1.
Phần lớn thế giới đã đón chào khởi đầu của năm 2017 bằng pháo hoa, tiệc tùng, và những hoạt động lễ hội khác, dù nhiều người trầm tư suy niệm về chính trị và văn hóa đại chúng trong năm đầy biến động vừa qua.
New Zealand, những đảo Thái Bình Dương gần đó, Úc và Nga là những nơi đầu tiên đón mừng năm 2017.
Một trong những hoạt động đón mừng nổi bật đầu tiên khởi đầu năm 2017 là tiết mục bắn pháo hoa hàng năm tại Sydney, thu hút đám đông hơn một triệu người tụ tập ven vịnh để xem tiết mục tưởng nhớ ngôi sao giải trí quá cố David Bowie và Gene Wilder - chỉ hai trong số một nhóm nhiều bất thường những người nổi tiếng qua đời trong năm 2016.
Nhiều nước đang tập trung vào vấn đề an ninh trong lúc dự kiến sẽ có những đám đông lớn tại những nơi có những hoạt động đón chào năm 2017.
Tại Dubai, hàng trăm ngàn người tụ tập xem pháo hoa bắn từ tòa nhà Burj Khalifa, là tòa nhà cao nhất thế giới với chiều cao 828 mét. Màn bắn pháo hoa này cũng được phát trực tiếp trên mạng.
Nhân viên bảo vệ tư nhân được bố trí mỗi 50 mét và đường phố bị chặn biệt lập với vỉa hè nhằm giữ cho đường thông thoáng để xe cấp cứu qua lại.
Tại Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói mỗi người "có thể trở thành một ảo thuật gia vào đêm giao thừa," bằng cách đối đãi với người nhà, đồng nghiệp, bạn bè, và những người cần được giúp đỡ bằng sự tôn trọng và lòng nhân ái. "Đó là toàn bộ bí mật," ông nói trong bài diễn văn phát sóng lúc gần nửa đêm, lần lượt ở mỗi múi giờ trong 11 múi giờ của Nga.
An ninh được tăng cường tại nhiều thành phố vì vụ tấn công bằng xe tải bị cướp nhắm vào một khu chợ Giáng sinh ở Berlin hôm 19 tháng 12 giết chết 12 người và những cuộc tấn công khác trong năm 2016.
Thủ đô của Đức đặt thêm những hàng rào bê tông và xe bọc thép gần Cổng Brandenburg, địa điểm truyền thống đón mừng năm mới, để bảo vệ đám đông khỏi xe cộ.
Tại Vatican, Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi tín hữu giúp đỡ những người trẻ tìm được địa vị trong xã hội trong buổi đọc kinh chiều đánh dấu đêm giao thừa. Ông nói những người trẻ tuổi đã bị tước mất "việc làm thực thụ và đáng tôn trọng," khiến họ phải "gõ những cánh cửa mà đa phần vẫn đóng kín." Ông nói những người trẻ tuổi nên được phép tham gia vào xã hội thay vì bị gạt ra ngoài lề.
Paris một lần nữa hủy bắn pháo hoa tại Tháp Eiffel trong năm nay, nhưng một tiết mục bắn pháo hoa sẽ được trình diễn dọc theo Đại lộ Champs-Élysees, được phòng thủ kiên cố bởi binh lính vũ trang và rào cản giao thông.
Ở trung tâm London, cảnh sát vũ trang sẽ được triển khai trên tàu điện ngầm lần đầu tiên. Một số cảnh sát vũ trang đã bảo vệ hệ thống tàu điện ngầm trong những năm gần đây, nhưng đây là lần đầu tiên cảnh sát mang súng sẽ cùng với hành khách đi tới và đi khỏi Quảng trường Trafalgar và bờ Sông Thames để đón mừng năm mới.
Giới chức Thành phố New York ở Mỹ đã bố trí hàng chục xe tải chở cát giữa những tòa nhà chọc trời trong khu vực Quảng trường Times của Quận Manhattan. Những chiếc xe tải này có chức năng như hàng rào bảo vệ khi một triệu người dự kiến đổ tới đây để cùng đếm ngược tới màn bắn pháo hoa và thả hoa giấy đánh dấu khởi đầu năm 2017. - VOA
Phần lớn thế giới đón năm 2017 với pháo hoa, tiệc tùng, và các lễ hội khác, mặc dù nhiều người suy ngẫm một cách ảm đạm về chính trị và văn hóa phổ thông trong năm đầy biến động vừa qua.
Những người vui chơi đã tụ tập ở Quảng trường Thời đại, địa điểm du lịch mang tính biểu tượng của thành phố New York, để ngắm quả cầu pha lê nổi tiếng ghi dấu thời khắc chuyển sang năm mới.
Tổng thống Barack Obama, trong bài phát biểu hàng tuần, đã suy ngẫm về một năm qua, và cả hai nhiệm kỳ của ông. Ông kết thúc bài phát biểu với câu nói "và từ gia đình Obama xin gửi đến quý vị lời chúc năm 2017 hạnh phúc và may mắn".
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã viết trên Twitter lời chúc mừng năm mới của ông: "Chúc mừng năm mới tới tất cả mọi người, kể cả nhiều kẻ thù của tôi và những người đã chiến đấu chống lại tôi và bị thua thảm hại đến mức họ chẳng biết phải làm gì. Thân yêu!"
Nhiều giờ trước, New Zealand, các đảo gần đó ở Thái Bình Dương, Australia và Nga là những nước đầu tiên bước vào năm 2017.
Một trong những lễ đón năm mới hoành tráng nhất để bắt đầu năm 2017 là buổi bắn pháo hoa hàng năm ở Sydney, đã thu hút hơn một triệu người xem.
Lễ đón năm mới ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, đã bị gián đoạn bởi một cuộc tấn công vũ trang tại một hộp đêm làm chết ít nhất 35 người.
An ninh được tăng cường ở nhiều thành phố sau khi xảy ra cuộc tấn công ngày 19/12/2016 bằng xe tải ở một khu chợ Giáng sinh ở Berlin làm chết 12 người, và các cuộc tấn công khác trong năm 2016.
Thủ đô của Đức đã bổ sung hàng rào bê tông và xe bọc thép gần Cổng Brandenburg, địa điểm truyền thống của lễ đón năm mới, để bảo vệ đám đông khỏi xe cộ.
Ở Dubai, hàng trăm ngàn người xem pháo hoa bắn từ tòa nhà Burj Khalifa cao 828 mét.
Ở Tại Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói mỗi người "có thể trở nên có một chút phép màu nhiệm trong đêm đón năm mới" bằng cách đối xử với sự tôn trọng và tình thương xót với những người thân trong gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, và những người gặp khó khăn. Ông nói "tất cả bí mật là như vậy" trong bài phát biểu được phát sóng lần lượt lúc gần nửa đêm vào các khung giờ trong tất cả 11 múi giờ của Nga.
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã sử dụng thông điệp truyền hình năm mới để cảnh báo về những nguy cơ của chủ nghĩa dân tộc dâng cao.
Tại Tòa thánh Vatican, trong buổi đọc kinh đêm giao thừa, Giáo hoàng Phan-xi-cô kêu gọi các tín đồ giúp đỡ những người trẻ tìm chỗ đứng trong xã hội. Ngài nói những người trẻ tuổi nên được phép tham gia vào xã hội hơn là bị đẩy ra bên lề.
Paris lại hủy bắn pháo hoa tại tháp Eiffel năm nay, nhưng sẽ có trình diễn dọc theo đại lộ Champs-Elysees, đại lỗ đã được tăng cường với lính có vũ trang và các rào cản giao thông.
Ở trung tâm London, cảnh sát vũ trang lần đầu tiên sẽ được triển khai trên tàu điện ngầm. Lần đầu tiên cảnh sát mang sẽ đi trên tàu cùng với hành khách đi lại giữa Quảng trường Trafalgar và bờ sông Thames để đón năm mới. - VOA
2.
Thổ Nhĩ Kỳ săn lùng tay súng khiến hàng chục người chết --- Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói vụ tấn công hộp đêm không gây hỗn loạn
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ săn lùng tay súng tấn công câu lạc bộ làm ít nhất 39 người thiệt mạng.
Vụ xả súng xảy ra ở hộp đêm Reina vào sáng sớm Chủ nhật, khi hàng trăm người đi chơi mừng năm mới.
Các quan chức cho biết trong số người thiệt mạng có ít nhất 15 người nước ngoài, trong đó có một phụ nữ người Israel. Công dân Morocco, Lebanon, Ả Rập Saudi và Libya cũng nằm trong số nạn nhân.
Vẫn chưa rõ động cơ vụ tấn công, tuy nhiên Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho rằng các nhóm khủng bố muốn "tạo ra hỗn loạn".
"Họ đang cố... làm suy sụp tinh thần của người dân chúng ta và làm cho đất nước bất ổn," ông nói.
Ít nhất 69 người khác đang được điều trị trong bệnh viện, theo các quan chức, với 4 người trong tình trạng nguy kịch.
Câu lạc bộ Reina ở khu vực Ortakoy không chỉ nổi tiếng với người Thổ Nhĩ Kỳ mà thường có người nước ngoài tới, theo phóng viên BBC Selin Girit ở Istanbul.
Trong thông cáo vào buổi sáng, Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu gọi đây là "một vụ thảm sát, thực sự dã man vô nhân tính".
"Cuộc truy lùng kẻ khủng bố đang diễn ra. Cảnh sát đang tiến hành các chiến dịch. Chúng tôi hy vọng rằng kẻ tấn công sẽ sớm bị bắt giữ."
Cảnh sát cho rằng chỉ có một tay súng duy nhất, ông nói, tuy một số nhân chứng có nhắc tới nhiều kẻ tấn công.
Thông tin trước đó nói tay súng mặc bộ đồ ông già Noel, nhưng hình ảnh ghi lại từ camera quan sát phía bên ngoài câu lạc bộ dường như cho thấy thông tin này không chính xác.
Tin cho hay có tới 700 người trong câu lạc bộ tại thời điểm xảy ra vụ tấn công, nhiều người đã lao mình xuống nước để thoát thân.
Các nhân chứng tả lại quang cảnh hỗn loạn và hoảng sợ khi vụ tấn công xảy ra.
"Tiếng súng nổ vang lên. Khi nghe thấy âm thanh này, nhiều cô gái ngất xỉu," nhân chứng và là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp Sefa Boydas được AFP dẫn lời.
Anh cho biết nhiều người bị giẫm đạp trong lúc chạy trốn. "Họ nói có khoảng 35 - 40 người chết nhưng có thể con số còn lớn hơn vì khi tôi đi ra, người ta giẫm cả lên những người khác."
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, đang đi nghỉ ở Hawaii, đã lên tiếng chia sẻ lòng thương tiếc "những mạng người vô tội đã mất" và nói sẽ "hỗ trợ phù hợp".
Tổng thống Nga Vladimir Putin lên án hành động tàn sát người vô tội. "Trách nhiệm chung của chúng ta là quyết liệt chống lại sự xâm lược của khủng bố," ông nói. - BBC
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói kẻ tấn công một hộp đêm ở Istanbul muốn gây ra hỗn loạn trong nước, nhưng kẻ đó đã thất bại. Vụ tấn công xảy ra hồi đầu ngày Chủ nhật, 1/1/2017, làm chết 39 người.
Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu, và thống đốc Istanbul Vasip Sahin cho biết cuộc tấn công vào hôm đêm chỉ do một tay súng thực hiện.
Ông Soylu nói nhà chức trách tiếp tục săn lùng tay súng đã bắn vào hộp đêm đông nghịt người đón năm mới.
Trong số những người đã được nhận dạng, 15 người chết là người nước ngoài, 5 người là người Thổ Nhĩ Kỳ, ông Soylu nói thêm rằng một sĩ quan cảnh sát cũng bị giết. 18 nạn nhân vẫn chưa được nhận dạng.
Ông Soylu cho biết 69 người bị thương đang được điều trị tại bệnh viện, trong số đó 4 người bị thương nặng và 1 người trong tình trạng nguy kịch.
Chưa có ai nhận trách nhiệm về vụ tấn công ngay lập tức.
Ông Soylu cho biết chưa rõ tung tích của tay súng, và cuộc truy lùng đang diễn ra.
Thông đốc thành phố Sahin gọi vụ việc là một cuộc tấn công khủng bố. Ông cho biết kẻ tấn công sử dụng một vũ khí nòng dài để bắn một cách tàn bạo vào những người vui chơi.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ về khu vực xung quanh hộp đêm Reina ở khu Ortakoy cao cấp của Istanbul, khu này là địa điểm vui chơi giải trí ven biển Bosporus thường có nhiều người nổi tiếng và người nước ngoài.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm thời hạn chế đưa tin về vụ tấn công, nói đó là vì lý do an ninh quốc gia.
Báo Hurriyet dẫn lời Mehmet Kocarslan, người chủ của Reina, nói rằng các biện pháp an ninh đã được áp dụng trong 10 ngày qua sau khi báo cáo tình báo của Hoa Kỳ nêu ra khả năng có thể xảy ra một cuộc tấn công.
Phó Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Eric Schultz cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nghe báo cáo nhanh từ đội ngũ an ninh quốc gia về cuộc tấn công ở Istanbul.
Ông Schultz nói "Tổng thống bày tỏ lời chia buồn về những người vô tội đã thiệt mạng, ông chỉ đạo đội ngũ của mình hỗ trợ phù hợp cho nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ, trong trường hợp cần thiết, và luôn cập nhật với ông".
Ông Obama cũng tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh trong NATO. - VOA
3.
Ông Donald Trump không loại trừ khả năng gặp TT Đài Loan
Tân Tổng thống Hoa Kỳ đắc cử Donald Trump nói với báo giới rằng ông không loại trừ khả năng gặp Tổng thống Đài Loan nếu bà sang thăm Hoa Kỳ sau khi ông chính thức nhậm chức.
Hãng tin Reuters cho biết, trong phát biểu mừng năm mới từ dinh thự riêng Mar-a-Lago, phóng viên hỏi liệu ông có gặp bà Thái Anh Văn sau khi lên nắm quyền, ông Trump nói: "Để xem".
Ông Trump cũng dẫn giao thức nói ông sẽ không gặp bất kỳ lãnh đạo nước ngoài nào trong thời gian ông Barack Obama còn làm tổng thống.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn dự kiến sẽ quá cảnh ở Houston và San Francisco vào đầu tháng Một.
Hôm 09/12, cuộc điện đàm giữa tân Tổng thống Hoa Kỳ đắc cử với Tổng thống Đài Loan khiến Bắc Kinh sửng sốt.
Cú điện đàm phá lệ đặt ra trong chính sách của Hoa Kỳ thiết lập vào năm 1979 khi quan hệ hai bên bị cắt chính thức.
Trung Quốc nói động thái này cùng tuyên bố về việc xem xét lại chính sách Một Hoa Kỳ của ông Donald Trump có thể ảnh hưởng tới hòa bình với Đài Loan. Phát ngôn viên nước này cũng nói can thiệp từ Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng quan hệ Trung-Mỹ.
Theo chính sách 'Một Trung Quốc', Hoa Kỳ chỉ có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc, chứ không phải với Đài Loan mà nước này coi là một tỉnh của mình. - BBC
4.
Kim Jong Un: Bắc Triều Tiên đã sẵn sàng thử tên lửa liên lục địa
Hôm nay 01/01/2017, ngày đầu năm mới , Kim Jong Un khẳng định Bắc Triều Tiên đang ở trong « giai đoạn cuối cùng trước khi thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa ».
Trong diễn văn đón mừng năm mới dài 30 phút phát trên truyền hình, lãnh tụ chế độ Bình Nhưỡng khẳng định : « Chúng ta đang ở giai đoạn cuối cùng trước khi phóng thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa », và trong năm 2016, Bắc Triều Tiên đã đạt được vị thế cường quốc hạt nhân. Kim Jong Un nhấn mạnh, từ giờ trở đi, Bắc Triều Tiên là «một cường quốc quân sự của phương Đông mà ngay cả kẻ thù mạnh nhất cũng sẽ không thể đụng đến được ».
Trong năm 2016, Bình Nhưỡng đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân và nhiều lần bắn thử tên lửa tầm trung và xa với mục đích là làm sao để tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Cho đến giờ, nhiều nhà phân tích vẫn hoài nghi khả năng thực sự của vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên với bằng chứng là Bình Nhưỡng chưa lần nào phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa. Có điểm mà hầu hết các chuyên gia thống nhất với nhau, đó là Bình Nhưỡng đã tiến bộ rất nhiều trong lĩnh vực công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân kể từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền thay cha đầu năm 2012.
Một quan chức cao cấp Quốc Phòng Mỹ, tháng 12/2016 nhận định rằng Bắc Triều Tiên thực sự đã trang bị được tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân, nhưng khả năng phóng vẫn còn hạn chế.
Theo chuyên gia về Bắc Triều Tiên Kim Yong Hyun thuộc đại học Dongguk Seoul, tuyên bố của Kim Jong Un có thể là một cách đánh tiếng tới tổng thống tương lai của Mỹ Donald Trump rằng « nếu Mỹ tiếp tục chính sách o ép Bắc Triều Tiên thì Bình Nhưỡng sẽ thử tên lửa liên lục địa trong những tháng tới ».
Bình Nhưỡng từ trước tới nay vẫn luôn kêu gọi Hoa Kỳ «chấm dứt chính sách thù địch lỗi thời với Bắc Triều Tiên». Hiện tại, ông Donald Trump chưa bày tỏ rõ ràng lập trường về hồ sơ Bắc Triều Tiên. - RFI
5.
Hàn Quốc: Bà Park Geun Hye "phản pháo" vụ bê bối quân sư
Sau một tháng im lặng, ngày 01/01/2016, tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, bị tạm đình chỉ chức vụ chờ thủ tục phế truất, đã lên tiếng bác mọi cáo buộc tham nhũng trong vụ tai tiếng chính trị khiến bà có nguy cơ mất ghế tổng thống.
Hãng tin Reuters, trích truyền thông Hàn Quốc, cho biết trong buổi gặp gỡ được tổ chức chóng vánh với báo giới tại phủ tổng thống nhân Tết dương lịch, bà Park Guen Hye khẳng định bị « gài bẫy » và các lời tố cáo bà nhận hối lộ chỉ là « giả dối và bịa đặt ».
Theo hãng thông tấn Yonhap và kênh truyền hình YTK, bà Park còn nói thêm là người bạn Choi Soon Sil, nhân vật trung tâm của vụ tai tiếng, « chỉ là một mối quen biết » và chưa bao giờ được phép gây ảnh hưởng đến việc đại sự quốc gia.
Bà Choi bị cáo buộc lợi dụng mối quan hệ thân thiết với tổng thống Park để gây sức ép đối với các tập đoàn lớn của Hàn Quốc và buộc các tập đoàn này hỗ trợ tài chính cho các quỹ được cho là ủng hộ chính sách của nữ tổng thống Hàn Quốc.
Ngày 09/12/2016, Nghị viện Hàn Quốc đã thông qua, với số phiếu áp đảo, việc phế truất tổng thống. Quyết định này đang chờ được các thẩm phán của Tòa Hiến Pháp thông qua. - RFI
6.
Hội Đồng Bảo An thông qua nghị quyết hưu chiến tại Syria của Nga-Thổ Nhĩ Kỳ --- LHQ kỳ vọng đổi mới với tân tổng thư ký
Dự thảo nghị quyết ngưng bắn tại Syria, theo sáng kiến của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã được toàn thể 15 thành viên Hội Đồng Bảo An thông qua ngày 31/12/2016. Đây là một chiến thắng ngoại giao của Maxcơva cho dù trước thái độ dè dặt của nhiều thành viên, trong đó có Pháp, phía Nga đã phải sửa đổi nhiều điều khoản để cuối cùng, văn kiện được biểu quyết trước giao thừa.
Từ New York, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio tường trình :
Thông qua bản dự thảo nghị quyết này là việc ưu tiên của Matxcơva. Thường bị chỉ trích cản đường trong hồ sơ Syria, cuối cùng Nga đã nhận được sự chấp thuận của Liên Hiệp Quốc. Để có được quyết định này, Matxcơva đã phải chấp nhận sửa đổi nhiều điểm trong văn bản gốc.
Theo đó, Hội Đồng Bảo An không yêu cầu áp dụng thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ nữa, mà là các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Một điểm quan trong khác là thay vì diễn ra tại Kazakhstan, các cuộc đàm phán giữa chính phủ Syria và phe đối lập phải được tiến hành tại Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, văn bản dự thảo nghị quyết này vẫn còn khá mơ hồ để có thể xem xét nhiều vấn đề, trong đó có nhiều khúc mắc được Pháp và Hoa Kỳ nêu lên, như : Thỏa thuận ngừng bắn này sẽ do ai bảo đảm và được đảm bảo như thế nào ? Liệu các quan sát viên có được triển khai không ? Các phe đối lập nào liên quan đến thỏa thuận ngưng chiến ?
Đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc, Alexis Lamek, đã nêu bật các điểm chưa rõ ràng trên. Paris đã bỏ phiếu nghị quyết nhưng yêu cầu có thêm giải thích chính xác. Nếu thỏa thuận ngưng chiến tại Syria được tôn trọng, Hội Đồng Bảo An vẫn còn nhiều hồ sơ khác phải giải quyết vào đầu năm 2017. - RFI
Chính trị gia người Bồ Đào Nhà Antonio Guterres chính thức trở thành nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc ngày 01/01/2017 trong khi tổ chức này đang tỏ ra bất lực về cuộc khủng hoảng tại Syria. Tân tổng thư ký không giấu tham vọng tìm được giải pháp cho bế tắc hiện nay.
Cựu thủ tướng Bồ Đào Nha 67 tuổi sẽ thay thế ông Ban Ki Moon với nhiệm kỳ 5 năm. Nhận được sự ủng hộ tuyệt đối, tân tổng thư ký Antonio Guterres được kỳ vọng mang lại hơi thở mới cho Liên Hiệp Quốc vì « ông là một người hoàn hảo » cho vị trí này, theo phát biểu của một đại sứ phương Tây.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề phức tạp đang chờ tân tổng thư ký. Ngoài các hồ sơ Syria, Nam Sudan, Yemen, Burundi hay Bắc Triều Tiên, ông Antonio Guterres sẽ còn phải đối mặt với một Hội Đồng Bảo An bị chia rẽ và một bộ máy hành chính nặng nề mà ông muốn cải cách để « hoạt bát, tinh thông và hiệu quả hơn ».
Thêm vào đó là ảnh hưởng của sự kiện Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 20/01/2017. Tỉ phú New York luôn thể hiện sự nghi ngờ, thậm chí là coi thường, đối với Liên Hiệp Quốc và từng dọa xem xét lại thỏa thuận Paris về khí hậu. Trong khi đó, Hoa Kỳ là một trong các nước đóng góp nhiều nhất cho định chế quốc tế này, chiếm đến 22% ngân sách.
Ông Guterres kế nhiệm tổng thư ký Ban Ki Moon trong bối cảnh Nga đang làm chủ cuộc chiến tại Syria và quân đội của chính quyền Bachar Al Assad chiếm lại được thành phố lớn thứ hai của Syria. Ông sẽ phải nhanh chóng đưa ra những ý tưởng để giải quyết cuộc xung đột này, song cho đến nay, theo một nhà ngoại giao, tân tổng thư ký « chưa đưa ra bất kỳ đề xuất nào ».
Bản thân chính trị gia người Bồ Đào Nha thừa nhận chức vụ « tổng thư ký không phải là ông chủ của thế giới » mà phụ thuộc vào thiện ý của các cường quốc. Sau một nhiệm kỳ thiếu ý tưởng và sức hút của ông Ban Ki Moon, nhiều nhà ngoại giao hy vọng đến một sự thay đổi về phương pháp và nhân cách để giúp Liên Hiệp Quốc trở nên năng động hơn. - RFI
Tin Hoa Kỳ
7.
Nhà lập pháp Mỹ đả kích Nga về vụ phát hiện mã độc máy tính ở Vermont
Một nghị sĩ Hoa Kỳ đại diện bang Vermont nói rằng đoạn mã độc hại của Nga được tìm thấy trong một máy tính thuộc một công ty điện lực lớn của bang này là bằng chứng nữa cho thấy "những vụ tấn công tin tặc tràn lan của Nga."
Dân biểu Đảng Dân chủ Peter Welch, trong một tuyên bố hôm thứ Bảy, gọi việc phát hiện phần mềm độc hại này hôm thứ Năm là bằng chứng nữa cho thấy những vụ tấn công tin tặc máy tính của Nga là "có hệ thống, không ngừng nghỉ và chủ động gây hại."
"Họ sẽ tấn công tin tặc ở khắp mọi nơi, thậm chí Vermont, để mưu tìm những cơ hội gây gián đoạn đất nước của chúng ta," ông Welch nói. Tuyên bố của ông được đưa ra khi những chỉ trích nhắm vào hoạt động gián điệp mạng của Nga gia tăng và có thêm nhiều sự ủng hộ đối với những biện pháp trừng phạt nhắm vào Moscow mà Tổng thống Barack Obama vừa áp đặt.
Giới chức ở các bang New York, Rhode Island, Massachusetts và Connecticut nói họ đang theo dõi chặt chẽ hơn mạng máy tính thuộc chính quyền cấp bang và thuộc những công ty dịch vụ công ích, sau vụ phát hiện ở Vermont.
Văn phòng Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết thống đốc đã chỉ đạo tất cả các cơ quan cấp bang rà soát lại hệ thống máy tính của mình xem có bị xâm nhập hay không, dù cho tới nay vẫn chưa tìm thấy gì.
Trước đó, Thống đốc bang Vermont Peter Shumlin nói người Mỹ nên "lo ngại và phẫn nộ về việc một trong những tên côn đồ hàng đầu thế giới, (Tổng thống Nga) Vladimir Putin đang nỗ lực tấn công tin tặc lưới điện của chúng ta."
Giới hữu trách hôm thứ Sáu cho biết hiện vẫn chưa rõ mã của Nga xâm nhập máy tính của công ty điện lực vào lúc nào, và cho biết một cuộc điều tra hy vọng sẽ xác định được thời điểm và những mục tiêu của vụ xâm nhập này.
Một báo cáo trong tuần này do hai cơ quan an ninh của Mỹ đồng soạn thảo cho biết những tin tặc cài đoạn mã này bằng cách sử dụng email giả mạo để lừa người nhận tiết lộ mật khẩu của họ.
Đoạn mã được phát hiện ở bang Vermont thưa thớt dân cư chỉ vài ngày sau khi giới chức an ninh mạng của Mỹ chia sẻ chi tiết về mã độc hại này với giám đốc điều hành của nhiều công ty tài chính, dịch vụ công ích và vận tải.
Đến cuối ngày thứ Bảy, Nga vẫn chưa chính thức lên tiếng về vụ phát hiện mã này, diễn ra sau mấy tháng tranh cãi liên quan tới những báo cáo của giới tình báo Mỹ cho biết những tin tặc được Moscow hậu thuẫn đầu năm nay đã đánh cắp một lượng lớn email nội bộ của Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc. - VOA
8.
Ông Trump ca ngợi TT Nga tự chế, không leo thang tranh chấp với Mỹ
Tổng thống tân cử Mỹ hôm thứ Sáu ca ngợi Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã tự chế, không trả đũa các biện pháp chế tài của Mỹ trong vụ tranh cãi liên quan tới các hoạt động gián điệp và tấn công mạng.
Theo hãng tin Reuters thì đây là thêm một dấu hiệu khác nữa hé lộ kế hoạch của ông Trump, thành viên Đảng Cộng hoà, muốn hàn gắn các quan hệ đã xuống cấp nghiêm trọng với Moscow.
Trước đó ông Putin tuyên bố sẽ không đáp trả vụ Tổng Thống Obama trục xuất 35 người bị tình nghi là gián điệp Nga, ít nhất cho tới khi ông Trump lên nhậm chức vào ngày 20 tháng Giêng năm tới.
Từ bang Florida nơi ông đang nghỉ hè, ông Trump phản hồi ngay trên trang Twitter: “Nước cờ cao của V. Putin, hoãn hành động trả đũa- Tôi vẫn biết ông ấy rất thông minh!”
Tổng Thống Obama hôm thứ Năm hạ lệnh trục xuất nhiều công dân Nga và áp đặt các biện pháp chế tài đối với hai tổ chức tình báo Nga về vai trò của họ trong các vụ tin tặc nhắm vào các tổ chức chính trị trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 8/11.
Trong một thông cáo của Điện Kremlin, ông Putin tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không trục xuất ai cả", ông nói thêm rằng Nga vẫn duy trì quyền đáp trả các động thái của Mỹ. Ông Putin giải thích:
“Các bước tiếp theo để phục hồi quan hệ Mỹ-Nga sẽ được đưa ra dựa trên chính sách mà chính phủ Tổng thống Trump sẽ thi hành.”
Trong một diễn biến riêng rẽ, một mã số có liên hệ với hoạt động tin tặc của Nga được chính phủ Tổng Thống Obama đặt tên là “Grizzly Steppe”, đã được phát hiện bên trong hệ thống của một dịch vụ cung cấp điện ở bang Vermont, theo báo Washington Post hôm thứ Sáu, dẫn lời các giới chức Mỹ.
Theo các giới chức này, người Nga không dùng mã số ấy để gây gián đoạn cho các hoạt động của dịch vụ cung cấp điện, tuy nhiên sự kiện Nga đã xâm nhập mạng lưới điện quốc gia được coi là đáng kể vì nó thể hiện một yếu điểm nguy hiểm.
Ông Trump thường xuyên ca ngợi ông Putin và đã đề cử một số nhân vật thân thiện với Moscow vào các chức vụ cấp cao trong chính phủ của ông, nhưng hiện không rõ liệu ông Trump có tìm cách lật ngược các biện pháp chế tài mà Tổng Thống Obama vừa áp đặt lên nước Nga hay không. Các biện pháp này đánh dấu quan hệ Mỹ-Nga đã xuống cấp tới mức thấp nhất trong thời hậu chiến tranh lạnh.
Ông Trump đã gạt sang một bên những cáo buộc của CIA và các tổ chức tình báo khác của Mỹ rằng Nga đứng sau các cuộc tấn công mạng để gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Mỹ, và tìm cách khuynh đảo thể chế dân chủ Mỹ. - VOA
Tin Việt Nam
9.
Chủ tịch Việt Nam và Trung Quốc quyết bảo vệ chủ quyền
Cả nguyên thủ Việt Nam và Trung Quốc cùng đề cập tới vấn đề chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải trong phát biểu nhân năm mới 2017.
Cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam hôm 30/12 dẫn lời Chủ tịch Trần Đại Quang nói rằng “các quyền và lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông được luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, công nhận và bảo vệ”.
“Chúng ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”, ông Quang được trích lời nói.
Theo VPG News, Chủ tịch Việt Nam nói rằng “nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn dân tộc, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt, phải chuẩn bị tốt về mọi mặt, sẵn sàng chiến đấu cao, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”.
Ngoài vấn đề tranh chấp lãnh thổ, trong phát biểu nhìn lại năm 2016 và hướng tới năm 2017, VPG News còn dẫn lời ông Quang đề cập tới các vấn đề khác như “tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của đảng và chế độ” hay “nhiều âm mưu thâm độc, thủ đoạn xảo quyệt hòng chuyển hóa chế độ chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Cũng trong một thông điệp đầu năm mới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên tiếng về vấn đề chủ quyền.
Reuters dẫn lời phát biểu của ông Tập được truyền thông Trung Quốc trích lời nói hôm 31/12: “Chúng ta trung thành với việc phát triển hòa bình, và kiên quyết bảo vệ quyền lợi và chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải”.
Ông Tập còn nói rằng “người dân Trung Quốc sẽ không cho phép bất kỳ ai làm rùm beng chuyện này lên”. Tuy nhiên, theo Reuters, nguyên thủ quốc gia đông dân nhất thế giới không nói rõ về việc này.
Những hành động khẳng định chủ quyền của quốc gia phương Bắc của Việt Nam ở biển Đông thời gian qua, mới nhất là việc đưa vũ khí tới các đảo nhân tạo ở Trường Sa, đã khiến Hà Nội lên tiếng phản đối.
Trong khi đó, một tổ chức nghiên cứu an ninh và địa chính trị trên thế giới mới công bố một bản phân tích có tựa đề nói rằng Việt Nam “đơn độc” trước Trung Quốc.
Stratfor nhận định tiếp rằng “cán cân quyền lực ở Đông Nam Á đang âm thầm dịch chuyển về hướng có lợi cho Trung Quốc, và có lẽ không một quốc gia nào cảm nhận điều đó rõ hơn Việt Nam”.
Trung Quốc mới đây đã triển khai máy bay ném bom tầm xa vần vũ ở biển Đông cũng như đưa hàng không mẫu hạm duy nhất qua vùng biển tranh chấp này, sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chỉ trích Bắc Kinh quân sự hóa biển Đông.
Các quan chức Hoa Kỳ giấu tên được Fox News trích lời nói rằng động thái chứng tỏ sức mạnh của Trung Quốc nhằm “phát đi một thông điệp cho tân chính quyền của Tổng tống đắc cử Donald Trump”. - VOA
10.
Bắt đầu 2017, California giảm thuế mua bán
Từ ngày 1 Tháng Giêng, 2017, thuế bán hàng (sale tax) và thuế tiêu thụ (use tax) của tiểu bang California sẽ giảm một phần tư của một phần trăm (0.25%), từ 7.50% xuống 7.25%, thông cáo báo chí của Hội Đồng Thuế California cho biết.
Việc giảm thuế này có hiệu lực trên toàn tiểu bang; tuy nhiên, tại một số địa phương, mức thuế bán hàng thực sự và thuế tiêu thụ có thể cao hơn vì có thêm thuế của quận hạt.
Vì sao hai loại thuế này giảm? Đạo Luật Prop 30, Luật An Toàn Học Đường và Nơi Công Cộng năm 2012 được cử tri thông qua hồi Tháng Mười, 2012, tạm thời tăng hai mức thuế này 0.25%, nhưng vừa hết hạn hôm 31 Tháng Mười Hai, 2016.
Để biết tiền thuế tại địa phương mình hiện ở là bao nhiêu, xin vào trang web “Find a Sales and Use Tax Rate” rồi đánh địa chỉ vào như hướng dẫn.
Ngoài ra, để coi bảng liệt kê thuế bán hàng và thuế tiêu thụ của mỗi quận hạt và thành phố, xin vào trang web “ California City & County Sales & Use Tax Rates.”
Nếu một tiệm bán lẻ tiếp tục tính thuế như cũ sau 1 Tháng Giêng, 2017 sẽ phải hoàn tiền dư lại cho khách hàng hay đóng tiền này cho Hồi Đồng Thuế California. Sau khi đã đóng tiền thuế dư cho hội đồng này, chủ tiệm có thể nộp đơn BOE-101, xin lại số tiền này để hoàn trả cho khách hàng.
Hàng hóa được giao sau ngày 1 Tháng Giêng, 2017 sẽ được tính theo mức thuế mới.
Nói chung, hàng hóa được tính thuế ngay khi giao cho khách hàng, trừ khi hợp đồng ghi rõ khách hàng phải trả tiền thuế trước.
Với hàng hóa bị trả lại, khách hàng sẽ nhận được đúng tiền thuế đã đóng lúc mua.
Để biết thêm chi tiết, xin vào trang web Hội Đồng Thuế hay gọi ban phục vụ khách hàng 1-800-400-7115 (TTY:711), ngày thường từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Đóng cửa ngày lễ. (ĐG) - nguoiviet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét