Đêm nay đúng 23 giờ 35 hai vợ chồng tôi mới về được đến nhà, vừa dắt xe vào trong nhà, bà vợ tôi vội dâng lễ trên ban thờ. Miệng vừa lẩm nhẩm khấn vái vừa giục tôi: -Chồng mau đem lộc ra để còn bày lên cho đủ lễ. Vừa mệt, vừa buồn ngủ díp cả mắt, tôi thò tay vào áo đưa phần lộc cho vợ tôi sắp vào đĩa rồi tôi đi ngủ. Chưa kịp ngả lưng, tôi thấy vợ mình thét lên kinh hoàng; -Giời ạ, cái của nợ gì thế này? Vội chống mắt ngó vào đĩa lộc, tôi tự dưng á khẩu và đứng hình trong giây lát, trời thì lạnh mà mồ hôi túa ra đầy lưng áo của tôi. Từ trước tết hơn một tháng, bà vợ tôi đã lo lắng thông báo: -Sang năm chồng sao Thái Bạch đó, nên em phải tìm chùa làm lễ dâng sao giải hạn cho khỏi tai ương. Các cụ nói “Thái Bạch bán sạch cửa nhà” không sai tẹo nào.
Nghe vậy tôi bèn chất vấn bà vợ:
-Khiếp quá, nhiều đứa lô đề cờ bạc vẫn bán nhà đó thôi, cần gi phải sao Thái Bạch hay sao Thái Dương.
Bà vợ tôi bực mình bèn mắng át đi:
-Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, ông đừng nhiều chuyện phá ngang nhé.
Biết không cãi được nên tôi đành mặc kệ, sau nhiều lần hỏi han bạn bè, bà vợ tôi phấn khởi cho biết; Đầu năm tới nhà mình sẽ dâng sao giải hạn tại chùa cây Đề, đó là ngôi chùa vô cùng linh thiêng và thu hút được nhiều phật tử đến dâng lễ.
Tội hỏi vặn lại vợ mình:
-Sao bà biết nó thiêng.
Vợ tôi bĩu môi cjo biết; Thì tôi nghe nhiều người nói là nó thiêng, còn vì sao thì ai mà biết được, Chắc ngày xưa chùa có thánh tích của Đức Phật chứ sao nữa.
Thôi thì đành chiều theo ý bà vợ, ngay từ ngày 20 tháng chạp, vợ chồng tôi đã phải đến chùa làm lễ đăng ký. Vợ tôi kể, chùa thiêng nên đông lắm, nếu chậm chân một chút, nhà chùa chốt sổ không nhận thêm nữa. Bà vợ tôi nói không sai, sau khi nghe nói việc dâng sao giải hạn của vợ tôi, bà vãi giúp việc trong chùa chắc kiêm luôn thư kí, kiêm thu ngân cho sư trụ trì mở sổ ra xem rồi cho biết:
-Sao Thái Bạch sẽ giải hạn đúng ngày rằm tháng Hai nhé, chị nộp tôi 800 ngàn, còn 4 người khác trong nhà chị sao không xấu, mỗi người 500 ngàn, tổng cộng là 2 triệu 800 ngàn.
Vừa nghe đến số tiền khổng lồ đó tôi suýt ngất, có mỗi cái lễ mà mất gần 3 triệu bạc, đúng là giết người không dao. Nhìn vào cuốn sổ của nhà chùa, tôi thấy dù đến sớm, nhưng nhà tôi cũng đang ở số 780 rồi. Chắc từ giờ đến lúc làm lễ phải tới hai ngàn người.
Nhìn thấy bà vợ nộp một mớ tiền mà tôi bần thần cả người, cảm giác như vừa bị cướp giật vậy. Trên đường về tôi nhẩm tính với vợ mình:
-Cứ tính bình quân 500 ngàn một người, vậy nhân với hai ngàn người, vậy là nhà chùa có ngay một tỷ rồi.
Tôi chép miệng than thở; Đúng là buôn gì cho lại, chưa kể đám sao xấu như; sao La Hầu, sao Kế Đô...Kiểu này chính là làm giàu không khó, lại không mất xu thuế nào. Khi về nhà, nhìn nét mặt đầy tâm trạng của tôi, bà vợ bèn hỏi; Ông nghĩ nghĩ thế.
Tôi thật thà kể lể; Biết thế ngày xưa tôi đi tu cho nhàn thân, tự nhiên có một mớ tiền tha hồ tiêu. Thích điện thoại xịn, có ngay, nếu thích xe ô tô 7 chỗ cũng có, tôi nói bằng một giọng đầy luyến tiếc.
Nghe thấy tôi nói vậy, bà vợ tôi mắng luôn:
-Giời ạ, ông chỉ nói linh tinh, xe ô tô là để các Thầy đi Hoằng dương Đạo pháp, lấy đâu thời gian rảnh mà đi chơi. Gớm nữa, người như ông có mà tu hú, tu trên chùa lô đề ý.
Chán không buồn tranh luận với vợ, tôi chỉ bận tâm về cả mớ một tiền mà nhà chùa thu được vào mỗi dịp lễ hội mà thôi. Quả là giàu nghèo sướng khổ đều có số thật.
-----------
Như lịch hẹn từ trước tết, đúng ngày rằm tháng Hai, vợ chồng tôi đưa nhau đến chùa cây Đề. Đúng như tôi dự đoán, hôm đó trong chùa lẫn ngoài sân đông nghẹt người, hai vợ chồng tôi chen mãi không vào nổi gian tam bảo để đặt lễ. Tôi nghe nói có nhiều người đã đi xí chỗ từ 7 giờ sáng, dù 18 giờ mới bắt đầu làm lễ. Cứ mỗi chiếc ghế nhựa con để ngồi trong sân chùa là mất phí 20 ngàn, dù chiếc ghế đó ra chợ mua chắc cũngchỉ mất có 15 ngàn đồng. Bởi vì đi muộn, nên nhà tôi cũng không còn chỗ để mà ngồi ở sân chùa. Trong gian chính điện thì khỏi bàn, phật tử bình thường sẽ không bao giờ có suất ngồi gần sư trụ trì, đó là nơi dành cho các con nhang đệ tử siêu VIP .
Tôi đang loay hoay tìm chỗ, một bà vãi bèn chỉ ngay sang dãy nhà đối diện chùa và nói;
-Trong này đông lắm, hết sạch chỗ từ sáng rồi. Thôi cô chú sang bên kia mà ngồi, Phật tại tâm mình, nên bái vọng từ xa vẫn được.
Nghe bà vãi nói vậy, hai vợ chồng tôi lại kéo nhau sang dãy nhà dân ngay gần chùa, ở đó hầu như nhà nào cũng có dịch vụ trông xe máy và ô tô với giá cắt cổ.
Thấy vợ chồng tôi bước tới, bà chủ nhà nói luôn:
-Nếu cô chú ngồi ở ban công tầng ba vái vọng sang, cho chị xin 50 ngàn một suất, có phục vụ trà nóng. Nếu cô chú chọn ngồi trên sân thượng, chị xin 30 ngàn một suất, nhưng chỉ có nước lã đun sôi, vậy cô chú chọn chỗ nào.
Vợ tôi tặc lưỡi; cái áo còn lo được nữa là cái dải áo.
Tôi gật đầu nói với bà chủ nhà:
-Thôi bác cho vợ chồng em xin 2 suất ngồi ban công.
Sau khi nộp xong 100 ngàn cho hai suất, vợ chồng tôi ra ban công tầng ba ngồi hóng sang sân chùa đợi chính lễ. Trời se lạnh nhưng ngoài ban công đã có hơn chục ghế, tôi nhìn thấy cũng gần đủ người rồi. Một thằng bé chắc tầm 16 tuổi ngồi ngay gần đó thông báo:
-Các bác nếu đi tè cho cháu xin 5 ngàn, còn đi ị thì nhà cháu thu 10 ngàn nhé.
Tôi thầm nghĩ; Nhà này làm dịch vụ quá chi ly, khách ngồi ở đây từ 6 giờ đến nửa đêm, kiểu gi chả đi tè, vậy là thu thêm được khối tiền.
Tranh thủ chưa đến giờ làm lễ, tôi mò lên sân thượng xem như thế nào. Ở trên sân thượng tôi thấy có gần 40 người đứng ngồi lố nhố, ở trên này cũng có một thằng bé đang phổ biến quy chế:
-Các bác nếu có nhu cầu đi tè, cho nhà cháu xin 3 ngàn nhé, nhưng không có chỗ đi ị đâu, nếu ai mót phải chạy ra bờ mương cách đây 800 mét.
Thấy có vẻ khác lạ tôi bèn hỏi thằng bé:
-Này sao ở trên này đi tè rẻ thế.
Nó bèn chỉ cho tôi thấy chỗ thoát nước mưa ở góc sân thượng và nói:
-Trên này chỉ đứng và tè vào đó thôi, nên rẻ hơn bác nhé. Quả là các mức dịch vụ rất hợp lý, tôi nhìn sang các nhà dân bên cạnh, hầu như nhà nào cũng có dịch vụ y chang như vậy. Tôi cảm thấy dịch vụ ở đây giống như dịch vụ đi máy bay vậy, trên sân thượng là hạng Phổ thông economy, còn dưới ban công là hạng Thương gia business. Ngó nghiêng chán chê, tôi quay xuống hạng thương gia của mình.
Đúng 6 giờ, bên chùa đã thấy tiếng gõ mõ tụng kinh vang lên, báo hiệu lễ dâng sao giải hạn bắt đầu. Do nhà chùa đầu tư hệ thông loa có công suất lớn, nên ngồi trên ban công tôi nghe khá rõ. Lúc đọc tên làm lễ theo danh sách dài dằng dặc cũng là gần 22 giờ đêm rồi. Việc mọi người được phục vụ cho uống nước trà bồm pha với nước chưa sôi, nên tối hôm đó không riêng tôi mà các vị ngồi hạng thương gia đều phải vào nhà vệ sinh vài lần. Tôi ước tính, riêng khoản phí xả thải này nhà chủ cũng thu thêm được khá nhiều tiền.
-----------------
Đang ngủ gà gật bỗng vợ tôi kêu:
-Ông mau xuống lấy lộc đi, nhanh không hết bây giờ.
Ngó xuống sân chùa, tôi thấy ở đó kê một cái bàn khá dài và phủ miếng vải đỏ, trên mặt bàn bày cơ man hoa quả để phát cho các phật tử, gọi là đem về thụ lộc.
Khi tôi vào đến sân chùa, một cảnh tượng hỗn loạn xảy ra. Vì khuya rồi nên ai cũng muốn có chút lộc để mang về, hầu như không ai chịu nhường ai. Cảnh tranh cướp lộc ngay sân chùa, nhìn chả khác gi cảnh phá kho thóc của Nhật năm 1945.
Cố chen vào gần bàn để lễ, nhưng tôi vẫn bị bật ra mấy lần do biển người xô đẩy nhau. Nếu ai lấy được lộc rồi phải nhanh tay cho ngay vào người, chậm một chút sẽ bị cướp mất. Tôi thấy có mẹ chen khỏe quá tụt cả váy, nhưng mẹ đó không sao cúi xuống kéo váy lên được vì sự xô đẩy chen lấn. Phải mất 15 phút mà tôi vẫn không sao len vào được, cuối cùng tôi cũng nhìn thấy cái bàn lộc ngay tầm tay, nhưng đông quá nên tôi bèn nghiêng người rồi thọc mạnh tay qua đám đông đang xô đẩy nhau.
Cuối cùng bàn tay của tôi cũng tóm được một quả mềm mềm, tôi đoán chắc là quả thanh long, vừa tóm vừa thu về mà không được, trong khi tiếng la hét ầm ĩ khắp nơi. Bực mình tôi bèn nghiến răng giật mạnh một phát, thoáng nhìn thấy miếng vải lộc màu đỏ, tôi nhanh tay nhét vội vào trong người rồi lại sấp ngửa chen ra ngoài để về. Nhìn thấy tôi đầu tóc xơ xác, mồ hôi nhễ nhại, vợ tôi liền an ủi:
-Một miếng lộc thánh bằng gánh lộc trần, thôi hôm nay mình chịu vất vả chút, nhưng bù lại cả năm mọi việc sẽ hanh thông.
------------
Khi nghe bà vợ mình hét ầm lên vì đĩa lộc, tôi ngó vào và giật mình, hóa ra cái mà tôi tưởng miếng vải đỏ của nhà chùa lại là một nửa cái coóc xê ren đỏ của mẹ nào đó. Thôi chết rồi, đến đây thì tôi hiểu ngay vấn đề. Cái mà tôi tưởng là quả thanh long và túm bằng được là cái gi rồi.
Chả hiểu sao tôi lại giật được nửa cái áo này nhỉ, có lẽ do lúc đó quá hỗn loạn, nên mọi tiếng la hét đều không nghe rõ được. Cứ nghĩ đến việc bóp và giật mạnh khiến tôi thấy ái ngại vô cùng. Chắc tôi phải sắm ngay lễ để tạ lỗi, khổ thân mẹ nào hôm nay bị tôi bóp cho bẹp tí, chắc mẹ đó thù tôi cả năm.
Mô Phật
Thiện tại, thiện tai.
Hết
----------
Hà Nội ngày 27/01/2019
B.N.P
Ps/Trích trong cuốn HỒN QUÊ TRONG PHỐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét