Đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt kỳ 21 đã kết thúc tại Hà Nội trong khí sắc còn u ám hơn cả những năm trước. Khi đến Sài Gòn, khó mà nhận ra một thoáng cười, mà chỉ là những cái nhăn trán, nhíu mày đầy âu lo của các thành viên đoàn đối thoại Hoa Kỳ, từ bà trưởng đoàn Virginia Bennett đến nữ chuyên gia nhân quyền Jenifer…Cũng quá khó để tưởng tượng rằng chuyến công du Mỹ vào cuối tháng 5/2017 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ gặt hái những kết quả khả quan cho chế độ cầm quyền, đặc biệt về thương mại, khi bầu không khí vào thời gian diễn ra Đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt kỳ 21 như thể ‘khủng bố.’
“Khủng bố” hơn hẳn các năm trước
“Chiến dịch khủng bố” được khởi đầu từ Khánh Hòa. Khoảng ba ngày trước khi cuộc Đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt diễn ra, một lực lượng công an và công chức lên đến 50 người đã bao vây vòng trong vòng ngoài nhà của blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ở Nha Trang trong tình cảnh Như Quỳnh đã bị công an tống giam từ cuối năm trước, ở nhà chỉ còn người mẹ của chị và hai bé nhỏ. Công luận nhân quyền phẫn nộ: làm gì và nhằm mục đích gì mà công an lại huy động một lực lượng lớn đến thế để ngăn cản không cho một người phụ nữ và hai cháu nhỏ yếu đuối ra khỏi nhà? Phải chăng công an đang muốn thị uy quyền lực ngay trước Đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt, đồng thời phản ứng trước việc Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải “Người phụ nữ can đảm” cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vào tháng Ba năm nay?
Có hàng loạt dấu hiệu và biểu hiện cho thấy không khí trấn áp trước Đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt năm nay là căng thẳng, căng thẳng một cách cố ý, hơn kỳ đối thoại vào năm ngoái, thậm chí hơn hẳn các kỳ đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt từ năm 2013 đến nay.
Khi quan hệ Việt-Mỹ một lần nữa được “bình thường hóa” vào năm 2013 và trước chuyến đi Mỹ của nhân vật Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đã không xảy ra trấn áp trên diện rộng những nhà hoạt động nhân quyền trước và trong khi ông Daniel Baer, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách về Dân chủ, Lao động và Nhân quyền, đến Hà Nội.
Trong hai năm 2015 và 2016, những cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt do Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách về Dân chủ, Lao động và Nhân quyền Tom Malinowski dẫn đầu cũng không gặp phải quá nhiều thách thức như năm 2017, dù ông Malinowski rốt cuộc đã phải thốt lên một triết lý cay đắng “Việt Nam không thể cứ thả một chục người này rồi lại bắt một chục người khác để thế vào”.
Năm nay, những nhân vật bất đồng chính kiến có mối quan hệ rộng với Mỹ và quốc tế đã đặc biệt bị công an “săn sóc tận tình” ngay tại nhà. Ở Hà Nội, nhà báo Phạm Đoan Trang bị công an canh cửa “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Tiến sĩ Nguyễn Quang A tiếp tục bị công an “mời du lịch” vào buổi tối ông được phái đoàn Mỹ mời ăn tối. Ở Sài Gòn, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, người có mối quan hệ mật thiết với cộng đồng người Việt hải ngoại ở Mỹ, cũng nằm trong tình trạng tương tự: bị công an cấm cản không cho ra khỏi nhà để dự một bữa ăn tối tại nhà bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Mỹ. Nhiều nhà hoạt động nhân quyền khác bị ngăn chặn, câu lưu…
Nhưng “thành tích” sâu xa nhất của chính quyền Việt Nam là bắt cóc và tống giam Hoàng Bình, một nhà hoạt động dân sự, ngay trước khi Đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt kỳ 21 diễn ra. Hoàng Bình là Phó Chủ tịch Phong trào Lao động Việt, một tổ chức xã hội dân sự tranh đấu cho quyền lợi của người lao động và công đoàn độc lập. Việc Hoàng Bình bị bắt có thể được xem là cú vỗ mặt của chính quyền Việt Nam đối với yêu cầu về quyền lao động do Hoa Kỳ và phương Tây nêu ra.
Có thể giải thích về chiến dịch trấn áp nhân quyền vào năm 2017 như một não trạng và thói quen thông thường của chính quyền và giới công an trị Việt Nam. Nhưng ngoài lý do đó, liệu còn ẩn giấu mục tiêu nào khác?
Ai “khủng bố nhân quyền”?
Thông tin chính thức đã được phát ra: Tổng thống Trump sẽ tiếp đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam tại Washington. Chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Phúc sẽ bắt đầu từ ngày 29 và kéo dài đến ngày 31/5/2017.
Công luận nhân quyền lập tức phát ra câu hỏi: phải chăng như thường lệ, cứ có một nhân vật lãnh đạo nào của chính thể Việt Nam ra nước ngoài là y như rằng xuất hiện một động tác phá đám của những đối thủ chính trị trong nước?
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một nạn nhân thường xuyên của Công an TP.HCM, trong bức thư ngỏ “Không được biến nhân quyền thành vật hy sinh cho đấu đá nội bộ đảng” gửi “Các phe phái đang tranh giành quyền lực trong bộ chính trị ở Hà nội, Tân Bí thư thành ủy Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân, Giám đốc công an Sài Gòn & Bộ trưởng công an”, đã nói toạc ra:
“Cấu xé nhau thì được, nhưng không được nuôi dưỡng những ý đồ bẩn thỉu nhằm biến Phong trào Nhân Quyền – Dân Chủ Việt Nam thành vật hy sinh cho cuộc chiến đấu đá nội bộ. Tôi rất nghi ngờ rằng những đòn liên tiếp đàn áp nhân quyền của công an trong mấy ngày qua là nhằm phá đám chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Xuân Phúc vào cuối tháng 5/2017”.
Nhưng ông Phúc cũng là nhân vật vừa “lên giọng” trong một cuộc họp chính phủ khi chỉ đạo “công an phải đảm bảo tuyệt đối an ninh chính trị”…
Hoặc cứ cho là ông Phúc không hẳn thiên về đàn áp nhân quyền, ai và những ai đã thực hiện chiến dịch này? Những đối thủ chính trị hiện thời của ông Phúc là ai?
“Tái hòa nhập” CPC?
Bất luận thế nào, lồng trong bầu không khí “Việt Nam luôn quan tâm và cải thiện các quyền làm người”, Đối thoại Nhân quyền Mỹ - Việt kỳ 21 đã diễn ra như kịch bản của bao lần trước: tiếp cấp thứ trưởng ngoại giao Mỹ chỉ là một vụ trưởng thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam. Mà ở Việt Nam, ai cũng biết cấp vụ trưởng còn chẳng bao giờ nằm trong danh sách 200 “tinh hoa quyền lực” của Ban chấp hành trung ương.
Phía Việt Nam vẫn chỉ thoải mái hứa hẹn “sẽ cải thiện”, nhưng sau đó hoàn toàn không làm bất kỳ điều gì để giảm bớt đàn áp nhân quyền, mà có làm để báo cáo ra quốc tế thì cũng chẳng có gì chứng minh được… Tất cả chỉ để trả treo và “câu giờ”.
Chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cũng bởi thế, có rất nhiều khả năng sẽ gặp phải sự phản đối dữ dội của cộng đồng người Việt hải ngoại. Cũng chẳng có tín hiệu nào cho thấy kết quả mà giới chóp bu Việt Nam mong đợi nhất: Hiệp định thương mại song phương Việt-Mỹ sẽ được phía Hoa Kỳ dễ dàng thông qua, nhất là hiệp định này còn phải được Quốc hội Mỹ xem xét kỹ lưỡng. Trong Quốc hội đó lại có nhiều nghị sĩ Mỹ đặc biệt chú tâm và lên án tình trạng đàn áp nhân quyền ở Việt Nam.
Vietnam Caucus, một tổ chức các nghị sĩ của Quốc hội Mỹ quan tâm đến nhân quyền Việt Nam, chắc chắn sẽ không bỏ qua thực trạng khốn quẫn đó. Được biết sau cuộc Đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt kỳ 21, vài nghị sĩ Mỹ thuộc nhóm Vietnam Caucus sẽ đến Việt Nam để một lần nữa kiểm chứng xem chính phủ nước này đã làm được những gì để có thể được Tổng thống Trump loại Việt Nam khỏi danh sách 16 nước “gây hại” cho nền kinh tế Mỹ, cũng như Ủy ban của Mỹ về Tự do Tôn giáo Quốc tế nên có thái độ thế nào khi tiếp tục chiến dịch vận động đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC (Các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo).
Nếu bị “tái hòa nhập” CPC, cánh cửa để Việt Nam lọt qua nhằm tiếp cận với định chế thương mại song phương với Mỹ và bầu sữa tín dụng của các tổ chức tài chính quốc tế rất có thể sẽ đóng hẳn lại. Khi đó, đảng biết kiếm đâu ra tiền để “nuôi thân”?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét