Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Ba 19/9 - Lê Minh Nguyên

TT Trump kêu gọi thế giới hành động về Triều Tiên, Iran, Venezuela --- Tổng thống Mỹ lên án các đe dọa chủ quyền ở Biển Đông, Ukraine --- Tại LHQ, Trump cảnh báo Mỹ có thể phải ‘hủy diệt hoàn toàn’ Triều Tiên<!>

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 19/9 kêu gọi lại có một cuộc Đại Tỉnh thức các quốc gia độc lập có chủ quyền, một khái niệm vay mượn từ tôn giáo.

Nhưng tổng thống Mỹ cũng nói với các nhà lãnh đạo thế giới tại Liên Hiệp Quốc rằng họ phải đối đầu một cách tập thể với các quốc gia bất trị là Triều Tiên, Iran và Venezuela.

Ông phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đồng LHQ rằng Mỹ "sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu Mỹ buộc phải tự vệ và bảo vệ các đồng minh của Mỹ khỏi một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo hoặc vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Ông Trump đã chế giễu Iran, nói rằng các nhà lãnh đạo nước này đã biến "một quốc gia giàu có thành một quốc gia bất trị suy tàn về kinh tế" làm suy yếu hòa bình ở Trung Đông với những cuộc phiêu lưu quân sự. Ông Trump gọi thỏa thuận năm 2015 của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và 5 cường quốc khác để kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của Iran "một nỗi xấu hổ đối với Hoa Kỳ".

Ông mô tả chế độ của nhà lãnh đạo Venezuela Nicolas Maduro là "tham nhũng" và nói ông Maduro đã đưa quốc gia Nam Mỹ "đến bờ vực sụp đổ hoàn toàn. Người dân đang đói khát và đất nước họ đang sụp đổ".

Ông Trump, đắc cử hồi năm ngoái nhờ vận động bầu cử với nghị trình "nước Mỹ trên hết", nói rằng các nhà lãnh đạo thế giới hãy "tôn trọng quyền lợi của nhân dân trong nước và quyền chủ quyền của tất cả các quốc gia”.

Ông Trump tuyên bố: "Ở Mỹ, chúng tôi không tìm cách áp đặt lối sống của mình lên bất cứ ai khác”.

"Tôi sẽ bảo vệ lợi ích của Mỹ", ông Trump nói, nhưng ông lưu ý rằng Mỹ muốn một thế giới mà ở đó "tất cả các quốc gia đều có thể có chủ quyền, thịnh vượng và an toàn”.

"Chúng tôi không kỳ vọng các quốc gia đa dạng đều chia sẻ cùng một nền văn hoá, truyền thống hay thậm chí cả hệ thống chính quyền. Nhưng chúng tôi kỳ vọng tất cả các quốc gia đều duy trì hai trách nhiệm cốt lõi là tôn trọng lợi ích của chính người dân nước mình và các quyền của mọi quốc gia có chủ quyền khác. Đây là tầm nhìn tuyệt đẹp của tổ chức này và đây là nền tảng cho sự hợp tác và thành công", ông nói. - VOA

***
Trong bài phát biểu đầu tiên của ông tại Đại hội đồng LHQ, ông Trump đã không đề cập cụ thể Nga hay Trung Quốc, nhưng phát biểu của ông rõ ràng nhằm vào Bắc Kinh và Moscow.

Ông Trump nói: "Chúng ta phải bác bỏ các mối đe dọa đối với chủ quyền của những nơi từ Ucraina cho đến Biển Đông. Chúng ta phải duy trì sự tôn trọng luật pháp, tôn trọng các đường biên giới, và tôn trọng văn hoá, và sự can dự hòa bình mà những điều đó cho phép".

Ông Trump dành trọng tâm cho chủ đề chủ quyền trong bài phát biểu dài 45 phút tại trụ sở LHQ, lập luận rằng việc củng cố các quốc gia riêng rẽ sẽ đặt nền tảng cho các tổ chức đa phương mạnh hơn.

Ông phát biểu: "Các quốc gia có chủ quyền vững mạnh cho phép các quốc gia đa dạng có những giá trị khác nhau, những nền văn hoá khác nhau và những mơ ước khác nhau không chỉ tồn tại, mà còn làm việc sát cánh với nhau trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Tất cả các nhà lãnh đạo có trách nhiệm đều có nghĩa vụ phục vụ công dân của mình và quốc gia dân tộc vẫn là phương tiện tốt nhất để nâng cao điều kiện con người".

Tổng thống Trump nói với các nhà lãnh đạo từ 193 nước thành viên của Liên Hiệp Quốc hôm 19/9 rằng họ nên tập trung trước hết vào nhu cầu của chính đất nước mình.

Trong bài diễn văn được chờ đợi tại Đại hội đồng LHQ, ông Trump phát biểu: "Chừng nào tôi còn nắm quyền, tôi sẽ bảo vệ lợi ích của Mỹ hơn bất cứ điều gì khác. Tôi sẽ luôn đặt nước Mỹ lên trên hết, cũng như quý vị nên đặt quốc gia của quý vị lên trên hết". - VOA

***
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba cảnh báo rằng Mỹ sẽ buộc phải "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên trừ phi Bình Nhưỡng thoái lui khỏi cuộc đối đầu hạt nhân của mình. Ông cũng chế nhạo lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un là "ông hỏa tiễn" đang thực hiện một sứ mệnh tự sát.

Những tiếng xì xầm rộ lên bên trong hội trường của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khi ông Trump đưa ra cảnh báo nghiêm khắc nhất của mình đối với Triều Tiên. Những vụ phóng phi đạn và thử hạt nhân của quốc gia này đã khiến cả thế giới bất an.

Trừ phi Bắc Triều Tiên nhún nhường, ông Trump nói, "Chúng ta sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên."

"Ông hỏa tiễn này đang thực hiện sứ mệnh tự sát cho chính mình và chế độ của mình," ông nói.

Ông hối thúc các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc hợp tác để cô lập chính quyền của ông Kim cho đến khi chính quyền này chấm dứt hành vi "thù địch" của mình.

Một nhà ngoại giao cấp thấp của Triều Tiên vẫn ngồi trong hàng ghế đầu của phái đoàn nghe bài phát biểu của ông Trump, phái bộ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc cho biết. - VOA

2.
Aung San Suu Kyi lên án vi phạm nhân quyền ở bang Rakhine

Lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, lên án các vụ vi phạm nhân quyền diễn ra ở bang Rakhine ở miền tây, nơi bạo lực còn tiếp diễn đã khiến hơn 400.000 người thiểu số Hồi giáo Rohingya bỏ chạy sang nước láng giềng Bangladesh trong những tuần gần đây.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu được mong đợi trước quốc dân từ thủ đô Naypyitaw hôm 19/9, khôi nguyên giải Nobel Hoà bình đã tránh bàn về những lời quy trách nhiệm cho các lực lượng an ninh của Myanmar, họ bị cáo buộc đã "thanh lọc sắc tộc" nhằm vào người Rohingya.

Bà Aung San Suu Kyi bị quốc tế chỉ trích mạnh mẽ vì đã không lên tiếng quyết liệt về tình hình khủng hoảng. 

Bà nói với một nhóm các nhà ngoại giao nước ngoài rằng nước bà không sợ sự giám sát chặt chẽ của quốc tế, và bà đảm bảo rằng mọi vi phạm nhân quyền hoặc "những hành động làm suy yếu sự ổn định và hòa hợp" sẽ bị xử lý "phù hợp với các quy định tư pháp nghiêm ngặt".

Nhà phân tích độc lập Richard Horsey nói với VOA rằng bà Aung San Suu Kyi phải giữ thăng bằng giữa mối quan tâm của quốc tế về nỗi thống khổ của người Rohingya và các cảm xúc dân tộc chủ nghĩa trong đa số dân theo đạo Phật ở trong nước.

Ông nói: "Tôi nghĩ nội dung của bài phát biểu đã thể hiện rất rõ rằng bà cảm thấy bà phải hết sức thận trọng đi trên ranh giới rất mong manh giữa những quan điểm của đa số người dân Myanmar mà thực sự trái ngược hoàn toàn với phần lớn cộng đồng quốc tế”.

Bên lề cuộc họp của Đại hội đồng LHQ ở New York hôm 18/9, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, Anh và các nước khác quan ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Rakhine đã kêu gọi chấm dứt bạo lực và muốn có các biện pháp để giảm bớt nỗi thống khổ của người tị nạn Rohingya. 

Đại sứ Hoa Kỳ Nikki Haley cho biết đã có một "cuộc họp hữu ích về tình hình rất xấu", bà cũng nói không thấy có cải thiện nào ở chính nơi những người Rohingya phải bỏ chạy sang Bangladesh.

Đại sứ Haley phát biểu: "Cộng đồng quốc tế cam kết tìm một giải pháp để chấm dứt cuộc khủng hoảng này và mang lại hòa bình, ổn định cho bang Rakhine cũng như phần còn lại của Myanmar. Hoa Kỳ tiếp tục thúc giục chính phủ Myanmar kết thúc các hoạt động quân sự, cho phép những người làm công việc nhân đạo được tiếp cận, và cam kết hỗ trợ việc thường dân trở về nhà an toàn". - VOA

3.
ĐCS Trung Quốc sắp đưa tư tưởng Tập vào điều lệ đảng?

Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức đại hội 5 năm một lần vào tháng tới, các nhà phân tích chính trị sẽ đều theo dõi một điều quan trọng, đó là tên ông Tập Cận Bình.

Đương kim lãnh đạo Trung Quốc là một trong những nhân vật quyền lực nhất mà quốc gia này đã có trong nhiều thập kỷ, nhưng các nhà phân tích cho rằng tầm vóc của ông có thể được nâng cao hơn nữa nếu tên của ông được ghi vào điều lệ đảng.

Nếu điều đó diễn ra, ông Tập có thể sánh ngang hàng các vị khai quốc công thần của đảng như các cựu lãnh tụ Đặng Tiểu Bình và Mao Trạch Đông.

Tối 18/9, truyền thông nhà nước Trung Quốc thông báo rằng trong đại hội vào tháng sau, đảng sẽ đưa lý luận quan trọng và tư tưởng chiến lược được vạch ra trong hội nghị vào điều lệ đảng. Đại hội khai mạc ngày 18/10.

Vẫn chưa rõ "Tư tưởng Tập" hay tên của ông sẽ có thể được đưa vào điều lệ ra sao, nhưng một số người đã hình dung được khái quát về những thay đổi.

Dương Giới Hoàng, giám đốc một trung tâm nghiên của trường Đại học Minh Truyền ở Đài Loan, nói sẽ quá ngạo mạn nếu dùng tên "Tư tưởng Tập" và điều đó thể hiện không tôn trọng ông Mao. Còn nếu gọi là lý luận (giống như Lý luận Đặng Tiểu Bình) lại quá bó hẹp, vì ông Tập xử lý nhiều lĩnh vực hơn như văn hoá, các chính sách phát triển quân sự và Đài Loan, so với ông Đặng Tiểu Bình.

Ông Dương nói: "Tư tưởng của ông Tập thực ra là kết hợp của cả tư tưởng ông Mao và ông Đặng. Sẽ không có tư tưởng Tập nếu không có việc ông Mao Hán hóa Chủ nghĩa Mác hay việc ông Đặng Tiểu Bình khởi động cải tổ, mở cửa thị trường".

David Kelly, giám đốc nghiên cứu thuộc China Policy, một công ty tư vấn ở Bắc Kinh, cho rằng vì ông Tập kiểm soát mọi cơ quan chính phủ, giới truyền thông và tuyên truyền, ông có thể sử dụng bất cứ nhan đề nào theo ý ông.

Ông Kelly nói: "Vì ông ấy có thể, nên ông ấy sẽ tự đưa mình trở thành chủ nhân của tư tưởng Tập, và sau đó ông sẽ pha trộn một số yếu tố trong nước, rất có thể dưới tiêu đề là tạo dựng một xã hội thịnh vượng hợp lý, thúc đẩy chính sách đối ngoại bao gồm Vành đai và Con đường, nhưng có lẽ sẽ sử dụng thuật ngữ là Giải pháp Trung Quốc".

Ông Kelly nói thêm rằng Trung Quốc đã không hành xử như một cường quốc dưới thời Hồ Cẩm Đào, nhưng đã làm như vậy khi dưới quyền lãnh đạo của ông Tập Cận Bình.

Một số người nói rằng công thức đó thật vô nghĩa và chủ yếu nhằm để tô vẽ quyền lực.

Nhà bình luận chính trị Paul Lin nói rằng việc đưa tư tưởng vào điều lệ của đảng không có gì khác ngoài những lời trống rỗng. - VOA

4.
Trung Quốc và Singapore đẩy những trở ngại về đằng sau

Trung Quốc và Singapore hôm thứ Ba 19/9 tìm cách đẩy những trở ngại hồi gần đây trong quan hệ giữa hai nước về vấn đề Ðài Loan và Biển Đông đang có nhiều tranh chấp lùi về phía sau khi Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore khởi sự chuyến thăm Bắc Kinh.

Singapore không phải là một trong những nước có tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông với Trung Quốc, nhưng là nước có hải cảng lớn nhất Ðông Nam Á, và đã tuyên bố rõ rằng nền kinh tế mở của nước này phụ thuộc vào sự tự do giao thông trong khu vực.

Trung Quốc cũng nghi ngờ về quan hệ quân sự gắn bó của Singapore với Hoa Kỳ và với Ðài Loan.

Trong cuộc họp tại Đại lễ đường Nhân dân, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói với ông Lý rằng Trung Quốc và Singapore duy trì sự tôn trọng lẫn nhau.

Thủ tướng Lý nói Singapore là một thành viên quan trọng của Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á, gọi tắt là ASEAN, và năm tới nước ông sẽ là chủ tịch luân phiên của hiệp hội này.

Ông Lý Hiển Long phát biểu: “Tôi tin tưởng điều này sẽ tăng thêm năng lượng mới không chỉ cho quan hệ Trung Quốc-Singapore thôi, mà cho cả quan hệ Trung Quốc-ASEAN.”

Những người am hiểu tình hình khu vực nói với hãng thông tấn Reuters rằng Trung Quốc lo ngại có thể sẽ đối diện với những chỉ trích mới đối với các hành động của họ ở Biển Nam Trung Hoa khi Singapore làm chủ tịch luân phiên của ASEAN, và Bắc Kinh đã tăng áp lực lên quốc đảo này để đảm bảo rằng điều đó không xảy ra.

Thủ tướng Lý nói ông trân trọng sự quan tâm vào các mối quan hệ giữa hai nước, và vào “cơ hội thảo luận cách thức hợp tác với nhau trong ngữ cảnh khu vực và khối ASEAN.”

Singapore hy vọng có thể mang ASEAN và Trung Quốc lại gần với nhau hơn, theo lời Thủ tướng Lý.

Ông Bai Tian, phó giám đốc vụ châu Á của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Lý diễn ra ngay trước khi Ðại hội Ðảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc vào tháng tới cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì thăm viếng qua lại của các lãnh đạo cấp cao giữa hai nước.

Một thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra trước cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo hai nước nói rằng sự phát triển các mối quan hệ song phương nhìn chung tốt đẹp, và cả hai nhà lãnh đạo đều đồng ý “tăng cường phối hợp và hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế.”

Hoa Kỳ và Singapore loan báo tăng cường quan hệ quốc phòng hồi cuối năm 2015, trong đó có chương trình triển khai máy bay trinh sát tầm xa P-8 ở Singapore. Máy bay trinh thám này thường theo dõi hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc.

Singapore cũng có những mối quan hệ gắn bó không chính thức với Ðài Loan, lãnh thổ mà Bắc Kinh xem là một tỉnh của Trung Quốc.

Căng thẳng giữa hai nước bùng nổ nồi tháng 11 năm ngoái khi thẩm quyền cảng Hồng Kông phát hiện và bắt giữa 9 chiếc xe bọc thép của quân đội Singapore đang trên đường vận chuyển từ các địa điểm huấn luyện quân sự của Ðài Loan về. Hồng Kông đã trả các xe quân sự này cho Singapore hồi trước đây trong năm giữa lúc có những tranh luận công khai hiếm thấy ở cả Singapore lẫn Trung Quốc về mối quan hệ đang xấu đi giữa hai nước. - VOA

5.
Khủng hoảng Triều Tiên : Nhật Bản bố trí thêm lá chắn tên lửa

Nhật Bản hôm nay 19/09/2017 triển khai bổ sung một hệ thống lá chắn tên lửa trên hòn đảo Hokkaido. Kế hoạch này được thực hiện chỉ vài ngày sau khi Bắc Triều Tiên phóng tên lửa qua không phận Nhật Bản.

Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Nhật Bản, ông Kensaku Mizuseki, cho biết Tokyo dự kiến bắt đầu trong ngày hôm nay lắp đặt một lá chắn tên lửa PAC-3 tại một căn cứ quân sự trên đảo Hokkaido.

Trước đó, chính phủ Nhật Bản đã cho triển khai một hệ thống lá chắn tên lửa Patriot PAC-3 tại một nơi khác trên hòn đảo này. Tuy nhiên, theo AFP, vì lý do bảo mật, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Nhật Bản từ chối tiết lộ các lá chắn tên lửa Patriot khác được bố trí ở những nơi nào trên lãnh thổ Nhật Bản.

Việc Nhật Bản tăng cường hệ thống phòng thủ diễn ra trong bối cảnh chỉ trong vòng một tháng, Bắc Triều Tiên đã tiến hành thêm một vụ thử nghiệm hạt nhân và bắn thêm hai tên lửa qua không phận Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố Tokyo không bao giờ dung thứ cho các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng. Ông Abe cũng kêu gọi quốc tế gia tăng sức ép buộc Bắc Triều Tiên ngưng các hành động khiêu khích nói trên.

Trong khi đó, Bắc Kinh hôm nay thông báo ngoại trưởng Trung Quốc và đồng nhiệm Nga, trong cuộc gặp ở New York, nhân Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, đã kêu gọi tìm kiếm « một giải pháp hòa bình » để thoát khỏi « vòng luẩn quẩn » về cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Theo một thông cáo của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ngoại trưởng Nga Lavrov khẳng định Matxcơva « hoàn toàn đồng thuận » với Bắc Kinh trong hồ sơ Bắc Triều Tiên. - RFI

6.
Tổng thống Putin thị sát cuộc tập trận Nga

Theo Reuters, ngày 18/09/2017, Tổng thống Nga Putin đã tham dự cuộc tập trận, mang tên « Zapad 2017 », bắt đầu từ ngày 14/09 và theo dự kiến sẽ kéo dài tới hết thứ Tư, 20/09, với kịch bản giả định chống kẻ thù và một cuộc phản công với sự hỗ trợ của xe bọc thép. Với tư cách là tổng tư lệnh quân đội Nga, tổng thống Putin, cùng bộ trưởng Bộ Quốc Phòng và tổng tham mưu trưởng, theo dõi cuộc tập trận từ sở chỉ huy tác chiến.

Diễn ra ở miền Tây nước Nga, chỉ cách biên giới Estonia khoảng 10 km, thuộc vùng đệm giữa Kaliningrad và Belarusia, vốn là đồng minh thân cận của Nga, cuộc phô trương sức mạnh quân sự này diễn ra trước sự chứng kiến của vài chục phóng viên ngoại quốc và Nga được Bộ Quốc Phòng Nga đặc cách mời tới quan sát. Matxcơva cho biết đã phóng thành công một tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, bắn trúng mục tiêu cách xa khoảng 480 km trên lãnh thổ Kazakhstan.

Sự kiện quân sự này dấy lên lo ngại từ các nước láng giềng, đặc biệt là Ba Lan và các quốc gia thuộc vùng Baltic, coi đây là một hành động khiêu khích từ phía Nga. Trong khi đó, giới quan sát phương Tây cũng tỏ ra e ngại, bởi họ cho rằng, Matxcơva dường như muốn kiểm tra năng lực tác chiến của mình nhằm chống lại phương Tây. Song, Nga khẳng định, kịch bản tác chiến này chỉ nhằm mục đích phòng thủ.

Đặc phái viên Daniel Vallot tường trình :

không quân ném bom, pháo binh nã pháo hạng nặng, phóng tên lửa : Đó là một trận bão lửa trút xuống một vùng đất bùn lầy, bị cày xới bởi sức công phá của thuốc nổ… Quân đội Nga muốn chứng tỏ sức mạnh quân sự của họ. Sự phô trương sức mạnh với sự hiện diện của Tổng thống Vladimir Poutine và chỉ huy cấp cao của quân đội Nga.

Tướng Andrei Kartapolov, tư lệnh vùng quân sự phía Tây cho biết :"Các đơn vị tham gia tập trận có thể kiểm tra các hệ thống phối hợp giữa không quân, lính dù và pháo binh. Nói chung, tôi rất hài lòng về cuộc tập trận này, giống như Bộ trưởng bộ Quốc phòng và tổng tư lệnh". 

Sau những loạt đại pháo, hàng chục nhà báo Nga và nước ngoài xếp hàng dài dưới mưa, phía trước là các đơn vị thiết giáp. Từ một cái bục bằng bê tông, một diễn giả bình luận trực tiếp về những cuộc thao diễn, và mô tả những khí tài được sử dụng.

Trong suốt gần một giờ, quân đội Nga mới chỉ tiết lộ một chút về Zapad 2017. Không thể đánh giá được quy mô thực sự của những cuộc diễn tập đang tiếp tục gây lo ngại cực độ cho các nước láng giềng của Nga và Belarus. 

Theo tin mới nhất của thông tín viên Daniel Vallot, vì lý do thời tiết, cuộc tập trận Zapad chấm dứt hôm nay, sớm hơn một ngày so với dự kiến. - RFI

7.
Đại diện Thương mại Mỹ lên án kiểu làm ăn của Trung Quốc

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer ngày 18/9 tuyên bố kiểu làm ăn thương mại của Trung Quốc là một sự đe dọa “chưa từng có trước đây” đối với hệ thống thương mại thế giới và những luật lệ toàn cầu hiện thời không thể giải quyết được.

“Quy mô các nỗ lực phối hợp của Trung Quốc nhằm phát triển kinh tế, trợ cấp, tạo ra những quán quân quốc gia, cưỡng bách chuyển nhượng công nghệ, làm rối loạn thị trường tại Trung Quốc và trên thế giới là một mối đe dọa cho hệ thống thương mại toàn cầu chưa từng có trước đây,” ông Lighthizer nói.

Văn phòng ông Lighthizer đang tiến hành cuộc điều tra về các tập tục thương mại của Trung Quốc và cáo buộc nước này đánh cắp tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Hoa Kỳ theo khoản 301 của một bộ luật thương mại năm 1974 ít khi được dùng.

Bắc Kinh không trực tiếp đáp trả những chỉ trích của ông Lighthizer.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng phát biểu tại một cuộc họp báo thường lệ ngày 19/9 rằng Trung Quốc sẽ kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới để giải quyết những tranh chấp về thương mại.

Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, một phần nhờ vào lời hứa dần dần mở cửa thị trường để quốc tế cạnh tranh. Tuy nhiên những nhà đầu tư nước ngoài không hài lòng với những tiến bộ của Trung Quốc và nhiều thị trường nội địa của Trung Quốc-từ viễn thông cho đến ngân hàng--vẫn còn dưới sự chi phối của các công ty quốc doanh.

Đại diện Thương mại Mỹ cho biết chính quyền Trump đang lên kế hoạch trừng phạt Trung Quốc bên ngoài Tổ chức Thương mại Thế giới.

Tuy nhiên ông không gợi ý về những biện pháp có thể được sử dụng ngoài thuế quan áp đặt lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc mà Hoa Kỳ đã áp dụng một phần. - VOA

8.
Mexico: Động đất mạnh, 49 người chết

Cập nhật: Ít nhất 42 người thiệt mạng tại bang Morelos trong vụ động đất mạnh làm rung chuyển Mexico ngày 19/9, thống đốc Graco Ramizez cho biết, nâng tổng số người thiệt mạng tại các địa phương trong thiên tai này lên tới 49.

Thống đốc bang Mexico, Alfredo Del Mazo, cho hay số tử vong trong bang này hiện tăng lên 5 người so với báo cáo ban đầu là 2 nạn nhân.

Có thêm hai ca thiệt mạng tại bang Puebla.

Tổng thống Mexico, Enrique Pena Nieto, loan báo tại thủ đô Mexico City có 27 tòa cao ốc đổ sập.

*******

Ít nhất 4 người chết trong trận động đất mạnh tại Mexico hôm 19/9, giới chức địa phương cho hay.

Hai người bị thiệt mạng tại bang Puebla sau khi một ngôi trường đổ sập, giới chức dân sự của bang, ông Fernando Clemente, cho biết.

Hai người khác tử vong trong bang Mexico, thống đốc Alfredo Del Mazo phát biểu trên TV.

*******

Một trận động đất mạnh 7,4 độ xảy ra tại Mexico ngày 19/9, làm rung chuyển các tòa cao ốc tại Mexico City, khiến nhiều người bị mắc kẹt.

Động đất xảy ra chỉ vài giờ sau khi nhiều người tham gia cuộc diễn tập động đất trên khắp nước, đánh dấu ngày trận động đất kinh hoàng chôn vùi hàng ngàn người tại Mexico City vào năm 1985.

Trung tâm Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết cơn địa chấn 7,4 độ xảy ra cách Atencingo thuộc bang Puebla chừng 8 cây số, với độ sâu 51km.

Chưa có báo cáo thiệt hại tức thì.

Tại Cuernavaca, một thành phố ở phía Nam Mexico City, có nhiều báo cáo dân chúng bị mắc kẹt bên dưới các tòa nhà đổ sập.

Điện cúp, đường dây điện thoại bị tắc nghẽn, người dân nhiều nơi ở thủ đô đổ ra đường.

Một giới chức bảo vệ dân sự cho biết có nhiều người bị kẹt bên trong các cao ốc bốc hỏa ở Mexico City.

Mới hôm 7/9, một vụ động đất mạnh 8,1 độ tại Mexico đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 98 người. - VOA

9.
Bão Maria tàn phá Dominica, đe dọa Puerto Rico

Bão Maria hôm Thứ Ba đánh vào Dominica với sức gió lên tới 160 dặm giờ (256 cây số/giờ), làm bật tung mái nhiều căn nhà, kể cả tư dinh thủ tướng, và gây sự tàn phá lớn lao trong khu vực ở vùng Caribbean vừa bão Irma gây khốn đốn.

Bão Maria nay đang trên đường tới Puerto Rico hôm Thứ Tư “với sức mạnh và khả năng tàn phá chưa từng thấy từ mấy thế hệ qua,” theo lời thống đốc vùng lãnh thổ Mỹ này.

Thủ Tướng Dominica, ông Roosevelt Skerrit, cho hay trên trang Facebook rằng “các báo cáo sơ khởi cho thấy có sự tàn phá khắp nơi,” và cũng bày tỏ sự lo ngại sẽ có người thiệt mạng vì đất truồi do mưa quá nhiều.

“Cho tới nay hầu như tất cả mọi người tôi nói chuyện đều bị gió thổi trốc mái. Tư dinh thủ tướng là nơi bị gió thổi bay mái trước tiên,” ông Skerrit cho hay. Ông cũng kêu gọi có sự trợ giúp quốc tế, về đủ mọi lãnh vực.

Bão Maria kéo đến nơi này vào khuya ngày Thứ Hai. Bão sau đó giảm xuống còn Cấp 4 vào sáng sớm ngày Thứ Ba nhưng nhanh chóng tăng trở lại Cấp 5.

Ở đảo Martinique cạnh đó, giới hữu trách cho hay có khoảng 25,000 căn nhà bị mất điện và hai thị trấn nhỏ bị gián đoạn nguồn cung cấp nước sau khi bão Maria kéo qua.

Giới hữu trách tại Puerto Rico, nơi có nguy cơ bị bão đánh trực tiếp, cảnh cáo những người sống trong các căn nhà lụp sụp hãy tìm nơi trú ẩn an toàn trước khi bão tới vào ngày Thứ Tư.

“Quý vị phải di tản, nếu không là chết,” theo lời Hector Pesquera, ủy viên an toàn công chúng của Puerto Rico. “Tôi không biết nói sao cho rõ ràng hơn nữa.”

Bão Maria có sức gió 160 dặm/giờ (khoảng 260 cây số/giờ) khi đánh vào Dominica vào khuya Thứ Hai.

Các chuyên gia khí tượng cảnh báo rằng Maria có thể còn tăng thêm sức mạnh trong vòng 24 tiếng tới và tâm bão nay thu nhỏ lại, chỉ còn đường kính 10 dặm.

Brian McNoldy, một chuyên gia về bão ở đại học University of Miami, nói rằng điều này thường có nghĩa trận bão rất mạnh nay còn mạnh hơn nữa. Ông miêu tả rằng điều này cũng giống như khi một vũ công trên băng ôm xiết hai tay vào người và xoay tròn nhanh hơn nữa.

“Đây là điều chúng ta không bao giờ thấy ở các trận bão yếu hơn,” ông McNoldy cho hay.

Trong khi đó, ở về phía Bắc, bão Jose gây ra sóng lớn dọc theo vùng bờ biển Miền Đông nước Mỹ. Có năm người bị sóng đánh vào cuốn ra khỏi cầu tàu ở Rhode Island nhưng được cứu sống và chở vào bệnh viện.

Tâm bão Jose vào sáng sớm ngày Thứ Ba ở nơi cách Nantucket, Massachusetts chừng 350 dặm (khoảng 560 cây số) về phía Nam-Tây Nam và di chuyển theo hướng Bắc với tốc độ 9 dặm/giờ (khoảng 15 cây số/giờ). Bão có sức gió tối đa là 75 dặm/giờ (120 cây số giờ). - nguoiviet

10.
Đường xá tương lai, xe di chuyển tạo điện năng

Các nhà khoa học tại trường Đại Học Lancaster ở bên Anh đang tìm cách phát triển những vật liệu khi trộn chung với nhựa đường có thể biến đổi những rung động do xe cộ chạy trên đường thành điện năng.

Theo hãng thông tấn UPI, chất gốm “piezolectric” có tính áp điện được các kỹ sư phát triển, có thể tạo ra hơn 1 megawatt/giờ dưới điều kiện lưu thông bình thường, tức khoảng từ 200 đến 300 xe chạy qua mỗi giờ.

Nguồn điện này có thể được dùng để thắp sáng điện đường, giúp tiết kiệm tiền cho dân thọ thuế. Tiền tiết kiệm này có thể dùng để nâng cấp đường xá cùng các dự án hạ tầng khác.

Giáo Sư Mohamed Saafi nói: “Chúng tôi sẽ phát triển những chất liệu mới để tận dụng hiệu ứng áp điện do xe cộ chạy qua tạo nên sức nén trên mặt đường, sản sinh ra điện thế voltage. Chất liệu cần có phải chịu lực cao và mang lại một sự cân bằng hợp lý giữa phí tổn với năng lượng do chúng sản xuất.”

“Hệ thống chúng tôi phát triển sau đó sẽ được biến đổi từ cơ năng sang điện năng để cung cấp cho hệ thống đèn đường, đèn giao thông và các trạm sạc xe chạy điện. Ngoài ra cũng dùng để cung cấp cho những tiện ích khác như theo dõi trực tiếp lưu lượng xe,” Giáo Sư Saafi tiếp.

Các nhà nghiên cứu tại Lancaster đang hợp tác với kỹ sư đủ nhiều ngành khác nhau và các nhà khoa học về vật liệu từ khắp Âu Châu để thực hiện dự án. Cuộc khảo cứu này do Liên Âu tài trợ. - nguoiviet

Tin Hoa Kỳ
11.
3 nghị sĩ biểu tình chống Trump bị bắt

Ba nghị sĩ Quốc hội Mỹ thuộc đảng Dân chủ vừa bị bắt tại một cuộc biểu tình bên ngoài Tháp Trump, New York.

Dân biểu Raul Grijalva của bang Arizona, dân biểu Luis Gutierrez của bang Illinois, và dân biểu Adriano Espaillat của bang New York nằm trong số những người biểu tình nhất quyết tọa kháng trên đường số 5 chiều ngày 19/9, không chịu rời chỗ này.

Phát ngôn nhân của Hội đồng Thành phố New York, một đảng viên Dân chủ, Melissa Mark-Viverito, cũng bị còng tay dẫn đi.

Những người biểu tình đòi Quốc hội thông qua luật bảo vệ hàng ngàn di dân tới Mỹ từ nhỏ bất hợp pháp khỏi bị trục xuất.

Ban tổ chức cuộc biểu tình đã tuyên bố từ trước buổi tọa kháng rằng các nhà lập pháp vừa kể đã trù liệu sẽ bị bắt.

Trước đó trong ngày, Tổng thống Donald Trump đã đọc diễn văn tại Liên hiệp quốc và, theo kế hoạch, tối nay ông sẽ ở Tháp Trump. Tuy nhiên, lúc cuộc biểu tình diễn ra, ông không hiện diện ở Tháp Trump. - VOA

12.
Cộng Hòa dồn nỗ lực sau cùng xóa Obamacare

Các thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa hôm Thứ Hai bày tỏ sự hy vọng là sẽ thành công trong nỗ lực được coi là sau cùng trong khóa họp này để xóa chương trình Obamacare. Tuy nhiên, đây là điều vẫn còn được coi là khó khăn và thời gian chỉ còn khoảng hai tuần lễ nữa.

Bên cạnh đó, các thượng nghị sĩ vẫn chưa có khái niệm gì về ảnh hưởng của dự luật này đối với dân chúng Mỹ, vì Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (CBO) cho hay không có đủ thời giờ để đưa ra các ước tính của họ cho kịp ngày bỏ phiếu.

Các thượng nghị sĩ phía đảng Dân Chủ, được sự hậu thuẫn của các nhóm bác sĩ, bệnh viện và bệnh nhân cũng đưa ra các nỗ lực tối đa để tìm cách chặn phía Cộng Hòa. Họ cảnh cáo rằng hàng triệu người có thể bị mất bảo hiểm y tế trong khi nhiều người khác bị giảm bớt bảo hiểm.

Trưởng khối thiểu số Dân Chủ tại Thượng Viện, Nghị Sĩ Chuck Schumer, còn đi xa hơn khi nói rằng dự luật này đe dọa tinh thần hợp tác đang có được giữa Tổng Thống Donald Trump và phía đảng Dân Chủ như từng thấy trong thỏa thuận ngân sách và tiến triển trong vấn đề di trú.

Dự luật dày khoảng 140 trang này sẽ thay thế phần lớn Obamacare với các khoản tiền chia cho các tiểu bang để họ tùy nghi sử dụng. Luật sẽ cho phép không đòi hỏi ai cũng phải có bảo hiểm y tế, chấm dứt việc đòi công ty cung cấp bảo hiểm cho nhân viên, cũng như cắt giảm và thay đổi cấu trúc Medicaid. - nguoiviet

13.
Thống đốc Brown: ‘TT Trump cưỡi ngựa què’ khi chối bỏ khí hậu thay đổi

Thống Đốc Jerry Brown của California hôm Thứ Hai nói như trên, tại hội nghị Climate Week NYC ở New York, nêu ra những bước tiến mà tiểu bang ông vừa thực hiện để hướng đến một khí hậu lành mạnh hơn cho trái đất.

Theo báo The Los Angeles Times, hội nghị do Climate Group chủ trì. Đây là một tổ chức quốc tế vô vụ lợi, làm việc với các doanh nghiệp và chính quyền để cổ súy những chính sách và kỹ thuật “sạch.”

Trong tuần này, Climate Group cùng với lãnh đạo các công ty trong nhóm Fortune 500 và doanh nghiệp đa quốc gia chia sẻ những chiến thuật và đi đầu trong việc chận đứng sự thay đổi khí hậu.

Những cuộc hội thảo diễn ra vào lúc đang có những quan tâm về sự ấm nóng toàn cầu và sau khi bão Harvey và Irma gây tàn phá do lụt lội tại Texas, Florida và các đảo ở Caribbean. Một số nhà khoa học tin rằng nước đại dương ấm hơn do thay đổi khí hậu khiến tạo nên những trận bão mạnh hơn.

Tổng Thống Donald Trump năm nay loan báo Hoa Kỳ rút lui khỏi thỏa ước khí hậu Paris. Ông bày tỏ sự hoài nghi về thay đổi khí hậu và xem thỏa ước quốc tế Paris nhằm giảm bớt khí thải gây hiệu ứng nhà kính như là một đe dọa đến chủ quyền của Hoa Kỳ.

Thống Đốc Brown lại nói California vẫn thực hiện những bước nhằm chận đứng sự thay đổi khí hậu. Hồi Tháng Bảy ông ký luật đòi hỏi các công ty phải mua giấy phép để được thải khí gây hiệu ứng nhà kính, đặc biệt khuyến khích về tài chánh nếu họ gây ô nhiễm môi sinh ít hơn. Luật này của California trở thành khuôn mẫu quốc tế, dùng áp lực tài chánh để các kỹ nghệ giảm bớt khí thải.

Ông Brown nói, California đang sử dụng khoảng 30% năng lượng tái tạo và sẽ là 50% trong bảy năm tới. Tiểu bang cũng tái áp dụng tiêu chuẩn nhiên liệu ít carbon, với việc giảm bớt ít nhất 10% carbon trong nhiên liệu dùng trong giao thông trước năm 2020.

Tiểu bang cũng kêu gọi 15% xe không có khí thải bán ra trước năm 2025. Đồng thời số xe chạy điện bán ra tăng 91% trong tam cá nguyệt đầu tiên của 2017. Khí thải giảm bớt một phần ba của một phần trăm trong năm 2015, tương đương với với việc lấy bớt 300,000 chiếc xe đang chạy trong tiểu bang trong một năm. - nguoiviet

Tin Việt Nam
14.
Lãnh đạo TQ thăm Việt Nam: ‘hai đảng cộng sản có cùng vận mệnh’

Trong chuyến thăm Việt Nam, một quan chức cấp cao của Trung Quốc nói hai đảng cộng sản “có cùng vận mệnh.”

Ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong chuyến công du hai ngày đến Việt Nam hôm 19/9 nói với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng hai đảng cộng sản "tạo thành một cộng đồng có chung vận mệnh", theo Reuters.

Tân Hoa Xã dẫn lời ông Lưu Vân Sơn nói: "Sự phát triển tốt đẹp và ổn định các mối quan hệ song phương sẽ giúp củng cố vị trí lãnh đạo của hai đảng, vì lợi ích của hai Đảng và nhân dân hai nước."

Truyền thông Việt Nam loan tin khi tiếp ông Lưu Vân Sơn hôm 18/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng Việt Nam “hết sức coi trọng quan hệ với Trung Quốc” và đánh giá cao việc Tổng Bí Thư Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Hà Nội và dự Hội nghị Cấp cao APEC vào cuối năm nay.

Ông Lưu Vân Sơn, được cho là nhân vật cao cấp thứ năm trong Bộ Chính trị của chính quyền Bắc Kinh, không trực tiếp bàn đến vấn đề Biển Đông khi thăm Hà Nội, theo Reuters.

Hãng tin Reuters nói rằng cùng do đảng Cộng sản lãnh đạo, nhưng hai nước nghi ngờ lẫn nhau và mối quan hệ song phương đã có lúc căng thẳng trong vài năm gần đây do tranh chấp trên vùng biển chiến lược này.

VOV cho biết khi tiếp ông Lưu Vân Sơn, ông Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam “đề nghị hai bên nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông; tránh các hành động làm phức tạp tình hình; giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.” - VOA

15.
Vụ Nguyễn Xuân Anh: chống tham nhũng hay thanh trừng?

Vụ việc ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng thông báo có một loạt sai phạm đang được nhìn nhận trái ngược nhau: có ý kiến hoan nghênh vì cho rằng điều đó cho thấy cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang được đẩy mạnh nhưng cũng có người dè dặt vì “có dấu hiệu của thanh trừng phe phái”.

Ông Anh, người vào Trung ương Đảng khi mới 39 tuổi và từng được kỳ vọng là “ngôi sao đang lên” trong nền chính trị Việt Nam, hôm 18/9 đã bị công bố một loạt sai phạm trên cương vị là người lãnh đạo Đà Nẵng, trong đó có điều chuyển nhân sự, lỏng lẻo việc quản lý đất đai, chỉ định thầu không đúng nguyên tắc, nhận nhà và xe của doanh nghiệp, không trung thực về bằng cấp...

Những sai phạm của ông Nguyễn Xuân Anh đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Mặc dù hiện chưa rõ ông Anh sẽ chịu hình thức kỷ luật nào và hiện ông vẫn đang giữ chức Bí thư Đà Nẵng nhưng nhiều khả năng vụ việc này sẽ đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông Anh.

Vụ việc của ông Anh diễn ra sau khi Bí thư Thành ủy của thành phố Hồ Chí Minh là ông Đinh La Thăng cũng bị thông báo “mắc những vi phạm rất nghiêm trọng” và bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị và bị cách chức Bí thư Thành ủy hồi tháng Năm. Trong khi đó, các vụ án liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng OceanBank đang được xét xử ráo riết.

Trao đổi với VOA, ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội, nói rằng việc công bố sai phạm của ông Anh là “dấu hiệu tích cực, đáng ghi nhận” trong cuộc chiến chống tham nhũng vì theo ông trước giờ người dân đều có ấn tượng rằng “chống tham nhũng chỉ nắm được đằng cổ xuống và không đụng đến được các cán bộ cấp cao.”

“Vấn đề là phải làm sao đánh giá cho chính xác vì đó là vận mệnh chính trị của một con người,” ông Quốc nói thêm.

Ông Quốc không đồng tình với việc gán ghép việc xử lý các ông Đinh La Thăng và Nguyễn Xuân Anh với cuộc tranh chấp chính trị giữa các phe phái.

“Những việc làm gần đây bắt đầu từ công tác của Đảng dẫn đến việc làm của cơ quan luật pháp cho thấy mọi việc đang diễn ra đúng mong đợi của người dân,” ông nhận định.

“Tham nhũng gắn liền với vai trò của Đảng vì muốn tham nhũng thì phải có quyền mà ở Việt Nam những người có quyền lực đều là đảng viên. Do đó yếu tố quan trọng nhất để có thể chống tham nhũng được là Đảng có thật sự chống tham nhũng hay không,” ông nói.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Ngọc Chênh, một nhà hoạt động dân chủ ở Đà Nẵng, nói với VOA rằng ông không tin việc công bố sai phạm của ông Anh là đấu tranh chống tham nhũng.

“Điều khiến tôi bất ngờ là sai phạm của một ủy viên trung ương Đảng và là bí thư một thành phố lớn lại được cho báo chí thông báo công khai trong khi trước giờ những việc liên quan đến cán bộ cấp cao đều được giữ kín,” ông giải thích.

Riêng về trường hợp kỷ luật ông Đinh La Thăng cũng bị báo chí đưa tin rộng rãi tương tự, ông Chênh cho rằng không thể so sánh vì lỗi lầm của ông Thăng nghiêm trọng hơn rất nhiều so với ông Anh khi ông Thăng làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng.

“Ông Nguyễn Xuân Anh có làm thiệt hại gì nhiều đâu so với một số cán bộ khác của Đảng? Chỉ là một hai cái nhà, cái xe (nhận của doanh nghiệp) trong khi vụ Yên Bái (biệt phủ của em ruột Bí thư Tỉnh ủy) lại không nói tới,” ông nói thêm.

Ông Chênh nhìn nhận vụ việc của ông Anh là “do phe phái”.

“Việc đưa thông tin rộng rãi để bôi nhọ ông Anh là để dọn đường dư luận,” ông Chênh, người từng là nhà báo, nói. “Có khả năng bố ông Anh (ông Nguyễn Văn Chi – cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương) thuộc phe nhóm nào đó mà người ta muốn triệt hạ nên người ta đẩy ông Anh xuống.”

Theo ông Chênh thì trong việc bổ nhiệm cũng như bãi nhiệm các ông Thăng và ông Anh thì “người ta không nghĩ đến lợi ích của hai thành phố lớn” mà hoàn toàn chỉ là “do tranh giành phe phái”.

Đánh giá về ông Nguyễn Xuân Anh, ông Chênh cho rằng ông Anh là người “trình độ non kém” và “hầu như chưa làm được gì cho Đà Nẵng”. Ông Chênh là người quen biết với ông Anh vì hai ông có thời gian là đồng nghiệp ở Báo Thanh niên. - VOA

16.
Việt Nam ‘lãnh đạm’ với phim chiến tranh của Mỹ

Truyền thông trong nước đồng loạt im tiếng về bộ phim tài liệu gây chú ý ở Mỹ, giữa lúc có tin nói rằng “The Vietnam War” (Chiến tranh Việt Nam) bị kiểm duyệt ở Việt Nam vì có các chi tiết “nhạy cảm” về các cố lãnh đạo như ông Hồ Chí Minh.

Trả lời VOA Việt Ngữ hôm 18/9 về thông tin nói rằng bộ phim “không thể được công chiếu rộng rãi ở quốc gia cựu thù của Mỹ”, ông Brian Moriarty, đại diện truyền thông của nhóm làm phim, cho biết rằng họ “đã có hai buổi chiếu thành công ở Việt Nam, và có thể chiếu các đoạn clip cho những người từng được phỏng vấn trong bộ phim”.

Ông nói thêm rằng do “không có các thông tin cụ thể”, ông “không thể bình luận” về các tin tức trên Facebook nói rằng Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan chuyên trách của Đảng Cộng sản Việt Nam về đường lối thông tin và báo chí, đã “cấm” truyền thông đưa tin vì “The Vietnam War” có “các chi tiết nhạy cảm về sự kiện Tết Mậu Thân 1968, về ông Hồ Chí Minh, ông Lê Duẩn, hay ông Võ Nguyên Giáp”.

Ông Moriarty nói thêm rằng người dân ở Việt Nam “vẫn có thể xem trên mạng bộ phim tài liệu với phụ đề tiếng Việt” trên trang web của kênh PBS. Ông cũng khẳng định rằng “chúng tôi có người ở Việt Nam đã kiểm tra và xác nhận điều này”.

Trên Facebook hôm 17/9, đúng ngày bộ phim được chiếu trên hệ thống truyền hình công ở Mỹ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius viết: “Để xây dựng một tương lai tươi sáng và công bằng, chúng ta cần thừa nhận và thành thực về quá khứ”.

“Dù nhiều người trong số các bạn có thể không đồng tình với tất cả những gì được thể hiện trong bộ phim, chúng ta cần cân nhắc một điều, như bộ phim đã nói ‘Trong chiến tranh, không có sự thật nào là duy nhất’. Khi chúng ta chấp nhận điều này, chúng ta có thể khép lại quá khứ để tiến về phía trước, làm sâu sắc mối quan hệ giữa hai dân tộc chúng ta và xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người”, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở Việt Nam viết thêm.

Chưa rõ lý do vì sao phần đông báo chí Việt Nam lại không đăng tin về phim tài liệu dài tập, phải mất một thập kỷ mới hoàn thành và đang thu hút sự quan tâm của công chúng Hoa Kỳ. VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với Ban Tuyên giáo Trung ương để phỏng vấn.

Theo kết quả tìm kiếm trên mạng, duy nhất, chỉ có tờ Thanh Niên cuối tháng trước đưa tin về việc “Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP. HCM sẽ tổ chức buổi chiếu và thảo luận trích đoạn khoảng 90 phút của bộ phim tài liệu dài 18 tiếng ‘The Vietnam War’ (Chiến tranh Việt Nam)”.

Tờ nhật báo thuộc top nhiều người đọc ở Việt Nam viết thêm rằng “đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim Lynn Novick có mặt tại VN để giao lưu và tham gia phần thảo luận cùng các khách mời, khán giả trong buổi chiếu”.

Nhà văn Khải Đơn, một trong những người tham dự, kể lại trên Facebook cá nhân: “Cô gái rất trẻ giơ tay hỏi nữ đạo diễn Lynn Novick: ‘Tại sao trong những trích đoạn được xem, tôi chỉ thấy những nhân vật được phỏng vấn từ miền Bắc Việt Nam? - Vậy trong bộ phim tài liệu sắp chiếu có những người từ miền Nam được trả lời phỏng vấn không?’... Lynn Novick mỉm cười nói: “Có, chúng tôi có phỏng vấn những người từ miền Nam. Nội dung đó sẽ có đầy đủ khi bạn xem bộ phim được công chiếu trên trang web của PBS”.

Nữ ký giả từng có thời gian làm việc cho hãng BBC ở Bangkok viết tiếp: “Câu trả lời của Lynn đào thêm một ngờ vực khó chịu khác: Có nghĩa là đoạn phim được chiếu giới thiệu ngày hôm đó đã đi qua bàn tay kiểm duyệt thô bạo và thiếu độ lượng - trước khi nó xuất hiện được dưới những ánh mắt trẻ măng đã rất thành tâm muốn hiểu cuộc chiến tranh Việt Nam theo nhiều hơn một nghĩa của cờ đỏ hay cờ vàng…”

VOA Việt Ngữ đã liên hệ với Lãnh sự quán Mỹ ở TP HCM để hỏi xin đoạn ghi âm về sự kiện này nhằm kiểm chứng thông tin mà nhà văn Khải Đơn đưa ra, nhưng được cho biết rằng buổi chiếu không được ghi lại.

Trong một buổi thảo luận về “The Vietnam War” ở New York tuần trước, đồng đạo diễn Ken Burns tiết lộ rằng Thượng nghị sĩ John McCain, cựu tù binh chiến tranh ở Việt Nam, “muốn xem câu chuyện của người Bắc Việt”.

Phim tài liệu gồm 10 tập, kéo dài 18 tiếng, được cho là “khám phá khía cạnh con người trong cuộc chiến qua lời kể của gần 80 nhân chứng từ mọi phía”.

Cựu Ngoại Trưởng John Kerry, từng tham chiến ở Việt Nam, tuần trước cũng nói rằng “nếu có một điều gì có thể giúp hàn gắn những sự chia rẽ trong xã hội Mỹ, khiến những người phản chiến có thể ôm lấy các cựu chiến binh đã cầm súng tại Việt Nam, thì đó là phim tài liệu ‘Chiến tranh Việt Nam’”. - VOA

17.
Tiểu thương chợ An Đông bãi thị, đòi ‘nói chuyện’ với lãnh đạo thành phố

Sáng ngày 19/9 hàng ngàn người xuống đường trong trang phục màu đỏ phản đối ban quản lý chợ An Đông ở thành phố Hồ Chí Minh do chậm nâng cấp chợ, nhưng chính quyền địa phương đã “không đối thoại” mà dùng loa phóng thanh giải tán đám đông biểu tình.

Một người kinh doanh yêu cầu không nêu tên tại chợ An Đông nói với VOA:

“Người ta rất là đông. Hầu như tất cả các tiểu thương đều đóng cửa hết, họ bãi thị, biểu tình. Họ yêu cầu quyền lợi cho tiểu thương, trong đó yêu cầu cho kinh doanh dài hạn. Các tiểu thương đứng hai hàng trước chợ, giương băng – rôn và có thấy những người áo xanh của phường, và công an.”

Chị này cho biết thêm hàng ngàn tiểu thương chợ An Đông phải kinh doanh trong hoàn cảnh hạ tầng chợ xuống cấp trầm trọng, khách lần lượt bỏ chợ ra đi. Điều này khiến tiểu thương cảm thấy bức xúc.

Truyền thông trong nước cũng đưa tin rằng các tiểu thương chợ An Đông, ở quận 5 đồng loạt đóng cửa sạp, ngưng kinh doanh, và họ đến thẳng Uỷ ban Nhân dân Thành phố yêu cầu lãnh đạo giải quyết.

Báo Người Lao Động cho biết có đến 2,000 người tham gia cuộc biểu tình này, bắt đầu từ 5 giờ đến 9 giờ sáng, và chủ tịch quận phải đích thân đến trước chợ, cầm loa kêu gọi giải tán và “hứa sẽ giải quyết sau.”

Một người khác tại chợ cho biết thêm tiểu thương biểu bình do chi phí thuê sạp quá cao:

“Tại chợ An Đông 1 mọi người biểu tình do chi phí cao. Và năm ngoái cũng đã xảy ra biểu tình.”

Theo các tiểu thương chợ An Đông, từ đầu năm 2012, hơn 2.000 tiểu thương đã được vận động đóng góp hàng trăm tỉ đồng để chính quyền quận 5 nâng cấp chợ An Đông, nhưng cam kết nâng cấp chợ của UBND Quận 5 vẫn chưa được thực hiện.

Các tiểu thương cho biết một trong những yêu cầu của họ là ngay lập tức chính quyền phải bãi bỏ hợp đồng cho thuê sạp đối với tiểu thương vì đây là chợ truyền thống do họ góp tiền xây dựng nên chính quyền không được thu tiền thuê quầy sạp.

Báo Tuổi trẻ nói hơn 3.000 tiểu thương tại chợ này đã đóng góp số tiền 217 tỉ đồng để sửa chợ nhưng chờ đợi suốt 4 năm vẫn chưa nâng cấp.

Báo Thanh Niên trích lời Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến trưa ngày 19/9 nói rằng “mong bà con bình tĩnh, đừng để bị kích động gây mất an ninh trật tự.”

Blogger Huỳnh Ngọc Chênh viết trên Facebook rằng “một khi bị chạm đến quyền lợi thì người dân tự khắc đi biểu tình….Biểu tình dần dần trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam khi họ đã vượt qua sợ hãi.”

Nhiều năm qua chính phủ Việt Nam liên tục trì hoãn trình quốc hội thông qua luật biểu tình vốn được người dân chờ đợi từ lâu mà theo giới luật sư và các nhà vận động, lý do là chính quyền lo sợ về sự an nguy của chế độ. - VOA

18.
Tham nhũng tăng ở VN, nhiều doanh nghiệp nhà nước bị điều tra

Bộ Công an Việt Nam tuần trước bắt đầu điều tra 3 công ty thuộc tập đoàn dầu khí quốc doanh PetroVietnam vì nghi vấn họ đã cố tuồn 5,2 triệu đôla khỏi OceanBank.

Cuộc điều tra các doanh nghiệp thuộc PetroVietnam là một phần trong một vụ lớn hơn liên quan đến OceanBank.

Tường thuật của báo chí nói hơn 50.000 người và 400 tổ chức đã hưởng lợi từ hoạt động mà bên công tố gọi là “các khoản thanh toán tiền lãi bất hợp pháp” trị giá 70,4 triệu đôla.

Từ năm 2010 đến năm 2014, các lãnh đạo ngân hàng OceanBank đã cho vay và đặt ra lãi suất huy động vượt quá giới hạn được nhà nước chấp thuận dành cho các khách hàng chủ chốt, bao gồm cả PetroVietnam, theo báo chí trong nước.

Vụ này, theo lời các nhà phân tích, cho thấy tình trạng tham nhũng lan tràn ở Việt Nam.

Nhóm vận động phi lợi nhuận Transparency International (Minh bạch Quốc tế) xếp hạng Việt Nam ở vị trí 113 trên 176 quốc gia và khu vực mà họ đánh giá vào năm 2016 về cảm nhận tham nhũng.

Hãng Gan Integrity chuyên tư vấn doanh nghiệp về tuân thủ luật pháp, có trụ sở ở New York, đánh giá nạn tham nhũng "rất phổ biến" ở Việt Nam. Họ nói các công ty có thể phải đối mặt với nạn hối lộ, can thiệp chính trị và "chi phí bôi trơn" trong các hầu hết các ngành nghề. Phát triển bất động sản và xây dựng là hai ngành đặc biệt có nhiều tham nhũng, hãng tư vấn cho hay.

Ông Nguyễn Trung, trưởng khoa quan hệ quốc tế thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh, cho rằng lương không đủ sống đối với viên chức nhà nước là nguyên nhân lớn gây ra tham nhũng.

Các quy định phức tạp cũng buộc các công ty tìm cách đi tắt, là một nguyên nhân khác của tham nhũng.

Ông Trung nói những người có vốn đôi khi không muốn mở rộng kinh doanh để tránh phải hối lộ, đó là một phần lớn trong nền kinh tế ngầm.

Ông nói thêm, người Việt Nam cũng phải đối mặt với hối lộ khi họ đề nghị các cơ quan chính quyền cấp giấy tờ và nếu bị cảnh sát dừng xe khi đi đường, những điều này làm xói mòn lòng tin của công chúng đối với các dịch vụ công.

Ông nói: "Tôi nghĩ tình hình rất tệ. Tôi có rất nhiều bạn bè và họ không muốn mở các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam vì họ nghĩ rằng họ sẽ phải đối phó với chính quyền và họ phải hối lộ người ta, và điều đó vi phạm các chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc của họ".

Mối quan tâm của chính phủ tới vấn đề này đã ngày càng lớn hơn ở Việt Nam, với việc ban hành Luật chống tham nhũng năm 2005, Luật về mua sắm công năm 2009 và Chiến lược Quốc gia về Chống Tham nhũng, sẽ kéo dài đến năm 2020.

Gan Integrity cho biết án tù cho tội đưa, nhận hối lộ ở Việt Nam có từ mức phạt tiền đến án tử hình, nhưng việc thực thi còn lỏng lẻo.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế nói họ thấy có ít thông tin công khai về kết quả của công cuộc chống tham nhũng.

Ông Trung nói: "Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam không đoàn kết trong việc ngăn chặn vấn đề. Tôi không nghĩ rằng họ có ý chí chính trị để chấm dứt tham nhũng". - VOA

19.
Hoàn thành phân giới, cắm mốc biên giới Việt-Lào

Bộ Ngoại giao Việt Nam vào chiều thứ Ba 19 tháng 9 tổ chức Hội nghị tổng kết kế hoạch thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới Việt Nam- Lào. Mục tiêu nhằm đánh giá quá trình thực hiện kế hoạch, đồng thời triển khai các văn kiện liên quan để thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà Nước về biên giới lãnh thổ.

Kế hoạch như vừa nêu do thủ tướng chính phủ Việt Nam ban hành từ ngày 30 tháng 1 năm 2008. Và theo đánh giá thì đến nay toàn bộ kế hoạch tổng thể được cho là hoàn thành.

Hai phía hoàn tất đường biên với 1 ngàn cột mốc biên giới và bản đồ chuẩn về đường biên giới Việt- Lào sẽ được hai phía công bố chính thức.

Vào tháng 3 vừa qua, hai bên Việt và Lào đã ký hai văn kiện quan trọng: Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới; Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam – Lào.

Hai văn bản có hiệu lực từ ngày 5 tháng 9 năm 2017, nhân kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào.

Xin được nhắc lại đường biên giới Việt- Lào dài hơn 2300 kilomet, tiếp giáp giữa 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào. Hai nước kết thúc đàm phán và ký kết ‘Hiệp Ước Hoạch Định Đường Biên Giới Quốc Gia’ vào tháng 7 năm 1977. - RFA

Link:

Không có nhận xét nào: