Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2022

TIẾC THƯƠNG BIẾT MẤY CHO VỪA - Kim Thanh

Tin dữ đến với tôi một cách không ngờ, khi qua lời nhắn ngắn gọn trong máy, bà Phạm Văn Tải cho biết ông vừa từ trần. Một tháng trước đó, ông bà được cô con gái, Mỹ Anh, chở đến nhà để thăm tôi, bởi nghe tin sức khỏe tôi bị suy yếu, lưng đau, và đi đứng rất khó khăn. Mang theo nhiều quà cho vợ con tôi, và cho riêng tôi, một hộp sâm Cao Ly. Trông ông còn mạnh khỏe, tuy chỉ nghe và nói rất ít, và vẻ ngoài còn “tươi tắn”, nhanh nhẹn hơn tôi nhiều, mặc dù ông tuổi đã cao và có lần, lâu rồi, bị mổ tim.
<!>
1. Mối thâm tình giữa Đại úy Phạm Văn Tải và tôi đã có từ hơn nửa thế kỷ, khi vào năm 1966 tôi tốt nghiệp “Đại học” Thủ Đức, được về Tiểu Đoàn 20 Tâm Lý Chiến, lúc ấy chưa đổi thành CTCT (Pleiku), xuống Ban Mê Thuột vào Trung đội 403 Dân Sự Vụ, do ông đảm trách, đang tăng phái cho Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Trung đội có khoảng 10 sĩ quan trẻ, từ Chuẩn úy đến Thiếu úy, đều độc thân, trừ ông. Khi tôi đến, không thấy bà Tải ở đâu.

Sau đây, xin trích lại vài đoạn rời trong bài “Trên Xứ Buồn Muôn Thuở”, được viết đã lâu (lúc ông và các sĩ quan khác còn sống), liên quan đến Trung đội 403 DSV:

“Xứ BMT. Buồn Muôn Thuở. Là đây sao? Phố vắng, nhưng cũng có người lác đác. Xe nhà binh tấp nập. Tôi thầm nghĩ, không đến nỗi nào, có buồn cũng chút đỉnh thôi, làm gì mà muôn thuở? Đến phi trường quân sự L19, vừa ló đầu ra cửa máy bay, tôi thấy một chiếc jeep đang chờ, đứng kế bên xe có ông cậu Thiếu úy, em út của mẹ tôi, dáng cao gầy, với điếu thuốc chưa đốt dính môi, và một thiếu úy khác còn trẻ, tầm thước, áo quần trận tươm tất, ủi thẳng nếp, cổ quấn một khăn quàng xanh dương. Tay bắt mặt mừng. Ông cậu giới thiệu:

- Thiếu úy Phạm Văn Tải, Trung đội trưởng 403 Dân Sự Vụ, cùng khóa 15 Thủ Đức với cậu.

Thiếu úy Tải nở nụ cười tươi, để lộ một chiếc răng cửa bọc vàng lóng lánh. Xã giao, bặt thiệp, niềm nở, khiến tôi cảm thấy rất an tâm. Trên đường vào thành phố, Tải bắt chuyện, ân cần hỏi han về sức khoẻ, gia thế, khởi đầu binh nghiệp thấy thế nào... Tôi trả lời chừng mực, vì mắt còn mải ngắm những hàng cây xanh biếc phơi mình trong tia nắng chiều vàng vọt và những căn nhà khang trang, nằm san sát bên nhau trên con đường đất lồi lõm hoặc trải nhựa phẳng phiu. Lại bụi đỏ, lại cái lạnh buốt xương của cao nguyên trong chiều hiu hắt, dù màn đêm chưa kịp buông. Tôi kéo chặt cổ áo jacket nhà binh. Hai ông Thiếu úy có vẻ quen khí hậu, ngồi tỉnh bơ.

[…] Về đến căn nhà thuê, số 58 đường Huyền Trân Công Chúa. Bước vào thấy một gian lớn chia thành phòng tiếp khách và buồng ngủ ‒ngăn cách nhau bởi một tấm bình phong bằng nhựa cứng, mờ đục, sơn hình mỹ nữ uốn éo, chim bay cò bay, hoa hòe hoa sói. Năm chiếc giường bố nhà binh, đặt cạnh nhau dành cho bốn sĩ quan ma cũ và cho tôi, một ma mới toanh. Một chiếc giường gỗ lớn, có nệm êm, ông cậu tôi nói, là của vợ chồng Trung đội trưởng Tải. Bà vợ mang bầu, về quê Di Linh tĩnh dưõng, và Tải may mắn trúng số độc đắc, trở thành độc thân tại chỗ. Nghĩa là căn nhà chứa năm sĩ quan độc thân thứ thiệt và một độc thân thứ giả [...].

[…] Hàng ngày, Thiếu úy Tải chở chúng tôi đi làm trên xe jeep, ngang qua Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23. Vào câu lạc bộ đại đội […] để uống cà phê, ăn bún bò, bún riêu, bánh cuốn, dĩ nhiên ghi sổ, bắt đầu từ giữa tháng. Những ngày không đi hành quân, ở trại, các sĩ quan không biết làm gì để giết hết thời gian. Thiếu úy Tải lại dễ dãi, không bày việc để hành anh em, như một số chỉ huy trưởng khác, miễn là đến phiên công tác ai cũng phải chu toàn nhiệm vụ. Ăn sáng xong, rủ nhau ra Chợ Nhỏ sát bên doanh trại uống bia, liếc mắt đưa tình cô chủ tiệm Nam kỳ nho nhỏ xinh xinh, da trắng như trứng gà bóc, đánh bi da, và ăn trưa. Riết rồi các bà các cô trong chợ biết mặt chúng tôi hết.

Lần đầu tiên công tác, tôi phải dẫn một toán TLC-DSV tăng phái cho một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 45 của Trung tá Võ Văn Cảnh hành quân ở Quảng Nhiêu, bị VC tạm chiếm. Quảng Nhiêu, gần Buôn Hô, cách khoảng hơn 30 km về hướng Bắc Ban Mê Thuột, trên đường đi Kontum. Đó là một quận lỵ dân cư thưa thớt, gồm cả Kinh lẫn Thượng, đa số làm rẫy. Đi theo một tiểu đoàn khác là toán của Thiếu úy Phan Văn Tần. Lần ấy, Tiểu đoàn của tôi đụng nặng, nên toán TLC-DSV không thể làm công tác, nghĩa là bắt buộc phải chiến đấu như ai. Cũng súng cầm tay nạp đạn sẵn sàng, bám sát Bộ chỉ huy Tiểu đoàn.

[…] Vài phút sau, Trung úy Nguyễn Tấn Mỹ, khoá 16 Võ Bị, một đại đội trưởng đẹp trai, đứng cách tôi khoảng mười lăm thước, bị bắn bay nón sắt, vỡ óc. Được chở về Ban Mê Thuột ngay, và tôi nghe kể, tình nhân của anh ‒một vũ nữ trẻ đẹp của vũ trường International‒ đang mang bầu, đã ôm xác anh khóc như mưa như gió, và xỉu lên xỉu xuống, trông rất tội.

[…] Sau lần baptême du feu (“rửa tội bằng lửa”, i.e. ra trận lần đầu) dữ dằn ấy, tôi cảm thấy mình “ngầu” hơn, “lớn” hơn, và được Thiếu úy Tải đối đãi ân cần, coi như anh em. Tôi về lại BMT được hai tháng thì ông cậu được lệnh xuống Qui Nhơn để nắm Đại đội TLC dưới đó, và Thiếu úy Phúc Huế cũng đổi đi đâu, không rõ. Còn lại mình tôi, Tải và Quang Học Giả trụ trì căn nhà rộng, bỗng trở thành vắng vẻ. Đêm khuya, bấy giờ tôi mới để ý, nghe trên trần có tiếng như của một người bị xiềng, lê từng bước chầm chậm, xích sắt khua loảng xoảng, ớn xương sống. Quang cho biết, căn nhà này là của một bà có chồng sĩ quan bị rớt trực thăng chết cháy đen. Như vậy, nhà có ma, Quang kết luận, cố tình hù tôi. Tôi càng sợ hơn. Và đêm nào Tải và Quang trực trại, tôi phải mang chăn gối vào Trung đội hoặc sang nhà Thiếu úy Nguyễn Hữu Đạo gần đó ngủ ké, để trốn ma.

Nửa tháng sau, có chuẩn úy Thủ Đức mới ra lò, Phạm Trọng Khôi, đến “nhập hộ khẩu” căn nhà ma. Khôi, người Bắc, là kỹ sư canh nông du học từ Pháp về, đã lập gia đình, là con của bác sĩ Phạm Trọng Nhân, có phòng mạch bên hông chợ Hòa Bình, Đà Lạt. Khôi hiền lành, vui tính, tóc lùi khá nhiều về phía sau gáy, để lộ một vầng trán cao, thông minh, được chúng tôi đặt tên là “Khôi Trán Cao”.

[…] Thiếu úy Phạm Văn Tải là nhạc sĩ dương cầm và phong cầm (accordéon) tài ba. Sau giờ làm việc, anh ghé chơi đàn tại vũ trường International, đường Tôn Thất Thuyết, cho đến nửa đêm. Tôi khoe đã có bằng lái xe dân sự từ 1964. Anh nhờ tôi lái chiếc jeep đưa và đón anh đi làm thêm, và lâu lâu nhét vào túi tôi một, hai trăm đồng “uống cà phê”. Có khi bảo tôi ở lại vũ trường uống bia free, ngắm chùa các vũ nữ thân gầy lắc lư cho đời mua vui. Dáng dấp Tải nhanh nhẹn, vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa, nói chuyện với các cô ngọt như mía lùi. Cho nên, rất đắt đào: ai lỡ dại (như Quang Học Giả) giới thiệu bồ mới với anh là trước sau gì bồ cũng đơn phương mê anh, mặc dù anh rất đứng đắn, thứ nào để cúng, thứ nào để ăn, rất phân minh, đâu ra đó.

Thời còn ông cậu tôi, vào những dịp cuối tuần, thỉnh thoảng Tải tổ chức khiêu vũ tại căn nhà ma, mời tất cả sĩ quan Trung đội, và một số sĩ quan Trung đoàn 45, hai cô giáo láng giềng [Thu, Nga], và bạn bè, các ca sĩ đại đội TLC-DSV tiểu khu, hay đài phát thanh Ban Mê Thuột, trong số có hai cô Thượng khá xinh, vài vũ nữ International và ca sĩ phòng trà, tham dự. Có cả Thiếu úy Đội trưởng Quân Cảnh Nguyễn Vinh Hiển, bạn thân của Tải [cf. KT: sau trở thành nhà văn Hoàng Khởi Phong, bỏ California về VN sinh sống]. Đó là những tối vui thực sự, đối với mọi người. Vì hát sai nhịp và nhảy dở, tôi được Tải chỉ định làm “trưởng ban tiếp tân”, nghĩa là buổi sáng đó, lo quét nhà, chà láng cái sàn xi-măng (sẽ được dùng làm sàn nhảy dã chiến), dọn dẹp giường chiếu nhét vào kho phía sau, và đến tối, mặc veste, đeo cravate đứng ở cửa chào đón quan khách, và trong tiệc mang khay bia, nước ngọt đi mời vòng vòng.

Ông cậu Cậy, Quang, và các sĩ quan trung đội nhảy cũng cỡ “gà chết” giống tôi, nhưng họ can đảm hơn, điệu nào cũng dắt đào ra... sân. Tải nhảy đẹp và bay bướm nhất đám. Quang, vì mập và lùn nên xoay trở khó khăn, chậm chạp, luôn bước sau tiếng đàn. Ông cậu tôi nhảy xấu nhất, vì cao khều, bình thường không sao, nhưng khi ôm một cô rủi giò ngắn, trông xa thấy cái lưng ông bỗng nhiên trở thành gù, và cái cổ rụt lại như cổ con gà rù.

Tôi không có đào. Thấy bơ vơ tội nghiệp, Tải gửi tôi cho một cô vũ nữ đẹp nhất, nước da trắng muốt, tên Mộng Lan, từ một vũ trường Sài Gòn lên cao nguyên để lập nghiệp (hoặc bị thất tình, tôi đoán mò), với những lời ân cần dặn dò, “ảnh nai tơ lắm, còn trinh hay không thì anh không bảo đảm, cưng nhẹ nhẹ tay một chút nghe”. Lan cười, nheo mắt ngắm tôi từ đầu đến chân một hồi, như nài xem giò ngựa đua:

- Trông mặt mũi, dáng dấp anh cũng sạch nước cản, dễ coi. May phước cho anh đó nghe. Nghe anh Tải nói anh là dân trường Tây mà sao cù..., ý quên, em muốn nói, mà sao không biết nhảy?

Cô vừa tránh kịp chữ “lần”, tôi nghĩ. Tôi ấp úng, chống chế:

- Thì tôi cũng biết sơ sơ. Đâu phải dân trường Tây nào cũng giỏi nhảy đầm. Từ nhỏ tới lớn tôi đâu có đi vũ trường bao giờ, vì vừa con nhà quê, vừa con nhà nghèo, vừa phải gạo bài thi. Kìa như anh Khôi Trán Cao kia, du học ở Pháp mới về, mà nhảy nhót chỉ khá hơn tôi một chút xíu thôi hà!

- Được rồi, để em chỉ cho anh vài điệu.

Nói xong, Lan kéo tay tôi lôi vào sàn nhảy liền. Tôi run lên. May quá, lúc ấy vừa hết bản valse, ban nhạc bắt đầu chơi điệu slow, là điệu mà dù cù lần cù là đến mấy ai cũng phải biết. Ánh sáng bỗng hạ xuống mờ ảo. Lan ôm tôi, dìu bước, chủ động. Mái tóc thoảng hương, dìu dịu. Tôi cũng liều nhắm mắt đưa chân. Một lúc sau, cô ngả đầu vào ngực tôi, thúc giục:

- Ôm em sát, ôm mạnh chút nữa đi anh. Sì-lô là phải như vậy, sĩ quan gì mà nhát như thỏ đế. Bộ em là ma hay sao mà anh sợ dữ vậy?

Nghe nhắc đến ma, tự nhiên tôi ngước nhìn trần nhà. Trả bài xong, về lại

ghế ngồi, trong khi Lan cặp với một anh chàng “kỵ mã” khác, thỉnh thoảng đưa tay về phía tôi hôn gió, cười ghẹo. Tôi ngắm Tải và các bạn anh nhảy rất điệu nghệ, bước đi quá đẹp, mà phát thèm. Trong số, có một anh khách tôi quen mặt, nhưng không biết tên và làm nghề gì, thường chỉ nhảy với một cô bồ duy nhất ốm tong ốm teo, mỗi lần sắp kết thúc bài tango, hay valse gì đó, đều làm một động tác rất lạ, chắc có cầu chứng tại tòa (trade-mark), mà tôi cứ tấm tắc khen mãi, là vật ngửa cô xuống, lưng gần chạm sàn, hai chân duỗi song song giữa hai chân anh, còn anh khòm người, cúi sát, theo điệu nhạc, trên thân cô, mặt thộn ra, mắt lim dim, như bị phê xì-ke hoặc say thuốc lào –điều mà tôi nghĩ thầm, nếu phải làm như vậy, tôi sẽ từ chết tới bị thương, nghĩa là té gãy xương sống một cái rụp.

Và dịp đó cũng là lần thứ hai tôi được ôm nhảy miễn phí tại gia với một vũ nữ thực thụ. Và lần cuối. Vì một lúc sau, giữa đám quan khách có một anh sĩ quan An Ninh tiểu khu hay sư đoàn, tên Đ., vẻ mặt trông hách xì xằng, ngà ngà say và hình như đang giành đào, thình lình rút súng bắn “pằng pằng” mấy phát lên trần nhà ma của chúng tôi. Quân Cảnh đến lập biên bản. Trách nhiệm, dĩ nhiên, thuộc về chủ nhà và trưởng ban tổ chức Phạm Văn Tải. May có Thiếu úy Nguyễn Vinh Hiển, mọi rắc rối được thông qua. Nhưng từ đó, Tải không mở party nữa. Tôi đoán con ma trên trần muốn phá chúng tôi, vì quấy rầy nó quá”.

2. Qua Tết Mậu Thân, từ Đại đội 202 CTCT, Bà Gi, Qui Nhơn, tôi làm đơn xin đổi về ĐĐ 204 CTCT, vừa được thành lập tại Bình Tân, Nha Trang, gần Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân, để được sống tại quê nhà ‒điều làm ba mẹ tôi rất vui. Nhưng lý do chính yếu cho cá nhân tôi là muốn được làm việc với Đại úy Phạm Văn Tải mà tôi đã biết rõ phong cách chỉ huy từ thời Ban Mê Thuột, mặc dù Đ/U Phan Nhơn (đã mất), đại đội trưởng 202, và là bạn thân của Đ/U Văn Khiết, phòng 1 Sư đoàn 22 BB, mà hồi ấy tôi có quen biết (cũng đã mất, chủ nhân hệ thống Phở Văn, Portland và Beaverton), rất dễ thương và dễ dãi. Tiểu Đoàn trưởng 20 CTCT, lúc bấy giờ, là Trung tá Vũ Mạnh Hùng, một đơn vị trưởng hiền lành và đạo đức, khác với tất cả những vị tiền nhiệm mà tôi đã ít nhiều tiếp xúc. Tại Nha Trang, tôi vẫn giữ chức Trung đội trưởng Chính Huấn, như lúc còn ở Qui Nhơn ‒nghĩa là đêm đêm phải dẫn trung đội đi công tác tại các đơn vị và quân trường. Điều này, tôi đã kể trong bài “Đêm xa người”, viết năm 2011, về nữ huấn đạo, tức ca sĩ, Hương Mai, của Đại đội 204, mà tôi xin trích một đoạn, như sau:

“Tôi ngồi hàng ghế khán giả, bên cạnh Đại úy Đại đội trưởng 204 Phạm Văn Tải, một sĩ quan nổi tiếng bay bướm, một đơn vị trưởng có tài lãnh đạo và tổ chức, một người bạn trung thành và dũng cảm dám sống chết với bằng hữu và thuộc cấp, và không bao giờ bỏ họ lại bên đường, từ thời còn ở Ban Mê Thuột, Kon Tum, ai cũng mến. Đặc biệt, ông còn là một nhạc sĩ hào hoa với ngón đàn dương cầm và phong cầm điêu luyện tại các vũ trường, sau giờ làm việc. Còn tôi thì mù tịt về âm nhạc, văn nghệ, thỉnh thoảng nổi hứng hát vớ vẩn vài bài, nhưng giọng faux và luôn sai nhịp, và nếu cực chẳng đã phải ra sàn nhảy tôi chỉ biết có hai điệu tủ: slow, mà tôi thích nhất, vì dễ và không hao sức, và boston, mà tôi đã quên. Nhưng không hiểu sao ông lại bổ nhiệm tôi trông coi trung đội Chính Huấn. Sau này, mới biết rõ, đó bởi vì ông không muốn giao trứng cho ác, nghĩa là đặt tôi vào kỷ luật và trách nhiệm nặng nề của một ông “thần giữ của” giùm cho cha mẹ những nữ huấn đạo, đa số còn rất trẻ, theo giao ước bất thành văn với họ: tạo bầu không khí gia đình, thân ái giữa các nhân viên và ca sĩ trong trung đội, nhưng đồng thời bảo vệ tối đa các cô khi đi công tác nhất là ban đêm, không để rủi ro nào xảy ra, không để các sĩ quan và quân nhân thuộc những đơn vị khác, hoặc ngay trong đại đội, đến ve vãn, dụ dỗ, gây tai tiếng”.

3. Tại Nha Trang, tôi ngỏ ý muốn đi dạy lại, cho khỏi lụt nghề. Đại úy Tải bảo tôi làm đơn xin phép Bộ Tổng Tham Mưu. Sau gần một tháng, Đại tướng Cao Văn Viên, vốn có Cử Nhân Giáo Khoa Pháp, ký giấy thuận, với một điều kiện “phải ngoài giờ làm việc”. Dĩ nhiên. Tại trường nữ trung học Thánh Tâm, mà bà sơ hiệu trưởng Marie-Jeanne Phạm Thị Nhâm là bạn học thân của tôi ở Văn Khoa Sài Gòn, từ 1960 đến 1963, chấp thuận cho tôi dạy vào những giờ trễ nhất. Tại Đại Chủng Viện, thuộc Tòa Giám Mục Nha Trang, dưới quyền điều động của Đức Cha Nguyễn Văn Thuận, vốn quen biết ba tôi, là ông Câu họ đạo Cù Lao Vĩnh Phước, và hai linh mục phụ tá, cha Thạnh và cha Phiên (nghe nói bây giờ đang ở Úc?), tôi được sắp xếp dạy Pháp văn và Latin vào mỗi buổi chiều, theo lời yêu cầu, để 9 giờ tối còn dẫn Trung đội đi công tác.

Tôi dạy, như thế, được hơn một năm, tức vào cuối năm 1970, thì cả ĐĐ 204 được lệnh lên Kontum tăng phái cho Sư đoàn 22 BB. Đại úy Tải và Trung đội Chính Huấn cũng phải đi theo, nhưng không thể, và không biết, làm được việc gì. Chiến tranh càng lúc càng khốc liệt. Đều đặn, mỗi sáng, cứ đúng 10 giờ, VC bắt đầu pháo kích vào căn cứ, và tất cả binh sĩ và nữ huấn đạo phải chui xuống giao thông hào tránh bom đạn. Nghĩa là phải giải quyết mọi việc cá nhân trước 10 giờ. Trực thăng tải thương hoạt động ngày, đêm. Tối hôm trước, tôi còn uống bia, nói chuyện bù khú, hoặc binh xập xám với một ông Tiểu đoàn trưởng và một ông Tiểu đoàn phó, thì sáng hôm sau được tin một trong hai ông đã gục ngã tại chiến trường. Suốt thời gian ở Kontum, Đại úy Tải chăm lo cho Đại Đội một cách chu đáo, có trách nhiệm, đặc biệt về sức khỏe và sinh hoạt thường nhật, như bếp núc và ăn uống.

Được hơn một tháng, Đại Đội được lệnh trở về Nha Trang. Dĩ nhiên, các trường học không mướn tôi nữa, vì đã có giáo sư khác thay rồi. Giữa tháng 7/1971, tôi được lệnh Bộ TTM, do Trung tướng Nguyễn Văn Mạnh ký, đi Phnom Penh làm thông dịch viên Pháp ngữ cho Phái đoàn Liên Lạc Quân Sự của Đại tá Tô Văn Kiểm (vừa mới mất, ở tuổi trên 90). Ở Phnom Penh được ba tháng, trở về, đọc được tin trường Đại Học CTCT Đà Lạt đang cần một sĩ quan Văn Hóa Vụ, tôi bèn nộp đơn, và được chấp thuận ngay. Ba mẹ tôi cũng thấy an lòng, vì từ nay tôi có một công việc tạm thời cố định, và chắc chắn ít nguy hiểm. Vài tháng sau, Đại úy Tải cũng rời Nha Trang lên Đà Lạt, phụ trách chương trình phát thanh cho Vùng II Chiến Thuật. Tôi không biết, và không bao giờ hỏi, tại sao ông bỏ chức Đại đội trưởng 204. Tại Đà Lạt, ông bà có một ngôi nhà tại khu chợ Chi Lăng, gần căn phòng thuê của tôi, nghĩa là có thể gặp nhau mỗi ngày, nếu muốn.

4. Sau 30/4/1975, Đại úy Phạm Văn Tải vượt biên, qua Mỹ trước tôi. Nghe tin tôi vừa tới ở Salem, ông đã lái xe, xuống thăm liền, cùng với một người bạn chung thời Đà Lạt, Thiếu tá Vũ Tiến Kỳ. Mỗi người tặng tôi $100. Vì muốn lên Portland kiếm việc, tôi gọi ông Tải để xin cho tá túc vài bữa. Ông sốt sắng: “Được chứ. Cứ lên ở với tớ, bao lâu cũng được.” Lúc ấy, ông cư ngụ trong một apartment thuê, đường NE Prescott, với Lu, đứa con trai út, sau này đi tu và làm linh mục dòng Tên. Bà Tải và những người con khác chưa qua đoàn tụ. Chỉ có một phòng với chiếc giường lớn cho hai cha con. Tôi ngủ trên sofa, ngoài phòng khách, như tại nhà vợ chồng cậu em trai Salem. Điều đó tôi đã kể trong bài “Ba mươi hai năm ấy bây giờ là đây”, viết năm 2017, và xin trích vài đoạn, có liên quan đến ông, những ngày sống chung tại Portland:

“Tải lúc ấy làm việc cho USCC (US Catholic Charities), trong khuôn viên nhà thờ La Vang [cũ]. Cuối tuần, ông thường đến các nhà quen dự tiệc, và chở tôi theo ăn ké. Còn cho mượn $800 tiền mặt để mua chiếc Audi đời thượng cổ, trên 200 ngàn miles, không nhớ của bà sơ Phượng, hay bà sơ Miền. Tôi ca bài ca con cá “mới tới còn nghèo, xin bớt chút đỉnh”, nhưng bà sơ dứt khoát bán chắc giá, và cash only. Xe chạy cũng OK (chỉ lâu lâu tự dưng buồn tình tắt máy ngang xương giữa đàng), nhưng tiếng nổ lớn quá, khói phun mù trời, bị rớt hoài DEQ và bị cảnh sát hai lần chận phạt. Và từ đó, bỗng nhiên tôi trở thành khách hàng thường trực của Khôi Auto, NE 52”.

[…] “Mấy hôm sau, Tải kiếm đâu cho tôi được cái job ở một nhà hàng Mỹ, khu NE, lương $6 một giờ, từ 11PM đến 3AM, vị chi là $24, trả cash ngay tại chỗ, mỗi đêm. Lúc này, tôi có xe và bằng lái, nên đi đứng có phần dễ dàng. Tôi được giao một núi chén đĩa, thanh toán xong đã mất hai tiếng. Tên quản lý Mỹ ác ôn đưa thêm một cái chảo to tổ chảng, đen ngòm những mỡ, hành và thịt cháy. Hì hục cạo, rửa, chùi gần một tiếng nữa, tưởng sạch, nhưng hắn lắc đầu, lấy ngón tay quẹt vào những chỗ còn bám mỡ, bắt rửa lại. Về đến nhà đã hơn ba giờ sáng, quá giấc ngủ, trằn trọc mãi. Làm thêm một tuần nữa, chịu hết nổi, tôi bỏ luôn”.

5. Khi Loan muốn học đạo để rửa tội và làm phép hôn phối, theo nghi thức Công giáo, tại nhà thờ La Vang, ông Tải là một trong những giảng viên rất tận tụy và nhiệt tình. Hai ông bà cũng đến tham dự lễ hôn phối của chúng tôi. Một số bạn bè dự lễ nay đã trở thành người thiên cổ: như hai cha đồng tế Phạm Văn Ninh và Đặng Kim Hoàng, như hai người bạn thân thiết Dương Xuân Kính (đã ký giấy mượn student loan cho tôi, một người mà anh chưa từng quen biết trước 1975) và Harry Norman (viện trưởng ĐH Fullerton), và hôm nay đến lượt Phạm Văn Tải.

Viết đến đây, tôi bỗng thấy mắt nhòa lệ. Mặc dù tôi tự biết mình là người không dễ khóc. Ôi, biết nói sao cho vừa, cho hết, cho cạn ân tình mà chúng ta đã trao đổi nhau qua hơn nửa thế kỷ, từ 58 đường Huyền Trân Công Chúa, Ban Mê Thuột, cho đến khu NE Portland, OR, hỡi Đại úy Phạm Văn Tải, một chỉ huy trưởng, một người anh, một người chú, một người cậu, tuổi hạc đã gần 90, và nhất là, một người bạn lớn tuyệt vời, trên cả tuyệt vời, đã chia sẻ, và biết gìn vàng giữ ngọc, cho nhau vô vàn tâm sự. Cuộc đời, quả thực, quá ngắn, mới thấy đó, mà bỗng tan đó, như bóng mây lãng đãng trên trời bao la.

Thôi nhé, xin người bạn, người anh, người chú Paul Phạm Văn Tải hãy ngủ một giấc ngủ dài, êm đềm và bình an, trong tay Chúa Giêsu và Mẹ Maria nhân từ. Vĩnh biệt, từ đây, và hẹn gặp lại nhau ở cõi thiên thu.

Portland, 22/5/2022

Kim Thanh

Không có nhận xét nào: