Thập niên 60, Sài Gòn tràn ngập nhạc Pháp, nhạc Mỹ.. Bạn của bố mạnh ai nấy sắm một cái tên tây tên u giống như thần tượng âm nhạc của mình, Johnny Dũng, Sylvie Hồng... nghe kêu lắm. Bố đúng đắn hơn họ, không thèm lấy biệt danh như các bạn, nhất định giữ tên cúng cơm của ông bà đặt, Hoàng Gia, kiêu sa hoàng phái vô cùng. Tuy nhiên bố là người ham vui, yêu đời, yêu nhạc, chuộng gái xinh, nên bố cũng hòa nhập vào giới trẻ khoái nhạc ngoại thời đó, tiện thể bố để tóc dài chấm ót cho giống thần tượng Sir Mc Cartney. Tóc vừa dài đến gáy bố đã bị thộp gáy đi lính sau tết Mậu Thân, mái tóc yéyé của bố bị cái “tông đơ” của quân trường thẳng tay tàn sát. Bố cười như mếu, tự an ủi, là trai thời loạn có hy sanh mái tóc vì đại nghĩa cũng nên.
<!>
Với bản tính hào hoa bố đăng lính Không Quân. Như rồng gặp mây bố nghĩ chuyến này tha hồ bay lượn, nhưng qua thời kỳ khổ luyện bố chợt hiểu, đã là lính thì binh chủng nào cũng đối mặt với địch,với thần chết, lã lướt ngoài chiến trường chỉ là chuyện phiếm thôi.
24 giờ phép, xả trại, bố bay về Sài Gòn, gom bạn bè đàn hát inh ỏi cả xóm, mặc cho bà nội cằn nhằn:
- Anh chỉ được cái nết ăn chơi.
Hết phép bố đeo ba lô, ôm bà nội thì thầm:
- Con thương má nhất đời, con đi đây, hẹn má kỳ phép tới.
Bà nhăn nhó:
- Tôi chả hẹn hò gì với anh, chỉ mong anh cưới vợ cho, cứ đàn hát kiểu này ai dám lấy anh.
Bố trêu bà:
- Nghệ sĩ như vậy con gái mới thích, má khéo lo, nhưng thân trai còn nợ nước má ơi, hẹn má khi thanh bình con sẽ đưa nàng dìa dinh.
Bà lắc đầu:
- Anh chỉ dẻo miệng, tôi có thấy cô nào đeo anh đâu mà đòi đưa với đón.
Tháng tư không hẹn cũng đến, bố cùng đồng đội vác ba lô lên rừng, đời trai thời loạn sau chiến tranh mơ ngày thanh bình nào ngờ lại vướng vào ngục tù tàn bạo, cửa tử chào đón đoàn quân bại trận.
Số bố lớn mạng nên sau 4 năm đi phá rừng, bị sốt rét nặng, bị cán Cộng chê, bố được thả về, bà nội hú vía và quyết định chuyến này cưới vợ cho bố.
Mẹ tôi là nạn nhân của mấy cụ chí cốt tri kỷ, cứ bạ bạn thân mà làm sui, dù hai đứa trẻ chưa hề yêu nhau.
Bà nội, bà ngoại nhai trầu bõm bẽm, tính chuyện cho đôi trẻ, thôi thì thời khoai độn bobo, không nên thách nhau mấy trăm hộp bánh LU như chủ tiệm vàng bên hông chợ Sàigòn thuở trước. Nhưng mâm quả phải đầy đủ, giờ rước dâu nhờ thầy bấm quẻ, phong tục tập quán không thể bỏ qua.
Bố nghe hai bà bàn chuyện đại sự mà hết hồn, thời buổi “vô thần, cờ đỏ, khát máu” này mà bày vẽ không khéo lại bị vu cho cái tội “tiểu tư sản” thì nguy.
Tiễn bà sui tương lai ra cửa, bà nội phán:
- Anh liệu chỉnh tề qua nhà gái ăn cơm đấy.
Bố diễu bà:
- Mặc quần tây áo sơ mi là xong, có gì mà má quan trọng.
Bà cau mày:
- Ô hay anh này, cưới vợ là giao cuộc đời anh để người ta chăm nôm mà anh hờ hững đến thế à?
Tuy phải chìu ý bà nội, nhưng bố không thể làm ngơ trước dung nhan trên trung bình của mẹ, đúng là “phút đầu gặp em tinh tú quay cuồng” đến chóng mặt, dù bố đã từng lái máy bay lộn nhào tùm lum.
Cựu nữ sinh Gia Long, sinh viên trường Luật, cũng ngon lành như ai, lại giỏi bếp núc, công dung có đủ, “mười phân chỉ vẹn đến chín” thôi. Bố bảo “chấm điểm như thế để răn đe ngay từ đầu, Hoàng Gia này bảnh trai vui tính, nhưng không dễ dụ đâu”.
Dọa như rứa cũng thừa, mẹ thuộc loại con gái đời xưa, lấy chồng là ba hồn chín vía đặt để trong tay chàng, thiếp nguyện theo chàng suốt đời, ông hoàng của lòng mẹ tha hồ lộng hành.
Cái lộng đầu tiên của bố là tính gia trưởng, bố phán câu nào là chắc cú câu đó, y như lệnh vua truyền, bố nửa đùa nửa thật:
- Hồi trước anh hét ra lửa, bây giờ hết lửa còn chút khói, coi như anh tu rồi đó.
Mẹ cười cười:
- Tu kiểu anh, nhà thờ, chùa chiền cũng bái anh luôn, sân si một bụng một bồ ra đó.
Cái lộng thứ hai là bố độc quyền đặt tên con, tên ngắn gọn, không hoa hòe hoa sói lê thê nghe chả hiểu chi cả. Bố dị ứng với tên của dân nón cối dép râu, nghe ầm ĩ bom đạn nhưng lại rỗng tuếch, Xung Phong, Kiên Cường, Thắng Lợi, Quyết Tâm... tên kêu bao nhiêu đầu chứa ngô khoai bấy nhiêu.
Chỉ 2 cái oai nhỏ của bố thôi đủ che khuất bầu trời của mẹ rồi, và để đền bù thiệt hại, bố thả nổi nhà bếp cho mẹ toàn quyền sinh sát, nhất vợ rồi còn gì.
Bề ngoài hùng hổ như vậy, chứ bố có tính phổi bò, lúc giận la hét om sòm, qua cơn bực lại đùa cợt như trẻ con, cứ liền miệng:
- Em thấy chồng em bảnh chưa, chồng em tài chưa?
Mẹ có điệp khúc ngọt như mía lùi:
- Dạ, thưa, vâng, em biết em có phúc, tậu được anh chồng hoàn hảo tuyệt vời.
Bố hơi ngượng:
- Khen thật đấy chứ? hay nói mát nhau?
Mẹ ỡm ờ:
- Muốn hiểu sao cũng được, tùy người đối diện.
Mẹ mang bầu anh tôi, định đặt tên trong nhà là cu bobo, bố phản đối:
- Con của Hoàng Gia sao lại bần cùng như thế được, gọi nó là thằng Ni.
Mẹ trố mắt, bố giải thích:
- Không phải là Tăng Ni đâu nhé, Ni này là cách gọi tắt ca sĩ Nino Ferrer của Tây đó.
Tôi được bố tặng biệt danh “Na”, vì bố ái mộ ca sĩ Tây Nana Mouskouri (gốc Hy Lạp).
Mẹ tặc lưỡi:
- Chịu thua anh luôn, thời buổi khoai độn, ăn chưa no còn bị gọng kềm của cán ngố, vậy mà anh vẫn hám tên tây tên u, anh không ớn mấy lão ở phường bắt anh viết bản tự kiểm sao?
Bố tỉnh bơ:
- Em khéo lo, trong tù anh còn làm thơ tự kiểm được, viết văn xuôi nhầm nhò gì, mà mấy gã nón cối dốt đặc làm sao hiểu nỗi Ni, Na là cái gì.
May mà tên cúng cơm của anh em tôi thuần Việt, chứ cứ nhí nhố, Ni, Na vớ vẫn thế này coi như tiêu đời dưới chế độ ngu dân. Bạn tôi hỏi sao cả nhà gọi tôi là Na, mà không là Hiền, tôi đâu dám nói ý tưởng hoài niệm thời ăn chơi của bố, mà nói xạo, tại mẹ thèm ăn quả Na khi mang thai tôi.
Tên Ni của anh được mẹ phỏng dịch cho hợp thời loạn ly, theo lời mẹ dặn, anh tôi giải thích với các bạn, bố tao còn ở bên Ni trong khi các bạn đã qua Mỹ bên Nớ hết rồi.
Sau này gia đình tôi đi Mỹ theo chương trình HO, nên tên Ni, Na bố đặt vẫn còn được gọi đến bây giờ, và tôi không phải mỏi miệng giải thích siêu vẹo cái máu nghệ sĩ nửa mùa của bố với các bạn bên này.
Gốc lính dường như chưa bao giờ phai mờ trong lòng bố, nên khi đến đất Tự Do, trở về cuộc sống dân sự bố bối rối thế nào ấy, gần 40 tuổi bảo bố đi học là làm khó bố đó. Nhưng vì vợ con, bố học đại một khóa sữa chữa nhà, ngày cầm mảnh bằng trong tay, bố cười buồn:
- Cách mệnh đổi đời, mấy đứa dép râu, cán ngố lên làm quan, dân hào hoa như anh đành làm thợ.
Mẹ an ủi bố:
- Ai qua đây chả bắt đầu bằng hai bàn tay trắng, chỉ mong đời các con khá hơn thôi.
Nhắc đến chúng tôi, mắt bố sáng lên:
- Chắc chắn là Ni, Na của anh sẽ ngon lành rồi.
Bố mẹ lấy nhau không từ cú sét trời giáng, tính nết đối nghịch nhưng nhờ có bí kíp ông bà để lại nên mẹ nhẫn nhịn đi bên bố dù trời nắng hay mưa, đời buồn hay vui, xuất giá phải phục tòng cho hết kiếp.
Để bù đắp cho sự ngoan hiền của mẹ, bố hay đùa với anh em tôi:
- Mẹ các con đã ngoài 50 mà vẫn còn hấp dẫn, nói năng nhã nhặn, như rứa mới là vợ của Hoàng Gia.
Tôi bắt bí:
- Sao bố không nói với mẹ, con không lãnh nhiệm vụ chuyển tải tâm tình của bố đâu.
Bố véo tai tôi:
- Cảm ơn, ai nhờ mi học lại cho mẹ mi lên mặt, nói với các con cho hả dạ, ngu sao mà khai với nàng.
Anh tôi xỏ xiên:
- Bố hết ga lăng, hết hào hoa, hết “không quân bay bướm” hồi nào vậy?
Bố cười khoái chí:
- Các con khờ quá, khen cũng phải đúng lúc, bạ đâu khen đó là dân ba xạo, hiểu chưa?
Anh em tôi đồng thanh:
- Biết rồi nói mãi, bố ngon lành bảnh trai, bố là anh chồng lý tưởng, nhưng phải biết tiết kiệm lời khen, để thỉnh thoảng phun ra cho nàng rụng tim.
Bố gật gù:
- Các con giỏi lắm, vậy mới là con của bố, nhưng đâu phải vì thế mà bố quên nhiệm vụ phải khen mẹ các con suốt cuộc đời này.
Cái vụ “khen mẹ suốt cuộc đời này” suýt làm anh em tôi đứng tim.
Năm đó cô Thiên Hương, bồ cũ của bố từ bên Đức bay sang đây chơi 2 tuần, cô đã ly dị chồng và có 1 con. Quá khứ thời trai trẻ tóc dài chấm ót bỗng réo gọi, bố bèn đóng cửa hãng nghỉ hè giữa mùa Xuân.
Ông xếp công trường tay dính xi măng, tay cầm máy khoan chuyển sang dạo đàn vui chơi với đời, cả xóm inh ỏi tiếng đàn điện tử của bố.
Lúc bố lôi mẹ song ca bài “vũng lầy của chúng ta”, sẳn đà bố tâm sự:
- Hương hát hay đến hút hồn người nghe, anh đệm guitare suýt lạc điệu vì nàng đấy.
Mẹ nhăn mặt hỏi:
- Bây giờ thì anh lạc lòng?
Bố hiên ngang đáp:
- Chưa tái ngộ chưa biết, nếu anh có “cảm” cô ấy thì em phải chịu, cấm ghen làm mất mặt chồng, dù gì Hương cũng là người đến trước.
Ô hay, sao bố nỗi máu chúa tễ rừng xanh bất tử thế này, ở đây mấy chục năm mà bố vẫn chưa thuộc bài “lế đi phớt” sao?
Mẹ hậm hực tịnh khẩu mấy ngày liền, thế là chiến sự lấp ló ngoài cửa, cố nhân chưa tới mà bố mẹ đã giận nhau không nói nên lời, anh em tôi bị vạ lây, mẹ đi làm rồi ăn cơm tối ngoài phố,bố con tôi ăn mì gói trường kỳ.
Gần đến ngày giáp mặt người xưa, bố chộn rộn hào hứng bao nhiêu, mẹ buồn lo bấy nhiêu, mắt mẹ thâm quầng, ra vào như người mất hồn, anh em tôi buồn hiu.
Hôm bố ra phi trường đón cô Hương, bố gọi về ra lệnh: - Cả nhà chuẩn bị đi ăn tiệm, bố đang chở cô Hương, nửa tiếng nữa bố về.
Tôi bắt mẹ mặc đồ chiến đấu ra oai với cô Hương vì tôi tin mẹ tôi xinh hơn cô ấy, và bố sẽ hãnh diện vì mẹ, tuy chưa biết mặt cô Hương, nhưng tôi không thèm hỏi bố, cô tròn méo ra sao.
Đúng, tôi ghen thay mẹ, tôi giận bố thay mẹ, vì mẹ tôi hiền, cam phận đến tội nghiệp, ai đời vợ chính mà run khi phải đối diện với bồ cũ của chồng.
Xe bố vừa vào sân, tôi chạy ra cửa, thần tượng sụp đổ, cô Hương đã không xinh như mẹ mà còn nặng ký nữa, cô phải hơn mẹ đến 2 size quần áo, và chiều cao của cô hơi khiêm tốn, trông cô tếu tếu làm sao!
Về ngoại hình mẹ tôi thắng 1-0, còn phần ứng xử, hãy đợi đấy, nhưng tôi tin mẹ sẽ chiếm giữ trái tim bố.
Sau khi mang va li về phòng mình, cô Hương trở ra phòng khách với bộ đồ mới, cô phơi phới trong chiếc áo đầm hoa lá cành xứ Hawaii, chỉ thiếu cành hoa sứ cài tóc là cô biến thành dân hải đảo thứ thiệt.
Tính cô thật thà dễ mến, nói năng vụng về, tự tin quá trớn, dễ ngộ nhận, không cần lên võ đài mẹ tôi cũng thắng đậm 2-0.
Mấy lần đi mua sắm, cô Hương hơi ngại khi phải chọn quần áo khổ lớn hơn size của mẹ, tôi vờ khen:
- Cô trông khoẻ hơn mẹ cháu đến mấy số đo luôn, cũng tại mẹ kén ăn nên mới ròm như rứa.
Cô không trả lời chỉ cười mỉm, nụ cười bí hiểm không kém nàng Mona Lisa, chỉ có trời biết, nhưng theo thiển ý của tôi, đó là nụ cười buồn của người nặng cân hơn “vợ của chàng”.
2 tuần trôi qua nhanh, giọng hát điêu luyện của cô Hương làm tôi say nhạc, bố đệm cho cô Hương hát rất hay và có hồn lắm, gần giống cặp Lê Uyên của “Vũng lầy” thật, nên nếu bố bị hớp hồn trong tiếng nhạc cũng đúng.
Giờ chia tay đã đến, cả nhà tiễn cô ra cửa, mẹ vui như tết nắm tay cô Hương:
- Chúc Hương thượng lộ bình an, về đến nhà báo cho mình biết nhe.
Cô hơi bịn rịn:
- Cảm ơn Thảo đã chu đáo lo toan mọi việc cho Hương, lại còn có quà mang về nhà, năm sau hai người qua Đức chơi đi để Hương trả lễ.
Bố từ tốn:
- Thế nào tụi này cũng sang Đức, nhưng không hứa năm sau đâu.
Xe bố lăn bánh, mẹ thở phào:
- Bố mi lắm trò, ai ngờ đào cũ của bố tròn trịa thấy thương, vậy mà bố mi hết thương mới phí đời.
Tôi thắc mắc:
- Bố chê bồ cũ hồi nào?
Mẹ hí hửng:
- Hôm cô mặc áo đầm kiểu Hawaii đó và tính nết không còn đáng yêu như dạo nào, cô nàng làm bố vỡ mộng.
Anh tôi nói chắc như bắp:
- Dễ hiểu thôi, bố nhìn mẹ quen mắt, gặp người quá size hơn mẹ lại còn nhí nhố, bố nghẹn họng là đúng rồi.
Từ phi trường bố gọi về, giọng vui hơn ngày cô Hương đến:
- Cả nhà chuẩn bị đi ăn tiệm, nửa tiếng nữa bố về.
Tôi hỏi đố bố:
- Sao lại đi ăn tiệm, để tống tiễn người xưa hỉ, bố không nhớ, không tiếc cố nhân à?
Bố cười dòn tan:
- Biết rồi! Còn cạnh khóe bố mi, cô Hương làm sao bằng mẹ được.
Tôi chưa tha bố:
- Bữa trước ai “tuyên bố tuyên mẹ”, cấm mẹ hờn ghen, giờ lại “đổi tông” như chơi nhạc vậy?
Bố rên:
- Mi tha cho bố mi lái xe được không? Mi làm bố cắn rứt lắm rồi.
Tôi cúp điện thoại, mẹ la tôi:
- Mẹ không than phiền bố, mắc chi mà con hạch sách bố, cứ để bố lên mây đến chóng mặt rồi tự hạ thổ.
Tôi còn ấm ức:
- Ngàn năm một thuở, nhân vụ này mẹ phải lên mặt với bố chứ.
Mẹ tôi hiền như ma sơ:
- Ăn thua để được cái gì, cứ để bố tự thấy mình quấy có hay hơn không.
Vừa bước vào nhà, bố hối thúc:
- Cả nhà xong chưa? Mình đi thôi.
Anh tôi khều bố:
- Nhất bố rồi nhe, gặp lại người xưa bố mới thấy vợ mình ăn đứt “vợ người” đấy.
Bố gãi đầu:
- Bố mi có máu phong lưu, công tử, tuy chưa biết Bạc Liêu ra răng, hào hoa chút chút với phái yếu cho đáng mặt Không Quân chứ bố không có tà ý, bố khó tính với mẹ vì yêu đó mà, yêu nhau lắm phải cắn nhau thôi.
Vào nhà hàng, bố kéo ghế cho mẹ ngồi, rồi ra vẻ trịnh trọng:
- Bữa nay trước mặt các con bố xin cảm ơn mẹ đã cư xử lịch thiệp với bạn của bố, dù đôi khi cô Hương có quá lời nhắc lại chuyện xưa, hoặc bố có sa đà trong tiếng nhạc. Bố phải khen mẹ các con suốt cuộc đời này để tự nhắc mình đang có viên ngọc quý, vì đôi khi bố cũng mắc lỗi với mẹ. Con Na nói đúng, tiệc này cũng để tống tiễn cố nhân, bi chừ nhìn lại thấy nàng không như trong mơ, giá nàng đừng bước ra cõi mộng, để bố mi lãng mạn thêm vài niên kỷ.
Mẹ cười mãn nguyện:
- Sao bữa ni bố nó cải lương như công tử BạcLiêu rứa?
Tôi chua thêm:
- Công tử bạt mạng chứ Bạc Liêu hồi nào? Vâng, bố cứ liều mạng lãng mạn tiếp đi vì người xưa của bố dù là cô Hương hoặc ai đó đến tuổi này cũng mắt mờ chân chậm mất rồi, còn chăng là duyên tình thôi.
Bố cười cầu hòa:
- Biết rồi nói mãi, bố mi thật lòng sám hối đây.
Mẹ can:
- Thôi không ồn ào nữa, cả nhà cầm đũa lên.
Mặc cho mẹ can ngăn, anh em tôi tiếp tục tấn công bố: - Người đẹp của bố kém đẹp đến thế, cớ sao bố có thể tơ tưởng đến nàng mới lạ.
Bố tuyên bố đầu hàng:
- Thì bố chúng mày trao duyên nhầm người, bố chúng mày xin chừa, thề có Chúa làm chứng.
Chúng tôi cười hả hê, mẹ không lên tiếng nhưng ánh mắt mẹ chan chứa hạnh phúc sau mấy mươi năm làm vợ bố.
Ngày tôi lấy chồng, đưa tôi lên cung thánh, trao tôi qua tay chàng, bố bỏ nhỏ:
- Bố già giao con gái rượu cho anh, liệu mà chăm sóc em nó, bố luôn để mắt theo dõi anh đấy, con rể của bố.
Đêm tân hôn chàng chưa hoàn hồn, trước khi thoát y, chàng than:
- Bố già của em răn đe khiếp thật, đứng bên cung thánh mà bố hù dọa anh, chả sợ Chúa Bà chi cả.
Tôi phân bua:
- Tại bố sợ anh ăn hiếp em nên dằn mặt anh trước.
Chàng la làng:
- Xưa rồi Diễm ơi, ở đây “lế đi phớt..lờ”chồng là chuyện thường làm gì có cảnh hiếp đáp nhau.
Từ dạo “tôi bỏ nhà theo chồng”, đó là câu nói mát của bố, bố ngọt ngào chu đáo với mẹ hơn lúc trước, hình như bố sợ quả báo nhãn tiền, cha ăn mặn con khát nước, nên chuộc lỗi với mẹ.
Hàng tháng bố gọi vợ chồng tôi về ăn cơm, bố rủ rê chàng nhâm nhi rượu thuốc với bố, chờ đến lúc rượu lên men ngà ngà, bố hỏi thăm sức khoẻ chàng:
- Con Hiền nó có ngoan như tên cúng cơm của nó không con?
Chàng vã lã:
- Bố yên trí đi, vợ con là con gái của mẹ, không nói chắc bố cũng hiểu.
Bố gật gù ưng ý, bỗng bố khựng lại, chợt nhớ đến điều phải nói:
- Chính xác con Hiền là con của mẹ nó, nhưng con là rễ nên chắc khó giống bố.
Chàng ngớ ra chả hiểu mô tê chi cả. Mẹ nói chữa:
- Rượu nói chứ không phải bố nói, con đừng bận tâm.
Trên đường về tôi giải thích:
- Bố có tật gia trưởng, có máu chúa tể rừng xanh, mà mẹ cứ theo thói xưa mà vâng phục, từ lúc em lấy anh bố đâm lo, nhỡ anh vào vai của bố quá xuất sắc thì tàn đời em mất.
Chàng lắc đầu:
- Chịu thua bố em luôn, thế kỷ này rồi mà nghĩ vớ vẩn, sao bố không lo em ăn hiếp anh.
Tôi cười thích thú:
- Thật ra bố cũng thương mẹ nhưng theo kiểu của bố, ngang tàng hào hoa như lính không quân, nhưng đến lúc em lấy chồng bố mới hiểu, phận gái 12 bến nước, và có lúc bố ăn mặn quá đà nên đâm lo.
Mừng ngày Lễ Bố năm nay, chúng tôi có món quà đặc biệt không hề có trong bất cứ quán xá nào cả. Giờ cơm, mẹ bày quà của bố trên bàn, chàng vờ bối rối:
- Chết thật,tụi con đi gấp nên quên béng quà của bố rồi.
Bố vui vẻ:
- Không sao, các con đến đã là quà rồi, bây giờ bố chỉ còn chờ thằng Ni với bạn gái của nó thôi.
Biết bố mòn mõi chờ anh tôi cưới vợ,anh giấu kỹ người yêu từ mấy tháng nay, để đến hôm nay mới ra mắt bố.
Ô hay,chị dâu tương lai của tôi là con gái bác Liêm, bạn thân của bố mẹ, một bất ngờ khá thú vị, tôi thảng thốt:
- Mẹ đừng nói là hai gia đình hứa hẹn từ trước như chuyện bố mẹ ngày xưa nhe.
Anh tôi khoái chí:
- Làm gì có chuyện đó, bố mẹ chưa biết con dâu tương lai là ai làm sao mà xếp đặt được.
Tôi nói nhỏ:
- Năm nay bố được mùa quà nhe, toàn là hàng hiếm quý khó tìm đó.
Mẹ trách khéo:
- Cô mừng Lễ Bố tay không mà còn ví von.
Tôi nhìn chàng để chàng lên tiếng:
- Thưa bố, thật sự Na không quên quà của bố đâu, vợ con giấu trong bụng đó.
Cả nhà nhìn tôi ngạc nhiên, để cắt đứt thắc mắc của mọi người, chàng tiếp:
- Vâng, đứa cháu ngoại đầu tiên của bố sẽ ra đời trong năm nay, còn quà của con là chiếc cà vạt để ông ngoại đi dự lễ rửa tội cho cháu.
Mẹ vui đến nghẹn lời:
- Thế cháu của mẹ là trai hay gái?
Bố đùa:
- Cháu ngoại dù trai hay gái thì cũng mất đứt nó cái Họ nhà này rồi, mẹ nó khéo lo.
Chàng nhanh nhẩu:
- Thưa cháu của ông bà sẽ là cháu trai, chúng con sẽ ghép hai Họ vào tên của cháu để nội ngoại đề huề, còn tên gọi trong nhà ông ngoại độc quyềnđặt cho thằng cu.
Bố trầm mặc rồi nói:
- Cu Sam, các con nghĩ sao?
Anh tôi chế diễu:
- Công tử Bạc Liêu bạt mạng chi đó không chọn tên ca sĩ thần tượng tây u của mình như dạo nào sao?
Bố lắc đầu:
- Bi chừ thần tượng của bố là mẹ và các con, ca sĩ thời bố đã lùi vào dĩ vãng, mà thằng cu sinh ra trên đất này, gọi nó là cu Sam đúng rồi, và cũng để tưởng nhớ mấy chú Sam thời bố vùng vẩy mấy vùng chiến thuật nữa chứ.
Chờ bố bàn ngang tán dọc tên gọi trong nhà của thằng nhóc, mẹ lên tiếng:
- Cả nhà quên mất con dâu tương lai của tôi rồi, nào anh Ni nói gì đi chứ.
Anh tôi ôm vai chị Linh:
- Con và Linh xin phép bố mẹ tổ chức lễ hỏi của chúng con tháng tới, tuần sau bác Liêm sẽ mời bố mẹ sang bên đó dùng cơm và chọn ngày lành tháng tốt.
Bố rót rượu mời cả nhà:
- Nào chúng ta cụng ly, hôm nay đúng là bố được quà quí hiếm.
Tối hôm đó bố nằm dài ra ghế salon, tưởng bố xỉn mẹ mang mền đắp cho bố, rồi nói khẽ:
- Tội chưa, hồi trẻ uống rượu ngon lành lắm, chừ lớn tuổi uống cho lắm vào chỉ khổ thân.
Bố lồm cồm ngồi lên ôm mẹ, thì thầm:
- Bố giận mình vì cái tính công tử vớ vẩn mà có lúc bố quá tay với mẹ nên uống rượu để trốn tội, mẹ nó không ghét bố chứ, nhìn con Hiền được chồng cưng chìu, bố hối hận quá.
Mẹ đặt hai ngón tay lên miệng bố:
- Giời ạ, giờ này mới thấy mình đắc tội, mà thôi hối cũng không kịp, lỡ Bạc Liêu bạt mạng chi đó thì cứ tiếp tục cho tròn vai, bi chừ bỗng dưng đòi từ bi bất ngờ làm mẹ bị sốc đấy.
Bố nheo mắt vuốt đuôi:
- Vậy là mẹ cho phép bố tiếp tục “hành nghề”, chứ không phải bố “tham quyền cố vị” đâu đấy.
Bố tôi đấy,công tử oai vệ là nhờ mẹ tôi ngoan hiền tuân phục bao nhiêu năm nay, chứ mẹ mà hòa nhập hết cỡ vào xã hội Mỹ và ứng xử như phụ nữ đương thời thì bố chạy xì khói chứ làm gì có cơ hội “hét ra khói”.
Với các con thì bố là người cha tuyệt vời, chả hét nổi ra khói mà chỉ chạy theo chăm lo cho các con mãi đến bây giờ, cứ như chúng tôi còn bé bỏng, chàng của tôi còn phải ớn ông tía vợ nữa là.
Mà tôi cũng không hình dung nổi bố sẽ ra sao nếu bố không có tính hơi ngang bướng, bởi vì trong mắt tôi, bố không thể không là công tử, dù chỉ là công tử của riêng chúng tôi.
Đoàn Thị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét