Tin Buồn: Lại Một Khuôn Mặt Sinh Hoạt Cộng Đồng, Bác Sĩ Trần Văn Nam Vừa Ra Đi! Theo tin từ Chị Đ, trong Hội Petrus Ký, đã có dịp tiếp xúc với Chị Hiền, Phu nhân của Bác sĩ Nam, thì tin BS Nam đã qua đời là đúng! Ông ra đi lúc 9 giờ sáng Thứ Sáu, ngày 24 tháng 2 năm 2023, tại tư gia, San Jose. Lúc đó, Chị Hiền, không có mặt tại nhà, nên Ông đã… từ giã cõi đời, bay cao lên Trời một mình! Chị Đ, kể: “Chị Hiền cho biết, 2, 3 tuần nay, chị phải ở trong “Rehab” của BS Ngãi trên đường Alvin trị bịnh. Ngày nào khoảng 9 giờ sáng, Anh Nam cũng gọi nói chuyện với Chị Hiền, hôm qua thì không thấy Anh gọi. Chị Hiền gọi lại, thì không thấy Anh trả lời, cứ nghĩ là Anh chạy đâu ra ngoài, chắc tí nữa sẽ chạy về nhà, gọi nữa, cũng không thấy trả lời. Linh tính biết có chuyện, nhờ người quen chạy đến nhà xem sao? Thì thấy Anh Nam đã đi rồi!”
BS Nam sinh năm 1943, con chiên rất ngoan đạo, giảng lời Chúa rất hay, hấp dẫn. Thứ Tư Lễ Tro, Thi sĩ Lê Tuấn còn thấy Anh ở Nhà thờ giúp lễ, vậy mà chỉ cần 2 ngày sau, là đi!
Ông là Hội trưởng Hội Petrus Ký rất lâu đời. Hội nổi tiếng trong Ban chấp hành, có 8 người, ban bệ gì, cũng đều là Bác sĩ! Nên các cuộc Hội ngộ của Hội, vừa dùng bữa, vừa được nghe các bác sĩ thuyết trình về phương pháp giữ gìn sức khỏe!
Ông chuyên về y khoa phòng ngừa, phải nói là ở Mỹ mới có chuyện này. Các nước khác, sinh bệnh gần chết, còn không có tiền chữa, nói gì phòng chuyện ngừa, khi bịnh chưa phát sinh!
Chính vì chuyên môn này, ông rất gần gũi với cộng đồng bao nhiêu năm nay, in sách bảo vệ sức khỏe, phát khắp nơi, dạy các lớp cai ma túy, rượu, thuốc lá, giúp quý phụ nữ có bầu, tập phương pháp “đẻ không đau!” và cách nuôi nấng trẻ em. Học xong, đã miễn phí, còn tặng đủ mọi thứ quà! (quỹ của chính phủ mà!)
Tính Ông hiền hòa, bình dân, vui vẻ, hình dáng phúc hậu như Ông Địa, luôn luôn có nụ cười trên môi, ăn nói lưu loát, nên rất được nhiều người thương mến.
Riêng Quý Anh Em trong Văn Thơ Lạc Việt, mà Ông là hội viên trong ban cố vấn, thật bàng hoàng xúc động, vì mới tổ chức cho Ông, một Tiệc Mừng Sinh, tại Nhà hàng Cao Nguyên vừa mới đây, rất vui vẻ cười giỡn, Ông còn hứng thú nhâm nhi ly rượu! giờ thì không còn nữa!
Sống lành, được mọi người thương mến như Ông, chắc chắn Chúa sẽ giang tay đón rước Linh hồn Vincent về chốn nghỉ ngơi, an nhàn, hưởng “Nhan Thánh Chúa”
Thi hài Ông sẽ được quàn tại Oak Hill và cũng sẽ được chôn cất nơi đây. Khi nào có Cáo phó từ gia đình, sẽ thông báo tiếp về Tang lễ. Xin chân thành cảm tạ.
Vô Cùng Thương Tiếc!
Việt Nam Hôm Nay
Các Nhà Lập Pháp Nam Hàn Trình Dự Luật Tìm Công Lý Cho Nạn Nhân Việt Nam Trong Chiến Tranh
(Hình: Thông tin về binh sĩ Nam Hàn trong Chiến tranh Việt Nam được trưng bày tại Đài tưởng niệm Chiến tranh Nam Hàn ở Hán Thành, Nam Hàn, vào ngày 17/2/2023.)
-Hai mươi lăm nhà lập pháp Nam Hàn hôm thứ Năm (23/2/2023) cùng nhau ký vào một dự luật điều tra tội ác chiến tranh của quân đội Nam Hàn trong Chiến tranh Việt Nam.
“Trong nhiều năm, các nạn nhân Việt Nam đã yêu cầu chính phủ Nam Hàn thừa nhận các vụ sát hại thường dân có liên quan đến binh sĩ Nam Hàn, cũng như một lời xin lỗi và bồi thường chính thức. Cho đến nay, chính phủ Nam Hàn chưa thực hiện bất kỳ bước nào như vậy”, The Korea Herald dẫn lời Nghị sĩ Kang Min-jung, một trong những nhà lập pháp tác giả dự luật, nói trong một cuộc họp báo.
Theo bà, “Những nỗ lực tìm kiếm sự thật về Chiến tranh Việt Nam phải được tiến hành ở cấp chính phủ càng sớm càng tốt”.Dự luật của các nghị sĩ Nam Hàn đề xuất thành lập một ủy ban độc lập điều tra phạm vi của các vụ thảm sát và các tội ác chiến tranh do binh sĩ Nam Hàn gây ra trong Chiến tranh Việt Nam, từ năm 1964 đến 1973. Trong thời gian điều tra, ủy ban sẽ báo cáo những phát giác của mình cho Quốc hội và văn phòng Tổng thống Nam Hàn.
Nghị sĩ Kang cho biết bà đến thăm Việt Nam vào tuần trước và gặp gỡ những người sống sót sau các vụ thảm sát. Những nạn nhân này vẫn thường xuyên tổ chức các buổi lễ tưởng niệm chung để bày tỏ thương tiếc đối với những mất mát từ các vụ thảm sát.
Dự luật được đưa ra sau một phán quyết mang tính lịch sử vào ngày 8/2, trong đó một tòa án ở Hán Thành yêu cầu chính phủ Nam Hàn trả 30 triệu won (23.100 Mỹ kim) cho một phụ nữ người Việt 62 tuổi là bà Nguyễn Thị Thanh.
Tòa án kết luận rằng các binh sĩ Nam Hàn phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát diễn ra vào năm 1968 tại làng của bà. Mặc dù sống sót, bà Nguyễn Thị Thanh đã bị thương rất nặng và mất đến 5 người thân trong vụ thảm sát diễn ra tại làng Phong Nhất và Phong Nhị của tỉnh Quảng Nam.
Tuy nhiên, một tuần sau khi phán quyết của tòa án Soeul được đưa ra, Bộ trưởng Quốc phòng Lee Jong-sup hôm 16/2 khẳng định với Quốc hội nước này rằng quân đội Nam Hàn không thực hiện bất kỳ vụ thảm sát nào trong Chiến tranh Việt Nam và nói rằng chính phủ Nam Hàn sẽ kháng cáo phán quyết của tòa án yêu cầu bồi thường cho bà Nguyễn Thị Thanh.
“Tôi nghĩ những gì Bộ trưởng nói với Quốc hội không chỉ là ý kiến cá nhân của ông ấy, mà còn là lập trường chính thức của Tổng thống Yoon Suk Yeol và chính quyền của ông”, Kim Eui-kyeom, nghị sĩ đồng tác giả của dự luật, nói với báo chí hôm 23/2.
Theo ông, trong khi Nam Hàn đòi hỏi Nhật Bản phải xin lỗi và bồi thường về những tội ác chiến tranh đã gây ra với các nạn nhân Nam Hàn, thì nước này cũng nên nhận ra những hành động sai trái của mình và nói lời xin lỗi.
Phát biểu trong cùng một cuộc họp báo, Lim Jae-sung, một trong những luật sư đại diện cho bà Nguyễn Thị Thanh, nói ông hy vọng dự luật sẽ “đánh dấu sự khởi đầu của việc thực thi công lý đã quá hạn từ lâu đối với các nạn nhân Việt Nam trong chiến tranh”.
“Vào thời điểm chiến tranh ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn và luật nhân đạo quốc tế đã bị vi phạm, phán quyết của tòa án có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử thế giới”, luật sư Kim Nam-ju của bà Nguyễn Thị Thanh nói.
Ngoài Bộ trưởng Quốc phòng, các nhóm cựu chiến binh Nam Hàn cũng không đồng ý với phán quyết của tòa án Hán Thành.
Thế Giới Lắc Đầu! CSVN Bỏ Phiếu Trắng Đối Với Nghị Quyết của Liên Hiệp Quốc Đòi Nga Rút Quân Khỏi Ukraine!
(Hình: Màn hình điện tử ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chiếu kết quả bỏ phiếu Nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine hôm 23/2/2023.)
- Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay Việt Nam cùng với 31 quốc gia khác bỏ phiếu trắng Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine. Nghị quyết mới được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua hôm 23/2/2023 (giờ địa phương) với 141 phiếu ủng hộ việc lên án Nga xâm lược Ukraine.
Ngoài Nga, 6 quốc gia bỏ phiếu chống khác gồm Belarus, Bắc Hàn, Eritrea, Mali, Nicaragua và Syria.
Đây là lần thứ năm Việt Nam bỏ phiếu trắng đối với các nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine. Việt Nam một lần bỏ phiếu chống Nghị quyết loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Cuộc bỏ phiếu lần này diễn ra nhân dịp kỷ niệm một năm Nga đem quân xâm lược nước láng giềng.
Trong bài phát biểu hôm 22/2 tại phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã nhóm họp để tiếp tục thảo luận về tình hình Ukraine, Đại sứ Việt Nam Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, bày tỏ quan ngại về tình hình xung đột tại Ukraine trong một năm qua cũng như trước diễn biến đáng lo ngại gần đây.
Đại diện Việt Nam cũng nhấn mạnh sự cần thiết tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nhất là các nguyên tắc cơ bản quan trọng hàng đầu là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Bắt Cựu Hiệu Trưởng Trường Đại Học Bách Khoa Đà Nẵng Vì Liên Quan Vụ Tham Ô 86 Tỉ Đồng
(Hình: Công an đọc lệnh bắt giam cựu Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, ông Đoàn Quang Vinh, hôm 23/2/2023.)
- Truyền thông nhà nước loan tin vào tối 23/2/2023 cho hay ông Đoàn Quang Vinh - cựu Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng - vừa bị Công an Đà Nẵng bắt giam về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Việc bắt giữ ông Vinh có liên quan đến vụ án tham ô 86 tỉ đồng xảy ra tại Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng giai đoạn 2021 đến cuối năm 2022.
Hôm 9/2 vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra-Công an Đà Nẵng tống đạt quyết định khởi tố, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Quang Huy (34 tuổi, trưởng phòng kế hoạch-tài chánh Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng), Lâm Thị Hồng Tâm (50 tuổi, thủ quỹ của trường) về tội tham ô tài sản.
Truyền thông nhà nước dẫn kết luận điều tra của công an cho biết, ông Huy, bà Tâm đã ký khống chi phiếu (chi phiếu không khi đầy đủ số tiền và các nội dung theo quy định) rồi sau đó điền số tiền để rút tiền từ tài khoản ngân hàng của trường và chiếm đoạt, sử dụng vào mục đích cá nhân.
Để thực hiện việc rút tiền, bà Tâm sử dụng quyển chi phiếu ngân hàng được giao quản lý, không điền đầy đủ thông tin vào mà đưa cho ông Huy ký xác nhận mục “Kế toán trưởng”, sau đó trình cho ông Vinh là Hiệu trưởng trường, chủ tài khoản ký duyệt phát.
Ông Vinh đã hỏi bà Tâm về số tiền không được ghi rõ, nhưng bà Tâm trình bày là đã bàn với ông Huy cân đối số tiền trong tài khoản rồi ghi vào cho phù hợp và ông Vinh đã duyệt các chi phiếu không như vậy cho bà Tâm.
Sau khi ký chi phiếu không có nội dung, ông Vinh không kiểm tra số tiền đã rút là bao nhiêu, có thực hiện việc nhập quỹ tiền mặt hay không, chi thực tế vào nội dung gì, chứng từ tài liệu chứng minh việc chi tiền là gì... mà để cho bà Tâm và ông Huy thực hiện hành vi tương tự trong thời gian dài từ năm 2021 đến ngày 31/12/2022.
Ông Đoàn Quang Vinh (sinh năm 1962) là Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng từ năm 2017 đến cuối năm 2022 thì về hưu.
Facebooker Lê Minh Thể Bị Bắt Giam Theo Điều 331
(Hình: Facebooker Lê Minh Thể.)
- Facebooker Lê Minh Thể vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an quận Bình Thuỷ, thành phố Cần Thơ, khởi tố bị can và bắt tạm giam với cáo buộc tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Báo Nhà nước hôm 22/2/2023 cho biết Công an quận Bình thuỷ ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với ông Thể vào cùng ngày.
Ông Thể (sinh năm 1963) là người vừa mãn hạn tù hai năm hồi tháng 7/2020. Vào ngày 20/3/2019, ông bị Tòa án Nhân dân quận Bình Thuỷ tuyên phạt hai năm tù với cùng tội danh.
Truyền thông nhà nước dẫn thông tin từ công an địa phương cho biết, ông Thể thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết, hình ảnh có nội dung vi phạm pháp luật lên trang Facebook cá nhân để nhiều người chia sẻ, bình luận.
Thông tin không cho biết cụ thể những nội dung vi phạm pháp luật này là gì. Trang Facebook cá nhân của ông Thể có dòng trạng thái cuối cùng được đăng vào ngày 21/2 là hình ảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Ukraine.
Các bài đăng khác trên trang Facebook này là thông tin, hình ảnh, video về tình hình Việt Nam, giấy triệu tập của công an đối với bà Lê Thị Bình, em gái ông Thể, xe điện VinFast, và bài viết mới đây của RFA về trường hợp một Linh mục Công giáo bị giáo dân nghi ngờ có gian lận khi được phong Linh mục.
Trong cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đối với ông Thể tại phiên tòa năm 2019, ông Thể bị cáo buộc đã sử dụng Facebook để phát trực tiếp các nội dung tuyên truyền nói xấu đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bị cho là gây phá hoại sự đoàn kết dân tộc, gây chia rẽ nhân dân với Đảng và Nhà nước; gây phương hại đến an ninh trật tự chính trị quốc gia, an toàn xã hội.
Cáo trạng cũng cáo buộc ông Thể câu kết, móc nối, trao đổi thông tin trên các diễn đàn mạng với các đối tượng phản động trong và ngoài nước nhằm kêu gọi biểu tình, đòi thay thế chế độ, đòi đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập….
Đại Sứ Mỹ Tới Thăm Lào Cai Thảo Luận Công Tác Chống Buôn Người
(Hình: Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, Trịnh Xuân Trường.)
- Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper vừa có chuyến thăm đến thành phố Lào Cai và thị trấn Sa Pa vào ngày 21/2 và 22/2/2023, để thảo luận về công tác phòng chống nạn buôn người.
Thông cáo báo chí của Tòa Ðại sứ Mỹ cho biết Đại sứ Knapper đã gặp cá lãnh đạo địa phương, đại diện tổ chức phi chính phủ và nhân viên tuyến đầu để thảo luận về những nỗ lực trong phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh.
Theo thông cáo báo chí, Hoa Kỳ đã thực hiện dự án FHI 360 bao gồm việc đào tạo 50 nhân viên công tác xã hội, các đại diện của Hội Phụ nữ, các thành viên thuộc bộ đội biên phòng và nhân viên tuyến đầu khác ở Lào Cai về thực hành tốt nhất trong tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân mua bán người.
Nhân chuyến thăm này, Đại sứ Mỹ cũng gặp gỡ những nạn nhân của nạn mua bán người để tìm hiểu về những thách thức mà họ gặp phải khi trở về cộng đồng.
Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam thông qua các tổ chức phi chính phủ gần 1,4 triệu Mỹ kim trong công tác phòng chống nạn buôn người. Số tiền này được dành cho việc tập huấn, đào tạo các nhân viên tuyến đầu và tạo sinh kế cho các nạn nhân của tội phạm buôn người.
Lào Cai là tỉnh nằm trên biên giới với Trung Quốc nơi có nạn buôn người diễn ra phổ biến. Phụ nữ và em gái Việt Nam tại khu vực này bị bán sang Trung Quốc.
Theo truyền thông nhà nước, tại cuộc gặp với lãnh đạo địa phương, Đại sứ Mỹ đánh giá nguy cơ nạn mua bán người tiếp tục gia tăng sau khi nhiều nước mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19.
Hôm 8/1 vừa qua, Trung Quốc đã mở cửa trở lại biên giới với Việt Nam sau ba năm phong tỏa vì đại dịch. Điều này cũng đã ra những thách thức về nạn buôn người qua biên giới sang nước láng giềng.
Trong báo cáo về nạn buôn người của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2022, Hoa Kỳ đã đánh tụt xếp hạng của Việt Nam từ nhóm hai là nhóm các nước cần phải theo dõi xuống nhóm cuối cùng là nhóm ba. Nhóm ba là các nước bị cho là có ít nhất một trong các vấn nạn sau: “buôn người trong các chương trình do chính phủ tài trợ, lao động cưỡng bức trong lĩnh vực y tế hoặc các lĩnh vực khác do chính phủ liên kết, nô lệ tình dục trong các doanh trại của chính phủ, hoặc tuyển dụng binh lính là trẻ em”.
Những nước nằm trong nhóm ba có thể bị hạn chế nhận một số viện trợ của Mỹ trong tương lai.
Tuy nhiên, báo Nhà nước trích lời của Đại sứ Mỹ nói rằng Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc chống nạn buôn người với việc gia tăng số vụ truy tố và xét xủ tội phạm mua bán người, đẩy mạnh xác định nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân trở về, tái hòa nhập cộng đồng.
Nhóm YouTuber Ủng Hộ Bà Nguyễn Phương Hằng Bị Phạt Hành Chính
(Hình: Vũ Văn Thịnh bị tuyên phạt 1 năm tù.)
- Vũ Văn Thịnh người hành hung một nữ giáo viên theo chỉ đạo của nhóm YouTuber ủng hộ bà Nguyễn Phương Hằng đã bị tuyên án một năm tù về tội cố ý gây thương tích.
Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 21/2/2023, ngay sau khi Tòa án Nhân dân quận Gò Vấp (Sài Gòn) đưa ra kết luận phiên xử Sơ thẩm.
Bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng Giám đốc và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Nam - hiện đang bị tạm giam để điều tra về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tòa tuyên phạt Vũ Văn Thịnh một năm tù và buộc Thịnh phải bồi thường cho bà Đinh Thị Chiên – nữ giáo viên bị Thịnh đánh nhầm – 74,5 triệu đồng.
Bà Chiên là chị gái bà Đinh Thị Lan người từng tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng.
Tại tòa, Thịnh xác nhận không quen biết bà Chiên. Do nhầm tưởng bà Chiên với bà Lan và do bất bình việc bà Lan không trả nợ nên Thịnh mới có hành vi gây thương tích. Thịnh thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố và không nhờ Luật sư bào chữa.
Bà Chiên, người bị hại, đã đề nghị cơ quan điều tra xem xét giải quyết trách nhiệm đối với nhóm YouTuber có mặt hôm xảy ra vụ án với vai trò đồng phạm.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định hành vi của nhóm YouTuber trên không cấu thành tội phạm và đã chuyển hồ sơ để xử phạt hành chính. Qua đó, nhóm NVA (YouTuber kênh Chuyện đời thương), VMĐ (kênh Điền Võ Vlog) bị xử phạt về hành vi tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng.
Mặc dù vậy, bà Lan tại tòa, đã tố giác VMĐ, NVA cùng nhiều YouTuber khác có hành vi vu khống, làm nhục và đe dọa giết mình. Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp đang kiểm tra, xác minh.
Ngay sau khi phiên tòa kết thúc, bà Đinh Thị Chiên cho biết trên tờ Pháp luật Tp. HCM rằng bà sẽ kháng cáo toàn bộ bản án vì mức bồi thường 74,5 triệu đồng mà tòa tuyên là quá thấp so với yêu cầu của mình (350 triệu đồng). Bà Chiên cho rằng những thiệt hại, tổn thất về sức khỏe, thu nhập lớn hơn rất nhiều.
Ngoài ra, bà Chiên cũng khẳng định mức án tòa tuyên là quá nhẹ so với những gì bị cáo đã gây ra. Đồng thời, bà còn yêu cầu xem xét trách nhiệm của những YouTuber có liên quan.
Không Đủ Ăn! Nhưng Thanh Hóa Vẫn Xây Tượng Đài Hơn 125 Tỉ Đồng!
(Hình: Phối cảnh dự án xây dựng công viên, tượng đài tưởng niệm 64 giáo viên, học sinh hy sinh trên công trường đắp đê sông Mã vào năm 1972.)
- Tỉnh Thanh Hóa hôm 21/2/2023 khởi công xây dựng một công viên trị giá hơn 125 tỉ đồng. Đây là công viên tưởng niệm 64 giáo viên và học sinh đã hy sinh khi bảo vệ đê Sông Mã trong năm 1972.
Theo truyền thông nhà nước, chủ trương xây dựng tượng đài này được Hội đồng Nhân dân Thanh Hóa thông qua tại kỳ họp tháng 4/2019. Dự kiến kế hoạch khai triển dự án là từ 2019 đến 2021 nhưng đến nay mới được thực hiện.
Dự án do Ủy ban Nhân dân Thanh Hóa là chủ đầu tư với diện tích là 2,05 héc-ta, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2024. Nguồn vốn huy động từ ngân sách tỉnh và do Ủy ban Nhân dân thành phố huy động.
Hồi tháng 8 năm 2022, Thanh Hóa cũng cho khởi công xây dựng một tượng đài khác với trị giá là 255 tỉ đồng. Dự án là Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc gồm hạng mục chính là tượng đài chiếc tàu tập kết dự kiến hoàn thành giữa năm 2023. Dự án này được cho biết do ngân sách tỉnh hỗ trợ là 76,5 tỉ đồng, vốn ngân sách thành phố Sầm Sơn và các nguồn huy động khác là 178,5 tỉ đồng.
Dự án tượng đài 255 tỉ đồng của Thanh Hóa đã bị trì hoãn hồi năm 2021 do đại dịch COVID-19. Một số người dân đã đưa các nhận xét trên Facebook phản đối dự án này vì cho rằng Chính phủ đang xin tiền dân để mua vắc-xin thì Thanh Hóa là bỏ hàng trăm tỉ đồng ra xây tượng đài.
Nhiều người cũng đã từng có phản ứng trước đó khi Thanh Hóa vào năm 2020 đầu tư 50 tỉ đồng để xây dựng Biểu tượng di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, với Tượng đài Búa liềm, Chim Lạc và Trống đồng.
Những người dân Thanh Hóa trả lời phỏng vấn của RFA cho rằng Thanh Hóa đã lãng phí tiền thuế của dân vào việc xây dựng các tượng đài không có ý nghĩa thiết thực.
Việc các địa phương tại Việt Nam xây dựng tượng đài thời gian gần đây liên tục gặp phải các thắc mắc của người dân trên mạng xã hội vì cho rằng tốn kém trong khi còn nhiều vấn đề kinh tế và xã hội khác cấp thiết hơn cần đầu tư.
Bắt 3 Lãnh Đạo Chủ Chốt Tại Công Ty Cổ Phần Khoáng Sản Bắc Giang
(Hình: Công an khám xét mỏ than Bố Hạ.)
- Chủ tịch Hội đồng quản trị cùng Tổng Giám đốc và Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Giang bị khởi tố, tạm giam do nghi tổ chức khai thác than vượt trữ lượng được cấp.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cho truyền thông hay tin trên trong ngày 21/2/2023 đồng thời nêu rõ ba người trên gồm ông Dương Văn Dũng (Chủ tịch), Hà Văn Hòe (Tổng Giám đốc) và Phạm Thanh Thạch (Phó tổng) bị khởi tố, tạm giam để điều tra tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.
Cùng bị khởi tố với lãnh đạo Công ty Khoáng sản Bắc Giang về cùng tội danh còn có ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xuân An và bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xuân An.
Theo Công an Bắc Giang, sai phạm cụ thể của những người nêu trên chưa thể công bố tuy nhiên, qua điều tra, từ tháng 5/2017 đến hết tháng 12/2022, Công ty Khoáng sản Bắc Giang cùng Công ty Xuân An đã khai thác than tại mỏ than Bố Hạ vượt trữ lượng được cấp, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước.
Trước đó, hôm 16/2, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khám xét mỏ than Bố Hạ ở huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang - thuộc Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Giang, quản lý khai thác. Tại đây, Công an đã phát giác nhiều sai phạm trong khai thác khoáng sản.
Từ đầu năm 2022, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã từng yêu cầu công ty Khoáng sản Bắc Giang kiểm tra hiện trạng các mốc giới khu vực và khai thác theo đúng ranh giới, công suất và giấy phép được cấp.
Giám Đốc Trung Tâm Đăng Kiểm Tàu Đánh Cá Bị Bắt Tạm Giam
(Hình: Tàu đánh cá của ngư dân ở cảng Sa Kỳ, đảo Lý Sơn)
- Giám đốc Trung tâm đang kiểm tàu đánh cá thuộc Tổng cục Thủy sản cùng hai nhân viên ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa bị bắt tạm giam để điều tra tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 3 điều 360 Bộ luật Hình sự.
Truyền thông nhà nước hôm 22/2/2023 cho biết những người bị bắt bao gồm: ông Đào Hồng Đức - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm Tàu đánh cá, Nguyễn Vũ Hà (45 tuổi) - Trưởng phòng Trung tâm Đăng kiểm Tàu đánh cá, và Nguyễn Quốc Công (35 tuổi) - đăng kiểm viên của Trung tâm Đăng kiểm Tàu đánh cá.
Báo Nhà nước dẫn kết luận điều tra của công an xác định: Cuối năm 2020, ông Đào Hồng Đức, Nguyễn Vũ Hà và Nguyễn Quốc Công trong quá trình làm việc đã không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ của mình trong giám sát, kiểm tra, thẩm định, cấp giấy tờ và giải quyết hồ sơ chi hỗ trợ đóng mới tàu đánh cá cho ngư dân theo Nghị định số 17/2018.
Trước đó, vào ngày 13/2, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ông Đinh Cao Thượng - phó trưởng phòng của Chi cục Thủy sản. Cả hai người bị cáo buộc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Thời gian gần đây, một loạt các lãnh đạo thuộc các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và Cục Đăng kiểm Việt Nam đã bị khởi tố và bắt giam với các cáo buộc “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ” và “Giả mạo trong công tác”. Có ít nhất 300 người đã bị khởi tố liên quan đến các tội danh nêu trên.
Theo truyền thông nhà nước, Công an Tp. HCM mới đây cũng đã mở rộng điều tra sang các trung tâm đăng kiểm đường thủy.
Ngày 17/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp. HCM cho báo chí biết có 14 người thuộc Chi cục đăng kiểm đường thuỷ ở Sài Gòn và thành phố Vũng Tàu bị bắt giam về tội “Nhận hối lộ” và “Đưa hối lộ”.
Cơ quan điều tra xác định những người bị bắt này đã nhận “lót tay” để qua các lỗi khi đăng kiểm tàu, thuyền.
Thứ Trưởng Bộ Xây Dựng Bùi Hồng Minh Đối Mặt Với Kỷ Luật của Đảng
(Hình: Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh.)
- Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận là có vi phạm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và ngành xi-măng Việt Nam “đến mức phải xem xét kỷ luật”.
Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra hôm 22/2/2023 cho biết, cơ quan này đã xem xét giải quyết các tố cáo ông Bùi Hồng Minh tại kỳ họp 2
Ông Minh nguyên là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Xi-măng Việt Nam.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định ông Minh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, những điều đảng viên không được làm. Ông cũng vi phạm trách nhiệm nêu gương trong lãnh đạo, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và công tác cán bộ; có nguy cơ mất vốn đầu tư.
Ngoài ông Minh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng xác định Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Xi-măng Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 và một số tổ chức, cá nhân cũng có trách nhiệm trong các vi phạm và khuyết điểm nêu trên.
Ông Bùi Hồng Minh (52 tuổi) là Chủ tịch Hồi đồng thành viên Tổng Công ty Xi-măng Việt Nam (VICEM) từ tháng 8/2019. Ngoài ra, ông còn đảm nhiệm vị trí Bí thư Đảng ủy Tổng công ty, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp trung ương.
Ông Minh được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng vào tháng 6/2021.
Thái Bình: Khởi Tố, Bắt Tạm Giam Giám Đốc Bệnh Viên Da Liễu
(Hình Công Thương.)
- Bà Trần Kim Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da Liễu Thái Bình vừa bị bắt tạm giam để điều tra việc lợi dụng chức vụ đưa thuốc từ bên ngoài bán cho bệnh nhân.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam bà Thúy trong ngày 22/2/2023. Truyền thông nhà nước loan tin trên trong cùng ngày.
Theo công an, bà Thúy (53 tuổi) ngụ thành phố Thái Bình bị bắt để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trước đó, hôm 21/2, Công an đã khám xét trụ sở chính của Bệnh viện Da Liễu Thái Bình ngụ tại phường Đề Thám, thành phố Thái Bình. Tối cùng ngày, lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét nơi ở của bà Thúy.
Cũng theo Công an, bà Thúy thời gian qua đã lợi dụng chức vụ quyền hạn đưa số lượng lớn thuốc điều tri, biệt dược từ bên ngoài vào tư vấn, kê đơn, bán cho các bệnh nhân đến thăm khám điều trị tại bệnh viện da liễu Thái Bình.
Số tiền thu được từ việc mua bán thuốc như nêu trên, bà Thúy đã chỉ đạo để ngoài sổ sách kế toán, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Đại Sứ Ukraine Thất Vọng: ‘Chúng Tôi Muốn Việt Nam Đứng Về Phía Chính Nghĩa, Công Lý! Đừng Đứng Về Phe Ác!’
(Hoàng Long)
(Hình: Đại sứ Ukraine tại Việt Nam Oleksandr Gaman.)
-Khi Đại sứ Ukraine, ông Oleksandr Gaman đáp máy bay tới Hà Nội vào tháng 4 năm 2022, ông ý thức rằng công tác ngoại giao mà ông sắp sửa đảm nhiệm sẽ rất khác với những gì ông từng biết.
Đó là vì đất nước của ông đang trong tình trạng chiến tranh và trách nhiệm của ông là nỗ lực vận động mọi sự ủng hộ có thể từ nước sở tại.
Nhưng lập trường không chọn bên của Việt Nam là một thách thức gần như không thể lay chuyển. Nga, nước đang tiến hành một cuộc xâm lược nhắm vào nước ông, có mối quan hệ lịch sử lâu đời với Việt Nam và vẫn khơi gợi sự trung thành từ những người có những mối liên hệ thân thiết với Liên bang Soviet cũ.
Dù Việt Nam nói một cách chung chung rằng họ đứng về phía công bằng và lẽ phải, thế nhưng tại các cuộc biểu quyết của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, Việt Nam nhiều lần bỏ phiếu trắng hoặc chống các nghị quyết lên án Nga.
Trò chuyện với Ban tiếng Việt của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) nhân dịp kỷ niệm một năm cuộc chiến tranh nổ ra vào ngày 24 tháng 2, ông Gaman chia sẻ quan điểm của ông về lập trường của Việt Nam và về những sự việc xảy ra trong năm qua khiến Tòa Ðại sứ Ukraine lên tiếng.
“Chúng tôi muốn Việt Nam đứng về phía chính nghĩa, về phía công lý”, ông nói. “Chúng tôi cần sự ủng hộ của mọi quốc gia để chấm dứt cuộc chiến phi nghĩa này. Như chúng ta biết, lý do thực sự của cuộc chiến này là chỉ để tiêu diệt quốc gia Ukraine, xóa sổ đất nước chúng tôi khỏi bản đồ”.
Nội dung cuộc phỏng vấn đã được biên tập lại cho rõ ràng để dễ theo dõi:
Xin ông cho biết chiến tranh đã ảnh hưởng như thế nào đến công tác của ông trong tư cách một nhà ngoại giao? Có bất cứ thay đổi nào trong cách thức ông làm công tác ngoại giao trong thời chiến không?
Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã bổ nhiệm tôi vào vị trí Ðại sứ Ukraine tại Việt Nam giữa tháng 12 năm 2021. Tôi đã định khởi hành sớm nhất có thể từ Ukraine và bắt đầu nhiệm vụ của mình tại Hà Nội vào cuối tháng 2. Và tất cả chúng ta đều biết rằng vào ngày 24 tháng 2, Nga bắt đầu gây hấn quân sự với Ukraine. Vì vậy, chúng tôi buộc phải hoãn khởi hành và cuối cùng đến vào đầu tháng 4. Thế nên đó là một thời điểm khó khăn cho chúng tôi. Vào ngày 24 tháng 2, tôi và vợ tôi Irina đang ở Kyiv và chúng tôi nghe thấy những vụ nổ đầu tiên, rất gần Kyiv, khoảng 20 cây số bởi vì chúng tôi sống rất gần Phi trường Quốc tế Boryspil. Nơi này là một trong những nơi bị quân Nga tấn công đầu tiên.
Nếu so sánh nhiệm vụ của tôi ở Hà Nội trong thời chiến với nhiệm vụ của tôi ở Istanbul thì khác nhau một trời một vực. Thông thường khi làm nhiệm vụ ngoại giao, mục tiêu của chúng tôi chỉ là làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước, trong trường hợp này là Ukraine và Việt Nam, để thúc đẩy quan hệ thương mại, văn hóa, giao tiếp với người dân. Nhưng khi chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine, mục tiêu của chúng tôi là thông tin cho xã hội Việt Nam biết về những gì đang thực sự xảy ra ở Ukraine, lý do thực sự của cuộc chiến này là gì, tại sao ông Putin quyết định làm như vậy. Và như chúng ta biết, tuyên truyền của Nga là rất mạnh. Họ đã chi hàng tỉ Mỹ kim để chia sẻ, lan truyền tin giả, thông tin xuyên tạc, vân vân. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng tôi bây giờ hoàn toàn khác.
Ông muốn người dân Việt Nam biết gì về đất nước của ông và về cuộc chiến đang xảy ra ở đó?
Hàng ngàn người Việt Nam hiểu rất rõ về Ukraine. Trước khi chiến tranh nổ ra, khoảng 7000 người Việt Nam sống ở đó. Họ làm ăn, học tập, sinh sống và nuôi dạy con cái nên nhiều người trong số họ hiểu rất rõ về Ukraine. Giờ chúng tôi muốn nói với họ, cho họ biết lý do thực sự của cuộc chiến này là gì. Nhiều người trong số họ ủng hộ Ukraine theo nhiều cách khác nhau. Họ biết rằng Ukraine là một đất nước rất yên bình. Trước khi chiến tranh bắt đầu, không ai thúc ép hay bắt buộc họ rời khỏi đất nước của chúng tôi. Họ có nhiều bạn bè ở đó. Họ biết rằng văn hóa Ukraine rất tốt đẹp. Họ yêu mến đất nước này. Cho nên, điều mà bây giờ chúng tôi cần làm là thông tin cho xã hội Việt Nam biết về tình hình nhân đạo.
Xin ông cho biết về những việc quan trọng nhất mà ông đã thực hiện được trong tư cách Ðại sứ và những việc đó có ý nghĩa như thế nào đối với ông?
Mọi phái bộ ngoại giao của Ukraine ở ngoại quốc hiện chỉ có một mục tiêu quan trọng nhất: Đó là lập lại hòa bình ở Ukraine. Nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ các đối tác quốc tế của chúng tôi. Không may là tại Việt Nam, như anh đã biết, Việt Nam giữ quan điểm trung lập về cuộc chiến này ở Ukraine. Vì vậy, cho đến bây giờ, tôi không nghĩ rằng tôi đã đạt được mục tiêu này. Tôi hi vọng một số thành tựu sẽ sớm đạt được, nhưng chưa phải bây giờ. Thường thì năm đầu tiên của nhiệm kì, mọi phòng ban đều nỗ lực thiết lập những mối liên lạc mới. Vì vậy, những gì tôi đã làm trong năm đầu tiên của mình là tôi đã thiết lập nhiều mối liên lạc và tôi hi vọng chúng tôi sẽ sớm có được một số cơ hội.
Như ông đã biết, khi chiến tranh nổ ra vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, người Việt Nam rất quan tâm đến những gì đang diễn ra và tại sao Nga lại làm điều mà họ đang làm. Và đến lúc cộng đồng quốc tế lên tiếng về cuộc xung đột này, thì Việt Nam hoặc là bỏ phiếu trắng hoặc là bỏ phiếu chống những nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về chiến tranh hoặc về Nga. Ông có thấy lập trường của Việt Nam đáng thất vọng không?
Đúng như anh nói, quan điểm của Việt Nam rất nhất quán, tất cả các viên chức cao cấp, đặc biệt là trong các bài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, đều nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Những lời lẽ rất mạnh mẽ, những tuyên bố rất hùng hồn, nhưng đến khi biểu quyết cho các nghị quyết về Ukraine thì Việt Nam đã bỏ phiếu trắng hoặc bỏ phiếu chống. Cho đến nay Việt Nam chưa bao giờ chính thức lên án Nga xâm lược Ukraine, và chưa bao giờ nêu đích danh nước đã xâm lược nước láng giềng phía nam của mình. Đối với tôi, trong tư cách Ðại sứ của một nước thân thiện, điều này thực sự đáng thất vọng. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực để thông tin cho các viên chức ở Việt Nam biết điều gì đang thực sự xảy ra, nguyên nhân của cuộc chiến này là gì, nhưng cho đến nay, như tôi đã nói ở đầu cuộc nói chuyện, chúng tôi vẫn chưa làm được.
Chính xác là ông muốn thấy gì từ Việt Nam? Chính xác là ông muốn nghe gì từ Việt Nam về cuộc chiến nhắm vào Ukraine?
Chúng tôi muốn Việt Nam đứng về phía chính nghĩa, về phía công lý. Chúng tôi cần sự ủng hộ của mọi quốc gia để chấm dứt cuộc chiến phi nghĩa này. Như chúng ta biết, lý do thực sự của cuộc chiến này là chỉ để tiêu diệt quốc gia Ukraine, xóa sổ đất nước chúng tôi khỏi bản đồ. Nhưng tôi vẫn giữ thái độ tích cực. Tôi tin rằng Việt Nam cuối cùng sẽ chọn đứng về lẽ phải. Tôi thậm chí không nói về chuyện đứng về phe nước này hay nước kia, tôi đang nói về công lý.
Theo sự hiểu biết của ông thì tại sao lại khó khăn như vậy, tại sao Việt Nam ngần ngại nêu đích danh Nga?
Trước hết, chuyện này liên quan đến mối quan hệ lịch sử của Việt Nam với Nga. Nga là một nước cộng hòa thuộc Liên bang Soviet cũ. Thứ hai, Nga sau khi Liên Xô sụp đổ đã trở thành một trong những đối tác chiến lược về hỗ trợ quốc phòng và nước cung cấp năng lượng quan chính. Vì vậy, đây là hai điều tôi nghĩ là quan trọng nhất giải thích vì sao Việt Nam giữ quan điểm trung lập. Về cuộc chiến ở Ukraine, thêm nữa, tôi đã nhiều lần nghe nói rằng chính phủ Việt Nam không muốn chia rẽ xã hội vì có những người đứng về phía Ukraine trong khi những người khác vẫn tin vào Putin. Tôi đoán là có một số lý do về mặt xã hội nữa.
Năm 2022, có những tin tức cho biết là một số công dân Việt Nam định đến một sự kiện do Tòa Ðại sứ Ukraine tổ chức nhưng bị chặn không cho đi, tôi chắc là ông có thể hay biết về những sự việc đó. Sau đó đã có một sự kiện thảo luận văn học nơi một số người Việt Nam đến để thảo luận về thơ của Taras Shevchenko và có các viên chức Ukraine ở đó. Và rồi khi cuộc thảo luận đang diễn ra thì bị mất điện. Và cũng có một sự việc gây tò mò nữa là khi những người Ukraine tham gia một cuộc chạy vì hòa bình, những bức ảnh của họ được đăng trên website của báo Hà Nội Mới. Nhưng sau đó vì một số lý do không rõ là gì, những bức ảnh đó đã bị gỡ xuống trong khi hình ảnh của những người Nga tham gia thì vẫn còn. Ông nghĩ gì về những sự việc này?
Sự kiện mà anh nhắc tới được tổ chức bởi những người vận động ở địa phương là bạn bè của Ukraine, và để thảo luận về thơ của nhà thơ Taras Shevchenko. Có sự việc diễn ra trong sự kiện này, đó là mất điện. Tôi thực sự không biết chuyện gì đã xảy ra ở đó bởi vì tôi không thể tham dự. Vợ tôi và cấp dưới của tôi là Nataliya [Zhynkina] có mặt ở đó. Chúng tôi chưa bao giờ nhận được bất kỳ lời giải thích nào về chuyện gì thực sự đã xảy ra. Sự việc thứ hai, như anh đã đề cập, đó là một sự kiện thể thao, một cuộc chạy vì hòa bình. Chúng tôi quyết định tham gia giải này và rất vui khi chúng tôi nhìn thấy hình ảnh của mình với lá cờ Ukraine, đặc biệt là bây giờ khi Ukraine đang chiến đấu vì tự do và chủ quyền của mình. Và thật không may, chỉ vài giờ sau đó, Hà Nội Mới gỡ hết những bức ảnh của chúng tôi. Chúng tôi thấy điều đó hơi lạ và quyết định đăng thư ngỏ gửi tới ban biên tập của tờ báo, nhưng cho đến nay vẫn chưa có phản hồi. Chúng tôi chưa bao giờ nhận được bất cứ phản hồi nào cả. Không có gì cả.
Ông có bất cứ cuộc thảo luận nào với các viên chức Việt Nam về những sự việc này không?
Không, chúng tôi không thảo luận về chuyện này bởi vì đó là chuyện liên quan tới truyền thông. Và chúng tôi không có cơ hội nói chuyện trực tiếp với họ. Như tôi đã nói, họ không bao giờ trả lời nên chúng tôi quyết định cho qua.
Và cho đến nay ông vẫn không biết tại sao những chuyện này lại xảy ra, phải không?
Tôi không biết [cười].
Tôi muốn hỏi ông về những cá nhân người Việt Nam đang nỗ lực hết sức để giúp đỡ người Ukraine gặp hoạn nạn. Ông nghĩ gì về sự đóng góp của những cá nhân này ở Việt Nam và những nơi khác ở Ba Lan ở Đức, trên khắp Âu Châu?
Kể từ khi chiến tranh bùng nổ, ngay từ ngày đầu tiên của cuộc chiến, nhiều người Việt Nam đã đến Tòa Ðại sứ của chúng tôi để bày tỏ sự đồng cảm với Ukraine. Một số người trong số họ đến nay vẫn còn mang đồ quyên tặng tới, bất kể là nhiều hay ít thì nó cũng rất quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi cảm kích sự ủng hộ này. Mọi vật phẩm quyên tặng đều rất quan trọng đối với chúng tôi, đối với Ukraine. Tính đến nay, người Việt Nam đã quyên góp cho Tòa Ðại sứ hơn 250.000 Mỹ kim. Đó là một số tiền rất lớn. Chúng tôi đã gửi tiền về Ukraine để mua thuốc men và thực phẩm. Và gần đây người Việt Nam cũng giúp chuyển hàng viện trợ nhân đạo từ Đức và Ba Lan, từ những người Việt Nam sống ở đó. Thật tuyệt vời. Chúng tôi biết ơn về mọi sự hỗ trợ, mọi lời động viên và mọi thông điệp ủng hộ.
Tháng 4 năm 2022, ông đăng một video phản bác điều mà ông gọi là chiến tranh thông tin mà ông cáo buộc người Nga đang tiến hành để thao túng dư luận Việt Nam và bôi nhọ Ukraine. Ông có chắc rằng người Nga đứng đằng sau nỗ lực này không?
Có, tôi không nghi ngờ là Nga đứng sau vụ này. Thật ra vụ xé cờ Việt Nam này đã xảy ra cách đây khoảng 20 năm và thậm chí người Ukraine còn không biết là ở đâu nữa. Tôi cũng không biết. Việc khơi lại video xé cờ được thực hiện bởi những người chuyên nghiệp. Chúng ta biết, Nga rất giỏi trong chuyện này. Họ bỏ ra hàng tỉ Mỹ kim để chia sẻ những tuyên truyền của họ, để phát tán những tuyên truyền ở Nga và ở ngoại quốc.
Ông có thông tin nào cho thấy nỗ lực này xuất phát từ Tòa Ðại sứ Nga tại Việt Nam hay đó chỉ là chiến dịch thông tin xuyên tạc của Nga nói chung?
Tôi nghĩ Tòa Ðại sứ Nga có thể dính líu trong vụ này.
(Tòa Ðại sứ Nga ở Việt Nam không hồi đáp yêu cầu bình luận của VOA về những cáo buộc của Đại sứ Gaman.)
Ông lo lắng về hoạt động này tới mức nào? Ông có nghĩ nó vẫn đang tiếp diễn không?
Có, tôi nghĩ việc này vẫn đang tiếp diễn, không chỉ ở Việt Nam mà ở khắp thế giới. Tất cả chúng ta đều nhớ những tuyên truyền nực cười, thực sự nực cười, như “những con muỗi quân sự” hay bom bẩn mà Nga nói là được chế tạo ở Ukraine bởi các đối tác phương Tây của chúng tôi. Hay một thông tin tuyên truyền khác liên tục được phát tán là Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã chạy khỏi Ukraine và đang trốn đâu đó ở Ba Lan hoặc một nơi nào đó.
Ông chống trả những thông tin kiểu này như thế nào? Làm sao đẩy lùi những thông tin xuyên tạc kiểu này?
Anh biết đấy, có hàng ngàn trang Facebook lan truyền thông tin sai trái ở Việt Nam, vì vậy chúng tôi không thể theo dõi hết những trang này. Chúng tôi cố gắng thông tin cho xã hội biết điều gì đang thực sự diễn ra nhưng chúng tôi không thể kiểm soát được tất cả các nguồn phát tán.
Tôi muốn hỏi ông một số câu hỏi về cách thức mà truyền thông Việt Nam đưa tin về cuộc chiến này. Kể từ khi ông nhận nhiệm sở, ông có được bất cứ cơ quan thông tấn nào ở Việt Nam tiếp cận để xin bình luận hoặc phỏng vấn về những gì đang diễn ra chưa?
Để tôi trả lời câu hỏi thứ hai trước. Kể từ khi tôi đến Việt Nam, tôi chưa bao giờ nhận được dù chỉ một lời mời phỏng vấn từ cơ quan truyền thông nhà nước. Nói vậy là anh hiểu câu trả lời của tôi cho câu hỏi đầu tiên là gì rồi. Tôi không nghĩ là đủ. Người dân bình thường ở Việt Nam không thể nắm được đầy đủ thông tin về tình hình ở Ukraine. Không thể tìm thấy bất kỳ bình luận nào từ các viện nghiên cứu, chuyên gia hoặc một số tổ chức về tình hình thực tế, về lý do chiến tranh. Vì vậy, câu trả lời của tôi là tôi nghĩ truyền thông Việt Nam tường trình chưa đủ.
Ông đã thử đề nghị cho họ phỏng vấn nhưng họ chưa bao giờ nhận lời, phải không?
Không trả lời. Không có phản hồi. Chưa bao giờ.
Ông có thấy có sự khác biệt trong cách mà truyền thông Việt Nam đưa tin về cuộc chiến vào lúc này so với lúc cuộc chiến mới bắt đầu không?
Bây giờ có thì ít tuyên truyền của Nga hơn một chút. Trung dung hơn, và tôi nghĩ nó xuất phát từ chính sách đối ngoại của Việt Nam, Việt Nam đang cân bằng giữa hai nước về tình hình Ukraine hiện nay. Vì thế đó là lý do tại sao có ít tuyên truyền của Nga hơn.
Theo dõi các mạng xã hội Việt Nam, tôi nhận thấy có một số lượng đáng kể những người ủng hộ Ukraine mạnh mẽ và ủng hộ điều mà Ukraine đang tranh đấu. Chuyện đó không thể phủ nhận. Nhưng cũng có những người hoài nghi và chỉ trích, và những người này rất lớn tiếng trên mạng xã hội và ý kiến của họ cũng được lặp lại bởi bởi các cựu lãnh đạo quân sự. Và về cơ bản, lập luận mà những người này là Ukraine đã phạm sai lầm khi liên kết với phương Tây, với EU và rời xa Nga, và lẽ ra Ukraine phải học được bài học từ Việt Nam, đó là không đứng về bên nào. Và một số thậm chí còn đi xa hơn khi lặp lại tuyên truyền của Nga rằng Ukraine thật ra là một phần của Nga, nằm trong đại gia đình Nga, rằng Nga là anh cả mà lẽ ra Ukraine không bao giờ nên coi thường bằng cách liên kết với phương Tây. Ông nói gì với những người giữ quan điểm này?
Mỗi quốc gia có chủ quyền, độc lập đều có quyền lựa chọn con đường phát triển riêng của mình. Người Ukraine chúng tôi đã chọn con đường dân chủ, nhân quyền, giá trị nhân văn. Con đường của sự thịnh vượng. Chúng tôi chưa bao giờ muốn trở thành một phần của Nga. Hai nước chưa bao giờ là anh em. Bởi vì nếu nhìn lại lịch sử sẽ thấy nhiều dữ kiện cho thấy Nga luôn muốn tiêu diệt bản sắc của chúng tôi. Chẳng hạn như vào thế kỷ 17, Pyotr Đại đế ban hành Sắc lệnh mà theo đó người Ukraine thậm chí không thể xuất bản sách bằng tiếng Ukraine. Người Ukraine không thể dạy tiếng Ukraine cho con cái họ, họ thậm chí không thể đưa tiếng Ukraine vào nhà thờ. Một lần nữa, chúng tôi chưa bao giờ là anh em. Chúng tôi không muốn trở thành một phần của Nga. Tất cả những gì chúng tôi muốn bây giờ là Nga hãy để chúng tôi yên vì chúng tôi đã lựa chọn trở thành một phần của Âu Châu, một phần của thế giới tự do, không phải Nga.
Rõ ràng nước Nga của Putin không có quan điểm như vậy. Tôi muốn tiếp nối câu hỏi vừa nãy. Ông có nhận thấy chủ nghĩa đế quốc Nga là một yếu tố trong cái cách mà cuộc chiến này được khơi mào không?
Tôi đồng ý với anh. Điều đó đúng. Tôi nhớ vào năm 2008 tại Bucharest, đó là tại hội nghị thượng đỉnh NATO khi Putin lần đầu tiên nói rằng đất nước như Ukraine hay chính xác là Ukraine không tồn tại, và không có quyền tồn tại. Sau đó, gần đây, ông ta lặp lại rất nhiều lần trước khi tiến hành cuộc xâm lược toàn diện nhắm vào Ukraine. Đó là một bằng chứng nhỏ cho thấy chủ nghĩa đế quốc Nga là thật.
Tôi muốn hỏi ông vài câu về hoàn cảnh cá nhân của ông. Tôi biết là vợ của ông, bà Gaman, đang ở đây với ông ở Hà Nội, nhưng tôi chắc chắn rằng ông cũng có người nhà ở Ukraine. Tình hình của họ ra sao? Họ có bị ảnh hưởng bởi chiến tranh không?
Cha mẹ của tôi sống ở Ukraine. Họ không định sống ở bất cứ nơi đâu hay đến bất cứ nước nào khác. Họ đã lớn tuổi rồi. Bảy mươi lăm, bảy mươi sáu tuổi. Và như bất kì người Ukraine nào khác, tất nhiên là họ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Thật ra tôi mới có cơ hội đến thăm họ cách đây một tháng. Chúng tôi các Ðại sứ có một cuộc họp ở Ukraine. Vì thế, tôi quyết định đến thăm cha mẹ tôi và nói chuyện với họ. Tình cảnh rất khó khăn. Không có điện ít nhất vài giờ mỗi ngày. Liên lạc thì luôn là vấn đề. Rồi hơi sưởi ấm, nước, tất cả những thứ đó.
Họ ở Kyiv à?
Không, họ sống ở một thành phố nhỏ ở vùng Khmelnytskyi, gần biên giới Ba Lan hơn. Nhưng cũng chả có ích gì vì Nga tấn công người Ukraine trên khắp Ukraine bất kể là họ sống ở đâu. Không có nơi nào an toàn ở Ukraine, như anh biết đấy, kể từ ngày 10 tháng 10. Và tất cả những gì họ làm chỉ là cố gắng phá hủy hoàn toàn hệ thống năng lượng của Ukraine. Có rất nhiều vấn đề, và tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 50% hệ thống năng lượng của Ukraine đã bị đánh sập.
Ngoài những vấn đề mà Nga gây ra, cha mẹ của ông vẫn ổn chứ?
Câu này khó trả lời. Tôi biết là họ bây giờ sống vẫn ổn. Tôi cố gắng nói chuyện với họ hàng ngày qua điện thoại. Xem họ có ổn không. Nhưng tôi hi vọng họ sẽ có thể sống sót qua cuộc chiến này.
Hoàn cảnh như vậy thật là khó khăn cho họ và cho ông nữa. Tôi biết ông lo lắng cho họ rất nhiều. Đại sứ, tôi phải kể cho ông nghe chuyện này. Hôm qua tôi làm một video và tôi cần tìm một số hình ảnh từ Ukraine vì video này là về dịp kỉ niệm một năm chiến tranh ở Ukraine. Tôi vào kho hình ảnh của hãng tin Associated Press và khi tôi vào ô tìm kiếm, tôi gõ từ “Ukraine” và “đám tang”. Có rất nhiều hình ảnh đám tang ở khắp Ukraine, hàng trăm, hàng ngàn bức ảnh như vậy. Hết ngày này qua khác lại có một đám tang ở đâu đó, nhiều đám tang trên khắp Ukraine.
Và điều đau lòng là nhìn thấy những bức ảnh này, thấy những người phụ nữ già trẻ, những người đàn ông già trẻ khóc bên quan tài của một chiến sĩ vệ quốc người Ukraine đã hi sinh vì đất nước của mình. Tôi phải nói là thật khó kìm nén sự xúc động khi nhìn những bức ảnh như thế. Và tôi không thể tưởng tượng được sự đau đớn của những người này, hoàn cảnh của họ thật là khủng khiếp. Tôi có những cảm nghĩ như vậy dù tôi không phải là người Ukraine, tôi ở cách xa Ukraine hàng ngàn dặm. Nhìn thấy cảnh đó thực sự rất thương tâm.
Thưa Đại sứ, là người Ukraine, khi ông đọc những chuyện về người dân nước ông chết vì phi đạn của Nga, vì một vụ thảm sát ở đâu đó, chẳng hạn như ở Bucha vào năm 2022, và khi ông nhìn thấy những bức ảnh người chết trên đường phố, và không thể tưởng tượng được chuyện đó lại xảy ra trong thời đại ngày nay. Ông cảm thấy như thế nào?
Anh vừa nói rằng anh không phải là người Ukraine nhưng cảm thấy xúc động và đau lòng. Tôi cũng cảm thấy như vậy, thậm chí còn tệ hơn. Anh biết đấy, những tháng đầu tiên của cuộc chiến mà tôi trải qua ở Ukraine, tôi đã thấy, tôi đã nghe nhiều vụ nổ. Tôi đã nhìn thấy cái chết. Tôi không thể giải thích những gì tôi cảm thấy nhưng đôi khi tôi không thể tập trung làm việc. Tôi không thể nghĩ về công việc của mình ở đây vì tâm trí của tôi ở bên kia với cha mẹ tôi, nghĩ về tình hình chiến sự, đôi khi chỉ muốn khóc anh biết không….
Thật kinh khủng. Nhưng đồng thời, chỉ hai tháng trước ở Ukraine tôi đã gặp nhiều người, tôi đã nhìn thấy ánh mắt của họ. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng họ sẽ không bỏ cuộc, sẽ chiến đấu cho đến khi chúng tôi chiến thắng. Và tôi biết rằng chúng tôi sẽ chiến thắng với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, và tôi hi vọng rằng Việt Nam cũng sẽ sát cánh cùng chúng tôi, sẽ đứng về phía công lý.
Vâng, và như ông đã biết, tình hình ở Bakhmut rất căng thẳng, rất rất khó khăn, và người Nga có thể đang lên kế hoạch tấn công vào dịp kỉ niệm để tạo đà tiến giành được một chiến thắng nào đó. Và chiến sự sẽ trở nên ác liệt hơn và có những ngày tin tức sẽ xấu hơn. Làm thế nào ông tìm thấy động lực để thực hiện nhiệm vụ của mình khi ông nghe những tin tức như vậy? Làm thế nào để ông có động lực để tiếp tục làm việc, tiếp tục đại diện đất nước của ông tại Việt Nam?
Tôi là người Ukraine. Tôi đã sẵn sàng làm việc đó. Chúng tôi đã học được rất nhiều kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Chúng tôi đã trở nên mạnh mẽ hơn, khôn ngoan hơn. Và khi Nga bắt đầu tấn công ở Bakhmut. Chúng tôi càng tin chắc vào chiến thắng của mình. Và điều đó giúp tôi làm nhiệm vụ của mình ở đây, tiếp tục công tác và làm việc với các đối tác Việt Nam.
Và đó là câu hỏi cuối của tôi rồi. Một lần nữa cảm ơn Đại sứ rất nhiều đã dành thời gian để thực hiện cuộc phỏng vấn này và chia sẻ những suy nghĩ ông về những gì đang xảy ra và về hoàn cảnh cá nhân của ông.
Cảm ơn rất nhiều đã cho tôi cơ hội nêu lên quan điểm và suy nghĩ của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét