Sư tử coi như chúa sơn lâm, mặc dù có người nói, cọp mới là vua. Giữa cọp và sư tử, sư tử vẫn có nhiều thứ trội hơn. Đã gọi là chúa sơn lâm thì phải khác hơn những thú khác trong rừng. Một chàng trai được ví như sư tử thì cũng hùng dũng oai vệ lắm chứ… Và bố tôi là một “Lion King”! Mẹ tôi là bà vợ thứ sáu của ông văn sĩ nổi tiếng, rất nổi tiếng. Tất cả sách đều thuộc loại best-sellers, còn khi ổng nhận lời diễn thuyết ở một nơi nào đó, thì thù lao toàn 6 số. Nhưng mẹ tôi không phải lấy bố tôi vì tiền. Mẹ kiếm tiền chẳng thua gì bố, thế mà vẫn lấy ông già gấp đôi tuổi mình, lại là bà vợ thứ sáu, đúng là “cưỡi trên lưng cọp”! Người đời nói “trai tài gái sắc”, mến nhau vì tài, mê nhau vì sắc.
<!>
Mẹ thuộc loại sắc nước hương trời, người mẫu mà, nhưng so với tài của bố thì có phần thua.
Dù là vợ thứ sáu, lúc bố đã 56 tuổi, nhưng mẹ vẫn có một đám cưới linh đình, trang phục lộng lẫy khiến nhiều người ganh tị.
Sự nổi tiếng lịch lãm của chú rể, đã làm lu mờ khoảng cách tuổi tác.
Mọi chuyện rất êm ái trôi qua như chuyện thần tiên. Tôi là đứa cuối cùng nâng tổng số con lên 9 đứa: con anh, con em và con chúng ta.
Mẹ bảo rằng khi tôi chập chững đi, bố bắt đầu vắng nhà thường xuyên, toàn những chuyến xuyên bang, với lý do chính đáng. Hết đại học này tới đại học khác, mời bố diễn thuyết với thù lao hậu hĩ.
Mẹ không thể ngăn cản, khi bố van nài:
– Hãy vì tương lai của bọn trẻ: 8 đứa lớn toàn học trường tư nổi tiếng, tiền bà vú cho thằng Út, và khoản cấp dưỡng cho những bà vợ trước.
Lý do rất chính đáng để bố đi xa.
Bây giờ thì mẹ hiểu, tại sao bố gọi mẹ là “con cừu bé bỏng”. Không những bố viết truyện, mà “dựng kịch” cũng thật lão luyện.
Sau đám cưới linh đình là những chuyến du lịch “lãng mạn”. Mẹ tháp tùng bố, kết hợp công việc và du ngoạn, đó là thời gian tuyệt vời.
Dù là người mẫu có tiếng, nhưng đến đâu, số người ái mộ vẻ đẹp của mẹ, cũng chẳng thấm gì với số fan cuồng của bố. Chỉ nội sân chơi bóng rổ đầy nghẹt người, được dùng làm nơi diễn thuyết, cũng đủ biết “miệng lưỡi” bố như thế nào.
Sau một thời gian mẹ không thể đi theo bố mãi được. Vả lại thời gian nồng cháy cũng đã nguội dần. Bây giờ là lúc sống cho bổn phận, mẹ còn biết bao nhiêu chuyện phải lo ở nhà. Vì bị mấy tay săn hình tài tử quấy rầy, nên mẹ để bố đi một mình.
Nhìn mẹ bằng ánh mắt rất chân thành, bố đã trấn an bằng lời hứa:
– Hãy tin nhau.
Ánh mắt đó là khoảnh khắc đã làm mẹ “khó xử” sau này. Mẹ bảo, lúc đó mẹ cũng nhìn thẳng vào đôi mắt bố, bằng ánh mắt tha thiết của người vợ hiền, không muốn cảnh “tan đàn xẻ nghé” thêm một lần nữa.
Bố hỏi có cần đặt tay lên cuốn Thánh kinh để xác định lời hứa không?
– Thôi khỏi.
Mẹ trả lời gọn lỏn, để rồi sau đó mây đen bắt đầu bao phủ bầu trời, báo hiệu sắp có giông tố.
Chuyến đi xa đầu tiên không có mẹ đi cùng, là cú điện thoại gọi về lúc 2 giờ sáng. Giật mình tưởng có chuyện chẳng lành, ai ngờ bố chỉ nhắc:
– Đừng gọi anh nhé!
Bố không muốn mẹ quấy rầy, vì tình cờ gặp lại các bạn cũ thời trung học, mọi người đang quây quần bên nhau, hào hứng chuyện trò, cười đùa như thuở vừa mới lớn.
Trái với giọng nói vô cùng kích động ở đầu dây bên kia, người nghe thắc mắc: gọi lúc 2 giờ khuya, chỉ vì lý do đơn giản vậy sao?
Đàn ông nông nổi, có lẽ vì quá phấn kích nên sơ hở tiểu tiết. Chứ đàn bà rất nhạy bén, tinh tế (nghi ngờ, ít khi sai).
Nơi diễn thuyết có cùng múi giờ ở đây mà. Bố phân bua rất mơ hồ rằng hành lý vẫn để ở nơi đến. Nhưng có bạn lái xe đón qua tiểu bang bên cạnh, chênh nhau 3 tiếng, nên giờ này chưa tới nửa đêm, mọi người đang hàn huyên vui vẻ.
Mọi người hay chỉ có hai người?
Tạm tin là như thế.
Cho đến tháng sau, các hoá đơn credit card lần lượt bay về, không phải ở nơi diễn thuyết, mà toàn hoá đơn nhà hàng resort.
Khi mẹ gạn hỏi, bố trả lời loanh quanh, rồi thú nhận, đi chơi với bạn gái cũ. Chính cô là người lái xe qua đón bố, nhưng bố thề rằng chỉ đi ăn tối thôi, không có chuyện gì “mờ ám” đâu.
Mẹ chỉ nói bâng quơ:
– Tình xưa nghĩa cũ mà.
Bố giơ tay thề:
– Không bao giờ có lần thứ hai nữa đâu.
Mẹ đành im lặng, không muốn đi sâu vào chi tiết.
Thời ấy điện thoại cầm tay vẫn còn quy định số giờ dùng mỗi tháng, và hoá đơn tính tiền vẫn in ra đầy đủ các cuộc gọi, lúc nào, đến đâu, cho ai.
Mẹ đưa bố xem tất cả các tờ giấy, rồi bắt đầu chất vấn, moi móc từng chi tiết, đàn bà mà. Dĩ nhiên toàn những câu hỏi “phản cảm” vợ chồng. Bố thề sống thề chết, không có chuyện lên giường”!
Mẹ tin một lần, rồi hai lần, cho tới khi không còn có thể đếm số lần.
Cũng thật khó tìm ra lý do để giữ bố ở nhà. Danh tiếng và tiền bạc càng tăng theo số lần bố đi xa.
Không những thế đạo diễn còn mời bố góp mặt trong vài cuốn phim chuyển thể từ những cuốn sách của bố.
Bố càng đi, thì càm ràm cãi vã lặt vặt càng nhiều, đó là những trận cuồng phong làm mặt hồ gợn sóng.
Cho đến một ngày trước khi đi xa, bố dặn mẹ đến dọn dẹp căn phòng làm việc ở gần nhà.
Thỉnh thoảng mẹ cũng ghé qua, nhưng sau này quá bận rộn, mẹ không còn tới đó nữa.
Bố đưa chìa khóa cho mẹ, bình thản gọi taxi ra phi trường. Mẹ ghé vô cái studio của bố, nhìn quanh không thấy tấm hình nào của mẹ, vẫn trưng ở đó. Trong lúc dọn dẹp, sắp xếp gọn gàng mọi thứ ngổn ngang trong các ngăn tủ, mẹ tìm thấy rất nhiều hình khoả thân, với đủ dáng điệu gợi cảm, vô cùng gợi cảm. Chỉ cần liếc qua, máu nóng đã dồn lên mặt. Một khuôn mặt trong tất cả mọi tấm hình.
Giọt nước tràn ly.
Mẹ quay về nhà, viết một bức thư trên tờ giấy trắng. Viết tay, mẹ muốn cho bố biết đây là nét chữ của mẹ, là dấu hiệu rất quan trọng trong thời buổi email. Mẹ muốn giữ cho mình một bằng chứng xác thực.
Viết xong mẹ Fax ngay cho bố.
“Anh thân yêu, ánh mắt của anh khi nói hãy tin nhau, mang đầy vẻ chân thành, đã khiến em tin rằng chúng ta sẽ là bến đỗ cuối cùng của đời nhau.
Nhưng không phải, bến vẫn còn đây nhưng thuyền đã lênh đênh neo ở chốn nào”.
Không biết bố đang ở đâu, nhưng trong khoảng thời gian ngắn nhất, tôi không còn nhớ rõ. Một chiếc taxi ngừng ngay trước cửa, có bước chân cuống quýt lao vào cửa, bố chẳng ngại ngùng đánh thức cả nhà dậy giữa đêm khuya.
Mẹ vẫn ngồi bất động, không cần chất vấn, không cần bằng cớ. Khuôn mặt mẹ đanh lại, nỗi xót xa cay đắng dâng trào. Hai tay bưng mặt, mẹ nhất định không nhìn mặt người đàn ông phản bội.
Bố gào lên:
– Không bao giờ có thêm một lần ly dị nữa. Em là bến đỗ cuối cùng của cuộc đời anh. Người vợ hiền tận tuỵ chỉ biết hy sinh cho gia đình.
Không khí vô cùng căng thẳng, cho đến khi có tiếng gõ cửa.
Tôi là người mở cửa, một người đàn ông trung niên và một phụ nữ đẹp tuyệt trần bước vào.
Mẹ ngẩng lên ngơ ngác, đó chính là cô gái trong những bức hình gợi cảm để ở nơi bố làm việc.
Người đàn ông tự giới thiệu với mẹ, ông đang đạo diễn một bộ phim đình đám, mà bố được mời vào vai chính đóng với cô đào có thân hình nảy lửa đang đứng đây.
– Ổng thật là quá quắt.
Mẹ chỉ nói vắn tắt như vậy, khi được phỏng vấn trong festival phim nổi tiếng, trong đó có phim của bố.
Đó là lần cuối cùng bố đã “thử nghiệm”, dùng chính mình cho trò đùa “nguy hiểm”.
Mẹ vẫn dặn dò con gái:t
– Đừng đùa với lửa. Và phải thật “dũng cảm” khi chọn chúa sơn lâm làm chồng.
Mẹ là bến đỗ cuối cùng, mang cho bố những ngày hạnh phúc.
Bố nói lời cuối cùng với các con trước khi ra đi vĩnh viễn.
Lại Thị Mơ
Hiệu đính: Con sư tử già chính là Norman Mailer, nhà văn Mỹ nổi tiếng.“Loving a lion” đoản văn rút ra từ tác phẩm “A ticket to the Circus”, viết bởi người vợ cuối cùng của ông: Norris church Mailer.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét