Ukraine ban hành tờ tiền mới tưởng niệm ngày Nga xâm lược Ngày 23/2, Ngân hàng trung ương Ukraine đã công bố 1 tờ tiền tưởng niệm trị giá 20 hryvnia nhằm đánh dấu 1 năm ngày Nga xâm lược nước này. Một mặt tờ tiền mô tả 3 người lính đang giương cao lá quốc kỳ Ukraine, mặt còn lại có hình ảnh 2 bàn tay đang bị trói. Điều này rõ ràng cho thấy Kyiv đang ám chỉ tội ác chiến tranh mà Nga đã gây ra trên lãnh thổ Ukraine. Phía Moscow đã phủ nhận những cáo buộc này. Ông Andriy Pyshnyi, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Ukraine, chia sẻ trong một buổi thuyết trình tại Ngân hàng trung ương Kyiv: “Để đánh dấu ngày kỷ niệm cuộc chiến, chúng tôi đã quyết định ban hành 1 tờ tiền tưởng niệm, mô tả trên mặt tờ giấy nhỏ 1 năm đầy những cảm xúc, những hoa văn, nội dung và những điều mang tính biểu tượng.”
<!>
Ngân hàng trung ương Ukraine đã làm việc chăm chỉ kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào ngày 24/2 năm ngoái để giữ cho nền kinh tế phát triển và duy trì tính ổn định.
Mùa hè năm 2022, ngân hàng này đã ổn định đồng hryvnia ở mức 36,57 so với 1 USD và đã thường xuyên can thiệp vào thị trường ngoại hối để hỗ trợ đồng hryvnia. Nhờ hàng tỷ USD viện trợ nước ngoài từ các đối tác phương Tây, dự trữ ngoại tệ của Ukraine đã tăng lên gần 30 tỷ USD, cao hơn một chút so với mức khi chiến tranh bắt đầu.
Ukraine cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tài chính của Nga. Ông Pyshnyi cho biết tờ tiền mới, vốn chứa các tính năng bảo mật mang tính cải tiến, sẽ có số lượng phát hành là 300.000 tờ.
Theo các quan chức Ngân hàng trung ương Ukraine, phải mất khoảng 8 tháng để thiết kế và sản xuất tờ tiền này, và ngân hàng có kế hoạch sẽ phát hành một loạt các tờ tiền giấy tưởng niệm để ghi lại hình ảnh về cuộc chiến.
Các quan chức cho hay họ đã lên kế hoạch cho những tờ tiền mới nhằm kỷ niệm sự chiến thắng và tái thiết Ukraine.
Ông Pyshnyi phát biểu: “Trong suốt năm nay, người dân Ukraine đã nhận ra sức mạnh của họ, tầm quan trọng của họ, và khả năng của họ không chỉ là chống chọi mà còn là chiến thắng, chiến thắng mà không tha thứ cho một tội ác quân sự nào, một chế độ đổ nát nào. Chiến thắng này sẽ phải trả một cái giá rất đắt nhưng nó sẽ xảy ra và nó sẽ là của chúng ta.”
NATO: Đã thấy dấu hiệu Trung Quốc cân nhắc gửi vũ khí cho Nga
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Năm (23/2) nói liên minh đã nhận thấy những dấu hiệu Trung Quốc đang xem xét cung cấp vũ khí cho Nga và cảnh báo Bắc Kinh không nên thực hiện bất kỳ bước đi nào như vậy.
Thông báo được đưa ra vài ngày sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cảnh báo Trung Quốc về những hậu quả nếu nước này hỗ trợ vật chất cho cuộc xâm lược Ukraina của Nga.
“Chúng tôi chưa thấy bất kỳ nguồn viện trợ vũ khí sát thương nào từ Trung Quốc sang Nga, nhưng chúng tôi đã thấy những dấu hiệu cho thấy họ đang xem xét và có thể đang lên kế hoạch cho điều đó”, ông Stoltenberg nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.
“Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ và các đồng minh khác đã cảnh báo rất rõ ràng về điều đó. Và Trung Quốc tất nhiên không nên ủng hộ cho cuộc chiến bất hợp pháp của Nga”, ông nói thêm.
Trung Quốc chưa đưa ra bình luận gì, nhưng trước đó trong ngày thứ Năm, Bộ Ngoại giao nước này nói rằng bất kỳ thông tin tình báo nào về việc Trung Quốc chuyển giao vũ khí cho Nga mà Hoa Kỳ dự định tiết lộ chỉ là suy đoán.
Nga và Trung Quốc đã ký quan hệ đối tác “không giới hạn” vào tháng 2 năm ngoái ngay trước khi Nga xua quân xâm lược Ukraina, và các liên kết kinh tế của họ đã bùng nổ khi các mối quan hệ của Moscow với phương Tây bị thu hẹp.
Phương Tây lâu nay vẫn cảnh giác với phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc chiến Ukraina. Một số quan chức cảnh báo rằng chiến thắng của Nga sẽ tạo động lực cho những hành động của Trung Quốc đối với Đài Loan. Trung Quốc cho đến nay vẫn không lên án cuộc xung đột ở Ukraina và tránh gọi đây là một “cuộc xâm lược”.
( Suy diển từ một độc giả : Ngay từ khi cuộc chiến bắt đầu, Trung cộng tích cực theo dõi để rút kinh nghiệm trong âm mưu đánh chiếm Biển Đông, Việt Nam và Đông Nam Á )
Stoltenberg nói Trung Quốc là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và cuộc chiến của Nga chống lại Ukraina đã vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
“Nguyên tắc cơ bản của hiến chương là tôn trọng sự toàn vẹn của các quốc gia khác và không tiến vào và xâm lược một quốc gia khác với hàng trăm nghìn quân”, ông nói. “Tất nhiên, Trung Quốc không nên là một phần trong chuyện này”.
Trung Quốc nói họ sẽ đưa ra quan điểm về cách giải quyết cuộc xung đột Ukraina thông qua các biện pháp chính trị trong một báo cáo sắp tới, mà truyền thông nhà nước Nga cho biết sẽ được xuất bản nhân kỷ niệm một năm “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga.
Tạp chí Đức: Công ty Trung Quốc thảo luận về việc gửi máy bay không người lái cho Nga
Tạp chí Der Spiegel của Đức ngày 23/2 cho biết, Nga đang đàm phán với một nhà sản xuất Trung Quốc về việc mua 100 máy bay không người lái, với thời gian giao hàng là vào tháng 4
Trong những ngày gần đây, Hoa Kỳ, Đức và các nước phương Tây khác đã cảnh báo Trung Quốc không được bán vũ khí cho Nga nếu không sẽ phải gánh hậu quả nghiêm trọng.
Nga được cho là đã mua vũ khí từ Iran và Triều Tiên, bao gồm cả máy bay không người lái của hai nước này, nhưng Trung Quốc cho đến nay vẫn đứng ngoài cuộc.
Tạp chí Der Spiegel đưa tin, nhà sản xuất máy bay không người lái Trung Quốc Xian Bingo Intelligent Aviation Technology cho biết họ đã chuẩn bị chế tạo 100 nguyên mẫu của máy bay không người lái ZT-180, mà tạp chí cho biết có thể mang đầu đạn 35-50kg.
Truyền thông Đức đưa tin, chiếc máy bay không người lái này tương tự như chiếc Shaheed-136 của Iran, loại máy bay mà Nga đã thực hiện vô số cuộc tấn công vào Ukraine, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và làm hư hại các cơ sở hạ tầng dân sự.
Tạp chí cũng cho biết Bingo có kế hoạch giúp thiết lập một địa điểm sản xuất máy bay không người lái ở Nga, nơi có thể sản xuất tới 100 máy bay mỗi tháng.
Khi được hỏi về thông tin rằng Trung Quốc có thể giúp đỡ Nga, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với đài truyền hình công cộng ZDF vào ngày 23/2: “Tôi đã nói với các đại diện của Trung Quốc rằng điều đó không thể được chấp nhận”.
Ông Zelensky nói muốn đàm phán với Bắc Kinh
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Năm ngày 23/2 cho biết ông chưa thấy kế hoạch của Trung Quốc nhằm chấm dứt cuộc chiến của Nga với Ukraina nhưng ông hoan nghênh các cuộc đàm phán với Bắc Kinh.
Trung Quốc, một đồng minh thân cận của Nga, cho biết họ sẽ đưa ra quan điểm của mình về việc giải quyết cuộc xung đột Ukraina thông qua các biện pháp chính trị trong một văn kiện có tính đến các vấn đề về toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và an ninh.
Khi được hỏi về triển vọng gặp Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Zelenskiy nói trong một cuộc họp báo ở Kyiv rằng: “Chúng tôi muốn gặp Trung Quốc”. TT Ukraina phát biểu:“Điều này là vì lợi ích hiện tại của Ukraina”
Ông Tập dự kiến sẽ có “bài phát biểu hòa bình” nhân dịp một năm Matxcơva xâm lược Ukraina vào ngày 24 tháng 2. Tạp chí Phố Wall tuần này đưa tin, ông Tập có thể gặp TT Putin trong tháng 4 hoặc tháng 5
TT Zelenskiy cho biết ông chỉ nghe “những điều chung chung” về các đề xuất của Trung Quốc thông qua các nhà ngoại giao Ukraina, nhưng điều đáng khích lệ là Trung Quốc đang xem xét làm trung gian hòa bình.
Ông nói: “Càng nhiều quốc gia, đặc biệt là xã hội của những quốc gia đó – những quốc gia lớn, có ảnh hưởng – nghĩ về cách chấm dứt chiến tranh ở Ukraina trong khi tôn trọng chủ quyền của chúng tôi, bằng một nền hòa bình công bằng, thì điều đó sẽ xảy ra càng sớm”.
Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba tuần này cho biết nhà ngoại giao hàng đầu TQ, ông Vương Nghị, đã chia sẻ một số điểm chính trong các đề xuất của Bắc Kinh với ông trong cuộc gặp ở New York.
Ông Kuleba cho biết Ukraina không thể đưa ra kết luận về kế hoạch nếu không xem tài liệu và sẽ nghiên cứu kỹ khi nhận được.
Những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc đưa ra một thỏa thuận hòa bình và chuyến thăm của ông Vương Nghị tới Matxcơva đã gây ra phản ứng trái chiều ở phương Tây. Các quốc gia phương Tây tin rằng sự phụ thuộc ngày càng tăng của Matxcơva vào Bắc Kinh khiến TQ khó có thể thực sự gây ảnh hưởng đến Nga
Mỹ sẽ không cấp bản quyền cho các tác phẩm do AI sáng tạo
Các hình ảnh sử dụng trong một tác phẩm tiểu thuyết đồ họa do công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) Midjourney sáng tạo sẽ không được cấp bản quyền. Đây là nội dung quyết định đầu tiên liên quan bản quyền các tác phẩm do AI sáng tạo được cơ quan quản lý Mỹ ban hành, theo hãng tin Reuters.
Cụ thể, theo nội dung một lá thư của Văn phòng Bản quyền Mỹ nêu rõ tiểu thuyết đồ họa “Zarya of the Dawn” của tác giả Kris Kashtanovađược cấp bản quyền cho những phần gồm phần văn bản do tác giả viết và bố cục hình ảnh do tác giả sắp xếp. Riêng phần ảnh do Midjourneysáng tạo không được cấp bản quyền. Trong nội dung bức thư, Văn phòng trên cho biết sẽ đăng ký lại cho tác phẩm “Zarya of the Dawn”, không tính phần hình ảnh không phải sản phẩm do con người tạo ra và không được cấp bản quyền.
Trong khi đó, tác giả Kashtonova bày tỏ hài lòng với quyết định của văn phòng cho phép bảo vệ tác quyền cho phần cốt truyện và bố cục hình ảnh, vốn đã bao trùm nhiều nội dung sử dụng cho cộng đồng sáng tạo nghệ thuật AI. Tác giả này cho biết đang cùng các cộng sự tìm cách để chứng minh những hình ảnh này đáng được cấp bản quyền vì chúng là cách thể hiện trực tiếp những sáng tạo của tác giả.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh các phần mềm AI tạo sinh- có khả năng sáng tạo văn bản, hình ảnh… như Midjourney, Dall-E và ChatGPT đang nổi lên nhanh chóng. Midjourney là một hệ thống AI tạo các hình ảnh dựa trên văn bản được người dùng đưa vào. Theo đó, Kashtonova đã viết phần cốt truyện của “Zarya of the Dawn”, còn Midjourneytạo ra phần hình ảnh dựa trên nội dung mà tác giả đưa vào hệ thống.
Hồi tháng 10/2022, Văn phòng Bản quyền Mỹ đã thông báo tới tác giả Kashtanova về việc xem xét lại giấy phép bản quyền cho tác phẩm vì trong đơn xin cấp bản quyền trước đó không đề cập vai trò của Midjourney. Ngày 21/2 vừa qua, văn phòng trên thông báo sẽ chỉ cấp bản quyền cho phần văn bản và bố cục hình ảnh do tác giả Kashtanova lựa chọn và sắp đặt, đồng thời nêu rõ tác giả Kashtanova không phải là người trực tiếp tạo ra những hình ảnh.
Chính quyền Trung Quốc ngăn chặn người dân truy cập vào ChatGPT
Theo báo cáo của tờ Nikkei Asia, Bắc Kinh đã liên hệ với những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc để ngăn chặn người dân đại lục truy cập vào các dịch vụ ChatGPT.
Công ty công nghệ Tencent và Tập đoàn dịch vụ tài chính Ant Group đã được ra lệnh không cung cấp quyền truy cập trực tiếp hoặc gián tiếp vào chatbot AI trên nền tảng của họ. Chính quyền Trung Quốc cũng yêu cầu các công ty trong nước thông báo nếu họ muốn tự tung ra phiên bản chatbot giống như ChatGPT.
OpenAI của Microsoft chỉ có thể được truy cập thông qua mạng riêng ảo (VPN). Người dùng cũng có thể dùng thử chatbot thông qua các dịch vụ truyền thông xã hội của bên thứ ba.
Chatbot trí tuệ nhân tạo này đã gây bão trên toàn thế giới sau khi ra mắt. Do đó, một số gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đã công bố kế hoạch tạo ra những chatbot AI của riêng họ, bao gồm Tencent, Alibaba, Baidu và NetEase.
Nhưng theo lệnh của chính quyền Trung Quốc, công ty Tencent đã rút lại một số dịch vụ của bên thứ ba và các bản sao của ChatGPT. Hiện tại công ty Baidu đang ở tuyến đầu, với chatbot mang tên Ernie Bot dự kiến sẽ ra mắt vào tháng tới.
Ngành công nghệ Trung Quốc cũng không ngạc nhiên trước việc Bắc Kinh kiểm soát người dân sử dụng chatbot, do hệ thống kiểm duyệt nghiêm ngặt của nước này.
Một giám đốc điều hành từ một gã khổng lồ công nghệ giấu tên cho biết: “Ngay từ đầu, chúng tôi hiểu rằng ChatGPT không bao giờ có thể vào Trung Quốc do các vấn đề về kiểm duyệt và Trung Quốc sẽ cần các phiên bản ChatGPT của riêng mình”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét