Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

Năm Dậu Nói Chuyện Gà - Phạm Thành Châu

                              
Con gà có trước hay quả trứng gà có trước?
<!>
Một cậu đi xin việc. Phỏng vấn viên nói “Tôi cho anh chọn. Hoặc năm câu hỏi dễ hoặc một câu hỏi khó. Anh chọn cái nào?”
“”Tôi chọn một câu hỏi khó”
 “OK. Con gà có trước hay quả trứng có trước?”
 “Con gà có trước”
“Vì sao?”
“Một câu hỏi khó, tôi đã trả lời rồi. Sao lại có câu hỏi thứ hai?”

Rốt cuộc, chẳng ai biết con gà hay quả trứng có trước. Nhưng hỏi con người thuần dưỡng (nuôi trong nhà) con gà từ khi nào? thì có thể trả lời được. Theo ông Edmund Saul Dixon, tác giả một quyển sách nói về gà thì người Đông Nam Á đã biết cách thuần dưỡng gà từ mười nghìn năm trước. Đến năm 3000 trước tây lịch gà nuôi phát triển nhiều ở Đông Nam Á, Ấn Độ, Phi Luật Tân … và các hải đảo. Họ biết cách ấp trứng cho nở hàng loạt. Cách thông thường nhất là dùng hơi nóng của phân súc vật. Người ta đắp lò hình bát quái, đổ tro hay trấu dưới đáy rồi xếp trứng lên và đậy nắp lại, dưới lò thông với hầm phân súc vật để lấy hơi nóng khi phân phân hủy. Một cách rất lạ khác là người ta mướn một người mặc áo bông dày, xếp đầy trứng trước bụng và hai bên hông, cứ ngồi yên như thế hàng vài chục ngày sau thì trứng nở. Chỉ giới giàu sang, phú quí mới ăn thịt gà (người ấp) nầy để tăng cường khả năng sinh lý. Người Ai Cập nuôi gà rất sớm, từ thế kỷ 14 trước tây lịch. Trong mộ để xác ướp các vua Ai Cập trong kim tự tháp, người ta xây vách bằng gạch nung, hồ kết dính có trộn lòng trắng trứng. Người Ai Cập cũng biết cách ấp trứng. Người ta xếp trứng vào hộp gỗ rồi ủ trong đống phân súc vật, khi gà nở mới đem ra nuôi. Hiện nay, cách ấp trứng đó vẫn còn áp dụng. Họ xây những lò ấp dọc sông Nil, mỗi lần nở hàng trăm, hàng nghìn con gà con. Người Pháp khoái thịt gà đến độ lấy hình tượng con gà trống làm quốc huy. Người Mỹ nuôi gà nhiều nhất, hàng năm có tổ chức thi gà đẹp rầm rộ, náo nhiệt. Nổi tiếng nhất là cuộc thi Modern Game Bantams”

Có mấy loại gà? Nhiều vô số, kể ra, đọc thêm chán chứ ích lợi gì. Nhưng trước 1975, ở miền nam, Việt Nam Cộng Hòa chúng ta có một loại gà mà chỉ trong trường bộ binh Thủ Đức mới có. Quân trường cũng nuôi gà? Sự thực, đó là mấy cậu “Tân cái rinh” (tân khóa sinh, mới vào quân trường, trong thời gian huấn nhục mấy tuần đầu). Mấy cậu chưa đến đôi mươi, vừa rời ghế nhà trường, quen lè phè, dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm, mới bước xuống xe ở Vũ Đình Trường đã bị đàn anh dàn chào, cho mấy vòng sân, chạy bở hơi tai, nhiều cậu té xỉu, ngóc đầu không lên còn bị đàn anh xài xể “Mấy anh là mấy con gà chết!”. Thêm mấy vòng nữa, thêm một số cậu nằm dài, bất tỉnh nhân sự, số còn lại “lê bước lang thang” chứ chạy sao nỗi! Đàn anh lại quát “"Mấy anh là những con gà mắc mưa!”" Rồi lại quát "“Mấy anh là những con gà rù!" Chạy nhanh lên coi! Chạy vào hàng!” Trong khi đó đàn anh (sinh viên sĩ quan) chỉ chạy giật lùi suốt buổi cho đàn em thấy. Chạy đủ mười vòng Vũ Đình Trường, bốn chục cậu lúc khởi hành mà đến đích chỉ còn mươi cậu, các cậu khác vẫn còn lang thang từ xa, đã đi không nỗi lại còn dìu mấy cậu xỉu. Khi đầy đủ “quân số”, đàn anh lại quát "“Mấy anh là những con gà nuốt cơ bẩm".” Mấy cậu “tân khóa sinh” nầy ngớ ra. “Gà nuốt giây thun” thì có thấy rồi, còn gà “nuốt cơ bẩm” là gà gì? Cơ bẩm là cái gì? Sau nầy mới biết cơ bẩm là bộ phận lên đạn, kích hỏa của khẩu súng. Thời đó còn xài súng trường “ga lăng, ôm mà mệt” (Garant M1), cái cơ bẩm gần cả kí lô, làm sao mà nuốt được?! Nhưng sau mấy tuần “huấn nhục”, cơ bản thao diễn, đi bãi, di hành… mấy cậu (đã là Sinh Viên Sĩ Quan) lột xác thành người chiến binh rắn chắc, chửng chạc. Trông thì oai hùng nhưng buồn ngủ chịu hết nỗi. Tập tành gian khổ, người rã rời. Di hành, vừa cầm súng vừa đi vừa ngủ. Ra bãi, vừa ngồi xuống là mắt díu lại, ngủ mê man, cán bộ nói gì chẳng biết, cứ thả hồn phiêu diêu nơi nào, chẳng ghi chép gì được! Nhiều cậu làm bộ đi tiểu rồi chui vào bụi cây ngủ, khi đại đội về, tập họp điểm quân số, thấy thiếu mới cho đi tìm. Cạnh quân trường Thủ Đức còn có trường Thiết Giáp, xe tăng chạy ngang dọc bãi tập nhưng thường tránh các bụi cây vì biết trong đó làm gì cũng có cậu sinh viên sĩ quan đang nằm ngủ. Huy hiệu của trường đính trên quân phục có hình lưỡi kiếm và bốn chữ “Cư An Tư Nguy” (Ý nói. Sống an bình nhưng phải nghĩ đến lúc nguy biến) Mấy cậu cười với nhau “Cứ ăn, cứ ngủ ỳ”!

Trở lại chuyện gà.


Đố quí vị. Tại sao gà mái “cục tác” mà gà trống lại “Ò ó o”? Có nguyên nhân cả đấy! Chuyện nầy tôi có kể rồi nhưng kể lần nữa để kiến thức quí vị thêm phong phú. Số là, thời xưa, súc vật đều nói tiếng người như chúng ta. Có cậu gà trống vừa đến tuổi dậy thì, quả tim rạo rực yêu đương. Hàng xóm, cách nhau cái dậu mồng tơi, có chị gà mái tơ. Anh chị liếc mắt đưa tình nhưng còn mắc cỡ. Cậu gà giả bộ bươi đất rồi dụ dỗ người đẹp (?) “Túc! Túc!.., Có cái nầy ngon lắm. Qua đây, cho ăn.” Cô nàng chui hàng rào, đến gần nhưng vẫn hững hờ. “Có gì ngon đâu? Sao không thấy?” “Đến gần mới thấy” Nàng bước đến nhưng vẫn giữ khoảng cách để tỏ ra mình là con nhà gia giáo. Bất ngờ cậu nghiêng người xòe cánh, lướt vòng vòng, chung quanh “người đẹp”. Cô nàng biết tỏng gian ý của hắn nhưng vẫn đứng yên theo dõi. Rồi thì hắn nhào đến định làm ẩu. Cô nàng “ối” lên một tiếng “"Em chả!"” rồi đâm đầu chạy. Cậu đuổi theo bén gót. Cô nàng chạy một quãng xa, liếc nhìn phía sau rồi suy nghĩ “Mình chạy có nhanh lắm không? Hắn có đuổi kịp không? Hay là mình làm bộ mệt, nằm xuống.” Và cô ả nằm xuống thật. Chuyện gì xảy ra thì quí vị đã thường thấy. Nhưng cô gà mái tơ nầy còn “con gái”, khi bị chuyện đó lần đầu (thành đàn bà) thì kêu rên. “Vừa đau vừa rát! Vừa đau vừa rát!” (cục ta, cục tác! Cục ta, cục tác!) Gà trống cũng như quí ông, xong rồi thì lo mà cuốn gói. Cậu gà nầy cũng (giống tôi). Cậu vỗ cánh, vươn vai, cất giọng Sở Khanh. “Đời chỉ có thế thôi!” (Ò ó o! ò!) Có mấy chú gà con, nãy giờ núp trong bụi, thấy cảnh đó, sợ hãi kêu lên: “Khiếp! Khiếp!” (chip! chip!) Hai con chó con trong nhà, nghe ồn ào, không biết chuyện gì, chạy ra hỏi “Đâu? Đâu?” (Gâu? Gâu?). Chị gà đang ấp trứng trên chuồng heo, đang lim dim, nghe xôn xao, mở mắt, thấy cô mái tơ cứ nằm lè nhè, rên rỉ mãi, mới nhảy xuống đất, đến an ủi, vỗ về: “Không sao đâu! Ít bữa hết đau. Rồi em sẽ biết, chuyện đó… thích lắm!” Chị còn làm bộ la rầy cậu gà: “Em còn là trinh nữ, phải từ từ, nhẹ nhàng. Làm mạnh quá! Nó đau tới bây giờ!... Cộc cộc mà ác!” (cục cục cục tác!).

Một chuyện gà khác.

Tại sao con vịt đực có “chim” mà con gà trống không “chim”? Tại sao vịt đực nói ”giọng vịt đực”? Chuyện như thế nầy. Có mấy gia đình gà và vịt rủ nhau đi vacation. Đến giòng sông chảy ngang thì gia đình vịt lội qua dễ dàng, chỉ gia đình gà không biết bơi, đành chịu đứng bên nầy sông. Anh vịt đực mới sai vợ qua cõng gia đình gà để quá giang qua sông. Đến lượt chị vịt cõng anh gà trống. Anh gà trống, khi đến giữa giòng sông (chỉ còn lại đôi ta) thì cứ đứng trên lưng chị vịt mà làm “thằng phải gió…”. Anh vịt đực trên bờ thấy thế, định lội ra đánh thằng mất dạy, nhưng hắn “làm” nhanh quá đành đứng la làng “Bớ làng xóm ơi! Thằng gà trống “ấy” vợ tôi. Mầy chết nghe mầy! Ngưng lại ngay!...” La đến khan cổ mà làng xóm chẳng thấy đâu trong khi thằng ôn dịch không chịu ngưng, vẫn tiếp tục “chiều lòng em”! Vì chị vịt, run rẩy cả người, tê tái đôi chân, không bơi tiếp được cứ lênh đênh giữa dòng sông mà rên rỉ, năn nỉ. “Xin một lần nữa! Một lần nữa thôi, gà ơi!” … Khi đến bờ, anh vịt đè cổ cậu gà trống cắt “chim”. Từ đó (quí vị thấy) gà trống đâu có “chim” Còn anh vịt đực, vì la làng khan cổ nên (cũng) từ đó nói “giọng vịt đực”. Riêng chị vịt mái? Ai hỏi gì cũng đỏ mặt, cười cười, lắc đầu!

Thêm một chuyện gà nữa. Ở một trại gà, bỗng xảy ra hiện tượng lạ. Các con gà mái đồng loạt đẻ trứng to, nặng cả kí lô. Phóng viên các báo đến phỏng vấn mấy chàng gà trống trong trại. “Quí anh nghĩ gì về hiện tượng kỳ lạ nầy?” “Chả nghĩ gì!” “Tại sao các chị gà mái đều đẻ những trứng vĩ đại như thế?” “Hỏi bọn gà mái. Chúng tôi đâu có đẻ trứng mà biết!” “Quí anh có đề nghị gì lên chính quyền thành phố không?” “Thiến hết bọn đà điểu ở trại đà điểu bên cạnh. Khuya nào lũ mất dạy đó cũng leo hàng rào qua bên nầy làm chuyện bậy bạ với bọn gà mái”.

Tết nhất phải kể chuyện vui để quí vị cười thoải mái, cho năm mới được hanh thông. Bây giờ, tôi xin nói chuyện nghiêm trang. Nhưng nói về con gà thì lại chẳng có gì lạ, vì hầu như ngày nào ai cũng ăn thịt gà. Gà mái, cũng giống như chị “vịt bầu” (của tôi) đang làm bà chủ nhà, mặt mũi nặng trịch, suốt ngày loay hoay như gà mắc đẻ, thấy phát nản. Đáng bàn luận ở đây là mấy cậu gà trống. Với bộ lông rực rỡ, mặt mũi vênh váo, nghênh ngang như Lữ Phụng Tiên (Lữ Bố), thấy em nào cũng nhào tới trổ mòi dê. Gặp hoa có chủ thì trở mặt vũ phu, nhào tới đánh đá đối phương. Hai cậu giành gái, cắn mổ nhau, “lỗ mũi ăn trầu, cái đầu chôm bôm”, cho đến khi một cậu chịu thua, bỏ người đẹp, chạy thoát thân. Còn kẻ chiến thắng? Cũng sứt tay, gãy gọng… nhưng được hãnh diện leo lên lưng người đẹp đang nằm chờ và… “làm như gà”! Thật chán hết sức! Nhưng ai chán? Chị gà mái chứ còn ai?

Chuyện mấy con gà trống đá nhau không phải là chuyện nhỏ, vì đã từng làm sạt nghiệp nhiều ông ham cá độ đá gà, cho nên tôi đã bỏ công lục lọi sách báo mà ghi ra đây cho quí vị … giết thì giờ. Trước hết, tôi nói về ba cách đá gà.

Gà đòn. Người miền Trung thích đá gà đòn vì ít (tốn tiền) chung độ. Cặp gà (bịt cựa) đá nhau từ sáng đến chiều chưa xong. Trừ phi hai con đều chết mới xử huề, còn thì đá nhau cho đến khi một con bỏ chạy hoặc nằm  tại chỗ.

Gà cựa. Chuốt cho cựa thật nhọn. Chiến trường kết thúc trong vài độ.

Gà cựa dao. Cột lưỡi dao vào cựa gà. Con nào nhanh chân, chỉ đá một đòn là đối phương chết ngay. Loại gà nầy chỉ cần mua ở chợ cũng được, miễn nhanh nhẹn, khỏe và gọn. Hai gà thả ra, chỉ nghe “rẹt!” một tiếng là có con lảo đảo, “rẹt!” tiếng nữa là nằm dãy chết. Đem làm thịt, bên thua chung tiền, chịu chi phí bữa nhậu.

Tên gà thường đặt theo màu lông. Gà “Bướm”, sắc lốm đốm rất đẹp, như con bướm. Gà “Nhạn” lông trắng tinh. Gà “Điều” lông đỏ đậm. Gà “Ô lông đen…. Tên gà còn được đặt theo cách đá, theo thành tích đạt được trong các trận chiến trước đó. Tiết Nhơn Quí, Tiểu La Thành (giả bộ bỏ chạy rồi bất ngờ quay lại đá một đòn chí tử). Triệu Tử Long (đá một đòn là thắng). Thần Ô, Điện Quang (đá nhanh như điện chớp, đối phương không kịp phản ứng, đành chịu chết).

Nhà văn Xuân Vũ viết tập truyện “Buồng Cau Trổ Ngược”, hay vô cùng. Hấp dẫn đến độ phải đọc cho đến hết truyện. Ông viết về những con gà đá, những độ gà với kiến thức về gà tỉ mỉ, uyên bác và kì bí như chuyện “Phong Thần”. Xin mạn phép nhà văn Xuân Vũ, tóm tắt một đoạn văn về gà đá trong tập “Buồng Cau Trổ Ngược”.

“Có ba loại cựa: Cựa thép, cựa sáp và cựa vôi. Cựa thép có lõi rất cứng, chuốt rồi đá mấy nước cũng không tà. Cựa độc thì có loại “lục định lục giáp,” phía trên có ba cựa nhỏ, dưới có hai cựa nhỏ nữa, vô địch. Cựa “hổ chảo”, hình móng cọp, đâm là chết. Ngoài ra còn có cựa “song đao”, cựa “vành nguyệt”. Cựa “nhật nguyệt” cái trắng cái đen, không bao giờ thua. Con gà nào có bộ cựa sần sùi và xoắn như đinh ốc. Đó là cựa “nguyệt lân” rất độc, bị đâm là chết không kịp chạy. Cựa gà mà lắc nhẹ, tưởng chừng sắp sút ra. Hay vô cùng. Có loại cựa “phản chủ”, đá đối phương gần chết lại đâm đầu chạy!

Nhiều loại gà đá được mệnh danh là linh kê, thần kê… phải quan sát mới biết. Gà “tử mị” khi ngủ mà nằm như đã chết. Gà đang đá mà gáy. Gà rượt gà mái bay lên nóc nhà mới chịu đạp mái (lại giống tôi!). Gà luôn lắc mặt. Gà đang cáp độ mà nằm ngủ. Gà né lồng. Gà mà bồng trên tay nó kêu túc túc như túc mái là gà hay”.

Đá gà, cờ bạc là một tệ nạn, một bịnh nghiện có từ thời xưa. Trong Hịch Tướng Sĩ, đức Trần Hưng Đạo có câu “Giặc Nguyên trở lại đùng đùng, lấy gì chống đỡ hay cùng cam  tâm. Cựa gà sắc không đâm giáp giặc, mẹo bạc gian khó đoạt mưu quân.” Hiện tại, ngay tại xứ Mỹ nầy, nhiều ông bà tán gia bại sản vì đi Casino (đánh bạc). Bịnh nghiện “đánh bạc” còn trầm trọng hơn mê đá gà. Nhiều bà đến Casino, đánh bạc hết tiền, phải “nhảy dù” (cho chúng chơi) để có tiền chơi tiếp. Nghe đồn có bà chủ một trung tâm giải trí, đi Casino riết, mắc nợ, phải bán trung tâm cho Việt Cộng. Nhân chuyện đảng Cộng Sản Việt Nam và “nhà nước ta” cứ cắt đất, dâng biển, dâng đảo cho Trung Cộng mãi, “hèn với giặc, ác với dân”, trong tương lai Việt Nam sẽ biến mất trên bản đồ thế giới! Tôi xin tóm tắt những năm Dậu trong lịch sử Việt Nam, dân Việt đã từng dạy cho bọn giặc Tàu Phù phương bắc những bài học đích đáng, đập tan âm mưu biến Việt Nam thành một tỉnh của chúng.

Năm Tân Dậu (541) Lý Bôn khởi nghĩa, đuổi giặc phương Bắc, giành độc lập cho Việt Nam, lên làm vua, xưng là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân.

Năm Ất Dậu (1285) Ta đánh tan quân Nguyên Mông ở Hàm Tử, Chương Dương, Đại thắng trận Tây Kết, trận Vạn Kiếp.

Tháng sáu năm Ất Dậu, quân Nam đuổi 50 vạn quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi. Cương Mục chép “Khô cốt doanh khâu” (xương khô đầy gò). “Kinh quán như sơn” (mồ chôn xác giặc cao như núi).           
Năm Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung đánh tan 20 vạn quân Thanh. Đại Nam Liệt truyện ghi “Sĩ Nghị đã thua. Huệ (vua Quang Trung) sai quân đuổi theo đến cửa ải Lạng Sơn. Người nước Thanh (Tàu) cả sợ. Từ cửa quan trở về mạn Bắc, người già, trẻ con, bồng bế nhau chạy. Vài trăm dặm, tuyệt không có người ở”. Gò Đống Đa ở Hà Nội là mồ chôn hàng nghìn, hàng vạn xác bọn giặc phương Bắc.

Một chuyện gà thời Pháp thuộc.

Năm 1933, toàn quyền Đông Dương Piere Pasquier rớt máy bay chết. Dân gian có câu “Nực cười hai bảy mười ba, trời làm trận gió, tám gà chết thiêu”. Mật thám Pháp tưởng là hiệu triệu khởi nghĩa, ra sức điều tra nhưng chẳng hiểu gì? Chánh sở mật thám Pháp là Sogny đích thân điều tra. Phải đến hỏi một vị lão nho. Được giải thích: “Nực cười hai bảy mười ba” là năm đó âm lịch nhuận hai tháng bảy thành mười ba tháng. “Trời làm một trận tám gà chết thiêu” Pasquier nói tiếng Việt là “bát kê” là “tám gà”. (Pasquier bị rớt máy bay, chết cháy).

Chuyện gà trong lịch sử của mấy chú Chệt (Tàu Phù), từ trước Tây lịch đến cận đại thì nhiều vô số, nhưng tôi ghét Tàu mà quí vị cũng ghét Tàu, nên tôi không kể ra đây, Để chấm dứt bài Con Gà nầy, tôi xin kể một chuyện về gà của Việt Nam ta, cũng rất lạ. 

Thời triều đình Nhà Nguyễn, có ông Nguyễn Miên Tàng, hoàng tử thứ bốn mươi hai, con vua Minh Mạng, tước Hải Ninh Quận Công, là người hư hỏng, ham chơi bời, cờ bạc, hát bội, đá gà… đến nỗi khánh kiệt gia sản, phải ở nhờ trên một chiếc đò (thuyền) nuôi heo. Khoảng năm 1896 (?), ông đến coi một buổi đá gà. Thấy một con gà chọi dáng vẻ oai hùng, ông lớn tiếng reo hò, cổ võ. Không ngờ con gà đó bị đối phương đá thua chạy. Ông uất khí, hộc máu, ngã lăn ra chết tại chỗ, thọ 68 tuổi. (có lẽ quá hồi hộp, thần kinh căng thẳng nên bị “đứt gân máu” stroke?). Vì chơi bời phung phí nên khi chết không một xu dính túi. Áo mão quận công cũng bán từ lâu rồi. Người ta phải lấy giấy màu xanh đỏ dán cho ông một cái mão quận công, dán thêm cho ông một bộ triều phục (quận công) để phủ lên người ông trước khi tẩm liệm. Hết

Không có nhận xét nào: