Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 13/3 - Lê Minh Nguyên


Bắc Kinh mở rộng thẩm quyền của Toà án Tối cao TQ ra Biển Đông
Tư pháp Trung Quốc nới rộng thẩm quyền « xét xử » ra khắp các vùng biển thuộc « chủ quyền » của nước này, kể cả vùng Biển Đông đang tranh chấp. <!>
Trên đây là nội dung bản báo cáo của Toà án Nhân dân Tối cao Trung Quốc tại kỳ họp của Quốc Hội, vào lúc Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự tại Biển Đông.
Theo hãng tin AP, hôm qua, 12/03/2017, chủ tịch Toà án Tối cao Trung Quốc, Chu Cường (Zhou Qiang) thông báo Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền và lợi ích hàng hải. Theo Tân Hoa Xã, tất cả các vùng biển thuộc « chủ quyền Trung Quốc » sẽ được luật pháp bảo vệ, cả những nơi đang tranh chấp. Theo luật mới, « có hiệu lực » từ tháng 8/2016, thẩm quyền của Toà án Tối cao Trung Quốc bao gồm không những vùng đặc quyền kinh tế mà cả thềm lục điạ và « mọi khu vực khác thuộc chủ quyền Trung Quốc ».

Theo ông Chu Cường, mọi « công dân Trung Quốc và nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc sẽ bị truy tố ra toà án Trung Quốc ».
AP nhắc lại Trung Quốc đã tự tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông, cũng như một phần lớn biển Hoa Đông tranh chấp với Nhật Bản.

Năm 2016, Bắc Kinh đã bác bỏ một phán quyết của Toà Trọng Tài Thường Trực La Haye phủ nhận những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Sau vụ này, Tòa án Tối cao Trung Quốc đã diễn giải lại chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Quân đội gia tăng hoạt động tại Hoàng Sa và Trường Sa, củng cố các đảo nhân tạo thành pháo đài. Lệnh cấm đánh cá bốn tháng mỗi năm (từ tháng 5 đến tháng 8) tiếp tục được ban hành, viện cớ để truy đuổi ngư dân Việt Nam và Philippines.

Thứ sáu tuần trước, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định Trung Quốc có toàn quyền quyết định làm gì thì làm trên đảo « Hoàng Nham », tức Scarborough. Sở dĩ Bắc Kinh lớn tiếng là vì trước đó Manila tiết lộ với báo chí là Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc không được đòi hỏi chủ quyền ở Scarborough. - RFI

2.
Chuyến công du Á châu với vô số thách thức cho Ngoại trưởng Mỹ Tillerson --- Phó Tổng Thống Mỹ tới châu Á giữa lo ngại chiếc lược xoay trục phá sản

Hoa Kỳ đang tìm đối sách mới với Bắc Triều Tiên khi Ngoại trưởng Rex Tillerson sang thăm Nhật Bản, Nam Triều Tiên và Trung Quốc trong tuần này. Ông Tillerson đối diện với nhiều thách thức, trong đó có căng thẳng với Trung Quốc trong vụ Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Nam Triều Tiên, và tình hình phức tạp từ xáo trộn chính trị ở Nam Triều Tiên.
Vào thời điểm tình hình chính trị xáo trộn ở Nam Triều Tiên về vụ luận tội tổng thống và căng thẳng leo thang với Trung Quốc về việc triển khai phi đạn, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson đang lên đường công du châu Á trong tư cách là nhà ngoại giao hàng đầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Chuyến đi của ông Tillerson diễn ra sau vụ Bắc Triều Tiên phóng bốn phi đạn đạn đạo vào vùng biển ở tây bắc Nhật Bản hồi đầu tháng này.
Mối đe dọa tên lửa và hạt nhân sẽ nằm cao trong nghị trình công du châu Á của ông Tillerson.

Quyền phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Mark Toner, phát biểu:
"Hành động tiếp tục thử nghiệm và tăng cường chương trình vũ khí của Bắc Triều Tiên là rất đáng lo ngại và đã đi đến mức chúng ta cần phải có hành động, cần phải mưu tìm giải pháp thay thế. Và đó là một phần lý do của chuyến công du châu Á này của Ngoại trưởng Tillerson. Chúng tôi sẽ nói chuyện với các đồng minh và đối tác trong khu vực và mưu tìm một hướng tiếp cận mới cho vấn đề Bắc Triều Tiên."

Nhưng Washington có lẽ chưa sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng.
Phát ngôn viên Toner nói: "Với thái độ mới đây của Bắc Triều Tiên, chúng tôi chưa tiến đến mức tìm cách làm việc trực tiếp với Bình Nhưỡng. Chúng tôi không tưởng thưởng cho thái độ đó dưới bất kỳ hình thức nào."

Chính phủ Hoa Kỳ cho biết họ sẽ tiếp tục kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD ở Nam Triều Tiên. Trung Quốc cực lực lên án quyết định này.

Ông Richard Bush, chuyên gia của Viện nghiên cứu Brookings, nhận định:
"Tôi cho rằng Trung Quốc phẫn nộ với Bắc Triều Tiên vì nước này đã gây ra chuyện Mỹ cần triển khai THAAD. Hãy nhìn vào vấn đề, cội rễ của vấn đề, chứ không phải mặt ngoài của vấn đề. Bắc Triều Tiên chính là cội nguồn của vấn đề."

Tại Trung Quốc, ngoại trưởng Mỹ sẽ làm tiếp những công việc sau cuộc điện đàm của Tổng thống Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và sẽ có các cuộc tiếp xúc cấp cao khác, để theo đuổi một mối quan hệ song phương tích cực, trong khi bảo đảm rằng Bắc Kinh tôn trọng sân chơi thương mại công bằng. - VOA
***
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ tới thăm Nhật Bản và Indonesia vào tháng tới, tin từ Reuters cho biết hôm thứ Hai. Đây là một phần trong chuyến công du châu Á giữa bối cảnh có những lo ngại chính quyền Trump sẽ chấm dứt chiến lược xoay trục châu Á của cựu Tổng thống Barack Obama.

Tổng thống Donald Trump đã rút nước Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn được coi là trụ cột kinh tế của chiến lược.

Chuyến công du của ông Mike Pence cũng bao gồm cả Hàn Quốc và Úc, theo tường thuật của Nikkei Asian Review. Trong đó, chương trình tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên và cuộc khủng hoảng chính trị của Hàn Quốc có thể là những chủ đề sẽ được đưa ra bàn thảo.
Trung Quốc đã rất tức giận về kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, với mục tiêu nhắm đến mối đe dọa Bắc Triều Tiên. Hàn Quốc cũng đang trải qua những bất ổn chính trị sau khi tổng thống nước này bị truất phế trong một cuộc điều tra tham nhũng.

Ông Pence dự kiến cũng sẽ đến thăm Tokyo để dự đối thoại kinh tế Mỹ-Nhật.
Chuyến công du của ông Mike Pence diễn ra sau những vụ phóng tên lửa mới nhất của Bắc Triều Tiên và vụ ám sát anh trai lãnh tụ nước này tại Malaysia, làm tăng thêm lo ngại phải tăng cường an ninh cho khu vực này.

Chuyến đi của Phó Tổng thống Mỹ tiếp theo sau chuyến đi diễn ra vào tháng này của Ngoại trưởng Rex Tillerson tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
TPP là trụ cột kinh tế chính của chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương của chính quyền Obama khi đối mặt với một nước Trung Quốc đang lên.

Những người ủng hộ hiệp ước bày tỏ lo ngại rằng việc từ bỏ dự án đã được đàm phán trong nhiều năm qua có thể sẽ tăng cường hơn nữa vai trò kinh tế của Trung Quốc trong khu vực và không có lợi cho Hoa Kỳ.
Bộ trưởng An ninh Indonesia cho biết ông Pence sẽ gặp Tổng thống Joko Widodo để thảo luận về khủng bố và các vấn đề an ninh khác trong chuyến thăm của ông.
Indonesia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới. Gần đây, nước này đã phải vật lộn với một loạt các cuộc tấn công của các chiến binh lấy cảm hứng từ nhóm Nhà nước Hồi giáo. .

Sau khi gặp Đại sứ Mỹ tại Jakarta, Bộ trưởng An ninh Wiranto cho các nhà báo biết: “Chúng tôi đã thảo luận kế hoạch chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tới Indonesia và các vấn đề chiến lược có thể nằm trong nghị trình thảo luận với tổng thống của chúng tôi”.

Ông nói ngày giờ cụ thể chưa được đưa ra.
Tại Indonesia, ông Pence dự kiến cũng sẽ thảo luận về tranh chấp hợp đồng sản xuất giữa chính phủ và công ty khai thác mỏ khổng lồ Freeport McMoran Inc., Reuters dẫn hai nguồn tin của chính phủ Indonesia cho biết thêm.
Freeport đe dọa sẽ đưa chính phủ Indonesia ra tòa về các quy định khai thác mỏ mới được sửa đổi, tạo ra một đợt giảm quy mô lớn trong hoạt động của công ty tại tỉnh phía đông Papua. - VOA

3.
Cảnh giác TQ, TT Duterte lệnh xây dựng công trình ở đông Philippines

Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte đã ra lệnh cho hải quân nước này xây dựng các “cấu trúc” để khẳng định chủ quyền trên vùng biển phía đông, nơi Manila cho biết có một tàu của Trung Quốc đến thăm dò hồi năm ngoái.
Philippines đã phản đối về ngoại giao với Bắc Kinh sau khi con tàu bị theo dõi di chuyển qua lại ở Benham Rise, một khu vực rộng lớn phía đông Philippines được Liên Hiệp Quốc xác định là một phần thềm lục địa của nước này vào năm 2012.

Philippines nói Benham Rise là khu vực giàu trữ lượng cá và đa dạng sinh học.
Hôm thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói con tàu chỉ thực hiện “quyền tự do hàng hải thông thường và quyền đi qua vô hại”, không có gì hơn.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết Tổng thống Duterte chỉ thị tăng cường tuần tra hải quân trong khu vực này và xây dựng các cấu trúc “cho thấy đây là khu vực của chúng tôi”. Ông không nêu rõ cấu trúc sẽ được xây dựng là gì.

“Chúng tôi quan ngại, họ không có việc gì ở đó cả”, ông Lorenzana nói với các nhà báo vào cuối ngày Chủ nhật.
Mặc dù chấp nhận lời giải thích của Trung Quốc, nhưng ông Lorenzana nói rõ ràng là tàu của Trung Quốc không “đi qua” khu vực, bởi vì tàu này dừng lại rất nhiều lần, trong những khoảng thời gian kéo dài.
Tuần trước, ông Lorenzana nói ông nghi ngờ các hoạt động của Trung Quốc gần Benham Rise. Ngoại trưởng Philippines gợi ý đây có thể là một phần trong các cuộc thử nghiệm kiểm tra độ sâu của nước cho các tuyến tàu ngầm đến Thái Bình Dương.
Ông Lorenzana cho biết vấn đề này sẽ được thảo luận thêm tại cuộc họp của hội đồng an ninh quốc gia vào tối thứ Hai.

Sự kiện mới có nguy cơ làm tổn hại đến mối quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc tại thời điểm quan hệ giữa hai bên nồng ấm lên hiếm thấy dưới thời của ông Duterte, người đã chọn bắt tay kinh doanh với Bắc Kinh thay vì đối đầu về các hoạt động và mục tiêu hàng hải trong vùng biển tranh chấp.

Trong khi ông Duterte bày tỏ thái độ lạc quan về mối quan hệ với Trung Quốc, Ngoại trưởng Lorenzana tỏ ra thận trọng hơn. Ông lưu ý việc bồi đắp các hòn đảo nhân tạo ở khu vực độc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines vẫn không hề giảm xuống. - VOA

4.
Nhật Bản sắp đưa chiến hạm lớn nhất đến Biển Đông

Nhật Bản có kế hoạch đưa tàu chiến lớn nhất đến Biển Đông vào tháng 5 trong hải trình kéo dài 3 tháng, Reuters dẫn ba nguồn tin cho biết đây là chương trình phô diễn lực lượng hải quân lớn nhất của nước này trong khu vực kể từ Thế chiến thứ Hai.
Việc tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ các vùng biển tranh chấp và sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc đã gây ra mối quan ngại ở Nhật Bản và phương Tây. Hoa Kỳ thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra trên biển và trên không trong khu vực nhằm khẳng định tự do hàng hải.

Theo kế hoạch, chiếc hàng không mẫu hạm trực thăng Izumo, được trang bị cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật cách đây hai năm, sẽ dừng lại tại Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka trước khi tham gia cuộc tập trận chung Malabar với các tàu hải quân Hoa Kỳ và Ấn Độ ở Ấn Độ Dương vào tháng 7.

Các nguồn tin cho biết chiến hạm lớn nhất của Nhật Bản sẽ trở về nước vào tháng Tám.
“Mục đích là để kiểm tra khả năng của Izumo bằng cách đưa tàu tham gia vào một sứ mệnh mở rộng”, một trong những nguồn tin thông thạo về kế hoạch cho biết. “Nó sẽ tham gia huấn luyện cùng với Hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông”, nguồn tin ẩn danh cho biết thêm.

Phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản từ chối bình luận với Reuters về tin này.
Đài Loan, Malaysia, Việt Nam, Philippines và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền trên vùng biển giàu trữ lượng dầu và khí đốt, nơi có lưu lượng thương mại hàng hải thông qua hàng năm lên đến khoảng 5 nghìn tỷ USD.

Nhật Bản không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng lại tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông.
Một nguồn tin khác cho hay Nhật Bản cũng muốn mời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đã thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc trong những tháng gần đây khi ông chỉ trích liên minh cũ của Hoa Kỳ, lên thăm tàu Izumo khi tàu này ghé thăm Vịnh Subic, cách Manila 100 km về phía tây.

Hoạt động của Nhật Bản diễn ra giữa bối cảnh nước Mỹ, dưới thời của Tổng thống Donald Trump, có vẻ như đang theo đuổi một đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc. Washington đã chỉ trích việc xây dựng các đảo nhân tạo, các cơ sở quân sự của Trung Quốc và nêu quan ngại rằng các hoạt động trên có thể nhằm để hạn chế việc đi lại tự do trong khu vực.
Hồi tháng Giêng, Bắc Kinh khẳng định có chủ quyền “không thể chối cãi” đối với những hòn đảo tranh chấp sau khi Tòa Bạch Ốc cam kết sẽ bảo vệ “những lãnh thổ quốc tế”.

Tàu Izumo dài 249 mét (816.93 ft), lớn bằng những chiếc hàng không mẫu hạm thời Thế chiến thứ Hai của Nhật Bản. Tàu có thể chứa đến chín chiếc trực thăng. Izumo cũng tương tự như những chiếc hàng không mẫu hạm tấn công đổ bộ của Thủy quân lục chiến Mỹ, nhưng không có khoang cho tàu và máy bay hạ cánh.
Nhật Bản trong những năm gần đây, đặc biệt là dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, đã co kéo giới hạn hiến pháp của Nhật thời bình và hậu chiến. Nước này quy định tàu Izumo là một khu trục hạm vì hiến pháp cấm mua vũ khí tấn công. Con tàu đã giúp cho Nhật Bản phô diễn sức mạnh quân sự vượt ra khỏi lãnh thổ của mình.

Tàu Izumo đóng tại Yokosuka, gần Tokyo, cũng là nơi có chiếc hàng không mẫu hạm Ronald Reagan của Hạm độ 7 hải quân Hoa Kỳ. Nhiệm vụ chính của Izumo là chống tàu ngầm. - VOA

5.
Bất hòa của Thổ Nhĩ Kỳ với Hà Lan ảnh hưởng đến hồ sơ gia nhập EU

Ngay sau khi kết thúc chuyến thăm hữu nghị Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã trực tiếp cãi vã với Hà Lan, làm leo thang tình hình vốn đã căng thẳng giữa Ankara với Liên hiệp Âu châu. Tổng thống Erdogan thề sẽ trả đũa thích đáng vụ chính phủ Hà Lan không cho phép các bộ trưởng của ông đến Hà Lan dự một cuộc mít tinh của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara hy vọng thu hút được nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Âu đứng về phía Tổng thống Erdogan trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới. Các nhà lãnh đạo châu Âu phần lớn chỉ trích cuộc trưng cầu dân ý với mục tiêu sẽ cho phép tổng thống độc tài của Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều quyền lực hơn. Thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA tường trình rằng:

Những người ủng hộ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình trước Lãnh sự quán Hà Lan ở Istanbul hôm Chủ nhật, thể hiện giận dữ đối với quyết định của chính phủ Hà Lan. Hà Lan đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 15 tháng 3, và các giới chức lo rằng các cuộc biểu tình phản đối của người Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ thúc đẩy những người Hà Lan theo chủ trương dân tộc.
Tổng thống Erdogan ví Hà Lan như Phát xít Đức khi không cho phép hai bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đến Hà Lan.

Ông nói: "Phát xít có nghĩa là điều tôi làm là đúng, và tôi chỉ cho phép những gì tôi muốn, khi nào tôi muốn, và những người đó đã đi quá xa với hành động đóng cửa lãnh sự quán của chúng tôi."

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói phát biểu của ông Erdogan đầy “khích động”:
"Đất nước này, như thị trưởng Rotterdam phát biểu hôm qua, bị Đức Quốc xã đánh bom trong Thế chiến thứ II. Phát ngôn theo lối đó là hoàn toàn không chấp nhận được."

Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO nhưng tiến trình xin gia nhập Liên hiệp châu Âu của nước này kéo dài vì nhiều trở ngại. Quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với EU đã xấu đi sau khi chính phủ của ông Erdogan mạnh tay trấn áp những người bị nghi có liên hệ với cuộc đảo chính bất thành hồi năm ngoái. Cuộc cãi vã với Hà Lan hiện nay có thể khiến cho hồ sơ xin gia nhập EU càng khó tiến triển.

Ông Peter Eltsov của Đại học Quốc phòng nhận định rằng "Nga là nước duy nhất hưởng lợi từ tất cả những chuyện này."
Giáo sư Eltsov, giảng dạy môn quan hệ quốc tế, nói với đài VOA rằng Nga đang tìm cách làm suy yếu Liên hiệp Âu châu và NATO, và tăng ảnh hưởng của Moscow trên trường quốc tế.
Moscow và Ankara xung khắc với nhau sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiến đấu cơ của Nga ở Syria vào năm 2015 và vụ một người Thổ Nhĩ Kỳ sát hại đại sứ Nga ở Ankara hồi tháng 12. Nhưng kể từ sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái, Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan đã gặp gỡ nhau ba lần trong nỗ lực khôi phục các mối quan hệ.

Nhà lãnh đạo Nga nói: "Chúng tôi tận tâm đưa mối quan hệ đặc biệt và lịch sử giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga lên một tầm cao mới."
Các nhà phân tích nói việc kéo một đồng minh NATO ra xa Liên hiệp Âu châu sẽ là một "cuộc đảo chính” trong mưu đồ nâng cao vị thế cho Nga của ông Putin. - VOA

6.
Nga nóng lòng muốn đối thoại với Hoa Kỳ

Phát ngôn viên điện Kremlin ngày 12/03/2017 nhấn mạnh giữa Nga và Mỹ phải có nhiều cuộc tiếp xúc hơn để cải thiện mối quan hệ song phương đang căng thẳng. Ông Dmitri Peskov cũng cho biết Matxcơva bắt đầu nóng lòng trước sự thiếu nỗ lực từ phía Mỹ để tăng cường quan hệ song phương kể từ khi tổng thống Donald Trump nhậm chức tháng 01/2017.
Trả lời phỏng vấn đài CNN, ông Dmitri Peskov nói rằng Matxcơva « không rõ về viễn cảnh song phương », đồng thời nhận định « đối với các nước như Nga và Mỹ, mà chưa có cuộc đối thoại nào, là điều không thể tha thứ được », đặc biệt trước các vấn đề mang tính khu vực và trên quy mô thế giới.

Điện Kremlin nhắc lại, trước đó, tổng thống Donald Trump và Vladimir Putin đã đồng ý phát triển mối quan hệ « giữa hai nước bình đẳng » và hình thành « sự phối hợp thực sự » để chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria. Về chủ đề này, phát ngôn viên điện Kremlin kêu gọi Washinton nhanh chóng tiến hành đối thoại, dù « ông Trump không che giấu bất đồng ý kiến với Nga trong nhiều vấn đề ». Vẫn theo ông Dmitri Peskov, đối thoại sẽ là cơ hội giúp hai nước « so sánh quan điểm riêng để tìm được tiếng nói chung », dù có nhiều điểm không thể dung hòa được.
Quan hệ giữa Nga và Mỹ cũng trở nên căng thẳng sau khi Washington cáo buộc Matxcơva nhúng tay vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, giúp tỷ phú địa ốc Donald Trump đắc cử. Hiện các cuộc điều tra của Quốc Hội vẫn đang được tiến hành để tìm hiểu mức độ tác động của Nga. Về điểm này, phát ngôn viên điện Kremlin nhận định « đây là một mối nguy hiểm thật sự cho tương lai quan hệ hai nước và thành thực mong muốn cuộc điều tra đưa ra kết luận lôgic". - RFI

7.
Tập Cận Bình muốn thúc đẩy phát triển công nghệ trong quân đội

Quân đội Trung Quốc cần phải coi đổi mới công nghệ là « chìa khóa » để cải tiến và hiện đại hóa lực lượng. Trong phiên họp thường niên của Quốc Hội ngày 12/03/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh với các đại biểu quân đội rằng phải cố gắng hết sức để hỗ trợ về mặt khoa học và công nghệ cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình, kiêm tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và chủ tịch Quân ủy Trung ương, có tham vọng hiện đại hóa toàn diện lực lượng quân sự của Trung Quốc thành một lực lượng lớn mạnh nhất thế giới, gồm có chiến đấu cơ tàng hình, tên lửa chống vệ tinh và tầu ngầm tối tân, để có thể tung lực lượng ra bên ngoài lãnh thổ.

Theo Tân Hoa Xã, để có thể đạt được mục tiêu đó, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh « đã đến lúc cấp bách thúc đẩy đổi mới về khoa học-công nghệ và tiến lên phía trước với sự kiên định và lòng quyết tâm ». Ông nói thêm rằng « cần phải cải thiện hợp tác quân sự và dân sự trong việc huấn luyện quân nhân có chất lượng cao », vì vào năm 2015, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo cắt giảm khoảng 300.000 binh lính.
Cũng trong phiên họp ngày 12/03, các đại biểu Quốc Hội Trung Quốc đã đưa ra 126 điểm sửa đổi trong dự luật Dân sự đang được thảo luận và dự định được thông qua vào năm 2020. Theo một trong các điểm sửa đổi, những ai vu khống, xâm phạm đến tên tuổi, chân dung, tiếng tăm và danh dự của « các vị anh hùng dân tộc và những người hy sinh vì lý tưởng » của đảng Cộng Sản sẽ bị kết tội. - RFI

Tin Hoa Kỳ
8.
Trump và Trung Quốc: Đảng Dân Chủ tố cáo "xung đột lợi ích"

Ngày 12/03/2017, thượng nghị sĩ Cộng Hòa John McCain đòi tổng thống Donald Trump đưa ra bằng chứng về những cáo buộc điện thoại của ông bị người tiền nhiệm Barack Obama nghe trộm. Về phía đảng Dân Chủ thì tố cáo  "xung đột lợi ích ", sau khi Bắc Kinh cấp giấy phép cho hơn 30 thương hiệu mang tên tập đoàn Trump.
Từ Washington thông tín viên đài RFI Anne-Marie Capomaccio cho biết thêm :

"Từ sân đánh golf đến khách sạn, từ viện dưỡng lão đến nhà trẻ, từ công ty bảo hiểm đến hãng quảng cáo : tổng cộng 38 thương hiệu mang tên tổng thống Trump được Bắc Kinh cấp giấy phép giao dịch thương mại.
Là một ứng cử viên tổng thống từng mạnh mẽ chỉ trích chính sách thương mại của Trung Quốc trong thời gian vận động tranh cử, là một nguyên thủ quốc gia luôn khẳng định đặt quyền lợi của nước Mỹ lên trên hết, thông tin trên đặt chủ nhân Nhà Trắng vào thế khó xử.

Luật sư của tập đoàn Trump giải thích là những thương hiệu này đã xin cấp giấy phép từ nhiều năm trước đây. Ông Donald Trump trước khi trở thành tổng thống Hoa Kỳ đã trao quyền điều hành tập đoàn lại cho các con và hứa trong thời gian làm tổng thống sẽ không tìm kiếm cơ hội làm ăn với quốc tế. 
Dù vậy, các dân biểu Dân Chủ đã lập tức phản ứng sau quyết định của Trung Quốc liên quan đến tập đoàn Trump. Họ tố cáo những "xung đột lợi ích, không thích hợp với vai trò của tổng thống Hoa Kỳ" và nêu lên rủi ro Nhà Trắng đem chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ra để mặc cả với Trung Quốc. Một trong số các dân biểu Dân Chủ lưu ý rằng, Bắc Kinh đã đợi Mỹ công nhận nguyên tắc một nước Trung Quốc duy nhất trước khi thông báo quyết định". - RFI

9.
WikiLeaks: CIA điều tra các cựu "cộng tác viên" của tình báo Mỹ

Sau khi WikiLeaks tiết lộ gần 9.000 tài liệu tố cáo CIA dùng điện thoại thông minh và màn hình TV để theo dõi các đối tượng, cơ quan tình báo Hoa Kỳ bắt đầu điều tra về các vụ rò rỉ thông tin và đặc biệt về các cơ quan cung cấp dịch vụ từng cộng tác với CIA.
Theo nhật báo Mỹ The Wall Street Journal số ra ngày 12/03/2017, các nhà điều tra đang đặc biệt chú ý đến một nhóm chuyên gia điện toán tham gia vào dự án phát triển phần mềm từng được CIA sử dụng trong mục tiêu chống tin tặc. Vẫn tờ báo tài chính nói trên trích dẫn nhiều nhân chứng xin được giấu tên, cho rằng tin bị thất thoát là do một số người « không hài lòng » vì bị CIA cho thôi việc cung cấp nên « trả thù ».

Giới quan sát không ngạc nhiên trước việc CIA tập trung điều tra vào các nguồn cung cấp dịch vụ từ các đối tác bên ngoài. Đây là trường hợp từng xảy ra với Cơ Quan An Ninh Quốc Gia : NSA đã điêu đứng sau những tiết lộ thông tin của Edward Snowden hồi năm 2013. Snowden cũng là một cộng tác viên từng làm việc cho một công ty cộng tác với NSA.
Nhưng rò rĩ thông tin cũng đến từ bên trong. Năm 2010, người cung cấp hàng trăm ngàn tài liệu quân sự, thư từ ngoại giao liên quan đến chiến tranh Afghanistan và Irak cho WikiLeaks chính là cô Chelsea Manning, từng phục vụ trong ngành tình báo quân đội Hoa Kỳ. - RFI

10.
Bão tuyết sắp ập vào New York

Các nhà dự báo thời tiết hôm 12/3 cảnh báo rằng thành phố New York và vùng phụ cận có thể sẽ phải hứng chịu một trận bão tuyết lớn kéo dài từ ngày mai, 13/3 cho tới ngày 15/3.
Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia nói rằng trận bão với sức gió lên tới 80km/giờ nhiều khả năng sẽ gây nguy hiểm cho việc đi lại cũng như gây mất điện.

Ngoài ra, tuyết rơi mạnh và gió to có thể khiến tầm nhìn bị hạn chế. Nhiệt độ sẽ vào khoảng – 6 độ C. Thêm nữa, tuyết có thể rơi dày từ khoảng 30cm tới 45cm, theo Reuters.
Không chỉ New York, mà thủ đô Washington DC và vùng phụ cận cũng đang chuẩn bị đón trận bão tuyết đầu tiên của mùa đông năm nay, dù thời gian đã chuyển sang giờ mùa hè.

Trong khi đó, tại miền tây nước Mỹ, tình trạng nắng nóng kỷ lục được dự báo tại các tiểu bang như Arizona, Colorado, New Mexico và Utah, nơi nhiệt độ có thể cao hơn 30 độ C. - VOA

Tin Việt Nam
11.
Việt Nam thử độ mở của TT Trump về các hiệp định thương mại tay đôi

Việt Nam sẽ thử thách sự cởi mở của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các hiệp ước thương mại song phương khi quốc gia Đông Nam Á này bắt đầu thúc đẩy Washington cuối cùng phải tiến đến một hiệp ước để thay thế vai trò của Mỹ trong hiệp ước TPP đã bị đổ bể.
Các cơ quan truyền thông nhà nước Việt Nam cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói với một phái đoàn kinh doanh Mỹ vào tuần trước rằng ông đã sẵn sàng tới thăm Hoa Kỳ và hy vọng ông sẽ gặp Tổng thống Trump để thảo luận về thương mại cùng với các chủ đề khác.

Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu của các nhà máy, khi giá trị xuất khẩu chiếm khoảng 19% nền kinh tế trị giá 200 tỷ đô la.
Bà Marie Diron, Phó chủ tịch cấp cao của Moody's Investors Service tại Singapore, nói: "Rõ ràng là một hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, một thị trường rất lớn, chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích, và nó sẽ đảm bảo thị trường xuất khẩu cho Việt Nam."

Các nhà phân tích nói rằng Tổng thống Trump không giành ưu tiên cho các hiệp định thương mại tự do trong ngắn hạn, nhưng ông có thể sẽ xem xét chúng một ngày nào đó. Các thỏa thuận thương mại thường bắt buộc các bên ký kết cắt giảm thuế đối với hàng hóa hay dịch vụ của nhau.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể có cơ hội thương lượng một hiệp định thương mại với Hoa Kỳ vì các công ty Mỹ bán các sản phẩm như thức ăn nhanh, điện thoại di động và thậm chí cả bảo hiểm muốn tiếp cận tới tầng lớp trung lưu đang triển nhanh chóng tại Việt Nam.

Theo một nghiên cứu của Tập đoàn Tư vấn Boston, hơn 1/3 trong tổng số 93 triệu người của quốc gia ĐNÁ này sẽ là tầng lớp trung lưu hoặc cao hơn vào năm 2020.
Ông Rahul Bajoria, một chuyên gia kinh tế khu vực của Barclays ở Singapore nói: "Bạn sẽ thấy hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ tăng mạnh hơn là từ Mỹ sang Việt Nam".
Tuy nhiên, ông nói "có thể có một số áp lực từ các nhà sản xuất công nghiệp lớn của Hoa Kỳ như các nhà sản xuất máy bay hay các công ty sản xuất tàu. Tất cả họ đều quan tâm nhiều hơn đến việc xuất khẩu sang Việt Nam". 

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, mang lại cho quốc gia châu Á này thặng dư thương mại vào năm ngoái, với giá trị xuất khẩu 38,1 tỷ USD và nhập khẩu 8,7 tỷ USD.
Nhưng vào tháng 1 vừa qua, lượng nhập khẩu tăng 14,6% đã chỉ ra một điểm yếu tiềm năng của Việt Nam đối với các thương hiệu phương Tây. Các thương hiệu của Mỹ như Apple, Dell và Starbucks rất dễ tìm thấy ở các thành phố lớn như trung tâm tài chính thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Vojislav Milenkovic, chuyên gia phân tích của BDG Insights ở thành phố Hồ Chí Minh, "Mỹ có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam, một thị trường đang phát triển nhanh chóng, với hơn 90 triệu người dân thích xài hàng hiệu, nơi các thương hiệu của phương Tây được ưa chuộng.”
Nhà phân tích này nói thêm: "Bạn có thể thấy điều này mỗi ngày trên đường phố, bạn có thể thấy rằng mọi người đang cố gắng tiết kiệm để mua các sản phẩm chất lượng cao từ nước ngoài."

​Các nhà lãnh đạo tại Hà Nội đã hy vọng TPP sẽ cho phép Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ cùng với 10 quốc gia khác, bao gồm cả Nhật Bản. Nhưng tổng thống Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP vào tháng 1 (khi lên nhậm chức), nói rằng hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương này sẽ làm tổn hại nền kinh tế Hoa Kỳ.
Do quy mô của nền kinh tế Mỹ, việc tổng thống Trump rút lui đã làm cho các quốc gia khác không thể giữ được TPP tiếp tục có hiệu lực.

Tổng thống Trump nói ngay sau khi nhậm chức, ông có thể cân nhắc các thỏa thuận thương mại tự do song phương thay vì các hiệp định thương mại khu vực.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố ông sẵn sàng cho một hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ, và các thành viên của Quốc hội Mỹ ủng hộ một thỏa thuận với Anh Quốc.

Trong một cuộc điện đàm sau cuộc bầu cử hồi tháng 11, ông Trump nói với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng ông muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam và sẵn sàng gặp mặt tại Hoa Kỳ.
Theo ông Oscar Mussons, chuyên gia tư vấn kinh doanh quốc tế của công ty tư vấn Dezan Shira & Associates ở thành phố Hồ Chí Minh, để đổi lấy sự ủng hộ về thương mại, ông Trump có thể yêu cầu Việt Nam hỗ trợ sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Biển Đông, nơi mà Mỹ đang tìm cách kìm hãm sự bành chướng của Trung Quốc trên vùng biển này.

Chuyên gia kinh tế này nói bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần thời gian để đàm phán và chính phủ Mỹ có thể đang tìm cách xây dựng các mối quan hệ với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Hoa Kỳ. Ông Bajora nói: "Tôi không nghĩ rằng có thể có một hiệp định thương mại tự do trong 12 tháng tới."Theo cảnh báo của chuyên gia kinh tế khu vực của Barclays, Rahul Bajoria, Việt Nam có thể phải đợi gần hết nhiệm kỳ hiện tại của tổng thống Trump trước khi nhận được bất kỳ thỏa thuận thương mại nào.

Kể từ khi ông Trump trúng cử tổng thống, các nhà lãnh đạo Việt Nam lo sợ rằng TPP sẽ chết và đã bắt đầu tìm kiếm các hiệp định thương mại khác.
Một thỏa thuận đạt được với Liên minh Châu Âu vào năm 2015 đự định sẽ có hiệu lực vào năm tới nếu nó vượt qua được những rào cản trong quốc hội của khối EU.
Trung Quốc cũng mong muốn tăng cường các mối quan hệ thương mại, nhưng Việt Nam hy vọng tránh được sự phụ thuộc vào đối thủ chính trị lâu năm nổi tiếng với việc tung vào Việt Nam các loại hàng hoá sản xuất hàng loạt với mức giá thấp hơn so với những sản phẩm từ các công ty của Việt Nam. - VOA
|
12.
Dư luận VN phẫn nộ vì cáo buộc nhiều trẻ em bị xâm hại

Các lãnh đạo cao cấp tại Việt Nam đã "yêu cầu Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao" làm rõ cáo buộc một số vụ xâm hại tình dục trẻ em sau khi vụ việc được truyền thông trong nước, mạng xã hội và các tổ chức xã hội đưa tin và kêu gọi hành động. 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 12/3 đã yêu cầu 'điều tra sớm' vụ một người đàn ông 76 tuổi bị tố cáo nhiều lần có xâm phạm tình dục các bé gái tại khu chung cư ở phường Nguyễn An Ninh (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), theo Thông tấn xã Việt Nam. 

Ngày 13/3, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu UBND Hà Nội khẩn trương xác minh vụ việc một bé gái 8 tuổi ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) bị xâm hại nhưng vụ việc vẫn chưa được điều tra mặc dù gia đình đã làm đơn tố cáo hơn hai tháng trước.
Đây chỉ là hai trong số hàng loạt vụ xâm hại tình dục trẻ em được truyền thông trong nước và các mạng xã hội phản ánh trong thời gian qua. 

Cáo buộc xâm hại trẻ em không được điều tra, xử lý kịp thời trong khi các thủ phạm được cho là được "bao che" và có kẻ còn "nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật" đã gây bất bình cho người dân và các tổ chức bảo vệ trẻ em và phụ nữ ở Việt Nam. 
Các vụ xâm hại trẻ em gây bất bình trong dư luận

Theo bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), "tình trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng về số lượng, bình quân mỗi năm gần 1.000 em bị xâm hại tình dục." 
"Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, từ năm 2010 đến năm 2013, số vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện đã tăng gần gấp đôi từ 867 vụ lên đến 1544 vụ vào năm 2014. Như vậy, theo những con số chính thức đó thì chí ít mỗi ngày có 3 đứa trẻ bị xâm hại," tạp chí Phụ nữ mới dẫn lời bà Hồng. 

Trong vụ án ở phường Nguyễn An Ninh, thành phố Vũng Tàu, có tố cáo 9 bé gái đã bị một người đàn ông 76 tuổi xâm hại nhiều lần. Sau khi một người mẹ làm đơn gửi công an vào tháng 6/2016, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hồi tháng 8/2016 nhưng vụ án vẫn chưa được khởi tố. 

Sau khi có yêu cầu của Chủ tịch Trần Đại Quang, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Vũng Tàu cho biết cơ quan này đã quyết định gia hạn điều tra lần 2 đối với vụ án trong thời hạn hai tháng, báo Phụ nữ cho hay. 
Một vụ án khác gây nhiều bất bình trong dư luận là vụ một cháu bé 13 tuổi ở Cà Mau đã tự vẫn ngay sau tết Đinh Dậu vì bị hàng xóm xâm hại nhiều lần. Gia đình cháu đã tố cáo với cơ quan chức năng nhưng vụ việc vẫn không được xử lý vì "những không đủ bằng chứng để khởi tố vụ việc". 

Mới đây lại xuất hiện tố cáo một bé gái 8 tuổi ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) bị một người đàn ông 34 tuổi xâm hại nhiều lần (được phát hiện hồi tháng Một) và vụ một bé gái 7 tuổi ở quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, tố cáo bị một người đàn ông xâm hại ở trường (phát hiện hồi tháng Hai). 
Trong cả hai trường hợp này, sau khi có kết quả khám nghiệm từ bệnh viện, gia đình các bé đã làm đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng.

Tình trạng xâm hại trẻ em gia tăng? 
Trong bức "tâm thư" ra ngày 12/3 của Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) kêu gọi hành động quyết liệt hơn nữa để giải quyết vấn nạn xâm hại trẻ em, 15 tổ chức xã hội thuộc mạng lưới này cho rằng còn nhiều "rào cản về thể chế khiến cho bạo lực tình dục không những không giảm mà còn gia tăng" trong thời gian gần đây.

Các rào cản được kể đến gồm quy trình tố tụng thiếu chặt chẽ và thiếu nhạy cảm; thái độ đổ lỗi cho phụ nữ và trẻ em là thiếu hiểu biết hoặc không hành xử đúng mực của các cán bộ công quyền; việc quy trách nhiệm cho phụ nữ và trẻ em phải bảo vệ mình thay vì nghiêm khắc nhận trách nhiệm. 
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Uỷ viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói bà sẽ đặt câu hỏi chất vấn về những vấn đề liên quan đến nạn xâm hại tình dục trẻ em trong phiên chất vấn tại phiên họp thứ 8 của Uỷ ban Thường vụ bắt đầu từ ngày 14/3, tờ Tiền Phong cho hay. - BBC

13.
Việt Nam phản đối Trung Quốc tổ chức du lịch Hoàng Sa

Ông Lê Hải Bình cho biết việc Trung Quốc tổ chức tuyến du lịch trái phép đến quần đảo Hoàng Sa và việc tàu Hải cảnh Trung Quốc truy đuổi một tàu cá Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa là xâm phạm nghiêm chủ quyền của Việt Nam với đảo Hoàng Sa.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Việt Nam nhấn mạnh hành động này cũng vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc ký tháng 10-2011.

Ông này cũng khẳng định lại rằng Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. - RFA

14
Đạo diễn Mỹ thành Đại sứ du lịch Việt Nam

Đạo diễn người Mỹ Jordan Vogt-Roberts được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Ngọc Thiện trao quyết định bổ nhiệm Đại sứ Du lịch Việt Nam giai đoạn 2017-2020.
Sinh năm 1984, ông Jordan Vogt-Roberts đã đạo diễn phim Kong: Đảo đầu lâu, quay tại nhiều nơi ở Việt Nam.

Nhiều người ở Việt Nam đang hy vọng bộ phim giải trí này sẽ giúp thu hút thêm khách du lịch đến Việt Nam.
Tại buổi lễ ở Hà Nội hôm 13/3, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện được dẫn lời nói ông hy vọng đây là thời cơ với ngành du lịch và điện ảnh Việt Nam.

Còn ông Jordan Vogt-Roberts nói ông đã bán nhà ở Los Angeles để đến Việt Nam sinh sống, và làm công tác của Đại sứ Du lịch.
Các cảnh quay trong Kong: Đảo đầu lâu diễn ra tại những nơi như Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Tràng An (Ninh Bình) và Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, hang Sơn Đoòng (Quảng Bình).

Trình chiếu tại Việt Nam, phim này đã thu 18,2 tỷ đồng, trở thành bộ phim nước ngoài có doanh thu mở màn ngày đầu tiên cao nhất trong lịch sử tại Việt Nam. - BBC

15.
Việt Nam: Báo cáo nhân quyền Mỹ 'có một số nhận định thiếu khách quan'

Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với BBC rằng Việt Nam sẵn sàng trao đổi "thẳng thắn, cởi mở" với Hoa Kỳ về "những vấn đề còn có sự khác biệt".
Phản ứng của chính phủ Việt Nam đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố phúc trình hàng năm về nhân quyền thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trả lời BBC hôm 13/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói:
"Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân."

"Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc không ngừng đảm bảo và cải thiện các quyền cơ bản của người dân thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao."
Đề cập đến báo cáo của Mỹ, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: "Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với các nước, trong đó có Hoa Kỳ về những vấn đề còn có sự khác biệt."

"Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuy đã ghi nhận một số thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam, nhưng vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam."
Đến nay hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã từng tiến hành 20 vòng đối thoại song phương thường niên về quyền con người.

Phúc trình của Mỹ có một phần riêng nói về Việt Nam, trong đó một số từ được nhắc tới thuộc loại nhiều nhất là 'tùy tiện' và 'bắt giữ, tạm giam'.
Bản báo cáo dài đăng trên website đại sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam hôm 06/03 có nhiều hạng mục khác nhau như tôn trọng nhân phẩm, bảo đảm quyền tự do, tình trạng nhà tù và về các vụ bắt bớ, quyền tự do dân sự, tham nhũng và công khai tài sản.

Ngay từ phần mở đầu, báo cáo nhận định việc Quốc hội Việt Nam trì hoãn thực thi một số luật đã được thông qua năm 2015 làm "ảnh hưởng tới quyền công dân, gồm có luật hình sự mới, thủ tục tố tụng hình sự và luật về tạm giữ, tạm giam".
"Vấn đề nhân quyền nổi bật nhất ở đất nước này là việc cấm đoán chặt chẽ quyền chính trị của người dân, nhất là quyền thay đổi chính quyền qua quá trình bầu cử tự do và công bằng; giới hạn quyền tự do của công dân, trong đó tự do hội họp, liên kết và biểu hiện; và bảo vệ không đầy đủ quyền công dân theo đúng thủ tục, trong đó có bảo vệ chống lại giam giữ tùy tiện."

"Có nhiều báo cáo chỉ ra rằng quan chức hoặc tay sai dưới sự chỉ huy của Bộ Công an hay công an tỉnh đã phạm phải các vụ sát hại tùy tiện hoặc bất hợp pháp, trong đó có báo cáo cho rằng có ít nhất 9 người thiệt mạng trong lúc bị tạm giam," nhưng chỉ có một số ít nhân viên an ninh phải chịu trách nhiệm, báo cáo viết. - BBC

Link:

Không có nhận xét nào: