Ngày nay dầu khuynh diệp bác sĩ Tín không còn nữa nhưng người dân miền Nam tuổi trung niên trở lên ai cũng nhớ đến cái mùi đặc trưng của loại dầu gió thông dụng này. Dầu trị nhiều chứng bệnh, cảm mạo, sổ mũi, đau nhức cơ bắp, ho, đau bụng, đau răng, trầy chảy máu, ngừa gió, ngừa ban cho trẻ em… Người thường dùng nhất là các bà già, phụ nữ sinh đẻ nên dầu khuynh diệp còn được gọi là “dầu bà đẻ”. Bác sĩ Tín người đã tạo ra dầu khuynh diệp Tôi chỉ mới biết “dầu bà đẻ” khi đem chuyện dầu gió ngày xưa ra trò chuyện với mấy ông bạn già. Những câu chuyện góp nhặt đây đó đánh thức ký ức của tôi thời còn bé. Nhớ lại, có lần ba tôi dẫn tôi đến Nhà bảo sanh Hoà Hưng thăm má tôi sanh thằng em út. Vừa bước vào cửa chính đã ngửi thấy nồng nực mùi dầu. Mùi khuynh diệp càng lúc càng nồng khi đi ngang qua các buồng sản phụ dọc theo hai bên.
<!>
Hồi đó, tôi không để ý lắm cái mùi dầu khuynh diệp vì tủ thuốc trong nhà lúc nào cũng có vài ba chai dầu Nhị Thiên Ðường, dầu khuynh diệp bác sĩ Tín và hũ cù là Mac-Phsu phòng dùng khi cần thiết. Nhưng sau này, khi tôi có dịp ngửi lại mùi dầu khuynh diệp OPC hiệu mẹ bồng con (“hậu duệ” của dầu khuynh diệp bác sĩ Tín). Mùi không đậm bằng dầu gió ngày xưa nhưng tôi vẫn cảm thấy cái mùi thật thân mật và gần gũi!
Ba loại dầu gió này rất thông dụng trong từng gia đình. Mặc dù vậy, dầu khuynh diệp vẫn là loại dầu gió phổ biến nhất bởi công dụng của dầu trị nhiều thứ, kể cả nhức răng. Có lần tôi xúi thằng bạn hàng xóm có cái răng hàm bị sâu khoét một lỗ, nó cứ lấy tay bịt miệng, mặt mày nhăn nhó. Tôi bảo lấy cục bông gòn nhỏ se tròn lại nhúng vào dầu khuynh diệp nhét vào lỗ răng sâu. Nó làm theo đúng là hết thật. Té ra, dầu khuynh diệp hiệu nghiệm thiệt! Hồi đó, nhãn hiệu trên chai dầu khuynh diệp bác sĩ Tín không có ghi cách dùng nào nhưng sau này các loại dầu gió đều phải ghi trên nhãn hiệu “dùng ngoài da”.
Bác sĩ Tín, người sáng chế ra dầu khuynh diệp, tên thật là Bùi Thứ, sinh quán tại Quảng Nam. Ông kết hôn sớm với bà Nguyễn Thị Hoà, người cùng quê. Hồi đi học ông tham gia phong trào bãi khoá tại trường Quốc Học và tham gia lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh cũng như thường lui tới chùa Từ Ðàm, nơi giam lỏng nhà cách mạng Phan Bội Châu nên ông bị sở mật thám Pháp theo dõi ghi tên vào sổ đen. Kết quả là ông bị đuổi học. Sau khi rời Quốc Học, ông ra Hà Nội theo học tại trường Albert Sarraut và đổi tên thành Bùi Kiến Tín.
Ðỗ Tú tài Pháp, ông vào học tại Ðại học Luật khoa Hà Nội nhưng được học bổng sang Pháp học ngành Y. Tốt nghiệp bác sĩ, ông về nước cùng với những người bạn học là bác sĩ Trương Ðình Ngô, dược sĩ Trương Xuân Nam lập một cơ sở nghiên cứu bào chế Âu dược tại Quy Nhơn. Ông làm các loại thuốc ho, bổ huyết, thuốc trị táo bón. Bà Hòa tích cực tham gia cùng chồng ngay từ những ngày này. Bác sĩ Tín nói cần một cái nồi đồng thật lớn để nấu thuốc, bà liền nhận nhiệm vụ đi kiếm cho ra cái nồi như thế. Bà về quê, ngay lúc đám giỗ ở một nhà thuộc tộc Bùi thì gặp ông Bùi Thuyên, cha ruột nhà thơ Bùi Giáng. Nghe chuyện, ông Bùi Thuyên bèn cho mượn cái nồi khá to!
Lọ dầu khuynh diệp bác sĩ Tín luôn có mặt trong nhà của người miền Nam
Bác sĩ Tín lại có duyên nợ với ngành Ðông Y nên khi cơ sở sản xuất thuốc dời vào Sài Gòn vào năm 1944, bác sĩ Tín đưa cả gia đình từ Quảng Nam vào lập nghiệp tại Sài Gòn và lập ra viện bào chế đông dược miền Nam tại Phú Lâm, gọi là nhà thuốc Bác Sĩ Tín. Và từ đó tạo lập nên thương hiệu “Dầu khuynh diệp bác sĩ Tín”. Dầu gió được bác sĩ Tín bào chế có công thức đặc biệt bao gồm các loại dầu tràm, dầu bạc hà, dầu hương nhu… và không thể thiếu tinh dầu khuynh diệp. Ðây là loại tinh dầu có mùi rất đặc trưng.
Ðể có được nguyên liệu tốt, năm 1954 ông mua một miếng đất rộng 30ha nằm dọc theo xa lộ Biên Hòa, bên tay phải từ Suối Tiên về Biên Hòa (đối diện Nghĩa Trang Quân Ðội) trồng cây khuynh diệp, còn gọi là " Đồi bác sĩ Tín và là bãi tập chiến thuật trong DI HÀNH DÃ TRẠI của các sinh viên sỉ quan Quân Trường Vỏ Khoa Thủ Đức." Năm 1960, lứa khuynh diệp đầu tiên từ Pháp đưa về được trồng ngay tại đây. Rồi sau đó, ông dùng hạt giống của cây khuynh diệp đã trồng, ươm cây con để trồng trên hai trang trại mới mua rộng 40ha tại xã Lộc Châu, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Ðồng.
Tiến sĩ kinh tế Bùi Kiến Thành, trưởng nam của bác sĩ Tín, nói về tâm tư của cha mình khi dầu khuynh diệp bác sĩ Tín đã gần như chiếm lĩnh thị trường miền Nam vào thuở thập niên 1960. Trong luận án tốt nghiệp bác sĩ, ông đã nêu tinh thần dân tộc và mong muốn góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam hùng mạnh. Ông ước ao làm sao 20 triệu dân hiện tại có sức khỏe tốt để nâng dân số lên 50 triệu cho đúng với tầm cỡ lãnh thổ ? Dân Việt Nam lúc đó không có đủ tiền để mua thuốc Tây. Còn Ðông dược rất tốt nhưng sản xuất chưa đúng với phương pháp khoa học nên kém hiệu quả. Và ông muốn thay đổi thực tế này. Do đó bác sĩ Tín cho làm logo hình ảnh một anh lực sĩ nâng cả đất nước Việt Nam lên, bên dưới hình ảnh có ghi ba chữ “Ðại Cường Việt”. Logo này được in trên các nhãn hiệu sản phẩm dầu gió, dầu xoa bóp, dầu cù là.
“Với papa tôi, làm giàu không chỉ cho cá nhân ông mà còn là làm giàu cho đất nước, cho ích nước lợi dân. Thí dụ, khi papa tôi làm thuốc ho Bác sĩ Tín, ông đã có ý thức về chủ quyền với câu khẩu hiệu ‘uống thuốc ho Bác sĩ Tín thở không khí tự do’. Bán thuốc không chỉ để dân khỏe ra mà ông còn muốn xây dựng nhận thức, ý thức chủ quyền cho dân”.
Tiến sĩ Bùi Kiến Thành thời trẻ, trưởng nam của bác sĩ Tín cùng cha quản lý nhiều công ty tại Sài Gòn và các tỉnh Ông Thành nhớ lại: “Papa tôi đã mua một chiếc xe tải lớn, dài 7-8 mét nhưng không đóng thùng mà để lên đó một chiếc xe hơi Austin mới cáu cạnh. Gắn kèm chiếc xe là cái bảng to ghi: Giải thưởng Bác sĩ Tín. Ai mua dầu của BS Tín cũng được cho một con số kèm theo. Ði cùng với chiếc xe là đoàn múa lân đánh trống tùng tùng xèng. Xe chạy từ Nghệ An, Hà Tĩnh suốt cho tới Cà Mau. Một chiếc xe quá lạ lùng và tưng bừng như vậy bảo sao dừng ở bãi chợ nào, trẻ em, người lớn đều không xúm coi rần rần ? Xổ số trúng thưởng sau đó được tổ chức rất nghiêm trang , ngoài xe hơi Austin còn có mấy chục giải phụ là xe đạp. Ðó là chiêu mà ông nghĩ ra để từ Nam chí Bắc, ai ai cũng biết đến dầu khuynh diệp bác sĩ Tín. Papa tôi đã mua mấy chục chiếc xe tải để đi khắp nơi quảng bá và bán tận tay tới người dân. Mỗi năm có khoảng 20 triệu chai dầu khuynh diệp được bán ra”.
Trong một bài viết tưởng nhớ bác sĩ Tín đăng trên facebook của Ban Tu chính phổ hệ Bùi Kiến Tiến – Bùi Kiến Quang rằng, bác sĩ Tín tham gia nội các của Thủ tướng Ngô Ðình Diệm hồi năm 1954. Ông giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin. Nhưng sau khi Ðệ Nhất Cộng Hoà được thiết lập, ông từ bỏ tham chính và được phục vụ trong quân đội với cấp bậc Y sĩ Trung tá làm việc tại Huế và Cà Mau một thời gian. Sau đó ông được giữ chức Y sĩ Trưởng Phủ Tổng thống và Lữ đoàn Liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống (1960). Năm 1969, ông ra tranh cử Dân biểu Quốc hội nhưng thua phiếu Luật sư Trần Văn Tuyên. Kể từ đó ông chú tâm vào việc kinh doanh, công tác xã hội và tôn giáo.
Thành công trong lĩnh vực đông y dược, bác sĩ Tín lấn sân sang các ngành nghề kinh doanh khác như kỹ nghệ, tài chánh và xây dựng. Ông cùng với trưởng nam Bùi Kiến Thành đồng sáng lập Công ty sản xuất bình điện Prestolite của thương hiệu ắc-quy Autolite thuộc hãng xe Ford của Mỹ nhượng quyền; thành lập Ðông Phương Ngân hàng và Việt Nam Công Thương Ngân hàng tại Sài Gòn; thành lập Công ty địa ốc Tân Ba, khai thác cát tinh bán cho Nhật, sản xuất muối Cà Ná; mở Công ty Nông nghiệp Khánh Hoà thu mua cơm dừa bán cho các cơ sở làm xà bông. Ông cùng các con lập ra Viện Bào chế Tiandi ở Chợ Lớn và Viện bào chế Hana tại đường Trương Minh Ký, Phú Nhuận. Không những dừng lại đó, ông còn có ý tưởng xây dựng khu Disney Land tại Biên Hoà giống như bên Mỹ, rộng 290ha. Tiếc rằng ý tưởng của ông phải dừng lại vào năm 1975 khi Sài Gòn thất thủ. Ông cùng gia đình di tản sang Pháp.
Ông mất vào năm 1994, thọ 83 tuổi. Tuy thế, dư âm của dầu khuynh diệp bác sĩ Tín đến nay vẫn còn sống mãi trong ký ức người dân Sài Gòn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét