Bây giờ thì chúng ta đã bước hẳn sang mùa đông rồi chứ không còn nghi ngờ gì nữa. Đối với khu vực bắc bán cầu, ngày đầu của mùa đông năm nay là 21/12, tức chỉ bốn ngày trước Lễ Giáng sinh. Nhưng đâu cần phải chờ tới khi mùa đông chính thức bắt đầu mới cảm giác được cái lạnh thực sự về.
<!>
Ngay từ một hai tuần trước Giáng sinh, những luồng gió lạnh từ Bắc cực thổi xuống làm cho không chỉ Canada và những tiểu bang miền bắc nước Mỹ mà luôn cả nhiều tiểu bang ở miền nam phải chịu cảnh giá buốt. Nhiều khu vực nhiệt độ xuống tới số âm và khi đó không có chữ nào để diễn tả chính xác cái cảm giác thật sự của mùa đông ngoài những chữ lạnh, buốt, cóng … Không như mùa hè, để tránh cái nóng, người ta có thể đứng dưới một tàn cây hay một bóng râm là có thể làm cho cơn nóng bức dịu đi phần nào, nhưng cái lạnh của mùa đông thì không thể trốn đi đâu nếu không ở trong nhà, mà nhà thì bắt buộc phải có máy sưởi, còn không thì chỉ trong chốc lát là hơi lạnh cũng tràn vào khắp mọi ngõ ngách.
Trong cuốn phim “Bác sĩ Zhivago”, một trong những hình ảnh đẹp làm khán giả nhớ nhất là đoạn tả lại cảnh căn phòng nơi Zhivago bắt đầu viết những bài thơ đầu tiên cho người tình Lara tại căn nhà mà hai người đưa nhau đến tạm trú giữa mùa đông. Trong một đêm khuya với tiếng sói hú từ xa vọng về đã đánh thức Zhivago dậy. Chàng bước ra khỏi giường, đến đứng bên cửa sổ nhìn ra bên ngoài trời tuyết phủ ngập, rồi nhìn lại căn phòng nơi chàng đang đứng cũng phủ ngập đầy tuyết. Khắp không gian độc nhất một màu tuyết trắng lạnh. Chàng đốt một cây nến, ngọn lửa từ từ sáng lên tạo thành điểm ấm duy nhất của căn phòng. Chàng lấy ra một xấp giấy trắng, xếp ngay ngắn trên bàn, rồi cầm cây bút lên, chấm vào nghiên mực và nắn nót viết những dòng chữ đầu tiên. Cảnh tuyết phủ từ trong ra bên ngoài đó làm cho người xem phim, cho dù đang ngồi trong một căn phòng có máy điều hoà không khí thoải mái, chắc cũng phải cảm nhận được cái lạnh của mùa đông nước Nga.
Mùa đông còn được cho là khoảng thời gian gây tử vong cao nhất trong năm. Cái lạnh là nguyên nhân chính, và cái lạnh ở đây không hẳn chỉ là vào những ngày nhiệt độ xuống thật thấp hay khi những cơn bão tuyết tê tái thổi về bất chợt, mà kể cả những ngày mùa đông bình thường khác như ta vẫn luôn cảm nhận, nghĩa là đủ lạnh để nhắc nhở mọi người rằng phải mặc thêm áo ấm.
Trong khi tử vong gây ra do những cơn nóng mùa hè thường được chú ý nhiều hơn thì những cái chết do thời tiết lạnh giá lại ít khi được nhắc tới, và nhất là khi người ta chết chỉ vì thời tiết của mùa đông bình thường thì lại càng ít được nhắc tới hơn nữa. Tuy nhiên, một cuộc nghiên cứu quốc tế khảo sát trên 384 địa điểm tại 13 quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ và Canada, cho thấy cái lạnh của mùa đông chịu trách nhiệm, trực tiếp hay gián tiếp, cho con số tử vong cao hơn 17 lần so với cái nóng của mùa hè.
Càng ngày, trong khi nhiệt độ toàn cầu tăng cao hơn thì nhiệt độ trong mùa đông cũng tương đối ấm hơn đưa tới kết quả là con số tử vong do lạnh của mùa đông cũng ít hơn. Mùa đông ở Mỹ, số người chết do lạnh tính chung ở mức từ 10 đến 15 phần trăm cao hơn so với số người chết trong mùa hè.
Cuộc nghiên cứu trên, được công bố vào năm 2015, dựa vào các phân tích của hơn 74 triệu hồ sơ của người chết và sau đó so sánh các con số tử vong do nóng và lạnh gây ra tại Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Ý, Nhật Bản, Nam Hàn, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đài Loan, Thái Lan, Anh Quốc và Hoa Kỳ.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng con số tử vong do thời tiết thật nóng hoặc thật lạnh chỉ chiếm dưới 1 phần trăm trong tổng số tử vong. Tuy nhiên ở mặt khác, với nhiệt độ bớt khắc nghiệt hơn, thì số người chết lại cao hơn nhiều, với tử vong trực tiếp hay gián tiếp gây ra do nhiệt độ ở mức bình thường chiếm tới 7.71 phần trăm trên tổng số.
Mặc dù tỷ lệ tử vong trong mùa lạnh được chứng minh là vượt xa mùa nóng, cho đến nay các chương trình y tế công cộng liên quan đến thời tiết vẫn thường chú ý nhiều tới mùa nóng, và nếu nguy cơ tử vong liên quan đến thời tiết lạnh có được nhắc đến thì cũng chỉ rất sơ sài.
Một trong những lý do được giải thích là vì thời tiết lạnh mùa đông được ví như tên sát nhân thầm lặng. Nhiệt độ thật nóng thường làm chết người rất nhanh, con số người chết tăng thật nhanh chỉ trong ít ngày khi cơn nóng đến. Nhưng cái lạnh thì không làm người ta chết ngay mà từ từ, chầm chậm, với con số tử vong liên quan tới thời tiết lạnh tăng dần trong thời gian kéo dài ba hoặc bốn tuần sau khi cơn lạnh tràn tới.
Hơn nữa, không như những gì ta dự đoán, phần lớn số tử vong gây ra do thời tiết lạnh không phải từ tai nạn xe cộ, té trượt hay những hoạt động ngoài trời (thường hay được chú ý nhiều hơn), mà lại đến từ những nguyên do hàng đầu như trụy tim, đột qụy và bệnh hô hấp, đặc biệt thường xảy ra ở những người ở độ tuổi 75 trở lên.
Viết trên tờ tạp chí y khoa Southern Medical Journal cách đây khá lâu, hai tác giả W.R. Keatinge và G.C. Donaldson cho biết “số tử vong liên quan đến thời tiết lạnh cao hơn gấp nhiều lần so với số tử vong liên quan đến thời tiết nóng” ở hầu hết tất cả các quốc gia ngoài khu vực nhiệt đới, và “hầu như tất cả con số tử vong đó là do những căn bệnh chung chung thường thấy gia tăng khi trời lạnh,” trong đó có trụy tim, đột qụy, cúm và viêm phổi. Hai tác giả còn cho biết ngay đến những khu vực có thời tiết ấm như miền nam Âu châu và nhiều tiểu bang nam Hoa Kỳ, thời tiết lạnh gây chết người nhiều hơn thời tiết nóng, và họ đi đến kết luận là “tình trạng nhiệt độ tăng cao trên toàn cầu có thể làm giảm tỷ lệ tử vong tính chung.”
Nói cách khác, để có thể làm giảm số tử vong trên khắp thế giới trừ khu vực nhiệt đới thì chỉ cần mùa đông ấm hơn là sẽ cứu được nhiều mạng người. Nhưng điều này nằm ngoài khả năng của con người và người ta chỉ có thể phó thác trong tay của tạo hoá.
Có điều khá ngạc nhiên là người dân sống ở những quốc gia với mùa đông tương đối ấm thì lại dễ chết vì lạnh hơn là người dân sống ở những xứ mà mùa đông thường lạnh dưới mức đông đá. Một ví dụ điển hình là ở xứ tương đối lạnh là Thụy Điển thì tỷ lệ người chết vì lạnh chỉ chiếm khoảng 3.9 phần trăm, trong khi ở xứ Úc ấm hơn thì con số đó là 6.5 phần trăm, theo nghiên cứu quốc tế nói ở phần trên, và cứ 15 người chết thì có một là liên quan đến cái lạnh của mùa đông. Mà lý do lại không phải là vì không thích nghi được với cái lạnh. Có một cách giải thích tương đối có lý: nhà xây ở Thụy Điển tốt và trang bị kỹ hơn để chống lại cái lạnh, vả lại người dân Thụy Điển biết chuẩn bị trước và mặc đủ áo ấm cho mùa đông hơn.
Một giáo sư người Úc khi đem so sánh hai căn nhà – một xây ở Úc và một xây ở Thụy Điển – đã nói rằng căn nhà ở Úc xây bằng gỗ mỏng manh chỉ khá hơn một cái lều và vì vậy người dân Úc phải chống chọi với cái lạnh nhiều hơn người dân ở các xứ Bắc Âu mặc dù thời tiết mùa đông ở Úc trung bình ấm hơn nhiều. Sự so sánh này cũng có thể áp dụng cho người dân sống ở khu vực miền nam nước Mỹ nếu đem so với người dân sống ở khu vực Đông Bắc lạnh hơn rất nhiều.
Vậy, câu hỏi là vì sao mùa đông lại gây tử vong cao như vậy? Theo một số nhà nghiên cứu ở Anh, là vì khoảng một nửa số tử vong liên quan tới lạnh là do hậu quả của máu đóng cục đưa đến trụy tim và đột quỵ. Máu trở nên đặc hơn khi gặp lạnh là vì số lượng máu lưu thông tới da giảm đi để giữ hơi ấm cho cơ thể. Kết quả là có quá nhiều máu dư ở khu vực trung tâm của cơ thể. Máu đặc có nhiều nguy cơ dễ bị đông cục. Một yếu tố quan trọng khác có nguy cơ gây ra trụy tim và đột quỵ là áp huyết, cũng có xu hướng tăng cao khi gặp lạnh.
Vào mùa đông trời lạnh, người ta có thói quen ở trong nhà nhiều hơn và tụ họp trong những gian phòng kín, tạo điều kiện lây lan qua đường hô hấp những bệnh như cảm, cúm và viêm phổi là những tác nhân có thể gây thiệt mạng cho những ai đang có sẵn những căn bệnh mãn tính liên quan đến tim, phổi, tiểu đường, suyễn và thậm chí ung thư.
Lẽ đương nhiên, tai nạn trong những tháng mùa đông góp một phần lớn trong số người chết do trời lạnh. Tuy nhiên, tai nạn xe cộ thì chỉ góp một phần, một phần khác là những tai nạn tưởng là cỏn con như trượt té hay vấp ngã trong khi xúc tuyết hay cào tuyết trên lối đi trước nhà mà ít ai nghĩ tới là sẽ xảy ra cho mình. Rồi lò sưởi đốt củi nếu không cẩn thận cũng có thể gây ra hỏa hoạn hay hơi ngạt ngay trong nhà.
Mùa đông đến rồi đi mỗi năm một lần. Không ai có thể ngăn cản được cái lạnh vì đó là quyền uy tối thượng của tạo hóa. Nhưng chúng ta vẫn có thể chuẩn bị tinh thần trước và thận trọng khi mùa đông đến. Giống như câu danh ngôn tiếng Anh: Khi thời tiết đẹp thì hãy chuẩn bị cho lúc trời xấu. (In fair weather prepare for foul. – Thomas Fuller). Có chuẩn bị trước bao giờ cũng hơn, nó giúp ta phần nào có thể tránh được những tai nạn nhiều khi hết sức vô duyên.
Huy Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét