Trung tâm lọc máu, nơi tôi đến “làm việc”, khá qui mô, gồm nhiều nhân viên: văn phòng, tiếp tân, kỹ thuật, lao công dọn dẹp vệ sinh, bác sĩ, trợ lý, y tá.. Riêng đội ngũ y tá gồm 6 người, trong số này có 2 người cho tôi nhiều ấn tượng nhất: Một anh Mỹ đen cao to như con gấu, chí ít cũng 250 ký, khó đăm đăm, ít khi cười, phát ngôn cộc cằn. Nói chung, thoạt nhìn tôi không ưa nổi, và sợ, tay này lụi kim (mỗi lần 2 mũi, kim to như cây tăm xỉa răng, cách nhau khoảng 2cm, một mũi hút máu ra đưa vào máy lọc chất dơ rồi trả lại cơ thể qua mũi thứ hai, cứ thế luân lưu hơn 3 tiếng), tôi nghĩ, chắc đau xón đái.
Một con bé người Phi dong dỏng cao, xinh gái, lễ phép, vui vẻ, dịu dàng. Các y tá luân phiên, chừng 10 ngày vòng xoay lại đến. Ban đầu tôi rất mong con bé sẽ lo cho mình, ngược lại, nơm nớp sợ tên Mỹ đen “tra tấn”.
Nhưng sự đời nhiều cái thực không thể ngờ. Con bé dễ thương như thiên thần lại vụng về đến... kinh hoàng.
Nó thường lụi kim trật lất, năm lần bảy lượt mới trúng mạch máu, cứ như tay chơi thứ thiệt, thọc trên nạy dưới đâm ngang xỏ dọc. Đau tắt thở!!! Ngược lại, “con gấu” trông bặm trợn lại tuyệt vời, lụi kim chính xác và êm ái nhẹ hơn kiến cắn, thậm chí có lúc tưởng như không. Từ lúc ấy tình cảm tôi xoay 180 độ. Trông chờ đến phiên tên da đen bao nhiêu thì sợ gặp thiên thần bấy nhiêu.
Từ chuyện lọc máu, nhỏ, chợt nhớ chuyện xưa, lớn hơn. Hai chuyện tình tiết khác nhau nhưng có cùng mẫu số chung: đau! Một đằng đau thể xác, đằng kia đau tinh thần. Nỗi đau thể xác qua nhanh (nhiều năm qua, cách ngày, hàng ngàn mũi kim đã lụi vào mạch máu, nhưng chỉ đau vài giây rồi thôi). Nỗi đau tinh thần khó xóa. Tuy thời gian có làm nhạt bớt, vậy mà thỉnh thoảng hồi nhớ vẫn nghe nhoi nhói, cảm giác nhoi nhói này chắc chắn sẽ bám theo cho đến ngày xuống lỗ.
Thuở trên dưới 20 tôi sống khá luông tuồng. Rượu, cà phê, thuốc lá, gái trai nhăng nhít. Rượu? Ngày nào cũng uống, một mình có thể nốc nửa lít rượu trắng Bà Điểm (nổi tiếng nặng đô, hơn cả Vodka của Nga). Các thứ khác của Tây, Tàu, Nhật như HennessyVS Cognac, Johnnie Walker, Mai Quế lộ, Sakê...tôi thừa sức nốc hết ly này sang ly khác, càng uống càng hưng phấn! Còn bia? Khác chi nước lã, chỉ để giải khát, và để xúc miệng cho thơm râu! Cà phê? Ngày 4 cữ, sáng trưa chiều tối, chưa kể cà kê dê ngỗng với bạn bè ở các quán đèn mờ, nhạc nhiếc khuất chìm lướt thướt êm ru kiểu Hầm Gió, Mù U... và chỉ sính đen đậm, đắng như sái thuốc phiện.Thuốc lá? Ngày 2 bao Bastos xanh. Mọi thứ khác như Ruby, Captan, Camel... nhẹ quá, rít bao nhiêu điếu mới đã? Thứ có đầu lọc, mùi bạc hà the the đỏm dáng càng chả ra chi, chỉ dành cho bọn công tử học đòi ăn chơi hoặc nhi nữ con nhà... rách! Hoặc nữa, các em cave trong vòng ôm mấy tên GI mắt xanh mũi lõ ở các Night Club xập xình nhạc Disco. Và gái? Tôi không đẹp giai, mắt một mí, răng cải mả vô trật tự, trán hói lơ thơ vài sợi tóc, ốm nhách, đi đứng hấp ta hấp tấp như bị ma rượt (theo mấy ngài thầy bói: số bần hàn cơ cực, không vác thuê gánh mướn cũng xích lô ba gác đổ mồ hôi sôi nước mắt chưa chắc rau mắm đủ no), lại xuất thân hạ lưu, cha mẹ lao động chân tay, quanh năm dầm mưa dãi nắng nên da dẻ đen đúa sần sùi. Đương nhiên tôi thừa hưởng tố chất di truyền, cũng đen nhẻm.
Tuy ngoại hình rất ư phản mỹ thuật là thế tôi vẫn được tiếng đắt đào. Người sính tử vi bảo tôi có sao đào hoa chiếu mệnh. Riêng tôi hiểu, chả tướng với số gì, chỉ là tôi đủ khôn để biết, muốn đạt mục đích, điều kiện ắt có và đủ là nói năng tán tỉnh hoặc giả vờ lắp bắp đúng điệu nhát gái, hoặc mồm miệng bôi mỡ trơn tru, dẻo ngọt như kẹo mạch nha, cộng thêm ngón võ lì, dai hơn giẻ rách! Ban đầu các nàng đỏng đảnh trề môi: không có cửa mô! Nhưng tôi vẫn kiên trì bám trụ tới hơi thở cuối cùng. Riết, các nàng động lòng trắc ẩn (phái nữ vốn nhẹ thể)! để rồi một ngày tay đây em hãy tựa đầu, cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.
Vì đắt đào nên tôi hơi chảnh! Chỉ giăng câu thả lưới các nàng mày ngài mắt phượng, vóc dáng cao ráo, đầy đủ lễ bộ tựa các hoa hậu chân dài (nếu có thua cũng chỉ chút đỉnh không đáng kể). Nói chung, đó là những nhan sắc trên trung bình. Nàng nào ngoại hình thường thường bậc trung, tôi chê!
Năm 18 tuổi tôi được cùng lúc 2 nàng để mắt xanh. Một nàng đúng chỉ số tôi đề ra. Cuộc tình mặn nồng với đầy đủ cung bậc. Bỗng một ngày nàng biến mất. Nửa tháng sau tôi mới hay nàng đã xuất giá tòng phu. Tôi đau, mất ăn mất ngủ nhiều tháng! Năm kế thi rớt tú tài, tôi vào lính. Sau 4 tháng quân trường tôi về đơn vị tác chiến với cái cánh gà bên vai. Thường, sau vài tháng hành quân đơn vị về hậu cứ nghỉ dưỡng. Thời gian này bọn lính lác chúng tôi mỗi sáng nếu không đi “rỏn” quanh vòng đai thành phố giữ an ninh cho thiên hạ an hưởng thái bình thì phải tạp dịch, lợp lại mái tôn, sơn quét doanh trại,rửa cầu tiêu, nhổ cỏ ngoài vận động trường.. Một hôm tôi cùng 8 thuộc hạ do tôi làm tiểu đội trưởng đang hì hục vét lại giao thông hào dọc lối đi dẫn ra cổng, chợt tai nghe tiếng thắng rít nhẹ cùng tiếng động cơ nổ êm. Ngẩng lên, và do phản xạ, tôi thẳng người, đưa cao tay chào đúng lễ nghi quân cách. Trên xe, băng sau, thiếu tá tiểu đoàn trưởng ngồi vắt chân chữ ngũ, ung dung, trên môi ngậm ống vố, mùi khói hap in hap thơm lừng:
- Làm tốt nhé, mai tôi cho nghỉ một ngày, mặc sức ăn nhậu.
Bà vợ ngồi bên giục:
- Đi thôi, không khéo tới trễ, tiệc tùng toàn tai to mặt lớn, mình tới trễ coi hổng được.
Mải lo chào kính tôi không để ý phu nhân sếp, đến khi nghe giọng quen, tôi giật mình nhìn kỹ. Nàng, người tình thứ nhất của tôi, son môi bóng nhẫy, áo sơ mi trắng, vét tông khoác ngoài, khăn lông quàng cổ, tóc vấn cao, đôi bông tai lấp lánh hai hạt kim cương. Nàng chồm người soi lại dung nhan trong kính chiếu hậu, không thèm nhìn bọn lính chúng tôi!
Ôi, nàng đó sao? Con họa mi có đôi cánh xanh mùa đông (trời lạnh, nàng thường mặc áo len xanh) từng thề non hẹn biển, từng trong vòng tay tôi, mắt long lanh ướt, nhõng nhẽo: “Anh ơi, yêu em mãi nhé, đừng một dạ hai lòng, em tự tử cho anh ân hận suốt đời.”
Gã tài xế cho xe vọt nhanh theo lệnh thượng cấp. Tôi sững người nhìn theo, lảo đảo muốn ngã. Tên lính đứng cạnh đưa tay đỡ:
- Trung sĩ răng rứa, mặt tái xanh, trúng gió à?
Tôi cố trấn tĩnh:
- Không có chi, làm lẹ cho xong sớm, còn ra chợ sư đoàn mần vài xị.
Tôi đau hơn bị hoạn, tự nhủ, tối nay phải say một trận nghiêng trời lệch đất cho quên mối hận tình!
Nàng thứ hai con nhà giàu, đi học bằng xe hơi có tài xế đưa đón, phải tội nàng có một dung nhan đáng thở dài, vóc dáng phì nhiêu, cao khiêm nhường, cười hở lợi phản cảm. Nàng yêu tôi rất mực. Tôi ỡm ờ, bởi lẽ so với nàng thứ nhất, chẳng khác ví gà với công, yêu nỗi gì! Thời ấy phong trào chạy patin nở rộ, khắp thành phố sân patin mọc lên như nấm. Nhà nàng cũng kinh doanh một sân patin hiện đại rộng thênh thang. Thông thường khách thuê giày có bánh xe của chủ để lướt, riêng tôi, nàng mua tặng một đôi patin bảnh chọe làm của riêng. Khổ nỗi tôi mê người tình thứ nhất, con chim họa mi có đôi cánh xanh mùa đông đỏm dáng, nên vội vả chạy đến nhà nàng với đôi patin cáu cạnh, trộ:
- Anh tặng em.
- Cưng mua à?
Tôi vênh mặt:
- Phải, đời anh cho được anh cũng cho, sá gì đôi patin.
Nàng cảm động hôn tôi một cái rõ dài, môi mềm, thơm ngọt. Tôi ngất ngư, vượt qua ngay mặc cảm áy náy đã dùng quà của nàng thứ hai tặng lại người tình mặt hoa da phấn!
Ngày tôi vào lính, nàng thứ hai chăm chỉ viết năm ba chục lá thư than khóc tỉ tê, thề sẽ không yêu ai đến mãn kiếp. Tôi câm, vì chưa thể quên người tình thứ nhất. Về đơn vị một thời gian, tôi nghe tin nàng thứ hai lấy chồng theo lệnh song thân, nàng vốn dĩ con nhà lành, nào dám trái lòng phụ mẫu! Thế cũng xong.
Một hôm nghỉ phép tôi xuống phố,chạm mặt nàng trong quán kem, tay bế con chưa đầy tuổi, nàng lúng túng:
- Anh khỏe?
- Khỏe, còn em?
Nàng nhìn sâu vào mắt tôi, giọng trầm, rơm rớm:
- Khỏe, nhưng...
Ngập ngừng vài giây, nàng hạ giọng:
- Em không quên được anh.
******
Người xưa nói không sai: tốt gỗ hơn tốt nước sơn.
Cô bé người Phi dễ thương tựa thiên thần nhưng lụi kim vụng về, đau tắt thở, anh Mỹ đen mặt mày bặm trợn, nói năng cộc cằn, dáng thô kệch như con gấu, nhưng lụi kim chính xác, nhẹ nhàng, êm ru. Và một nàng nhan sắc chim sa cá lặn nhưng thay lòng đổi dạ khó lường, nàng kia dung nhan tựa tiếng thở dài nhưng thủy chung rất mực.
Sự đời lắm nỗi đa đoan, sai đúng khó phân!
Khánh Trường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét