Chỉ cách một con đèo mà năm năm rồi chưa trở lại Huế, lòng cứ rộn ràng khi nghĩ đến Huế xưa. Nhân tiện đôi bạn Ngọc Lân, Xuân Lý rủ, thật là trúng ý, hai cặp chúng tôi vội vã lên đường sau lễ Vu Lan. Đúng như Thanh Tịnh đã nói, “con đường này tôi đã đi lại lắm lần, nhưng lần này bỗng dưng thấy lạ.” (Tôi Đi Học) Tôi không là người Huế nên không thể nói là Huế của tôi. nhưng tôi với Huế lại có chút duyên trong đời. Do qua nhiều năm đại học trước 75, và ba mươi năm thuyết minh về lịch sử, văn hóa Huế cho khách du lịch quốc tế, Huế đã thấm đẫm trong tôi cả hồn đất lẫn tình người, vì vậy có thể nói là Huế của ta, ta có Huế tự hào.
Huế trong ta, một thời của núi Ngự, sông Hương cùng huyền thoại mang hoa về biển cả. Của lăng tẩm đền đài, u hoài theo trầm mặc tiếng chuông chùa. Của một Hoàng Thành sương rêu phủ khi công chúa đã ngủ quên trong Tử Cấm Thành.
Huế ở quanh ta với một thanh âm nhu mì trong giọng nói, một thời của những nữ sinh Đồng Khánh tan trường, mái tóc thề tà áo vờn bay.
Huế trong ta, Huế của một thời mà nhiều bạn bè khi ra trường đã cù được em Huế, rồi đưa đi khắp bốn phương trời. Riêng bản thân, chỉ có mỗi một chút tình cỏn con, không đủ duyên để làm nên phận :
“Như cánh bướm / Vờn hoa trong vườn nắng /
Ké chút hương thầm/ Rồi vội bay đi.
” Ra trường rồi, xin gởi lại Huế lời từ tạ :
“Nợ học khoa văn/ Tôi sẽ trả cho đời/
Nợ Huế, nợ em / Tôi vạn lần xin khất/
Vì cả hồn tôi / Đã cược hết cho người.”
(Thơ Trương Công Hải)
Đêm Huế, vầng trăng thu hạ tuần lên muộn, nhìn trăng đêm nay, chợt nhớ đến vầng trăng Vô Thường trong thơ Bồ Liễu Ngạn, một bài thơ hay, không thể không nói đến, xin ghi theo trí nhớ:
“Mai em về Tả Ngạn
Đò đưa rồi đò đưa
Em đi mô mà vội
Một linh hồn ướt mưa.
Trăng theo em về ngõ
Thổi một ngọn tóc đùa
Mái nhà cau lay gió
Hàng cau lay gió
Mà ai dẫm nát trăng xưa
Mà em đạp nát trăng xưa.
Ai xui rứa, hồn anh
Lên trên đỉnh núi Ngự Bình
Trên đỉnh núi Ngự này
Tưởng em là mây trắng
Ừ, thôi em là mây trắng
Hóa kiếp về đâu đây
Hoá kiếp về đâu đây?
Ai chờ ai bên ngõ
Trúc rẽ Thúy qua đường
Đêm từng đêm anh đợi
Phật dạy lời Vô Thường
Và tình anh như cũng
Cùng em nơi Vô Thường.
(Bồ Liễu Ngạn - Lời Vô Thường)
Tình yêu thuộc về bản năng.
Bước vào vườn yêu, điều khó nhất là lời tỏ tình, bởi nó là một lời tự thú trước bản năng.
Nhà thơ đã bước qua công đoạn nầy một cách nhẹ nhàng nhờ biết vận dụng một cách tài tình ngôn ngữ của thi ca: “Em đi mô mà vội / Một linh hồn ướt mưa.” Câu thơ rất hay, thổ lộ tình yêu tự nhiên, thấm sâu một ý Thiền.
Thực ra, trăng muôn đời vẫn là trăng, nhưng trăng được nhìn qua tâm trạng thì lại là một vầng trăng khác: “ Hôm nay có một nửa trăng thôi / Một nửa trăng kia ai cắn vỡ rồi.” (Hàn Mặc Tử)
Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử là vầng trăng của tận cùng đau khổ, còn trăng trong thơ Bồ Liễu Ngạn là vầng trăng của Tâm Đạo, là vầng trăng Vô Thường.
Bởi nhà thơ đã mang nhiều tâm trạng qua nhiều cơn biến động của lịch sử trên đất Thần Kinh. Nên cùng một vầng trăng mà ba lần ẩn dụ :
- Trăng của gã tình si là:
“Trăng theo em về ngõ
Thổi một ngọn tóc đùa”.
- Trăng của biến động thời cuộc là trăng: “Mà ai đạp nát trăng xưa.”
- Trăng của tình yêu chia cách là trăng “Mà em dẫm nát trăng xưa”.
Hình ảnh “mái nhà cau, hàng cau lay gió” đều là ẩn dụ về những biến cố, như ngày kinh đô thất thủ hay về Mậu Thân, để cho vầng trăng Huế khuyết, như một mảnh khăn tang phủ đất trời*, cũng như những ngày Huế cùng cả nước oằn mình thời tem phiếu.
Lẽ Vô Thường là giai đoạn quá độ của thời kỳ chuyển tiếp từ Sắc sang Không.
Sắc sắc, Không không trong Pháp Phật là bản chất của vật thể. Nên khi sắc, thì Huế vẫn còn là Huế, đến thời không, thì cả Huế, tình yêu và trăng, đều bị nhạt phai hồn.
Cái mất của Huế dưới cơn lốc của thời đại ngày nay là:
- Mất nét u hoài của đền đài lăng tẩm, bởi sự rộn ràng của đông đảo du khách.
- Mất thanh âm trầm mặc của tiếng chuông chùa bởi xu thế cúng dường.
- Mất những đàn bướm trắng khi Đồng Khánh tan trường, bởi đều học cùng chung nam nữ.
- Mất nét cổ kính của Hoàng Thành khi không còn rêu sương phủ, khi Công Chúa đã hoài thai ngoài Tử Cấm Thành.
Nói cách khác, Huế đã không còn giữ được cái hồn của Huế xưa, hồn của một vầng “sông trăng” trong hoài niệm:
“ Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay”.
Một vầng trăng bị dẫm đạp, một tình yêu giẫy chết, nhưng nhờ quán niệm được lẽ Vô Thường nên bi kịch trong bài thơ được nhẹ nhàng hóa giải:
“ Ai xui rứa
Hồn anh lên
Trên đỉnh núi Ngự Bình
Trên đỉnh núi Ngự này
Tưởng em là mây trắng
Ừ thôi em là mây trắng
Mà hóa kiếp về đâu đây
Hóa kiếp về đâu đây?
Đêm từng đêm anh đợi
Phật dạy lời Vô Thường
Và tình anh như cũng
Cùng em nơi Vô Thường.”
Đọc đoạn thơ trên, tôi cứ ngỡ như là mình đang tụng một bản Tình Kinh.
Nhà thơ Bùi Giáng khi nói về Huế, ông chỉ cà rỡn có hai câu: “ Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.”
Xin thưa, là không cà rỡn. Hai chữ “vẫn còn” có nghĩa là còn những thứ không thể nào mất như núi, như sông. Ngoài ra thì Huế đã mất cả phần hồn.
Hai câu thơ của Bùi Giáng là một lời ngẫu hứng đi ra từ tư duy, thông qua trực cảm của nhà thơ về việc mất và còn.
Chẳng lạ gì cụ Bùi Giáng, thơ của ông luôn ngẫu hứng bằng tư duy trực cảm, đùa mà thật cho nên thật như đùa.
Theo lẽ vô thường của vạn vật thì Huế, cả đất và người không thể không nằm trong hệ quy chiếu của một thời đại mới, thời đại @, và 4.0.
Cái tội của người viết là, đã lỡ thấm nhuần vẻ đẹp cũng như yêu mến tình đất, tình người Cố Đô với vầng sông trăng xưa cũ. Do đó, quan điểm bài viết chỉ dựa vào cảm thức cá nhân, dưới ánh nhìn chịu sự khúc xạ, qua một lăng kính Vô Thường của Đạo và Đời.
TRƯƠNG CÔNG HẢI
Mùa Vu Lan 2024.
*Chữ của Nguyễn phúc Sông Hương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét