Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

Ngủm ! (ăn thịt chó/mèo) - Song Thao


Chó chết hết chuyện, các cụ phán như vậy. Nhưng chó sắp ngủm củ tỏi thì lại vô số chuyện. Chuyện từ đông sang tây, từ tây sang đông. Nói chuyện gần trước. Giữa tháng 10/2018 vừa qua, dân Montreal chúng tôi có… quốc khách. Đó là 200 chú và cô chó tới từ Đại Hàn. Đây là những cục cưng được Hội Nhân Đạo Quốc Tế (Humane Society International) giải thoát khỏi các trại giết chó ở Đại Hàn. Dĩ nhiên không phải hội này khơi khơi ôm chó lên máy bay. Phải chuộc lại. Tiền hoạt động của hội do bá tánh đóng góp. Người vừa đóng góp tới 42 ngàn đô là Giám Khảo của American Idol, chàng Simon Cowell.
<!>
Trong buổi đón tiếp 70 cô cậu chó tới nơi tạm trú tại khu Côte-des-Neiges, bà Rebecca Aldworth, Giám Đốc Humane Society International / Canada, nói với phóng viên báo The Montreal Gazette: “Tiến trình phục hồi sẽ bắt đầu từ đây. Những con chó này vừa trải qua cuộc hành trình dài và vất vả, nhưng khi tới đây, chúng sẽ được ăn uống đàng hoàng, chữa trị thuốc men, và dĩ nhiên là tình yêu và sự quan tâm sẽ giúp chúng sẵn sàng khi tới nơi ở lâu dài”. Chính bà Rebecca này đã tới một trại giết chó ở Namyangju để mua lại những con chó này. Theo bà, chúng đã bị hành hạ, cho ăn thức ăn thừa của các nhà hàng và nuôi nấng trong một môi trường “tệ hại hơn sự tưởng tượng của mọi người”. Nhiều con chó còn có vòng đeo ở cổ chứng tỏ chúng là chó nuôi trong nhà, không biết bị bắt trộm hay bị chủ bỏ bê ngoài đường phố. Nhiều chó thuộc giống gốc gác như giống Mastiffs Mông Cổ, Maltese, Great Danes, hoặc Golden Retrievers, Jindos. Sau thời gian huấn luyện, chó sẽ được giao cho các nhà hảo tâm nhận nuôi. Số các nhà hảo tâm tại Montreal hiện nay nhiều hơn số chó mà hội có. Vậy nên không sợ chó không có nơi nương tựa.

Tính tới nay, Hội Nhân Đạo Quốc Tế đã giải cứu được khoảng 1.500 chó từ các trại giết chó ở Đại Hàn. Ngoài ra hội đã hợp tác với chính quyền địa phương để tiêu hủy các trại giết chó bằng cách chuyển những cơ sở này thành các nhà máy sản xuất kỹ nghệ. Người ta ước tính hiện nay ở Đại Hàn có tới 17 ngàn cơ sở nuôi hai triệu rưởi chó để sực phàn!

Hai năm trước, vào cuối năm 2016, Montreal chúng tôi cũng đã tiếp nhận một trăm cô chú cún được giải thoát từ lễ hội thịt chó Yulin ở Trung quốc. Tác giả của cuộc giải cứu này cũng là Hội Nhân Đạo Quốc Tế. Dân Montreal rất ái chó. Nghe tin chó được giải cứu từ Trung Quốc tới thành phố, họ đã túa tới các cơ sở tạm trú của Hiệp Hội Phòng Chống Tàn Ác với Thú Vật (SPCA) để tỏ lòng ái mộ. Như bà Danielle McLellan không quản công khó, tới một tiệm Walmart vào đêm Giáng Sinh, chờ xếp hàng dài để mua một bao thực phẩm dành cho chó. Bà vui vẻ kể: “Tôi dậy thật sớm, nghĩ mình phải làm một cái gì cho lũ chó tội nghiệp. Tôi nhào vào tiệm Walmart, chen chúc để mua được một bao thực phẩm 12 ký cho chó, 50 hộp đồ ăn cho mèo, một số đồ chơi. Tôi đã chi tất cả 180 đô cho vụ này”.

Dân Hàn và Trung có tiếng là hẩu thịt chó. Dân ta cũng rứa. Nhậu thịt cầy đã là một thứ văn hóa nhiều người không muốn bỏ. Phần vì dân các nước này còn nghèo không với tới được các thứ thịt “hợp pháp” như thịt bò, heo, gà. Phần vì cầy tơ quả là một thứ thịt rất có mùi vị. Chẳng biết dân Hàn và Trung có phân biệt vùng miền trong việc mần thịt chó không nhưng dân ta thì chỉ có dân Bắc mới biết thưởng thức thứ thịt “dắt răng ba ngày vẫn còn thơm này”.

Năm 1954, cùng với cuộc di cư của một triệu người Bắc vào Nam, miền Nam mới biết tới thịt cầy. Đại bản doanh của món quốc hồn quốc túy này tại Sài Gòn là khu Ngã Ba Ông Tạ, nơi tụ tập của một số đông đồng bào di cư. Tác giả Nguyễn Vy Túy ở Úc, trong hồi ức “Quán Cây Còn”, đã ghi lại một quán thịt cầy nổi tiếng trong vùng là quán Cây Còn. Chắc nhiều người đã biết “Cây Còn” là nói lái của “con cầy”, “con cầy” là cái chi chi thì mọi người đều đã tường.”Tôi không rõ mỗi ngày quán Cây Còn tiêu thụ đến mấy con cầy, nhưng mỗi tuần có chuyến xe lam từ Hố Nai lên, đã khuân vào cả chục con chó nằm xuội lơ trong rọ, đó là chưa kể những con chó được mua từ các mối bán lẻ trong vùng, và những tay bắt trộm chó chuyên nghiệp, thế mà cũng không đủ để ông chủ quán bịt mõm, trói chân, đập đầu, chọc tiết, đem thui. Bất cứ loại chó nào, từ già đến trẻ, từ ghẻ đến sắp chết đem đến đây đều có giá, chó già thì băm làm chả chìa (khìa), rựa (nhựa) mận, chó tơ thì luộc thì xào… tra vào đủ thứ gia vị nấu thành đủ món thơm ngon thì còn bố ai biết được “nhất bạch hay nhì vàng, tam khoang hay tứ đốm”, chó Hố Nai hay chó Phan Thiết!”.

Một trong những khách hàng thường xuyên của quán Cây Còn là Linh Mục Nguyễn Quang Lãm, bút danh Thiên Hổ, Chủ Nhiệm báo Xây Dựng. Chuyện thịt chó của cha Lãm là chuyện giới làm báo ngày xưa đều biết rõ. Ký giả Hồ ông kể lại: “Sau năm 1975, Hồ Ông và Nguyễn Thụy Long chạy xe honda đến “rủ” cha Lãm đi nhậu. Lâu ngày gặp lại nhau, Cha đồng ý liền, thế là cả ba đến một quán gần Ngã Tư Bảy Hiền. Nhậu gần tàn, thì mới té ngửa, chả ai có tiền để thanh toán những món đã gọi! Thế là cha Lãm phải ngồi “vali” (ngồi chết đống) để chờ Hồ Ông đi vay nợ! Vì đi hơi lâu nên Cha Lãm và Nguyễn Thụy Long lại phải gọi thêm một hai món, khiến Hồ Ông lại phải chạy thêm lần nữa mới đủ tiền trả cho bữa nhậu! Chuyện ấy “chỉ là tai nạn”, bởi lần sau cha Lãm đã phải lục túi xem có tiền chưa mới dám đi. Mà cha cũng không dám đi với “hai thằng con trời đánh” nữa, mà chỉ dấm dúi: “Thôi cầm đỡ, chỉ đủ cho hai đứa mày thôi!”.

Không phải là dân nhậu cầy tơ, nhiều người chỉ biết thịt chó qua câu: “Sống trên đời ăn miếng dồi chó / Chết xuống âm phủ hỏi có hay không”. Dồi chó là một món ngon độc đáo nhưng thịt cầy không chỉ có dồi. Còn nhiều món ngon ác ôn khác. Hãy nghe tác giả Nguyễn Vy Túy điểm danh các món thịt cầy: “Hồi ấy quán Cây Còn chỉ có 7 món chính là rựa (nhựa) mận, dồi, chả chìa (khìa), luộc, xào lăn, nướng, tiết canh và sau này có thêm món lẩu và sáo măng để ăn với bún. Hai món được nhiều người gọi nhất là rựa mận và dồi, rựa mận nấu với mẻ, nghệ, riềng, dồi thì được trộn từ thịt vụn với đậu xanh, nhiều nơi còn trộn thêm các thứ phụ tùng khác từ thịt heo nếu gặp lúc thịt chó khan hiếm. Dù không biết khách vào quán sẽ gọi món gì, nhưng người hầu bàn bao giờ cũng dọn ra trước một dĩa lớn đựng các loại lá mơ, lá húng, lá ngò gai, ớt, chanh và một chén mắm tôm đã pha chế, nếu khách gọi món lẩu thì được dọn thêm bún với rau sống. Khách đến nhậu thịt cầy thường thì gọi một hai xị đế loại ngon, hoặc một xị rượu thuốc, rượu rắn, hoặc rượu nếp than, rất ít ai đến quán thời ấy mà nhậu với bia hoặc xách theo chai Martin vì nó không đúng điệu. Trong khi chờ, khách có thể lai rai trước với dĩa đậu phộng da cá và hít hà đỡ với hương thơm đang tỏa ra từ lò than nướng chả chìa quấn lá lốt”.


Dồi chó


Rựa mận


Chả chìa chó

Tôi vốn cũng đã từng chén thù chén tạc với anh em quanh bàn nhậu thịt cầy nên nghe anh Nguyễn Vy Túy điểm danh đã thấy một niềm nhớ, không biết có tên hay không. Hồi tết năm nay, tôi qua Cali ăn tết cho có hương vị Việt Nam. Anh bạn Lê Hân ở San Jose dẫn tôi tới tiệm Phố Cổ, thấy thực đơn có món giả cầy, niềm nhớ trong tôi bỗng trỗi dậy, tôi order liền. Từ ngày qua Canada, tôi đã từng… giả cầy, thường là do nhà tôi làm, không đủ phụ tùng nấu nướng nên mất đi phần nào “chính danh”. Kỳ này mới có dịp ăn ở quán cho có khí thế. Giả cầy ở đây đúng điệu thiệt, riềng mẻ đàng hoàng, đặt trên bếp hâm, lúc nào cũng nóng, thời với bún hết chỗ chê! Xin nói cho quý vị nào không biết giả cầy là cái chi chi tường. Giả cầy là thứ… giả. Thay vì thịt cầy, người ta dùng giò heo, cũng nướng như thui cầy thiệt. Phải nói cho rõ ràng như vậy kẻo có vị nhanh chân đi kêu phú lít thì khốn! Thứ giả đã… đã như vậy, thứ thiệt ra sao, khỏi cần ngôn!

Đức… cầy của dân ta đã lên tới mức thượng thừa, vậy mà thành phố Hà Nội vừa ra thông báo ngày 11/9/2018, kêu gọi dân chúng bỏ thói quen nhậu thịt cầy vì “tạo ra những phản cảm” đối với người ngoại quốc đến du lịch hay sống trong thành phố. Thông báo cũng yêu cầu các cấp quận, huyện, thị xã “tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo”. Sở Thông Tin Truyền Thông của thành phố được lệnh “tuyên truyền về nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khi sử dụng thịt chó làm thực phẩm; ý nghĩa nhân văn của việc đối sử nhân đạo với súc vật để dần thay đổi thói quen và nhận thức khi sử dụng thịt chó làm thực phẩm, đảm bảo văn minh đô thị”. Theo ước tính của thành phố Hà Nội, hiện có khoảng một ngàn địa điểm kinh doanh, giết mổ thịt chó mèo trên địa bàn thành phố.

Liệu với một thông báo, chuyện nhậu thịt cầy sẽ bế mạc chăng? Không ai mơ tưởng như vậy. Dân… cầy vẫn cứ đường ta ta đi. Bằng chứng là các quán thịt chó vẫn đông vui. Chó nuôi để thịt không đủ, người ta còn phải bắt trộm chó để cung cấp cho dân nhậu. Chuyện trộm chó ngày nay là chuyện dài nhân dân tự vệ. Đây là loại chuyện thê lương vì đã có người bị đánh chết vì trộm chó. Kể ra thì rất nhiều. Thôi thì chỉ nhắc lại vài vụ mới tinh. Ngày 10/1/2018, hai người bắt trộm chó tại xã Lương Nội, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, bị dân làng bắt được, đánh hội đồng khiến một người bị trọng thương và một người tử vong. Trước đó, ngày 12/10/2017, ngay tại Hà Nội, một người bắt trộm chó tại xã Hồng Thái, huyện ngoại thành Phú Xuyên cũng đã bị dân làng vây đánh chết. Chó ngủm thì inh ỏi, người ngủm coi bộ âm thầm!

Các đệ tử của cầy vẫn cứ cầy. Xá chi những xôn xao phố chợ! Họ có lý của họ. Tại sao chuyện ngàn năm bỗng bị đâm ngang vì những lý do đối với họ là vớ vẩn. Kể cũng vớ vẩn thật! Tại sao con bò, con heo to lớn hơn con chó, hay con tôm con cá nhỏ hơn con chó, người ta vẫn cứ giết mổ và ăn uống khơi khơi chẳng bị ai phản đối. Vậy mà đụng tới con chó là có chuyện. Thực ra đây là chuyện của tây phương ảnh hưởng vào đông phương. Với dân chúng tây phương, chó là… bạn. Họ coi chúng như một phần tử trong gia đình, chơi đùa hôn hít như với người, thậm chí còn cho chó ngủ chung trên giường. Tôi đã nhiều lần phàn nàn về việc các em đầm thơm phức ôm chó trên ngực đi nhung nhăng ngoài đường phố. Phận chó sao nhiều phước phận như vậy? Một anh bạn trẻ của tôi ở Montreal đã kịch liệt phản đối việc “yêu” chó của tây đầm. Chó là chó, sao coi như người được! Anh lý luận: này nhé, có ai thấy chó đánh răng sớm tối không? Có ai thấy chó chùi rửa sau khi thải chất thừa trong bụng hôn? Vậy mà cứ tỉnh bơ hôn hít, ôm ấp trên giường, thật mất vệ sinh! Chó là chó, người là người, không bạn bè chi cả!
Chẳng biết từ bao giờ, thế giới này phân ra hai phương trời cách biệt: phương tây và phương đông. Phương tây có sức mạnh quân sự hơn phương đông nên mang quân đi chinh phục các nước phương đông làm thuộc địa. Họ truyền bá thứ gọi là văn minh của họ cho những người dân bị trị phương đông. Hai thứ văn hóa đụng nhau bao giờ cũng nảy sinh ra những mâu thuẫn khác biệt. Chuyện ăn thịt chó là một sự khác biệt ồn ào kéo dài tới ngày nay. Tôi vừa lượm được một bài viết của tác giả Bac Van Vuong trên mạng. Ông viết: “Đã lâu lắm rồi tôi không ăn thịt chó, và tương lai chắc sẽ không bao giờ ăn nữa. tôi không ăn thịt chó không phải vì tôi tập làm “người văn minh”, mà đơn giản hơn thế nhiều, tôi bị gút. nghĩa là tôi thích ăn thịt chó, nhưng phải kiêng vì có bệnh. Vậy thôi. Ăn uống là một thói quen, khi thói quen ấy tồn tại ở qui mô một cộng đồng, thì nó là văn hóa. Vì thế mới có cụm từ văn-hóa-ẩm thực. Một trong những thuộc tính nổi bật của con người là sự áp đặt. Áp đặt ý chí của mình lên tự nhiên, lên chủng loài khác, dân tộc khác, người khác. mà tất cả ý chí của con người ta đều có xuất phát điểm là nền tảng văn hóa. Xung đột văn hóa là xung đột lớn nhất ở loài người. Người ta luôn tự cho mình cao hơn người khác, do đó nẩy sinh áp đặt. Áp đặt, chính là tinh thần chủ đạo của chủ nghĩa thực dân”.

Chuyện ăn thịt cầy tưởng chỉ là chuyện của bao tử hóa ra là chuyện văn hóa, chính trị lớn lao. Khi chó đã leo lên tới chính trị thì quả là một chuyện bất thường! Chó ngủm vẫn chưa hết chuyện. Chuyện chó chết còn làm nảy sinh ra những suy nghĩ to lớn. Tác giả BacVuong Van mở rộng vấn đề. “Việc rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức lên tiếng dè bỉu, kỳ thị việc ăn thịt chó (mà hoàn toàn không có lí do chính đáng) là minh chứng rõ nhất cho việc chẳng những không có một chút gì “hậu hiện đại” mà vẫn còn mang nặng tâm thức nô lệ, thế kỷ 16. Khi một người phương tây da trắng nói: “Bọn Annam là lũ mọi rợ, chúng ăn thịt chó”, đó là tinh thần thực dân. Khi một người Annam nói: “Chúng ta thật mọi rợ khi ăn thịt chó, người phương tây họ không ăn thịt chó”, đó là tinh thần nô lệ. Tại sao ăn thịt chó là mọi rợ? Để trả lời câu hỏi này, hãy lấy chính tinh thần của người phương tây để suy xét, xem liệu việc ăn thịt chó có phải là mọi rợ hay không. Các triết gia duy lợi nói: “Mọi ham muốn không làm ảnh hưởng tới người khác đều được coi là lương thiện”. Còn các nhà bảo vệ môi trường nói: “Con người chỉ được phép ăn những gì họ có thể làm ra (bao gồm chăn nuôi, trồng trọt)”. Như vậy, ham thích ăn thịt chó phải được coi là lương thiện, và chúng ta được phép ăn thịt chó, bởi chó là vật nuôi. Không phủ nhận rằng dân tộc ta mọi rợ, lạc hậu, nhưng trong phạm trù văn hóa, không thể học tập một cách máy móc, kiểu “tây họ thế”. Văn hóa sẽ thay đổi bởi nhận thức một cách từ từ. Có thể trong tương lai, dân Annam sẽ không còn ăn thịt chó, nhưng sự thay đổi ấy nó sẽ tới một cách tự nhiên, phù hợp thực tế, hoàn cảnh, chứ không tới từ sự xác quyết có tính áp đặt… Tóm lại, ăn thịt chó đang bị mang tiếng xấu. Nó xấu trên những cơ sở, lý do rất mơ hồ. Sự khác nhau giữa mỗi chúng ta chỉ giản đơn là, dễ dàng hùa theo lên án, hay dừng lại một giây để nhăn trán, rằng nó có xấu thật không, nó có đáng lên án thật không”.

Có lên án việc nhậu thịt cầy hay không thì bàn nhậu vẫn sẽ đông đảo. Từ ngàn xưa đã vậy thì ngàn sau cũng vẫn vậy! Có lạm bàn chơi cho vui thì xin cứ việc. Việc ai nấy làm. Hy vọng có… đồng thuận coi bộ còn xa vời vợi.
Song Thao

Không có nhận xét nào: