Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2017

Cần Thơ đi dễ! Khó về! - Đoàn Xuân Thu

Inline images 1
Chữ rằng: “Cần Thơ đi dễ khó về! Trai đi có vợ; gái về có con!”
Đó đó! Đúng y hịt đời tui vậy đó bà con ơi!
Như ai nấy nếu để ý đều biết bất cứ thị trấn, thị xã nào của Lục tỉnh Nam Kỳ, quê mình, đều kề cận một dòng sông.
<!>
Vì cũng có câu rằng: “Sông Cửu Long chín cửa hai dòng! Người thương anh vô số, nhưng anh chỉ một lòng với em!
Rồi thòng thêm câu hỏi nữa: “Bên dưới có sông; bên trên có chợ. Ta với mình chồng vợ nên chăng?”
Thì em yêu, dân Cần Thơ, tóc em dài em cài hoa thiên lý, nghe anh hỏi mi mí… là em biết tỏng cái tim đen, bèn trả lời móc họng anh, như vầy: “Biết rồi mà bày đặt hỏi lôi thôi!”
Có nghĩa là: “Anh có thương em thì thủng thẳng em ừ! Anh đừng thương vội mẫu từ ‘quánh’ em!”
Ha ha! Mẫu từ, mẹ hiền, mà roi vọt bất tử quá vậy ta? Nhưng có nhằm nhè gì! Quánh em; chớ có dám quánh thằng rể đu đủ tương lai trời đánh nầy sao mà mình sợ chớ?! Nên tới luôn bác tài…Vì em đã chịu đèn rồi!
Chẳng qua là tới tuổi quân dịch, tui vào lính; nhưng bị bịnh mộng du! Bác sĩ quân y thuộc Hội đồng giám định y khoa khám, cho tui về hoãn dịch vì lý do sức khỏe!
Vì tối nào tui cũng ngủ mớ, tuột cái rột, ra khỏi giường, đi vòng vòng doanh trại, dạo mát trăng thanh; nhưng không có ý thức gì ráo!
Mật khẩu không biết, đêm cà lơ phất phơ… lính canh nó phơ ẩu là bỏ mạng sa tràng…
Thôi lính chê thì mình về đi học nữa vậy!
Năm 1970, tui theo thằng bạn thân, sau Tết, mùng Bốn, đi Cần Thơ cho biết đó biết đây; ở nhà với Má biết ngày nào khôn?
Từ Sài Gòn xuống Cần Thơ, trên Quốc lộ 4, qua Bắc, leo lên xe Lam, chạy một hơi thôi, khoảng 1300 mét, là tới Ngã ba Lộ tẻ.
Rẽ trái vào trung tâm thành phố Cần Thơ! Rẽ phải vào liên tỉnh lộ dẫn đến Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá và Hà Tiên.
Tại Ngã ba Lộ tẻ, có Bến xe mới xe lên Sàigòn; hoặc xuống Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, chạy thẳng tắp từ đây tới tận quận Cái Răng; mà không phải đi qua trung tâm thành phố.
Vào trung tâm Cần Thơ phải qua cây Cầu đôi bằng sắt, kiểu Eiffel, bắc ngang qua rạch Cái Khế.

Bên kia cầu là một ngôi biệt thự kiểu Pháp, xưa dành cho mấy ông Tây; sau nầy là Dinh của Tư lệnh Vùng 4 Chiến Thuật, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa .
Đi tới là dinh Tỉnh Trưởng! Trước mặt là một bùng binh khá rộng, nơi hội tụ của nhiều con đường chạy vòng vòng để khỏi đụng nhau.
Đường Phan Đình Phùng xuất phát từ đây, coi như là cái xương sống của thành phố, chạy ngang qua Ty Bưu điện, Tòa án, Tòa Thị Chính, Ty Cảnh Sát, Trường Tư thục Nam Hưng, v.v… xuống tận khu Cầu Xéo.
Một đường khác cũng từ dinh Tỉnh Trưởng hướng về Cầu Tham Tướng, là Đại lộ Hòa Bình. Nhưng dân quen gọi là đường Hàng Xoài, vì dọc theo đường có trồng xoài.
Đại lộ Hòa Bình, lớn nhưng ngắn ngủn, chấm dứt khi tới Bệnh viện Thủ Khoa Nghĩa (Nơi em yêu của tui làm đó nhe!). Đường Lý Thái Tổ, bắt đầu từ đây, chạy dài tới cầu đúc Tham Tướng.
Qua cầu, là đường Mạc Tử Sanh, phía bên trái là chợ chồm hổm, chỉ nhóm vào buổi sáng, nhưng tấp nập quanh năm vào buổi chiều tối vì có xề bánh cống, quầy hủ tiếu, gánh cháo gà cho dân nhậu bình dân.
(Tham Tướng là Mạc Tử Sanh, con của Mạc Thiên Tích (Hà Tiên), làm cận vệ cho chúa Ðịnh Vương Nguyễn Phúc Thuần.
Năm 1777, quân Tây Sơn ồ ạt tấn công xuống miệt Trấn Giang (Cần Thơ)! Mạc Tử Sanh bị vây, chết trận nơi khoảng rạch nhỏ đổ ra sông Cần Thơ! Sau nầy dân chúng đặt tên là rạch Tham Tướng!)
Rạch Tham Tướng chạy vòng vòng phía trong, cắt ngang đường Tạ Thu Thâu, chui qua cái cầu sắt nhỏ, cầu Rạch Bần, vốn là đường thoát nước mưa tự nhiên cho Cần Thơ! Sau nầy nghe nói đã bị lấp! Nên bây giờ mưa lớn một chút là Cần Thơ ngập thấy thảm… thương luôn?! Tội nghiệp mấy em mắc mưa, ướt luôn cái quần lãnh Mỹ A hết ráo!
Cầu Tham Tướng đã biến mất, đường Mạc Tử Sanh đi về hướng Cái Răng cũng bị mất tên luôn, thành đường 30 tháng 4.
Ngã ba Tham Tướng xưa có doanh trại của đại đội Quân vận 411, dưới hàng cây bã đậu. Sau nầy là quán cà phê và quán nhậu bình dân.
Ôi những ngày đói rách, lang thang sau khi mất nước, tui không biết làm gì; chỉ biết long nhong như ở không lắm vậy! Và từng đóng đô thường trực ở đó.
Ngồi tréo ngoảy, trước mặt ly rượu thuốc ngâm ô môi, có màu cho dễ ực; vì màu trắng mắt mèo, e nó có nhúng một đầu tăm thuốc trừ sâu cho rượu trong veo… Thấy ớn quá hà!
Xa em, người đã cả gan bán chịu cho tui ngày cũ (mà không sợ bị giựt)! Biết giờ em giờ phiêu bạt tận phương nào, để tui gởi về em một, hai trăm đô Úc, bồi đáp cái ‘bát cơm phiếu mẫu’ ngày xưa?!
Phần để cho em có tiền mua trầu nhai bỏm bẻm, chống tay lên cằm mà nghĩ tui vẫn còn thương tưởng tới em?!
Nhưng nếu bà con mình ở tỉnh khác tới chơi; người ta khoái cái bến Ninh Kiều hơn là chợ Tham Tướng!
Bến Ninh Kiều, nơi nghĩa quân Lam Sơn đã đánh quân Minh xâm lược một trận tơi bời; nên nằm trên đường Lê Lợi.
Thế mới biết ông cha mình đặt tên đường, tên bến nước là đầy trí tuệ, có hậu ý; chớ không phải như sau nầy muốn đổi tên đường sao cũng được; tùy bữa say nhiều hay xỉn ít đâu nha mấy cha?!
Nhạc sĩ Lam Phương, là thầy giáo, miệt Rạch Giá, gần biển, nên 75, ông chạy sớm hơn ai hết thảy. Xa quê, tuốt bên trời hải ngoại, ông vẫn còn nhớ tới bến Ninh Kiều để: “Một đêm anh mơ mình ríu rít đưa nhau về / Thăm quê xưa với vườn cau thề / Bàn tay anh đan dìu em bước trên cỏ khô/ Đi trong hoang vắng chiều Tây Đô!”
Đó là ông ước, ông mơ, ông nhớ về ngày tháng cũ: “Bờ sông yêu xưa tà áo thướt tha mỹ miều/ Sao anh không thấy về Ninh Kiều? Dường như anh nghe đời nặng trĩu trong màu đen/ Đen như manh áo buồn chưa quen!”
Rồi ông nhớ cái thuở học trò! “Ngày xưa ta quen từng viên đá quanh sân trường/ Nay nghe sao khác từ tên đường/ Tàu đưa ta đi tàu sẽ đón ta hồi hương/ Tây Đô sẽ sống lại yêu thương!”
Cái trường, ông Lam Phương, đã từng theo học, bây giờ vẫn còn nhớ, là trường Phan Thanh Giản, trường công lập lớn nhất ở miền Tây, được thành lập vào đầu thế kỷ 20.
Học sinh ở các tỉnh lân cận, như nhạc sĩ Lam Phương hay nhà văn Sơn Nam, miệt Rạch Giá, vẫn phải khăn gói đến trường Phan Thanh Giản để học tiếp bậc “Đút rơm trâu ăn mê” (Diplôme) tức Trung học Đệ nhất cấp!
Tới năm 1964, trường Phan Thanh Giản lại được tách ra để thành lập Nữ Trung học Đoàn Thị Điểm.  (Em yêu của tui đã từng đi học ở đó!)
Sau 75, Trung học Phan Thanh Giản bị thay bằng Châu Văn Liêm.
Mà không phải chỉ cái trường học bị đổi tên đâu mà những con đường chu vi trường cũng chịu cùng chung số phận.
Cổng trường nằm trên đường Phan Thanh Giản bị đổi thành đường Xô Viết Nghệ Tỉnh. Đường Pasteur, giữa trường Phan Thanh Giản và trường Đoàn Thị Điểm, bị đổi tên là Võ Thị Sáu.
Ông Pasteur, dù là Tây; nhưng có công lớn là đã chế ra thuốc chủng ngừa, cứu mạng hàng triệu người, không phân biệt màu da sắc tộc, khỏi bệnh tật! Công lớn với nhân loại khó có ai sánh bằng vậy mà cũng bị đuổi đi… để thay bằng chị Sáu… ‘mùa lê kim ma’ nở?
Nhưng tui buồn nhứt có lẽ là đường Võ Tánh, dọc bên hông trường, từ đường Phan Thanh Giản tới đường Ngô Quyền; đã đổi thành đường Trương Định.
Không phải tui (dám) ghét bỏ ông Trương Định, một anh hùng kháng Pháp, gì đâu. Mà chẳng qua con đường Võ Tánh, dẫu ngắn, có một khúc tẻo tèo teo thôi; nhưng nó lại mang quá nhiều kỷ niệm…
Phía sau lưng đường Võ Tánh nầy là xóm Cả Đài (theo tên Hương cả Phạm Thành Đài), bắt đầu từ cái chợ nhỏ cũng gọi là chợ Cả Đài kéo dài dài đến chùa Cây Bàng; nơi tui từng ở trọ gần trường để tiện đường… đi gõ đầu trẻ hồi năm nẳm.
Tui nhớ quán Ngọc Lan, chuyên bán cơm tháng cho quân nhân và công chức. Năm 1973, nếu mua vé cả tháng, sáng ăn đưa một vé, chiều ăn đưa một vé, bữa nào hỏng ăn, lại đi ăn cháo, gỏi đầu cá lóc (bự ế kinh), ngon hết biết, với em yêu ở đường Nguyễn Trường Tộ thì khỏi đưa vé…
Ăn hết xấp vé đó mua xấp vé khác, tốn 4 ngàn đồng bạc, dằn túi; không sợ đói bất tử vì đôi khi hứng xài ẩu… (Hồi thanh niên, đứa nào hỏng vậy cà?)
Từ quán cơm Ngọc Lan, có ông chủ lúc nào cũng mang mặc áo bỏ vô thùng bảnh tỏn, đi vài căn nữa thì tới tiệm chụp hình Phúc Vinh, nơi em yêu làm duyên, chụp tấm hình cho anh lộng bóp; để lúc nào cũng phải nhớ tới em!
Và nếu vắng em, có con ‘quỷ hó’ nào dám lục bóp anh, thì nó thấy tấm hình bà La Sát nầy là nó sẽ bỏ chạy sút dép luôn!
Sau 75, người ta đói xanh râu, đói đến lòi hai cái lỗ tai; nên tiệm Phúc Vinh không còn chụp hình nghệ thuật nữa mà quay sang bán cháo, gỏi gà… để kiếm cơm!
Tui đã từng theo Giáo M. dạy Việt văn, em Bác sĩ H. ở hẻm 5, đường Phan Thanh Giản tới đây nhậu.
(Giáo M. có người em gái trắng như bông bưởi! Tắm xong, em hay ra hàng hiên ngồi hong tóc; mà tui tình cờ trông thấy… phải há hốc cái mồm!)
Thưa bà con! Dù Cần Thơ không phải là nơi chôn nhau cắt rún của tui nhưng là quê hương yêu dấu ngậm ngùi của em yêu. Cần Thơ là quê vợ, là người tui rất sợ; nên tui còn yêu Cần Thơ hơn cả quê tui nữa đó!
Vì nơi đó có em… và còn có mấy em khác (tui thầm thương trộm nhớ) nhưng vì đã có vợ rồi nên tui đành phải giữ mối tình câm…Nên riết rồi… tui bị ‘hâm hâm!”
Tui xa Cần Thơ… Đi và đi luôn mấy chục năm!
Người xưa bên ấy, mới đây, gởi cho tui câu ca dao nầy, tui lén vợ, tui học thuộc lòng, kẻo quên: “Con chim buồn, chim bay về cội/ Con cá buồn, cá lội trong sông/ Em buồn em đứng em trông/ Ngõ thì thấy ngõ, người không thấy người!”
Thôi xin tạ lỗi cùng em hẻm 5, đường Phan Thanh Giản!
Thân anh giờ như:“Chim vào lồng; như cá cắn câu! Cá cắn câu biết đâu mà gở; chim vào lồng biết thuở nào ra!”
Thôi đành “Hẹn nhau kiếp sau ta tìm thấy nhau!”
Đoàn xuân thu

Melbourne

Không có nhận xét nào: