Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2022

ĐẠI HỌC "BỖNG" THÀNH ĐẠI HỌC -Nguyễn Văn Tuấn

<!>
Tôi chỉ biết đến sự phân biệt giữa 'trường đại học' và 'đại học' khi được một đồng nghiệp sửa giùm trong văn bản cái tên "Đại học Y Dược" thành "Trường Đại học Y Dược”.

Sau khi biết Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được chuyển đổi thành Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiều người trong giới học thuật, kể cả ở Việt Nam, cũng mới biết có sự phân biệt giữa 'đại học' và 'trường đại học'.

Theo giải thích của một Thứ trưởng Giáo dục, 'đại học' đào tạo nhiều lĩnh vực và có nhiều trường phụ thuộc, còn 'trường đại học' đào tạo đa ngành thuộc một vài lĩnh vực. Phải nói rằng cách phân biệt như thế rất... khó hiểu.

Cả 'đại học' và 'trường đại học' đều được dịch sang tiếng Anh là 'university'. Mà, university ở phương Tây, đặc biệt trong các nước nói tiếng Anh, thì lúc nào cũng đa ngành và đa lĩnh vực.

Theo cách hiểu thông thường, một đại học/university có nhiều phân khoa (gọi là Faculty hay College, tùy nơi), và mỗi khoa thường tập trung vào một lĩnh vực như y khoa, kĩ thuật, luật... Mỗi phân khoa có nhiều trường (gọi là School, nhưng có nơi dùng Department), và mỗi trường tập trung vào một chuyên ngành như y học cơ bản, y học lâm sàng. Ví dụ: Đại học New South Wales (Australia) có bảy phân khoa; trong đó, khoa Y có năm trường chuyên về y học cơ bản, y học lâm sàng, y tế cơ bản, y tế công cộng, và khúc xạ.

Nếu hiểu theo cơ cấu của một đại học như trên, dễ dàng thấy cách gọi 'trường đại học' là rất... luộm thuộm. Bởi vì, như mô tả trên, trường/school là thành tố của một đại học, nên nếu gọi 'trường đại học' thì rất khó dịch sang tiếng Anh. Chẳng lẽ dịch 'trường đại học' là 'university school' hay 'school university'?

Càng luộm thuộm hơn trong giao tiếp với nước ngoài. Chẳng hạn Trường Đại học Quốc tế có tên tiếng Anh là International University, nhưng lại nằm trong Đại học Quốc gia TP HCM với tên tiếng Anh là Vietnam National University, Ho Chi Minh City. Tôi chưa biết có nơi nào trên thế giới mà có những đại học trong một đại học như ở Việt Nam. Do đó, đa số đại học ở nước ngoài khi hợp tác với Việt Nam thường lúng túng về cơ cấu tổ chức đại học trong đại học.

Hai chữ 'đại học' có sức hấp dẫn có khi đầy ma mị với nhiều người. Học sinh ngày nay thích được học đại học, chứ không thích 'cao đẳng' hay 'học nghề'. Rất nhiều bạn của tôi khi bàn về tương lai, đều muốn phấn đấu để trường đại học thành đại học. Có đại học thì đặt mục tiêu thành 'đại học quốc gia'.

Tuy nhiên, không phải chỉ ở Việt Nam, ở Mỹ người ta cũng thích chữ đại học/university, vì lý do cạnh tranh. Ở Mỹ, nhiều college thực chất là đại học đa ngành và đa lĩnh vực, nhưng do lịch sử để lại nên họ có danh xưng college. Ngày nay, trong môi trường cạnh tranh ác liệt giữa các đại học trên thế giới, khá nhiều college ở Mỹ cũng đổi tên thành university. Theo nghiên cứu của Riley K.Acton (công bố trên Economics of Education Review tháng 6/2022), trong thời gian từ 2001 đến 2016, có 122 college đào tạo cử nhân và sau đại học ở Mỹ đã đổi tên là university. Nghiên cứu cũng cho thấy những college này sau khi đổi thành university thì thu hút nhiều sinh viên hơn và có nguồn thu tốt hơn.

Nhưng đối với những thiết chế lâu đời và nổi tiếng trên thế giới như Dartmouth College (Mỹ) hay Imperial College (Anh) chẳng hạn thì không cần đến danh xưng university, bởi chỉ cần đề cập đến 'Dartmouth' hay 'Imperial' trong khoa bảng thì ai cũng biết đó là những đại học lừng danh. Một ví dụ khác là London School of Economics, tuy chỉ mang danh School/Trường, nhưng trong thực tế là một đại học nổi tiếng trên thế giới. Chữ 'School' không chỉ là một thiết chế đại học mà còn là một trường phái.

Trong thế giới đầy cạnh tranh ngày nay, các thiết chế giáo dục được định hình bởi hai yếu tố quan trọng: uy thế (prestige) và danh tiếng (visibility). Cả hai yếu tố này liên quan đến phẩm chất nghiên cứu khoa học, danh tiếng của đội ngũ giáo sư, và uy danh của các cựu sinh viên. Cả hai yếu tố này, uy thế và danh tiếng, không liên quan gì đến danh xưng university hay đại học.

Văn hào William Shakespeare, trong tác phẩm Romeo & Juliet có viết một câu nổi tiếng rằng 'What is in a name?' (Điều gì có trong một cái tên) để nói lên rằng tên của một sự vật không liên quan gì đến bản chất của sự vật. Người Việt cũng có thành ngữ tương tự: 'Tốt gỗ hơn tốt nước sơn'. Phẩm chất đào tạo và nghiên cứu khoa học quan trọng hơn là cách gọi 'đại học' hay 'trường đại học'.

Có nhất thiết phải dùng chữ đại học/university cho một thiết chế giáo dục đào tạo cấp cử nhân trở lên? Có lẽ không. Thương hiệu mới là trọng tâm. Tôi nghĩ bề dày lịch sử của một số thiết chế giáo dục ở Việt Nam đã đủ để không cần đến chữ 'trường', thậm chí 'đại học' trước tên gọi.

Nguyễn Văn Tuấn
Giáo sư Y khoa, Đại học New South Wales

Nguồn:

Không có nhận xét nào: