Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

ĐƯỜNG VỀ QUÊ CŨ - Hoàng Nguyên Linh


Sau bao năm đắn đo và suy nghĩ, cuối cùng tôi đã về Việt Nam. Tôi về với một mục đích chính là thắp nén hương lên mộ mẹ tôi, người mẹ mà trên 50 năm tôi không gặp. Phi cơ chở tôi đáp xuống phi trường Nội Bài Hà Nội. Tôi không có một cảm giác gì cả. Tôi không vui, không mừng. Có lẽ tại tôi đi xa Việt Nam quá lâu hay tại tôi chưa từng sống ở Hà Nội, hoặc có thể vì nơi đây là trung tâm quyền lực đã điều khiển cuộc chiến kéo dài bao nhiêu năm khiến cho hàng triệu người chết. Thành phố này tôi không có kỷ niệm như Sài Gòn nên đến Hà Nội tôi cảm thấy như mình là một du khách đến thăm một xứ lạ. Lúc chưa về Việt Nam tôi nghe người ta nói muốn đi dễ dàng, không bị làm khó thì bỏ 10, 20 đô la vào cái sổ thông hành, lại có người nói nếu bỏ tiền vào đó coi chừng bị gài bẫy… cho nên đầu óc tôi khá căng thẳng, tôi không biết nên chọn lựa thế nào cho đúng…
<!>
Trước kia tôi nghe người ta tả cảnh thật đẹp của Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường, với Hồ Hoàn Kiếm, đền Quan Thánh, Hồ Tây, chùa Một Cột, Văn Miếu Quốc Tử Giám vân vân, nhưng nay đến Hà Nội những nơi này không có gì lôi cuốn tôi. Tôi ở khách sạn nằm trên phố Hàng Đường, rất gần với chợ Đồng Xuân, ngôi chợ này không lớn như tôi tưởng, có lẽ nhỏ hơn chợ Bến Thành trong Sài Gòn, nhưng tôi nhớ nó và muốn biết nó vì lúc mới di cư vào Nam, bố tôi xin cho tôi nhập học lớp Nhất trường tiểu học di chuyển Tôn Thọ Tường. Sáng và chiều là của trường chính, chúng tôi đi học nhờ nên chỉ được xếp vào buổi trưa. Trong giờ tập đọc cô giáo gọi tôi lên đọc bài, bài tập đọc nói về chợ Đồng Xuân, tôi không nhớ bài này trích từ đâu và tác gỉa là ai, nhưng khi đọc hết bài cô giáo hỏi tôi “Chợ Đồng Xuân ở đâu ?”. Tôi sợ quá, lính quýnh trả lời liều: “ Thưa cô ở ngoài Bắc”, cô giáo hỏi vặn tôi: “ Ngoài Bắc, nhưng ở tỉnh nào hay thành phố nào ?”, tôi không trả lời được. Có lẽ cô giáo thấy một thằng bé quê mùa như tôi, từ Thái Bình (người ta hay gọi đùa là Thái Lọ) vào thẳng Sài Gòn nên không biết Hà Nội, không biết chợ Đồng Xuân. Từ đó tôi nhớ mãi tên của ngôi chợ này.

Sau khi đi thăm hết các nơi chính, chúng tôi hỏi người tài xế của hãng du lịch là ăn ở đâu ngon nhất đưa chúng tôi đến, anh tài xế đề nghị nên đến quán chả cá Lã Vọng vì hầu hết khách du lịch Hà Nội mọi người đều ghé quán này nó vừa ngon, vừa rẻ. Đến cửa chúng tôi phải đứng đợi khỏang 30 phút. Mùi mắm tôm cùng với mùi cá nướng và lá thì là thơm phức càng lôi cuốn khách đứng đợi. Khi chảo cá nướng được mang lên, tôi tò mò hỏi người bồi: “Ở đây anh dùng mỡ gì để nướng cá?”, người bồi hãnh diện trả lời: “ Chúng tôi dùng mỡ lợn, ngon lắm”. Anh ta dùng danh từ “mỡ lợn” khiến tôi phát sợ, nếu dùng danh từ quen thuộc “mỡ heo” như trong Nam có lẽ tôi bớt sợ hơn, và từ đó tôi không bao giờ vào quán này nữa dù quán cùng nằm trên phố Hàng Đường nơi tôi ở.

Sau 3 ngày ở thành phố này tôi không thấy có gì lôi cuốn. Thành phố quá xô bồ, bụi bặm, mùi cống rãnh xông lên hôi thối, xe gắn máy chen chúc nhau trên phố, không có một trật tự nào. Tôi về Hà Nội như một du khách, tôi không cho thân nhân và bạn bè biết trước để khỏi có có sự đón đưa. Ngày thứ ba tôi gọi cho cô em gái và người em họ con ông chú để báo tin hôm sau tôi về quê ở Thái Bình.

Thành phố Hà Nội những ngày gần Tết càng xô bồ, phố xá quá đông người. Chiếc xe chở tôi, Thế và Hằng khó khăn lắm mới ra khỏi thành phố. Xe phải mất hơn 2 giờ mới vào được thị xã Thái Bình. Thành phố khác lạ so với khi xưa. Hai bên đường có những dẫy nhà cao, khá đồ sộ nhưng tôi có cảm tưởng sự xây cất rất cẩu thả, nếu chẳng may có một trận động đất nhẹ, tất cả những ngôi nhà 3,4 tầng này sẽ sụp đổ dễ dàng.

Rồi chúng tôi vào đến làng Kỷ, nơi tôi đã được sinh ra và lớn lên. Tên làng Kỷ đã có từ lâu lắm, về sau đổi lại là Hội Châu, và bây giờ gọi là làng Minh Châu, huyện Thanh Quan. Chồng bà Huyện Thanh Quan một thời đã làm tri huyện ở đây. Ngày xưa làng tôi được bao bọc bởi lũy tre xanh, con đường dẫn vào làng được trải những viên đá thật lớn. Nhưng nay dấu vết cũ không còn gì nữa. Thế chỉ cho tôi chỗ ngày xưa gọi là Quán Cháy, miếu và lăng cụ Thượng Quốc, lăng cụ Hàn không thấy đâu. Tất cả còn sót lại là Mả Cả, nơi chôn cất của bao nhiêu đời dân trong làng và ngôi chùa rất linh thiêng của làng. Phía bắc làng tôi là làng Thượng Phú, thị xã Châu Giang, phía tây là làng Tầm Phương, Tống Thỏ và Trực Nội, phía đông là làng Tể, nơi ông Ngoại tôi ở, phía nam là sông Trà Lý, bên kia sông là huyện Kiến Xương. Tôi nhớ đến bài thơ của một thi sĩ người làng Kỷ đã làm bài “Về Làng Kỷ” khi mẹ ông mất:

Làng Kỷ nhỏ nhoi bên sông Trà Lý
Tiếng chuông chùa khấp khểnh bước chân trâu
Sáo ai thổi bên cầu khuya khoắt thế
Ngọn đèn dầu thao thức đốt lòng nhau

Làng Kỷ buồn mong manh như nét vẽ
Khi gió mùa đông bắc lạnh tràn qua
Tần tảo mẹ đôi chân trần tím tái
Cầu đá buồn bữa bữa gập ghềnh mưa…

Làng Kỷ nghèo nuôi chúng tôi rau cháo
Lặn lội thân cò bãi chợ, bến sông
Câu ca dao mẹ ru sờn mép võng
Mẹ đi rồi ! Câu hát có còn không ?

Làng Kỷ giờ không nghèo như xưa nữa
Nhưng cứ buồn xao xác cứ bâng khuâng
Lối cũ còn đây người xưa giờ đâu nhỉ
Có ai về Làng Kỷ với tôi không ? …

Có, tôi đã về Làng Kỷ. Nhưng không như ý bài thơ, với tôi lối cũ không còn như xưa nữa, không còn lũy tre xanh, không còn cầu đá bắc qua con lạch nhỏ, không còn cây đa đầu làng, không còn mẹ tôi và người em con ông chú đã ra đi. Tôi đã thắp nén hương lên mộ mẹ. Đây là lần đầu sau 50 năm tôi rời xa quê huơng, bây giờ mới được về thăm mộ mẹ và cũng buồn không biết còn có dịp về quê lần nữa không. Cúng mộ mẹ tôi xong, tôi đến nơi có mộ cụ tổ, cụ cố, ông bà và các cô chú cùng người em họ của tôi. Hoàng Hưng lúc tôi vào Nam em chưa biết đi, nhưng nay em đã lìa đời lúc tuổi ngoài 30. Hoàng Hưng chết tại miền Nam cùng một lúc với bố vợ. Sau chiến tranh phải khó khăn lắm mới tìm được mộ và mang hài cốt về. Mộ hai bố con chôn sát nhau. Rất may tôi đã không tham gia trận này, nếu không tôi đã cầm súng hăng say giết quân thù và biết đâu trong trong đó có em tôi. Hết chiến tranh bây giờ chỉ còn tình người, các người thân ở lại tôi không thấy họ như quân thù trong lúc chiến tranh nữa. Họ cũng như chúng tôi tất cả chỉ là nạn nhân và bị quay cuồng trong một guồng máy…

Ngọc Lan năm nào cũng vậy, những ngày gần Tết đều về thắp hương cho bố và cho chồng. Còn gì đau khổ bằng có hai cái tang trong một ngày. Nhìn người thiếu phụ trẻ tuổi chừng chưa tới 50 tôi không khỏi ngậm ngùi. Tôi liên tưởng tới câu hát: “Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu…”

Ngọc Lan dáng người nhỏ nhắn, thanh cao, hiền dịu, chồng chết đã lâu nhưng vẫn còn thương chồng nên chưa tái giá. Nhìn Ngọc Lan tôi thấy có vẻ quen thuộc nên hỏi Thế và được biết Ngọc Lan là em bà Nết, cháu ông Thân, người làng kế bên. Nói đến bà Nết thì tôi nhớ rõ. Nết lớn hơn tôi hai tuổi. Lúc chưa vào Nam mẹ tôi nói đợi tôi đủ 13 tuổi, lúc đó Nết 15 sẽ đi hỏi Nết làm vợ cho tôi. Mẹ tôi bảo: “ Gái hơn 2, trai hơn 1 là đẹp đôi”. Tuy mới 12 tuổi nhưng tôi đã biết phân biệt được người con gái đẹp và người con gái xấu. Nết người thon và cao như Ngọc Lan bây giờ nhưng hình như đẹp hơn Ngọc Lan. Da nàng thật mịn và trắng hồng. Trong vùng Nết là người con gái đẹp nhất nên mẹ tôi mới chọn cho tôi. Mẹ tôi hỏi: “ Con có bằng lòng lấy Nết làm vợ không?”, tôi trả lời : “ Con không biết”. Tuy không hiểu chuyện vợ chồng là gi nhưng vì Nết đẹp nên tôi cũng thấy vui vui, làm bạn với Nết chắc tôi cũng thích. Hình như Nết đã nghe có người nói bắn tin nên nàng rất thích vì gia đình tôi giầu hơn nhà nàng, tôi lại khá đẹp trai và cao lớn, Tuy kém nàng 2 tuổi nhưng tôi cũng lớn bằng nàng hoặc cao hơn nàng. Đi đường gặp tôi nàng vui lắm, nhưng trái với Nết, tôi rất thẹn thùng mỗi khi găp nàng, tôi thường giả vờ nhìn đi chỗ khác chứ không dám nhìn thẳng, nghĩ lại tôi thấy một thoáng tiếc thương…

Rồi phong trào cải cách ruộng đất và đấu tố được phát động, chúng tôi bị học tập hình thức đấu tố cha ông. Từ lớp học đến đoàn thể thiếu nhi chúng tôi phải tự kiểm thảo. Tôi sợ nhất là buổi học tập kiểm thảo nơi lớp học của tôi. Anh Quỹ, tên người dạy tôi lớp nhì. Anh bắt chúng tôi gọi là “anh” chứ không được gọi là “thầy” cho có vẻ cách mạng, anh nói gọi “thầy” chứng tỏ hãy còn phong kiến, lạc hậu. Trong bản tự kiểm thảo chúng tôi phải ghi tất cả những tội lỗi, xấu xa từ bé tới lớn mà chúng tôi mắc phải. Anh Qũy đưa ra một tiền đề là từ trước tới giờ vì chưa được cách mạng giáo dục nên mọi người đều có tội lỗi, ai khai được nhiều tội của mình thì người đó là người thành thật nhất và đã giác ngộ, ai khai ít tội thì người đó không thành thật và chưa giác ngộ. Chúng tôi thi nhau khai tội của mình, không có tội cũng tạo ra để khai. Cuối cùng có một học sinh được các bạn bầu hạng nhất vì khai ra được nhiều tội. Tôi còn nhớ anh ta tên Nhuế, người gầy gò, nhỏ bé. Được bầu hạng nhất, Nhuế mừng lắm và được gọi lên đứng gần bảng đen, khoanh tay trước ngực và nhìn xuống cả lớp. Anh Quỹ đọc từng tội rồi bắt đầu chửi tới tấp suốt từ sáng đến trưa, lúc anh Quỹ đập bàn, lúc anh hét thật to như áp đảo “tội nhân”, cứ mỗi câu anh Quỹ lại gằn từng tiếng: “Em Nhuế ! em Nhuế !”, chúng tôi ngồi dưới sợ quá, trong khi đó Nhuế nước mắt chảy ròng ròng, độc ác hơn nữa là anh Qũy không cho lau nước mắt và cứ thế nước mắt, nước mũi chảy ra. Anh nói nếu lau đi thì tội hãy còn, phải để cho tội lỗi chảy đi. Nhuế phải khoanh tay đứng chịu sự xỉ vả nặng nề và liên tục trong gần 3 giờ đồng hồ nên đã té lăn ra nền lớp học, mấy người ngồi bàn trên phải lấy nước lạnh lau mặt cho Nhuế, mãi gần nửa giờ sau Nhuế mới tỉnh lại và buổi kiểm thảo chấm dứt. Anh Qũy mặt vẫn lạnh lùng và tuyên bố: “ Từ nay em Nhuế đã trở thành một thiếu nhi tháng Tám gương mẫu…”. Đó là kỷ niệm sợ hãi nhất của tôi trong thời đi học trong vùng do Việt Minh kiểm soát. Rồi phong trào đấu tố bộc phát mạnh, chú của bố tôi bị bắt mang ra đấu tố trước, đoàn thiếu nhi chúng tôi được điều động đến để cổ võ cho phiên tòa, làm cho âm thanh của tiếng “đả đảo” thêm vang dậy, tiếng “giết” người thêm lạnh lùng. Ông bị trói ở sân đình làng, mấy người canh điền ngày trước đứng ra tố khổ và gọi loa: “Đả đảo tên địa chủ cường hào gian ác !” tức thì cả tập thể cùng hô: “Đả đả ! Đả đảo !”, rồi tiếng loa lại kêu lên: “Ai đồng ý giết!” tức thì cả đán đông cùng hô: “Giết! giết !”. Tiếp theo là gạch, đá ném ào ào vào đầu và người ông. Cứ như vậy lập đi lập lại nhiều lần, ông chú của bố tôi gục đầu xuống, máu chảy ròng ròng. Một người canh điền tên Tuệ Cụt, gọi hắn như vậy vì hắn không có ngón chân cái cho dễ phân biệt với Tuệ Lé trong làng, hắn đã làm việc cho chú của bố tôi trong nhiều năm, hắn đi đến bên ông, tay cầm viên gạch thật to đập mạnh vào đầu ông một lần nữa cho thỏa mãn lòng căm thù của hắn. Tiếng loa kêu lên: “ Tên địa chủ cường hào gian ác đã đền tội trước nhân dân !” . Xác ông được cởi trói và đem bó chiếu vùi xuống hố chứ không được bỏ trong hòm gỗ. Một miếng sắt được viết vội vàng bằng sơn để trên mộ : “Nấm mồ của tên địa chủ cường hào gian ác…”. Bố tôi thấy vậy sợ hãi ban đêm chạy trốn khỏi làng, tìm đường vào Nam, tôi đi theo bố, thế là chuyện lấy vợ không xong và mãi gần 20 năm sau tôi mới lập gia đình. Nếu không có phong trào đấu tố và cải cách ruộng đất, tôi không vào Nam và đã lấy Nết rồi cuộc đời tôi không biết sẽ thay đổi ra sao…

Dù mới gặp Ngọc Lan lần đầu sao tôi thấy rất thân quen. Ngọc Lan ở Hà Nội, nhà không xa với phố Hàng Đường nơi khách sạn tôi ở. Ngọc Lan ngỏ ý mời tôi đến nhà chơi. Tôi nhận lời và nói khoảng 10 giờ sáng hôm sau tôi sẽ tới. Ngọc Lan và Nết đón tôi ở cửa. Ngọc Lan giới thiệu tôi với chị nàng:
- Bác Văn, anh họ nhà em mới ở Mỹ về chơi.

Ngọc Lan chỉ Nết:
- Đây là chị ruột của em. Còn con trai em đi chơi với bạn chưa về.

Nết cúi đầu chào tôi và mời:
- Mời bác vào trong nhà uống nước.

Bây giờ tôi mới để ý, người vùng tôi họ hay gọi nhau là “bác” hay “ông” thay cho con cháu họ chứ không gọi anh hay chị dù là người nhà. Tôi vào ghế ngồi rồi vừa hỏi chuyện vừa quan sát Nết. Người đàn bà này đã một lần mẹ tôi định hỏi làm vợ cho tôi. Tuy một vài nét của người con gái đẹp ngày xưa vẫn còn trên khuôn mặt nhưng nhìn tổng quát thì “nàng” nay đã già, đôi mắt hom hem, tóc bạc gần nửa đầu, làn da mịn màng ngày xưa nay không còn nữa và đã nhăn nheo, hai chiếc răng cửa đã rụng. Tôi nhớ đến lời nói của người bạn trong một hội cựu học sinh khi lên diễn đàn kể chuyện về Việt Nam và khuyên mọi người là đừng bao giờ gặp lại người yêu cũ, sẽ vỡ mộng vì “nàng” nay không còn như xưa nữa và đã trở thành bà lão rồi. Nhưng tôi đến thăm chị em Nết không phải trong ý nghĩ đó, tôi đến thăm vì tình thân thuộc và tình quê hương nơi tôi.

Hình như Nết còn nhớ chuyện mẹ tôi định hỏi nàng cho tôi mấy chục năm về trước nên thỉnh thoảng điểm nụ cười khiến cho hai chiếc răng rụng càng rõ thêm. Để xóa tan không khí im lặng, Ngọc Lan hỏi chị:
- Ngày xưa chị có biết bác Văn trong làng không ?
- Biết chứ sao không. Bác ấy con nhà giầu nhất trong vùng ai mà không biết. Nếu không có cuộc di cư…

Nết bỏ lửng câu nói ở đó nhưng tôi biết nàng định nói gì. Hai chị em khẩn khoản mời tôi ở lại ăn cơm trưa, tôi từ chối lấy lý do xe của hãng du lịch đến đón, tài xế xe không đợi được. Thấy trong nhà chỉ có hai chị em, tôi muốn hỏi nhưng rất khó nhập đề. Sau khi hỏi thăm về gia đình tôi xong, nét mặt Nết có vẻ buồn buồn rồi kể:
- Chồng em và đứa con trai lớn đã chết tại chiến trường miền Nam, không mang được xác về. Sau chiến tranh tưởng thằng con trai út sẽ được gần mẹ, không ngờ lại có chiến tranh với Trung Quốc ở phương Bắc nên cháu cũng bị chết ngoài mặt trận, thằng cháu này mang được xác về chôn. Nhà đơn chiếc nên hai chị em ở với nhau. Na (tên cũ của Ngọc Lan) có nhiều người hỏi nhưng em nó ngại không muốn đi lấy chồng nữa…

Nghe xong câu chuyện tôi cảm thấy thật buồn. Đi đâu cũng thấy hậu quả của chiến tranh, nhất là dân miền Bắc họ cực khổ hơn trong Nam rất nhiều nhưng họ vẫn tiếp tục chịu đựng.

Sau mấy tuần lễ đi từ Bắc vào Nam, mặc dù đi trong dịp Tết nhưng sao tôi không thấy điều gì vui, không thấy đâu là mùa Xuân quê hương, tất cả chỉ thấy cảnh lầm than, đói khổ. Hầu như nhà nào cũng có người chết vì chiến tranh, nhưng người dân vẫn âm thầm sống cho qua ngày.

Về đến Hoa Kỳ đã lâu nhưng tôi lúc nào cũng nghĩ đến cảnh đáng thương của hai chị em Nết Na cũng như bao nhiêu gia đình Việt Nam khác nơi quê hương cũ của tôi…

Hoàng Nguyên Linh

Không có nhận xét nào: