Mỗi dịp có bạn ở xa đến hay vào những lúc xuân về vợ chồng tôi hay rủ bạn đi nếm rượu nho. Khu nếm rượu ở thành phố Woodinville, khoảng hai mươi phút lái xe từ Seattle về phía đông bắc và cách nhà chúng tôi ba mươi phút.Trong thành phố này, những ngôi nhà nếm rượu nằm san sát nhau, mình phải chọn một nơi nào nổi tiếng đẹp, lịch sự tiếp đãi nhất, có nhiều rượu khác nhau về nhất, để cho bõ công giới thiệu.Thời tiết và khung cảnh của mỗi mùa làm cho rượu có mùi vị khác nhau dù cũng chỉ là chai rượu đó. Cuối năm trời se lạnh nếm rượu nho với gió đông, khăn len quàng cổ khác với cái thú nếm rượu nho với áo lụa mỏng và nắng của mùa hè.
<!>
Tôi hay tưởng tượng ra, rượu nếm trong mùa đông như gặp lại một người bạn cũ (dù chai rượu rất mới) nó cho ta cái ấm áp thân thiện, nhớ về một quá khứ xa lắc xa lơ, đẹp mà buồn buồn. Trong khi mùa hè, với cái nắng rực rỡ, cái gió chướng nồng, nó làm mình trẻ lại, mình sôi nổi, dõi hồn về những cánh đồng nho mình chưa hề một lần đặt chân đến. Ngụm rượu trôi xuống cuống họng khó mà đoán tuổi.
Hai người em họ của chồng tôi từ xa tới, họ du lịch mùa đông và ghé thăm chúng tôi. Tôi đề nghị mời họ đi nếm rượu. Đã lâu lắm chúng tôi không đi nếm rượu vào mùa đông nên thấy nhớ.
Nơi chúng tôi tới kỳ này là DeLille Cellars/Grand Estate Wine Club. Mặc dù chúng tôi không phải là hội viên. Nơi đây họ luôn đón khách mới, thỉnh thoảng có tuần cho nếm rượu miễn phí để có dịp mời khách vào hội. Dân Seattle đánh giá nơi nếm rượu này thuộc có hạng trên trung bình về cả khung cảnh, cách tiếp đón và dĩ nhiên là về RƯỢU.
Ngoài ba gian trong nhà chính, tiệm còn nới thêm ra ngoài những gian phụ thuộc bằng những bức tường plastic trắng đục căng lên, có để máy sưởi để tiếp khách. Cả tiệm không có ghế cho khách ngồi, chỉ có những cái bàn đứng làm bằng những phuy rượu đã cạn, úp ngược lại, trên mỗi mặt phuy là mặt kính tròn, đặt trên đó một bình hoa rất nhỏ, một cái đèn thắp nến, một tờ giấy kê tên những chai rượu sẽ được nếm trong ngày, thường là từ bốn đến năm chai. Người nếm rượu sẽ đứng chung quanh thùng, nhân viên sẽ ra giới thiệu và rót từng thứ một cho khách nếm. Khung cảnh ấm áp và sang trọng nhưng vẫn thân mật, nên thơ.
Hôm nay chúng tôi sẽ được nếm tới năm thứ rượu khác nhau.
Uống rượu nho không thể ngửa cổ uống ực một ngụm như rượu mạnh, hay uống một hơi hết nửa chai như uống bia. Rượu nho vào miệng, nó cần ở lại một chút, để người uống nghe ngóng cái vị rượu tan trên lưỡi, lan ra chung quanh miệng trước khi đi xuống cổ họng. Khi xuống đến cổ họng, người hiểu biết về rượu có thể đoán được tuổi của ngụm rượu mình mới nhấp.
Dòng rượu đầu tiên rót xuống ly là của DeLille Cellars 2012 Chaleur Estate Blanc, giá $35 một chai. Đã cho ra 1400 két. (65% Sauvignon Blanc, 35% Semillon)
Tuy tuổi rượu mới gần lên hai, nhưng khi rượu tan trong miệng hương vị nồng đượm phong phú, rượu được giới thiệu là có hương vị của khế, dưa hấu và lá bạc hà. Lúc rượu trôi xuống cuống họng không thấy khô và nóng, nó cho một vị hơi ngòn ngọt của trái cây nhiệt đới. Cả bốn chúng tôi cùng đồng ý là chai rượu trắng này trên trung bình.
Chai thứ hai của Doyenne 2011 Signature Syrah, giá $40 một chai. Đã cho ra 656 két. (98% Syrah, 2% Viognier, 100% Red Mountain AVA)
Ngụm rượu này khô và hương rượu không đượm, nó có mùi dâu dại (black berries và raspberries). Khi xuống đến cuống họng thấy vị rượu mạnh hẳn lên, hơi khô.
Chúng tôi không thích lắm.
Nếm xong ly thứ hai thì nhân viên ra nói chuyện, mang bánh lạt crackers và nước lạnh ra. Chúng tôi mỗi người chiêu một ngụm nhỏ nước lạnh như tráng miệng và thông cuống họng cho hết mùi rượu cũ để tiếp tục nếm rượu mới.
Tôi nghĩ đến những lần vào khu bán mỹ phẩm bị các cô bán hàng xịt một chút nước hoa vào cườm tay cho mình ngửi, ngửi đến mùi thứ ba thì mũi mình hoàn toàn không phân biệt được mùi hương nào mình thích nữa. Choáng váng cả đầu và đôi khi còn bị dị ứng, hắt hơi.
Nếm rượu đôi khi cũng bị rơi vào hoàn cảnh tương tự nhất là những người không sành rượu lắm như tôi.
Nhưng chai rượu thứ ba thì thật tuyệt vời. Tôi lắc khẽ phần rượu trong ly, chiếc ly thủy tinh mỏng, trong suốt và rộng miệng, nhìn mầu đỏ bám vào thành ly rồi trôi nhè nhẹ xuống đáy ly, ngẫm nghĩ: những người có tâm hồn tài tử đã văn chương hóa, gọi là: “Nước mắt của rượu” (wine tears). Những giọt nước mắt hồng, thật là đẹp!
Tôi nhớ một câu thơ trong bài Chào Nguyên Xuân của Bùi Giáng: “Xin chào nhau giữa làn môi/Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam…” mang ra đọc lúc này là đúng nhất.
Thật ra, người sành rượu chỉ nhìn sự đậm đặc của những giọt lệ rượu này có thể đoán được độ cồn của nó.
Nếm khẽ khàng một ngụm nhỏ, để rượu tan trên lưỡi, mùi thơm của nó thấy nồng nàn nhưng mềm mại, như một phụ nữ vừa có sắc vừa có nhân dáng lại biết yêu thơ. Đó là rượu của Doyenne 2011 Aix, giá $38 một chai. Đã cho ra 1220 két. (71% Syrah, 29% Cabernet Sauvignon)
Đến đây thì tôi ngừng lại không nếm nữa vì cái miệng tôi đã bắt đầu bối rối với hương vị. Tôi để ba người còn lại nếm tiếp hai chai nữa. Tôi nói:
Rượu giống như phụ nữ, nếu anh yêu người đó, cô ta là người đẹp trong mắt anh. Anh thích vị của chai rượu này, thì đó là một chai rượu ngon cho anh. Tôi sẽ mua chai rượu thứ ba có tên “Aix” này. Bây giờ các bạn tiếp tục nếm, tôi đi lang thang.
Tôi đi ngắm nghía chỗ này chỗ kia trong tiệm rượu, vừa đi vừa nghĩ đến rượu.
Người Việt Nam mình không quen uống rượu nho, nhưng thời xa xưa ông cha mình ai mà không uống rượu gạo (rượu đế hay nếp than) rồi sau này lớp trẻ uống bia và rượu mạnh.
Rượu không thể thiếu khi có khách quý đến, bắt buộc phải có lúc xuân về.
Tiễn nhau nước mắt cũng rơi trong tiệc rượu, cưới hỏi cũng phải có rượu. Tạ ơn cũng biếu rượu.
Tôi không phải người giỏi về rượu nho, cũng không nghiện, chỉ trung bình một nửa ly nhỏ cho bữa ăn chiều, hay khi có bạn đến nhà thì rót đầy hơn một chút (để lấy cớ cho rượu vào lời ra).
Nhưng tôi thích hương thơm và màu sắc của rượu nho. Màu đỏ của rượu nho đẹp và thơ mộng. Rượu nho gây cảm hứng cho thơ hay nói một cách khác: thơ ở trong rượu nho.
Tôi nhớ một thi sĩ Nhật nào đó đã nói: “Thơ là rượu bốc hơi”. Và thi sĩ người Tô Cách Lan, Robert Louis Stevenson cũng cùng một ý tương tự: “Rượu là thơ đóng chai (Wine is bottled poetry.)
Thấy chưa! Hai thứ đó phải đi với nhau.
Tôi không muốn giới thiệu cho bạn sự hiểu biết của mình về rượu; như xuất xứ của từng loại rượu, hoặc ăn món này thì phải uống rượu kia, hay nói tên về những cánh đồng nho tận chốn xa xăm nào đó, hoặc dẫn chứng một vài tên tuổi của văn nhân hay các đại lưu linh nói về rượu. Vì tôi biết sau khi đọc, người không thường uống rượu nhiều sẽ quên ngay.
Đối với tôi, hai cái quý nhất của rượu nho là hương thơm và mầu sắc, nó đẹp như những vần thơ. Một câu thơ hay khi đọc lên ta có cảm tưởng ngửi được hương thơm của thơ và nhìn thấy mầu của câu thơ ửng hiện. Rượu nho không phải toàn một màu đỏ đậm mà người Việt mình hay gọi là “Màu đỏ Bordeaux” chỉ nơi xuất xứ rượu nho của Pháp. Rượu nho đỏ có nhiều gam màu khác nhau: đỏ nhạt, đỏ đậm, cam nhạt, cam đậm, nâu nhạt, nâu đậm hay ngả màu tím tro, v. v.
Khi cất rượu, người ta cất riêng từng loại nho, khi đóng chai mới là lúc người ta pha vào nhau, nên khi uống, người sành rượu tìm thấy ở trong ngụm rượu có những vị khác nhau như: mùi vị của các loại dâu chín, các loại bạc hà, mùi trái cây nhiệt đới hay vị ngọt của mocha, của vanilla, v.v.
Thỉnh thoảng uống được ngụm rượu có được cái mùi gỗ của thùng phuy, tôi cũng thích lắm.
Tôi không sành rượu và cầu kỳ như nhiều người. Không đòi hỏi phải chia rượu ra nhiều loại khác nhau để ăn với những thức ăn khác nhau. Tôi để những người khác làm việc đó, và khi ly rượu được đưa đến tay, tôi thong thả nhấp ngụm rượu (đã được nghe tiểu sử) như thong thả đọc một câu thơ. Cái lâng lâng mềm mại của rượu nho, chỉ cạn một ly cũng đủ làm tôi say lắm rồi. Thấy cả mặt trời, mặt trăng và những ngôi sao vây quanh mình.
Em vừa uống xong ly rượu
mặt em đỏ như mặt trời
tim em mặt trăng òa vỡ
bàn tay em như cành hoa
nở những bông hoa sao nhỏ (1)
Thi sĩ, văn sĩ Việt cũng mang rượu vào văn chương nhiều lắm. Và họ đã cho ta thấy từ ngày trước thi sĩ đã đặt phụ nữ ngang hàng với rượu hay cũng vì phụ nữ mà rượu thêm say. Nhờ đó ta thấy đúng là: Rượu, thơ, tình yêu và phụ nữ đã đi chung với nhau trong nhiều chặng đường của đời sống. Hay nói một cách khác những thứ này cùng có một sức quyến rũ như nhau và làm cho đàn ông hệ lụy.
Những câu thơ được nhắc đi nhắc lại một thời:
Một trà một rượu một đàn bà/Ba cái lăng nhăng nó quấy ta. (Tú Xương)
Em thà coi như hơi rượu cay (Thâm Tâm)
Em ơi lửa tắt bình khô rượu/ Đời vắng em rồi vui với ai. (Vũ Hoàng Chương)
Bốn câu thơ bất hủ để đời của thi sĩ Trung Hoa Vương Hàn, còn cho thấy rượu đi vào trận mạc cùng vó ngựa.
Bồ Đào mỹ tửu dạ quang bôi
Giục ẩm tì bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
Bồ đào rót chén dạ quang
Muốn say trên ngựa tiếng đàn giục đi
Xưa nay chinh chiến ai về
Nằm say bãi cát ai chê mặc người (tmt-dịch)
Rồi từ trận mạc trở về, rượu cũng được mang ra đón người xuống ngựa.
Xin vì chàng cất bào cởi giáp
Xin vì chàng giũ lớp phong sương
Vì chàng tay chuốc chén vàng (Chinh Phụ Ngâm)
Nói về thơ và rượu thì vô cùng tận. Có thể viết đến cả trăm trang giấy cũng không đủ, tôi nhớ câu nói chơi chữ của ông Thi sĩ lừng lẫy người Pháp, Charles Baudelaire:“Người yêu là một chai rượu, vợ là một cái chai đựng rượu” (Sweetheart is a bottle of wine, a wife is a wine bottle). Nó khác nhau ở chỗ chai rượu chắc chắn là có rượu trong đó, uống nó cho ta ngây ngất. Còn chai đựng rượu chưa chắc đã đựng rượu, nó có thể dùng để đựng một thứ khác như nước lạnh, dấm,…hoặc chai không.
Mặc dù câu ví von này nghe hay nhưng hơi bất công, bạc bẽo với vợ. Cái chai rượu thành chai không cũng do chàng uống hết chứ ai.
Đẹp nhất vẫn là hình ảnh của “Những giọt nước mắt hồng” ai đó đã hình dung ra khi nhìn những giọt rượu lăn nhè nhẹ từ thành ly xuống đáy.
Như cả một câu thơ đang từ từ trôi xuống, như những giọt lệ của một mối tình.
Nhớ không em những giọt rượu trên môi
đã để lại trong anh những giọt nước mắt hồng
em có về xin cúi nhặt những mảnh thủy tinh
trái tim anh, chiếc ly đã vỡ. (2)
Trần Mộng Tú
Cuối năm 2013
(1 và 2) Thơ-tmt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét