Lê Vĩnh Thái (Tạp Chí Sông Hương)
14 Tháng Hai 2017
Tôi hiểu, cùng với xu hướng “thị trường hóa” rồi “toàn cầu hóa” thì, bản sắc của mỗi quốc gia, một con người cũng bị mờ nhạt dần, bởi ảnh hưởng văn hóa của những quốc gia có nền kinh tế và, văn hóa mạnh hơn những quốc gia yếu, kém. <!>
Như gần đây, cùng với lên ngôi của phim ảnh Đại Hàn, nhiều người không còn lạ khi thấy trai thanh, gái lịch Việt, chuộng quần áo, phấn son được nhiều tài tử xứ “Kim Chi” sử dụng…
Quyến rũ này, theo tôi nó mang tính thời thượng.
Ở lãnh vực ngôn ngữ, nhất là đối với thi ca, hiện tượng quyến rũ vừa kể, người ta cũng thấy rõ ở một số danh từ, hình ảnh được nhiều người trẻ đua nhau đem vào thơ, như một thứ phong trào. Họ hối hả, hăm hở leo lên chuyến- xe-lửa-ngôn-ngữ -tốc-hành, dẫn về phía ngôn ngữ, hay hình ảnh mới(!?)
Tôi nhớ, có một thời gian khá dài, hình ảnh “hoa sữa” được rất nhiều tác giả trẻ “nâng niu”, dành chỗ trang trọng, thân thiết trong trang thơ của họ. Mặc dù nhiều người, có thể chưa một lần thấy “hoa sữa”, cùng mùi của loài hoa này, (rất hắt, khi nó bung nở vào mùa thu), rất nhiều ở Hà Nội.
Có dư luận cho rằng, người đầu tiên đem hoa sữa vào ca khúc cuả mình là nhạc sĩ Hồng Đăng, trong tình khúc “Hoa sữa”. Bất ngờ, “Hoa sữa” của Hồng Đăng được định mệnh chào đón bằng nụ cười nồng nàn, yêu mến.
Tác giả Lê Phương trong bài viết “Mùa thu Hà Nội và Hoa sữa”, cũng nhấn mạnh rằng: “Tiêu biểu nhất phải kể tới nhạc phẩm ‘Hoa sữa’ nổi tiếng được nhạc sỹ Hồng Đăng sáng tác từ những năm 1978, tác phẩm được xem là khởi nguồn cho mọi cảm hứng về hoa sữa Hà thành. Đến nay bài hát này vẫn luôn đọng lại trong tiềm thức của người yêu nhạc Việt Nam. Chia sẻ về tác phẩm “Hoa sữa” của mình, nhạc sỹ Hồng Đăng cho biết: ‘Bài hát Hoa sữa nói về tình yêu của Hà Nội, tình yêu giữa người với thiên nhiên, giữa tôi, một người con miền Trung ở rất xa, về đến Hà Nội và thấy Hà Nội như là nhà của mình và ở đấy có những cây hoa đã để lại không biết bao nhiêu ấn tượng đẹp đẽ của tình yêu, của sự thanh lịch, duyên dáng. Trong bài hát của mình, tôi có lấy hoa sữa là một biểu tượng và tôi xem như là biểu tượng của tình yêu. Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/Có lẽ nào anh lại quên em. Hoa sữa là em, em vẫn từng đợi anh như hoa từng đợi nắng, như gió tìm rặng phi lao, như trời cao mong mây trắng’.” (Nguồn Wikipedia – Mở)
Từ đó, hoa sữa nở quanh năm, không chỉ trong âm nhạc mà, trong cả thi ca của những người trẻ.
Tuy nhiên, nếu hoa sữa là hình ảnh cụ thể, tiêu biểu cho mùa thu Hà Nội thì hai chữ “hoang hoải” hay “hoang oải”, không có tư liệu nào cho biết người ghép chữ đầu tiên là ai? Nó mang ý nghĩa gì, ngoài tính mơ hồ, khó hiểu của nó. Nhưng phải chăng, chính tính mơ hồ, khó định nghĩa kia, đã là một quyến rũ với những người làm thơ trẻ? Khiến một thời, đã xuất hiện trên rất nhiều trang thơ, như một thứ di truyền không rõ mặt?
Khi mấy chữ “hoang hoải” hay “hoang oải” trở thành “đại trà” tôi không thấy nó là từ ngữ mới. Với tôi, nó là một thứ “ước lệ” sớm, của thời đại.
Những người trẻ vội vã thu nhận mấy chữ này cho ngôn ngữ thi ca của mình, đã vô tình chỉ tay về phía nghèo nàn, không cá tính của họ.
Rất may, theo tôi, thi ca của chúng ta, vẫn có những người trẻ lặng lẽ từ chối đi theo bước chân của con cừu đầu đàn, để kiến tạo cho mình, qua ngôn ngữ, một nhân dáng. Một nhân dáng riêng, (qua ngôn ngữ) làm thành bảng-ghi-chi- tiết-chân-dung thơ của người ấy.
Trong số này, tôi thấy có Lê Vĩnh Thái.
Tôi hiện chỉ có hai thi phẩm của Lê Vĩnh Thái là: “Ngày không nhớ” do nhà Thuận Hóa, XB ấn hành năm 2010 và, “Trôi cùng đám cỏ rê”, do nhà Văn Học ấn hành năm 2013. Nhưng tôi không thấy “hoa sữa” trong những bài họ Lê viết về Hà Nội, hoặc “hoang hoải” hay “hoang oải” trong những bài thơ tâm trạng hoang mang, bải hoải, bất định.
Ngược lại, tôi thấy, khí hậu trong cõi-giới thi ca Lê Vĩnh khô hạn những tính từ, động từ, trạng từ khép… vốn là điểm mạnh, làm cho ngôn ngữ Việt phong phú, giầu có hơn rất nhiều ngôn ngữ khác của nhân loại. (Dù cho cũng chính sự phong phú, giầu có đặc biệt ấy, đã là trở ngại không nhỏ cho những dịch giả muốn giới thiệu thơ Việt nơi quảng trường chữ, nghĩa thế giới.)
Tuy nhiên, như tôi từng quan niệm: Trừ phi bạn làm thơ bằng một thứ tiếng ngoại quốc, khi bạn làm thơ với tiếng mẹ đẻ thì, bạn hãy có thơ hay. Bạn hãy nổi tiếng trong đất nước, dân tộc của mình… Như Nguyễn Du, như Nguyễn Trãi, như Hồ Xuân Hương… Thế giới (những ngôn ngữ khác) bằng mọi cách, sẽ hân hoan đem thơ của bạn đến chân trời, góc biển.
Trở lại với Lê Vĩnh Thái, tôi tuyệt nhiên không thấy một chỉ dấu nào hé lộ mối băn khoăn chuyển dịch thơ của mình qua một ngôn ngữ khác – – Mà tôi chỉ thấy đó là một người trẻ, sớm ý thức, nỗ lực cắt bỏ những tính từ, động từ, trạng từ kép…; thậm chí, luôn cả những liên tự (conjunction), để câu thơ trở nên mềm mại, êm ái, lụa mượt (hoặc xóc, gắt hơn?)…
Tính “kiệm ngữ” của Lê Vĩnh Thái, có thể khiến cho một số người đọc thơ họ Lê, thấy chân dung thi ca của nhà thơ này, có phần “xộc xệch, xốc xếch”…
Nhưng, với tôi, ở mặt nào khác, thì nó lại cho thấy chúng là ưu điểm. Chúng như những chi tiết làm thành bảng-ghi-chi-tiết-chân-dung thơ họ Lê, ở một tương lai nào đó.
Thí dụ, ở thi phẩm “Ngày không nhớ”, mở bất cứ trang thơ nào, người đọc sẽ có cảm giác ấm áp một niềm vui, khi “chạm tay” vào những con chữ đang tự cháy lên cách nói khác:
“tôi bắt bóng mà hình đi biền liệt
Trong cơn mơ, giật mình đưa tay úp mặt
Đống than tàn ủ lửa xa xôi…” (Trang7)
…
“Ngày đi chậm
Khoét sâu bàn chân du mục…” (Trang 9)
…
“chúng ta đem hạnh phúc làm trò đùa khốn nạn chính mình…,” (Trang 29)
…
“cánh tay em duỗi tuốt về một ngày
không hơi thở gấp
em nuốt vào ngực quãng vắng đời mình…” (Trang 34)
…
“thí dụ
về những ngày qua đã ngủ lại sau ngày
có bàn tay buông dần từng ngón
đêm quên…” (Trang 60)
…
“Chẳng còn chi mà phải gào lên
em đã xa
biển nhấn chìm tôi
đá trơi trọi ngàn năm
thành chồng, thành vợ
tình người, từ chối quanh co…” (Trang 62)
…
“con còng chơi vơi, chúi xuống bãi cát vàng
đãi lên nỗi buồn
biển đêm
biển đêm…” (Trang 68)
…
“chợ đông vui
người ta bán người giả cho người thật
hóa vàng chân lý…” (Trang 69)
Vân vân…
.
Cũng thế. Bước vào thi phẩm “Trôi cùng đám cỏ rê”, vẫn là phong cách “kiệm ngữ / đa nghĩa”; vẫn ắp đầy những những chi tiết làm thành bảng-ghi-chi-tiết-chân-dung thơ họ Lê, ở một tương lai nào đó. Chỉ khác, nếu tính siêu hình chiếm thị phần lớn trong “Ngày không nhớ”” thì, ở “Trôi cùng đám cỏ rê” lại đậm đặc tính nhân thế, đời thường. Có phần buồn hơn. Rất buồn!!!
Thí dụ:
“con nghe chiếc đồng hồ trong lồng ngực ba tích tắc… tích tắc…
mười hai giờ khuya
rộn rã cơn đau nhói dưới sóng lưng
nhịp tim Ba thôi thúc
đau từ con, từ cơn mơ chưa hề báo trước…” (Trang 13)
…
“vườn thanh trà đêm nay đong đưa mấy trái cuối mùa
cùng lòng anh trĩu xuống
chín vườn đêm…” (Trang 31)
…
chiều đã chìm lên ngôi nhà
ảm đạm
mẹ thành góa phụ
đàn con ngơ ngác chiều tháng chín
tàn thu…” ” (Trang 33)
…
“sông đã xua đi bờ cát mịn
lòng bàn tay còn dấu ngón non đen
(…)
nhớ nước trong lành
người trôi đời người mắt đắng sông xa…” (Trang 37)
…
“anh sẽ về lại dưới ngôi nhà đổ nát
biết đâu tìm được lần chưa…” (Trang 41)
…
“sông lẫy nước đẩy hai bờ xa ngái
tháng chín đi
vùng hậm hực từng cơn
đêm lai láng cha dọn từng mảng lụt
chút bùn non nhuộm trắng mái tóc người…” (Trang49)
Vân vân…
.
Đêm, tháng 8-2016. Trong nhà hàng làm ra trên ngã ba sông, Huế, Lê Vĩnh Thái, mỏng, nhẹ, im lặng chia sẻ cùng tôi niềm vui, sau bao nhiêu năm, mới được lại hai người bạn mà tôi hằng qúy mến: Nhà văn Bửu Ý và, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.
Như lời tác giả bản dịch “Vườn đá tảng” phát biểu ít giờ trước đó, trong một cuộc họp mặt “…Gặp lại một người là gặp lại một thời”; chúng tôi say sưa nghe họ Nguyễn đọc liên tiếp những bài thơ rất hay, làm thành một thời thi ca của ông. Chúng tôi lắng nghe những chuyển động nhẹ nhàng nhưng đằm thắm của họ Bửu, một trong vài tiêu biểu còn sót lại của đất Thần kinh; sau nụ cười đôn hậu của ông. Với tôi, ông là cây sầu đông cổ thụ của rừng Bạch Mã…
Thỉnh thoảng, tôi cũng nghiêng, nhìn tác giả “Ngày không nhớ” và “Trôi cùng đám cỏ rê”. Họ Lê cười. Cái cười cũng mỏng, nhẹ, im ắng như con người Lê Vĩnh Thái, mỗi khi tôi ngỏ ý cám ơn tác giả “Ngày không nhớ”, vào quày tính tiền, mua giúp tôi ly cà phê hoặc, gói thuốc lá…
Cũng có khi chúng tôi cùng thả trôi cái nhìn của mình trên mặt sông, đen; lúc mưa đã bắt đầu nặng hạt, khiến những con-tôm-nước theo nhau nhảy lên, khoe sắc trong những giải đèn nhà hàng, treo quanh thành cầu…
Những lúc này, họ Lê vẫn không nói. Nhưng tôi cảm được mặt sông. Đen. Đêm. Mưa. Trăng. Biển… trong mắt Lê Vĩnh Thái: Những chiếc bóng lủi thủi nhưng thủy chung(?) trong thơ họ Lê. Tôi muốn nói, hiểu theo một cách nào đó, thì, đó chính là những chiếc sào thao thức khôn nguôi, cắm ngập đáy sông; nơi những con thuyền thơ Lê Vĩnh Thái, đã đến và, hy vọng sẽ ở lại được trên thủy trình thi ca của người trẻ tuổi này.
.
Tới lúc phải chia tay, tôi nói với Thái, “Hy vọng, năm sau, gặp lại!?!”
Đâu ngờ, bây giờ mới tháng Hai, trong nguy cơ có thể “quá trễ…” của trận sốt và trúng thực nhiều ngày; tôi đã được gặp lại “con còng chơi vơi, chúi xuống bãi cát vàng / đãi lên nỗi buồn / biển đêm / biển đêm.”
Du Tử Lê
(Calif. Feb. 2017)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét