Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

CƠN MƯA ĐẦU VÀ TIẾNG HÁT EM - Pham Anh Dũng


Tôi lớn lên trong thời kỳ nhiễu nhương hỗn loạn nhất của Việt Nam sau 1975. Thời trung học của chúng tôi qua đi với những buổi bụng đói đi học, những thiếu thốn triền miên, những chán nản, mệt mỏi của cha mẹ và cả thầy cô. Chúng tôi nương vào nhau đi qua quãng đời đó, thời gian mà hầu như ai cũng đến lớp trong những bộ quần áo đơn giản tới mức tồi tàn, thời gian mà chúng tôi – bơ vơ trong những gia đình cha mẹ bị tù đày hoặc suốt ngày vắng nhà kiếm ăn – đã lớn lên bên nhau như cỏ cây…
<!>
Nhưng điều lưu lại sâu đậm hơn hết trong ký ức tôi là những tình thân bị cắt ngang bất ngờ vì những chuyến vượt biên. Những chuyến chia tay mà người đi không biết trước và người ở lại ngẩn ngơ không biết nên vui hay buồn. Có lẽ vì thế, mà cho tới mấy chục năm sau, tôi luôn có một cảm tình đặc biệt với những tác phẩm gợi nhớ những mối tình non trẻ dở dang.

Và, tôi đã yêu Cơn Mưa Đầu Và Tiếng Hát Em từ lần nghe đầu tiên.

Tôi làm quen với các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Anh Dũng từ Nhóm Trưng Vương Và Thân Hữu trên trang Web của Việt Báo. Nhạc sĩ có một góc nhỏ tên Thơ Nhạc Cuối Tuần, nơi ông giới thiệu các tác phẩm của ông và thân hữu. Lời giới thiệu của ông thường đơn giản, ngắn gọn, dường như ông muốn dành hầu hết quyền cảm nhận cho thính giả. Trang của ông không có nhiều bàn tán xôn xao (có lẽ khách thăm thường là những người im lặng – như tôi). Nhưng cho dù lời khen hay đóng góp, nhiều hay ít, ông vẫn đều đặn đăng những tác phẩm, với một phong thái – mà tôi cảm thấy là – nhẹ nhàng và tự tại. Và như thế đó, qua mạng phố ảo, tôi đã làm quen với dòng nhạc Phạm Anh Dũng.

Nhờ Internet, một nhóm bạn của tôi thời trung học đã tìm lại được nhau sau bao năm tan tác. Dù không “còn trẻ như năm cũ”, chúng tôi vẫn liên lạc, chia sẻ sở thích, và thỉnh thoảng vẫn…chí chóe cãi nhau, như xưa… Chúng tôi cũng bình thơ, bình nhạc, và đôi khi còn đặt lời mới cho các bản nhạc mình thích. Và dĩ nhiên, tôi đã giới thiệu nhạc Phạm Anh Dũng tới bạn bè. Lần đó, tôi nghe rất nhiều tác phẩm của ông để chọn ra bài tôi thích nhất, và tôi đã gặp Cơn Mưa Đầu Và Tiếng Hát Em, nhạc Phạm Anh Dũng phổ từ thơ Phạm Ngọc.

“Mưa buổi sáng về như hoa nở trắng
Mùa thu nào lá đỏ phía sau lưng
Em ở đâu trong nỗi nhớ khôn cùng
Khi tiếng hát vẫn dài theo cơn mộng…”

Hình ảnh mở đầu đẹp và tinh khiết quá, mưa buổi sáng và hoa trắng, làm tôi kết luận ngay đây “phải” là một mối tình học trò hay là sinh viên. Cái nhớ thương luyến tiếc trong bài thơ dù tha thiết, lãng mạn, nhưng sao tôi vẫn cảm được cái trong trẻo, thánh thiện như nỗi lòng chúng tôi trong những ngày chia tay xưa

“Em ở đâu khúc mùa thu hoài vọng
Vẫn tìm nhau vẫn còn mãi tìm nhau
Mùa đông về chỉ nặng hạt mưa mau…”

Giọng hát Quang Minh không trau chuốt, điệu đà mà dễ dàng, ngọt ngào. Giọng hát truyền cảm một cách tự nhiên, gợi nhớ những buổi văn nghệ học trò với chỉ một cây guitar trong sân trường xưa…

Tuy vậy, lần đó tôi chỉ nghe được Cơn Mưa Đầu Và Tiếng Hát Em mà không tìm được bài hát, cho nên tôi đã gửi tặng các bạn tôi bài Tôi Xa Người, một bài thơ của Du Tử Lê cũng do nhạc sĩ Phạm Anh Dũng phổ nhạc. Tôi cũng yêu bài Tôi Xa Người lắm, nhưng chắc chỉ là hạng nhì thôi, vì bài này không có cái chất “học trò”, một điều mà trái tim tôi rất là … thiên vị khi nghe nhạc.

Bẵng đi một thời gian dài đến năm 2009, qua vài lần góp ý về các sáng tác mới, tôi đã được nhạc sĩ Phạm Anh Dũng gửi tặng mấy CD, trong đó có CD Với Quỳnh. Vừa nhìn danh sách bài hát, tim tôi đã nhảy lên một nhịp vui khi thấy Cơn Mưa Đầu Và Tiếng Hát Em.

Và, một hôm Chủ Nhật, tôi đã bỏ CD vào xe, lái đi, và bật ngay tới Cơn Mưa Đầu Và Tiếng Hát Em.

Tình cờ hôm đó là một ngày mưa. Trong tiết trời hơi âm u, hơi se lạnh, với vài giọt mưa lất phất, chỉ một mình tôi trong xe với tiếng nhạc chập chùng, tôi đã thưởng thức tới lặng người khi tiếng hát Quang Minh vút lên:

“Em bên kia có buồn con phố cũ,
Giòng sông mưa hiu hắt nỗi đợi chờ,
Ai có về qua những chuyến đò xưa,
Xin giữ lại mùa thu trong mắt biếc…”

Nốt nhạc lên cao thật duyên dáng trong hai chữ “muà lũ”, dẫn vào câu đầu của điệp khúc, rồi uốn cao hơn nữa trong cảm xúc cao điểm của bài hát. Vâng, “em bên kia có buồn con phố cũ?”, chỉ vậy thôi mà sao nghe đầy tiếc nhớ đến nao lòng.

“…Xa em rồi một đời ta hao khuyết
Cơn mưa đầu và tiếng hát buông lơi
Đưa ta vào khoảng trống vắng chơi vơi
Em, mùa thu, em bên kia nỗi nhớ”

Âm điệu bài hát thật hay và tôi thích nhất những note cao. Kết thúc bài “Em mùa thu, em bên kia nỗi nhớ…” cũng với một note vút lên, thu hút. Vần trắc nghe không buông xuôi, an phận như vần bằng mà vương vấn không nguôi rất hợp với cảm xúc tiếc nuối một mối tình tuy xa nhưng chưa thể quên.

Lời hay, nhạc tha thiết, buồn mà vẫn nhẹ nhàng. Hoà âm kỹ lưỡng, âm thanh rõ từ tiếng đàn guitar réo rắt mở đầu cho tới note dương cầm đơn độc cuối cùng cho thấy sự trang trọng, chú ý tới từng chi tiết nhỏ . Cả giọng hát cũng vô cùng thích hợp. Thật là một kết hợp tuyệt vời!

Lần này tôi đã có Cơn Mưa Đầu Và Tiếng Hát Em để gửi tới bạn bè. Tôi hy vọng là các bạn tôi sẽ thích bài này cũng như người bạn đời của tôi cũng rất yêu bài này sau khi anh nghe được từ sự “giới thiệu” của tôi.

Cám ơn nhạc sĩ Phạm Anh Dũng, cám ơn nhà thơ Phạm Ngọc, cám ơn Internet và mối duyên văn nghệ đã đem lại cho tôi một bài hát hay, một bài hát mà chúng tôi sẽ yêu thích dài lâu, cũng như chúng tôi mãi trân trọng những kỷ niệm xưa, dù buồn hay vui…

Khôi An
(tháng 6, 2009)


Không có nhận xét nào: