Vietnam – Cali Today News – Giờ không phải lúc để im lặng khi mà biển đã chết, rừng đã hết và con cháu gánh nợ quá nhiều cho nên việc bà con giáo dân xuống đường tuần hành vì môi trường không chỉ biểu hiện sự thông kết của niềm tin Tôn giáo mà qua đó biểu hiện tiếng nói nhắn gửi phải mạnh mẽ để mong có được hy vọng thắp lên một chút hạnh phúc, hòa bình đích thực…
<!>
Hưởng ứng “Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên lần thứ III” được cử hành vào ngày 01/09/2017, đông đảo bà con giáo dân ở các Giáo xứ trực thuộc Giáo phận Vinh đã có những việc làm thiết thực để bảo vệ môi trường. Đặc biệt bà con giáo dân Giáo xứ Cồn Sẻ ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình vào hôm ngày 03/09 vừa qua, đã có một cuộc tuần hành xuống đường phản đối Formosa Hà Tĩnh với những khẩu hiệu rất quyết liệt…
Mong hy vọng thắp lên một chút hạnh phúc, hòa bình đích thực
“Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên” do Đức thánh Cha Phanxico quyết định thiết lập, được cử hành vào ngày 01 tháng 09 hằng năm và năm 2017 là lần thứ III. Theo Đức thánh Cha Phanxico tuyên bố đây là ngày mang lại cho các tín hữu và các cộng đoàn cơ hội quý giá để tái quyết tâm gắn bó với ơn gọi làm người bảo tồn thiên nhiên, cảm tạ Thiên Chúa vì công trình kỳ diệu mà Người ủy thác cho chúng ta chăm sóc, cầu xin ơn phù trợ của Chúa cho việc bảo vệ thiên nhiên và xin Chúa thương xót vì những tội đã phạm chống lại thế giới chúng ta đang sống. Đáp lại lời tuyên bố này, toàn thể Giáo xứ trực thuộc Gíao phận phận Vinh và đông đảo bà con giáo dân đã có những việc làm thiết thực như: tổ chức Giờ chầu Thánh Thể cầu nguyện cho những người đang dấn thân bảo vệ môi trường, cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo có những chính sách đúng đắn, biết tôn trọng Mẹ Thiên Nhiên, cầu nguyện cho nhân loại biết ý thức quý mến môi trường sống của mình. Thực hành những việc cụ thể như thu gom, xử lý rác thải, khai thông cống rãnh, làm sạch môi trường sống và tạo lập những nơi quy tụ và xử lý rác thải lâu dài…
Ngoài ra, Cali Today còn nhận thấy có rất nhiều Giáo xứ và đông đaỏ giáo dân trong Giáo phận không quên nhắc nhớ thảm họa môi trường biển Miền Trung do Công ty Gang thép Formosa Hà Tĩnh gây ra vào hồi đầu tháng 04/2016, hơn một năm sau thảm họa nhưng hậu quả để lại vẫn còn rất lớn và công tác giải quyết đền bù sau thảm họa của các cấp cầm quyền ở một số nơi theo phản ánh của người dân là chưa thỏa đáng và chưa xong.
Đặc biệt bà con giáo dân Giáo xứ Cồn Sẻ ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình vào hôm ngày 03/09/2017, đã có một cuộc tuần hành xuống đường với những khẩu hiệu có nội dung liên quan đến thảm họa Formosa Hà Tĩnh như: “Những đứa nào đã giết tao?” , “chọn Dân hay chọn Formosa?” “Im lặng là tiếp tay cho tội ác” “1763 lao động phổ thông của thôn Cồn Sẻ chưa được đền bù”…
Đáng nói theo ghi nhận của Cali Today, nội dung của những khẩu hiệu mà bà con giáo dân thôn Cồn Sẻ đã thể hiện sự phẫn nộ, đấu tranh để bảo vệ môi trường rất quyết liệt. Điều gì đã khiến bà con giáo dân từ những người hiền lành, sống trong Đức tin Thiên Chúa lại trở nên mạnh mẽ, bất chấp khó khăn và nguy hiểm để xuống đường như vậy?
Một bạn trẻ tên T, là giáo dân ở thôn Cồn Sẻ đã chia sẻ quan điểm cá nhân với Cali Today rằng, sự phẫn nộ của bà con thông qua nội dung của những khẩu hiệu chẳng có gì khó hiểu khi mà quyền tự do, dân chủ và nhân quyền của người dân Việt Nam bị nhiều hạn chế, các quan chức cầm quyền ở Việt Nam lắm kẻ “nói một đàng làm một nẻo” hoặc hứa rồi để đó là những lý do. Ngoài ra, ban trẻ T chia sẻ thêm:
“Còn riêng bà con giờ mỗi người là một đài radio, một trang mạng xã hội riêng, họ dám lên tiếng về mọi vấn đề hoặc nghĩ giờ không phải lúc để im lặng khi mà biển đã chết, rừng đã hết và con cháu gánh nợ quá nhiều. Xuống đường tuần hành vì môi trường là biểu hiện và cũng là sự thông kết của một niềm tin Tôn giáo hưởng ứng Thông điệp Laudato Si của Đức giáo Hoàng Phanxicô và lời nhắn nhủ của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp. Vì vậy những biểu ngữ mà bà con biểu hiện đã nói lên tiếng nói của bà con nhắn gửi đến bạn bè trong và ngoài nước biết rằng; chúng tôi phải mạnh mẽ để mong sao con cháu của chúng tôi có được hy vọng thắp lên một chút hạnh phúc, hòa bình đích thực tại quê nhà.”
Riêng khẩu hiệu có nội dung “1763 lao động phổ thông của thôn Cồn Sẻ chưa được đền bù” mà bà con giáo dân thôn Cồn Sẻ đưa ra ở cuộc tuần hành, đến nhà ông Đinh Thiếu Sơn- nguyên Phó Chủ tịch thị xã Ba Đồn, nguyên Trưởng ban đền bù thảm họa môi trường theo bạn trẻ T đây là cái kết mà một ty có tên Formosa với trụ sở chính tại Đài Loan và trụ sở con đặt tại Hà Tĩnh đã phá hoại môi trường biển miền Trung nói riêng và cả nước nói chung nhưng được sự ưu ái của nhà cầm quyền CSVN khi thỏa thuận giải quyết đền bù với số tiền là 500 triệu USD. Tuy nhiên, bạn trẻ T đã đặt câu hỏi cho dù 500 triệu hoặc 1 tỷ USD thì giờ nó đã đi đâu hết? Hãy hỏi 1763 người lao động ở thôn Cồn Sẻ có nhận được hay không? Người dân thôn Cồn Sẻ nói chung sống từ khai sinh lập địa đã theo nghề biển nhưng đến bây giờ đã hơn một năm sau thảm họa Formosa Hà Tĩnh mà có người còn chưa nhận được giải quyết đền bù.
“Trong khi chúng tôi đã cùng nhau đi đòi hỏi và hết lần này đến lần nọ các ông (đại diện các cấp cầm quyền) hứa rồi để đó, cho nên ngày 03/09 vừa rồi đông đảo bà con đã đến tại nhà ông Đinh Thiếu Sơn- nguyên phó Chủ tịch thị xã Ba Đồn, nguyên trưởng ban đền bù thảm họa môi trường để đòi hỏi quyền lợi.”- Lời của bạn trẻ T.
Rõ ràng hậu quả mà Formosa Hà Tĩnh đã để lại người dân vùng biển miền Trung sau thảm họa là rất lớn, trong đó có người dân thôn Cồn Sẻ. Bạn trẻ T chia sẻ một hiện thực đang diễn ra:
“Thanh niên thì chạy chọt, vay mượn kiếm mọi kế sách, đút mọi ngõ ngách để vào những công ty môi giới lao động nhằm kiếm được tấm vé đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.”
“Người cha, người chồng thì gắng bám biển đi thật xa để đánh bắt, kiếm được hải sản thì vào bán với giá rẻ mạt, đi xa hơn nữa thì sợ bị “tàu lạ” đánh, đâm, đe dọa…”
“Các con em, học sinh thì đi làm thuê cho các tư nhân lưới để nhằm kiếm tiền mua sách vở áo
quần”
“Các chị, các mẹ ngoài việc lo nội trợ còn ngày đêm miệt mài chân ống cao ống thấp để đi đòi hỏi quyền lợi đáng được hưởng cho cha, chồng chồng, cho anh và cho con cháu nhỏ.”
Đó là hoàn cảnh sống của đông đảo người dân thôn Cồn Sẻ từ sau thảm họa Formosa Hà Tĩnh xảy ra. Bạn trẻ T bày tỏ sự thiết nghĩ; 500 triệu USD tiền Formosa Hà Tĩnh đền bù chẳng nuôi bà con qua ngày đoạn tháng, từng đó chưa đủ mua được quan tài cho cháu chắt. Nhưng bà con đòi hỏi sự đền bù là vì quyền lợi chính đáng và cũng là điều mà bà con nhằm thể hiện rằng; “quê hương này là của chúng tôi, chúng tôi không muốn mất nó…”./.
THIÊN HÀ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét