Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2024

Kết Thúc Đại Hội Đảng Dân Chủ. Vài Tin Sinh Hoạt và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Mỹ: Kết Thúc Đại Hội Đảng, Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Kamala Harris Cam Kết Dành Chức Vị Tổng Thống và Sát Cánh Cùng Đồng Minh NATO! -Trong bài phát biểu tại Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ vào tối ngày 22/8, Phó Tổng thống Hoa Kỳ và ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, Kamala Harris, đã khẳng định sẽ ủng hộ mạnh mẽ Ukraine và các đồng minh NATO, nếu bà đắc cử tổng thống. Bài phát biểu của bà, được hãng tin Reuters và CNN đưa tin, đã nhấn mạnh cam kết của bà đối với các giá trị dân chủ và sự phản đối mạnh mẽ đối với chế độ chuyên chế trên toàn thế giới.
<!>

Bà Harris đã kêu gọi chấm dứt xung đột ở Gaza, đồng thời nhấn mạnh sự ủng hộ của bà đối với quyền tự vệ của Israel. Bà nói: “Bây giờ là lúc thực hiện một thỏa thuận về con tin và một thỏa thuận ngừng bắn”, đồng thời khẳng định sẽ luôn đảm bảo Israel có khả năng tự vệ trước các mối đe dọa.
Trong bối cảnh cuộc đấu tranh toàn cầu giữa dân chủ và chuyên chế, bà Harris cho biết bà và nước Mỹ sẽ đứng vững trên nền tảng dân chủ. Bà cũng chỉ trích ứng cử viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa, cáo buộc ông đã “cúi đầu” trước các nhà độc tài và không bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ trên trường quốc tế.
Bà Harris nhấn mạnh: “Tôi sẽ không bao giờ ngần ngại thực hiện hành động cần thiết để bảo vệ lực lượng và lợi ích của chúng ta trước Iran”, đồng thời khẳng định bà sẽ không bị lôi kéo bởi các nhà độc tài như Kim Jong Un, người mà bà cho rằng có thể dễ dàng thao túng ông Trump.

Sau bài phát biểu của bà Harris, ông Donald Trump đã phản hồi trong một cuộc phỏng vấn trên đài Fox News. Ông Trump chỉ trích bà Harris vì “phàn nàn” về những vấn đề mà bà không giải quyết khi đang giữ chức vụ, đồng thời chỉ ra rằng bà đã không đề cập đến Trung Quốc và tội phạm trong bài phát biểu của mình.
Bài phát biểu của bà Harris đã thu hút sự chú ý lớn khi bà định vị mình là người bảo vệ các giá trị dân chủ và cam kết sát cánh với các đồng minh quốc tế, trong bối cảnh Hoa Kỳ chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.


Màn cầu hôn bất ngờ độc đáo của 2 nhà báo Mỹ gốc Việt, đến từ Texas, tại buổi tiệc ở Austin, gây xúc động, giữa những tràng pháo tay, nổ như pháo Tết, của trên 750 quan khách!

*Cầu hôn với người bạn đời của bạn và đi đến hôn nhân là một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất của cả hai người yêu nhau. Giây phút cảm động đáng nhớ suốt cả cuộc đời đôi lứa! Chắc chắn chú rể tương lai, đều muốn đảm bảo rằng màn cầu hôn phải thật ấn tượng và khó quên. Nhưng người thực hiện phải biết chắc, cho một lời cầu hôn không thể cưỡng lại! thì mới thành công! Mỹ thì những màn cầu hôn độc đáo có nhiều, nhưng người Việt vẫn còn hiếm hoi. Lâu lắm mới có một tin vui, độc đáo như thế!


(Một màn cầu hôn đầy ấn tượng và bất ngờ đã diễn ra tại hội nghị của Hiệp hội Nhà báo Mỹ gốc Á (AAJA) ở Austin, Texas)
-Vào cuối bữa tiệc gala của AAJA, người dẫn chương trình Jason Nguyễn, đã cầu hôn người bạn gái MC chương trình và cũng là bạn gái của mình, cô Rosie Nguyễn. Rosie, phóng viên theo dõi lĩnh vực chủng tộc và văn hóa của KTRK ở Houston, đã rất bất ngờ vì màn cầu hôn được chuẩn bị hoàn toàn bí mật và đã chia sẻ khoảnh khắc độc đáo, cảm động này trên Facebook.
Jason, phóng viên điều tra cấp cao của KPRC ở Houston, đã nhờ các thành viên của AAJA giữ bí mật về màn cầu hôn này. Anh cũng lên kế hoạch kỹ lưỡng để gia đình của Rosie có thể chứng kiến khoảnh khắc lãng mạn này qua FaceTime.

Jason và Rosie gặp nhau lần đầu vào năm 2014 khi cùng dẫn chương trình tại một cuộc thi sắc đẹp ở thành phố Salt Lake City. Họ có dịp gặp lại nhau vào năm 2016 và đến năm 2018, Rosie làm phóng viên tại đài truyền hình ở Utah, nơi Jason từng công tác. Sau đó, Jason cũng về Texas làm việc với vai trò phóng viên điều tra.
Khi AAJA mời cặp đôi cùng dẫn dắt chương trình gala năm nay, Jason nhận thấy đây là cơ hội tuyệt vời hiếm có để anh cầu hôn bạn gái trên sân khấu! sau sáu năm bên nhau. Khi buổi gala kết thúc, Jason dẫn Rosie ra sân khấu và bất ngờ thực hiện màn cầu hôn ngọt ngào, bất ngờ trước trên 750 quan khách!. Nhiều người đã kịp ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ, nồng nàn tình yêu này. Rosie đã đồng ý ngay! lời cầu hôn ngọt ngào này, trong niềm vui vỡ òa và cả khán phòng tràn ngập tiếng reo hò, vỗ tay như pháo Tết! chúc phúc cho cặp đôi! Hình ảnh cầu hôn của đôi uyên ương gốc Việt này, khiếm mọi người tham dự, không bao giờ quên!


Đêm thắp nến cầu nguyện cho Cảnh sát gốc Việt Long Phạm đã hy sinh vì công vụ tại thành phố San Jose, diễn ra thật long trọng và ấm áp Tình Người.


-Vào hồi 7.30 tối hôm qua, Thứ Năm 22/8/2024, đêm thắp nến cầu nguyện cho Cảnh sát gốc Việt Long Phạm đã hy sinh vì công vụ tại thành phố San Jose, đã được tổ chức tại Vườn truyền thống Việt, trên đường Robert Ave, dưới sự Chủ Tọa của Nghị Viên Khu Vực 7 Biên Đoàn, diễn ra thật long trọng và ấm áp Tình Người.
Chính quyền địa phương với sự hiện diện tham dự của Thị Trưởng Mac Mahan, Cảnh Sát Trưởng của Thành phố cùng nhiều viên chức đại diện diện các Ban Ngành cũng khá đông Cảnh sát địa phương. Về phía báo chí, các Đài Mỹ có khá nhiều chuyên viên đến quay phim, thu hình rất sớm.

Rất tiếc về phía Việt Nam chúng ta, đã vắng mặt những nhân vật trong Ban Sinh Hoạt Cộng đồng, cùng một số đại diện đoàn thể. Chỉ có một số ít đồng hương trong khu vực hiện diện mà thôi, làm buồn lòng thân nhân người đã khuất.
Sau đây là một vài hình ảnh chúng tôi ghi lại xin được chia sẻ cùng Quý Vị và Các Bạn xa gần.









Vài hình ảnh từ Youtub:


Here is the link VIETV DIRECTV CHANNELS 2036-2037

ĐÊM THẮP NẾN TƯỞNG NIỆM CẢNH SÁT NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT LONG PHẠM TỬ NẠN TRONG KHI THI HÀNH CÔNG VỤ.



Sức khỏe trong đời sống: Điện thoại đặt trên bàn nên để màn hình ngửa lên hay úp xuống?
(Tiểu Phàm)


(Ảnh: Điện thoại nên để màn hình hướng lên hay úp xuống?)
-Khi không sử dụng điện thoại, hầu hết mọi người đều thường đặt ngửa màn hình điện thoại hướng lên. Nhưng trên thực tế, cách tốt nhất để bảo vệ điện thoại là úp điện thoại xuống. Hành động này tưởng chừng như vô nghĩa nhưng lại mang đến rất nhiều lợi ích cho điện thoại và người dùng.

Lợi ích của việc úp điện thoại xuống

1. Tránh để màn hình bị trầy xước, hư hỏng
Màn hình của điện thoại di động thường được làm bằng kính, tuy có độ cứng cao nhưng vẫn dễ bị trầy xước và vỡ. Khi chúng ta đặt màn hình điện thoại di động hướng xuống dưới, nó có thể ngăn cản sự tiếp xúc trực tiếp với các vật thể khác và giảm nguy cơ bị hư hỏng.

2. Ngăn bụi và chất lỏng tiếp xúc với màn hình
Khi đặt màn hình điện thoại hướng lên trên, nếu ở môi trường nhiều bụi thì màn hình điện thoại sẽ dễ tích tụ bụi bẩn. Vệ sinh không tốt sẽ khiến màn hình điện thoại và miếng dán cường lực có thể sẽ bị trầy xước.

Còn trường hợp nếu bị nước, đồ uống hoặc súp của bữa ăn vô tình bắn lên màn hình điện thoại thì sẽ rất khó xử lý. Do đó, khi không sử dụng điện thoại di động, hãy đặt màn hình hướng xuống dưới để giảm một số thiệt hại do môi trường và con người gây ra.

3. Bảo vệ quyền riêng tư cá nhân
Hầu hết các điện thoại thông minh hiện nay đều có chức năng hiển thị thông báo, đặc biệt là những thông báo quan trọng như tin nhắn và cuộc gọi. Ở một số nơi công cộng, nếu màn hình điện thoại di động hướng lên trên và có người tình cờ đi ngang qua thì những tin nhắn xuất hiện trên màn hình sẽ vô tình bị người khác nhìn thấy. Nếu bạn quên đóng thẻ ngân hàng, Alipay và các trang khác, quyền riêng tư về tài sản của bạn sẽ bị lộ, điều này làm tăng nguy cơ rò rỉ quyền riêng tư của bạn
Đặt màn hình điện thoại úp xuống cũng có thể ngăn chặn sự tò mò của người khác một cách hiệu quả và tăng tính bảo mật cho thông tin cá nhân của chúng ta.

4. Bảo vệ camera điện thoại di động
Hiện nay, hầu hết các ống kính camera sau đều được thiết kế nhô cao hơn so với mặt sau của điện thoại. Khi đặt điện thoại lên bàn với màn hình hướng lên trên, thì camera sẽ úp xuống mặt bàn, rất có thể ống camera sẽ dễ bị trầy xước. Vì vậy, hãy úp màn hình xuống để tránh tình trạng này.

5. Thuận tiện cho việc tản nhiệt
Điện thoại di động sẽ sinh nhiệt trong quá trình sử dụng. Nếu nhiệt không được tiêu tán kịp thời, hiệu suất và tuổi thọ của điện thoại sẽ bị ảnh hưởng. Chất liệu của màn hình điện thoại di động có độ dẫn nhiệt kém. Nếu màn hình được đặt hướng lên trên sẽ cản trở quá trình tản nhiệt. Mặt sau của điện thoại di động thường được làm bằng kim loại hoặc kính, có khả năng dẫn nhiệt tốt và có thể truyền nhiệt nhanh ra không khí hoặc mặt bàn. Vì vậy, tốt nhất chúng ta nên để mặt sau của điện thoại hướng lên trên.


Tin Quốc Tế Đó Đây
Paralympic Paris 2024: Làng Thế Vận Mở Cửa Đón VĐV, Hơn 1,75 Triệu Vé Đã Được Bán


(Hình AFP - Michel Euler: Làng Olympic ở Saint-Denis, phía bắc Paris, Pháp. Ảnh chụp ngày 22/07/2024.)
-Một tuần trước khi khai mạc Paralympic (Thế Vận Hội Cho Người Khuyết Tật) Paris 2024, làng Thế Vận ở ngoại ô phía Bắc thủ đô Pháp hôm thứ Tư 21/8 đã mở cửa để đón vài trăm vận động viên đầu tiên đến ổn định nơi ăn ở, tập luyện để chuẩn bị cho các cuộc tranh tài.
Paralympic diễn ra từ ngày 28/8 đến ngày 8/9/2024. Giám đốc làng Paralympic, Laurent Michaud, cho biết mỗi ngày đón 500-1.000 vận động viên và thành viên phái đoàn các nước. Tổng cộng, làng Thế Vận sẽ là nơi ăn ở của khoảng 9.000 người đến từ 180 quốc gia. Ngoài 4.400 vận động viên, số còn lại là đội ngũ người hỗ trợ, bác sĩ, nhân viên xoa bóp trị liệu…. Đa phần trong số 237 vận động viên đội Pháp cũng sinh hoạt tại khu làng này.

Về vé xem thi đấu, theo ban tổ chức, các cuộc tranh tài ở 10 môn thể thao gần như đã hết vé, nhất là những cuộc tranh tài diễn ra tại các địa điểm mang tính biểu tượng như cung điện Versailles (môn đua ngựa), Cung điện lớn Grand Palais (đấu kiếm và Taekwondo), túc cầu ở khu vực tháp Eiffel…. Môn thể thao cho người khuyết tật thu hút nhiều khán giả nhất là các môn điền kinh, với hơn 500.000 vé đã có người mua.
Theo AFP, cho tới nay tổng cộng hơn 1,75 triệu vé đã được bán, hiện vẫn còn khoảng 800.000 vé chưa có người mua. Giá vé thấp nhất là 15 Euro. Khách đến dự Thế Vận Hội Cho Người Khuyết Tật chủ yếu là người Pháp (92%) và thường đi cùng gia đình.
Về cơ bản, ban tổ chức Paralympic Paris 2024 giữ nguyên các địa điểm thi đấu như đối với Thế Vận Hội, nhưng đã điều chỉnh cho phù hợp với các môn thể thao cho người khuyết tật, chẳng hạn như Champ-de-Mars, nơi tổ chức các trận đấu bóng chuyền bãi biển ở Thế Vận Hội, được chuyển thành sân túc cầu cho người khiếm thị.


Đức Đạt Lai Lạt Ma Gặp Các Viên chức Cấp Cao của Mỹ ở New York


(Hình: Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Zeya đến New York gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma.)
-Hôm thứ Tư 21/8/2024, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết các viên chức cấp cao của Bộ Ngoại giao và Tòa Bạch Ốc đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma ở New York và "tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy nhân quyền của người Tây Tạng".
Cuộc gặp với nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong 89 tuổi của Phật giáo Tây Tạng có thể sẽ làm Trung Quốc khó chịu, Bắc Kinh coi ông là một nhân vật ly khai nguy hiểm và phản đối việc viên chức của bất kỳ quốc gia nào tiếp xúc với ông.
Đức Đạt Lai Lạt Ma, người chạy trốn sang Ấn Độ vào năm 1959 sau cuộc nổi dậy bất thành nhằm chống lại sự cai trị của Trung Quốc ở Tây Tạng, đã tới New York vào tháng 6 để điều trị hai đầu gối, là chuyến đi đầu tiên của ông tới Hoa Kỳ kể từ năm 2017.

Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay bà Uzra Zeya, Thứ trưởng Ngoại giao về nhân quyền kiêm điều phối viên đặc biệt về sự vụ Tây Tạng, đã tới New York để diện kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma, cùng tham gia là Giám đốc Nhân quyền Tòa Bạch Ốc, Kelly Razzouk.
Bộ nói rằng bà Zeya "thay mặt Tổng thống Biden chuyển lời chúc sức khỏe đến Đức Đạt Lai Lạt Ma và tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy cho nhân quyền của người Tây Tạng và hỗ trợ các nỗ lực bảo tồn di sản lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo riêng biệt của họ".
Bà Zeya đã thảo luận về những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm giải quyết các vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng và ủng hộ việc nối lại đối thoại giữa Trung Quốc và Đức Đạt Lai Lạt Ma, theo tuyên bố.
Phát ngôn viên của Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Hoa Thịnh Ðốn, Liu Pengyu, nói rằng Trung Quốc "rất quan ngại" về cuộc gặp và kêu gọi Mỹ không liên lạc với Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Một nhóm các nhà Lập pháp Hoa Kỳ đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Ấn Độ trước chuyến đi Hoa Kỳ của ông và nói rằng họ sẽ không cho phép Trung Quốc gây ảnh hưởng đến việc lựa chọn người kế nhiệm ông.
Tháng trước, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ một đạo luật của Mỹ do Tổng thống Joe Biden ký nhằm ép Bắc Kinh giải quyết mâu thuẫn về yêu sách của Tây Tạng đòi quyền tự trị lớn hơn và Trung Quốc thề sẽ "kiên quyết bảo vệ" các lợi ích của mình.


Trung Quốc Phản Đối Gay Gắt Mỹ Tiếp Xúc Đạt Lai Lạt Ma



(Hình VOA: Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có mặt ở New York, Mỹ.)
-Hôm 22/8/2024, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào cho phép Đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm dưới bất kỳ cái cớ nào.
Các viên chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Tòa Bạch Ốc đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại New York hôm 21/8 và 'tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc thúc đẩy nhân quyền của người dân Tây Tạng', Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong 89 tuổi của Phật giáo Tây Tạng dự kiến sẽ làm Trung Quốc nổi giận. Bắc Kinh xem ông là một phần tử ly khai nguy hiểm và phản đối viên chức của bất kỳ quốc gia nào tiếp xúc với ông.
"Trung Quốc đã nghiêm túc phản đối với Mỹ", phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết tại một cuộc họp báo thường kỳ. "Chúng tôi không cho phép Đạt Lai Lạt Ma tham gia vào các hoạt động ly khai chính trị ở Mỹ".

Hồi tháng trước, Trung Quốc đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ một đạo luật của Mỹ do Tổng thống Joe Biden ký nhằm thúc ép Bắc Kinh giải quyết tranh cãi về yêu sách tự trị nhiều hơn cho Tây Tạng và thề sẽ 'kiên quyết bảo vệ' lợi ích của mình.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng 'việc Mỹ bổ nhiệm điều phối viên đặc biệt về các vấn đề Tây Tạng là can thiệp vào công việc nội bộ'.


Công Du Trung Đông Lần 9, Ngoại Trưởng Mỹ Không Thúc Đẩy Được Thỏa Thuận Ngừng Bắn Do Thái-Hamas



(Hình AP - Kevin Mohatt: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trước báo giới tại Tel Aviv, thủ đô cũ của Do Thái, ngày 19/8/2024.)
-Hôm 20/8/2024, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã rời Trung Đông mà không đạt được thỏa thuận về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza giữa Do Thái và phong trào Hamas. Tuy nhiên, ông cam kết Mỹ sẽ tập trung mọi nỗ lực để đạt được lệnh hưu chiến trong những ngày tới".
Một viên chức cấp cao tháp tùng ông Blinken trong chuyến đi cho biết Hoa Kỳ dự kiến các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục trong tuần này. Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi Hamas chấp nhận đề xuất ngừng bắn mới nhất của Mỹ đối với dải Gaza, sau khi thông báo Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu đã đồng ý với kế hoạch này.
Tuy nhiên, theo thông tấn xã AFP, Hoa Kỳ vẫn thể hiện những bất đồng với Nhà nước Do Thái. Trước đó, Thủ tướng Netanyahu thông báo đã thuyết phục được Ngoại trưởng Mỹ cho phép duy trì quân đội Do Thái ở hành lang Philadelphia, dải biên giới giữa Ai Cập và Gaza, trong phạm vi hẹp. Nhưng khi được hỏi về tuyên bố này của Thủ tướng Do Thái, ông Blinken khẳng định là ngay từ đầu "Hoa Kỳ đã không chấp nhận việc Do Thái chiếm đóng Gaza lâu dài". Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm rằng các bên đã có một "thỏa thuận rất rõ ràng về thời gian và các khu vực ở dải Gaza mà (Lực lượng Phòng vệ Do Thái) phải rút lui và Do Thái đã đồng ý".
Trả lời thông tấn xã Reuters, một viên chức cao cấp Hoa Kỳ xin ẩn danh, đã nói thẳng rằng những "tuyên bố mang tính tuyệt đối" như của ông Netanyahu "không mang tính xây dựng" để đạt được một lệnh ngừng bắn. Ai Cập, quốc gia Ả Rập đầu tiên ký Hiệp định hòa bình với Do Thái, cũng đã rất bất bình vì việc quân đội Do Thái chiếm giữ biên giới vào tháng 5. Còn về phần mình, Hamas tuyên bố "sẵn sàng chấp nhận thỏa thuận hưu chiến", nhưng phản đối các "điều kiện mới" do Do Thái đưa ra trong đề xuất cuối cùng của Hoa Kỳ.


Mạc Tư Khoa Hứng Chịu Một Trong Những Cuộc Tấn Công Bằng Drone Ukraine Lớn Nhất Từ Trước Đến Nay


(Hình AP - Efrem Lukatsky: Đêm 20 rạng sáng 21/8/2024, thủ đô Nga bị nhiều drone Ukraine tấn công. Ảnh minh họa chụp ngày 26/3/2024 cho thấy binh sĩ Ukraine chuẩn bị phóng drone Poseidon H10.)
-Theo thông báo hôm 21/8/2024 của thị trưởng Mạc Tư Khoa, Sergei Sobyanin, thủ đô Nga trong đêm qua đã là mục tiêu của một trong những cuộc tấn công bằng drone của Ukraine quy mô nhất trong lịch sử nhắm đến thành phố này.
Hãng tin AFP trích nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong đêm qua, 11 drone đã bị bắn hạ trên vùng trời thủ đô Mạc Tư Khoa và vùng phụ cận. Theo thị trưởng Mạc Tư Khoa, do bị bắn hạ nên các drone của Ukraine đã không gây thương vong cũng như thiệt hại vật chất.
Nằm cách biên giới Ukraine hơn 500 cây số, Mạc Tư Khoa và vùng phụ cận đã từng bị tấn công bằng drone, như vào mùa Hè năm 2023, các drone đã bị bắn chặn trên không phận thủ đô và trước đó, vào tháng 5/2024, hai drone cũng đã bị phá hủy trước khi bay đến mục tiêu.

Cuộc tấn công bằng drone nói trên diễn ra trong bối cảnh Nga đã phải đối đầu với một chiến dịch tấn công chưa từng có của quân Ukraine vào vùng biên giới Kursk từ ngày 06/8.
Trong khi đó, quân Nga, được trang bị tốt hơn và có quân số đông hơn đối phương, tiếp tục đà tiến ở vùng Donetsk, miền Đông Ukraine. Hôm qua, họ thông báo đã chiếm được thành phố New York ở vùng này. Đây là một trong những trung tâm hậu cần quan trọng của quân Ukraine.
Thành phố này mang tên New York cho đến năm 1951, khi chính quyền Liên Xô đổi tên thành Novgorodskoïe. Chỉ đến năm 2021, thành phố mới lấy lại tên cũ là New York.
Cũng vào hôm qua, lần đầu tiên kể từ năm 2011, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Chechnya, nước Cộng hòa thuộc Nga ở vùng Kavkaz, mà lãnh đạo là Ramzan Kadyrov, một đồng minh của chủ nhân Ðiện Cẩm Linh. Để chống trả cuộc tấn công của quân Ukraine vào vùng Kursk, lực lượng Chechnya đã được khai triển tại vùng này để hỗ trợ quân Nga.


Ukraine Cấm Các Tổ Chức Tôn Giáo Hợp Tác Thân Thiện Với Nga



(Hình AFP / Sergei Supinsky: Những tín đồ Ukraine theo Chính Thống giáo thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa cầu nguyện ở lối vào tu viện Các hang động Kyiv, ngày 20/8/2024.)
-Hôm 20/8/2024, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu thông qua Dự luật cấm các tổ chức tôn giáo có quan hệ hợp tác thân thiện với Nga. Thực ra, đối tượng chính của văn bản này là Giáo hội Chính Thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa vì bị nghi ngờ hợp tác với Ðiện Cẩm Linh. Tổng thống Volodymyr Zelensky ca ngợi quyết định lịch sử, thể hiện "sự độc lập tinh thần của người dân Ukraine" khi đối mặt với Nga.
Trong những năm gần đây, Ukraine, đất nước với đại đa số người dân theo Chính Thống giáo, đã dần quay lưng với Giáo hội Chính Thống thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa. Đỉnh điểm là vào vào tháng 02/2022, khi Thượng phụ Nga Kirill công khai ủng hộ cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine.

Từ Kyiv, thông tín viên Emmanuelle Chaze của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể về luật mới này:
Các tổ chức tôn giáo hợp tác hoặc thân thiện với Nga sẽ không thể tiếp tục hoạt động ở Ukraine, đây là điều mà đạo luật mới quy định. Văn bản này đặc biệt nhắm vào Giáo hội Chính Thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, chứ không phải là Giáo hội Chính Thống Ukraine vì giáo hội này không liên quan đến Nga.
Luật được đa số thông qua sau khi xuất hiện nhiều nghi ngờ đối với một số giáo sĩ thuộc Giáo hội Chính Thống liên quan tới Mạc Tư Khoa. Những người này bị nghi hợp tác với Ðiện Cẩm Linh và biện minh cho cuộc chiến tranh của Nga tại Ukraine, đặc biệt là sau khi phát giác ra các tài liệu tuyên truyền và sổ thông hành Nga trong một số nhà thờ vào tháng 1/2023. Vào thời điểm đó, Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine đã đề xuất cấm tất cả các tổ chức tôn giáo liên quan đến Mạc Tư Khoa. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã hứa bảo đảm sự độc lập hoàn toàn giữa Nhà nước Ukraine và Giáo hội.
Luật được thông qua hôm nay có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày công bố, và Giáo hội Chính Thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa sẽ có 9 tháng để chứng minh rằng họ đã cắt đứt mọi liên hệ với Ðiện Cẩm Linh.
Đáp lại, Giáo hội Chính Thống Nga đã lên án quyết định này, gọi đây là "hành động bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản về tự do tín ngưỡng và nhân quyền".


Đức Giảm Nguồn Lực Hậu Thuẫn Ukraine Vì Chuyện Nội Bộ

-Một thời sự quốc tế được nhật báo Le Monde tiếp tục quan tâm là cuộc chiến tranh Ukraine trong mối liên quan đến chuyện nội bộ của nước Đức. Tựa chính trang nhất của tờ báo ghi nhận: "Quân Nga vẫn tiến trong miền Đông Ukraine".
Báo Le Monde cho biết quân đội của Mạc Tư Khoa tiếp tục tiến trong vùng Donetsk, bất chấp Kyiv hy vọng làm chậm đà tiến của Mạc Tư Khoa bằng cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga. Hôm 19/8/2024, chính quyền vùng miền Đông của Ukraine đã ra lệnh di tản toàn bộ dân khỏi thành phố Pokrovski và các vùng phụ cận. Phóng viên của tờ báo có bài phóng sự dài mang tiêu đề: "Donbass: Những ngày cuối cùng ở bệnh viện sản của thành phố Pokrovski trong vùng tự do", ghi lại không khí khẩn trương và xúc động của các nhân viên chuẩn bị di tản các sản phụ của bệnh viện khi quân Nga đang tiến gần chỉ ở cách đó hơn chục cây số.

Cũng liên quan đến chiến tranh Ukraine, báo Le Monde có bài: "Tại Đức, cuộc bầu cử địa phương tác động đến viện trợ cho Kyiv".
Tờ báo trở lại sự việc. Sau các cuộc thảo luận căng thẳng, 3 đảng trong liên minh của chính phủ Olaf Scholz đã đạt được thỏa thuận về ngân sách 2025 của nước Đức, theo đó viện trợ cho Ukraine sẽ bị cắt giảm một nửa, từ 8 tỉ năm 2024 xuống 4 tỉ Euro. Một trong những lý do là nước Đức đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử địa phương tại 3 tiểu bang quan trọng Sachsen, Thüringen và Brandenburg. Tại đó, đảng cực hữu và cực tả, những đảng chủ trương đòi chấm dứt cung cấp vũ khí cho Ukraine đang lên mạnh.
Các đảng trong liên minh cầm quyền đang có nguy cơ thất bại ở cuộc bầu cử địa phương này. Chính phủ liên minh buộc phải có thỏa hiệp để phục vụ mục tiêu tranh cử. Hơn nữa, đảng Xã hội Dân chủ của Thủ tướng cũng đang lủng củng trong nội bộ, trong đó có vấn đề liên quan đến viện trợ quân sự cho Ukraine. Nhân sự kiện, báo Le Monde có bài xã luận chạy tựa: "Quyết định không đúng lúc của Đức"

Báo Le Monde nhận định: Cuộc chiến tranh quy mô lớn trở lại lục địa Âu Châu đã làm xáo trộn tình hình địa chính trị và buộc các quốc gia Âu Châu phải tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng. Sẽ là tai họa nếu Đức, cường quốc kinh tế hàng đầu trong Liên Hiệp Âu Châu và là nhà cung cấp viện trợ lớn chỉ đứng sau Hoa Kỳ cho Ukraine, rút khỏi nỗ lực này với lý do là những cấp bách chính trị trong nước.
Tờ báo nhấn mạnh, đây chính là điều mà Tổng thống Nga Putin mong đợi từ đầu cuộc xâm lược Ukraine. Tức là các đồng minh Âu Châu của Kyiv thoái thác dần hậu thuẫn cho Ukraine vì khó khăn tài chánh, dư luận trong nước của họ mệt mỏi chán nản. Quyết định của Bá Linh càng không đúng lúc, khi mà Pháp cũng đang lâm vào khủng hoảng và Hoa Kỳ thì đang lo bầu cử Tổng thống.


Bangladesh Từ Yêu Sách Nhỏ Đến Cuộc Nổi Dậy Lớn

-Liên quan đến thời sự khu vực Á Châu, nhật báo Le Figaro trở lại với những biến động chính trị ở đất nước Nam Á, Bangladesh với bài: "Tại Bangladesh, cuộc cách mạng sinh viên đã lật đổ Sheikh Hasina thế nào".
Tờ báo cố gắng giải mã biến động chính trị mới đây ở đất nước nam Á, chỉ một nhóm nhỏ thanh niên đã biến các yêu sách chống lại một quyết định phân biệt đối xử có chọn lọc của chính phủ thành một cuộc nổi dậy toàn quốc và thành công với sự ủng hộ ngầm của quân đội.
Tất cả được bắt đầu tại khuôn viên trường Đại học ở Dhaka. Trong 5 tuần, sự bất mãn về một quyết định phân biệt đối xử của chính phủ, do một số sinh viên phát động đã dâng lên mạnh mẽ trở thành một cuộc cách mạng lật đổ bà Thủ tướng Sheikh Hasina, một nhà độc tài 76 tuổi đã nắm quyền từ năm 2009, kiểm soát một Nhà nước cảnh sát và cỗ máy đàn áp khiến đối thủ của mình khiếp sợ bằng tra tấn và giết người.

Sự sụp đổ bất ngờ của Thủ tướng Bangladesh đã khiến các nhà quan sát trên khắp thế giới kinh ngạc. Ban đầu, số người biểu tình chỉ từ 30 đến 40 người, ít ngày sau, làn sóng phẫn nộ đã nhanh chóng lan rộng ra toàn quốc và những ngày đầu cũng đã có đàn áp thẳng tay của chính quyền và máu của người biểu tình đã đổ, khoảng 300 người đã thiệt mạng trong các cuộc đàn áp.
Cuối cùng, các chỉ huy cảnh sát và quân đội đã thức tỉnh, quyết định đến gặp bà Thủ tướng thông báo họ không ủng hộ và cho bà 45 phút để rời khỏi đất nước. Quá thời hạn trên, người biểu tình tràn vào dinh Tổng thống và người đàn bà thép của Bangladesh đã phải vội vàng lên trực thăng sang Ấn Độ lưu vong, không kịp có thời gian ghi âm thông báo từ chức.


Âu Châu Khẳng Định Quyết Tâm Tăng Thuế Thêm Tới 38% Với Xe Hơi Điện Nhập Trung Quốc


(Hình AFP - STR: Xe hơi điện của hãng Trung Quốc BYD tại cảng containeur ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 8/2/2024.)
-Hôm 20/8/2024, Ủy Ban Âu Châu khẳng định quyết tâm duy trì dự án tăng thuế thêm, tối đa là 38%, với xe hơi điện nhập từ Trung Quốc, để bảo vệ thị trường nội địa. Hôm 21/8, Bắc Kinh thông báo điều tra về một số sản phẩm sữa của Âu Châu để trả đũa.
Ngày 4/7/2024, Ủy Ban Âu Châu thông báo sẽ tăng thêm thuế, có thể lên tới 38% đối với xe hơi điện Trung Quốc (bổ sung vào mức thuế hiện nay là 10%), bị cáo buộc nhận được các trợ giá trực tiếp hay gián tiếp. Quyết định chính thức sẽ được đưa ra vào cuối tháng 10/2024, và có hiệu lực trong 5 năm. Kể từ khi thông báo được đưa ra cho đến khi quyết định có hiệu lực, Ủy Ban Âu Châu tiếp tục tiến hành các điều tra về trợ giá, vốn đã được khởi sự từ tháng 10/2023 và điều chỉnh việc áp thuế mới dựa trên mức độ trợ giá và thái độ hợp tác của các công ty sản xuất xe hơi điện tại Trung Quốc.
Với các công ty bất hợp tác, thuế có thể bị tăng thêm 36,3% ngay từ bây giờ. Mác MG4 của nhà sản xuất SAIC, loại xe bán chạy nhất ở Âu Châu, sẽ bị tăng thuế tối đa. Xe Tesla của công ty Mỹ, sản xuất tại Trung Quốc, sẽ bị tăng ít thuế nhất, thêm 9%. Lý do là Tesla được tài trợ rất ít và hợp tác với cuộc điều tra của Âu Châu. BYD và Geely bị đánh thuế thêm 17% và 19,3%.

Theo chuyên gia Elvire Fabry, viện Jacques Delors, phụ trách nhóm công tác về quan hệ Liên Hiệp Âu Châu-Trung Quốc, việc tăng thuế khác biệt tùy theo mức độ hợp tác nói trên là "một tín hiệu chính trị" của Ủy Ban Âu Châu, cho thấy Âu Châu đang nỗ lực để "điều chỉnh tình trạng cạnh tranh bất chính để bảo vệ thị trường nội địa Âu Châu, nhưng cũng không đóng sập mọi cánh cửa" với Trung Quốc.
Ngành xe hơi Âu Châu, với 14,6 triệu nhân công đang đứng trước cuộc cạnh tranh sống còn với Trung Quốc. Xe hơi điện Trung Quốc giá rẻ đang ngày càng tràn ngập thị trường Âu Châu, chiếm 22% so với 3% cách nay 3 năm. Theo một giới chức Âu Châu, được thông tấn xã AFP dẫn lời, phần căn bản của trợ giá từ phía Bắc Kinh là giúp các hãng xe đưa ra được bình điện (ắc quy) giá rẻ hơn.
Hiện tại, dự án tăng thuế của Ủy Ban Âu Châu vẫn tiếp tục gây chia rẽ trong nội bộ khối. Nếu như Pháp và Tây Ban Nha ủng hộ mạnh, thì Đức, Hung Gia Lợi và Thụy Điển vận động chống, vì lo sợ các trả đũa của Trung Quốc. Tại Trung Quốc, các tập đoàn xe hơi Đức, như Audi, BMW, Mercedes và Volkswagen thu được 40% trên tổng số doanh thu toàn cầu.
Kể từ khi Ủy Ban Âu Châu chính thức thông báo dự án tăng thuế, phòng Thương mại Trung Quốc ở Liên Hiệp Âu Châu đã lên án "chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch" trá hình, và đe dọa các hệ quả "tiêu cực". Hôm nay, Bắc Kinh thông báo điều tra về một số sản phẩm sữa của Âu Châu, như một số loại pho mát, kể từ ngày 21/8/2024, do hoạt động bị cáo buộc là cạnh tranh "bất chính".


Tại Hội Nghị Hoa Kiều Thế Giới, Bắc Kinh Hối Thúc Đài Loan Đi Theo "Mô Hình Hồng Kông"



(Ảnh AP - Chan Long Hei, minh họa) - Người Hồng Kông ủng hộ Bắc Kinh vẫy cờ Trung Quốc nhân lễ kỷ niệm 27 năm Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Quốc, ngày 1/7/2024.)
-Bắc Kinh tổ chức Hội nghị thế giới thường niên các cộng đồng Hoa kiều (Overseas Chinese World Conference) ở Hồng Kông hôm 20/8/2024. Theo báo chí Hồng Kông, tại hội nghị này, ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc Thạch Thái Phong (Shi Taifeng), đứng đầu Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương Đảng, lên án Đài Bắc cổ vũ cho độc lập, "liều lĩnh thổi bùng không khí thù địch" giữa hai bờ eo biển, đồng thời kêu gọi tái thống nhất với Đài Loan theo "mô hình Hồng Kông".
Kể từ năm 2000, hàng năm Hội nghị thế giới của các cộng đồng người Hoa hải ngoại, cổ vũ cho việc thống nhất hòa bình, được tổ chức tại một thành phố trên thế giới. Theo Tân Hoa Xã, đây là lần thứ hai Hội nghị được tổ chức tại Hồng Kông. Lần trước là vào năm 2010. Thông tín viên Cléa Broadhurst của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ Bắc Kinh:
"Ông Thạch Thái Phong tuyên bố: "Chúng ta phải chìa tay, và tận dụng triệt để các lợi thế độc nhất vô nhị của Hồng Kông, Macao và của các cộng đồng người Hoa ở hải ngoại để nối kết trở lại hai bờ eo biển Đài Loan". Lập luận nói trên không có gì mới. Với việc khẳng định Hồng Kông là một mô hình thành công, Trung Quốc muốn áp đặt một quan điểm, và thuyết phục người dân trong nước cũng như thế giới: Đi theo con đường của Hồng Kông là điều tốt nhất cho Đài Loan.

Từ nhiều tháng nay, căng thẳng ngày một trầm trọng hơn giữa hai bờ eo biển. Cộng đồng quốc tế theo dõi sát tình hình Đài Loan và không quên tầm quan trọng chiến lược của hòn đảo, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung.
Thông điệp nói trên của viên chức Trung Quốc nhắc lại với Đài Loan, Hoa Kỳ và các đồng minh rằng Trung Quốc tiếp tục chủ trương tái thống nhất với Đài Loan, theo các điều kiện của Bắc Kinh, điều có nguy cơ làm gia tăng các căng thẳng khu vực.
Đối với Bắc Kinh, đây không chỉ là vấn đề Đài Loan, mà còn là thái độ cương quyết của Trung Quốc đối với các đối tác trong nước và quốc tế. Việc dẫn ra Hồng Kông trong liên hệ với Đài Loan được dùng như một cảnh báo, cho thấy Bắc Kinh xem xét nghiêm túc mục tiêu tái thống nhất".
Tại Đài Loan hôm 21/8/2024, cũng diễn ra một hội nghị quốc tế thường niên, mang tên Diễn đàn Kategalan Đối thoại An ninh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương (Ketagalan Forum – Indo-Pacific Security Dialogue). Nhiều lãnh đạo chính trị và khoa học gia của hơn 10 quốc gia tham dự Diễn đàn năm nay.
Tại Diễn đàn, Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Chingte) khẳng định nỗ lực áp đặt chế độ độc tài của Trung Quốc "sẽ không dừng ở Đài Loan". Tổng thống Đài Loan kêu gọi các xã hội dân chủ đoàn kết chống lại chế độ độc tài Trung Quốc đang trên đường "bành trướng".


Trung Quốc Nói 'Rất Quan Ngại' Về Báo Cáo Chiến Lược Nguyên tử của Hoa Kỳ


(Hình AFP: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh.)
-Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 21/8/2024 nói rằng Trung Quốc rất quan ngại về một báo cáo cho biết Hoa Kỳ đã phê duyệt một kế hoạch chiến lược nguyên tử tập trung vào việc Trung Quốc mở rộng nhanh chóng kho vũ khí nguyên tử của mình.
"Hoa Kỳ đang rao bán câu chuyện về mối đe dọa nguyên tử của Trung Quốc, tìm lý do để tìm kiếm lợi thế chiến lược", một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Theo một bài viết của tờ New York Times, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã phê duyệt một kế hoạch chiến lược nguyên tử mật vào tháng 3, tập trung vào kho vũ khí đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, nhưng cũng tìm cách chuẩn bị cho Hoa Kỳ đối phó với những thách thức nguyên tử có thể được phối hợp từ Trung Quốc, Nga và Bắc Hàn.
"Trung Quốc thực sự quan ngại về báo cáo liên quan và các sự kiện đã chứng minh đầy đủ rằng Hoa Kỳ liên tục khuấy động cái gọi là lý thuyết đe dọa nguyên tử của Trung Quốc trong những năm gần đây", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói tại một cuộc họp báo thường kỳ.

Tòa Bạch Ốc hôm 20/8 nói rằng kế hoạch chiến lược nguyên tử mật mà ông Biden phê duyệt trong năm nay không phải là phản ứng đối với một quốc gia hay một mối đe dọa nào.
Hoa Kỳ đã liên tục chỉ ra việc mở rộng và phát triển vũ khí nguyên tử của Trung Quốc. Một báo cáo thường niên của Ngũ Giác Đài vào tháng 10 năm 2023 cho biết Trung Quốc có hơn 500 đầu đạn nguyên tử đang hoạt động trong kho vũ khí của mình và có thể sẽ có hơn 1.000 đầu đạn vào năm 2030.


Giới Lập Pháp Mỹ Chất Vấn Về Các Cuộc Thử Nghiệm Lâm Sàng của Mỹ Tại Trung Quốc


(Hình AP: Dân biểu Cộng hòa John Moolenaar,, Chủ tịch Ủy ban phụ trách về Trung Quốc ở Hạ viện Mỹ nói các công ty dược phẩm Mỹ hợp tác với các bệnh viện quân đội Trung Quốc để tiến hành hàng trăm cuộc thử nghiệm lâm sàng trong thập niên qua.)
-Một nhóm các nhà Lập pháp lưỡng đảng kêu gọi chính quyền Biden tăng cường giám sát các thử nghiệm lâm sàng của Hoa Kỳ được tiến hành tại Trung Quốc, viện dẫn nguy cơ ăn cắp sở hữu trí tuệ và khả năng người Uyghur bị ép buộc 'làm chuột bạch thí nghiệm'.
Dân biểu John Moolenaar, đảng viên Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban phụ trách về Trung Quốc ở Hạ viện Mỹ, và Dân biểu Raja Krishnamoorthi, đảng viên Dân chủ cấp cao cho biết các công ty dược phẩm Hoa Kỳ đã hợp tác với các bệnh viện do quân đội Trung Quốc điều hành để tiến hành hàng trăm cuộc thử nghiệm lâm sàng trong thập niên qua, bao gồm cả ở Tân Cương, nơi sinh sống của nhóm thiểu số người Uyghur.

Tòa Ðại sứ Trung Quốc và Cục Quản lý Dược phẩm Thực phẩm Liên bang Hoa Kỳ (FDA) chưa trả lời các yêu cầu bình luận.
"Do lịch sử đàn áp và phân biệt đối xử về mặt y tế đối với các nhóm dân tộc thiểu số ở khu vực này, nên có những lo ngại đáng kể về mặt đạo đức xung quanh việc tiến hành các thử nghiệm lâm sàng tại (Tân Cương)", ông Moolenaar và ông Krishnamoorthi viết trong một lá thư ngày 19 tháng 8 gửi cho ông Robert Califf, người giám sát FDA.
Bắc Kinh phủ nhận mọi cáo buộc ngược đãi người Uyghur.
Lá thư, cũng có chữ ký của đảng viên Dân chủ Anna Eshoo và đảng viên Cộng hòa Neal Dunn, viết tiếp: "Những hoạt động nghiên cứu hợp tác này làm dấy lên mối lo ngại nghiêm trọng rằng quyền sở hữu trí tuệ quan trọng có nguy cơ bị chuyển giao cho (Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) hoặc bị mua chuộc theo Luật An ninh Quốc gia của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa".

Lá thư là dấu hiệu cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng về vai trò của Trung Quốc trong ngành kỹ thuật sinh học. Vào tháng 4, ông Krishnamoorthi và người tiền nhiệm của ông Moolenaar, tức Dân biểu Michael Gallagher thuộc đảng Cộng hòa, đã kêu gọi chính quyền Biden đưa thêm bảy công ty kỹ thuật sinh học của Trung Quốc vào danh sách do Bộ Quốc phòng lập ra để nêu bật các công ty mà họ cho là đang hợp tác với quân đội Bắc Kinh.
Các nhà Lập pháp cũng đang xem xét ban hành luật để hạn chế hoạt động kinh doanh của Hoa Kỳ với một số công ty kỹ thuật sinh học Trung Quốc bao gồm WuXi AppTec và BGI.
Lá thư của nhóm các nhà Lập pháp vừa kể yêu cầu FDA trước ngày 1 tháng 10 phải trả lời một loạt câu hỏi về các cuộc thử nghiệm lâm sàng tại Trung Quốc.


Thái Lan Phát Giác Du Khách Mắc Bệnh Đậu Mùa Khỉ, Nghi Nhiễm Biến Chủng Nguy Hiểm Clade 1b


(Ảnh REUTERS - Dado Ruvic, tư liệu: Các mẫu xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ, ngày 23/5/2022.)
-Hôm 21/8/2024, Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan cho biết đã ghi nhận một trường hợp mắc Đậu mùa khỉ (Mpox) tại nước này. Các cơ quan chức năng nghi ngờ rằng đây là biến chủng Clade 1b gây chết người, loại biến chủng đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.
Trả lời thông tấn xã AFP, ông Thongchai Keeratihattayakorn, Giám đốc Cục Kiểm soát Dịch bệnh của Thái Lan, cho biết bệnh nhân là một người Âu Châu 66 tuổi, nhập cảnh vào Thái Lan hôm 14/8, nhưng trước đó đã đến Phi Châu. Du khách này được cách ly tại bệnh viện và đang được xét nghiệm để xác nhận biến chủng. Dù chưa có kết quả cuối cùng từ phòng thí nghiệm, nhưng Cục Kiểm soát Dịch bệnh nghi đây là biến chủng Clade 1 và đang giám sát 42 người đã tiếp xúc với bệnh nhân.

Theo WHO, biến chủng Clade 1 là nguyên nhân gây ra đợt dịch hiện nay ở Phi Châu, với tỷ lệ tử vong là 3,6% và đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em. Cộng hòa Dân Chủ Congo đã ghi nhận ít nhất 16.000 ca nhiễm bệnh Đậu mùa khỉ, trong đó có 548 ca tử vong. Tại Burundi, số bệnh nhân nhiễm mới đã tăng hơn gấp đôi trong vòng một tuần, lên tới 572 ca. Còn tại Á Châu, Pakistan và Phi Luật Tân cũng bắt đầu ghi nhận trường hợp mắc bệnh Đậu mùa khỉ vào tuần trước. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Y tế Phi Luật Tân Teodoro Herbosa, bệnh nhân tại nước này nhiễm biến chủng Clade 2, được coi là ít nguy hiểm hơn và người này "chưa đi ra ngoại quốc".
Tại Pháp, dù chưa có trường hợp mắc Mpox nào được ghi nhận, nhưng Thủ tướng Gabriel Attal thông báo, 232 địa điểm chích ngừa bệnh Đậu mùa khỉ trên toàn quốc đã bắt đầu mở cửa. Đồng thời, ông cho biết Paris "sẽ tặng 100.000 liều vac-xin để chống lại sự lây lan của dịch bệnh. Vac-xin sẽ được phân phối qua Liên Hiệp Âu Châu đến các khu vực virus đang hoành hành".


Không có nhận xét nào: