ngọc quý truyền lại từ đời vua Gia Long” chính là “Thái A Kiếm” mà Tướng De Courcy đã lấy và đem tặng Bộ trưởng Chiến tranh Campenon.

Nhân đây, cần giới thiệu đôi chút về báu vật này của vị khai sáng Triều Nguyễn.

"Lý Tư liệt truyện" trong Sử Ký của Tư Mã Thiên ghi lời của Lý Tư tâu với vua Tần tên Doanh Chính: "Nay bệ hạ có ngọc Côn Sơn, có của báu của Tùy Hầu, Biện Hòa, có châu Minh Nguyệt, đeo kiếm Thái A…"

Sau khi thôn tính Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên và Tề và thống nhất Trung Hoa, Tần Doanh Chính tự phong Thủy Hoàng Đế (hoàng đế đầu tiên), nên được gọi là Tần Thủy Hoàng. Tương truyền khi lên ngôi, Tần Thủy Hoàng đã cắm thanh kiếm báu này trên núi Trâu Tịch để tế cáo trời đất, xem như một bảo vật trấn quốc.

Vậy việc vua Gia Long đặt tên cho thanh kiếm của mình là Thái A rõ ràng là để tuyên dương công trạng thống nhất đất nước của bản thân. Quan trọng không kém, việc đặt tên kiếm như vậy còn nhằm khẳng định thế ngang bằng, độc lập của quân chủ Việt Nam trước quân chủ Trung Hoa, đồng nhất với quyết chiến để bảo toàn giang sơn của người Việt. Hiểu như thế thì Thái A Kiếm là một sự nhắc lại “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế cư”, câu thơ tương truyền do Lý Thường Kiệt làm ra 8 thế kỳ trước, vào năm 1077, ngay trên phòng tuyến sông Như Nguyệt được dựng lên để chống quân xâm lược Tống.

Khi tiếp kiến nhà văn Pháp Jules Boissière tại Huế vào năm 1888, vua Đồng Khánh tiếp tục bày tỏ quan điểm Thái A Kiếm phải được trả lại cho Việt Nam khi khẳng định thanh kiếm là "một bảo vật lịch sử và tượng trưng quan hệ đến hạnh phúc và sự bảo tồn dân tộc" (10). Rõ ràng, vị quân chủ Việt Nam với phát biểu này không chỉ thể hiện một thái độ không khoan nhượng trong việc đòi Pháp trả lại một tài sản quốc gia bị cướp đoạt mà quan trọng hơn thế, đưa ra thông điệp: “Độc lập của Việt Nam phải được phục hồi”!

Đôi điều suy ngẫm

Trong mắt Nhà nước Việt Nam hiện hành, vua Đồng Khánh là “bù nhìn”, “tay sai” của thực dân Pháp. Điều này hẳn dựa trên một số hành vi thần phục Pháp và chống phong trào Cần Vương của ông (11). Tuy nhiên, tinh thần dân tộc mà vị vua thứ 9 Nhà Nguyễn đã thể hiện qua việc kiên quyết đòi Pháp trả lại Thái A Kiếm và các báu vật khác của nhà Nguyễn cũng như trước đó vẫn dùng niên hiệu Hàm Nghi sau khi đăng quang đòi hỏi Nhà nước Việt Nam xét lại quan điểm của mình để có một đánh giá công bằng đối với ông. Một khi được tiến hành, việc làm này đến lượt nó sẽ góp phần thúc đẩy tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu và viết sử ở Việt Nam.

Tiếp theo là câu chuyện Chính phủ Việt Nam mới đây đề nghị Nhà đấu giá Millon ở Pháp cho mua không qua đấu giá ấn vàng “Hoàng Đế Chi Bảo”, còn gọi “Kim Bảo Tỷ”, của Nhà Nguyễn. Như tôi đã nêu trong Kiến nghị gửi Lãnh đạo Việt Nam ngày 27/10/2022 (12), báu vật này cùng với kiếm “Khải Định Niên Chế” là tài sản của Nhà nước Việt Nam vì đã được Hoàng đế Bảo Đại tự tay trao cho đại diện Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiền thân của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện hành, tại lễ thoái vị ngày 30/8/1945 (13). Do đó, Chính phủ Việt Nam chỉ có thể đòi lại chứ không thể mua lại ấn vàng này. Nghiêm trọng hơn cả, như vừa nêu, tính chính danh của Chính phủ Hồ Chí Minh gắn liền với chủ quyền đối với ấn vàng nên việc Chính phủ Việt Nam đề nghị mua ấn vàng chỉ có thể là sự phủ nhận tính chính danh của Chính phủ Hồ Chí Minh, tức phủ nhận ngay chính bản thân mình!

Bất luận thế nào, vua Đồng Khánh do Pháp dựng lên còn không nề đòi nước này trả lại cho hết các báu vật Nhà Nguyễn bị cướp đoạt thì không có lý do gì Chính phủ Việt Nam - chính phủ của một quốc gia độc lập - lại phải xin mua ấn vàng “Hoàng Đế Chi Bảo”, tài sản của Nhà nước Việt Nam đang bị chiếm hữu bất hợp pháp nơi xứ người!

Chú thích

  1. Số phận kho báu triều Nguyễn sau biến động ngày 5.7.1885: Chiến tranh và kho báu, Thanh niên, 21/06/2021.
  2. Theo dấu tích kho báu Vua Hàm Nghi, Đại Đoàn Kết, 23/01/2017.
  3. Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 5: Cuốn sách bằng vàng ròng của triều Nguyễn, Tuổi trẻ, 15/01/2021.
  4. Cổ vật Việt Nam và nỗi đau thời cận đại, Trung tâm lưu trữ quốc gia 1, 11/10/2020.
  5. Thanh kiếm Thái A của vua Gia Long - Phần 1, visithue.vn, Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế.
  6. Cổ vật Việt Nam và nỗi đau thời cận đại (đã dẫn).
  7. Số phận kỳ lạ của báu vật thời Nguyễn: Bất ngờ kho vàng, bạc của triều đình Huế ở Paris, Tuổi trẻ, 26/05/2022.
  8. Đồng Khánh, Khải Định chính yếu (Quốc Sử Quán Triều Nguyễn soạn) viết: “Tháng 9, chuẩn mệnh lấy từ tháng 10 năm ấy trở đi làm năm Đồng Khánh Ất Dậu. Trước đó đình thần tấu bàn, vâng theo ý chỉ của Từ Dũ Thái hoàng thái hậu nói rằng, Hoàng thượng lên ngôi đã hơn một tháng nhưng vẫn giữ niên hiệu Hàm Nghi khiến trong dân chúng còn đem lòng nghi hoặc. Vì vậy nghị bàn nên dùng ngay niên hiệu Đồng Khánh để ổn định nhân tâm mà không phải đợi đến sang năm. Nay xin tính từ ngày mồng 1 tháng 10 năm nay trở đi đề là ngày tháng năm Đồng Khánh Ất Dậu, đến ngày mồng 1 tháng Giêng sang năm là năm Đồng Khánh nguyên niên cho mới mẻ và thống nhất lòng người. Vua chuẩn y, cho sao chép ý chỉ cùng bản nghị tâu của triều đình ban bố khắp trong ngoài.” Việc tân vương Chánh Mông giữ niên hiệu Hàm Nghi thay vì đặt ngay niên hiệu mới như thông lệ cho thấy ông luyến tiếc vua cũ, nếu không muốn nói là có ý đợi vua Hàm Nghi trở về để giao lại ngôi báu.
  9. Huyền thoại kho báu hoàng cung, Thanh niên, 08/02/2013.
  10. L. Cadière, H. Cosserat, "Documents A. Salles", Bulletin des Amis du Vieux Hué, 4 (1933).
  11. Sau khi đăng quang, Đồng Khánh gửi quốc thư sang Pháp bày tỏ biết ơn với lời lẽ như: “nhờ có oai linh ân sủng bảo hộ của quý quốc khiến tệ quốc chúng tôi bảo tồn được tôn xã sau cơn suy vong, ơn huệ ấy thực là to lớn”, “sông núi, cỏ cây nước Đại Nam lại có được ngày nay đều nhờ có công của quý quốc”, “những mong quý quốc che chở, giúp đỡ để cùng hưởng phúc hòa bình”… (Đồng Khánh, Khải Định chính yếu). Tiếp đó, vào tháng 11/1885, Đồng Khánh đã sai làm 8 lá cờ “Bảo hộ” và ra lệnh cho Viện Cơ mật, Ty Hành nhân cùng sáu Bộ (Lại, Hộ, Hình, Lễ, Binh, Công) phải treo cờ này trong các ngày lễ như Tết Nguyên đán, Quốc khánh Pháp. Đại Nam thực lục Chính biên mô tả như sau: “Mẫu cờ (chia làm 4 phần): 3 phần dùng sắc vàng, trong đó một phần phía trên ở chỗ gần mặt trên trục, 1 phần 3 dùng sắc xanh, trắng, đỏ; giao cho các địa phương tuân theo mà làm”. Năm 1886, sau khi vị vua này ra dụ kêu gọi vua Hàm Nghi và các thủ lĩnh phong trào Cần Vương từ bỏ kháng chiến chống Pháp (“Việc đánh dẹp ở Trung và Bắc Kỳ” trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim).
  12. Kiến nghị đòi lại ấn “Kim Bảo Tỷ” và kiếm “Khải Định Niên Chế” cho Nhà nước Việt Nam, Tiếng Dân, 27/10/2022.
  13. Đại diện Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp nhận sự thoái vị của Hoàng Đế Bảo Đại cùng ấn và kiếm của Nhà Nguyễn là Bộ trưởng Tuyên truyền Trần Huy Liệu và Bộ trưởng không giữ bộ nào Cù Huy Cận (thân phụ tác giả).

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, nguyên là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống tại California, Hoa Kỳ. 

Không có nhận xét nào: