Khi đức Phật đản sinh, trên trời có chín rồng phun hai dòng nước ấm mát tắm rửa cho Ngài, cùng lúc ấy, chư thiên tung hoa trời, trổi nhạc trời chúc mừng thái tử. Tắm Phật là nghi thức tưới nước thơm lên tượng Phật sơ sinh, ngoài mục đích kỷ niệm đức Phật đản sinh còn mang ý nghĩa sâu sắc về sự tẩy trừ phiền não, hướng đến sự thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý của con người. Nghi thức tắm Phật đã có từ xa xưa ở Ấn Độ, các tự viện thường thực hiện nghi lễ tắm Phật như một nhu cầu cần thiết để cầu phước diệt tội.
<!>
Khi tiến hành lễ tắm Phật, bài kệ tắm Phật được xướng tụng là:
Án mâu ni, mâu ni, tam mâu ni, tát bà ha.
Dịch là:
Con nay rưới tắm các Như Lai
Trí sạch trang nghiêm công đức lớn
Chúng sanh năm trược rời cấu trần
Cùng chứng Như Lai tịnh pháp thân.
Trong thành Tỳ Gia chưa từng sinh
Giữa cây Sa La chưa từng diệt
Bất sinh bất diệt đức Cồ Đàm
Trong mắt nhìn xem càng thêm bớt.
Sáng nay là mồng tám tháng tư
Cung vua Tịnh Phạn sinh Tất Đạt
Chín rồng phun nước ngoài trời đến
Hoa sen đỡ bước theo đất mọc.
Án mâu ni, mâu ni, tam mâu ni, tát bà ha.
Bốn câu đầu là bài kệ tắm Phật trong kinh Dục Phật Công Đức, theo đó dịch sát là: Nay con rưới tắm thân của các đức Như Lai, thân ấy là khối công đức được trang nghiêm bởi trí tuệ thanh tịnh, cầu nguyện chúng sanh ở trong giai đoạn đầy năm thứ vẩn đục cho họ thoát ly mọi thứ dơ bẩn, cùng chứng pháp thân thanh tịnh của Như Lai.
Nói về Như Lai là phải nói đến phước trí nhị nghiêm. Để chứng đắc địa vị Phật đà, chư vị bồ tát phải tích tụ tư lương phước trí trải qua ba A tăng kỳ kiếp bằng sự tu tập trí tuệ vô phân biệt thông đạt pháp tánh viên minh, thuận phần chân như thanh tịnh. Chư vị bồ tát còn cụ bị đại bi, đại nguyện, đại tinh tấn trong việc hóa độ chúng sanh, nhất là chúng sanh bị năm thứ vẩn đục vây quanh. Năm thứ vẩn đục là: thời kỳ vẩn đục, kiến thức vẩn đục, tâm lý vẩn đục, con người vẩn đục, đời sống vẩn đục (kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược). Bồ tát hóa độ chúng sanh bằng mọi phương tiện thiện xảo mà cứu cánh là mong chúng sanh diệt được tất cả mê hoặc, cùng chứng đắc pháp thân thanh tịnh của Như Lai. Pháp thân của Như lai thì thường trú bất diệt, biến khắp pháp giới, thanh tịnh bản tịch, ứng hiện không có thêm bớt, tùy thuận niết bàn sinh tử.
Bốn câu kế tiếp là nói pháp thân thanh tịnh của Như Lai thì bất sinh bất diệt. Cách đây hơn 25 thế kỷ, vào ngày trăng tròn tháng tư âm lịch, tại nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) miền trung Ấn Độ, bồ tát Hộ Minh đã giáng trần, qua hiện thân thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhartha Gautama), con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Maya. Ngài đã vì lòng từ bi, vì sự an lạc, hạnh phúc, giải thoát cho chúng sanh, nên xuất hiện ở cõi Ta bà nầy. Về sau Ngài xuất gia, tu hành và thành đạo dưới cội Bồ Đề hiệu là Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni), trở thành giáo chủ trong ba cõi, bậc thầy của chư thiên và loài người. Qua 49 năm thuyết pháp độ sanh, ngài đã để lại cho nhân loại một kho tàng giáo lý vô tận, những quy luật đạo đức cao siêu, để hướng dẫn con người hướng thiện và giải thoát. Trong cánh rừng Sala, phía nam thành phố Câu Thi Na (Kusinagara), vào một đêm rất tối và tĩnh mịch, Đức Phật nằm nghiêng bên phải, hướng về phía tây và dần nhập niết bàn, một trạng huống tánh tịnh vô trú.
Trước hết cần phải hiểu đạo lý sinh diệt. Sinh là biểu hiện, diệt là kết thúc. Sự kết thúc của giai đoạn này là sự biểu hiện của giai đoạn kế tiếp. Như vậy sinh diệt tiếp nối tương tục, sinh là diệt, diệt là sinh, do đó sinh không thật sinh, diệt không thật diệt. Sinh không thật sinh nên gọi là bất sinh, diệt không thật diệt nên gọi là bất diệt. Nghĩa lý bất sinh bất diệt nằm trong sinh diệt. Đức Phật có ba thân là tự tánh thân, thọ dụng thân và biến hóa thân. Tự tánh thân là pháp thân thanh tịnh, tự tại trong các pháp. Thọ dụng thân là thân Phật trong đại tập hội của chư Phật gồm toàn chư vị bồ tát. Biến hóa thân là thân Phật từ cung trời Đâu Suất, thị hiện ẩn mất, rồi thọ sinh, thọ dục, vượt thành xuất gia, đến chỗ ngoại đạo, tu hành khổ hạnh, chứng đại bồ đề, chuyển đại pháp luân, nhập niết bàn vô trú. Ở góc độ đạo lý sinh diệt thì sự giáng sinh và diệt độ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni lịch sử cũng là bất sinh bất diệt. Qua cái nhìn pháp thân thì mang sắc thái thường trú, bất sinh bất diệt, vì thân ấy từ chân như thanh tịnh dẫn ra, từ bản nguyện dộ sinh không có thời kỳ kết thúc. Dùng con mắt phàm phu mà xem xét pháp thân thì chỉ là vọng kiến điên đảo, thêm bớt sinh diệt: “Nhãn trung khán kiến trùng thiêm tiết.” Đức Phật vẫn hiện hữu nhưng vì chúng sanh không thấy đó thôi. Như Đại thừa trang nghiêm kinh luận có ghi: “Đồ đựng nước bị bể, ánh trăng không hiện ra, như vậy lỗi chúng sanh, tượng Phật cũng chẳng hiện.”
Bốn câu sau cùng là nhắc lại việc đản sinh của đức Phật. Hằng năm, vào ngày mồng 8 tháng tư âm lịch, các chùa tổ chức lễ hội Tắm Phật. Lễ hội ấy dựa theo kinh Quá khứ hiện tại nhân quả rằng khi đức Phật đản sinh có hai con rồng phun nước hương thơm, một dòng ấm một dòng mát, rưới lên kim thân thái tử Tất Đạt Đa. Kinh Phổ Diệu thì nói đến chín con rồng ở trên không trung rưới nước hương thơm xuống tắm rửa thái từ vừa đản sinh. Theo kinh Ưu bà di pháp môn tịnh hạnh, thái tử vừa đản sinh thì đã biết đi, “nhẹ nhàng đi bảy bước trên bảy hoa sen”. Mỗi bước chân thái tử nhìn về một phương, cả thảy sáu phương: đông, tây, nam, bắc, hạ, thượng. Đến bước thứ bảy thì thái tử một tay chỉ lên trời và một tay chỉ xuống đất, tuyên bố: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Nói xong, chư thiên dâng hai dòng nước ấm mát tắm cho thái tử, sau đó thái tử trở lại như mọi đứa trẻ bình thường.
Ý nghĩa bảy bước hoa sen, theo kinh Ưu bà di pháp môn tịnh hạnh, như sau: Bước thứ nhất, nhìn về phương đông, ngài nguyện làm người dẫn đường tối thượng. Bước thứ hai, nhìn về phương nam, ngài nguyện làm ruộng phước tốt cho chúng sanh. Bước thứ ba, nhìn về phương tây, ngài nói đây là thân rốt sau. Bước thứ tư, nhìn về phương bắc, ngài nói sẽ chứng đắc Vô thượng bồ đề. Bước thứ năm, nhìn xuống phương hạ, ngài nói sẽ hàng phục ma quân phiền não. Bước thứ sáu, nhìn lên phương thượng, ngài nguyện làm nơi y chỉ cho chư thiên và loài người. Bước cuối cùng, ngài tuyên bố: “Trên trời, dưới trời chỉ có Ta là trên hết”, bởi lẽ sự kiện một đức Phật xuất hiện ở đời như một bậc tôn quý nhất, tối thắng nhất là vô tiền khoáng hậu. Kinh Tăng Chi Bộ ghi: "Một người, này các tỳ kheo, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tợ, không có đối phần, không có người ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc tối thượng giữa các loài hai chân. Người ấy là ai ? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán Chánh đẳng chánh giác."
Một tượng Phật Thích Ca sơ sinh, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, được đặt trong một cái chậu nước sạch có rắc hoa thơm. Phật tử sắp thành hàng dọc, vừa tụng kệ chú tắm Phật, vừa tiến đến trước tượng Phật, múc một muỗng nước hương thơm rưới tắm lên tượng Phật. Nghi thức tắm Phật ấy hàm ẩn một ý nghĩa cao siêu, đó là pháp thân Phật vốn thanh tịnh, dụ cho Phật tánh vốn tiềm ẩn trong mỗi người, nhưng vì bị bụi bặm phiền não tham, sân, si … che lấp nên Phật tánh không hiển lộ ra được. Muốn hiển lộ Phật tánh cần mượn nước để tẩy rửa bụi bặm che lấp Phật tánh. Quán chiếu việc tắm Phật như là việc gội rửa nội tâm để tìm lại tự tánh sáng ngời vốn sẵn có của mình. Múc một muỗng nước hương thơm rưới từ trên vai tượng Phật sơ sinh, nếu tâm ta có niệm tham, niệm sân, niệm si … thì xin nguyện cho những tâm niệm xấu ác này theo dòng nước thanh tịnh mà trôi đi, chuyển hóa nội tâm trở nên trong sáng.
Tắm Phật cũng là sự biểu lộ lòng thành kính của mình với đức Phật, nguyện báo ơn Phật vì nghĩ nhớ ơn nặng của Ngài: “Đức Thích Ca Như Lai của chúng ta, lúc mới phát tâm, đã vì chúng ta mà thực hành bồ tát đạo, trải qua vô lượng kiếp chịu đủ khổ cực. Khi ta tạo tội, Phật đã xót thương, phương tiện giáo hóa, mà ta ngu si, không biết tin tưởng, tiếp nhận. Ta đọa địa ngục, Phật càng đau xót, muốn chịu thay khổ sở cho ta, nhưng nghiệp ta quá nặng, hết cách cứu vớt. Ta sinh loài người, Phật liền dùng phương tiện làm cho ta gieo trồng thiện căn. Đời đời kiếp kiếp, Phật theo dõi ta, lòng không lúc nào rời bỏ chốc lát.” (Khuyến phát bồ đề tâm văn, đại sư Thật Hiền, H.T Trí Quang dịch)
Chúng con nguyện:
Dứt bỏ dục tình ngoan cố,
Học đòi đức tánh quang minh,
Cúi xin Phật tổ giám thành,
Từ bi gia hộ,
Chúng con cùng pháp giới chúng sanh,
Chóng thành đạo quả.
Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét