Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

Con gà trống trong tuổi thơ tôi - Phan Hạnh


Nhớ lại hồi nhỏ ở quê nhà, tôi sống gần gũi với bao nhiêu là gia súc như gà vịt trâu bò heo ngựa chó mèo… Người trong làng nuôi chúng để rồi người ta giết chúng ăn thịt. Tôi đã chứng kiến cảnh người ta dùng chày giã gạo để đập đầu trâu, người ta bỏ chó vô bao bố để trấn nước, người ta thọc huyết heo, người ta cắt cổ gà vịt.<!> 
Trẻ con vốn yêu thương thú vật, mỗi lần nhìn thấy người lớn giết một con vật nuôi, tôi không khỏi mũi lòng tội nghiệp. Tới lần con gà trống mà tôi thích cũng bị đem ra cắt cổ, tôi, thằng bé tám tuổi, không khỏi ngậm ngùi. Tôi xin kể về con gà trống tôi thương.

Sáu giờ sáng ngày hôm ấy, như thường lệ, tôi thức dậy sớm đi ra ngoài chuồng gà bên hông nhà để rải một mớ thóc cho mấy con gà ăn, đồng thời tôi cũng cho con mèo canh chuồng gà ăn luôn. Cảm thấy lành lạnh, tôi thử nhìn hàn thử biểu gắn trên vách chuồng do cậu tôi gắn; tôi thấy ghi mười lăm độ bách phân. Tôi nghĩ thầm, “Vậy thì chắc mấy con gà nằm co ro”. Đẩy cánh cửa rồi khom mình bước vào, tôi thấy ngay con Mướt, con gà trống hơi bướng bỉnh của cậu tôi, đang nằm bất động trên sàn xi măng.

Từ trước đến giờ tôi chưa hề bồng nó hay vuốt ve nâng niu nó. Mà nó cũng có bao giờ để cho tôi đụng tới nó đâu; cứ mỗi lần tôi tới gần là nó né ra xa. Cậu Ba tôi đặt tên cho nó là Mướt vì nó có bộ lông sáng mượt chiếu lấp lánh như màu vỏ ốc xa cừ. Cậu Ba tôi tên Nhàn nhưng số cậu vất vả đầu tắt mặt tối làm lụng cả ngày để nuôi một gia đình đông con. Tuy vốn liếng chữ nghĩa không nhiều nhưng cậu tôi có óc quan sát tinh tế bén nhạy, học lóm ở người khác rất giỏi, nhất là các phương cách canh tác và chăn nuôi. Má tôi thứ tư, em gái kế của cậu Ba. Trong thời gian Ba tôi rời quê Mỹ Tho lên Sài Gòn làm việc, Má tôi cùng các con phải nấn ná tá túc ở nhà cậu tôi, phụ giúp công việc. Công việc hằng ngày của tôi là lo châm bình trà cho ông ngoại và cho gà ăn buổi sáng.

Tôi quỳ xuống bên Mướt; nó vẫn không lay động. Tôi vỗ vỗ lên cánh nó và dường như nó cục cựa đôi chút. Tôi nghĩ chắc con Mướt gần chết, và tôi ngạc nhiên với chính tôi là sao mình cảm thấy buồn ghêCon Mướt nhìn tôi bằng cái nhìn có vẻ hoang mang và giận dỗi, một cái nhìn như ngầm bảo “tôi không cần đến sự thương hại của bạn”.

Nhớ lại, cậu tôi đem nó về từ vườn nhà ông Tư Gòn và nuôi nó đã đượgần hai năm nay, một khoảng thời gian đủ dài để có vài chuyện xảy ra làm cho tôi nhớ mãi. Lần đó, một con diều hâu táo bạo đã sà xuống chuồng gà và định xớt một con gà mái; tôi không biết có nên gọi đó là vợ của con Mướt không. Nhát, tên của con gà trống khác cùng lứa với con Mướt, có thể là anh em của Mướt không chừng, vừa thấy bóng con diều hâu là bỏ chạy trốn thụt mạng.

Nhưng Mướt thì khác; nó hiên ngang kháng cự và chiến đấu với kẻ gian. Nó xòe cánh nhảy tưng lên đưa hai chân đá con diều hâu, cương quyết bảo vệ đồng loại. Nghe tiếng gà la xôn xao, cậu tôi cầm cây sào chạy ra; con diều hâu hoảng sợ bay đi, hụt một chuyến săn táo bạo và một con mồi béo bở.

Danh dự và bầy đàn gia đình gà của Mướt còn nguyên vẹn nhưng chân trái của  đã bị móng vuốt của con diều hâu gây thương tích thành tật mãi mãiKể từ đó, nó bước đi khập khiễng như một thương binh anh hùng trở về từ trận mạc. Tôi gần gũi với Mướt một phần vì tôi cũng có cái chân trái yếu làm cho tôi bước đi không vững tuy chưa đến nỗi cà thọtMướt đã cho tôi niềm cảm hứng qua việc nó đã không chịu đầu hàng, không đánh mất nhân phẩm hoặc từ bỏ nhiệm vụ của mình.

Tôi xin kể sơ lý do tại sao cái chân trái của tôi bị yếu. Hôm đó giờ ra chơi, thầy giáo trường làng cho học trò chạy đua từng cặp, đứa thua phải cõng đứa thắng chạy một vòng. Hồi đó học trò chúng tôi toàn đi chân đất, chẳng có đứa nào mang dép mang giày như bây giờ. Tôi thắng nên được cõng. Nhưng trong lúc cõng tôi chạy, đứa thua đạp gai cây mắc cỡ nên rụt chân và mất đà, té quăng tôi nhào xuống đất; xương bánh chè đầu gối chân trái tôi chạm mạnh xuống một cục gạch và trở nên yếu mãi về sau. Tôi thấy con gà trống Mướt giống thân phận tôi nên tôi thương.

Mướt trung thành làm tròn nhiệm vụ gáy sáng khi trời hừng đông, và sau đó cứ khoảng mỗi giờ nó gáy một hiệp suốt cả ngày. Mướt luôn luôn đi theo ba con gà mái vợ của  kiếm ăn khắp nơi trong khu vườn rộng của cậu tôicố gắng ra sức hỗ trợ và bảo vệ ba bà vợ. Nếu một con gà mái lang thang quá xa hoặc nếu con chó vườn nhà bên cạnh xuất hiện để uy hiếp, Mướt can thiệp ngay.
Mướt kết bạn với con Vệncon chó giữ nhà của cậu tôi. Tôi ngạc nhiên nhìn thấy con Mướt và con Vện hay xuất hiện bên cạnh nhau dưới gốc cây xoài, cây bưởi hay cây mận dưới ánh nắng mặt trời lốm đốm trong khu vườn nhà cậu tôi. Những lúc rảnh rang, tôi hay quanh quẩn trong vườn để săn trái chín. Tôi thích leo lên cây ổi ngồi vắt vẻo nơi cháng ba hái ổi ăn ngay tại chỗ. Có khi tôi còn đem theo gói muối ớt để chấm. Tan học, tôi cố đi thật lẹ để về trước và thăm gốc cây xoài tượng trước, nhất là mấy hôm có gió mạnh. Tôi biết chắc hễ có gió là có xoài chín rụng. Xoài tượng hườm hườm chấm nước mắm đường ăn ngon hết biết.

Khi trời chạng vạng chập tốicon Mướt gom và điểm danh mấy con gà mái vợ rồi hộ tống chúng vào chuồng. Mướt cố sức nhảy lên giường ngủ của nó là ổ rơm trên sàn tre. Suốt đêm, Mướt còn phải để mắt trông chừng sự đột nhập của rắn và chồnChồn lẻn vào chuồng gà thì tôi chưa thấy nhưng tôi đã thấy rắn bò quanh quẩn định lẻn vô chuồng gà. Tôi la hét um sùm lên, mấy người anh họ, con của Cậu Ba, chạy tới bẻ nhánh cây quơ đuổi con rắn chạy mất vô bụi tre. Tôi rất sợ rắn vì tôi đã từng bị nó rượt ngoài ruộng khô khi tôi đi bắt dế.
Trở lại với con Mướt nằm ngất ngư sáng hôm đó, tôi nghĩ số nó đã tới lúc bị bỏ vô nồi nước sôi. Tôi không biết phải làm sao. Tôi bồng nó lên và vuốt đầu vuốt lưng nó. Thường thường nó rất ghét ai đụng tới nó, nhất là cái mào, cái mão vua ban, cái vương miện của nó. Đương nhiên là lúc đó nó có muốn tránh tôi cũng không được. Tôi lo sợ lắm. Nếu tôi nói lại với Cậu tôi là con Mướt bịnh thì thế nào nó cũng bị đem đi làm thịt. Tôi nghĩ làm cách nào để cứu nó đây? Hồi xưa ở làng quê làm gì có bác sĩ thú y mà cũng chẳng ai bỏ công sức để cứu sống một con thú vật nhà, chôn còn không có.

Sợ con Mướt bị đem đi làm thịt trong lúc tôi đi học, hôm đó tôi bèn ẵm nó theo tới trường. Bề nào nó cũng đã yếu, đâu thể chạy nhảy quấy rầy ai. Tôi chỉ cần bỏ nó vô cái túi xách, che đậy hờ bằng một cái khăn cũ, xong xách nó theo. Thằng Ngọ lớn hơn tôi một tuổi ngồi kế tôi trong lớp cũng là đứa thương thú vật. Nó nói con Mướt khát nước; nó vạch mỏ con Mướt rồi nhổ nước miếng vô đó. Vậy mà con Mướt nhấp nhấp rồi nuốt hết. Tôi ngạc nhiên hỏi thằng Ngọ “Ai dạy mầy ngộ vậy?”, nó nói nó thấy chú nó nuôi gà đá thường hay làm như vậy đó. Vậy mà một lúc sau con Mướt tỉnh táo ra; nó khua rột rột trong cái giỏ đệm để dưới chân tôi. Tôi mừng quá. Tới giờ ra chơi, cả đám bạn tôi cùng nhau đi bắt cào cào cho con Mướt ăn. Có đứa bắt được cả dế mọi và chuồn chuồn. Tôi sung sướng khi thấy con Mướt ăn được và ăn khỏe. Thằng Ngọ có kinh nghiệm nói “Cho nó ăn bao nhiêu đó đủ rồi, đừng cho nó ăn nhiều quá bội thực chết.”

Giờ học còn lại, thầy giảng mặc thầy, tôi có theo dõi gì đâu. Lòng tôi đang rộn rã niềm vui vì con Mướt sống lại rồi. Nó đang động đậy rột rột dưới chân tôi. Tôi phải xỏ quai túi vô cổ chân để cho con Mướt khỏi chạy.

Xế chiều, học trò trong lớp đứa nào cũng buồn ngủ; có đứa không cưỡng được nên gục đầu xuống bàn, bị thầy phạt, bắt đứng cuối lớp nhún lên ngồi xuống hai chục lần, gọi là thụt dầu. Tiếng thầy giảng đều đều, đám học trò lơ mơ im lặng vì buồn ngủ và mong cho mau tới giờ tan học. Nhưng thay vì nghe tiếng trống thùng thùng, tôi nghe dường như có tiếng gà kêu “cót cót” nho nhỏ văng vẳng đâu đây không phân biệt được xa gần. Hóa ra nó phát ra từ ngay dưới chân tôi. Tôi lo ra, quên là mình đang ngồi trong lớp học; tôi hét “Nó kêu!” Đám bạn tôi giật mình tỉnh ngủ. Tôi giật mình trở về với thực tại. Thầy giật mình chẳng hiểu chuyện gì, hỏi tôi “Chuyện gì vậy trò Hạnh?” Tôi thưa “Dạ thưa thầy em mừng vì con gà của em còn sống.” Thầy vẫn chưa hiểu. Bọn bạn tôi nhao nhao tranh dành kể điều lý thú cho thầy nghe. Con Mướt lại kêu “cót cót” nho nhỏ một phát nữa. Thầy lắc đầu nhìn đồng hồ tay phán “Tan học” vừa lúc tiếng trống tan trường vang lên. Lũ học trò chúng tôi chỉ chờ có vậy là phóng nhanh ra cửa.

Rời trường làng, tôi ẵm con Mướt trong tay, cảm thấy hơi ấm sức sống của nó truyền qua cánh tay tôi. Tuy còn mệt nhưng nó cố cất tiếng gáy theo bản năng, thật tội nghiệp vì một con gà trống mà không thể gáy thì còn giá trị gì.

Đi về gần tới nhà trên con lộ đất rợp bóng dừa, nhìn qua cổng bông giấy nhà ngoại, tôi đã nhận ra chiếc xe gắn máy hiệu Goebel màu xanh lá cây quen thuộc của cậu Sáu tôi. Cậu từng đi học nghề nhiếp ảnh hai năm ở Sài Gòn và hiện làm thợ cho một tiệm chụp hình ở tỉnh lỵ Mỹ Tho. Thành phố tỉnh lỵ chỉ cách nhà ngoại tôi chừng mười cây số, vậy mà đối với thời đó như xa xôi cách trở lắm, hiếm khi tôi được đến. 

Cậu tôi về, tôi mừng vì có quà và được nghe cậu đàn hát cho nghe. Tôi cũng thích văn nghệ nhưng ông bà ngoại tôi không thích lắm, cậu Sáu tôi thỉnh thoảng mới đàn ca. Thấy tôi đi học về mà ôm theo con gà, cậu hỏi tại sao. Tôi kể cậu nghe đầu đuôi câu chuyện. Cậu nói “Nó bị nhiễm trùng đó, tán nhuyễn penicilin pha với chút nước đổ vô miệng nó ba ngày là hết đó mà”. Tôi chẳng biết penicilin là thuốc gì và rất phục sự hiểu biết của cậu tôi. Người ta nói “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” cũng phải vì cậu đã từng “du học” ở thủ đô Sài Gòn hoa lệ mà tôi chưa hề đặt chân tới. Tôi rụt rè hỏi cậu; cậu lấy từ trong chiếc cặp da ra hộp thuốc nhỏ, mở hộp đưa tôi xem viên thuốc trắng tí tẹo. Cậu nói đây là thuốc trụ sinh dùng để chữa trị các bệnh do vi trùng gây ra. Cậu đưa cho tôi ba viên, bảo tôi mỗi ngày tán nhuyễn một viên cho gà uống.

Cậu Sáu tôi lớn hơn tôi 12 tuổi, cả hai cậu cháu cùng tuổi Mùi con dê. Năm đó tôi 8 tuổi, cậu 20. Tôi kể cậu nghe vụ đứa bạn học trong lớp tôi cho cho gà hớp nước miếng. Cậu cười nói trong nước miếng có chất sát trùng. Nước miếng của loài vật có nhiều chất sát trùng hơn cho nên chúng hay liếm vết thương cho mau lành và chúng ăn thức ăn không sạch cũng không sao. Nghe cậu giải thích vậy tôi mới nhớ và tội nghiệp con Vện vì nó hay liếm giùm cái đầu gối thường xuyên bị trầy trụa của tôi. Tôi là vua chụp ếch, có nghĩa là vua té do đường trơn trợt, do leo trèo, do bước đi bất cẩn vấp ngạch cửa, bậc thềm. Bị nó liếm vết trầy đầu gối, tôi cảm thấy hơi rát rát nên khó chịu xô nó ra; bây giờ tôi mới hiểu là nó chỉ muốn giúp tôi thôi.

Tôi xuống bếp tìm Má tôi để chia xẻ nỗi vui mừng. Má vừa làm công việc vừa hỏi tôi huyên thuyên về con Mướt; tôi cũng háo hức kể lại hết cho bà nghe rồi nhờ bà tán giùm viên thuốc trụ sinh. Tôi pha thuốc với một chút nước cơm rồi dùng muỗng đổ cho con Mướt uống. Nước cơm là thức uống tôi ưa thích. Khi cơm sôi, Má tôi chắt nước cơm ra tô để nguội bớt cho tôi uống. Má nói nước cơm bổ. Bổ hay không tôi không biết nhưng tôi thấy nó ngon là được rồi, thơm thơm ngọt ngọt chẳng khác gì sữa mẹ.

Sau ba ngày uống thuốc, con Mướt đã bình phục kèm theo một sự thay đổi lớn. Đó là nó không còn tránh né tôi nữa. Mỗi lần tôi kêu “Mướt Mướt” thì nó đứng yên ngẫng đầu lắng tai nghe, xong nó ngó tôi, chờ tôi tới gần. Kể ra anh ta cũng tự ái chán, làm bộ như ta đây không ủy mị. Đương nhiên là ý chí của nó mạnh hơn tôi; con gà bao giờ cũng hùng dũng hơn con dê. Gà đá nhau chết bỏ chứ dê thì bỏ chạy. Tôi đau yếu một chút là tôi than van kêu cứu, còn Mướt đau, Mướt can đảm nằm chờ chết.

Tết năm đó tôi đau thật. Ba ngày xuân tiếng pháo nổ đì đùng, nhà Ngoại rộn ràng những lời chúc tụng, các anh chị họ của tôi áo mới xênh xang, tôi nằm ở buồng trong nặng đầu thiêm thiếp. Bánh mứt Má đưa cho tôi không rớ tới; Dì Bảy an ủi cháu “Tiền lì xì Dì cất riêng cho con nè, con đừng lo. Ráng mau hết bịnh đi con.” Mọi người đều dành chút thì giờ vào buồng hỏi thăm tôi. Ngay cả lúc mơ màng, tôi cũng nghe tiếng chân bước rón rén, tiếng nói khẽ khàng “Thôi để cậu nó ngủ, lát nữa trở lại”. Tôi đã quen với cách xưng hô ngọt ngào từ nhỏ sống trong đại gia đình của ông bà ngoại. Cậu mợ dì dượng đều gọi tôi là con; các anh chị họ tuy kém tuổi hơn tôi vẫn gọi tôi bằng em, bằng tên hay bằng “cậu nó”, cứ làm như họ đã lập gia đình, đã có con nên thay cho con gọi tôi là “cậu nó” . Tôi được nuôi dưỡng và lớn lên trong bóng mát tình thương dào dạt.

Một bàn tay áp lên trán tôi. Tôi mở mắt. Má tôi hỏi “Con thấy đỡ chưa con?” Má hỏi, “Con húp miếng nước cơm được không? Má có bỏ thêm một miếng đường phèn. Con húp nước cơm rồi ngậm miếng đường cho đỡ lạt miệng”. Tôi cảm thấy khát nước nên gượng ngồi dậy. Má tôi ngồi một bên, ôm vai và vuốt tóc tôi. Húp xong chén nước cơm còn ấm, tôi xuất mồ hôi, cảm thấy đỡ mệt. Chợt Má nói “Có khách tới thăm con kìa.” Tôi còn ngạc nhiên vì có thấy ai khác ngoài dáng dấp hình bóng dịu dàng của Má tôi đâu. Má chỉ tay về phía cửa buồng. Tôi nhìn. Đang đứng lấp ló ở đó là con Mướt. Tôi mừng gọi “Mướt! Lại đây.” Nó đứng ngó, chần chừ. Tôi lấy một sợi mứt dừa nhử nhử thì nó liền tiến lại. Tôi ngắt cọng mứt dừa làm đôi để trong lòng bàn tay. Nó ngóng cổ mổ ăn ngay. “Mướt giỏi nha.”, tôi vuốt cánh nó khen. Bộ lông cánh của nó bóng mượt đầy màu sắc trông rất đẹp.

Đến ngày Mùng Ba Tết, tôi hết bịnh nhức đầu, đi chúc Tết và mừng tuổi đông đủ mọi người, nhận tiền lì xì. Riêng Ba tôi từ Sài Gòn về quê ăn Tết đoàn tụ vợ con cho tôi một cây viết máy hiệu Parker. Tôi thử viết bằng cách vẽ con Mướt. Tôi vẽ tới vẽ lui năm lần bảy lượt rốt cục vò quăng hết vì tôi biết tôi không thể nào và sẽ không bao giờ vẽ được nét đẹp thực sự của nó.

Qua Tết, tôi nhận lại công việc dậy sớm cho gà và mèo ăn mà anh họ tôi đã thay tôi trong mấy ngày tôi nằm bệnh. Hè đến, Ba tôi về quê rước vợ con lên Sài Gòn sau khi đã dành dụm đủ tiền mua được một căn nhà sàn trong khu Bàn Cờ. Tôi xin đem theo con Mướt đặng nuôi nhưng cả nhà không ai chấp thuận cả. Ba tôi nói nhà sàn cất lêu khêu trên vũng nước không có lấy một mét sân đất thì làm sao nuôi gà được. Má tôi nói gia đình tôi đoàn tụ thì sao nỡ bắt con Mướt chịu cảnh phân ly với gia đình nó. Tôi bịn rịn giã từ các anh chị họ của tôi, giã từ khu vườn nhà đầy cây trái, giã từ luôn tiếng con Mướt gáy buổi sáng tinh sương đánh thức tôi dậy ra chuồng cho gà ăn. Mấy anh chị họ của tôi xách giùm đồ đạc, tiễn tôi ra tới lộ cái để chờ chuyến xe đò Gò Công-Sài Gòn. Rảnh tay, tôi bồng con Mướt lên ôm trong lòng. Nó giẫy giụa dùng dằng không chịu. Bực bội, nó mổ cho tôi một phát đau điếng; tôi đành phải thả nó xuống đất. Dù gì nó vẫn là con gà trống cứng rắn ngang tàng chứ không ủy mị nhút nhát như tôi.

Tết năm sau tôi theo Ba Má tôi về thăm quê ngoại thì con Mướt không còn nữa. Anh họ tôi kể diều hâu lại tấn công và con Mướt cũng chống cự. Nhưng chẳng may lần này con Mướt già yếu hơn trong khi con diều hâu to lớn khỏe mạnh hơn cho nên Mướt đã bị thương ở đầu và mắt, không còn thấy đường đi. Kết cuộc dành cho một con gà tật nguyền vô dụng ở quê nhà ngày xưa ra sao tôi đã biết. Nó trở thành một bữa ăn cho gia đình theo lẽ thường tình.

Sáu mươi lăm năm đã trôi qua, bước chân đi của tôi mỗi ngày một yếu hơn, đôi khi tôi chợt nhớ đến con gà trong tuổi thơ xa xưa với một nỗi ngậm ngùi. Một cái Tết trơ vơ lạnh lẽo nữa lại đến nơi không có tiếng gà gáy sáng trên xứ người. 

Phan Hạnh.
 
PH-HCA

Không có nhận xét nào: