2. Tâm Sự Ngày Xuân: Hoài An - Như Quỳnh
3. Mùa Xuân Yêu Em: Phạm Duy - Đỗ Quý Toàn - Ý Lan
Tình thân,
.............................. .............................. .............................. ..........
I. Chuyện Thời sự & Xã hội
(i) Hiệu Minh: Bánh chưng thời hội nhập
Tết đến, dù ở trên đất Mỹ xa xôi, anh lại gói bánh chưng… Chiếc bánh nhỏ gợi ra câu hỏi lớn: Giữ cái gì, để mất cái gì, hay hoàn thiện hơn cái mình đang có để giữ mãi bản chất Việt?
Bánh chưng ở Washington
Có người bạn Mỹ gốc Việt sống ở Maryland, Hoa kỳ. Nếu gọi anh là người Việt Nam thì anh giận vì anh có hộ chiếu quốc tịch Mỹ hẳn hoi. Nhưng nếu bảo anh là người Mỹ, anh cũng chẳng bằng lòng. Anh vẫn bảo “Cậu không thấy tớ nói tiếng Việt, giọng Hà Nội ư?”. Xa Hà Nội từ lúc 10 tuổi, đến Sài Gòn rồi số phận đưa đẩy anh sang Mỹ lập nghiệp mấy chục năm trời.
Mấy hôm nay, chúng tôi bàn nhau đón Giao thừa Tết Việt Nam. Anh bảo “Cậu mới ở Hà Nội sang, chắc vẫn còn nhớ cách gói bánh chưng. Năm nay mình thử ăn Tết như Hà Nội. Chúng mình đều có con nhỏ, nếu không gói bánh chưng Tết cho chúng nó xem, lớn lên chúng sẽ chỉ biết McDonald (bánh mì kẹp thịt nổi tiếng của Mỹ) và coca thôi”.
Tôi thú thật với anh là tôi không biết gói vì lúc nhỏ có bố mẹ lo hết, lớn lên đi học ở thành phố, ra công tác thì có bánh chưng mậu dịch, và bây giờ thì bán đầy đường, ai còn gói nữa. Có chăng, tôi có thể gói bánh chưng rùa thôi, loại bánh cho trẻ con, không cầu kỳ, gói như dúm mắm tôm cũng được.
Anh kể cho tôi nghe, có lần anh tự mua gạo nếp, đậu, thịt gói và nấu ngoài vườn nhà. Đun nấu khói lên nghi ngút, nhà hàng xóm là dân Mỹ trắng, tưởng bị cháy rừng, gọi xe cứu hỏa đến, thế là phải đền tiền xe đến. Tuy nhiên, một lần về Hà Nội du lịch dịp Tết, anh phát hiện dân Hà Nội nấu bánh chưng bằng nồi áp suất, vừa nhanh vừa gọn nhẹ, lại không có khói. Anh học mẹo vặt đó luôn.
Mỗi năm Tết đến anh lại gói bánh chưng để các con anh biết và cũng nguôi đi nỗi nhớ quê nhà. Anh nói luộc bánh chưng bằng củi trong bếp vẫn thích hơn vì người ta có thể quây quần, ấm áp, kể chuyện năm qua và mong năm mới đến.
Bánh chưng Ninh Bình làng tôi
Hồi công tác ở Hà Nội, hàng năm, mỗi khi Tết đến, tôi vẫn về thăm bố mẹ ở Ninh Bình. Việc đơn giản của tôi là đi qua Chợ Hôm, mua mấy cái bánh chưng đắt tiền nhất ở chợ và mang về khoe: ”Con mua ở chợ Hôm đấy”. Nhưng bố tôi hỏi ”Sao anh không tự gói lấy? Nếu anh không gói thì các con của anh sẽ không biết gì về bánh chưng đâu”.
Nhà tôi đông các anh các chị, ai về thăm cũng biếu bánh chưng, nhưng bố tôi chỉ thích bánh của cậu Lăng em rể vì do chính anh ấy gói và nấu, ngon và rền hơn hẳn mấy cái mua ở chợ Hôm Hà Nội hay Thị xã Ninh Bình mang về. Các anh chị đi công tác xa vẫn cho bố tôi cổ hủ, không chịu theo thời kinh tế thị trường “cái gì mua được nên mua, gói làm gì cho mất thời gian”.
Tôi vẫn nhớ hồi nhỏ, luộc bánh chưng ba mươi Tết là kỷ niệm không bao giờ quên. Bố tôi gói rất nhanh, không cần khuôn nhưng cái nào cũng bằng nhau, vuông vức. Thịt không có nhiều vì hiếm và đắt, chỉ có nhân đậu xanh không đãi hết vỏ và gạo nếp là chính.
Không bao giờ ông quên gói cho chúng tôi mấy cái bánh chưng rùa, hoặc ông dạy cho cách gói để đứa nào đứa ấy “tự biên tự diễn” tác phẩm của mình. Xếp bánh vào nồi ba mươi, đậy nắp bằng một cái nồi nhỏ được đổ đầy nước, đặt trên cái nùn rơm quấn quanh. Rồi đun nấu, đổ thêm nước khi hơi cạn, và đợi gần giao thừa vớt bánh.
Bọn trẻ chúng tôi thường ngủ quên, không biết bánh chín lúc nào. Lúc dậy thì đã sáng mồng Một mất rồi. Nhưng hương vị những cái bánh chưng rùa ấy theo tôi khắp năm châu, không bao giờ quên.
Anh bạn Việt kiều cũng không thể nguôi ngoai kỷ niệm bánh chưng sau bao nhiêu năm trên đất Mỹ. Anh bảo, có thể lúc ấy mình đói quá, ăn gì cũng ngon, hoặc cũng có thể chính hương vị bánh chưng nếp đồng làng trên bếp củi hòa quyện với xóm quê, hoặc do cả hai mà làm nên kỷ niệm.
Bánh chưng thời hội nhập
Tôi cứ nghĩ mãi không biết ở Hà Nội bây giờ bao nhiêu gia đình còn tự gói bánh chưng ngày Tết. Đến nhà bạn chơi ngày Tết ngày nay, ăn miếng bánh, chỉ đoán già đoán non đây là bánh chợ Hôm hay làng Bưởi, bánh Bôđêga hay của Kinh Đô. Nhìn cái lạt ni lông mầu mè, lá dong tươi một cách đáng ngờ, ít ai còn nhớ đến cái bánh quê chân chất khi xưa. Ai còn dám nói với gia chủ: ”Bánh này bác gói ngon quá”.
Toàn cầu hóa sẽ giúp dân tộc ta cất cánh nếu chúng ta biết bơi ra biển lớn. Biết lối làm ăn, hội nhập giúp mang hàng hóa ra nước ngoài, kể cả chiếc bánh chưng hay đòn bánh tét, và hàng hóa ngoại sẽ tràn ngập Việt Nam. Có thể chiếc bánh chưng nóng hổi được chuyển từ Hà Nội đến Washington trên máy bay Vietnam Airlines trong ngày.
Cái bánh chưng, chiếc giò lụa, hay đòn bánh tét miền Nam có còn trong trí nhớ của thế hệ con tôi sau vài chục năm nữa?
Giữ cái gì, để mất cái gì, hay hoàn thiện hơn cái mình đang có để giữ mãi bản chất Việt đang đặt ra nhiều câu hỏi. Nếu không, xu thế toàn cầu hóa, nỗi mừng hội nhập sẽ cuốn đi số phận cái bánh chưng xanh nhỏ bé của Lang Liêu có từ thuở Vua Hùng. Rồi một hôm nào đó, ta lại hỏi chính bản thân ”Ta thuộc dân tộc nào trong thế giới toàn cầu hóa này” như chính người bạn Việt kiều đang băn khoăn không biết mình là người Mỹ hay Việt.
(ii) Ls Luân Lê: Những con người quả cảm
Chẳng lẽ nhà nước ta lại sợ cả những ông già và cả phụ nữ hay sao?
Bà Cấn Thị Thêu mất đất kêu oan 10 năm khắp mọi nơi chưa thấu, rồi lại bị bắt với tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 Bộ luật Hình sự hết sức khiên cưỡng.
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ở Khánh Hoà bị bắt vì hành vi “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 BLHS.
Hôm qua, bà Trần Thị Thuý Nga ở Hà Nam cũng bị bắt về hành vi tương tự với bà Quỳnh - Tuyên truyền chống nhà nước.
Cũng tương đồng với hành vi này là ông Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thị Thu Hà bị bắt giam để điều tra cho đến nay đã hơn 1 năm mà chưa kết thúc giai đoạn này.
Trước đó, ông Trần Anh Kim ở Thái Bình bị bắt theo Điều 79 BLHS về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Còn ông Nguyễn Hữu Vinh, anh Ba Sàm, mặc dù còn “nguy hiểm” hơn hẳn những người đàn bà nêu trên thì lại bị bắt về tội “Lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm hại nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân” theo Điều 258 BLHS.
Vậy thử đặt câu hỏi, tại sao nhà nước này, nếu nó tốt đẹp, lại lắm con người đi “tuyên truyền” chống lại họ như vậy? Một nhà nước quản lý kiểu gì mà để những công dân của mình bất bình và lên tiếng phản kháng những hành động của chính quyền nhiều như thế? Và tại sao tuyên truyền lại khiến nhà nước lo ngại và coi nó là nguy hiểm? Tuyên truyền chỉ có độc quyền nhà nước được phép sử dụng? Tự nói xấu mình thì được còn nhân dân chỉ trích, lên tiếng phản kháng thì thành tội phạm, mặc dù họ là người chủ của đất nước, và theo lẽ đó cũng là chủ của chính nhà nước của quốc gia đó?
Hiến pháp quy định về tự do ngôn luận của người dân, quyền được giám sát và làm chủ nhà nước, thế nên quyền ngôn luận, mà tuyên truyền là một hình thức của nó, phải được đảm bảo thực thi chứ làm sao lại có thể coi việc đó là tội phạm liên quan đến an ninh quốc gia cho được? Vậy phải chăng, coi hành vi tuyên truyền và tự do ngôn luận là tội phạm, đã phủ nhận quyền năng tối cao và căn bản nhất của con người là quyền được biểu đạt chính kiến và tự do lên tiếng đối với nhà nước khi nó chưa làm tròn trách nhiệm của mình?
Ngày trước, theo đảng, chính những người phụ nữ đã từng đóng góp rất nhiều cho chiến tranh dân tộc, ngay cả thiếu niên như Võ Thị Sáu, mười chị em ở Ngã ba Đồng Lộc hay những cô giao liên, hậu cần, y tá đã phục vụ và cống hiến cho tổ quốc mà được ca ngợi là trung hậu, đảm đang và bất khuất. Thế mà, giờ thời bình đã trở lại mấy chục năm, thì chính những người đàn bà lại phải lên tiếng về những bất công trong xã hội, họ bị bỏ rơi và còn bị đẩy vào rủi ro với những hành vi sách nhiễu, đánh đập vô cớ và rồi bị bắt bớ với những tội danh liên quan đến an ninh quốc gia. Thật lạ lùng là những phận nữ nhi nhỏ bé, yếu mềm thì lại trở thành tội phạm “nguy hiểm” cho một nhà nước.
Họ vẫn bất khuất, vẫn kiên cường. Và nhìn vào dáng đi, ánh mắt họ xem họ có tỏ ra chút gì e sợ hay trở nên yếu đuối trước những bàn tay rắn rỏi đang bóp mạnh để khống chế họ hay không? Khi nào tội phạm trở thành biểu tượng? Khi nào tội phạm lại hiên ngang?
Đó là khi, họ hành động vì tình yêu quê hương, con người và bằng lòng chính trực. Họ sẽ đứng vững với điều đó trong tâm khảm. Dù trước một nhà nước đầy đủ quân đội, công an, nhà tù và súng ống, kể cả là hệ thống báo chí thuộc toàn quyền kiểm soát của nhà nước ấy đang chĩa mũi dùi vào họ.
Những thân phận nhỏ, nhưng tâm hồn không nhỏ.
Và bên cạnh đó, có nhiều đám người chỉ lê la chè chén, quán xá quên cả ngày tháng và bỏ mặc đất nước này ra sao thì ra.
(iii) Thạch Đạt Lang: Tại sao một số người Việt hải ngoại ủng hộ tổng thống Donald Trump?
Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, với hơn 240 năm lập quốc, vào ngày thứ bảy 21.01.2017 vừa qua, đã xảy ra hàng trăm cuộc biểu tình chưa từng có, đồng loạt nổ ra khắp nơi trên nước Mỹ (và cả thế giới), phản đối tổng thống vừa tuyên thệ nhậm chức. Ở tiểu bang California, từ San Francisco, San Jose, tới Los Angeles, Long Beach, Santa Ana, San Diego… Ở Washington, từ Seattle tới Portland, qua Chicago (Illinois), Austin (Texas), Minneapolis, New York tới Washington D.C.
Riêng tại Washington D.C, báo chí ước lượng có hơn 1 triệu người tham gia, căn cứ vào số lượng người dùng xe điện ngầm làm phương tiện di chuyển. Ở thành phố Los Angeles, ước tính lên tới 750.000 người tham gia. Và nhiều cuộc biểu tình diễn ra ở các thành phố lớn, nhỏ khác, mà hai giáo sư Jeremy Pressman và Erica Chenoweth, thuộc trường Đại học Connecticut và Denver cho biết, có khoảng 680 cuộc biểu tình diễn ra trên toàn quốc, ước tính lên đến 5 triệu người.
(Mời xem video clip ghi lại cảnh người dân ở TP Los Angeles xuống đường biểu tình)
Bên cạnh đó, những tin tức về ngày lễ nhậm chức cũng gây tranh cãi không ít giữa chính quyền của ông Trump với các cơ quan truyền thông, báo chí, càng khiến cho tình hình chính trị nước Mỹ trở nên căng thẳng. Sự cố gắng chứng tỏ, có tính trẻ con của ông Trump, khi cãi về số lượng người tham dự lễ nhậm chức của mình, cùng với sự nói dối trắng trợn, đầy vẻ đe dọa ngấm ngầm của Sean Spicer, phát ngôn viên và là thư ký báo chí tòa Bạch Ốc với giới truyền thông, cho thấy ông Trump và nội các đang gặp sự chống đối dữ dội vì vi phạm quyền lực thứ tư. Về lời nói dối trắng trợn của ông Sean Spicer, sau đó một cố vấn của Trump là bà Kellyanne Conway đã chữa lửa bằng xăng khi gọi đó là Alternative Facts (tức là “sự thật thay thế”, thật mà… không thật!)
Tuy nhiên đó chỉ là điều xảy ra trong xã hội Mỹ, của người dân bản xứ. Trong cộng đồng người Việt hải ngoại (NVHN), một cộng đồng di dân với 0,6% trên tổng số dân Mỹ, lại khác hẳn, sự phản đối tổng thống Donald Trump tương đối ít ỏi, khiêm nhường. Môt vài bài viết có nhận định tiêu cực về Donald Trump, sự mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm cũng như về diễn văn nhậm chức của vị tổng thống thứ 45 này của Mỹ đều bị ném đá tới tấp, như một bài viết của tôi trên Dân Làm Báo. Thật buồn cười khi những người đã kích, vu khống, chửi bới không hề biết tôi là ai và thay vì phản biện bằng facts, hay lý luận những điều tôi đưa ra, họ chỉ chửi, suy diễn bâng quơ về cá nhân tôi. Bản thân tôi tin rằng, đa số những người đưa ra ý kiến công kích các bài viết chỉ trích ông Trump là những người, một là mang nặng hận thù với chế độ CSVN, mong muốn chế độ này nhanh chóng sụp đổ để đất nước có được tự do, dân chủ, trở nên hùng cường, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Tàu Công về kinh tế cũng như chính trị, hai là bất mãn với 8 năm cầm quyền của ông Barack Obama và đảng Dân Chủ cũng như sự lươn lẹo, gian dối của bà Hillary Clinton trong tham vọng quyền lực. Do căm thù chế độ CSVN, những tuyên bố hùng hồn, mạnh mẽ về chính sách kinh tế, giao thương hàng hải ở biển Đông, đối ngoại với Tàu Cộng của Donald Trump… dễ làm thỏa mãn tâm lý bực tức, căm thù của nhiều NVHN so với chính sách ngoại giao mềm dẽo dưới thời ông Obama. Họ chờ đợi phản ứng mạnh mẽ của Mỹ trước sự bành trướng, lấn áp VN ở biển Đông của Tập Cận Bình.
Bài viết này không có ý trình bày sự việc với NVHN (NguoiVietHaiNgoai), những người ủng hộ, yểm trợ ông Donald Trump và nội các của ông với hi vọng ông sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, VN đối với họ ra sao,... không quan trọng. Mục đích của bài chỉ phân tích giữa lời nói và viêc làm của ông Trump để từ đó nêu ra được thực chất của vấn đề đối với những người còn quan tâm đến tình hình chính trị ở VN, những người mong muốn Mỹ đánh Trung Cộng sẽ đưa đến việc chế độ CSVN bị chao đảo, dễ dàng sụp đổ. Trường hợp chiến tranh Mỹ-Trung xẩy ra, chắc chắn sẽ có thêm nhiều nước như Nhật, Đài Loan, Úc, Phi, Việt Nam… bị cuốn hút vào chiến tranh, biển Đông sẽ dậy sóng, cuộc chiến quy ước có nguy cơ bùng nổ thành chiến tranh nguyên tử và thế chiến thứ III.
Như vậy câu hỏi được đặt ra là: Xác suất để có chiến tranh Trung – Mỹ cao hay thấp, khoảng bao nhiêu phần trăm? Thật ra không khó để có câu trả lời.
Khoan bàn đến con người, cá tính, tham vọng của ông Trump, chỉ nói đến việc làm của ông. Ngay sau khi nhậm chức, trang mạng của Tòa Bạch Ốc nói về vấn đề thay đổi khí hậu và luật hôn nhân đồng tính được thành lập dưới thời ông Obama bị xóa bỏ. Trong diễn văn nhậm chức của mình, ông Donald Trump nói câu sau đây: “Chúng ta phải bảo vệ biên giới khỏi sự tàn phá của các nước đang làm sản phẩm của ta, ăn cắp công ty của ta, hủy hoại việc làm của ta. Bảo vệ sẽ dẫn tới thịnh vượng và sức mạnh“. Bán hàng sản xuất tại Trung Quốc, Indonesia và các nước khác, liệu có phải là cách ông Donald Trump sẽ rút các hãng, xưởng về Mỹ tạo công việc cho người dân Mỹ, bảo vệ biên giới khỏi sự tàn phá của các nước đang làm sản phẩm của Mỹ, hủy hoại việc làm của người dân Mỹ, như miệng ông ta nói hay không?
Hơn thế nữa, đừng quên rằng hiện Mỹ đang có vài chục tập đoàn, đại công ty, hàng trăm nhà máy lớn như Sunkist, Sun-Maid, Ford Motors, FedEx, Johnson & Johnson, Apple, Sysco, Microsoft, Dell, Walmart, Trader Joe´ s, Kellogg´s…ở Trung Cộng.Trump dự định rút công ty nào, tổng giám đốc, chủ tịch tập đoàn nào sẽ theo lời Trump đưa hãng, xưởng quay lại Mỹ khi chính những nhà máy sản xuất hàng hóa của Trump vẫn nằm ở Trung Quốc?
Việc bổ nhiệm tướng về hưu TQLC James Mattis vào vị trí bộ trưởng quốc phòng cũng như đề cử Rex Tillerson làm bộ trưởng ngoại giao chỉ là một nước cờ khôn ngoan, khéo léo với đầu óc, tính toán của một thương gia trên bàn cờ quốc tế sắp tới trong mục đích ép buộc Trung Cộng phải lùi bước ở biển Đông, nhượng bộ Mỹ trong vấn đề giao thương hàng hải cũng như kinh tế.
Chỉ một ngày, sau khi tướng James Mattis nhận nhiệm vụ bộ trưởng quốc phòng, quân đội Mỹ đã tấn công các vị trí đóng quân, căn cứ tiếp liệu của ISIS 31 lần ở Iraq , Syria. Điều này cho thấy Donald Trump sau khi bắt tay với Putin, quyết tâm dứt điểm ISIS. Nếu dẹp được ISIS hoàn toàn, Trump có thể yên lòng ở Trung Đông, đem lại an ninh hoàn toàn trong nội địa Mỹ, từ đó Trump sẽ rảnh tay đối phó với Trung Cộng. Tuy nhiên, Trung Cộng không phải là ISIS. Mỹ không có liên hệ kinh tế, ngoại giao, văn hóa gì với ISIS nên việc tấn công, tiêu diệt ISIS chẳng những không bị vướng mắc quyền lợi hay cam kết nào, mà còn được toàn dân Mỹ cũng như các nước Âu châu ủng hộ. Nhưng phải hiểu rằng, việc tấn công ISIS chỉ để lên gân, dằn mặt Trung Cộng, thị uy trên chính trường quốc tế, lấy sức mạnh quân sự, biểu lộ sự sẵn sàng đối đầu bằng vũ lực làm lá bài đàm phán, chia xẻ lại quyền lợi kinh tế toàn cầu với Trung Cộng và Nga trong thế Tam Quốc Chí mới.
Hi vọng Mỹ tấn công Tàu Cộng bằng tổng lực với chiến tranh quy ước là điều hoang tưởng. Có thể sẽ có những va chạm, xung đột nhỏ ở biển Đông giữa hải quân Mỹ và Tàu hoặc giữa Tàu Cộng với Nhật, Đài Loan, Úc… nhưng chắc chắn tất cả chỉ là những cuộc so găng trình diễn, phô trương sức mạnh, ý chí chiến đấu. Tập Cận Bình bắt buộc phải lùi ở biển Đông, nhưngDonald Trump cũng sẽ không lấn tới quá mức để dẫn đến chiến tranh trực diện.
Vậy Việt Nam hy vọng được hưởng lợi gì trong bàn cờ Tam Quốc mới này? Đất nước, dân tộc VN chắc chắn là không rồi, được hưởng lợi chỉ có đảng viên, cán bộ chế độ CS, những tư bản đỏ, những kẻ ăn theo biết nắm lấy thời cơ làm giàu.
Một con chốt đã được đẩy qua sông. Đó là dự án khai thác khí đốt của công ty Exxon Mobil ở thềm lục địa Viêt Nam đã tạm ngưng từ 2008, khi Trung Cộng lớn tiếng đe dọa các công ty đang thăm dò, tìm kiếm dầu hỏa trong vùng biển đặc quyền của Việt Nam, nay đang sắp sửa được khởi công trở lại.
Sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống hồi tháng 11.2016, báo chí loan tin Rex Tillerson được đề cử làm bộ trưởng ngoại giao, tình hình đã đổi khác. Chỉ một tuần lễ trước khi Rex Tillerson, cựu chủ tịch tập đoàn Exxon Mobil được Trump bổ nhiệm, một hợp đồng khai thác khí đốt ở mỏ Cá Voi Xanh đã được công ty Exxon Mobil ký kết với tập đoàn dầu khí PVN của Việt Nam.Dự án này sẽ đóng góp cho ngân quỹ của chế độ CS khoảng 20 tỷ USD. Chế độ CSVN sẽ vững vàng hơn khi ngân sách bớt thiếu hụt. Bao nhiêu tỷ đô la sẽ chạy vào túi các lãnh đạo CS? Bao nhiêu tỷ sẽ được dùng trả lương, nuôi dưỡng, duy trì lực lượng công an, quân đội, dân phòng, dư luận viên… đông như quân Nguyên tiếp tục đàn áp, bắt bớ, tra tấn, giam cầm những người dân yêu nước, tranh đấu cho tự do, dân chủ, chống bất công xã hội?
Hiệp ước TPP đã bị ông Trump chính thức dẹp bỏ. Chế Độ CSVN không còn hy vọng gì về chuyện này, vấn đề nhân quyền, tự do báo chí, công đoàn độc lập… sắp tới chắc chắn sẽ bị xiết chặt, đàn áp dữ dội hơn vì chính quyền của ông Trump chắc chắn sẽ không can thiệp hoặc lưu tâm đến những gì xảy ra trong nội tình VN. Tương lai đất nước, dân tộc sẽ ảm đạm, u tối hơn, xã hội sẽ ngột ngạt, bất an hơn, nhà tù sẽ đông thêm, người dân “tự tử” chết trong đồn công an sẽ gia tăng hơn trước.
Người Việt hải ngoại (NVHN), nhất là những người ở Mỹ, ai đã ủng hộ, yểm trợ cho tổng thống Donald Trump với hy vọng Mỹ sẽ tấn công Trung Cộng bằng quân sự xin cứ tiếp tục… chờ đợi. Một khi “nước Mỹ trên hết” (American First) thì dân tộc, đất nước VN nằm ở đâu trong các chính sách, đường lối đối ngoại của chính quyền Mỹ với tổng thống Donald Trump? Hỏi tức là trả lời vậy.
(iv) Bs Cánh Cò (RFA): Tại sao nước Mỹ vĩ đại?
Câu slogan của Tổng thống Donald Trump “Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại” làm cho nhiều người ngẫm nghĩ. Phải chăng nước Mỹ đã dần dần mất đi sự vĩ đại nó vốn có từ sau thế chiến thứ II khi Nhật chính thức đầu hàng và Mỹ trờ thành đầu tàu cho cả thế giới để chống lại khối cộng sản?
Liên Xô sụp đổ kéo theo toàn bộ Đông Âu làm cho nước Mỹ vững vàng hơn trong tư thế lãnh đạo thế giới. Trung Quốc nổi lên, như một định luật từ xưa tới nay không một cường quốc nào không bị cạnh tranh chiếc ghế độc tôn thế giới và Trung Quốc là nước có khả năng này. Trung Quốc vừa là món lợi về kinh tế cho các nước cần nhập khẩu sản phẩm giá rẻ vừa lo lắng ngày một lớn mạnh và không che giấu tham vọng bá chủ toàn cầu của Bắc Kinh. Mỹ là nước duy nhất có đủ thế và lực để cản trở ý tưởng đại Hán. Và một lần nữa cả thế giới biết rất rõ điều này.
Tổng thống Trump đã giải quyết một phần câu hỏi. Ông không ngần ngại tỏ thái độ cứng rắn từ khi còn tranh cử. Sau khi chiến thắng, ông cho Trung Quốc thấy vấn đề Đài Loan vốn nhạy cảm và bị các đời tổng thống Mỹ xưa nay tránh né thì ông xắn tay áo, kéo Đài Loan về phía mình một cách công khai. Ông chọn một nội các mà trong đó 2/3 có khuynh hướng xem Trung Quốc là mối họa. Từ Ngoại trưởng Rex Tillerson thẳng thừng tuyên bố vấn đề Biển Đông có ý răn đe Trung Quốc cho tới Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis có biệt danh cực kỳ ấn tượng “Mad dog”. Về kinh tế ông có người đứng đầu Hội đồng tư vấn thương mại quốc gia là Peter Navarro, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Chết dưới tay Trung Quốc” khiến Bắc Kinh phải ngày đêm họp kín tìm phương cách đối phó. Tổng thống Donald Trump đã làm được một việc quan trọng mà nhiều chính phủ thời trước xem thường, kể cả chính phủ Obama vốn được thế giới ngưỡng mộ vẫn vấp phải sự chần chừ, ngờ ngợ về một nước Trung Quốc có dã tâm lớn vẫn luôn bị các nước láng giềng của nó dè chừng.
Nhưng nước Mỹ từ xưa tới nay còn cần những yếu tố khác để làm nó vĩ đại.
Nhân bản là yếu tố đầu tiên, lớn nhất làm cho Mỹ trở thành vĩ đại. Bản tuyên ngôn độc lập mà thế giới truyền tụng là của Hoa Kỳ. Rồi di dân là một thí dụ khác rõ ràng nhất việc bảo vệ người chạy trốn các chế độ độc tài cần sự đưa tay ra cứu vớt, trong đó hình ảnh của hơn một triệu thuyền nhân Việt Nam vẫn in hằn trong lịch sử nước Mỹ.
Hợp chủng quốc là cái tên gọi chính thức của nước Mỹ. Đất nước của toàn thế giới hợp lại và những người di dân từ bốn phương ấy đã làm cho nước Mỹ vĩ đại.
Nước Mỹ giàu có và nước Mỹ không nhỏ mọn. Nó là nơi có những tỉ phú (nhủ Bill Gate...) bỏ hết sản nghiệp của mình ra giúp thế giới từ đói nghèo tới bệnh tật lẫn giáo dục. Nước Mỹ được thế giới ngưỡng mộ và song song với sự hào phóng thiện nguyện ấy nước Mỹ có được thứ quyền lực mềm khiến thế giới nể phục. Mạnh về quân sự nhưng thiếu tính trắc ẩn thì nước Mỹ cũng chỉ như Nga hay Trung Quốc là cùng. Mạnh mẽ nhưng không thể nào vĩ đại.
Nước Mỹ vốn vĩ đại vì một yếu tố khác vô cùng quan trọng đó là nó có chính sách chia sẻ quyền làm người, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do phát biểu cũng như tự do báo chí tuyệt đối. Nó bênh vực, bảo vệ những quyền căn bản ấy của người dân các nước, bất cứ nơi nào mà nước Mỹ đặt tòa Đại sứ của nó.
Nước Mỹ cũng vĩ đại vì tuy giàu có nó vẫn không ngần ngại mở rộng và cổ vũ các hiệp định thương mại tự do, tức là phần nào nó giúp kéo những nước đang phát triển đứng lên, chia sẻ lợi nhuận chung để cùng thịnh vượng và phát triển. Người nào giàu mà biết chia sẻ và giúp đỡ người khác thì đều được kính trọng và yêu mến.
Tổng thống Donald Trump không thích tự do mậu dịch. Ông bảo vệ người lao động Mỹ nhưng coi thường sự khó khăn của các nước khác. Ông không muốn nước Mỹ được tiếng vĩ đại nhưng mất phần lợi nhuận.
Tổng thống Donald Trump không muốn di dân vào Mỹ phạm tội và vô công rỗi nghề hay lợi dụng chính sách di dân để khủng bố. Những chính quyền khác từ trước tới nay cũng không hề muốn như vậy và chính sách di dân của Mỹ chưa bao giờ để lọt khủng bố như các nước Châu Âu. Tội phạm di dân không thấm gì so với tội phạm người bản xứ. Những lý do ông đưa ra không thuyết phục người Mỹ gốc di dân, từ đó tính vĩ đại của nước Mỹ bị phán xét.
Và quan trọng nhất, sự vĩ đại của nước Mỹ sẽ bị nghi ngờ khi Tổng thống Donald Trump không chú ý đúng mực tới những giá trị phổ quát của nhân loại khi ông đóng sập cánh cửa dân chủ, nhân quyền đối với người nói khác tiếng nói của đất nước ông.
Vậy thì “Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại” có ý nghĩa thật sự nằm ở đâu khi ông vất vào thùng rác sự vĩ đại vốn có để tìm kiếm những thứ khác viễn vông và đầy dấu hỏi?
(Donald Trump với câu slogan “Make America Great Again” – Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Câu nói mà Trump "chôm" của TT Ronald Reagan khi Reagan tranh cử năm 1980, và bây giờ Trump đòi đăng ký bản quyền!).
*** Anh Gấu Phạm: Những điều Tân Tổng thống Mỹ làm trong những ngày đầu nhậm chức
Những việc Tân Tổng thống Mỹ vừa làm:
1. Sắc lệnh khởi động quá trình rút Mỹ khỏi Hiệp định TPP.
2. Quyết định chuẩn bị cho việc tháo dỡ Obamacare. Quốc hội đồng thời ra quyết định cho phép bang nào thích giữ Obamacare lại thì giữ.
3. Sắc lệnh tuyên bố ngày 20/1 tức ngày nhậm chức của Ngài thành ngày lễ chính phủ lấy tên ngày Thi đua Yêu nước kỷ niệm hàng năm.
4. Cắt bỏ đường dây công dân gọi đến Nhà Trắng.
5. Xóa hết các trang về dân quyền và quyền cho các nhóm thiểu số, về biến đổi khí hậu trên trang chủ Nhà Trắng.
6. Buổi "họp báo" đầu tiên, thư ký báo chí Nhà Trắng mắng giới báo chí là xuyên tạc số liệu về số người đến tham dự lễ nhậm chức của Ngài. Ngài đến CIA và trước những trí tuệ siêu quần ở đó Ngài ba hoa rằng có 1,5 triệu người đến dự lễ nhậm chức của Ngài và vv. Số liệu các chuyên gia dự tính đám đông ghi nhận là vào khoảng 175 ngàn đến 300 ngàn người.
7. Tuyên bố không để cho Trung Quốc chiếm các đảo trong vùng biển quốc tế ở biển Nam Trung Hoa/biển Đông.
Điểm 7 này có lẽ làm nhiều người Việt Nam vui lắm nhưng mình thì hơi nghi ngờ không hiểu là chính phủ cách mạng sẽ làm việc đó bằng cách nào? Đe dọa trừng phạt Trung Quốc bằng quân sự hay kinh tế? Nếu Trump nghĩ ra được một cách hữu hiệu để kiềm chế Trung Quốc ở biển Đông thì mình sẽ đăng lời xin lỗi và cảm ơn Tổng thống trên trọn một trang Công báo của Quận mình sống.
Nếu có đụng độ quân sự Mỹ Trung - nhưng mình không rõ Mỹ sẽ lấy lý do gì hợp lý để tuyên chiến với Trung Quốc vì Mỹ không có lợi ích gì bị đe dọa bởi Trung Quốc khi Trung Quốc bồi đắp đảo - thì mình cũng lo lắng cho Việt Nam ở thế trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết.
* * *
Trong tuyên bố (3) ở trên có một ý là thuổng nguyên từ bài diễn văn Từ biệt của Obama hôm trước (hiến pháp, mảnh giấy, nhân dân). Việc đạo văn rất dễ bị phát hiện này cộng với việc ngay ngày làm việc đầu tiên Trump đã ký hai quyết định phá hủy hai công việc quan trọng nhất trong di sản chính trị của Obama cho thấy có khả năng có yếu tố trả thù, làm nhục ở đây.
Cuộc sống những ngày đầu ở nước Mỹ với Tổng thống Trump dường như không quá tệ khi mình nhận thức ra là môi trường mới này đối với ai thì xa lạ chứ đối với mình là quá quen thuộc vì mình đã từng sống ở hay đến thăm một số nước được coi là độc tài như Ai Cập thời Mubarak, Trung Quốc thời Giang Trạch Dân, Triều Tiên thời Kim Jong-il vân vân nên mình như cá gặp nước, thở phào nhẹ nhõm ở nước Mỹ mới. Tổng thống mới (thì) tương đối nhạy cảm, sẵn sàng đôi co, mắng ngay ai đó dám mỉa mai, trêu Ngài. Ngày nào cũng hứa hẹn là sẽ có trò vui.(FB AnhGauPham)
*** UPI: Đức Giáo Hoàng Francis chúc mừng và cầu nguyện cho Tổng Thống Trump
Đức Giáo Hoàng Francis đã có lời chúc nồng nhiệt và cầu nguyện cho Tổng Thống Donald Trump chỉ vài giờ sau khi ông Trump tuyên thệ ngày 20 Tháng Giêng, tin của hãng thông tấn UPI cho biết.
Trong một bản tuyên bố của Tòa Thánh Vatican đúng ngày ông Trump nhậm chức, Vị Chủ Chăn Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ nói rằng, ngài mong là ông Trump sẽ tiếp tục thể hiện những giá trị đã làm cho nước Mỹ trở thành biểu tượng của dân chủ và niềm hy vọng của thế giới.
“Vào thời điểm xẩy ra những cuộc khủng hoảng nhân bản khiến cuộc sống gia đình trĩu nặng lo âu đòi hỏi phải có những giải pháp có tầm nhìn xa và đoàn kết về mặt chính trị, tôi cầu mong những quyết định của tổng thống sẽ được những trí tuệ cao cả và hợp với nguyên tắc đạo lý hướng dẫn; (vì những trí tuệ và đạo lý này) đã tạo nên khuôn mẫu lịch sử của dân chúng Hoa Kỳ và những cam kết của đất nước Mỹ để thúc đẩy phẩm giá của nhân loại và tự do của thế giới,” Đức Giáo Hoàng nói.
Tổng Thống Trump từng bất đồng với Đức Giáo Hoàng Francis khi lãnh đạo Tòa Thánh nói rằng nỗ lực xây bức tường ngăn cản những người nhập cư bất hợp pháp “không phải là người Thiên Chúa Giáo.” Ông Trump phản ứng lại bằng cách gọi Đức Giáo Hoàng là “đáng hổ thẹn.” (ĐinhQuangAnhThai)
(Trích: Vị chủ chiên của Giáo hội Công giáo báo động đề phòng sự nổi dậy của phong trào mị dân (populism) có thể đưa tới thắng lợi trong bầu cử của các lãnh tụ tương tự Adolf Hitler. Trong cuộc phỏng vấn của nhật báo El Pais, Đức giáo hoàng Phanxicô nói rõ: trong những thời kỳ khủng hoảng, chúng ta thường thiếu phán đoán – và đó là khuyến cáo thường xuyên với tôi, điển hình rõ nhất là phong trào mị dân của châu Âu tại Đức năm 1933. Ngài giải thích: sau khủng hoảng, nước Đức cần trỗi dậy, tìm kiếm căn tính, lãnh tụ, là ai đó có khả năng tái lập bản sắc của nước Đức, và đó là chàng thanh niên Adolf Hitler.
Đức Giáo hoàng nhấn mạnh: Hitler không cướp chính quyền, ông ta đuợc công dân bầu và ông ta phá hoại dân tộc của mình.
Trong cuộc phỏng vấn này, giáo hoàng Phanxicô bảo lưu ý kiến về tân TT Hoa Kỳ Donald Trump – ngài không muốn phê phán quá sớm vì cần chờ xem TT Trump hành động thế nào, làm gì trước khi có ý kiến...(VietBao).
II. Văn Nghệ: Thơ Xuân Đinh Dậu
(i) Hoàng Anh 79: Đêm cuối năm
Ta chẳng nhớ đông tàn hay xuân đến
Bước lãng du trên sông núi mịt mù
Đã mấy mùa thu qua ta lỗi hẹn
Nên bây giờ xa lắc mắt tiểu thư
Đời lãng tử hai tay ôm bầu rượu
Thì công hầu khanh tướng bỏ đằng sau
Là gã say nên ta đâu bị dụ
“Làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”
Sân trường cũ chắc buồn hiu quạnh lắm
Hàng me già cũng rũ lá tơ xanh
Ta đang sống trong muôn vàn sợ hãi
Còn bao lâu khôn lớn để trưởng thành
Trường đại học, em học gì kiến thức
Học giết nhau để xây dựng thiên đường
Hoàng Sa vẫn còn đầy giặc phương Bắc
Trong trái tim người còn có quê hương
Chắc em đang có nhiều toan tính mới
Xưa rồi em những sáo rỗng giáo điều
Đừng ma mị ta thêm mà mang tội
Ta muốn vào trong cơn lốc tình yêu
Đêm cuối năm bên đồi nghe gió hú
Ta xót thương ta một gã xa nhà
Nâng ly rượu đón mừng xuân viễn xứ
Nốc cạn bầu ta tự chúc đời ta !
(ii) Nguyễn Khôi: Tết này con cháu chẳng về quê
(Tặng : em gái & con trai ở Châu Âu)
Vui như Tết mà cũng buồn như Tết
Tết gia đình xum họp mới là vui
Buồn gì bằng mỗi đứa ở một nơi
Mồ cha mẹ không ai về "tảo mộ " !
Dân (Bắc) bỏ làng chạy xô đi "xuất khẩu"
hết Đông Âu, lại Nhật với Hàn
Con gái lớn "xuất" sang Đài làm "vợ"
Xóm quê trơ mấy lão già làng...
Dân (Trung) vượt biên sang Lào, Thái
Bên ấy còn ối đất làm nương
Đất/ biển quê nhiễm Formosa, Bauxit
Muốn sống thì tạm lánh khỏi quê hương...
Dân (Nam) quen chuồn sang Mỹ Quốc
được "Tự do" ở "Thế giới Tự Do"
Bầu bạn "lưu vong" vui "Sài Gòn nhỏ"
Vọng nhớ Nam kỳ Lục Tỉnh ...nuối tiếc ngày xưa...
Ôi Đất Nước,
Những cơn lốc di dân - bỏ làng - biệt xứ
Thương ơi thương...
Tết...
Mình lủi thủi về làng
Đứng giữa vườn nhà trống hơ, trống hải
Giữa Quê hương mà tưởng niệm Cố hương . (Quê Đình Bảng, Bắc Ninh , tết Đinh Dậu)
(iii) Nguyễn Đăng Hưng: Mai vàng hé nụ đón Xuân
Rồi trời đất chuyễn mùa
Gió lùa qua cửa sổ
Xa xa tiếng chuông chùa
Vọng về thời cổ tích
Tiếng chuông của ngàn xưa
Gióng lên tự bao giờ
Qua bao tầng ký ức
Hiện về như giấc mơ
Giấc mơ của thuở nào
Lâu rồi không về nữa
Khắc khoải vẫn cồn cào
Đêm dài không chợp mắt
Giấc mơ vẫn còn đây
Cõi đời như chờ đợi
Đường dài chưa hề tới
Năm tháng thêm hao gầy
Buổi sáng còn thức dậy
Khu vườn còn cỏ cây
Mai vàng chợt hé nụ
Mùa Xuân vẫn là đây. (Gs NguyenDangHung - Saigon 27 tháng chạp, Tết Đinh Dậu)
.............................. .............................. .............................. ...........
Kính,
NNS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét