Khung trời văn học nghệ thuật là một cõi mênh mông vô tận, con đường sáng tạo dẫn đến chân thiện mỹ dù rất thênh thang nhưng khó đến! Do đó người nghệ sĩ tự tìm cho mình một phong cách riêng để thể hiện tác phẩm mà vẫn giữ cho mình những nét riêng không hòa lẫn vào bản sắc của người khác. Tâm hồn nghệ sĩ đa cảm, những cảm xúc, tâm cảnh, ngoại cảnh bắt nguồn từ trong cái thực hòa với cái mộng hoặc ngược lại, đôi khi từ vô thức để hình thành tác phẩm. Để có một tác phẩm giá trị ngoài những yếu tố chân thiện mỹ, người nghệ sĩ phải hòa theo số mệnh thăng trầm của dòng lịch sử đất nước, lấy tình yêu quê hương và con người làm nguồn sáng tác.
<!>
Người nghệ sĩ không chỉ vui chơi với nghệ thuật để thỏa mãn chính mình và số ít bằng hữu rồi quên chuyện thế nhân! Nghệ sĩ phải sống với tha nhân để bắt tìm những nỗi niềm riêng để đồng cảm với tha nhân từ đó phác họa ra một chân trời mới của riêng mình nhằm cống hiến cho đời những giai điệu đẹp. Đứng trước những biến đổi của ngoại cảnh, sự rung động của tâm hồn đâu phân biệt nghệ sĩ hay tha nhân, nguồn cảm xúc đến btấ chợt vẫn dạt dào nào khác nhau. Nếu có khác chăng ltâm hồn người nghệ sĩ dễ cảm xúc và nhạy bén hơn để hòa nhập với ngoại cảnh qua tâm cảnh bằng góc nhìn độc đáo để chia sẻ những thương cảm vui buồn của tha nhân. Từ chất liệu sáng tác đã khơi dậy bao nỗi niềm dệt thành những áng văn thơ giai điệu say đắm lòng người, đó là tác phẩm. Thế giới ngày nay đã thay đổi, sự văn minh tiến bộ trên lãnh vực khoa học khiến con người ngày càng thực nghiệm xa dần tính lãng mạn mộng mị, do đó một số đông công chúng đã hờ hững với những tác phẩm văn học nghệ thuật! Dù biết thế, người nghệ sĩ chân chính vẫn tận tụy miệt mài đeo đuổi con đường văn nghệ để hướng về Chân Thiện Mỹ cho đời ; khi mà dòng đời và thời gian vẫn lặng lẽ trôi nhanh! Làm sao có thể kéo ngược, ngăn thời gian trôi chậm hay ngừng trôi? Chỉ có những tâm hồn nghệ sĩ mới có khả năng kéo ngược thời gian theo dòng suy tưởng quay về quá khứ tìm lại những dấu vết của kỷ niệm xưa.
Từ ngàn xưa những lời tỏ tình của trai gái gặp nhau rất lãng mạn, họ đã để lại trong Thi ca Việt Nam nhiều giai thoại hay, sau đó được các thi nhân ẩn danh minh họa ra những câu thơ tặng cho đời. Biết bao những bài thơ tình tuyệt vời còn lưu truyền trong văn học mãi đến nay:
“Hôm qua tát nước đầu đình,
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà.”
(Ca Dao)
Thơ là thông điệp của tình yêu, là kho tàng cất giũ lời hẹn ước trăm năm của hai kẻ yêu nhau chứa đày hương thơm mật ngọt lẫn trái đắng của những cuộc tình. Thi sĩ Xuân Diệu một trong những người mở đầu cho trường phái lãng mạn trong thi ca Việt nam đầu thế kỷ trước. Có thể nói Xuân Diệu là thi sĩ tiêu biểu cho Thơ Tình lãng mạn thời kỳ ấy. Nhà thơ đã cảm nhận tình yêu qua câu thơ tuyệt vời:
«Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu .
Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu ;
Người ta phụ , hoặc thờ ơ, chẳng biết ...
Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt .
Tưởng trăng tàn, hoa tạ với hồn tiêu,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu!
-- Yêu, là chết ở trong lòng một ít … »
(Yêu 1935 )
Vào cõi thơ là lạc cõi bồng bềnh vô tận, nơi ẩn chứa của những tâm hồn đa sầu đa cảm thi nhân về những mối tình thiêng liêng sâu kín nhất. Nhà thơ đi giữa cõi mộng và thực hòa lẫn mộng thực cho đời thêm sắc màu. Thơ là bạn đồng hành của những tâm hồn đau khổ, thơ sẽ làm vơi đi nỗi buồn, vỗ về những niềm đau, thi vị hóa những cuộc tình dang dở biến thành một “thú đau thương” tặng cho đời. Nói đến thơ tình thời kỳ lãng mạn ở thế kỷ trước không thể quên người thi sĩ tài hoa tự nhận mình là “ chân quê ” đó là thi sĩ Nguyễn Bính. Có lẽ ngôn ngữ thơ ông bị ảnh hưởng nhiều từ ca dao nên mới tự nhận mình là chân quê. Nhưng “ chân quê ”ở đây là “ chất Việt Nam”, cái hiền hòa “trong sáng”chứa trong tâm hồn người dân quê bình dị. Bút pháp tài tình, sử dụng điêu luyện ngôn ngữ chân phương, có thể xem thi sĩ Nguyễn Bính là một trong những những nhà thơ có nhiều bài thơ tình hay và độc đáo ở thời kỳ đó. Thơ tình lục bát một thể thơ độc đáo của Việt Nam dễ bắt chước về hình thức nhưng khi thực hành lại khó tạo cho bài thơ trở nên hay! Thông thường những vần thơ lục bát dễ trùng nhau về thanh, cách gieo vần điệu, nhưng lại khó ngắt câu kép tạo nhịp. Rất khó dùng đảo ngữ, ngắt nhịp để hình ảnh câu thơ không rơi vào lối sáo mòn vì lập lại những ý thơ đã cũ, xếp nếp khiến ngôn ngữ lại càng nhạt nhẽo! Thi sĩ Nguyễn Bính đã tạo cho mình một cõi riêng nên dòng thơ lục bát trữ tình của ông đã vào văn học sử, thuộc về dân gian:
«Hôm nay dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau.
Anh đi đấy, anh về đâu?
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…”
(Không Đề)
Thi nhân nặng nợ với tình thơ nào khác chi kiếp tằm nhả tơ. Hồn thơ tựa làn khói, mùi hương ; mà hương thì vô ảnh người đời chỉ cảm nhận chứ không thấy được hình tướng. Nhưng ngay cả lúc hữu hình hồn thơ hóa thể thành sợi khói vầng mây chúng ta đều nhìn thấy nhưng nào ai nắm bắt được? Chỉ có con tim thi nhân mới biết hóa thể theo sự rung cảm, nhập vào ngoại cảnh thành những bông hoa đời.
Trong tiến trình của dòng lịch sử thi ca kể từ thời thơ cổ đại đến dòng thơ tạo sinh hôm nay về hình thức cấu trúc của thơ có nhiều thay đổi, nhưng hồn thi nhân vẫn thế, vẫn là một cõi riêng như giọt sương mai mong manh dưới nắng hồng, vẫn long lanh tỏa ra muôn sắc, dù chỉ một thoáng sẽ tan vỡ, nhưng sẽ mang theo màu diễm ảo về một cõi vô cùng. Nhập vào cõi thơ là sống trong cõi phiêu bồng. Có những hình ảnh chỉ thoáng trong giấc mộng, hay trong tâm tưởng rất đẹp như những bài thơ không lời nên không thể chép được nhưng vẫn làm say đắm long, nhất là những ai có tâm hồn đa cảm. Từ ngàn xưa gió trăng vẫn thế, không mang cảm tính nhưng kể từ khi có nhà thơ xuất hiện đã mang tâm cảnh hòa với ngoại cảnh để gió trăng kề cận, giao duyên với nhau. Gió tuy gần nhưng lại vô hình bóng, thế mà gió cũng biết lả lơi đùa trên làn tóc rối..Trăng tuy xa vời vợi nhưng trăng bỗng hóa gần để ngậm ngùi, chia sẻ những đau thương của những mảnh đời vỡ vụn. Thi sĩ Hàn Mạc Tử, người nghệ sĩ tài hoa nhưng lại mắc một chứng bệnh nan y, nhà thơ thích ngắm trăng đùa với gió, nhưng mỗi độ trăng tròn là cảm thấy đau đớn. Cái đau ở đây không phải là đau thể xác mà đau ở tâm hồn, vì chứng bệnh nan y đó đã làm tê liệt các tế bào của ông không còn cảm giác. Nhưng nỗi đau trong tâm hồn là một khối sầu vẫn chất ngất làm sao thi sĩ có thể quên ?! Là thi sĩ nên Hàn Mạc Tử đã hòa với gió trăng để vợi niềm đau, những cảm xúc ấy đã họa cho đời một bức tranh qua câu thơ tuyệt vời:
“Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gío đông về để lả lơi.
Hoa lá ngây rình không muốn đọng,
Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi.”
( Bẽn Lẽn)
Hoặc :
«Trăng, trăng, trăng, là trăng, trăng , trăng !
Ai mua trăng tôi bán trăng cho Không bán đoàn viên ước hẹn hò… »(Trăng Vàng Trăng Ngọc) |
Thơ tình “lứa đôi” là những trái mộng đầu đời ai cũng có thể hái dệt thành thơ. Người làm thơ đã chắt chiu kỷ niệm gom nhặt cảm xúc rồi trang trải lên trang giấy học trò thành nhiều bài thơ tình có bài hay có bài dở. Những bài thơ tình thơ mộng đó dễ bị quên lãng hoặc người đời không hề biết đến vì nó thiếu tính độc đáo, bài thơ nào cũng na ná giống nhau! Để thành một bài thơ tình xuất sắc, độc đáo rất khó! Cái khó ở đây cả nội dung lẫn hình thức. Ở tuổi mới lớn những tâm hồn mơ mộng có thể làm được nhiều thơ tình đầy cảm xúc nhưng nặng chất học trò. Người làm thơ chưa đủ ngôn ngữ chắt lọc, hiểu biết sâu rộng về cấu trúc thơ để có thể diễn đạt được những cái hay cái đẹp của thi ca vào trong cõi tình. Có người cắt xén những ca từ của những nhạc phẩm hoặc cóp nhặt những mẫu chuyện tình trong các tiểu thuyết Âu Á, hay của những bài thơ khác rồi cắt dán, vá víu gọi là sáng tạo?! Trong muôn vàn bài thơ tình làm từ thuở học trò cũng chỉ có một số ít bài hay đã đến với giới thưởng ngoạn, và số ít người làm thơ đó chính là thi sĩ với những bài thơ tình mang tính độc đáo. Để diễn tả thơ tình người làm thơ thường dùng nhiều thể thơ khác nhau, nhưng với lục bát hay ngũ ngôn dễ kể lể hơn. Loại thơ ngũ ngôn tứ tuyệt rất khó diễn đạt vì quá ít chữ và câu lại ngắn nên nhà thơ thường dùng thể thơ 5 chữ nhiều đoạn để diễn tả. Thể thơ này dễ làm nhưng lại khó diễn tả hay vì điệp ngữ, trùng ý! Do đó nhà thơ phải chọn chữ lồng ý để mạch thơ được liên tục không lập lại những ý, câu chữ ở những đoạn trên. Một bài thơ được làm ra từ hứng cảm nhiều khi nhà thơ không mấy chú trọng hoặc cố ý mang những chất liệu âm nhạc hội họa tư tưởng vào thơ, nhưng trong thơ vẫn có, vì những môn nghệ thuật ấy đã được nhà thơ học hỏi, hoặc cảm nhận từ lâu. Nó đã in sâu vào tiềm thức của nhà thơ, và khi làm thơ dù không cố tình nó vẫn tuôn ra theo mạch cảm hứng của thơ. Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp viết bài Chùa Hương năm 1934 là bài thơ tình xuất sắc. Nhà thơ diễn tả tâm trạng người thiếu nữ ở tuổi chớm dậy thì của đầu thế kỷ 20 trước, thời đó xã hội còn nặng chất phong kiến, trai gái chưa dám đối diện tỏ tình, thế mà cô bé mười lăm đã dám thỏ thẻ tiếng lòng khi gặp tiếng sét ái tình. Bài thơ được lồng trong phong cảnh đẹp nửa tiên nửa trần thật tuyệt vời. Hai câu chót của bài thơ diễn tả cái tâm đích thực của tình yêu qua lời nguyện cầu. Nàng chẳng cầu xin khỏe mạnh, giàu có tiền tài hay học hành tấn tới, mà chỉ xin: «Sao cho em lấy được chàng». Bài thơ này về sau đã được bao nhạc sĩ phổ thành nhạc còn truyền tụng mãi đến hôm nay. Vì bài thơ dài, xin minh họa vài nét :
"Hôm nay đi chùa Hương.
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy.
Em vấn đầu soi gương….
Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm…
Nhưng em chưa lấy ai,
Rằng em còn bé lắm,
Ý đợi người tài trai…
Phơn phớt áng mây hồng.
Giòng sông nước đục lờ.
Ngâm nga chàng đọc thơ!
Thầy khen hay, hay quá!
Em nghe ngồi ngẩn ngơ.…
Em đi, chàng theo sau,
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giàu…..
Ôi! Chùa trong đây rồi!
Động thẳm bóng xanh ngời.
Gấm thêu trần thạch nhũ,
Ngọc nhuốm hương trầm rơi…
Thầy kêu mau lên nhé,
Chiều hôm nay ta về.
Em nghe bỗng rụng rời!
Nhìn ai luống nghẹn lời!
Giờ vui đời có vậy,
Thoáng ngày vui qua rồi!
Làn gió thổi hây hây.
Em nghe tà áo bay,
Em tìm hơi chàng thở!
Chàng ôi, chàng có hay?...
Ngun ngút khói hương vàng,
Say trong giấc mơ màng,
Em cầu xin Giời Phật
Sao cho em lấy chàng."
(Chùa Hương)
Nguyễn Tất Nhiên là một trong số người làm thơ ngũ ngôn nổi tiếng khi còn rất trẻ năm xưa. Thơ ông mộc mạc nhưng có tính độc đáo. Ngôn ngữ thơ không mang những biểu trưng về hình tượng hội họa nhưng lại là những hình ảnh đượm chất tâm linh. Cái hay của thơ ông là giữ nguyên thủy ngôn ngữ học trò nhưng đầy tính nhạc, ý thơ vượt thoát khỏi khuôn khổ nhà trường và mang tình yêu lứa đôi vào giáo đường, những nơi thờ tự mà không e ngại cấm kỵ nhưng vẫn giữ tính tôn nghiêm. Nhà thơ giàu tưởng tượng, hư cấu cái thực của đời qua ngôn ngữ thành những hình ảnh sống động làm phong phú ý thơ :
“vì tôi là linh mục
không mặc áo nhà giòng
nên suốt đời hiu quạnh
nên suốt đời lang thang ! ..
tín đồ là người tình
người tình là ác quỉ... »
( Linh Mục) (1970).
Thi sĩ là người ngoại đạo yêu hai người bạn gái cùng trường vào hai thời điểm khác nhau vài năm, một người tên là Bùi Thị Duyên, một người tên là Nguyễn Thị Minh Thủy. Hai người cùng có đạo nên ông thường hay ngồi quán cafê để ngắm nhìn người mình yêu đi xem lễ, đôi khi đi theo người yêu vào nhà thờ:
«..Chuông nhà thờ đổ mệt,Tượng Chúa gầy hơn xưa..
Anh bây giờ có lẽ, Thiết tha hơn tín đồ…».
Đối vói Bùi Thị Duyên thi sĩ yêu đơn phương đắm say trong mộng ảo, dù biết là vô vọng nhưng vẫn cứ yêu. Người ấy đã đi lấy chồng bỏ trường bỏ phố ít về chốn cũ. Nỗi trống vắng làm nhà thơ cảm nhận sự bẽ bàng tột cùng của tình yêu. Nhà thơ xót xa cho tình yêu nhưng thương những kỷ niệm, ông tìm đến giáo đường hướng tâm hồn về đức tin Thiên Chúa để tìm sự an lạc, dù rằng nơi ấy đã vắng tiếng cầu kinh của nàng! Vào năm 1970 thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên viết bài thơ Khúc Tình Buồn, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành nhạc và đã đổi Tụa là: Thà Như Giọt Mưa đã trở thành một ca khúc nổi tiếng và nhờ đó công chúng biết đến bài thơ. Lời thơ mang chút triết lý nhân sinh, nhưng ý thơ lại diễn tả một mối tình tuyệt vọng :
«Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá, thà như giọt mưa khô trên tượng đá, có còn hơn không, có còn hơn không ?...»
Giọt mưa vốn mong manh rơi trên đường biến vào hư không, nhưng giọt mưa trong thơ là khối tình được ẩn dụ qua hình tượng như giọt thủy tinh vỡ trên tượng đá tan thành trăm mảnh. Phải chăng thi sĩ thà là cứ yêu để tình tan vỡ mà còn được quyền yêu hơn là để tâm hồn chẳng biết tình say đắm thì ý nghĩa của câu :«Có còn hơn không» sẽ thành vô nghĩa. Nhà thơ chẳng triết lý cao xa nhưng lý lẽ của tình yêu lại là một triết lý về lẽ đạo. Từ một thể chân không vi diệu biến hóa thành hiện tượng vũ trụ cảnh trí thì đối với nhà thơ giữa nhị nguyên Có và Không thi sĩ vẫn chọn là Có để thể hiện nguồn cảm xúc giữa Người và Vật, Tâm và Cảnh của bản ngã trong thế giới hữu tình. Vì trong cái không thăm thẳm đó chỉ có người giác ngộ mới nhận chân được giá trị tánh không tâm linh!
« Người từ trăm năm
về qua sông rộng
ta ngoắc mòn tay
trùng trùng gió lộng
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
Thà như giọt mưa vỡ trên mặt Duyên
Để ta nghe thoáng tiếng mưa vội đến
Những giọt run run ướt ngọn lông măng…».
(Khúc tình buồn) (1970)
Quá cuồng si, nhà thơ còn ví người tình của mình là như vị nữ tu :
« ..Em hiền như ma sœur
Vết thương ta bốn mùa
Trái tim ta làm mủ
Ma soeur này ma soeur ..»
(Ma Sœur (1971)
Nhưng với Nguyễn Thị Minh Thủy tình yêu đến hơi muộn, có đôi chút trắc trở ban đầu nhưng vẫn được đáp nhận, sau đó kết thành vợ chồng :
«Hai năm tình lận đận
Hai đứa cùng xanh xao…..
Em không còn thắt bính
Nuôi dưỡng thời ngây thơ
Anh không còn lýnh quýnh
Giữa sân trường trao thư…..
Em bây giờ có lẽ
Toan tính chuyện lọc lừa
Anh bây giờ có lẽ
Xin làm người tình thua…
Chuông nhà thờ đổ mệt
Tượng Chúa gầy hơn xưa..
Anh bây giờ có lẽ
Thiết tha hơn tín đồ …»
( Hai Năm Tình Lận Đận)(1972)
Thơ ông có những đoạn được lập lại tạo thanh âm như nhịp láy làm nổi bật ý thơ : «thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá, thà như giọt mưa khô trên tượng đá,..». Các nhạc sĩ tài hoa đã nhận được cái tính nhạc trong thơ ông nên phổ thành những ca khúc hay. Nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ : «Thà Như Giọt Mưa, Em Hiền Như Ma Soeur, Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ, Hai Năm Tình Lận Đận. Nhạc sĩ Anh Bằng phổ bài thơ Trúc Đào, và Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang phổ một bài thơ Linh Mục.
Thơ tình chứa đầy chất lãng mạn, là lời ru tiếng nấc của con tim nhưdòng suối mát hương thơm, nâng niu tình yêu, nên đôi khi ý thơ vượt trước thờiđại, chối bỏ những rang buộc luân lý xã hội đương thời còn khép kín. Con người từ khi xuất hiện thi tính lãng mạn cũng phát sinh. Nhà thơ đã thả hồn mình theo trăng sao để gởi về nơi xa xăm ấy một chút tình. Chỉ có nhà thơ mới dám bộc lộ lòng mình. Thi sĩ TTKH để lại bài thơ tình còn lưu trong văn học mà một thời đã gây xôn xao đầy bao giấy mực:
“ Từ đấy thu rồi thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ.
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
“Người ấy cho nên vẫn hững hờ”.
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời,
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi.
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn dấu trong tâmbóng một người…”
(Hai Sắc Hoa Tigôn)
Dòng lãng mạn hòa với tâm linh khiến hồn thơ chắp cánh bay vào cõi bồng phiêu, nơi chỉ còn lại chấm sáng của tình yêu. Nương theo Mê Hồn Ca của thi sĩ Đinh Hùng để vào cõi huyền hoặc bằng con tim nồng cháy, như ánh lửa hơ ấm những tâm hồn ở bên kia bờ xa thẳm qua lối thơ Tượng Trưng được trau chuốt, gọt dũa, có nhiều ý hay lạ, nhiều hình ảnh và ngôn từ quái dị, yêu ma:
“Cười lên em, khóc lên em
Đâu trăng tình sử nét trần duyên
Gót sen tố nữ xôn xao đêm huyền.
Ta đi lạc xứ thần tiên
Hồn trùng dương hiển bong thuyền u minh
Ta gởi bài thơ anh linh
Hỡi người trong mộ có rung mình
Nắm xương khô lạnh còn ân ái
Bộ ngực bi thương vẫn rợn tình.
hỡi người tuyết trinh, hỡi người tuyết trinh
Mê em ta thoát than hình
Nhập hồn cây cỏ đa tình mỗi đêm….”
(Gởi Người Dưới Mộ)
“ Tôi đã gặp em tự bao giờ
Kể từ nguyệt bạch xuống đêm khuya.
Kể từ gió thổi trong vừng tóc,
Hay lúc thu về cánh nhạn kia.
Có phải em mang trên áo bay,
Một phần gió thổi một phần mây.
Hay là em gói mây trong áo?
Rồi thở cho làn áo trắng bay…”
Thi sĩ Thái Can qua bài Em Biết Anh Đi:
“Em biết anh đi chẳng trở về
Dặm ngàn liễu khuất với sương che.
Em đừng quay lại nhìn anh nữa:
Anh biết em đi chẳng trở về.”
(Anh Biết Em Đi)
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương:
“Bài thơ hạnh ngộ đã trao tay,
Ôi mộng nào hơn giấc mộng này ?
Mùi phấn em thơm mùi hạ cũ,
Nửa như hoài vọng, nửa như say .
Em đến như mây, chẳng đợi kỳ,
Hương ngàn gió núi động hàng mi .
Tâm tư khép mở đôi tà áo,
Hò hẹn lâu rồi - Em nói đi …”
( Bài Ca Hạnh Ngộ)
Thi sĩ Huy Cận:
“..Sợi buồn con nhện giăng mau;
Em ơi ! Hãy ngủ... anh hầu quạt đây.
Lòng anh mở với quạt này;
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường !
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ...”
(Ngậm ngùi)
Ở thời đại khoa học tiến bộ vượt bực, đời sống vật chất cao đã ảnh hưởng đến đời sống con người. Chất lãng mạn bị dần khô héo, mặc dù ngoại cảnh nơi xứ người vẫn bốn mùa thay đổi. Phải nặng tình thơ lắm thi nhân mới dám ôm cái nghiệp dĩ vào thân, lắng hồn mình hòa với ngoại cảnh để thấy hoa cười trong nắng mai, sợi buồn giăng cỏ úa, và gom ngoại cảnh nhập thành tâm cảnh nghe nỗi buồn rả rích bò trong xương tủy, len qua tiếng trhở dài. Trên bước đường tha hương thơ là bạn đồng hành của người xa xứ.Thơ đã chia sẻ niềm đau, nỗi nhớ và sự cô đơn. Ở tuổi quá đôi mươi, người làm thơ bị đời cuốn hút, cuộc sống bị thực tế cọ sát, chất thơ học trò mơ mộng bị hòa với cuộc sống nhập theo từng hoàn cảnh, đời và thơ quyện nhau tạo thành những dòng chảy muôn hướng. Có những nhà thơ thích làm mới thi ca, muốn tìm tòi đổi mới ngôn ngữ, thể nghiệm một bút pháp lạ,một hình thức diễn đạt mới đìều đó rất qúy và khuyến khích, những tiếc thay nhiều người làm thơ đã lạm dụng sự cảm xúc để vội vã thành danh nên không cẩn trọng tính thẩm mỹ của thi ca nên đã không trân trọng Thơ, do đó đã gây cho làng thơ trong nước cũng hải ngoại bị dao động, xôn xao ! Những áng thơ tình tạm lắng xuống nhường cho những nguồn thơ khác như: Quê Hương, Thân phận, Chiến Tranh, Ngục Tù, Tâm Linh… Thi sĩ cũng từ đó mà bước ra dệt gấm hoa cho đời. Ở tuổi trung niên và cao hơn… Thơ "lứa đôi" lại càng xa vời, khó diễn đạt hơn những thể loại khác….khó về cảm hứng, sự rung động, lòng đắm say… để dệt bài thơ hay? Chỉ có thi sĩ mới rung cảm được với cái buồn tha nhân mà hóa thân nhập vai để diễn tả nỗi đau, sự bẽ bàng, giọt nước mắt của tha nhân, đồng điệu buông tiếng thở dài, hay vút cao lời hân hoan ca ngợi.
Ở trên đời, nếu chỉ có một loài hoa thì nghệ sĩ sẽ không còn cảm hứng sáng tác về sự nhiệm màu của thiên nhiên ? Thơ cũng như hoa muôn màu muôn sắc, tùy theo nhịp đập rung cảm của thi nhân. Nhà thơ không làm công việc của nhà lý luận, nhà khoa học, nhà thần học hay triết gia…để tìm cái mới lạ trong thế giới hiện hữu, cái huyền bí của vũ trụ..vv..nhưng thi nhân có thể sống với với tôn giáo, luân lý qua tâm linh để phát hiện thêm lẽ đạo của cuộc đời, và sống triết qua thơ. Hồn thơ tựa ánh sao băng, thoáng trên bầu trời từ một hành tinh xa xăm nào đó trong vũ trụ lạc xuống trần, đọng trên kẽ lá thành những hạt sương mai. Bỗng ngọn gió vô tình lướt qua lay động cành cây, làm vỡ những viên ngọc trời thành muôn mảnh. Trước khi tan biến nó vẫn dựng được màu sắc rực rỡ của bình minh.
Đỗ Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét