Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2017

Hồi ký Văn Quang: - Ngày tháng chưa quên

Image result for hình ảnh một chiếc xe GMC chở đoàn văn nghệ quân đội VNCH
Những lần đi trình diễn
Đại đội 3 Văn nghệ của tôi sau khi tạm thời ổn định doanh trại cùng với việc tập luyện chương trình ca nhạc kịch, bắt đầu cuộc “chinh phục” khán giả. Ban Quân Nhạc của Quân Khu được tăng cường đi theo giúp chúng tôi. Đoàn xe khá rầm rộ gồm 2 chiếc xe GMC, một đã được Khu Tạo Tác do Đại Úy Lê Kim Ngô, coi tôi như em, đóng giúp thành sân khấu khi mở ra diễn ở nơi công cộng. Một GMC chở nhạc cụ và nhân viên ban nhạc, một xe dogge 4×4, một xe dogge 6 chở quân nhân, tôi đi xe jeep. Hồi đó là thời chiến tranh đang mở rộng nên đơn vị tôi phải tự trang bị súng ống đạn dược tự phòng vệ trong suốt cuộc hành trình dài.
<!>
Quân nhân của đại đội hầu hết là văn nghệ sĩ nên chưa anh nào biết chiến đấu và biết chiến trường là cái gì. Anh đại đội trưởng trẻ cũng chưa đánh trận nào. May mà chúng tôi chưa đụng trận, chưa bị phục kích chứ không biết nếu chuyện đó xảy ra sẽ như thế nào. Con đường từ Pleiku đi đến địa phương nào cũng toàn rừng bao bọc kín mít. Có những con đường chỉ vừa đủ cho một chiếc xe đi, cành lá rừng va đập vào thành xe chan chát. Nhất là con đường từ Pleiku xuống Bình Định dài hàng trăm cây số, qua những đèo dốc khá nguy hiểm, vậy mà chúng tôi vẫn phải đi. Đưa ra cái khẩu hiệu “quyết tâm mang niềm vui đến cho đồng đội và đồng bào khắp quân khu”.
Mỗi tỉnh chúng tôi có hai đêm diễn. Một ở trong rạp, do địa phương mượn giùm danh cho các sếp trong các cơ quan quân dân chính và những vị “có máu mặt” ở địa phương. Giấy mời chúng tôi in sẵn ở Phòng Tâm lý chiến quân khu. Nhưng đến nơi tôi thường giao cho Tiểu Khu đưa giấy mời. Chương trình dài 3 tiếng từ 20g đến 23g và chúng tôi luôn quyết định mở màn rất đúng giờ.
Sau hôm đó là một buổi diễn ngoài trời, giữa một sân vận động, mở cửa tự do cho công chúng. Hai chương trình cũng có nhiều nét khác nhau bởi nhiều vấn đề về kỹ thuật mà ở ngoài trời không thực hiện được. Chương trình cho công chúng dễ hiểu “bình dân” hơn, cần nhiều tiếng cười. Bởi ảnh hưởng của đêm diễn trước khá hay nên bà con đón đợi rất nồng nhiệt.
Khi diễn ở Quảng Ngãi, tất nhiên tôi lại gặp người em xứ Huế của tôi. Nàng mời tôi xuống nhà chào “mạ”. Tôi nhận lời, sáng hôm sau phóng xe xuống thăm. Hai mẹ con nàng ở với người anh họ trong căn nhà khang trang bên cạnh quốc lộ. Nàng mặc bộ áo cánh tiếp tôi trong chiếc bàn gỗ sơ sài giữa nhà. Bà “mệ” già tóc bạc nhưng còn in lại vẻ đài các thanh tú rất đẹp. Bà nghiêm trang nhìn tôi cứ như nhìn thằng con rể mới. Tôi thu mình trong cái vẻ thư sinh “ngây thơ vô tội”. Mệ có vẻ rất hài lòng. Thế là tôi “có điểm” với cả gia đình nàng.
Một lát sau có một cặp nam nữ trẻ tuổi đèo nhau bằng xe đạp tới. Có lẽ đó là cặp vợ chồng hay bồ bịch bạn cùng sở của nàng. Nói chuyện vài câu nàng vẫy tôi lại gần cửa phòng nói cho nàng thêm một cặp giấy mời nữa đi xem tối nay. Tôi đã đưa hết giấy mời cho tiểu khu phụ trách nên chẳng giữ cái nào sau khi đã đưa cho nàng 4 cái rồi. Thêm cái nữa quả là phiền, tôi không hứa sẽ kiếm được. Nàng làm bộ nũng nịu, giận dỗi cho mấy người bạn nhìn thấy. Có lẽ nàng muốn khoe tình yêu với bạn bè. Tôi chẳng biết làm gì hơn là cười trừ. Tuy nhiên sau đó tôi cũng vào tiểu khu xin lại một cái giấy mời. Ông Trung Úy Trưởng Ban Tâm lý chiến tiểu khu đành phải tìm cho tôi. Ông cũng biết nhà nàng và có lẽ cũng đã từng “chiêm ngưỡng” dung nhan khá hấp dẫn của cô gái hàng ngày vẫn đi bộ trên đường đến sở làm. Ông mang vé đến nhà nàng giùm tôi, dường như ông cũng thích được làm việc ấy. Giao xe jeep cho ông lái, tôi đứng đánh bi- a cùng vài anh em trong đại đội. Trong khi toán công tác làm sân khấu vẫn miệt mài trong rạp hát mới mượn được cách đó không xa. Rạp hát nằm giữa chợ.
Rồi đúng 19g tối, đêm ca kịch cũng được mở màn. Tôi làm thủ tục đứng ra chào khán giả và giới thiệu sơ lược về sự ra đời của Đại Đội này. Khi màn trình diễn mở đầu bằng bài đồng ca Đại Đội 3 Văn Nghệ hành khúc do nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác với toàn bộ nghệ sĩ của đại đội gồm vài chục nam nữ ca sĩ mặc đồng phục thắt nơ đỏ cho oai.
Cô ca sĩ Nguyệt Ánh hé tấm màn hậu trường nhìn ra ngắm người đẹp của tôi cười khúc khích. Người đẹp của tôi vô tình cứ đăm đăm nhìn. Nguyệt Ánh nói: Cô ấy đang tìm anh đấy. Có vẻ như đó là sự thật. Tôi hiểu tình yêu của nàng dành cho tôi sâu đậm lắm rồi. Nhưng tôi chưa hề nghĩ đến một ngày nào đó chúng tôi sẽ kết hôn. Tại cái tính lăng nhăng vặt của tôi hay tại tôi thấy mình còn trẻ quá, tôi không biết. Lấy vợ cứ như chuyện tức cười. Bản tính của tôi hồi còn trẻ là như thế.
Với vài người bạn thân nay đã mất
Trở lại với cuộc đời cầm bút của tôi qua nhiều giai đoạn khi lên voi lúc “xuống chó”, thật sự là “xuống chó” chứ không còn là thành ngữ suông.
Trong khi làm Đại đội Trưởng ĐĐ VN ở Pleiku, tôi vẫn tiếp tục viết bài hàng tuần cho báo Truyện Phim ở Sài Gòn gửi bằng thư tay. Sau đó giữ liên lạc với các báo khác. Nhờ vậy khi về làm ở Cục Tâm Lý Chiến tôi viết nhiều báo hơn. Báo hàng ngày và báo hàng tuần, viết như… máy. Có khi tòa soạn phải cho người vào Phòng Báo Chí đợi tôi viết bài xong lấy về cho kịp sắp chữ. Báo nào cũng trả nhuận bút sòng phẳng đi chơi rả rích với mấy ông bạn hơn tuổi tôi như Thanh Nam, Mai Thảo, Hoài Bắc… Các ông ấy ngồi uống rượu tì tì, tôi không uống rượu bao giờ vì bệnh đau bao tử. Có lần Thanh Nam nói: “Ê mày ăn món lòng gà thì gọi riêng một đĩa, ăn “giỗ mồi” chúng tao hết đồ nhắm”.
Kỷ niệm với “Chú Tư Cầu” Lê Xuyên
Có một chuyện tôi còn nhớ mãi là chuyện hàng ngày tôi thường phải đưa bài ra tòa soạn. Một lần tôi gặp Lê Xuyên làm Tổng Thư Ký cho nhật báo Thời Thế do ông Hồ Anh làm chủ nhiệm. Tôi đã viết trong một bài khá dài, xin trích một đoạn ngắn:
“… Một buổi sáng sớm vào khoảng năm 1971-72, sau một đêm đánh chắn với vợ chồng ông chủ báo Kịch Ảnh đường Cống Quỳnh, tôi lái xe về nhà. Qua đường Lê Lai, tôi thấy Lê Xuyên cúi đầu đi trên hè phố. Tôi đậu xe sát lại, Lê Xuyên vẫn chưa thèm nhận ra là xe của ai. Tôi bóp còi, lúc đó anh mới ngước lên nhìn và toét miệng cười. Ít khi ông Lê Xuyên cười lắm. Tôi đẩy cửa xe, thò đầu ra hỏi:
– Ăn gì chưa?
– Chưa gì hết trọi, có tiền đâu mà ăn.
– Lên đây, tôi đưa ông đi ăn sáng.
Leo lên xe, anh hỏi thẳng:
– Đêm qua được hay thua?
– Được.
– Nhà không còn một xu, tui để tiền trong túi cũng hết luôn.
Tôi cười và hiểu cái sự “hết tiền trong túi” của anh dù mới lãnh lương. Móc trong cốp xe, tôi chia cho anh một nửa số tiền được bạc đêm hôm qua và dặn dò rất kỹ:
– Mang về tòa soạn cất vào ngăn kéo để tiêu dần đấy.
– Ừ, tốt. Ông ăn sáng chưa, cho tôi đi với. Lâu rồi không được ăn đồ Tây.
Tôi cười:
– Ra Givral hay Brodard, ông thích chỗ nào.
– Đâu cũng được.
Chúng tôi ra Givral, sáng sớm tinh mơ chỉ có hai bàn khách. Tôi gọi mì jambon là món “đặc sản” ở đây còn Lê Xuyên gọi omelette jambon ngồi nhai bỏm bẻm lấy làm thú vị lắm. Ăn xong tôi bảo ông có tiền rồi, lấy xe taxi về toà soạn, tôi phải về nhà thay quần áo rồi còn phải vào sở chào cờ vì hôm nay là thứ hai. Lê Xuyên cười hì hì:
– Cả đời tao chưa biết chào cờ là cái gì. Tao chỉ chào ông chủ báo khi lần đầu tiên đến làm. Ngô Quân cũng thế và Hồ Anh cũng thế.
Thỉnh thoảng tôi đưa bài đến báo Thời Thế, đôi khi vào buổi trưa, tôi lại rủ Lê Xuyên đi ăn trưa, hôm có tiền thì chui vào Chợ Lớn ăn cơm Tàu Bát Đạt. Có lần tôi rủ:
– Chúng tớ có cái phòng thuê ở trên lầu ba để thỉnh thoảng chơi phé, lấy tiền xâu gửi lại tay quản lý nên bất cứ lúc nào cần phòng là có ngay. Ông có muốn nằm lại đây một buổi không?
Bản tính anh hiền lành nên hỏi lại:
– Nằm làm gì, tôi phải về làm việc chứ.
– Ông ngây thơ thật hay ngây thơ cụ, ông cứ lên với tôi là biết ngay “nằm làm gì”. Ông muốn Tàu cũng có mà ta cũng có.
Dĩ nhiên đến nước này thì ông bạn tôi phải hiểu, nhưng ông lắc đầu quầy quậy như thằng con nít bị mẹ bắt lấy vợ sớm. Tôi đưa ông trở lại tòa soạn và xác nhận với anh em rằng “Lê Xuyên nó đứng đắn thật các ông ạ”. Một ông bạn tôi cãi: “Nó nhát chứ đứng đắn cái gì”. Thôi thì nhát cũng được, đứng đắn cũng được nhưng nó không giống tụi mình. Và một điều ai cũng nhận thấy là chưa bao giờ thấy mặt Lê Xuyên ở bất cứ cái phòng trà tiệm nhảy nào, ngay cả chỗ đông người anh cũng tránh.
Một bí mật bây giờ mới tiết lộ:
Cũng vào khoảng thời gian đó, tờ báo Thời Thế có một loạt bài điều tra phóng sự về một vụ tham nhũng của một ông “tướng vùng”. Ông tướng nhờ một đại tá và một trung tá liên hệ với tôi để nhờ tôi can thiệp. Tôi chẳng biết trắng đen ra sao, nhưng đã có lời nhờ và giải thích thì tôi làm. Tôi gọi cho Lê Xuyên giải thích những gì tôi được nghe và đề nghị “thông cảm” với phóng viên cho ngưng loạt bài đó kẻo làm mất uy tín của một người chỉ huy vùng chiến thuật. Lê Xuyên nói ngay:
– Ông nói thì tôi nghe, nhưng để tôi thu xếp với anh em cho có đầu có đuôi.
Sau đó tôi điện thoại cho ông chủ báo Hồ Anh, lúc đó tôi mới biết rằng đã có một hai ông nghị sĩ dân biểu can thiệp, nhưng Lê Xuyên vẫn cứ tiếp tục cho đăng loạt bài này. Ông Hồ Anh bảo tôi cứ nói chuyện với Lê Xuyên, nếu anh ấy chịu thì không có gì trở ngại. Chỉ có thế thôi. Rất bất ngờ, hôm sau tôi đọc được hàng chữ trên trang nhất: “Vì có người bạn chúng tôi can thiệp nên chúng tôi thấy cần phải chấm dứt loạt phóng sự này”. Quả thật đó là điều khiến tôi hết sức cảm động và ngay lúc đó tôi trở nên áy náy vì biết đâu đó là một sự thật mà công sức của anh phóng viên trẻ đã bỏ ra bị tôi “kỳ đà cản mũi”. Tôi gọi lại cho Lê Xuyên, anh chỉ cười:
– Thông cảm với phóng viên rồi nó bảo ngưng cũng được, viết thế đủ rồi.
Tôi rủ anh đi ăn trưa, anh nói:
– Tôi vừa ngưng phóng sự mà đi ăn với ông thì khác gì đi ăn hối lộ. Thôi hôm nào ông được bạc mình lại đi ăn đồ Tây. Hôm nay tôi bận quá ông ạ…”

Bỏ đi Tám!
Hơn mười năm sau, khi tôi ở trại cải tạo ra, Thanh Thương Hoàng dẫn tôi đến thăm Lê Xuyên. Anh ngồi bán thuốc lá lẻ ở một góc phố. Chiếc quầy thuốc bé tẹo nhưng cũng đủ che hết tấm thân gầy gò của anh. Chúng tôi nhìn nhau và cùng cảm thông rất sâu sắc cái thân phận mình lúc này. Anh chớp mau mắt nói như để an ủi hơn mười hai năm tù của tôi:
– Trông ông vẫn cứ phong độ như ngày nào.
Tôi thẳng thừng thương bạn:
– Còn ông, trông chán bỏ mẹ… Chỉ muốn khóc!
Hai bàn tay bạn tôi run lên, lật bật đút chiếc chìa khóa vào ngăn tủ kính để mấy gói ba số năm bán lẻ (hồi đó ba số năm quý lắm):
– Hút thuốc lá không?
– Không, tớ hút thuốc lào quen rồi, về đây hút thứ nặng hơn mới đủ đô.
Thanh Thương Hoàng rủ sang bên con hẻm phía trước ăn sáng. Đó là con hẻm lối đi vào một ngôi chùa hay ngôi đình gì đó. Không có hủ tíu, Lê Xuyên phải chạy đi gọi ở một nơi nào quen bán chịu cho anh ở gần đó. Lê Xuyên trở lại với con người thật của anh. Vẫn hiền lành, cười tủm và chân quê. Phải nhìn thấy cái cười tủm của anh mới biết tại sao anh viết về những cuộc tình của những đôi trai gái đồng ruộng miền Nam hay đến như thế, láu cá đến như thế. Tôi nhủ thầm: Thằng cha này tâm ngẩm tầm ngầm mà ghê lắm đấy. Nó không nói mà chỉ viết nên nó viết được nhiều hơn mình. Chỉ có nó mới viết được những “dòng chảy ngầm” của trai gái thôn quê miền Nam thật đến thế, hấp dẫn đến thế. Lê Xuyên khác với một số những cây bút hoàn toàn Nam Bộ như ông Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam ở chính cái “thật” của anh, không màu mè, không lý luận, không làm một cái gì như nghiên cứu sưu tầm về phong tục tập quán dưới hình thức này hoặc dáng vẻ khác. Từng động tác, từng thái độ, từng lối ứng xử trong nhân vật của anh cứ như con người thật lồ lộ đang ở trước mặt chúng ta vậy.
Trước mặt tôi, ông già Lê Xuyên vẫn còn cái hóm hỉnh riêng, nhưng bây giờ thì như anh nói: “đếch viết nữa”. Tôi hỏi không viết được hay không thích? Câu trả lời của anh gọn lỏn: “bỏ đi tám”. Tôi không thể hiểu nổi ba chữ “bỏ đi Tám” mà anh dùng. Có một nỗi chua chát nào đó trong cái tâm sự thật của anh? Đến cái chứng minh nhân dân anh cũng không muốn làm nên không có hộ khẩu, cứ như ở lậu, công dân lậu. Thái độ đó có đồng nghĩa với sự “bỏ đi Tám” của anh không? Chỉ có anh mới hiểu và bây giờ anh mang theo.
Ba năm sau cùng, anh không còn sức để bán thuốc lá lẻ nữa. Thỉnh thoảng tôi và Nguyễn Thụy Long kéo đến thăm, cố dìu anh ra quán cà phê cuối ngõ ngồi lai rai tâm sự vặt. Tôi vẫn cho rằng chỉ có lúc đó Lê Xuyên mới được sống thật. Hai năm sau này dù có cố lôi anh đi cũng không nổi nữa rồi. Anh như cái bóng trong góc tối của gian phòng chật chội vây quanh bởi hàng trăm thứ lỉnh kỉnh nào bàn ghế, chai lọ, giường tủ. Chỉ có cô gái út săn sóc cho anh, vợ và các con lớn của anh vất vả với công việc hàng ngày rất ít thì giờ trông nom cho bố. Cái chết đến từ từ theo từng ngày giờ buồn tênh, dường như anh chán cả cái sống cái chết, không thèm chú ý đến nó nữa…”

Tính cách của Lê Xuyên là như thế, khác hẳn bạn bè. Trong lòng tôi luôn nhớ tới anh ngay cả khi viết đến đoạn này, hình ảnh “ông già chân quê” bán thuốc lá lẻ như còn ở trước mặt. Anh ra đi lúc 9 giờ 20 đêm 2-3-2004.
Một số lớn bạn viết cùng tôi đã ra đi, tôi đã viết từng bài cho mấy tờ báo và sau đang sưu tầm lại cho nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ở Virginia ấn hành.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: