Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Tư 25/1/17 - Lê Minh Nguyên


Trung Quốc muốn quản lý tranh chấp với Hoa Kỳ --- Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ đi thăm Nhật Bản, Hàn Quốc --- Biển Đông: Mỹ gửi thêm phi cơ quân sự đến Úc<!>
Trung Quốc muốn đối thoại với tân chính quyền Hoa Kỳ để quản lý tranh chấp và thúc đẩy mối quan hệ song phương, nhưng chỉ trên cơ sở tôn trọng các ‘lợi ích cốt lõi’ của nhau, chẳng hạn như nguyên tắc “Một Trung Quốc”, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm thứ Tư.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã làm Bắc Kinh nổi giận trước khi lên nhậm chức vì những phát biểu đặt nghi vấn về nguyên tắc “một Trung Quốc”, được hiểu theo nghĩa là Washington thừa nhận lập trường của Bắc Kinh về chủ quyền đối với đảo quốc tự trị Đài Loan.

Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và không từ giải pháp dùng vũ lực nếu cần thiết, để áp đặt quyền kiểm soát đối với Đài Loan. Tuy nhiên, người dân Đài Loan tỏ ra hoàn toàn lạnh nhạt với giải pháp phải nằm dưới quyền cai trị của Bắc Kinh.
Phát biểu tại một bữa tiệc đón Tết Âm lịch sắp tới, Ngoại trưởng Vương Nghị nói hướng đi tương lai của các quan hệ Trung-Mỹ đã “thu hút sự chú ý”.

Ông Vương phát biểu:
“Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với tân chính phủ Hoa Kỳ, trên cơ sở tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc ‘một Trung Quốc’ và tôn trọng các lợi ích cốt lõi của nhau”.
Lời phát biểu của ông Vương đã được tải lên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào cuối ngày thứ Ba.

Ông cho biết thêm rằng Trung Quốc sẵn sàng “tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, tập trung vào việc hợp tác, quản lý và kiềm chế các vụ tranh chấp, đồng thời thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của mối quan hệ Trung-Mỹ nhằm mang lại lợi ích lớn hơn cho cả hai dân tộc”.
Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, dẫn lời đại sứ Trung Quốc ở Washington Thôi Miên Khải, nói trong khi chính quyền Trump vẫn chưa định hình chính sách về Trung Quốc, thì không thể đảo ngược xu hướng chung của sự hợp tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vì đó là “lựa chọn đúng đắn duy nhất” cho cả hai nước. 

Ông Thôi nói trong bất kỳ cuộc chiến tranh thương mại nào, cả hai nước đều chịu hậu quả.
Ông Thôi nói:
“Hiện nay, nền kinh tế thế giới cần một động lực để phát triển mạnh hơn và tăng trưởng nhanh hơn, đó là trách nhiệm không thể tránh được của Trung Quốc và Hoa Kỳ, và là điều cần phải làm thay vì đi theo con đường dẫn tới một cuộc chiến tranh thương mại.” 
Với quyết định của ông Trump huỷ bỏ Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Thôi nói Trung Quốc không thể đảm nhận vai trò của Hoa Kỳ trong cương vị là nước lãnh đạo toàn cầu, là nước đề ra các quy tắc quy định các hoạt động mậu dịch. 

Ông nói: “Tôi tin rằng đây là một ý niệm sai lầm, bởi vì các quy tắc thương mại quốc tế không thể chỉ do Hoa Kỳ hay Trung Quốc đưa ra, mà thay vào đó, chúng nên được xây dựng và thực hiện bởi tất cả các quốc gia trên thế giới” - VOA
***
Bộ trưởng Quốc phòng của Tổng thống Donald Trump dự tính sẽ đến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc vào tuần tới. Ông đã chọn hai đồng minh thân thiết của Mỹ cho chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài trong tư cách người đứng đầu Ngũ Giác Đài, một giới chức giấu tên của Mỹ cho biết hôm thứ Ba.
Ông James Mattis, một tướng lãnh Thủy quân lục chiến về hưu, đã tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng ngay sau lễ nhậm chức của ông Trump hôm thứ Sáu. Chuyến đi thăm châu Á ngay sau khi lên nhậm chức của ông Mattis có thể được xem là một dấu hiệu về tầm quan trọng của những mối quan hệ an ninh đối với tân chính quyền Mỹ.
Chuyến đi được thực hiện ngay sau khi ông Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Quyết định huỷ bỏ hiệp định TPP bao gồm 12 quốc gia, giúp tân Tổng thống Mỹ thực hiện lời hứa đưa ra khi vận động tranh cử nhưng đã làm thất vọng rất nhiều đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ ở châu Á.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xem TPP như là một phần trong chính sách đối trọng với một nước Trung Quốc đang trỗi dậy.

Ngay trong lúc này, chưa có thông tin chi tiết về hành trình của ông Mattis.
Tuy nhiên trong buổi điều trần nhận chức vụ trong tháng này, ông Mattis nói khu vực Thái Bình Dương là một ưu tiên, và các nhà phân tích dự kiến chính phủ của Tổng thống Trump sẽ tăng chi tiêu quân sự nhằm củng cố sự hiện diện của Mỹ ở châu Á.
Mối quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ trong khu vực là vấn đề vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa của Bắc Triều Tiên cũng như các động thái quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.
Căng thẳng leo thang với Bắc Kinh hồi trong tuần khi Tòa Bạch Ốc của ông Trump cam kết bảo vệ “các lãnh hải quốc tế” trên hải lộ chiến lược này. Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố là họ có chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông.

Trong khi điều trần tại Thượng viện, ông Mattis cũng bày tỏ quan ngại về Bắc Triều Tiên. Ông mô tả các hoạt động của Bình Nhưỡng là “một mối đe dọa nghiêm trọng” mà Hoa Kỳ cần chú ý.
Hiện có khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc để giúp quốc gia này chống lại Bắc Triều Tiên.
Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ cho biết việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (THAAD) sẽ giúp bảo vệ Seoul tốt hơn để chống trả các khả năng hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, Trung Quốc nói hệ thống radar cực mạnh của THAAD có thể xâm nhập lãnh thổ của họ, khiến một số thủ lãnh đối lập Hàn Quốc đòi hoãn lại hoặc hủy bỏ kế hoạch triển khai này. - VOA

***
Vào lúc Nhà Trắng tuyên bố quan điểm cứng rắn trên vấn đề Biển Đông, quân đội Mỹ ngày hôm nay 25/01/2017 cho biết sẽ điều thêm máy bay quân sự đến đồn trú tại căn cứ Darwin, miền bắc nước Úc để tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ sát vùng Biển Đông đang tranh chấp.
Theo hãng tin Reuters, phát ngôn viên lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ Chris Logan xác nhận rằng trong năm nay, Mỹ sẽ tăng viện cho lực lượng của mình tại Darwin năm chiếc trực thăng Super Cobra AH-1W và nhất là bốn chiếc máy bay cánh quạt lên thẳng MV-22 Osprey cho phép mở rộng phạm vi can thiệp của lực lượng Mỹ trong khu vực.

Về quân số, lực lượng đồn trú tại Darwin trước mắt vẫn giữ nguyên ở mức 1.250 lính thủy quân lục chiến. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, sẽ có tổng cộng 2.500 lính Mỹ luân phiên đặt căn cứ tại Darwin.
Quyết định cắm lực lượng tinh nhuệ Mỹ tại căn cứ Darwin miền bắc Úc, nhìn ra Biển Đông nằm trong chiến lược xoay trục qua châu Á của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng, quyết đoán trên Biển Đông.
Sự hiện diện của cả ngàn lính thủy quân lục chiến Mỹ tại Darwin tạo lợi thế hiển nhiên cho quân đội Mỹ, có thể triển khai nhanh chóng lực lượng ra Biển Đông khi cần thiết.

Washington và Canberra hiện đang đàm phán về khả năng cho oanh tạc cơ tầm xa B-1 của Mỹ đặt căn cứ ở Darwin, một động thái đã gây nên phản ứng quan ngại từ bộ Ngoại Giao Trung Quốc.
Thông tin về quyết định tăng cường máy bay quân sự đến Darwin được đưa ra đúng vào lúc chính quyền mới tại Hoa Kỳ của tổng thống Donald Trump đã có những tuyên bố cứng rắn nhắm vào các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.

Động thái này như khẳng định thêm giả thuyết theo đó dù rút Mỹ ra khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP, nhưng trên bình diện an ninh, chính quyền Donald Trump sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Châu Á-Thái Bình Dương.
Trong chiều hướng đó, ngay vào tuần tới, tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis sẽ dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình cho châu Á, với chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh thân thiết nhất của Mỹ trong vùng. - RFI

2.
Hong Kong sẽ gửi trả xe bọc thép cho Singapore

Hong Kong cho biết sẽ gửi trả chín xe bọc thép của Singapore mà họ thu giữ hồi tháng 11/2016.
Lô xe Terrex bị tịch thu khi đang trên đường từ Đài Loan về sau đợt huấn luyện quân sự.
Vụ việc làm dấy lên tranh cãi ngoại giao giữa Singapore và Trung Quốc.
Giới chức Hong Kong cho biết trong vụ này có một hành vi phạm luật và có thể dẫn tới truy tố hình sự.

Singapore yêu cầu trả những chiếc xe vốn được tàu thương mại vận chuyển. Họ nói rằng lô xe bọc thép là tài sản của một nước có chủ quyền vì vậy được miễn trừ ngoại giao.
Vụ việc khiến mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Singapore và Trung Quốc càng thêm căng thẳng.
Bắc Kinh nổi giận trước những gì họ xem là Singapore trợ giúp những nước phản đối yêu sách của họ ở Biển Đông.
Singapore có mối quan hệ chặt chẽ với Đài Loan và do diện tích đất eo hẹp nên đảo quốc thường huấn luyện quân sự tại Đài Loan trong nhiều thập kỷ.

Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai mà một ngày nào đó sẽ trở về với đại lục bằng vũ lực nếu cần thiết.
Hôm 24/1, giới chức Hong Kong cho biết đã hoàn tất điều tra và lô xe bọc thép sẽ được gửi trả, nhưng họ vẫn có thể thực hiện hành động pháp lý.
Bộ Ngoại giao Singapore bình luận đây là "kết quả tích cực" và cảm ơn Hong Kong vì đã "hợp tác giải quyết vấn đề". - BBC

3.
Thái Lan mua tàu ngầm Trung Quốc

Chính quyền quân sự Thái Lan thông qua ngân sách 13,8 tỷ baht ( 380 triệu đôla ) để mua một tàu ngầm của Trung Quốc sau khi đã tạm ngưng kế hoạch này vào năm ngoái, theo tuyên bố của các quan chức Thái Lan hôm nay, 25/01/2017.
Kế hoạch mua tàu ngầm của Trung Quốc đã bị đình chỉ vào năm ngoái do bị công luận chỉ trích và do tranh cãi về việc Thái Lan có thật sự cần một tàu ngầm hay không.

Tuy nhiên, theo AFP, một phát ngôn viên của hải quân Thái Lan cho biết, các cuộc đàm phán với chính phủ Trung Quốc đã gần hoàn tất và một ngân sách đã được thông qua để mua chiếc tàu ngầm trong vòng 6 năm tới. Và chiếc tàu ngầm này sẽ được dùng để nghiên cứu các chiến thuật và để xem lực lượng tàu ngầm có thể được sử dụng để chống Thái Lan như thế nào.
Ngoài ra, theo một quan chức bộ Quốc phòng Thái Lan, quân đội nước này cũng đã dành 2 tỷ baht trong 3 năm tới để mua thêm 10 xe tăng của Trung Quốc, bổ sung cho 28 xe tăng đặt mua của Trung Quốc năm ngoái.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Thái Lan, đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở Đông Nam Á, đã được tăng cường, đặc biệt là kể từ khi bang giao giữa Washington với Bangkok trở nên nguội lạnh sau cuộc đảo chánh năm 2014. Trung Quốc đã là cường quốc đầu tiên công nhận chính quyền quân sự sau cuộc đảo chính. Trong khi đó, Hoa Kỳ đã đình chỉ các khoản viện trợ về an ninh cho Thái Lan và tạm hoãn một số thỏa thuận về an ninh. - RFI

4.
Tàu chiến Anh theo sát hàng không mẫu hạm Nga

Một tàu chiến và ba phi cơ Typhoon thuộc Không lực Hoàng gia Anh sẽ 'theo dõi chặt chẽ' chiếc hàng không mẫu hạm và các tàu khác của Nga đi qua nước Anh.
Hàng không mẫu hạm Đô đốc Kuznetsov và các tàu khác của Nga trên đường từ Syria trở về Nga đang đi qua Eo biển Anh (English Channel).
Tàu khu trục HMS St Albbans đã cất cánh tới vị trí đội tàu Nga khi các tàu này đi tới gần vùng lãnh hải của Anh.
Bộ Quốc phòng Anh nói các tàu Nga sẽ bị 'hộ tống trong suốt hành trình'.

Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon nói: "Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ tàu Đô đốc Kuznetsov khi tàu này trở về Nga; một con tàu đáng hổ thẹn bởi nó có nhiệm vụ duy nhất là kéo dài những nỗi thống khổ của nhân dân Syria."
Tàu Đô đốc Kuznetsov, hàng không mẫu hạm duy nhất của hải quân Nga, được hộ tống bởi một tàu tuần dương lớp Kirov mang động cơ nguyên tử, tàu Pyotr Velikiy, và một tàu lai dắt cứu hộ.
Đội tàu Kuznetsov đã đi qua Eo biển Anh hồi mùa thu năm ngoái, khi trên đường tới Địa Trung Hải.
Tàu này tới nhập cùng chừng 10 tàu khác ở ngoài khơi Syria trong thời gian Nga ném bom vào cái mà Moscow gọi là các phiến quân chống chính phủ tại Syria.

Bộ Quốc phòng Anh nói vào lúc 12:30 giờ Anh hôm thứ Tư, các tàu của Nga trên đường trở về đã tới gần khu vực ngoài khơi Dover thuộc Eo biển Anh. - BBC

5.
Kuwait treo cổ hoàng tử bị kết tội giết người

Kuwait hôm thứ Tư 25/1 đã treo cổ một hoàng tử trong hoàng tộc Al-Sabah đang cầm quyền về tội giết người, hãng thông tấn nhà nước Kuna cho biết. Đây có lẽ là lần đầu tiên một thành viên trong gia đình hoàng gia của quốc gia vùng Vịnh này bị hành quyết. 
Sheikh Faisal Abdullah Al-Jaber Al-Sabah đã bị treo cổ tại nhà tù trung tâm Kuwait cùng với sáu tù nhân khác, trong đó có một phụ nữ bị kết tội đã sát hại hàng chục người tại đám cưới của chồng bà với người vợ thứ hai.

Theo hãng Kuna, tội danh của hoàng tử Al-Sabah là “giết người và sở hữu một khẩu súng và đạn dược mà không có giấy phép”.
Theo báo chí Kuwait, ông hoàng tử này bị kết án tử hình vào năm 2010 về tội giết cháu trai của ông, cũng là một hoàng tử.

Ba người đàn ông và hai phụ nữ bị treo cổ khác đến từ Bangladesh, Ai Cập, Ethiopia và Philippines. Họ đã bị kết án về các tội giết người, âm mưu giết người, bắt cóc và hãm hiếp.
Đây cũng là những vụ hành quyết đầu tiên ở Kuwait kể từ năm 2013. Nhóm bênh vực nhân quyền Reprieve nói các vụ hành quyết vừa kể được thi hành trong bối cảnh có hiện tượng tăng sử dụng hình phạt tử hình ở vùng Vịnh.
Vài ngày trước, Bahrain, một vương quốc khác ở vùng Vịnh, cũng đã thực hiện vụ hành quyết đầu tiên kể từ năm 2010. - VOA

Tin Hoa Kỳ
6.
Dân Chủ khuyên Tổng Thống Trump tập trung vào công việc

Chưa đầy một tuần sau lễ nhậm chức Tổng thống, các nghị sĩ Ðảng Dân chủ cảnh báo tân Tổng thống Donald Trump rằng ông nên tập trung vào việc thực hiện những hứa hẹn mà ông đã đưa ra khi tranh cử và thôi cố chứng minh cho những chuyện không đúng sự thật. Cảnh báo này được đưa ra ngay sau khi ông Trump tuyên bố rằng lễ đăng quang của ông có số người tham dự đông nhất từ trước tới nay, và rằng lẽ ra ông đã thắng cả số phiếu phổ thông lẫn phiếu cử tri đoàn trong cuộc tổng tuyển cử. 
Ông Trump giành được 306 phiếu đại cử tri, so với bà Hillary Clinton chỉ giành được 232 phiếu, bảo đảm thắng lợi bầu cử không thể tranh cãi. Nhưng kết quả kiểm phiếu sau cùng cho thấy số phiếu phổ thông mà bà Clinton giành được vượt số phiếu của ông Trump tới 3 triệu phiếu. Sau lễ nhậm chức, ông Trump nói kết quả đó phản ảnh các vụ gian lận bầu cử. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer đã xác nhận cáo buộc đó của ông Trump hôm thứ Ba 24/1:

"Trong phát biểu của tổng thống, ông nói từ 3 đến 5 triệu người có thể đã đi bầu bất hợp lệ, căn cứ trên những nghiên cứu mà ông được xem. Nhưng tổng thống nói rất rõ rằng ông thắng cử căn cứ vào 306 phiếu đại cử tri mà ông đã giành được."
Chính quyền của ông Trump cũng quả quyết rằng lễ nhậm chức tổng thống của ông có số người tham dự cao nhất từ trước tới nay, trái ngược với tường trình và hình ảnh do truyền thông báo chí loan tải. Theo ước tính từ nhiều nguồn, số người tham gia cuộc tuần hành phản đối của phụ nữ một ngày sau lễ nhậm chức, cao hơn xa so với số người đến xem lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống của ông Trump.

Những người theo Cộng hòa của ông Trump tìm cách lánh xa vụ tranh cãi này. Nhưng khi bị các phóng viên báo chí hỏi dồn, Chủ tịch Quốc hội Paul Ryan nói:

"Tôi đã phát biểu về vấn đề này rồi. Tôi không thấy có bằng chứng nào cho thấy là có gian lận bầu cử, và tôi đã làm rõ, rất rõ vấn đề này." 
Ông Ryan sau đó nhanh chóng đổi sang đề tài khác. Nhưng các nghị sĩ Dân chủ đã gởi đi một thông điệp đến tân tổng thống nhấn mạnh rằng ông sẽ bị buộc phải chịu trách nhiệm về những gì ông đã nói. 

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh tụ khối thiểu số Dân chủ ở Thượng viện, nói:

"Ông không thể lãnh đạo một chính phủ, ông không thể giúp dân chúng, ông không thể bảo vệ an toàn cho đất nước nếu ông không chấp nhận sự thật, những dữ kiện thực tế. Đơn giản và rõ ràng như vậy. Nếu ông không bắt đầu làm như vậy, thì đất nước này sẽ gặp rắc rối to.Và đó sẽ không phải là rắc rối của Ðảng Dân chủ, hay Ðảng Cộng hòa, rắc rối của lập trường cấp tiến hay bảo thủ -- mà là rắc rối vì người ta đã lẫn tránh sự thật."
Trong phát biểu hôm thứ Ba, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của bang New York cũng khiển trách các đảng viên Cộng hòa đã không phản ứng đủ mạnh trước những tuyên bố không có cơ sở của Tổng thống Trump.

"Khi những điều không đúng sự thật được nói ra, các đồng sự của chúng ta bên Đảng Cộng hòa có nghĩa vụ phải bác bỏ những điều đó, chứ không phải tìm cách nói vòng vo, lẩn tránh vấn đề."
Ông Schumer còn nói rằng, trong cương vị tổng thống, ông Trump không nên nói về bầu cử hay số người đến xem lễ đăng quang của ông, mà nên chú tâm vào những việc như ông sẽ kiến tạo bao nhiêu việc làm mới. 

Một trong những hứa hẹn khi ra tranh cử của ông Trump là khôi phục ngành công nghiệp sản xuất của Mỹ, và đàm phán lại các hiệp định thương mại mà ông tin là phương hại tới người lao động Mỹ. - VOA

7.
Trump lên lịch xây tường biên giới với Mexico

Tổng thống Donald Trump nói một "ngày trọng đại" cho an ninh quốc gia được lên lịch, bao gồm việc thông báo xây dựng một bức tường tại biên giới giữa Hoa Kỳ và Mexico.
Tân tổng thống Hoa Kỳ theo dự kiến sẽ ký một loạt sắc lệnh về nhập cư và an ninh biên giới trong vài ngày tới.

Các lệnh này có thể bao gồm việc "rà soát hết sức gay gắt" những người đến từ các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông và châu Phi.
Bước đi này sẽ hạn chế người tị nạn nhập cư.

Ông Trump đã tweet: "Ngày mai là ngày trọng đại cho an ninh quốc gia. Ngoài rất nhiều những thứ khác, chúng ta sẽ xây tường!"

Dựng một bức tường dài 2.000 dặm (khoảng 3.218 km) dọc theo biên giới Mexico là một trong những đề xuất chính của ông Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống.
Ông Trump từng nói Mexico sẽ phải trả cho bức tường, mà ông nói sẽ tốn khoảng 8 tỉ USD và rằng Mỹ sẽ lấy lại khoản chi phí từ Mexico về sau này.
Nhưng tổng thống và giới chức cấp cao của Mexico nói họ sẽ không trả tiền cho bức tường này.

Nội trong tuần này, ông Trump theo dự kiến sẽ công bố hạn chế nhập cư từ bảy nước ở châu Phi và Trung Đông, trong đó có Syria, Yemen và Iraq.
Vào hôm 24/01, Tổng thống Trump đã thực hiện một cam kết mà ông đưa ra trong quá trình vận động tranh cử, với việc ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Lệnh của ông Trump đối với TPP được nhiều người coi là mang tính biểu tượng bởi hiệp định này chưa bao giờ được chuẩn thuận tại Quốc hội Mỹ vốn có nhiều phân rẽ. - BBC

Tin Việt Nam
8.
TI: Việt Nam vẫn trong nhóm 'tham nhũng nghiêm trọng'

Theo công bố ngày 25/1 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) năm 2016 của Việt Nam là 33/100 điểm. Với con số này, Việt Nam đứng thứ 113 trong số 176 nước trong bảng xếp hạng toàn cầu. 
Đây là lần đầu tiên sau 4 năm, điểm của Việt Nam tăng nhẹ 2 điểm. Trong các năm từ 2012 đến 2015, Việt Nam có mức điểm là 31.

TI nhận xét mặc dù điểm số tăng nhẹ, nhưng Việt Nam chưa tạo ra “sự thay đổi mang tính đột phá” trong cảm nhận về tham nhũng trong khu vực công và “tiếp tục nằm trong nhóm các nước mà tham nhũng được cho là nghiêm trọng”. 
Quan điểm này cũng tương đồng với nhận định của chính phủ Việt Nam và đánh giá của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về báo cáo tổng kết công tác phòng chống tham nhũng năm của chính phủ.

Các lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần công khai gọi tham nhũng là “quốc nạn” tàn phá Việt Nam hàng chục năm nay.

Chỉ số CPI của TI xếp hạng 176 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công. Trên thang điểm từ 0 đến 100 của CPI, 0 là tham nhũng nghiêm trọng và 100 là rất trong sạch.

Dù bị đánh giá là chưa tạo sự thay đổi mang tính đột phá, song Việt Nam cũng được ghi nhận đã có một số bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế và chính sách liên quan đến phòng chống tham nhũng.
Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam, cho rằng trong năm 2016, Việt Nam đã có những bước tiến bao gồm thông qua Luật Tiếp cận thông tin, hoàn thành công tác đánh giá 10 năm thực hiện Luật Phòng chống Tham nhũng, triển khai sửa đổi toàn diện luật này, tiếp tục nội luật hóa quy định của Công ước Chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc (UNCAC) về hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi. 

Từ Nha Trang, nhà báo kỳ cựu Võ Văn Tạo, người cũng tích cực hoạt động vì tiến bộ xã hội, nói với VOA về nguyên nhân công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam vẫn “ì ạch”:
“Tại sao cái tham nhũng không giải quyết được đột biến, tham nhũng càng ngày càng nặng bởi vì chính cái cơ chế chính trị là độc đảng, không có sợ giám sát, phân quyền. Không có lực lượng nào giám sát, thì không có sợ ai lên tiếng cả. Nếu mà để tạo ra một cái đột biến, chắc chắn là nó phải gắn với một cái đột biến về cơ chế, thể chế chính trị”.

Ông Tạo khẳng định Đảng Cộng sản cầm quyền lâu nay muốn giữ hình ảnh tốt, vì thế họ không “xử lý” một cách ồn ào đối với các quan chức cấp cao dính líu đến tham nhũng, đồng thời cản trở báo chí đưa tin.
Ông nói rằng một số quan chức bị trị tội tham nhũng chỉ là “những con ruồi, con muỗi thôi”, trong khi các quan chức cấp cao mà ông ví như “những con hổ, con sư tử” thì không bị đụng tới: 

“Có những việc rất lớn, dữ kiện chính xác hoàn toàn, nguồn tin chúng tôi rất tốt. Nhưng mà chắc chắn không đem ra báo chí và khi xử lý thì cũng là âm thầm. Có những cái vụ tôi biết là họp Bộ Chính trị xong gợi ý là ‘Thôi thì đồng chí làm đơn xin nghỉ với lý do sức khỏe đi’ để giải quyết cho êm đẹp. Tức là họ muốn giữ một bộ mặt sạch sẽ trước dân chúng và quốc tế là Đảng Cộng sản Việt Nam không có tham nhũng ở những người hàng đầu như thế”.
Để tạo ra chuyển biến tích cực và thay đổi rõ rệt hơn nữa về cảm nhận tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam, Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) đưa ra một số khuyến nghị.

TT nói nhà nước cần “tăng cường tính liêm chính trong hệ thống tư pháp” để đảm bảo các nguyên tắc độc lập trong công tác xét xử của toà án và thẩm phán.
Một khuyến nghị nữa của TT là cần phải “áp dụng các biện pháp trừng phạt một cách triệt để và có hệ thống” đối với các hành vi tham nhũng”.

Từng là hội thẩm nhân dân trong 8 năm và có bằng cử nhân luật, nhà báo Võ Văn Tạo nhận định rằng nếu cơ chế chính trị không thay đổi, việc chỉnh sửa luật không có tác dụng nhiều:
“Các tổ chức quốc tế, các chính phủ nước ngoài cố gắng giúp đỡ Việt Nam tu sửa luật pháp, đặc biệt trong vấn đề chống tham nhũng. Họ cũng muốn giúp Việt Nam, và Việt Nam tôi ghi nhận là cũng có thay đổi nhất định trong lĩnh vực soạn thảo các luật, điều chỉnh lại để bịt các kẽ hở tham nhũng. Nhưng mà tôi nghĩ cái đó nó không có hiệu lực. Nó chỉ hỗ trợ phần nào, giống như chất xúc tác thôi, chứ nó không phải là phần quyết định. Quyết định vẫn là phải có tam quyền phân lập, phải có đối lập đa nguyên đa đảng để mà giám sát lẫn nhau”.

Bên cạnh khuyến nghị về hệ thống tư pháp, Tổ chức Hướng tới Minh bạch nói nhà nước Việt Nam cần tiếp tục “nội luật hóa Điều 13” của Công ước Chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc. Họ cho rằng làm như vậy là nhằm đảm bảo sự tham gia của xã hội trong phòng chống tham nhũng. Họ chỉ ra rằng nhà nước cần xây dựng cơ chế đối thoại và tham vấn thường xuyên giữa nhà nước, người dân và các tổ chức xã hội về các vấn đề liên quan đến phòng chống tham nhũng. - VOA

9.
Cuộc triển lãm ‘giấy mời’ lên làm việc của công an Việt Nam

Cuộc triển lãm trên mạng trưng bày ‘giấy mời lên làm việc’ sau gần hai tháng thực hiện đã thu hút gần 100.000 số lượt người vào xem. Cuộc triển lãm độc đáo này do các nhà tranh đấu nhân quyền Việt Nam thực hiện, trưng bày hơn 150 văn bản do chính quyền gửi đến người dân như giấy mời, giấy hay lệnh triệu tập.
Giới hoạt động nói rằng cuộc triển lãm cho thấy chính quyền đã lợi dụng các loại giấy mời khác nhau để đe dọa và sách nhiễu những tiếng nói phản biện. 

Từ thành phố Hồ Chí Minh, cựu nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho VOA biết lý do của cuộc triển lãm này: 
“Do cơ quan nhà nước, mà cụ thể là công an, họ nghĩ là họ có quyền, họ muốn làm gì thì họ làm. Cứ mỗi việc là người ta gửi giấy mời xuống tới công dân và bắt công dân, áp lực công dân phải tới đồn công an, làm những việc mà họ cần. Thực ra những việc đó là họ cần người dân. Nếu muốn người dân hợp tác thì họ phải xin người dân để người dân cung cấp thông tin cho họ… Ngược lại họ rất uy quyền. Họ ngộ nhận họ có những quyền như vậy. Họ cứ gởi giấy mời và buộc dân phải tới đồn công an làm việc.” 

Ông Huỳnh Công Thuận, người từng tham gia các đợt biểu tình chống chính sách bá quyền của Trung Quốc cho VOA biết:
“Người khởi xướng là anh Huỳnh Ngọc Chênh. Do thời gian gần đây nhiều người bị mời, mời một cách rất lạ lùng, bị triệu tập với những lý do rất vớ vẩn. Hai vợ chồng ảnh bị mời liên tục. Do đó ảnh có ý làm triển lãm. Ai có giấy mời từ xưa đến giờ, cũ nhất, hàng độc đáo, hàng lạ lùng, hoặc cũ xưa nhất thì đưa lên.”

Ông Huỳnh Công Thuận cho biết ông đã được trao giải thưởng là người có giấy mời cũ nhất. Ông đã nhận lệnh mời của công an phải đi “học tập” vào năm 1979 và một giấy mời khác năm 1987. Ông Thuận cho biết ông không nhớ nổi ông đã nhận tất cả bao nhiêu giấy mời, có giấy với rất nhiều lý do rất vô lý từ chính quyền, kể từ khi ông tham gia các cuộc biểu tình chống ý đồ bá quyền của Trung Quốc. Ông Thuận cho biết đã có lần nhận được giấy mời đi kèm với lệnh áp tải:
“Cái đợt anh Điếu Cày bị bắt, tôi bị triệu tập 3, 4 đợt. Có khi gửi đợt 1, gửi đợt 2, và đem xe hụ còi đến chở đi luôn. Đợt đó là lúc Trung Quốc tổ chức Olympic ở Bắc Kinh. Họ giữ chúng tôi 2 ngày mà lại mượn danh là triệu tập.”

Theo cựu nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, cuộc triển lãm được sự hưởng ứng của giới tranh đấu, những người liên tục bị gọi lên làm việc với chính quyền. Người có giấy mời nhiều nhất như bà Dương Thị Tân với 51 giấy mời và giấy triệu tập, ông Phạm Bá Phải nhận được 39 giấy mời và giấy triệu tập… Nhìn chung, theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, khi gửi giấy mời mà người dân không đến, thì chính quyền gửi giấy triệu tập. 
Trên diễn đàn của cuộc triển lãm người ta thấy các nhà hoạt động như cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Ngọc Tuấn, nhà vận động Phạm Thanh Nghiên, nhà báo tự do Trương Duy Nhất, blogger Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, blogger Nguyễn Văn Thạnh, luật sự Hà Huy Sơn… đều đã nhận rất nhiều giấy mời và giấy triệu tập.

Ông Chênh giải thích ý nghĩa của cuộc triển lãm:
“Tôi làm cuộc triển lãm này để nói lên rằng cơ quan pháp luật mà không hiểu biết pháp luật và lạm dụng quyền của mình để xúc phạm quyền lợi của người dân. Tôi đưa lên cũng nhằm mục đích trao đổi kinh nghiệm với nhau: việc gì mình cần thì mình đến, nếu không cần thì mình không đến. Đồng thời cũng muốn góp ý với cơ quan nhà nước là phải hiểu các quyền của mình ở mức nào, và quyền của người dân ở mức nào. Và phải làm cho đúng pháp luật.”

Theo nhà báo cũng như là blogger Huỳnh Ngọc Chênh, nhiều người đã nhận các loại giấy triệu tập mà không rõ lý do bị triệu tập, nhưng vì họ không còn lưu giữ các giấy tờ đó nên không tham gia vào cuộc triển lãm độc đáo này. Ông Chênh khuyến khích các nhà tranh đấu nên lưu giữ các loại giấy mời và triệu tập để làm bằng chứng cho điều mà ông cho là cách thực thi pháp luật sai trái của nhà nước. - VOA

10.
Kỷ luật 4 cán bộ cao cấp liên quan vụ Formosa

Liên quan tới thảm họa môi trường Formosa, báo chí Việt Nam hôm 25/1 đưa tin, Bộ Tài nguyên Môi trường vừa thi hành kỷ luật hành chính như giáng chức, bố trí điều động sang đơn vị khác đối với một Phó Tổng Cục trưởng; 2 Trưởng Phòng, một Phó trưởng phòng.
Theo báo Dân Trí điện tử, việc thi hành kỷ luật đã lâu nhưng cho đến nay Bộ Tài nguyên Môi trường vẫn chưa công khai danh tính các giới chức liên quan đến sai phạm xả thải ra biển của nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh.

Vào tháng 4 năm 2016  nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh đã xả thải hóa chất độc hại chưa qua xử lý ra môi trường biển. Hành động này gây ra thảm họa môi trường biển của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Kết quả là môi trường sinh thái ven biển của khu vực rộng lớn kéo dài hơn 200km bị hủy hoại, hải sản bị tiêu diệt hàng loạt. Hàng trăm ngàn ngư dân 4 tỉnh bị mất kế mưu sinh. Formosa Hà Tĩnh đã bồi thường chính phủ Việt Nam 500 triệu USD. - RFA

Không có nhận xét nào: