TT Joe Biden lại nói sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan Tại Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Hai (23/5) đã nói rằng ông sẽ sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan nếu quốc đảo dân chủ này bị Trung Quốc xâm lược. Khi một phóng viên hỏi ông Biden rằng liệu Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu họ bị tấn công, Tổng thống Mỹ đáp: “Có”. “Đó là cam kết chúng tôi đã đưa ra”, ông Biden nói trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Kishida tại Tokyo. “Chúng tôi đồng ý với chính sách một Trung Quốc. Chúng tôi đã ký vào bản thỏa thuận đó và tất cả những hiệp định liên quan. Nhưng có ý kiến cho rằng [Đài Loan] có thể bị chiếm bằng vũ lực và điều đó là không phù hợp”, ông Biden nói.
Tổng thống Mỹ nói thêm rằng ông hy vọng sự kiện như vậy sẽ không xảy ra.
Bình luận nêu trên của ông Biden dường như là đi ngược lại chính sách mơ hồ chiến lược của Mỹ về vấn đề Đài Loan.
Sau phát biểu của ông Biden, một quan chức Nhà Trắng cho biết Mỹ không có thay đổi chính sách đối với Đài Loan.
Hồi tháng Mười năm ngoái, ông Biden cũng đã đưa ra tuyên bố tương tự. Thời điểm đó, một phát ngôn viên Nhà Trắng đã nói ông Biden sẽ không loan báo bất kỳ thay đổi nào về chính sách của Mỹ và một nhà phân tích cho rằng tuyên bố khi đó của ông Biden “là lời nói hớ”.
Mỹ từ lâu đã đồng ý với Bắc Kinh về nguyên tắc một Trung Quốc. Nhưng Washington cũng đã thông qua chính sách “mơ hồ chiến lược” về vấn đề liệu họ có can dự quân sự vào một cuộc xung đột xảy ra trên đảo quốc hay không.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2022 cao hơn Trung Quốc
Tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2022 đang trên đà vượt qua Trung Quốc lần đầu tiên kể từ năm 1976.
Kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng 2,8% trong năm nay, trong khi, nền kinh tế Trung Quốc khả năng chỉ tăng 2,0%, thấp hơn 30% so với tăng trưởng kinh tế Mỹ, theo ước tính của Bloomberg.
Nếu ước tính trên là đúng, năm nay sẽ đánh dấu lần đầu tiên trong vòng 46 năm qua, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ, theo Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới.
Lần gần nhất Mỹ tăng trưởng kinh tế trong năm vượt Trung Quốc là năm 1976, khi đó tăng trưởng GDP của Mỹ là 5,39%.
Kể từ sau năm 1976, cũng là năm kết thúc một thập kỷ “Cách mạng Văn hóa”, Trung Quốc đã luôn vượt Mỹ về tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm.
Dự đoán mới nhất của Bloomberg là thấp hơn mức dự đoán trung bình trước đó cho rằng GDP Trung Quốc năm 2022 sẽ tăng 4%.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng chính thức của GDP Trung Quốc năm 2022 là 5,5%. Ông đã cảnh báo các quan chức rằng họ phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vượt trên tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ, theo Wall Street Journal đưa tin hồi tháng Tư.
Giới chức Trung Quốc đã thực thi hàng loạt các biện pháp kích thích kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tác động của các biện pháp này không bù đắp được các tổn thất kinh tế do chính sách Zero-COVID do ông Tập áp dụng.
Nếu các dự báo là chính xác, thì 2022 sẽ là năm đầu tiên kể từ cuối những năm 1990, Trung Quốc đã không hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra.
Năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc đã không công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm. Mức tăng trưởng GDP năm 2020 của Trung Quốc mà giới chức nước này công bố là 2,2%.
Tại Mỹ, mặc dù người tiêu dùng đang phải vật lộn với áp lực lạm phát, nhưng nền kinh tế vẫn được chống đỡ nhờ chi tiêu và thuêtiêu dùng mạnh mẽ.
TT Joe Biden ký duyệt gói viện trợ 40 tỷ USD cho Ukraine
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Bảy (21/5) đã ký duyệt gói viện trợ 40 tỷ USD cho Ukraine. Ông Biden đã ký gói viện trợ trị giá 40 tỷ USD thành luật, H.R. 7691 khi đang trên đường công du châu Á.
Luật trên cơ bản chi tiền hỗ trợ quân sự nhưng cũng bao gồm 8 tỷ USD trợ giúp kinh tế cho cả Ukraine và các quốc gia “bị ảnh hưởng bởi tình hình [chiến sự] ở Ukriane, trong đó có các chương trình nhằm giải quyết nạn buôn người”.
Trong gói viện trợ trên, cũng gồm 5 tỷ USD dành cho việc giúp giảm thiểu tình trạng thiếu lương thực ở nhiều nước. Và cũng có khoảng 1,2 tỷ USD chi cho hoạt động hỗ trợ người tị nạn.
Trước khi được Tổng thống Biden ký thành luật, gói viện trợ 40 tỷ USD đã được Hạ viện thông qua với 368 phiếu thuận, 57 phiếu chống và Thượng viện phê duyệt với tỷ lệ 86-11.
Ông Biden đã hoan nghênh Quốc hội sau khi các nghị sĩ bỏ phiếu thông qua gói viện trợ nêu trên. Ông nói rằng các nhà lập pháp đã gửi “một thông điệp lưỡng đảng rõ ràng tới thế giới rằng người dân Mỹ sát cánh cùng người dân Ukraine dũng cảm khi họ bảo vệ nền dân chủ và tự do của mình”.
“Những nguồn lực mà tôi yêu cầu sẽ cho phép chúng ta chuyển thêm nhiều vũ khí và đạn dược tới Ukraine, bổ sung thêm cho chính kho dự trữ của chúng ta, và hỗ trợ binh lính Mỹ đang đồn trú trên lãnh thổ NATO”, ông Biden nói thêm.
Ông Biden đã không đưa ra tuyên bố hoặc phát biểu khi ký duyệt gói viện trợ 40 tỷ USD và ông cũng không bình luận về luật này hoặc về Ukraine khi đang trong chuyến công du châu Á, gặp người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk-yoel tại Seoul.
Dân biểu Adam Smith (Đảng Dân chủ, bang Washington), chủ tịch Ủy ban Quân sự Hạ viện, nói sau khi ông Biden ký duyệt gói viện trợ rằng “thêm sự giúp đỡ đang trên đường tới cho người dân Ukraine khi họ chiến đấu dũng cảm chống lại cuộc chiến tranh tiếp diễn của Putin”.
Tuy nhiên, những người phản đối biện pháp hỗ trợ bổ sung này cho rằng Mỹ đang chuyển thêm tiền tới Ukraine, trong khi các vấn đề nội địa lại chưa được giải quyết, chẳng hạn như vấn đề thiếu sữa bột cho trẻ sơ sinh và làn sóng nhập cư bất hợp pháp vẫn tiếp diễn tại biên giới Mỹ – Mexico.
Thượng nghị sĩ Mike Braun (Đảng Cộng hòa, bang Indiana), 1 trong 11 thượng nghị sĩ bỏ phiếu phản đối gói cứu trợ, đã phát đi tuyên bố cho hay: “Tôi ủng hộ giúp Ukraine đánh đuổi quân xâm lược Nga, nhưng khi mà lạm phát, giá xăng, và tình trạng thiếu thốn đang giáng xuống người dân Mỹ ở quê nhà, thì tôi không thể ủng hộ chi thêm 40 tỷ USD nếu gói viện trợ này không được bù đắp bằng việc cắt giảm hoặc lấy từ các khoản tiền đã được phê duyệt từ trước, đặc biệt khi Liên minh châu Âu không có động thái tương tự như chúng ta đang làm để kết thúc cuộc xung đột ngay sân sau của họ”.
Ukraine và Ba Lan đồng thuận thiết lập cơ quan kiểm soát hải quan chung
Ngày 22/5, Ukraine và Ba Lan đã đồng ý thiết lập một cơ quan kiểm soát hải quan chung ở biên giới và thành lập một công ty đường sắt chung nhằm tạo điều kiện cho sự đi lại cũng như tăng cường khả năng xuất khẩu của Ukraine.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskiy và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã ca ngợi sự hợp tác ngày càng tăng giữa hai quốc gia trong cuộc họp ở Kyiv hôm 22/5, với việc ông Duda khẳng định sự ủng hộ của Warsaw với nước láng giềng thân thiết.
“Biên giới Ba Lan-Ukraine nên đoàn kết, không chia cắt,” Tổng thống Duda nói với các nhà lập pháp khi ông trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên có bài phát biểu trực tiếp trước quốc hội Ukraine kể từ cuộc xâm lược ngày 24/2 của Nga.
Tổng thống Zelensky cũng gọi việc kiểm soát hải quan biên giới chung là một động thái mang tính “cách mạng”.
“Điều này sẽ đẩy nhanh đáng kể [việc giải quyết] các thủ tục biên giới,” ông Zelensky nhấn mạnh trong một đoạn video của mình, sau chuyến thăm của Tổng thống Duda.
Hầu hết những người tị nạn Ukraine chạy trốn khỏi chiến tranh đã vượt qua Liên minh châu Âu thông qua các điểm biên giới ở Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania. Ba Lan đã cấp quyền sinh sống, làm việc và các khoản thanh toán an sinh xã hội cho hơn 3 triệu người Ukraine.
Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksander Kubrakov cho hay, hai nước láng giềng đang cố gắng tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa của Ukraine sang Liên minh châu Âu.
Ông Kurbakov lưu ý trong một tuyên bố: “Chúng tôi cũng đang nghiên cứu việc thành lập một công ty đường sắt liên doanh để tăng cường khả năng xuất khẩu của nền kinh tế Ukraine.”
Cuộc chiến ở Ukraine, một trong những nước xuất khẩu lúa mì và ngô lớn của thế giới, đã khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt.
Hiện có khoảng 25 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt ở Ukraine, không thể xuất khẩu do thách thức về cơ sở hạ tầng. Trước đây, Ukraine từng xuất khẩu phần lớn hàng hóa qua các cảng biển nhưng kể từ khi Nga xâm lược, họ buộc phải xuất khẩu bằng tàu hỏa hoặc qua các cảng nhỏ trên sông Danube.
Tổng thống Zelensky cũng bày tỏ, việc kiểm soát hải quan chung có thể giúp nước này dễ dàng gia nhập EU hơn. Ông nói: “Đây cũng là bước khởi đầu cho sự hội nhập của chúng tôi vào không gian hải quan chung của Liên minh châu Âu.”
Tổng thống Ba Lan: “Chỉ Ukraine mới có quyền quyết định tương lai của chính mình”
Nga đã tăng cường các cuộc tấn công ở miền đông Ukraine hôm Chủ nhật trong bối cảnh Tổng thống Ba Lan có chuyến công du đến Kyiv và trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên phát biểu trước quốc hội Ukraine kể từ khi chiến tranh nổ ra.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda bày tỏ sự ủng hộ đối với tham vọng gia nhập Liên minh châu Âu của Ukraine, nói với cơ quan lập pháp rằng “chỉ Ukraine mới có quyền quyết định về tương lai của mình”.
“Thật không may, ở châu Âu trong thời gian gần đây cũng có những tiếng nói đáng lo ngại đòi Ukraine phải nhượng bộ các yêu cầu của Putin,” ông Duda nói. “Tôi muốn nói rõ ràng rằng: Chỉ Ukraine mới có quyền quyết định về tương lai của mình. Chỉ Ukraine mới có quyền tự quyết định”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói rằng EU nên nhanh chóng đồng ý đưa đất nước của ông trở thành thành viên thứ 28 của khối.
Ông Zelensky cho biết chuyến thăm của ông Duda đánh dấu một “sự hợp nhất lịch sử” giữa hai quốc gia với việc Ba Lan tiếp nhận hàng triệu người tị nạn Ukraine kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược vào tháng Hai.
Ông Duda nói với cơ quan lập pháp của Ukraine: “Bất chấp sự tàn phá to lớn, bất chấp tội ác khủng khiếp và đau khổ to lớn mà người dân Ukraine phải gánh chịu hàng ngày, những kẻ xâm lược Nga không thể hủy diệt các bạn. “Họ đã thất bại trong việc đó. Và tôi tin tưởng sâu sắc rằng họ sẽ không bao giờ thành công”.
Ông Duda cũng ghi nhận các nỗ lực của Tổng thống Biden trong việc thống nhất phản ứng của phương Tây đối với cuộc chiến và áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga.
Trong khi khả năng ứng cử vào EU của Ukraine dự kiến sẽ được giải quyết tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào cuối tháng 6, một thành viên EU đã cảnh báo rằng sẽ mất một “thời gian dài” để Ukraine được chấp nhận.
Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune nói với Radio J rằng có thể mất tới hai thập kỷ.
“Chúng ta phải trung thực,” ông Beaune nói vào Chủ nhật. “Nếu bạn nói Ukraine sẽ gia nhập EU sau sáu tháng hoặc một hoặc hai năm, bạn đang nói dối.”
Chuyến thăm của ông Duda diễn ra khi các lực lượng Nga tăng cường các cuộc tấn công ở Donbass bằng pháo và tên lửa với hy vọng mở rộng lãnh thổ mà phe ly khai được Moscow hậu thuẫn đã nắm giữ từ năm 2014.
Hôm Chủ nhật, Quốc hội Ukraine đã thông qua việc gia hạn thiết quân luật và huy động lực lượng vũ trang lần thứ ba đến hết ngày 23/8.
Nga đang cố gắng chiếm Sievierodonetsk, thành phố chính doUkraine kiểm soát ở tỉnh Luhansk.
Thành phố chỉ có một bệnh viện làm việc với ba bác sĩ và đủ nguồn cung cấp để hoạt động trong mười ngày, Thống đốc Luhansk Serhiy Haidai cho biết.
Quân đội Ukraine hôm Chủ nhật cho biết cuộc tấn công của người Nga vào Oleksandrivka, một ngôi làng bên ngoài Sievierodonetsk, đã thất bại.
Moscow cho biết họ có kế hoạch tiếp tục cuộc tấn công vào Slovyansk, một thành phố ở tỉnh Donetsk.
Động thái mới nhất của các lực lượng Nga diễn ra sau khi Điện Kremlin tuyên bố đã kiểm soát Azovstal, một nhà máy thép quy mô lớn từng là chốt phòng thủ cuối cùng ở thành phố cảng Mariupol. Nga tuyên bố đã bắt được khoảng 2.500 tù nhân Ukraine tại Azovstal.
Anh muốn Moldova được vũ trang theo tiêu chuẩn NATO trước mối đe dọa từ Nga
Ngoại trưởng Liz Truss cho biết hôm 20/5, Anh và các đồng minh đang thảo luận về việc trang bị vũ khí cho Moldova trước các mối đe dọa từ Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Telegraph, bà Truss cho rằng, quốc gia Đông Âu này cần được “trang bị theo tiêu chuẩn của NATO”.
Đề cập đến một ủy ban chung về việc nâng cấp hệ thống phòng thủ cho Ukraine theo tiêu chuẩn của NATO, ngoại trưởng Anh nhận định, điều này “cũng nên áp dụng cho các quốc gia dễ bị tổn thương khác như Moldova”.
“Bởi vì mối đe dọa từ Nga rộng lớn hơn, chúng ta cũng cần đảm bảo họ rằng được trang bị vũ khí theo tiêu chuẩn của NATO.” Bà còn tiết lộ, vấn đề này đang được thảo luận với các đồng minh của Vương quốc Anh.
Khi được hỏi liệu đề xuất nêu trên có phải là phản ứng trước mối đe dọa an ninh do Nga gây ra hay không, bà Truss trả lời: “Hoàn toàn có thể coi là vậy.”
Bà tiếp tục: “Ý tôi là, ông Putin đã thể hiện rõ tham vọng gây dựng một nước Nga vĩ đại hơn. Và cho dù những nỗ lực của ông ấy nhằm chiếm Kyiv không thành công, không có nghĩa là ông ấy đã từ bỏ những tham vọng đó.”
Telegraph đưa tin, một phụ tá của bà Truss sau đó giải thích, các tiêu chuẩn của NATO sẽ liên quan đến việc các nước thành viên NATO cung cấp thiết bị hiện đại cho Moldova để thay thế các thiết bị từ thời Liên Xô của họ, đồng thời đào tạo và hướng dẫn cách sử dụng thiết bị mới.
Kẹp giữa Ukraine và Romania, Moldova nằm gần Biển Đen và một số khu vực phía Nam Ukraine do Nga kiểm soát. Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Moldova Nicu Popescu nói với Reuters, có những phần tử nội bộ trong khu vực ly khai thân Nga của Moldova đang cố gắng gây mất ổn định khu vực và gây ra căng thẳng, khi đất nước của ông thúc đẩy nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu.
Ngoài ra trong cuộc phỏng vấn, bà Truss cũng nhận định, Vương quốc Anh “không nên phụ thuộc vào Trung Quốc về chiến lược”.
“Tôi muốn thấy chúng ta chia nhiều trứng hơn trong các giỏ khác nhau,” bà Truss bày tỏ khi được hỏi liệu Anh có nên xoay trục khỏi các mặt hàng tiêu dùng điện của Trung Quốc hay không.
Cuộc phỏng vấn diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Boris Johnson nói chuyện với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về phản ứng toàn cầu đối với cuộc chiến ở Ukraine.
Theo Downing Street, ông Johnson nhấn mạnh rằng Phần Lan và Thụy Điển sẽ đóng góp thêm giá trị cho liên minh NATO, sau khi ông Erdogan tuyên bố phản đối việc gia nhập của họ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc hai quốc gia này không có “lập trường rõ ràng” đối với các nhóm mà đất nước của ông coi là khủng bố.
Phát ngôn viên của Downing Street lưu ý, ông Johnson khuyến khích Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ làm việc với những người đồng cấp Thụy Điển, Phần Lan và NATO để giải quyết bất kỳ mối quan ngại nào trước hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Madrid vào tháng 6 sắp tới.
Các nhà lãnh đạo còn chia sẻ “mối quan tâm sâu sắc” của họ trước cuộc xâm lược của Nga nhằm vào Ukraine, cũng như “hậu quả sâu rộng của nó đối với an ninh và ổn định của khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương (Euro-Atlantic) và thế giới rộng lớn hơn,” Downing Street cho biết.
Phát ngôn viên nói thêm: “Thủ tướng hoan nghênh vai trò hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng, và muốn phối hợp cùng nhau để mở ra các tuyến đường quan trọng cho việc xuất khẩu kho dự trữ ngũ cốc của Ukraine, từ đó giúp giảm giá lương thực toàn cầu đang gia tăng.”
Thủ tướng Nhật: Việc Trung Quốc bành trướng ở biển Hoa Đông là “không chấp nhận được”
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm thứ Bảy (21/5) cho biết ông rất thất vọng về nỗ lực mở rộng các khu vực ở Biển Hoa Đông của Trung Quốc, đồng thời cho rằng điều đó là “không thể chấp nhận được”.
Phát biểu với các phóng viên ở thành phố Kyoto, ông nói rằng chính phủ đã khiếu nại Trung Quốc qua đường ngoại giao.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản hôm thứ Sáu đưa ra một tuyên bố xác nhận sự gia tăng các nỗ lực của Trung Quốc nhằm phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Biển Hoa Đông, bao gồm cả những khu vực nằm ở phía tây của trung điểm giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Nhật Bản đặc biệt kêu gọi sớm nối lại các cuộc đàm phán về việc thực thi một thỏa thuận song phương năm 2008 về phát triển các nguồn tài nguyên ở Biển Hoa Đông, Bộ nói thêm.
Thỏa thuận đó quy định rằng Nhật Bản và Trung Quốc đồng ý cùng nhau phát triển trữ lượng khí đốt dưới biển trong khu vực tranh chấp, với lệnh cấm việc khai thác độc lập của một trong hai quốc gia.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về cách thức thực hiện thỏa thuận đã bị đình chỉ vào năm 2010.
Bộ cho biết: “Thật vô cùng đáng tiếc khi phía Trung Quốc đang đơn phương tiến hành phát triển ở vùng biển này.”
“Biên giới của các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa vẫn chưa được xác định ở Biển Hoa Đông,” Bộ nói thêm.
Nhật Bản từ lâu đã khẳng định đường trung tuyến giữa hai quốc gia nên là mốc giới hạn của các đặc khu kinh tế tương ứng của hai nước. Nhưng Trung Quốc khẳng định biên giới nên được kéo gần Nhật Bản hơn.
Tokyo đã cáo buộc Trung Quốc bố trí 17 giàn khoan bị nghi ngờ gần biên giới hàng hải trên thực tế với Nhật Bản.
Mặc dù các giàn khoan nằm ở phía biên giới của Trung Quốc, nhưng Tokyo lo ngại khí đốt từ phía Nhật Bản cũng có thể bị khai thác trái phép.
Một trong những nguyên nhân của căng thẳng kéo dài giữa Nhật Bản và Trung Quốc là tranh chấp về các hòn đảo nhỏ ở Biển Hoa Đông, khu vực Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét