Nằm giữa dòng sông Hậu và cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 40km, cù lao Tân Lộc thuộc quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, được nhiều người địa phương gọi bằng cái tên “Ðảo Ðài Loan” vì nơi đây có cả ngàn cô gái dâu lấy chồng Ðài Loan và sau này là Hàn Quốc với hy vọng “đổi đời.”
Từ Sài Gòn đi đến bến xe Cần Thơ khoảng 220km, rồi bắt thêm một chuyến xe buýt đi theo quốc lộ 91 khoảng 40km theo hướng về Long Xuyên, tỉnh An Giang là đến “Ðảo Ðài Loan.”
Con đường duy nhất để đi sang cù lao Tân Lộc là bằng phà, bởi thế, bến phà như một “trung tâm văn hóa” vì nó là nơi giao lưu hàng hóa, buôn bán và cũng là nơi đưa tiễn không biết bao nhiêu cô dâu ra nước ngoài.
Cỡ nào cũng gả con
Chúng tôi đến hòn cù lao Tân Lộc vào một buổi trưa nắng gắt của những ngày giáp Tết Ðinh Dậu. Ðập vào mắt mình là một vùng quê xứ vườn, hiền hòa, thơ mộng. Khí hậu ở đây khá dễ chịu khi giữa buổi trưa nắng gắt, nhưng vẫn có từng cơn gió rì rào làm dịu mát cả một khung trời. Con đường dẫn vào làng được tráng nhựa thẳng tắp.
Khi được hỏi những gia đình có con gái lấy chồng Ðài Loan, lập tức anh Thắng, 42 tuổi, chạy xe ôm cho biết: “Ở xứ này phần lớn các gia đình là có con gái lấy chồng Ðài Loan, chỉ trừ những gia đình không có con gái thôi.”
Theo chân anh Thắng, chúng tôi đến từng gia đình “tiêu biểu” mà anh cho là giàu lên nhờ có con lấy chồng Ðài Loan. Ðiểm dừng chân đầu tiên là gia đình ông Nguyễn Ngọc Quang, nhà ở thôn Tân Thạnh 1, Tân Lộc, nằm cách bến phà khoảng 1km.
Ông Quang là một trong những người đã gả con đi Ðài Loan sớm nhất làng, anh Thắng vừa chạy xe về nói chuyện.
Muốn sang “đảo Ðài Loan” chỉ có duy nhất một con đường là đi phà.
Trong căn nhà tường cao vừa mới cất, rộng rãi và thoáng mát với những tiện nghi chẳng thua gì nhà ở thị thành, ông Quang, chủ nhà, kể: “15 năm trước, gia đình sống nhờ vào mấy ruộng trồng mía, cả nhà có đến 8 miệng ăn. Làm xong mùa vụ, quay qua quay lại thiếu trước hụt sau. Những lúc túng thiếu phải đi hỏi nợ, cứ vậy ngày qua ngày, nợ mẹ đẻ nợ con, 7 công đất ruộng lần lượt mang ra bán, không trả đủ. Cùng đường, đành gả đứa con gái duy nhất ‘cho Ðài Loan’ với hy vọng nhỏ nhoi là con sẽ biết báo hiếu.”
“Hồi đó phải đi theo ‘Ðoàn’. Tức là có người mai mối, họ xuống tận nhà, ngỏ ý rồi đưa con chúng tôi lên Sài Gòn. Họ thuê nhà ăn ở để chờ ngày ‘ra mắt’ các chủ rể Ðài Loan. Họ cam kết là sẽ chắc chắn có chồng người nước ngoài.” Ông Quang cho hay.
“Cũng may là gặp thằng rể cũng dễ tính. Ngoài công việc nhà, nó còn cho vợ ra ngoài làm thêm để có tiền gửi về giúp ba mẹ. Nhờ thế mà trong 5 năm đầu tôi đã trả hết nợ nần. Sau mấy năm tích cóp thêm, tôi cũng xây được căn nhà với giá 700 triệu (khoảng $35,000).”
Ðau xót phận trai làng
Anh Thắng xe ôm kể: “Bây giờ trai làng ế vợ nhiều lắm. Nhiều gia đình khá giả hơn thì phải đi thật xa, ra tỉnh khác thì mới tìm được vợ.”
Quả thật đúng như lời anh Thắng nói. Buổi trưa, khi chúng tôi tấp vào một quán café ven đường, tất cả khách đều là đàn ông thanh niên trai tráng trong làng, họ tụ tập đến đây để uống café đánh cờ tướng giải khuây.
Anh Trần Quyết 31 tuổi, người Tân Lộc cho biết: “Ở xứ này bây giờ cũng chẳng biết làm gì ra tiền. Hầu hết trai làng đều lên Sài Gòn hay các tỉnh khác để tìm việc làm. Còn lại đám tụi tôi thì cứ quanh quẩn ở khu làng này, đứa chạy xe ôm, đứa làm nghề thợ ‘đụng’, tức ai kêu đâu làm đó.”
Cô dâu Ðài Loan Phan Thùy Trang, năm nay được về quê ăn Tết sớm vì có con nhỏ và đang mang bầu.
Nâng ly cà phê lên uống một ngụm, anh Nguyễn Anh Tài, 35 tuổi ngậm ngùi cho biết: “Tôi 35 tuổi mà vẫn chưa có vợ. Ngày trước cũng quen một cô trong làng này, nhưng gia đình họ không chịu cho cưới, vì tôi nghèo. Họ chỉ muốn con gái mình lấy chồng nước ngoài, bởi thế mà cô ‘người yêu’ cũng vì chữ hiếu mà vâng lời cha mẹ.”
May mắn hơn anh Tài, anh Trần Hồng Thanh, 32 tuổi hớn hở cho biết: “Tháng sau là tôi cưới vợ. Vợ người Bạc Liêu, hai đứa quen nhau dưới đó khi tôi làm công nhân cho một công ty thủy sản. Tuy có hơi xa, nhưng còn đỡ hơn ế.” Anh Thanh vừa cười, vừa chỉ những khuôn mặt bên cạnh như muốn khoe cho cả đám thanh niên ở đây là “tao sắp có vợ rồi.”
Buồn vui ngày Tết
Ðặc điểm chung là mặc dù chỉ thông qua mai mối, tuy nhiên hầu hết con gái xứ này đều “gặp may” khi rất ít trường hợp phải rơi vào cảnh bi đát nơi xứ người. Tuy nhiên rất ít cô dâu về quê nhà trong dịp Tết.
Chị Phan Thùy Trang, 32 tuổi, là cô dâu Ðài Loan về quê ăn Tết sớm cho hay: “Tôi lấy chồng lúc 18 tuổi. Có với nhau 1 đứa con thì hai vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn trong vấn đề làm ăn, nên ly dị. Sau đó tôi đã lập gia đình mới, cũng một ông chồng Ðài Loan, có thêm 2 người con, một đứa 3 tuổi và 1 đứa đang mang bầu 7 tháng.”
“Vì mang bầu nên năm nay ông xã tôi cho về quê sớm để đón Tết và sinh con ở Việt Nam luôn. Vì bên đó cũng không có người chăm sóc, mà giá thuê người làm thì quá đắt. Rồi sắp Tết thì ông xã sẽ về Việt Nam ăn Tết luôn.”
Khi được hỏi về các cô đâu Việt Nam, nhất là người cùng quê mình sống bên Ðài Loan thế nào thì, chị Trang cho biết: “Công bằng mà nói thì rất ít người giàu, nhưng cũng không đến nỗi quá nghèo. Vì phần lớn những người Ðài Loan qua Việt Nam lấy vợ đều thuộc thành phần trung bình của xã hội Ðài Loan.”
“Tuy nhiên phần lớn người Ðài Loan họ rất đàng hoàng. Nên chúng tôi cũng đỡ. Mặc dù 2 vợ chồng cũng làm thuê bên đó thôi. Nhưng cũng dành dụm gửi về cho cha mẹ anh em dòng họ được, có thể cất nhà cửa khang trang hơn chứ không khổ như ngày xưa nữa.”
Nói về Tết, chị Trang cho biết: “Hầu hết là ít khi được về nhà trong dịp Tết, vì Ðài Loan họ cũng ăn Tết âm lịch như Việt Nam mình. Phong tục tập quán của họ cũng quây quần gia đình bên nhau trong ngày Tết. Bởi vậy mà nhà chồng họ cũng không muốn con cái, kể cả con dâu về Việt Nam.”
Trai làng ở Tân Lộc hầu hết đều ế vợ, tập trung uống cafe chơi cờ tướng.
“Với lại mỗi lần đi về trong dịp Tết rất tốn kém, bởi thế chỉ có những gia đình giàu có và thoải mái thì mới về dịp Tết được. Chứ bình thường rất ít gia đình có điều kiện để về quê ăn Tết,” chị Trang phân trần.
“Tôi đã nhiều năm ăn Tết tại Ðài Loan nên hiểu cảm giác ngày Tết xa quê. Nặng trĩu nỗi lòng, quay quắt trong nỗi khao khát những ngày Tết sum vầy bên gia đình, nhớ bữa cơm tất niên ấm áp. Nhưng đành chấp nhận đón Tết xứ người, để có thêm chút tiền gửi về cho cha mẹ, đàn em thơ có thêm tấm áo mới xúng xính đón Xuân.”
Ðúng như lời chị Trang nói, ông Phan Ngọc Anh, nhà ở Thôn Tân Mỹ 2, Tân Lộc, có một cô con gái lấy chồng Ðài Loan, ngậm ngùi cho biết: “Con gái tôi lấy chồng Ðài Loan cũng đã hơn 10 năm rồi. Thế nhưng nó mới chỉ có một lần về quê thăm tôi, khi tôi bị… ‘tai biến,’ cách đây cũng đã 3 năm.”
Ðến nay ông Anh vẫn chưa mạnh khỏe sau đợt tai biến vào 3 năm trước, tay chân còn run rẩy. Tuy nhiên ông vui vẻ khoe: “Ðứa con gái nó vừa gửi về cho tôi hơn 100 triệu (khoảng $5.000) để điều trị bệnh. Nó còn cho biết Tết nay sẽ về quê ăn Tết với ba, vì ba già rồi nên lỡ có chuyện gì thì con hối hận không kịp.”
Nói về không khí Tết ở Tân Lộc vào các năm trước, ông cho biết: “Nói chung so với ngày trước thì dân làng này cũng khá hơn nhiều. Họ đã có tiền sắm sửa áo quần, xe máy, bánh kẹo để đón Tết. Tuy nhiên chỉ có khoảng 10% các cô dâu xứ người là về quê ăn Tết, chứ không được nhiều đâu.”
Tính tới Tháng Giêng năm 2015, quận Thốt Nốt có hơn 3,000 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, trong đó nhiều nhất là lấy chồng Ðài Loan với 1,680 người và Hàn Quốc với 1,198 người. (Nguồn: Hội Phụ Nữ quận Thốt Nốt, Cần Thơ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét