Theo báo New York Times, trong bản thông cáo nêu quan điểm dài 14 trang phát đi ngày 20-1, Văn phòng tư vấn pháp lý của Bộ tư pháp cho biết, căn cứ vào thẩm quyền tuyển dụng đặc biệt của tổng thống, các vị trí bổ nhiệm trong Nhà Trắng sẽ không vi phạm luật ngăn cấm tình trạng gia đình trị của chính phủ liên bang.
Trước đó một số chuyên gia pháp lý lo ngại việc ông Trump bổ nhiệm con rể làm cố vấn Nhà Trắng là vi phạm một điều luật của năm 1967 cấm gia đình trị trong chính phủ liên bang. 6 năm trước khi có luật này, tổng thống John F. Kennedy đã bổ nhiệm em trai ông là ông Robert làm Bộ trưởng tư pháp.
Tuy nhiên trong thông cáo, Bộ Tư pháp trích dẫn một điều luật ra sau đó năm 1978 cho biết, tổng thống có quyền bổ nhiệm các thành viên trong đội ngũ nhân sự của Nhà Trắng mà không nhắc tới các điều luật khác.
Bộ Tư pháp phát đi thông cáo nêu quan điểm của họ ngay sau khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức. Quan điểm này tỏ ra đối lập với chính những quan điểm trước đó của Bộ Tư pháp.
Ví như trong thời cầm quyền của tổng thống Jimmy Carter, quan điểm của Bộ tư pháp cho rằng, con trai ông Carter không thể giữ cương vị là trợ lý không hưởng lương cho một thành viên trong đội ngũ nhân sự của Nhà Trắng.
Bản thông cáo của Bộ tư pháp cũng không nói tình huống của ông Kushner, con rể ông Trump, có gì khác so với tình huống liên quan tới con trai ông Carter.
Quyết định của Bộ Tư pháp đã mở đường cho ông Kushner, 35 tuổi, có cơ hội tiếp cận rất thoải mái với bố vợ tại Phòng Bầu dục. Ông Kushner đã là cố vấn thân cận nhất của ông Trump và trải qua bao sóng gió trong cả giai đoạn tranh cử cũng như quá trình chuyển giao, ông vẫn giữ được vị trí vững chãi này, và thường được ví như là "bộ não thứ hai" của tân tổng thống Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét