Tổng Kết Tin Tức Trung Quốc Tặng Hoa Kỳ Trái Bóng “Dọ Thám Tình Yêu!” Trong Dịp “Happy Valentine!”
“Vừa Ăn Cướp, Vừa La Làng!” Trung Quốc Chỉ Trích Hoa Kỳ ‘Phản Ứng Thái Quá’ Làm Lớn Chuyện, Trong Vụ Bắn Hạ Khí Cầu
(Hình: Khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển Surfside Beach, South Carolina, Mỹ, ngày 4 tháng 2 năm 2023.)
- Hôm Chủ Nhật (5/2/2023), Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã phản đối “cuộc tấn công” của Hoa Kỳ vào một khí cầu không người lái của Trung Quốc ở Hoa Kỳ, nói rằng đó là một “phản ứng thái quá rõ ràng”. Ông Tan Kefei, phát ngôn viên của Bộ, nói trong một tuyên bố rằng Trung có quyền sử dụng các biện pháp cần thiết để đối phó với các tình huống tương tự, nhưng không cho biết chi tiết.
Một máy bay chiến đấu của quân đội Hoa Kỳ đã bắn hạ một khí cầu bị tình nghi là do thám của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển South Carolina hôm thứ Bảy, một tuần sau khi nó lần đầu tiên bay vào không phận Hoa Kỳ và gây ra một câu chuyện gián điệp kịch tính - và công khai - làm xấu đi quan hệ Trung-Mỹ.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án mạnh mẽ cuộc tấn công quân sự nhằm vào khí cầu mà họ nói là được sử dụng cho các mục đích khí tượng và khoa học, đồng thời nói rằng việc nó bay lạc vào không phận Hoa Kỳ là “hoàn toàn vô tình”. Tuyên bố này đã bị các viên chức Hoa Kỳ bác bỏ thẳng thừng.
“Trung Quốc đã yêu cầu rõ rằng Hoa Kỳ giải quyết phù hợp vấn đề này một cách bình tĩnh, chuyên nghiệp và kiềm chế”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.
“Mỹ đã nhất quyết sử dụng vũ lực, rõ ràng là phản ứng thái quá”.
Một viên chức chính quyền cấp cao cho biết rằng sau khi bắn hạ khí cầu, chính phủ Mỹ đã trao đổi trực tiếp với Trung Quốc về hành động này. Bộ Ngoại giao cũng đã thông báo cho các đồng minh và đối tác trên khắp thế giới, viên chức này cho biết.
Hiện vẫn còn các câu hỏi về việc Trung Quốc có thể đã thu thập được bao nhiêu thông tin khi khí cầu bay khắp nước Mỹ.
Cao Bồi Thế Giới! Vụ Khinh Khí Cầu: Trung Quốc Hung Hăng Cảnh Báo, Sẵn Sàng Bắn Hạ Chiến Hạm và Máy Bay Mỹ Trong Vùng Biển Để Đáp Trả?
- Ngày 5/2/2023, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay sau khi khinh khí cầu Trung Quốc bị Không quân Mỹ bắn hạ ở ngoài khơi tiểu bang Nam Carolina, Trung Quốc đã lên án Hoa Thịnh Ðốn “phản ứng thái quá”.
Bắc Kinh tuyên bố sẵn sàng đáp trả tương tự. Thông tín viên Stéphan Lagarde của Đài RFI tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc tường trình:
“Tức giận vì bị mất khinh khí cầu, Trung Quốc lên giọng. Sau những phát biểu lấy làm tiếc và kêu gọi kiềm chế từ phía Trung Quốc không có tác dụng, giờ đây Bắc Kinh cáo buộc chính quyền Hoa Kỳ “vi phạm các công ước quốc tế” sau khi bắn hạ vật thể mà họ gọi là “khinh khí cầu khí tượng (...) chẳng may bay vào không phận Mỹ”.
Trước phản ứng bị coi là “thái quá”, Trung Quốc cho rằng “có quyền” đưa ra những biện pháp cần thiết để bảo vệ “quyền lợi chính đáng” của họ, theo thông cáo Ngoại giao. Mục bình luận đã bị khóa dưới thông cáo mới được Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố sáng 5/2.
Tuy nhiên, dưới một đoạn video ngắn trên trang web của Đài Truyền hình Nhà nước Trung Quốc, người ta có thể đọc những giòng chữ sau: “Kể từ bây giờ, chúng ta sẽ đáp trả họ điều tương tự bằng cách tấn công hoặc đánh chìm mọi chiến đấu cơ, chiến hạm của Mỹ thâm nhập vào vùng biển Trung Quốc”.
Hiện giờ, báo chí Nhà nước đưa tin chừng mực về vụ này. Có khả năng là chính phủ Trung Quốc lo ngại phản ứng của những người theo chủ nghĩa dân tộc, rất nhạy cảm trước những sự kiện có thể được coi là “mất thể diện”, cũng như lo ngại về những gì mà Hải quân Mỹ có thể phát giác ra được trong những mảnh vỡ của quả khinh khí cầu bí hiểm, không người lái, rơi ở ngoài khơi”.
Tìm Hiểu Chút Những Bí Mật của Khinh Khí Cầu Trung Quốc Dọ Thám Mỹ
- Vì một “quả bóng trắng” trên không phận Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Antony Blinken ngày 3/2/2023 đã quyết định đình hoãn vô thời hạn chuyến công du Trung Quốc. Sự việc đang làm dấy lên rất nhiều câu hỏi cả về mặt kỹ thuật lẫn mục tiêu của khinh khí cầu “dọ thám” này.
Tại sao Bắc Kinh lại sử dụng khinh khí cầu dọ thám Mỹ? Tại sao Tòa Bạch Ốc cho tới tối qua mới “bắn hạ”quả bóng màu trắng đó? Làm thế nào mà “bóng thám không” Trung Quốc bay sang tận tới Hoa Kỳ? Thông tấn xã AFP mời một chuyên gia trong lĩnh vực dùng khinh khí cầu để theo dõi các hoạt động trên mặt đất, William Kim, thuộc trung tâm chuyên về an ninh The Marathon Initiative, trụ sở tại Hoa Thịnh Ðốn, trả lời các câu hỏi trên.
Trước hết theo ông Kim, khinh khí cầu của Trung Quốc được phát giác trên bầu trời tiểu bang Montana gần các cơ sở quân sự của Mỹ được “điều khiển từ xa”. Trong ruột quả bóng trắng người ta trông thấy rất nhiều trang thiết bị điện tử, kể cả pin mặt trời. Chuyên gia Mỹ này không loại trừ khả năng Trung Quốc sử dụng những kỹ thuật điều khiển từ xa còn quá mới mẻ đối với quân đội Mỹ. Đương nhiên là kỹ thuật đó đòi hỏi “bộ não” trong quả kinh khí cầu phải được kết nối liên lạc với một căn cứ trên mặt đất.
Về câu hỏi khinh khí cầu có hiệu quả hơn vệ tinh quan sát hay không, ông William Kim trả lời: Các vệ tinh càng lúc càng dễ bị tấn công có thể là Trái đất hay trong không gian. Trong khi đó khinh khí cầu có nhiều lợi thế. Một là không dễ bị radar phát giác. Quả bóng càng nhỏ thì càng dễ thoát khỏi “tai mắt của radar” mà đối phương sử dụng. Lợi thế thứ nhì là một quả bóng như vậy có thể “đứng im tại chỗ” trong một thời gian khá lâu, để “quan sát những mục tiêu, những đối tượng cần nắm”. Trong khi các vệ tinh dọ thám phải bay theo các quỹ đạo”.
Về khả năng khinh khí cầu Trung Quốc “vô tình lạc lối” vào không phận Mỹ, chuyên gia trung tâm The Marathon Initiative giải thích: “Rất có thể” là ban đầu quả bóng trắng đó được lệnh thu thập thông tin bên “ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ” hay để “hoạt động ở một độ cao cao hơn nữa”, nhưng rồi vật thể bay này gặp trục trặc kỹ thuật, để bị phát giác. Ông Kim nói thêm, khinh khí cầu của Trung Quốc đã bị phát giác ở độ cao 14.000 mét, thay vì từ 20.000 đến 30.000 mét như bình thường”.
Tại sao Mỹ lúc đầu không dám bắn hạ khinh khí cầu trên bầu trời Montana? William Kim trả lời: Khinh khí cầu hoạt động nhờ chất helium. Người ta không thể bắn vào quả bóng đó khiến nó cháy hay phát nổ. Dù có bị chọc thủng, bóng cũng mất nhiều thời gian mới xì hơi. Năm 1998, Không quân Gia Nã Ðại đã bắn khoảng 1.000 viên đạn cỡ 20 ly vào một quả bóng tương tự và phải đợi đến 6 ngày sau, quả bóng đó mới xì hơi. Chuyên gia Mỹ này không chắc là ngay cả trong trường hợp dùng phi đạn địa đối không bắn vào mục tiêu, khinh khí cầu này đã rớt ngay lập tức. Ngoài ra, các bộ phận được lắp ráp trong ruột quả bóng có chức năng “săn lùng” những vật thể lạ bay chung quanh.
Khinh Khí Cầu Do Thám: Khái Niệm Cũ, Ứng Dụng Mới!
(Hình: Một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay cao trên vùng trời Billings, tiểu bang Montana, ngày 1/2/2023.)
Hôm 2/2/2023, các viên chức Hoa Kỳ cho biết một “khinh khí cầu do thám” của Trung Quốc đã bay ngang qua nước Mỹ trong vài ngày.
Sử dụng khinh khí cầu tầm cao để do thám và thực hiện các nhiệm vụ quân sự khác là một hoạt động đã có từ giữa thế kỷ trước. Sau đây là những gì được biết về cách chúng hoạt động và mục đích có thể được sử dụng:
Trong Ðệ nhị Thế chiến, quân đội Nhật Bản đã khai thác luồng gió xoáy để đưa những quả khinh khí cầu mang bom vào lãnh thổ Hoa Kỳ. Không có mục tiêu quân sự nào bị hư hại, nhưng một số thường dân đã thiệt mạng khi một trong những khinh khí cầu đó rơi xuống một khu rừng ở Oregon.
Ngay sau Ðệ nhị Thế chiến, quân đội Hoa Kỳ bắt đầu khai phá việc sử dụng khinh khí cầu do thám tầm cao, dẫn đến một loạt nhiệm vụ quy mô lớn có tên Dự án Genetrix. Dự án này cho bay các khinh khí cầu chụp ảnh trên lãnh thổ khối Xô Viết vào những năm 1950, theo các tài liệu của chính phủ.
Những khí cầu như vậy thường hoạt động ở độ cao 24.000-37.000 mét, cao hơn nhiều so với hàng không thương mại - máy bay chở khách hầu như không bao giờ bay cao hơn 12.000 mét. Máy bay chiến đấu hiệu suất cao nhất thường không hoạt động trên độ cao 18.000 mét, mặc dù các máy bay do thám như U-2 bay từ 24.000 mét trở lên.
Ưu điểm của khinh khí cầu so với vệ tinh bao gồm khả năng quét các vùng lãnh thổ rộng lớn cận cảnh hơn và có thể dành nhiều thời gian hơn cho một khu vực mục tiêu, theo một báo cáo năm 2009 cho Trường Chỉ huy và Tham mưu Không quân của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ.
Không giống như các vệ tinh vốn đòi hỏi các bệ phóng không gian có giá hàng trăm triệu Mỹ kim, các quả khinh khí cầu có thể được phóng với chi phí rẻ.
Các khinh khí cầu không được điều khiển trực tiếp, nhưng có thể được hướng dẫn sơ bộ đến khu vực mục tiêu bằng cách thay đổi độ cao để đón các luồng gió khác nhau, theo một nghiên cứu năm 2005 của Viện Nghiên cứu Sức mạnh Không quân của Lực lượng Không quân.
Quân đội Hoa Kỳ đã theo dõi các khinh khí cầu do thám khác trong những năm gần đây, bao gồm cả trước chính quyền của Tổng thống Joe Biden, theo một viên chức quốc phòng cấp cao của Hoa Kỳ.
Vụ Khí Cầu Do Thám: Bắc Kinh ‘Lấy Làm Tiếc’; Ngoại Trưởng Mỹ, Lấy Lý Do Này Để Hoãn Thăm Trung Quốc
(Hình: Ảnh chụp khinh khí cầu nghi của Trung Quốc bay trên bầu trời tiểu bang Montana, Mỹ, 1/2/2023.)
- Hôm thứ Sáu (3/2/2023), Trung Quốc bày tỏ rằng họ “lấy làm tiếc” về khí cầu mà họ gọi là “dân sự” đã đi lạc vào lãnh thổ Hoa Kỳ, một sự việc đã gây ra một làn sóng bất bình trong chính giới Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ hoãn chuyến thăm Trung Quốc sau khi khinh khí cầu do thám bị phát giác bay bên trên Hoa Kỳ đại lục, một số hãng tin cho hay trong cùng ngày 3/2.
Ông Blinken không muốn vụ khinh khí cầu trở thành chủ đề bao trùm trong các cuộc gặp của ông với các viên chức Trung Quốc, ABC News đưa tin, dẫn lời một viên chức Mỹ giấu tên. Bloomberg News cũng loan tin là chuyến đi sẽ bị hoãn lại.
Trong một tuyên bố hôm 3/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết khinh khí cầu này được dùng cho mục đích khí tượng dân sự và các mục đích khoa học khác và họ lấy làm tiếc rằng khinh khí cầu đã đi lạc vào không phận Hoa Kỳ.
Bộ nói rằng họ sẽ tiếp tục liên lạc với Hoa Kỳ để “giải quyết thích hợp” tình huống bất ngờ. Một phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc trước đó khẳng định “Trung Quốc không có ý định vi phạm lãnh thổ và không phận của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào”.
Các viên chức Mỹ cho hay họ đã nêu vấn đề này với các đối tác Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao. “Chúng tôi đã trao đổi với họ về việc chúng tôi giải quyết vấn đề này với mức độ nghiêm trọng như thế nào”, một viên chức Mỹ cho biết.
Theo Dõi Khinh Khí Cầu Do Thám của Trung Quốc Đổi Hướng Bay Trên Không Phận Miền Trung Hoa Kỳ!
(Hình: Khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã thay đổi hướng đi và hiện đang bay về phía Đông ở độ cao khoảng 18.300 mét trên miền Trung Hoa Kỳ - ảnh chụp ngày 1/2/2023.)
Khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã thay đổi hướng đi và hiện đang bay về phía Đông ở độ cao khoảng 18.300 mét trên miền Trung Hoa Kỳ, thể hiện khả năng cơ động, quân đội Hoa Kỳ cho biết ngày 3/2/2023.
Tiết lộ về khả năng cơ động của khinh khí cầu do thám trực tiếp thách thức khẳng định của Trung Quốc rằng khinh khí cầu này chỉ là một khí cầu dân sự đi lạc vào lãnh thổ Hoa Kỳ sau khi bị chệch hướng
“Chúng tôi biết đây là khinh khí cầu (do thám) của Trung Quốc và có khả năng cơ động”, Chuẩn tướng Không quân Patrick Ryder nói trong một cuộc họp báo tại Ngũ Giác Đài, từ chối cho biết chính xác nó được cung cấp năng lượng như thế nào hoặc ai ở Trung Quốc đang điều khiển đường bay của nó.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1/2 quyết định không bắn hạ khinh khí cầu lúc nó bay ngang Montana vì quan ngại của quân đội Mỹ về khả năng làm vương cãi các mảnh vỡ, theo các giới chức Hoa Kỳ.
Ngũ Giác Đài dự trù khinh khí cầu sẽ tiếp tục di chuyển trên không phận Hoa Kỳ trong vài ngày nữa, tướng Ryder nói, từ chối suy đoán về những lựa chọn nào mà quân đội Hoa Kỳ có thể phát triển trong thời gian đó trong lúc người ta đang đồn đoán không biết Tổng thống Biden sẽ ra lệnh phá hủy hoặc có thể thu giữ khinh khí cầu hay không.
Tướng Ryder cho biết quân đội Hoa Kỳ sẽ không chỉ định vị trí chính xác của khí cầu bay ở miền Trung Hoa Kỳ, nói rằng ông không muốn tham gia vào chu kỳ cập nhật “từng giờ”.
Thượng Nghị sĩ Roger Marshall từ Kansas nói khinh khí cầu do thám bay qua phía Đông-Bắc tiểu bang của ông và nhân viên của ông đang liên lạc với các viên chức thực thi pháp luật.
“Tôi lên án bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm theo dõi người Mỹ. Tổng thống Biden phải bảo vệ chủ quyền của Hoa Kỳ”, ông Marshall đăng trên Twitter.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã hoãn chuyến thăm Trung Quốc dự kiến bắt đầu vào ngày 3/2.
“Sau khi tham khảo với các đối tác liên ngành cũng như với Quốc hội, chúng tôi đã kết luận rằng các điều kiện hiện tại không phù hợp để Ngoại trưởng Blinken tới Trung Quốc”, một viên chức cấp cao của Bộ Ngoại giao nói với các phóng viên.
“Chúng tôi đã ghi nhận tuyên bố lấy làm tiếc của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng sự hiện diện của khinh khí cầu này trong không phận của chúng tôi rõ ràng là vi phạm chủ quyền của chúng tôi cũng như luật pháp quốc tế và không thể chấp nhận được điều này đã xảy ra”, viên chức này nói.
“Sáng sớm nay, Ngoại trưởng Mỹ đã chuyển cho Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị rằng chuyến đi cần phải hoãn lại. Nhưng Ngoại trưởng Mỹ cho biết rằng ông ấy sẽ lên kế hoạch đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sớm nhất có thể khi điều kiện cho phép”.
ABC News trước đó đã trích dẫn một viên chức Hoa Kỳ nói rằng ông Blinken không muốn làm tình hình trở nên quá mức bằng cách hủy bỏ chuyến thăm của mình, nhưng cũng không muốn sự kiện khinh khí cầu chi phối các cuộc họp của ông với các viên chức Trung Quốc.
Thượng Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton đã kêu gọi ông Blinken hủy bỏ chuyến đi của mình, trong khi cựu Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump, một ứng cử viên Tổng thống được tuyên bố cho năm 2024, đã đăng “Bắn hạ khinh khí cầu!” trên nền tảng truyền thông xã hội Truth của ông.
Trong một tuyên bố ngày 3/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết khinh khí cầu này được dùng cho mục đích khí tượng dân sự và các mục đích khoa học khác và họ lấy làm tiếc là khinh khí cầu đã đi lạc vào không phận Hoa Kỳ.
Mất Cơ Hội?
Việc hoãn chuyến đi của ông Blinken, vốn đã được Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý vào tháng 11 năm 2022, là một đòn giáng mạnh vào những người ở cả hai bên, những người coi đây là cơ hội quá hạn để ổn định mối quan hệ ngày càng rạn nứt. Chuyến thăm cuối cùng của một Ngoại trưởng Hoa Kỳ tới Trung Quốc là vào năm 2017.
Trung Quốc mong muốn có một mối quan hệ ổn định với Hoa Kỳ để họ có thể tập trung vào nền kinh tế của mình, vốn đang bị vùi dập bởi chính sách zero-COVID hiện đã bị bãi bỏ và bị các nhà đầu tư ngoại quốc ngó lơ vì lo ngại nhà nước tái can thiệp vào thị trường.
Trong những tháng gần đây, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới, tìm cách thiết lập lại quan hệ và giải quyết những bất đồng.
Ông Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Á Châu dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết ông không thấy lý do chiến lược nào để hủy bỏ chuyến đi.
Ông nói: “Mỹ có những vấn đề lớn hơn nhiều để đối đầu với Trung Quốc hơn là một khinh khí cầu do thám, và việc mất đi sự giao tiếp cấp cao này sẽ cản trở nỗ lực tạo nền tảng cho mối quan hệ”.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã trở nên xấu đi trong những năm gần đây, đặc biệt là sau chuyến thăm của nguyên Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan vào tháng 8 năm 2022, đã thúc đẩy các cuộc tập trận quân sự đầy kịch tính của Trung Quốc gần hòn đảo tự trị này.
Giá Trị Tình Báo Có Giới Hạn
Một viên chức Mỹ cho biết khinh khí cầu được đánh giá là có “giá trị bổ sung hạn chế từ góc độ thu thập thông tin tình báo”.
Một viên chức Mỹ nói đường bay của khinh khí cầu sẽ bay qua một số địa điểm nhạy cảm nhưng không cho biết chi tiết. Căn cứ Không quân Malmstrom ở Montana là nơi đặt 150 hầm chứa phi đạn-đạn đạo xuyên lục địa.
Phi trường Billings, Montana, đã ban hành lệnh ngưng hoạt động ở mặt đất khi quân đội huy động các khí tài bao gồm máy bay chiến đấu F-22 trong trường hợp ông Biden ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu.
Những quả khinh khí cầu như vậy thường hoạt động ở độ cao 24.000-37.000 mét, cao hơn nhiều so với giao thông hàng không thương mại. Máy bay chiến đấu hiệu suất cao nhất thường không hoạt động trên độ cao 24.000 mét, mặc dù các máy bay do thám như U-2 bay từ 24.000 mét trở lên.
Các nhà phân tích và ngoại giao cho biết, từ các vệ tinh do thám quân sự trong không gian cho đến máy bay tình báo điện tử tiên tiến và tàu ngầm, Hoa Kỳ thường xuyên khai triển một loạt phương tiện để theo dõi quá trình xây dựng quân đội của Trung Quốc. Trung Quốc thường phàn nàn về việc theo dõi của Hoa Kỳ, bao gồm cả việc khai triển tàu hoặc máy bay gần các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc.
Các vệ tinh do thám của Trung Quốc mang các cảm biến tương tự như những gì mà các viên chức Mỹ tin là có trên khinh khí cầu do thám, đặt ra câu hỏi về lý do tại sao Bắc Kinh lại mạo hiểm thực hiện một hành động trắng trợn như vậy trước thềm một sự kiện ngoại giao lớn.
Tuy nhiên, các viên chức cho biết khinh khí cầu do thám Trung Quốc đã thực hiện một đường bay có thể mang nó qua một số địa điểm nhạy cảm như các căn cứ quân sự, bao gồm cả ở Montana, nơi đặt các hầm chứa phi đạn-đạn đạo xuyên lục địa.
Cuối Cùng Mỹ Quyết Định Bắn Hạ Khí Cầu Nghi Là Do Thám của Trung Quốc, Mà Nhiều Người Dân Cho Là Phản Ứng Quá Chậm Chạp!
(Hình: Khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc dạt ra biển sau khi bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển Surfside Beach, South Carolina, Mỹ, ngày 4/2/2023.)
Máy bay chiến đấu quân đội Mỹ đã bắn hạ một khí cầu tình nghi là khí cầu do thám của Trung Quốc khi nó dạt ra tới ngoài khơi bờ biển của tiểu bang South Carolina vào ngày thứ Bảy (4/2/2023), khép lại những diễn biến kịch tính vốn đã thu hút sự chú ý về mối quan hệ đang xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Chúng tôi đã hạ nó thành công và tôi muốn khen ngợi các phi công của chúng ta đã làm điều đó”, Tổng thống Joe Biden nói.
Ông Biden cho biết ông đã ra lệnh bắn hạ khí cầu này vào ngày thứ Tư, nhưng Ngũ Giác Đài khuyến nghị đợi cho đến khi việc này có thể thực hiện được ngoài biển rộng.
Vài máy bay chiến đấu và máy bay tiếp liệu đã tham gia vào nhiệm vụ này, nhưng chỉ một chiếc - máy bay chiến đấu F-22 - khai hỏa, bắn một phi đạn AIM-9X duy nhất, một viên chức quân sự cao cấp của Mỹ cho biết. Khí cầu bị bắn rơi cách bờ biển Mỹ khoảng sáu hải lý, viên chức này nói.
Vụ bắn hạ xảy ra ngay sau khi chính phủ Mỹ ra lệnh dừng các chuyến bay đến và đi từ ba phi trường ở South Carolina - Wilmington, Myrtle Beach và Charleston - do điều mà họ nói vào thời điểm đó là một “nỗ lực an ninh quốc gia” không được tiết lộ. Các chuyến bay đã tái tục vào chiều ngày thứ Bảy.
Khí cầu lần đầu tiên đi vào vùng nhận dạng của Mỹ vào ngày 28 tháng 1, vào không phận Gia Nã Ðại ba ngày sau đó và sau đó quay trở lại không phận Mỹ vào ngày 31 tháng 1, một viên chức quốc phòng Mỹ cho biết.
Các viên chức Mỹ trước đó đã tiết lộ cho công chúng biết sự hiện diện của khí cầu bên trên nước Mỹ vào ngày thứ Năm.
Hoa Thịnh Ðốn gọi đây là “sự vi phạm rõ ràng” chủ quyền của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin loan báo vụ bắn hạ trước tiên, nói rằng khí cầu đang được Trung Quốc sử dụng “trong nỗ lực do thám các địa điểm chiến lược ở lục địa của Mỹ”.
Một nhiếp ảnh gia của thông tấn xã Reuters chứng kiến vụ bắn hạ cho biết một luồng hơi trắng phát ra từ một chiếc máy bay phản lực, va vào khí cầu nhưng không có vụ nổ nào. Sau đó nó bắt đầu rơi xuống, nhiếp ảnh gia cho biết.
Quân đội Mỹ không ngay lập tức thu hồi những thứ mà khí cầu chở theo, các viên chức Mỹ cho biết.
Một nhiếp ảnh gia của thông tấn xã Reuters ở khu vực Myrtle Beach có thể nhìn thấy khí cầu bay trên đầu, với hai máy bay phản lực quân sự của Mỹ bay bên cạnh nó.
Trung Quốc nói họ lấy làm tiếc về một “tàu bay” được sử dụng cho mục đích khí tượng dân sự và các mục đích khoa học khác đã đi lạc vào không phận Mỹ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày thứ Bảy nói việc “tàu bay” bay qua Mỹ là một tai nạn bất khả kháng, đồng thời cáo buộc các chính trị gia và truyền thông Mỹ lợi dụng tình hình này để làm mất uy tín của Bắc Kinh.
Khí cầu bị nghi là khí cầu do thám của Trung Quốc đã khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoãn chuyến thăm Trung Quốc trong tuần này vốn dự kiến bắt đầu vào ngày thứ Sáu.
Việc hoãn chuyến đi của ông Blinken, đã được ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí vào tháng 11, là cú giáng mạnh đối với những người coi đây là cơ hội để ổn định mối quan hệ ngày càng rạn nứt giữa hai nước, theo nhận định của Reuters.
Trung Quốc mong muốn có một mối quan hệ ổn định với Mỹ để họ có thể tập trung vào nền kinh tế của mình, vốn đang điêu đứng vì chính sách zero-COVID hiện đã bị bãi bỏ và bị các nhà đầu tư ngoại quốc bỏ qua khi họ lo ngại về điều mà họ coi là nhà nước quay trở lại can thiệp vào thị trường.
Ngũ Giác Đài ngày thứ Sáu rói rằng một khí cầu khác của Trung Quốc đã được quan sát thấy ở Mỹ Latin, nhưng không nói chính xác địa điểm.
Biển Đông: Tàu Phi Luật Tân Bị Tàu Trung Quốc Đuổi Bám Ngay Trong Vùng Đặc Quyền Kinh Tế!
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay 2 tàu Hải cảnh và hai tàu Dân quân biển Trung Quốc đã theo dõi và bám sát một tàu Hải cảnh Phi Luật Tân ở gần Đá Vành Khăn (Mischief Reef) thuộc quần đảo Trường Sa. Ngày 4/2/2023, tuần duyên Phi Luật Tân xác nhận ý đồ của tàu Trung Quốc nhằm cản trở hoạt động của lực lượng này.
Theo trang Manila Times, Đại tá Armand Balilo, phát ngôn viên Lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân (PCG), cho biết các tàu của lực lượng Hải cảnh và Dân quân biển Trung Quốc thậm chí còn rượt đuổi chiến hạm của Hải quân Phi Luật Tân.
Sự việc xảy ra ngày 1/2, vào đúng ngày Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Phi Luật Tân và được ông Raymond Powell, đứng đầu Dự án Myoushu của Trung tâm Gordian Knot về Đổi mới An ninh Quốc gia, Đại học Stanford (Mỹ), công bố trên Twitter.
Tàu tuần duyên BRP Andres Bonifaciao (PS-17) tiến hành hoạt động tuần tra và tìm kiếm quanh bãi Cỏ Rong (Reed Bank) thì bị hai tàu Hải cảnh Trung Quốc GCC 5204 và 5304, cùng với hai tàu dân quân biển Qiong Sansha Yu.0001 và Qiong Lin Yu 19002 “theo dõi và đeo bám” gần Đá Vành Khăn. Cả hai khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Phi Luật Tân nhưng Việt Nam cũng nhận chủ quyền.
Trong báo cáo, Đại tá Balilo cho biết tàu BRP Andres Bonifaciao đã hành xử đúng đắn, điều chỉnh lộ trình và tiếp tục tuần tra ở Biển Đông dù bị đeo bám. Một tàu Hải cảnh khác của Phi Luật Tân BRP Malapascua Parola cũng bị bám sát sau khi tàu Bonifaciao kết thúc nhiệm vụ và rời đi.
Động Đất Mạnh Giết Chết Hàng Ngàn Người Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Một trận động đất mạnh đã làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu ngày thứ Hai (6/2), giết chết hơn 1,500 người và làm bị thương hàng ngàn người khác trên khắp đất nước và nước láng giềng Syria, đồng thời mở ra cuộc tìm kiếm những người sống sót giữa đống đổ nát của các tòa nhà bị sập.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết trong một cuộc họp báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ có ít nhất 912 người chết, với khoảng 5.400 người bị thương. Ông nói ông không thể dự đoán những con số này sẽ tăng thêm bao nhiêu giữa lúc các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ vẫn đang tiếp diễn. Ít nhất 2,800 tòa nhà đã bị sập.
Các quan chức y tế Syria cho biết có ít nhất 326 người đã thiệt mạng trong các khu vực do chính phủ kiểm soát, trong khi các nhân viên cứu hộ cho biết ít nhất 100 người khác đã chết trong các khu vực do phiến quân kiểm soát.
Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu cho biết đã có hơn 20 dư chấn sau trận động đất ban đầu, vốn xảy ra trước bình minh. Ông cho biết trận động đất đã ảnh hưởng đến ít nhất 10 tỉnh ở Thổ Nhĩ Kỳ và ông cùng các thành viên nội các khác sẽ đến những khu vực đó.
Tâm chấn của trận động đất nằm gần Gaziantep, một trung tâm sản xuất và công nghiệp quan trọng gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Trận động đất đã phá hủy Lâu đài Antep lịch sử và nhiều tòa nhà lịch sử khác trong khu vực.
Tại thành phố Mersin của Thổ Nhĩ Kỳ, cư dân Nurhan Kiral nói với ban tiếng Thổ Nhĩ Kỳ của VOA rằng trận động đất kéo dài khoảng một phút.
“Chúng tôi bị đánh thức bởi cơn chấn động và chạy ra khỏi giường. Đống đổ nát rơi xuống từ ống khói, từ khoảng trống giữa các tòa nhà. Thật kinh khủng!”, Kiral kể lại.
Hiệp hội Y khoa Mỹ gốc Syria cho biết các bệnh viện của họ ở Syria “bị quá tải bệnh với bệnh nhân chật kín hành lang”.
“Nhiều bệnh viện đã kín chỗ, nhưng một số cơ sở quan trọng, bao gồm Bệnh viện Al Dana đã phải sơ tán bệnh nhân sau khi bị thiệt hại nặng nề từ trận động đất”, nhóm này cho biết trong một tuyên bố. “Tương tự như vậy, bệnh viện phụ sản Idleb buộc phải chuyển tất cả trẻ sơ sinh đến một bệnh viện gần đó”.
Trợ giúp quốc tế
Liên minh châu Âu cho biết họ đang gửi các đội cứu hộ đến khu vực, và các đội cứu hộ từ Hà Lan và Romania “đang trên đường đến đó”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Anh Rishi Sunak đều cho biết chính phủ của họ sẵn sàng giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất.
“Hy Lạp đang huy động các nguồn lực của mình và sẽ hỗ trợ ngay lập tức”, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis viết trên Twitter.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết các đội tìm kiếm và cứu hộ cũng như viện trợ y tế sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ theo yêu cầu từ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga cũng cho biết họ đã cử các đội cứu hộ chuẩn bị tới Thổ Nhĩ Kỳ để giúp đỡ các nạn nhân động đất ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết Tổng thống Joe Biden đã chỉ đạo Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và các đối tác liên bang khác “đánh giá các lựa chọn phản ứng của Hoa Kỳ để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất”.
“Mỹ quan tâm sâu sắc trước các báo cáo về trận động đất hủy diệt hôm nay ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp bất kỳ và tất cả các hỗ trợ cần thiết”, ông Sullivan cho biết trong một tuyên bố.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cũng đề nghị chính phủ của ông hỗ trợ.
“Tôi bị sốc khi biết về cái những chết và thương tích của hàng trăm người do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Zelenskyy viết trên Twitter. “Chúng tôi gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân và chúc những người bị thương nhanh chóng hồi phục. Vào thời điểm này, chúng tôi đứng về phía người dân Thổ Nhĩ Kỳ thân thiện và sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cần thiết”.
Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong một trong những khu vực động đất hoạt động mạnh nhất thế giới.
Năm 1999, 17.000 người thiệt mạng khi trận động đất mạnh 7,4 độ richter - trận động đất tồi tệ nhất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập niên - xảy ra gần Duzce, phía tây bắc nước này.
Vào tháng 10 năm 2022, một trận động đất mạnh 7,0 độ Richter đã tấn công Biển Aegean, khiến 116 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương. Tất cả trừ hai nạn nhân đều ở Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ.
Báo Mỹ Tiết Lộ Trung Quốc Cung Cấp Kỹ Thuật Cho Quân Đội Nga Phục Vụ Chiến Tranh Ukraine
- Theo báo The Wall Street Journal hôm 4/2/2023 bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế, Trung Quốc vẫn cung cấp kỹ thuật cần thiết cho quân đội Nga. Các tập đoàn trong ngành quốc phòng của Trung Quốc xuất cảng thiết bị hoa tiêu hàng hải, kỹ thuật làm nhiễu sóng rada, linh kiện phục vụ chế tạo chiến đấu cơ cho các đối tác Nga.
Căn cứ trên các dữ liệu do tổ chức C4ADS, một cơ quan tư vấn có trụ sở tại thủ đô Washginton, báo The Wall Street Journal ghi nhận: 84.000 lô hàng Trung Quốc được đưa sang Nga kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra ngày 24/2/2022. Trong số này có nhiều mặt hàng lưỡng dụng - quân sự và dân sự như linh kiện bán dẫn, phụ tùng máy bay....
Bài viết nêu bật trường hợp cụ thể: “Ngày 31/8/2022 tập đoàn quốc doanh Trung Quốc Poly Technologies đã cung cấp cho đối tác Nga JSC Rosoboronexpor thiết bị điều hướng trang bị cho trực thăng M-17 của Nga”. Tháng 10/2022 Trung Quốc bán linh kiện để Nga chế tạo máy bay phản lực Su-35, trị giá hợp đồng 1,2 triệu Mỹ kim. Gần đây hơn, công ty điện tử Fujian Nanan Baofeng Electronic Co. cũng đã cung cấp cho cùng một đối tác Nga, qua trung gian một hãng Ouzbekistan ăng ten quân sự để làm nhiễu sóng liên lạc của đối phương.
Liên quan đến những công ty Trung Quốc và Nga vi phạm lệnh cấm vận, “có khoảng hơn một chục hãng của Nga và Trung Quốc nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ”. Vẫn theo tờ The Wall Street Journal, hàng của Trung Quốc được đưa sang Nga chủ yếu thông qua một số trung gian như Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Bắc Kinh bác bỏ các thông tin trên và chỉ trích báo tài chánh Mỹ “suy đoán và thổi phồng sự thật”. Về phía Mạc Tư Khoa phát ngôn viên của phủ Tổng thống ông Dmitri Peskov cho rằng Nga có đủ kỹ thuật để bảo đảm an ninh và tiến hành chiến dịch đặc biệt (tại Ukraine)”.
CIA: Chớ Đánh Giá Thấp Tham Vọng của Tập Cận Bình Về Đài Loan
(Hình: Giám đốc CIA, William Burns.)
-Hôm 2/2/2023, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), ông William Burns khuyến cáo chớ nên đánh giá thấp tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với Đài Loan, cho dù có thể ông ấy đã cảnh tỉnh trước hoạt động của quân đội Nga ở Ukraine.
Ông Burns nói Hoa Kỳ biết về mặt tình báo rằng ông Tập đã ra lệnh cho quân đội của mình sẵn sàng tiến hành một cuộc xâm lược Đài Loan tự trị vào năm 2027.
“Điều đó không có nghĩa là ông ấy quyết định tiến hành một cuộc xâm lược vào năm 2027, hay bất kỳ năm nào khác, nhưng đó là một lời nhắc nhở về mức độ nghiêm túc trong trọng tâm và tham vọng của ông ấy”, ông Burns phát biểu tại một sự kiện ở Đại học Georgetown ở Hoa Thịnh Ðốn.
“Đánh giá của chúng tôi tại CIA là tôi sẽ không đánh giá thấp tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với Đài Loan”, ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể “ngạc nhiên và bất an” và cố gắng rút ra bài học từ “thành tích rất kém” của quân đội Nga và các hệ thống vũ khí của họ ở Ukraine.
Nga và Trung Quốc đã ký một quan hệ đối tác “không giới hạn” vào tháng 2 năm 2022 ngay trước khi lực lượng Nga xâm chiếm Ukraine, và các liên kết kinh tế Nga-Trung bùng phát khi các mối quan hệ của Nga với phương Tây bị thu hẹp.
Cuộc xâm lược của Nga đã làm dấy lên lo ngại ở phương Tây rằng Trung Quốc có thể thực hiện một động thái tương tự đối với Đài Loan, một hòn đảo dân chủ mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình.
Trung Quốc đã kiềm chế không lên án hoạt động của Nga tại Ukraine, nhưng họ đã cẩn thận không cung cấp loại hỗ trợ vật chất trực tiếp có thể kích động các biện pháp trừng phạt của phương Tây giống như những biện pháp áp đặt đối với Mạc Tư Khoa.
“Tôi nghĩ thật sai lầm khi đánh giá thấp cam kết hỗ tương trong mối quan hệ đối tác đó, nhưng đó không phải là tình hữu nghị hoàn toàn không có giới hạn”, ông Burns nói.
Trong khi ông Burns đang phát biểu, các viên chức Hoa Kỳ có tin tức rằng một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã bay qua Hoa Kỳ trong vài ngày và các viên chức cấp cao của Hoa Kỳ đã khuyên Tổng thống Joe Biden chớ nên bắn hạ nó vì sợ mảnh vỡ có thể đe dọa đến an toàn.
Ông Burns không đề cập đến sự việc nhưng gọi Trung Quốc là “thách thức địa chính trị lớn nhất” mà Hoa Kỳ hiện đang phải đối mặt.
“Cạnh tranh với Trung Quốc là độc nhất về quy mô, và bạn biết đấy, nó thực sự mở ra trên mọi lĩnh vực, không chỉ quân sự và ý thức hệ, mà cả kinh tế, kỹ thuật, mọi thứ từ không gian mạng, cho đến chính không gian vũ trụ. Đó là một cuộc cạnh tranh toàn cầu theo những cách thậm chí còn khốc liệt hơn so với cạnh tranh với Liên Xô”, ông nói.
Không có bình luận ngay từ tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Hoa Thịnh Ðốn về những nhận xét từ ông Burns.
Về các chủ đề khác, ông Burns nói sáu tháng tới sẽ rất quan trọng đối với Ukraine, nơi Mạc Tư Khoa đang ngày càng đạt được nhiều thành tựu trong những tuần gần đây.
Ông cũng cho biết chính phủ Iran ngày càng bất ổn trước các vấn đề trong nước, viện dẫn sự dũng cảm của những phụ nữ Iran.
Chủ Tiệm Nail Người Việt Bị Buộc Hoàn Trả Hơn 375.000 Bảng Anh Vì Trồng Cần Sa!!
(Hình: Rất nhiều người Việt bị buôn người sang Anh và bị sử dụng làm nhân công trong các nhà trồng cần sa bất hợp pháp.)
Hai người Việt Nam bị kết án vì điều hành một mạng lưới trang trại cần sa trong những ngôi nhà trên khắp vùng Tây-Bắc, Yorkshire và Midlands của Vương quốc Anh vừa bị buộc phải trả lại hơn 375.000 bảng Anh (khoảng 10,65 tỉ đồng) tiền lãi bất chính.
Truyền thông Anh cho biết hôm 2/2/2023, Lin Van Dang và Thi Nguyet Nga Ho đã xuất hiện tại Tòa án Preston Crown, gần hai năm kể từ ngày họ bị kết án vì tham gia trong một kế hoạch trồng cần sa quy mô lớn.
Hai người này đã bị bắt cùng với Cam Thi Ho và Ho Qa Dong, sau khi cảnh sát đột kích vào những ngôi nhà và tiệm làm móng ở Blackburn, Darwen và Bolton vào năm 2019.
Vào tháng 10 năm đó, cảnh sát đến một ngôi nhà ở Dormer Street, Bolton, và phát giác trong một căn phòng ngủ khóa kín một cuốn sổ chứa danh sách trồng cần sa chi tiết được viết bằng tiếng Việt, và giấy tờ liên kết ngôi nhà đó với ngôi nhà ở Darwen của hai bị cáo Van Dang và Thi với bị cáo Ho Qa Dong.
Ngày hôm sau, cảnh sát đã lục soát nhà của Van Dang và Thi Ho khi các bị cáo không có mặt, bốn người khác đã được tìm thấy trong nhà có liên quan đến cuộc điều tra.
Cảnh sát cũng tìm thấy 3.740 bảng Anh tiền mặt, một điện thoại “Burner” (loại điện thoại dùng tạm thời rồi vứt bỏ), liên kết với một số ngôi nhà trồng cần sa và thiết bị của Van Dang và một hóa đơn tiền điện nước trong chiếc Range Rover của Van Dang cho một nhà khác ở Phố Market, Tottington, nơi được phát giác chứa hàng trăm cây cần sa.
Khi khám xét 5 ngôi nhà có liên kết với dữ liệu điện thoại, cảnh sát đã tìm thấy tổng cộng 1.489 cây cần sa với tổng giá trị ước tính lên tới hàng trăm ngàn bảng Anh.
Tất cả các địa chỉ nhà đều được thuê bằng tên giả, sử dụng giấy tờ giả bao gồm cả sổ thông hành giả.
Cuộc điều tra của cảnh sát Anh cho biết có nhiều kế hoạch thuê các ngôi nhà ở East Lancashire và sử dụng lao động bất hợp pháp để làm nhân viên và sống trong các ngôi nhà trồng cần sa.
Cảnh sát nói cặp Van Dang và Thi Ho hiện đang điều hành các tiệm nail ở Blackburn, có tổng thu nhập kê khai từ năm 2018 đến năm 2020 là 73.317 bảng Anh.
Tuy nhiên, một cuộc kiểm tra tài khoản ngân hàng của họ cho thấy số tiền gửi bằng tiền mặt tổng cộng là 225.889 bảng Anh.
Van Dang bị kết án 4 năm rưỡi tù giam, Cam Thi Ho bị kết án 3 năm và Ho Qa Dang bị kết án 27 tháng.
Thi Ho bị kết án 10 tháng, 12 tháng tù treo và bị cấm đi lại ba tháng.
Tại phiên xét xử hôm 2/2, Tòa án của Anh đã ra lệnh cho Van Dang hoàn trả tổng cộng 321.323,59 bảng Anh và Thi Ho phải hoàn trả 64.875,82 bảng Anh.
Hai người này sẽ phải hoàn trả số tiền trong vòng ba tháng hoặc án tù mặc định ba năm đối với Van Dang và 10 tháng đối với Thi Ho sẽ được áp dụng.
Họ cũng được lệnh phải bồi thường 19.199,16 bảng Anh cho hai nạn nhân là chủ sở hữu ngôi nhà để trang trải các khoản thu nhập bị mất và tân trang lại tài sản đã bị sử dụng để trồng cần sa.
Tin Quốc Tế Đó Đây
Iran: Lực Lượng An Ninh Bị Tố Cáo Nhắm Bắn Vào Mắt của Người Biểu Tình
- Theo tin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) ngày 4/2/2023, Lực lượng an ninh Iran đã nhắm bắn “một cách có hệ thống” vào mắt của những người biểu tình trong chiến dịch đàn áp phong trào phản kháng đang làm rung chuyển chế độ Hồi giáo từ tháng 9/2022.
Đó là tố cáo của một tổ chức nhân quyền Iran đưa ra hôm 3/2. Theo tổ chức Nhân quyền Iran (Iran Human Rights - IHR), có trụ sở ở Na Uy, đa số những người biểu tình bị thương ở mắt là phụ nữ.
Trong tuần này, trả lời một nhật báo ở Tehran, một chỉ huy cao cấp của cảnh sát Iran đã bác bỏ cáo buộc nói trên, nhấn mạnh là lực lượng an ninh hành xử theo đúng quy định, và ưu tiên của họ là “không gây thương tích cho người biểu tình”.
Nhưng IHR khẳng định đã có những người biểu tình bị bắn trúng đầu và mặt, khiến nhiều người bị mù, mà số đông là phụ nữ. Cụ thể, tổ chức Nhân quyền Iran thống kê được 22 người biểu tình bị mù một mắt, trong đó có 9 phụ nữ. Nạn nhân trẻ nhất là một bé gái 6 tuổi, bị trúng đạn khi đang đứng trên ban công với người ông.
Theo IHR, chế độ Cộng hòa Hồi giáo vẫn dùng “một cách có hệ thống” hành động “vô nhân đạo và bất hợp pháp này” nhằm nghiền nát phong trào phản kháng.
Tổ chức IHR cho biết đã có ít nhất 488 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống chính quyền, nổ ra từ tháng 9/2022 sau cái chết của cô gái người Kurdistan Mahsa Amini, bị cảnh sát đạo đức Iran bắt giữ vì mang khăn choàng đầu không đúng quy cách.
Trong khi đó tình trạng sức khỏe của một nhà hoạt động, tuyệt thực từ nhiều tuần qua, đang gây nhiều lo ngại, sau khi hình ảnh chụp thân thể gầy yếu của ông được phổ biến hôm 3/2.
Nguyên là một Bác sĩ, Farhad Meysami, bị giam từ năm 2018 và đang thọ án 5 năm tù, đã tuyệt thực để phản đối việc chính quyền Tehran đàn áp phong trào biểu tình hiện nay.
Lãnh Tụ Tối Cao Iran Ân Xá Cho Nhiều Tù Nhân Liên Quan Đến Các Cuộc Biểu Tình
(Hình: Lãnh tụ tối cao Iran, ông Ayatollah Ali Khamenei.)
- Truyền thông nhà nước Iran đưa tin hôm Chủ Nhật (5/2/2023) cho hay Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei đã ân xá cho “hàng chục ngàn” tù nhân, trong đó có nhiều người bị bắt trong các cuộc biểu tình chống chính phủ gần đây về các cáo buộc liên quan đến an ninh,.
“Các tù nhân không phải đối mặt với cáo buộc làm gián điệp cho các cơ quan ngoại quốc, có liên hệ trực tiếp với các đặc vụ ngoại quốc, cố ý giết người và gây thương tích, phá hoại và đốt phá tài sản nhà nước, hoặc không có nguyên đơn riêng trong vụ án của họ sẽ được ân xá”, truyền thông nhà nước cho biết.
Các vụ ân xá đã được công bố nhân lễ kỷ niệm cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Theo hãng tin HRANA về các nhà hoạt động, khoảng 20.000 người đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình chống chính phủ, vốn bùng phát sau cái chết của cô Mahsa Amini, một phụ nữ trẻ người Iran gốc Kurd, vào tháng Chín năm 2022 khi bị cảnh sát giam giữ.
Nga Tăng Cường Oanh Kích Ukraine Tìm Thắng Lợi Kỷ Niệm 1 Năm “Chiến Dịch Quân Sự Đặc Biệt”
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay chiến sự ở miền Đông Ukraine diễn ra căng thẳng do Nga tìm cách giành ưu thế nhân chuẩn bị tròn 1 năm tấn công nước láng giềng.
Trong buổi điểm tin tối 4/2/2023, Tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận tình hình “phức tạp” trên chiến trường. Sáng 5/2, Nga đã bắn hai phi đạn vào trung tâm thành phố Kharkiv (Đông-Bắc Ukraine), trong đó một phi đạn rơi vào một tòa chung cư, gây hỏa hoạn, khiến 5 người bị thương.
Trong buổi điểm tin thường nhật, Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine đang phải đối mặt với “thời điểm phức tạp” do “quân chiếm đóng huy động ngày càng đông đảo lực lượng để phá vỡ tuyến phòng thủ của chúng ta. Tình hình rất khó khăn ở Bakhmut, Vuhledar, Lyman (miền Đông) và ở nhiều vùng khác”.
Lực lượng biên phòng Ukraine cho biết đã đẩy lùi “một cuộc tấn công của kẻ thù” khỏi ngoại ô Bakhmut sau khi nhận được thông trinh sát trên không rằng “kẻ thù chuẩn bị tấn công” thành phố hiện trở thành tâm điểm các cuộc giao tranh ở Ukraine. Trong thông cáo, được thông tấn xã AFP trích dẫn, quân đội Ukraine đã bắn súng cối vào “khu vực tập trung quân chiếm đóng” và “buộc họ rút lui”.
Nga cũng tăng cường oanh kích ở miền Nam, nhắm vào thành phố Kherson và “nhiều công trình hạ tầng dân sự” ở 26 địa phương tại tỉnh Zaporijia.
Ukraine đã trải qua 346 ngày chiến tranh và lo ngại Nga sẽ mở một đợt tấn công quy mô lớn để đánh dấu tròn một năm phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Chính quyền Kyiv chủ yếu dựa vào viện trợ quân sự của phương Tây, đặc biệt là xe tăng hạng nặng và rocket tầm xa, để chống cự. Ngày 4/2, Gia Nã Ðại đã giao xe tăng Leopard 2 đầu tiên trong tổng số xe hứa cung cấp cho Kyiv.
Tổng thống Zelensky cũng cho biết đang chuẩn bị với Thủ tướng Anh Rishi Sunak “nhiều việc rất quan trọng” nhưng không cho biết chi tiết. Nhiều quân nhân Ukraine “đã bắt đầu được huấn luyện sử dụng xe tăng Challenger tại Anh”. Luân Đôn hứa giao 14 xe tăng loại này cho Kyiv.
Nga-Ukraine Trao Đổi Tù Nhân Chiến Tranh Đợt Mới
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 4/2/2023, nhiều gia đình Nga và Ukraine đã thở phào nhẹ nhõm được thấy con em mình trở về nhà sau đợt trao đổi tù nhân giữa Kyiv và Mạc Tư Khoa.
Trao đổi các tù nhân chiến tranh là thương lượng duy nhất có thể thực hiện giữa hai bên trong cuộc chiến khốc liệt kéo dài gần một năm nay. Từ thủ đô Kyiv của Ukraine, thông tín viên Stéphane Siohan của Đài RFI cho biết thêm chi tiết:
Ngày thứ Bảy, một đoàn xe buýt trắng trên đường đầy tuyết trắng dừng lại tại điểm tiếp xúc giữa quân đội Nga và Ukraine.
Ra khỏi xe là các tù nhân Ukraine, được bộ phận an ninh Ukraine đón nhận. Tổng số có 116 tù binh Ukraine được trả tự do, trong đó có 87 thuộc các đơn vị quân đội, ngoài ra còn có các binh lính thuộc lực lượng vệ binh quốc gia và biên phòng.
Phía Nga cũng đã trao trả thi hài của Christopher Parry (27 tuổi), Andrew Bagshaw (48 tuổi), hai lính tình nguyện người Anh tử trận tại Soledar và của một lính tình nguyện Ukraine, cựu binh đội quân Lê Dương Pháp.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo có 63 tù binh Nga đã được trao đổi trong đợt này, nhưng không cho biết đó là những loại lính nào. Từ đầu cuộc chiến tranh, chính quyền Ukraine không giấu chủ trương dùng tù binh Nga để mặc cả trao đổi đưa các tù binh Ukraine trở về nhà.
Theo các nguồn tin chính thức, có thể vẫn còn 3.000 tù binh Ukraine, ngoài ra 15 ngàn người được coi là mất tích trong đó bao gồm cả các quân nhân và thường dân.
Tổng Thống Zelensky: Ukraine Sẽ Không Bỏ Lỡ Cơ Hội Gia Nhập Liên Hiệp Âu Châu
- Theo tin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI), Ukraine đang tiến đến mục tiêu gia nhập Liên Hiệp Âu Châu. Quyết tâm này được Tổng thống Volodymyr Zelensky nhấn mạnh trong bài phát biểu kết thúc 2 ngày họp thượng đỉnh với Liên Hiệp Âu Châu (EU) tối 3/2/2023 tại Kyiv.
Mười lăm ủy viên Âu Châu cũng đã làm việc với chính phủ Ukraine để cập nhật những tiến bộ trong cải cách của nước ứng cử viên này. Từ thủ đô Kyiv của Ukraine, thông tín viên Stéphane Siohan của Đài RFI giải thích:
“Thứ Sáu (3/2), Tổng thống Volodymyr Zelensky, Chủ tịch Hội Đồng Âu Châu Charles Michel và Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen thể hiện đoàn kết hơn bao giờ hết trong mục tiêu kết nạp thành viên thứ 28 của Liên Hiệp Âu Châu.
Tổng thống Volodymyr Zelensky phát biểu: “Trong tuyên bố chung cuộc họp thượng đỉnh lần này, chúng tôi nhất trí việc bắt đầu các cuộc đàm phán về quá trình kết nạp và khởi động những cuộc đàm phán đó sớm nhất có thể. Chúng tôi (Ukraine) đã bắt tay chuẩn bị cho quá trình thương thuyết và chúng tôi chờ những quyết định theo hướng này từ phía Ủy Ban và Hội Đồng Âu Châu. Mục tiêu là bắt đầu các cuộc đàm phán kết nạp ngay từ năm nay”.
Trước công chúng, bà Ursula von der Leyen và ông Charles Michel lại tỏ ra thận trọng hơn về mặt lịch trình. Nhưng Chủ tịch Hội Đồng Âu Châu đã nêu lên những tiến bộ của Ukraine về 7 tiêu chí mở đường cho quá trình kết nạp. Ông cũng tái khẳng định ủng hộ những mong muốn gia nhập Âu Châu của Kyiv.
Ông Charles Michel nói: “Chúng tôi sẽ sát cánh với các bạn để tái xây dựng một đất nước Ukraine hiện đại và thịnh vượng, theo sát con đường Âu Châu của chúng ta. Ukraine là Liên Hiệp Âu Châu và Liên Hiệp Âu Châu là Ukraine. Hãy cùng nhau biến điều đó thành hiện thực”.
Trong khi chờ đợi, Brussels tiếp tục hỗ trợ tài chánh cho Ukraine trong cuộc chiến chống Nga. Liên Hiệp Âu Châu đã cam kết giải ngân 1 tỉ Euro viện trợ tái thiết cho Ukraine và một khoản viện trợ quân sự khác trị giá nửa tỉ Euro”.
Cũng trong ngày 3/2, Liên Hiệp Âu Châu và Ukraine đã nhất trí lập một văn phòng điều tra về “tội ác xâm lược” của Nga. Văn phòng được đặt ở The Hague (Hòa Lan) có nhiệm vụ “điều phối cuộc điều tra về tội xâm lược Ukraine, bảo vệ và lưu trữ tất cả những bằng chứng cho các phiên xử trong tương lai”. Theo thông tấn xã AFP, văn phòng được cho là bước trung gian trước khi thiết lập một tòa án đặc biệt để xét xử những viên chức cấp cao Nga chịu trách nhiệm về cuộc chiến, theo yêu cầu trước đó của Kyiv.
Về trừng phạt kinh tế, ngày 3/2, Liên Hiệp Âu Châu, cùng với nhóm G7 và Úc Ðại Lợi, nhất trí áp dụng hai “mức giá trần đối với mọi sản phẩm dầu lửa của Nga được chuyên chở bằng tàu biển” của những nước tham gia: 100 Mỹ kim/thùng đối với loại dầu đắt nhất như diesel và 45 Euro/thùng đối với những sản phẩm thô như dầu mazut. Biện pháp được áp dụng từ Chủ Nhật 5/2 hoặc “gần thời điểm đó” nhằm “ngăn Nga trục lợi” từ chiến tranh Ukraine và “hỗ trợ sự ổn định trên các thị trường năng lượng thế giới”.
Nhiều Nước Phương Tây Đóng Cửa Cơ Quan Ngoại Giao Tại Thổ Nhĩ Kỳ
- Ngày 4/2/2023, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay trong tuần vừa qua, ít nhất 7 nước phương Tây đã tạm thời đóng cửa cơ quan ngoại giao ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vì lo ngại nguy cơ khủng bố tấn công.
Các cảnh báo về an ninh được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng khi Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho Thụy Điển và Phần Lan gia nhập Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO).
Nhiều cuộc biểu tình chống chính quyền Ankara diễn ra bên ngoài Tòa Ðại sứ của Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm và Copenhagen vào tháng trước, mà một số phần tử cực đoan đã đốt kinh Coran. Thông tín viên RFI Manon Chapelain tường trình từ Istanbul:
“Từ 3 ngày qua, các tin nhắn cảnh báo liên tục được gửi đi ở Istanbul. Trong tuần, cơ quan ngoại giao của 5 nước Âu Châu đã đóng cửa, trong đó có Pháp và Đức. Họ lo ngại trở thành mục tiêu cho vụ tấn công khủng bố, sau vụ kinh Coran bị đốt ở Thụy Điển cách nay khoảng 10 ngày. Cơ quan ngoại giao của các nước này khuyến nghị công dân của họ tránh đến nhà thờ hoặc các địa điểm du lịch.
Cho đến nay, vẫn khó có thể xác định được nguồn gốc của các đe dọa này. Không có thêm thông tin nào được đưa ra, nhất là từ phía chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara bác bỏ các cảnh báo này. Bộ trưởng Nội vụ Süleyman Soylu đã coi những tin nhắn cảnh báo như vậy là “chiến tranh tâm lý”, nhằm tổn hại tới du lịch và kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. “Nếu như các nước biết nhiều đến vậy thì tại sao lại không đưa ra cảnh báo trong vụ tấn công Istiklal?” Ông Soylu đã chất vấn các nước phương Tây như vậy khi nhắc đến vụ tấn công vào tháng 11/2022.
Để đáp trả, Ankara đã cảnh báo công dân Thổ Nhĩ Kỳ ở Mỹ về nguy cơ “các vụ tấn công phân biệt chủng tộc”.
Cựu Tổng Thống Pakistan, Pervez Musharraf, Qua Đời ở Dubai Sau Nhiều Năm Sống Lưu Vong
(Hình: Cựu Tổng thống Pakistan, ông Pervez Musharraf.)
- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay cựu Tổng thống Pakistan, ông Pervez Musharraf qua đời hôm Chủ Nhật (5/2/2023), sau một thời gian dài lâm bệnh tại một bệnh viện ở Dubai, sau nhiều năm tự sống lưu vong.
Quân đội Pakistan và phái đoàn của nước này tại Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất đã thông báo về cái chết của cựu chỉ huy quân đội, 79 tuổi, người đã bị phế truất vào năm 2008.
“Tôi có thể xác nhận rằng ông ấy đã qua đời sáng nay”, Shazia Siraj, phát ngôn viên của Tòa Lãnh sự Pakistan tại Dubai và Tòa Ðại sứ tại Abu Dhabi, nói với thông tấn xã Reuters.
Thủ tướng Shehbaz Sharif, Tổng thống Arif Alvi và các tư lệnh Lục quân, Hải quân và Không quân Pakistan đều chia buồn về cái chết của ông.
Kênh truyền hình địa phương Geo News đưa tin, một chuyến bay đặc biệt sẽ tới Dubai vào thứ Hai để đưa thi hài của ông Musharraf về Pakistan chôn cất.
Cựu tướng 4 sao, người đã lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính không đổ máu vào năm 1999, đã giám sát tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và cố gắng mở ra các giá trị tự do xã hội ở quốc gia Hồi giáo bảo thủ này.
Ông Musharraf đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong nhiều năm, nhưng mối đe dọa lớn nhất của ông là al Qaeda và các chiến binh Hồi giáo khác đã tìm cách giết ông ít nhất 3 lần.
Nhưng việc ông sử dụng quân đội một cách mạnh tay để dập tắt bất đồng chính kiến cũng như việc ông tiếp tục ủng hộ Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống lại al Qaeda và Taliban ở A Phú Hãn cuối cùng đã dẫn đến sự sụp đổ của ông.
Lần cuối cùng ông Musharraf bay tới Dubai là vào năm 2016, khi ông được phép ra ngoại quốc để điều trị y tế ngay cả khi ông phải đối mặt với một vụ phản quốc ở Pakistan.
Pakistan: Wikipedia Bị Chận Vì Một Lý Do Mơ Hồ
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 4/2/2023, Pakistan thông báo chận trang mạng của từ điển bách khoa trên mạng Wikipedia. Lý do: Cổng vào tìm kiếm thông tin này đăng tải một bài viết có nội dung phỉ báng đạo Hồi.
Thông cáo của Cơ quan đặc trách về Viễn thông Pakistan, PTA giải thích lệnh phạt có hiệu lực từ chiều thứ Sáu (3/2) do Wikipedia chậm trễ và “quên đáp ứng yêu cầu của chính quyền Pakistan đòi xóa nội dung một bài viết mang tính thóa mạ” đối với một quốc gia Hồi giáo. Thông tin Sonia Ghezali viên của Đài RFI trong khu vực giải thích thêm:
“Trang này không thể xuất hiện”: đây là thông điệp hiện lên trên màn ảnh mỗi khi truy cập vào Wikipedia tại Pakistan. Trang này đã bị chận từ hôm qua. Các giới chức Pakistan đòi xóa nội dung một bài viết mà chính quyền nước này cho là mang tính phỉ báng. Nhưng tuyệt đối, không biết nội dung bài viết đó là gì.
Bị cáo buộc phỉ báng là một điểm rất nhậy cảm tại quốc gia này. Những ai bị cáo buộc thóa mạ nhà tiên tri Mahomet đều có thể bị tử hình. Theo luật hiện hành, phỉ báng những người đồng hành hay gia tộc Mahomet cũng bị lãnh án ít nhất là 10 năm tù.
Đạo luật này thường được dùng để vu khống và kết án những người vô tội, bịt miệng các nhà bảo vệ nhân quyền. Pakistan đã nhiều lần chặn các cổng vào internet trong những năm gần đây. Youtube chẳng hạn, đã bị cấm trong vòng 4 năm từ 2012 với lý do, xin trích “ngày càng phát tán các nội dung mang tính xúc phạm”.
Mạng xã hội Facebook năm 2010 cũng bị đóng cửa sau một chiến dịch trên mạng khuyến khích mọi người vẽ Mahomet. Hai ứng dụng để kết bạn cũng đã bị cấm hoạt động vì những ‘nội dung thiếu đạo đức’. Các giới chức Pakistan giải thích Wikipedia sẽ bị chận cho tới khi nào mà nội dung bài viết bị cho là mang tính phỉ báng phải được xóa đi”.
Úc Ðại Lợi Không In Hình Tân Vương Charles Đệ Tam Trên Tiền Giấy của Nước Này
- Ngày 4/2/2023, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 2/2, Úc Ðại Lợi, một quốc gia thuộc Khối Thịnh Vượng chung do vua Charles Đệ Tam đứng đầu, đã đưa ra quyết định không sử dụng hình ảnh của tân vương trên tiền giấy của nước này, thay thế hình ảnh của cố Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị.
Ngân hàng Trung ương Úc Ðại Lợi cho biết sẽ sử dụng hình ảnh những người đầu tiên sinh sống ở Úc Ðại Lợi, nhằm tôn vinh văn hóa bản địa thay vì hình ảnh đại diện cho chế độ quân chủ Anh, vốn thường xuyên là chủ đề gây tranh cãi ở nước này vì hậu quả của thời thuộc địa Anh.
Quyết định này đánh dấu sự kết thúc sự hiện diện của Hoàng gia Anh trên tiền giấy của Úc Ðại Lợi, kể từ năm 1923. Thông tín viên Grégory Plesse của Đài RFI tại Brisbane (Úc Ðại Lợi) giải thích thêm:
“Thay vì in diện mạo của vị tân vương, chính phủ Úc Ðại Lợi quyết định rằng tờ 5 Úc kim của nước này - tờ tiền duy nhất vẫn in hình nữ hoàng Elisabeth II, trong tương lai, sẽ tôn vinh lịch sử và văn hóa của những người đầu tiên sinh sống ở Úc Ðại Lợi, nói cách khác đó là những thổ dân.
Tuy nhiên, những dấu hiệu thể hiện sự gắn bó của Úc Ðại Lợi với chế độ Quân chủ Anh sẽ không hoàn toàn bị xóa bỏ khỏi những tờ Úc kim. Chân dung của Charles Đệ Tam sẽ được đúc trên tất cả các đồng xu, giống như chân dung của mẹ ông trước đây. Những đồng tiền xu với diện mạo mới này sẽ được lưu hành trong năm 2023.
Quyết định liên quan tới tờ 5 Úc kim, được sử dụng nhiều nhất nước Úc, đã được hưởng ứng từ những người ủng hộ một nền Cộng hòa cũng như đại diện của các cộng đồng thổ dân.
Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Úc Ðại Lợi dự trù rằng cần vài năm nữa thì tờ tiền mới này mới có thể được lưu hành. Cơ quan tài chánh của Úc Ðại Lợi cũng dự trù tham vấn cộng đồng thổ dân trước khi tiến hành thiết kế.
Nếu như tờ 5 Úc kim hiện nay sẽ là những tờ tiền cuối cùng có hình ảnh một nhà vua hay nữ hoàng Anh, thì đồng 5 Úc kim mới lại không phải là tờ đầu tiên tôn vinh thổ dân Úc Ðại Lợi vì kể từ 2018, Úc Ðại Lợi đã cho lưu hành một tờ 5 Úc kim như vậy”.
Kyodo News: Nhật Bản Sẽ Hạn Chế Xuất Cảng Máy Sản Xuất Chip Sang Trung Quốc
- Kyodo News đưa tin ngày thứ Bảy (4/2/2023) cho hay chính phủ Nhật Bản sẽ bắt đầu hạn chế xuất cảng thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc vào mùa Xuân sau khi sửa đổi luật ngoại hối để cho phép thay đổi này.
Bản tin cho biết quy định mới sẽ không đề cập cụ thể đến Trung Quốc trong nỗ lực giảm nguy cơ bị Bắc Kinh trả đũa, nhưng không cho biết thông tin này đến từ đâu.
Nhật Bản và Hòa Lan đã đồng ý cùng Mỹ tạm dừng các lô hàng thiết bị sản xuất chất bán dẫn được sản xuất bởi những công ty như Nikon Corp và ASML Holdings trong một nỗ lực ngăn Trung Quốc phát triển chip tiên tiến có thể được sử dụng để tăng cường sức mạnh quân sự của mình, các nguồn tin nói với Reuters, xác nhận các bản tin của truyền thông trước đó.
Tuy nhiên, chỉ có Hoa Thịnh Ðốn thừa nhận sự tồn tại của thỏa thuận này và vẫn chưa công bố bất kì chi tiết nào về thiết bị nào sẽ bị hạn chế.
Mỹ và Nam Hàn Vẫn Tập Trận Chung Bất Chấp Phản Đối của Bắc Hàn
(Hình: Các chiến đấu cơ Mỹ và Nam Hàn tham gia tập trận chung.)
- Hôm 3/2/2023, Mỹ và Nam Hàn tổ chức tập trận lần thứ hai trong một tuần với các chiến đấu cơ mới nhất của họ, bất chấp những lời kêu ca của Bắc Hàn rằng các cuộc tập trận này đang làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo.
Hai nước đã tiến hành tập trận chung trên biển ở phía Tây bán đảo Triều Tiên hôm 3/2, với sự tham gia của các máy bay chiến đấu như F35A của Nam Hàn, và F-22 và F-35B của Mỹ, quân đội Nam Hàn cho biết trong một tuyên bố.
Không quân hai nước ‘sẽ tiếp tục tăng cường tập trận chung để có năng lực phản ứng mạnh mẽ và sẵn sàng chống lại các mối đe dọa nguyên tử và phi đạn của Cộng sản Bắc Hàn’, tuyên bố cho biết.
Năm 2022, Cộng sản Bắc Hàn đã tiến hành số vụ thử phi đạn-đạn đạo nhiều kỷ lục, là hành vi bị cấm theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Họ cũng bị quan sát thấy đã mở lại địa điểm thử vũ khí nguyên tử vốn đã bị đóng cửa, làm dấy lên dự đoán họ sẽ thử nguyên tử lần đầu tiên kể từ năm 2017.
Hôm 2/2, Bộ Ngoại giao Bắc Hàn cho biết các cuộc tập trận trước đó của Mỹ và các đồng minh đã đạt đến ‘lằn ranh đỏ cực độ’ và đe dọa biến bán đảo này thành ‘kho đạn dược chiến tranh khổng lồ và vùng chiến sự nguy cấp’.
Nhà cầm quyền Bình Nhưỡng không quan tâm đến đối thoại chừng nào Hoa Thịnh Ðốn còn theo đuổi các chính sách thù địch, theo tuyên bố được hãng thông tấn nhà nước Bắc Hàn đưa ra.
Lằn Ranh Đỏ ở Bán Đảo Triều Tiên
- Ngày 4/2/2023, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay chuyến thăm Nam Hàn của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ tuần này, cùng với các cuộc tập trận thể hiện sức mạnh quân sự cũng như khả năng khai triển chương trình nguyên tử giữa hai bên đã làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Bắc Hàn cho rằng Hoa Kỳ và đồng minh đã chạm đến “lằn ranh đỏ”.
Thông tín viên Nicolas Rocca của Đài RFI tường trình từ thủ đô Hán Thành của Nam Hàn:
“Đến Nam Hàn để trấn an đồng minh về sự ủng hộ đối với Hoa Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, trong mọi trường hợp, đã thành công trong việc buộc Bắc Hàn phải có phản ứng. Bình Nhưỡng tuyên bố không có ý định thảo luận chừng nào mà Hoa Thịnh Ðốn vẫn theo đuổi chính sách “thù nghịch”.
Nếu như Tòa Bạch Ốc đã nhắc lại lời mời đối thoại, cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng của Hoa Kỳ và Nam Hàn hôm thứ Ba đã xác nhận chiến lược “tấn công” của hai nước: mở rộng các cuộc tập trận chung, khai triển các vũ khí chiến lược mới và xác nhận việc tổ chức tập trận mô phỏng sử dụng vũ khí nguyên tử. Hai bên cũng đã trình diễn máy bay chiến đấu và máy bay ném bom hôm thứ Tư.
Bấy nhiêu hành động cũng như phát ngôn nhắm tới việc thuyết phục công luận và một bộ phận của tầng lớp chính trị về sự vững chắc của liên minh Hán Thành-Hoa Thịnh Ðốn, trong khi mà ý tưởng về việc khai triển chương trình nguyên tử Nam Hàn ngày càng được người dân ủng hộ.
Nhưng ở phía Bắc của vĩ tuyến 38, tất cả những hành động này được coi là một đe dọa trực tiếp. Bình Nhưỡng khẳng định bảo đảm rằng tất cả “các cuộc diễn tập quân sự đối đầu và các hành động thù địch” có thể biến bán đảo Triều Tiên thành “một vùng chiến sự nghiêm trọng hơn”.
Nam Hàn Tìm Kiếm Thuyền Viên Mất Tích Sau Vụ Lật Tàu Đánh Cá
(Hình: Hiện trường vụ chìm tàu đánh cá.)
- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay 9 người đã mất tích hôm Chủ Nhật (5/2/2023), sau khi một chiếc thuyền đánh cá bị lật úp ngoài khơi bờ biển phía Tây-Nam của Nam Hàn, chính quyền cho biết, trong khi Tổng thống nước này kêu gọi tăng cường các nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn.
Lực lượng tuần duyên cho biết rằng tàu đánh cá bị lật ngay trước nửa đêm ngày thứ Bảy, và ba thuyền viên đã được lực lượng cấp cứu vớt lên.
Đoạn video do lực lượng tuần duyên công bố cho thấy một chiếc thuyền cấp cứu tiếp cận chiếc tàu đánh cá bị lật với ba thuyền viên ở dưới nước gần thân tàu màu đỏ.
Các tàu tuần duyên đang rà soát khu vực để tìm 9 người khác.
Tổng thống Yoon Suk-yeol đã ra lệnh cho các lực lượng Hải quân và dân sự khác giúp đỡ, văn phòng của ông cho biết trong một tuyên bố.
Vào cuối tháng Một, ít nhất 8 người được cho là đã thiệt mạng sau khi một tàu chở hàng bị chìm ở khu vực giữa Nam Hàn và Nhật Bản, các viên chức Trung Quốc cho biết.
Trung Quốc Nói Sự Tương Tín Chính Trị Với Nga Sâu Sắc Hơn Sau Chuyến Thăm của Phái Viên
- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm thứ Bảy (4/2/2023), Trung Quốc nói rằng sự tin tưởng lẫn nhau về mặt chính trị với Nga đã tiếp tục trở nên sâu sắc hơn sau khi Phó Bộ trưởng Ngoại giao Mã Triều Húc đến thăm nước này trong tuần này và gặp gỡ Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga để thực thi quan hệ đối tác chiến lược và thúc đẩy tiến bộ hơn nữa trong mối quan hệ của hai nước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết trong một phát biểu của mình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố quan hệ đối tác chiến lược tại Mạc Tư Khoa một năm trước nhằm chống lại ảnh hưởng của Mỹ và họ nói rằng sẽ không có lĩnh vực hợp tác nào là “vùng cấm”.
Ông Mã cũng gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko và Sergey Vershinin trong chuyến thăm ngày 2 và 3 tháng 2, phát biểu cho biết. Trong các cuộc gặp, ông đã trao đổi quan điểm về hợp tác song phương và đa phương cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm, phát biểu nói thêm.
Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ về một khí cầu của Trung Quốc đang bên trên không phận của Mỹ. Hoa Thịnh Ðốn mô tả nó là khí cầu do thám trong khi Trung Quốc nói nó là một tàu bay được dùng cho mục đích khí tượng dân sự và các mục đích khoa học khác.
Sự việc đã dẫn đến việc hoãn chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Antony Blinken dự kiến bắt đầu vào ngày thứ Sáu.
Phát biểu của Bộ Ngoại giao về chuyến thăm của ông Mã không đề cập đến Ukraine, nơi Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự trong gần 1 năm. Trung Quốc đã tránh không lên án hoặc gọi đó là “cuộc xâm lược”.
Ngoại trưởng Nga Lavrov ngày thứ Năm (2/2) nói rằng quan hệ của Mạc Tư Khoa với Trung Quốc là không có giới hạn và, dù không phải là một liên minh quân sự chính thức nhưng về bản chất là cao hơn và rộng hơn nhiều.
Hai Năm Sau Cuộc Đảo Chính Tại Miến Điện
- Ngày 4/2/2023, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay một sự kiện đáng chú ý trong tuần vừa qua đó là tình hình Miến Điện trong 2 năm qua, kể từ khi tập đoàn quân sự tiến hành đảo chính, lật đổ chính phủ dân sự, vào ngày 1/2/2021. Miến Điện vẫn chìm trong khủng hoảng. Các cuộc đối đầu đẫm máu vẫn tiếp tục xảy ra giữa tập đoàn quân sự và quân đội của người dân tộc, nhất là tại các vùng biên giới chung với Thái Lan và Ấn Độ.
Nhà báo là một trong những nghề nghiệp nguy hiểm nhất. Nhiều phóng viên đã rời khỏi Miến Điện. Tại Thái Lan, giáp ranh với Miến Điện, một nhóm nhà báo đã thành lập một cơ quan báo chí ngầm, tiếp tục đưa tin về cuộc khủng hoảng trong nước. Thông tín viên Carol Isoux của Đài RFI đã đến gặp gỡ các nhà báo tại đây:
“Hai năm sau vụ quân đội đảo chính, các nhà báo tiếp tục rủi ro, đưa tin về cuộc xung đột mà họ cho là các phương tiện truyền thông quốc tế đã lãng quên. Các cuộc không kích tàn sát dân thường, các cuộc đối đầu giữa nhóm thiểu số có trang bị vũ khí và binh lính của quân đội Miến Điện, hay cả tình hình của hàng ngàn người Miến Điện tị nạn ở Thái Lan, như những nhà báo này.
Ko Min là tổng biên tập của cơ quan báo chí này, ông nhấn mạnh rằng ngày nay cuộc khủng hoảng ở Miến Điện đã vượt qua khỏi vấn đề quân sự đơn giản. Ông cho biết:
“Những người Miến Điện đến đây, họ đã mất hết cả quyền lợi, họ không có giấy tờ, không có quyền làm việc, không có lương. Họ có nguy cơ bị cảnh sát bắt bất cứ lúc nào, bị tống tiền. Nhiều người bị bóc lột, làm nô lệ trong các nhà máy. Có nhiều vấn đề xã hội như vậy xảy đến với cộng đồng lao động nhập cư, và cả bạo lực nữa. Chúng tôi cũng đưa tin về khía cạnh này của cuộc khủng hoảng Miến Điện”.
Trên cầu thang, nhiều phòng biên tập được bố trí. Một phòng dành cho truyền hình và hai phòng dành cho phát thanh. Tại đây, các nhà báo dẫn các chương trình hàng ngày và hàng tuần. Mutu là giọng nói của trạm phát thanh. Cô ấy chỉ mới 19 tuổi, nhưng đã bắt đầu làm việc ngay từ 14 tuổi, tại các đài phát thanh của cộng đồng người Karen, cũng là nơi mà cô xuất thân.
Cô khẳng định: “Đài phát thanh là một phương tiện truyền thông quan trọng trong các phong trào chống đảo chính. Bởi vì khi họ cắt mạng internet, radio vẫn tiếp tục phát sóng. Đó là một phương tiện truyền thông gần với người dân, mà ở đó, họ có thể thảo luận, ở đó, có chỗ dành cho cảm xúc. Kể từ cuộc đảo chính, tôi trò chuyện với các thính giả trên khắp Miến Điện, họ có những quan điểm khác nhau. Các đài phát thanh theo cộng đồng rất quan trọng đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số”.
Kể từ 2 năm qua, các tầng lớp trung lưu ở Yangon, giáo viên, Bác sĩ hay các nghệ sĩ đối lập đã di cư hàng loạt đến Thái Lan. Không giấy tờ, không nguồn tài chánh, họ sống trong cảnh thiếu thốn, khó khăn. Họ lo ngại rằng phải kéo dài vô thời hạn cuộc sống tị nạn do thông báo của quân đội về việc tổ chức cuộc bầu cử sắp tới vào tháng Tám, nhằm tạo tính chính đáng cho chính quyền của quân đảo chính”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét