Phú Quốc, Việt Nam
Dự luật rồ dại
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa, chuyên gia tư vấn kinh tế của Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do từ năm 1997 tới nay. Thưa ông, dư luận trong và ngoài nước đã xôn xao bàn tán về một dự luật có thể được Quốc hội Việt Nam biểu quyết vào ngày 15 này để lập ra ba khu trự trị kinh tế có quy chế hành chính đặc biệt tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Khi theo dõi hồ sơ đó, ông có thể chia sẻ những nhận xét gì cho thính giả của chúng ta?
<!>
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin nêu ba nhận xét sơ khởi trước khi ta tìm hiểu sâu xa hơn về các mối nguy cho Việt Nam trong một dự luật thuộc loại rồ dại nhất.
- Thứ nhất, khi thấy dư luận bàn tán, Chủ tịch Quốc hội cho biết là Bộ Chính Trị của đảng Cộng Sản Việt Nam đã thông qua nên Quốc hội sẽ ban hành thành luật. Theo phạm trù kinh doanh, ta có hiện tượng quản lý rất lạ, là Bộ Chính Trị như Hội đồng Quản trị của một doanh nghiệp, là cơ chế chưa hề sống trong lĩnh vực kinh doanh của thị trường và không thể biết mọi chi tiết khúc mắc của đời sống thật mà vẫn có quyền quyết định tuyệt đối cho ban quản trị là Nhà nước gồm có Quốc hội và Chính phủ chấp hành. Nếu Đảng trả lương cho nhân viên Quốc hội và cán bộ Chính phủ và có quyền tăng lương hay kỷ luật thì còn có sự hợp lý.
- Nhưng Đảng không kiếm ra tiền và lương bổng của đảng viên cán bộ lại do tiền thuế của 93 triệu người dân chu cấp mà người dân không được tham khảo hay có tiếng nói. Nếu là một doanh nghiệp, người dân làm chủ, thuộc hội đồng cổ đông và phải được quyền lên tiếng để Hội đồng Quản trị theo đó mà làm cho có lợi. Với mô thức kỳ lạ hiện nay, Việt Nam là một doanh nghiệp tất nhiên phá sản!
- Thứ hai, một số chuyên gia ở trong và ngoài nước đã lên tiếng về vụ nảy. Tôi quý trọng sự hiểu biết của nhiều chuyên gia quốc nội, nhưng thông cảm là quý vị đó không thể nói hết vì họ chưa được tự do nên chỉ có thể nói chi tiết chuyên môn mà tránh đụng vào “cái vẩy ngược của con rồng”, là hệ thống chính trị của một đảng bịt mặt và khỏi bị trách nhiệm nhờ cái thế độc quyền. Họ đành nhẹ nhàng khuyên ý Đảng nên hợp với lòng dân chứ không thể than rằng lòng dân phải hợp với ý Đảng. So với thời xưa thì một số chuyên gia đã giỏi hơn nhiều, nhưng so với thiên hạ thì đấy là một thất thu về trí tuệ, nên cũng là một mất mát cho xứ sở.
- Ý thứ ba là Việt Nam đi chậm hơn các nước cùng trình độ nên còn loay hoay với mô hình “đặc khu kinh tế” đã lỗi thời. Mà Việt Nam còn chìm xuống đáy với ba đặc khu chỉ chuyển giao công nghệ cờ bạc và mại dâm làm xã hội sa đọa, khi quỹ đất đã cạn nên chỉ làm lợi cho các tay trong đã biết trước mà đầu cơ địa ốc, và lại còn đe dọa an ninh quốc gia vì địa thế chiến lược của ba nơi này.
Nguyên Lam: Thính giả của chúng ta biết rằng ông không mấy lạc quan và thường có lời cảnh báo, nhưng Nguyên Lam không ngờ là ông lại bi quan đến như vậy! Xin đề nghị ông giải thích thêm về chuyện này.
Nếu lạc quan thì dự luật đặc khu sẽ sản sinh ra các lãnh chúa người Việt và từ đó dẫn tới nạn phân hóa vì có nhiều lãnh địa trong một quốc gia chỉ thống nhất ở hình thức. Về thực tế thì dưới bóng rợp của một đế quốc không che giấu tham vọng bành trướng là Trung Quốc, dự luật sẽ dẫn đến chế độ tô giới và Bắc thuộc.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói về bối cảnh trước, Việt Nam có ba nhược điểm lớn là năng suất công nghiệp quá thấp, bội chi ngân sách quá cao và sau mấy chục năm thu hút đầu tư nước ngoài thì ngoại quốc hưởng lợi chứ kiến năng, là kiến thức và khả năng của mình không tăng, lợi ích kinh tế cũng vậy. Bộ Kế hoạch hay ai đó có trách nhiệm chẳng lẽ không biết các nhược điểm ấy để cải tiến chiến lược công nghiệp hóa hay sao?
- Bây giờ cái đảng chưa khi nào quản trị kinh doanh lại bày ra một dự luật có tám tai họa:
1/ có thể cho nước ngoài thuê không phải trong khoảng 50-70 năm mà 99 năm;
2/ người chủ đầu tư có quyền bán lại hay chuyển giao thừa kế cho ai khác;
3/ có thể giảm thuế thuê đất;
4/ lại giảm thuế thu nhập trong nhiều năm để thu hút đầu tư;
5/ người Việt Nam có quyền vào các đặc khu ấy để đánh bạc và giải trí;
6/ chủ đầu tư trong đặc khu được quyền bội chi tới 70% của ngân sách; và
8/ khó hiểu nhất, chủ đầu tư có khi không còn khả năng trả nợ, khi đó, ai chịu trách nhiệm thì không rõ. Tôi miễn bàn về từng chi tiết mà cố tổng hợp qua tám đặc tính ác độc của dự luật. Trong một cơn ác mộng, nếu tôi làm tư vấn cho kẻ thù của Việt Nam, tôi sẽ đề nghị những điều quái đản kể trên, cho chết luôn!
Mối nguy từ Đặc Khu Tự Trị
Nguyên Lam: Ông nói cứ như cười mà không giấu được nét chua chát. Nguyên Lam xin chầm chậm hỏi ông vài chi tiết kỹ thuật cho thính giả của chúng ta hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề này. Thưa ông, tiền đâu ra và ai sẽ trả?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Là đại diện cho người dân, ta hãy tạm tin như vậy đi, Nhà nước thu thuế để lo cho dân. Dự luật lo cho nhà đầu tư, nhiều phần là ngoại quốc, nên ào ạt miễn thuế và hoãn thuế, như qua các điều 40, 43 hay 45. Như vậy, khi ngân sách đã bội chi quá nặng, Nhà nước tìm tiền ở đâu ra hay là vét thuế nơi khác? Phải chăng người dân sẽ trả tiền cho dự án thu hút đầu tư này? Dân có được hỏi ý hay có được biết về những chi tiết bất công ấy không?
- Bước sang một lĩnh vực nhiều rủi ro khác cho xã hội là quy chế đặc miễn lao động cho người nước ngoài. Họ không cần giấy phép lao động nếu làm việc dưới 90 ngày hoặc trong cả năm không quá 180 ngày. Mọi chuyện, từ tuyển người, đặt mức lương hay bổng và miễn thuế v.v. có thể do Chủ tịch của đặc khu quyết định. Nhà nước thống nhất đang nặn ra các nhà nước con con trong lãnh thổ, là những nhóm lợi ích, và chỉ còn nhiệm vụ tìm tiền cung phụng yêu cầu của nhà đầu tư. Trong khi đó, các đặc khu này cũng có quyền trang bị võ khí và nhân sự bảo vệ. Người ta muốn lập sòng bạc hay xây pháo đài mà đề ra những chi tiết ấy?
Nguyên Lam: Nói về các mối nguy từ đặc khu tự trị, ông thấy là bà con nên chú ý tới điểm gì khác nữa sau khi ông vừa nói đến địa thế chiến lược của ba nơi này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Việt Nam là đối tượng chinh phục thực tế và gần gũi của Trung Quốc qua chiến lược bành trướng đã công khai hóa của họ. Ngẫu nhiên mỉa mai là Tết Mậu Tuất vừa qua, khi góp phần tổ chức Hội Chợ Tết tại miền Nam California, bản thân tôi nhắc đến ba chiến thắng trên sông Bạch Đằng, vào năm 938 là một năm Mậu Tuất, của Ngô Quyền để giành độc lập sau 1050 năm Bắc thuộc; rồi năm 981 khi Lê Đại Hành thắng quân Tống; lần thứ ba là năm 1288 nhờ chiến công lịch sử của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, mà then chốt là trận Vân Đồn trước đó của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư khiến quân Nguyên Mông bị cạn lương. Bây giờ, Vân Đồn là nơi Bắc phương sẽ đóng cọc và khống chế miền Bắc!
- Tại miền Trung, sau khi đã chiếm Hoàng Sa và Trường Sa ở ngoài biển, họ sẽ trụ tại đặc khu Bắc Vân Phong, rồi trên đường bành trướng từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương, đảo Phú Quốc trong ra Vịnh Xiêm La sẽ là vị trí chiến lược của Trung Quốc. Người ta lầm tưởng là thiên hạ sẽ vào đó đánh bạc, Trung Quốc vào nơi đó thì sẽ thiết trí khí cụ tình báo quân sự để theo dõi và khống chế. Các mỏm đá giữa biển Đông Nam Á mà họ còn làm thành đảo nhân tạo và căn cứ quân sự thì ba hòn đảo của ta sẽ là chiến lũy của họ! Ai bày ra chuyện đặc khu này mà ác độc như vậy?
Nguyên Lam: Thưa ông, vì thời lượng của chúng ta thì có hạn mà đề tài lại quá đa diện cho nên Nguyên Lam xin đề nghị ông nêu ra vài kết luận.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thứ nhất, nếu có chết thì cố chết cho chậm, việc gì phải ký giấy tự sát vào ngày 15 này?
- Tôi cho là những ai có thực tâm với đất nước thì nên tham khảo ý kiến của mọi thành phần liên hệ, từ doanh gia đến người am hiểu về an ninh, các chuyên gia kinh tế và luật pháp quốc tế xem thiên hạ xử trí ra sao. Lý tưởng là hỏi ý người dân chứ đừng nghĩ là họ không biết gì. Mà muốn vậy thì cần công khai hóa mọi chi tiết. Then chốt và sinh tử là các chi tiết mà Bộ Chính Trị bịt mắt có khi chẳng thấy ra các nhân tố cụ thể khác.
- Thứ hai, nhìn rộng ra ngoài, đảng phải học tập kinh nghiệm thất bại với cả chục đặc khu hay dự án có tầm cỡ như Bauxite tại Tây Nguyên, khu kinh tế gang thép Vũng Áng, dự án Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Chân Mây, v.v… Vì sao đã thất bại mà còn đòi tái diễn với ba đặc khu kinh tế tự trị đó? Thứ ba, nếu không biết thì học ngoại quốc: nên mời các chuyên gia quốc tế vào làm tư vấn về mọi khía cạnh lợi hại, miễn là các chuyên gia ấy không do Bắc Kinh tuyển chọn và đài thọ. Thứ tư, học xong thì sẽ biết Việt Nam khỏi cần đặc khu kinh tế nữa sau hơn 20 năm mở cửa ra ngoài với nhiều hiệp ước tự do thương mại và đầu tư đã ký kết với quốc tế. Sau cùng, nếu lỡ dại thì cũng nên cài trong hợp đồng các điều kiện tái xét. Một hội đồng có thực quyền phải được lập ra để theo dõi tình hình thực tế sau mỗi năm năm, 10 năm, và có quyền điều chỉnh lại những cam kết. Đấy là điều kiện tối thiểu và thông thường trong mọi giao kèo dài hạn. Nếu không, viễn ảnh bi đát lại là hiện tượng “Hoa quân nhập Việt”: người Hoa có võ trang vào làm chủ nước Việt ở những nơi sinh tử nhất của nước Nam.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về những nhận định này.
Tham khảo:
Toàn văn bản dự thảo Luật Đơn Vị Hành Chánh - Kinh Tế Đặc Biệt Vân Đồn - Bắc Vân Phong - Phú Quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét