Interpol dưới quyền Trung Quốc: Có đáng ngại?
Cuộc bầu cử diễn ra khá âm thầm tại đại hội đồng lần thứ 85 ở Bali (Indonesia), đúng một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, với hai ứng viên, ông Mạnh Hồng Vĩ với 123 phiếu đã thắng đối thủ duy nhất, một người Namibia chỉ nhận được 28 phiếu, để đảm trách nhiệm kỳ 4 năm.
Theo nhật báo Libération (16/11/2016), ngoài quốc tịch của tân giám đốc Interpol, lý lịch nghề nghiệp của Mạnh Hồng Vĩ, cũng khiến giới quan sát lo ngại, trong khi Trung Quốc vẫn thụt lùi trong vấn đề tôn trọng nhân quyền.
Interpol làm nhiệm vụ gì?
Tên gọi chính thức của Interpol là Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế, có trụ sở tại thành phố Lyon, Pháp. Interpol là tổ chức liên chính phủ lớn thứ hai trên thế giới, sau Liên Hiệp Quốc.
Được thành lập năm 1923 tại Vienna, tổ chức cảnh sát này từng nằm trong quyền kiểm soát của Đức quốc xã và được cải tổ lại sau Thế Chiến II. Các nước thành viên đóng góp để Interpol hoạt động. Tuy nhiên, tổ chức không hành động như một lực lượng cảnh sát mà chỉ làm nhiệm vụ lưu trữ, phân tích, điều phối thông tin được cảnh sát các nước thành viên cung cấp về các nghi phạm hay đối tượng bị tình nghi hoạt động khủng bố.
Theo yêu cầu của các nước, Interpol công bố các “lệnh truy nã đỏ”, nhưng không phải là lệnh bắt quốc tế. Đây là cách để Interpol thông báo một lệnh bắt đã được một cơ quan tư pháp của nước thành viên liên quan (đôi khi cũng là của một tòa án quốc tế) phát đi.
Mạnh Hồng Vĩ là ai?
Theo Libération, tân giám đốc Interpol có lý lịch khá đặc biệt. Ông Mạnh Hồng Vỹ, 63 tuổi, là thứ trưởng phụ trách an ninh Trung Quốc. Bộ của ông vẫn bắt giữ, thẩm vấn, bỏ tù các nhà đối lập chính trị, nhà bảo vệ môi trường, luật sư bảo vệ nhân quyền… mà theo khẳng định của bà Maya Wang, thuộc tổ chức Human Rights Watch, họ “có các bằng chứng về tình trạng lạm dụng của bộ Công An, ví dụ tra tấn, giam giữ bữa bãi và trấn áp các nhà bảo vệ nhân quyền”.
Trong quá khứ, ông Mạnh Hồng Vỹ từng đứng đầu lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân Dân, một đơn vị bán quân sự từng xuất hiện trong các đợt trấn áp các cuộc biểu tình, kể cả ở Tây Tạng hay Tân Cương.
Một mối bận tâm khác là ngoài việc giữ chức thứ trưởng Công An, ông Mạnh Hồng Vỹ còn là một nhân vật quan trọng trong đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tờ New York Times từng lưu ý năm 2014 rằng, trong một bài diễn văn trước các sĩ quan cảnh sát, ông Mạnh đã truyền đạt mệnh mệnh cho họ là phải đưa“chính sách, tổ chức của đảng và ý thức hệ lên hàng đầu”.
Ông Bequelin Bequelin, giám đốc Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) tại khu vực Đông Á, nhận định: “Ông Mạnh cũng là phó chủ tịch Uỷ ban tổ chức của Đảng, nằm ngay trong bộ máy an ninh đất nước. Đây là một bộ phận quan trọng, phụ trách bổ nhiệm nhân sự dựa trên cơ sở chính trị, chứ không phải trên tiêu chí chuyên ngành cảnh sát. Nói một cách khác, người ta đang đưa đảng Cộng Sản Trung Quốc vào Interpol”.
Trung Quốc sử dụng Interpol như nào?
Trên website của Interpol, có 160 người bị Trung Quốc truy bắt vì “gian lận”, đó là chưa kể đến các “lệnh truy nã đỏ”không được công bố rộng rãi. Chỉ riêng năm 2015, Bắc Kinh đã phát 100 “lệnh truy nã đỏ”. Một trong số khía cạnh của chiến dịch bài trừ tham nhũng do chủ tịch Tập Cận Bình điều hành từ bốn năm nay, là chiến dịch Skynet với mục tiêu hồi hương các nghi phạm tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài. Theo Tân Hoa Xã, 409 nghi phạm trốn ở nước ngoài đã được đưa về Trung Quốc vào tháng 09/2016.
Thế nhưng, chiến dịch chống tham nhũng này bị nghi ngờ nhằm loại bỏ các nhà đối lập chính trị, trong khi Interpol không có đủ phương tiện để kiểm trả hết các dấu hiệu nhận dạng mà họ nhận được. Tổ chức cảnh sát quốc tế nhắc lại là “các hành động được lực lượng cảnh sát nước thành viên thông qua trong nội bộ không bị quy chế của tổ chức chi phối”.
Libération nêu một trường hợp có thể sẽ bị Bắc Kinh lạm dụng Interpol để phục vụ lợi ích riêng, đó là trường hợp của Dolkun Isa. Nhà đấu tranh ôn hòa người Duy Ngô Nhĩ bảo vệ quyền lợi của tộc người thiểu số Trung Quốc theo Hồi Giáo, hiện đang tị nạn chính trị và được nhập quốc tịch Đức, thường xuyên được mời đi diễn thuyết về nhân quyền trên khắp thế giới. Thế nhưng, vào tháng 06/2016, ông bị Ấn Độ từ chối cấp thị thực do bị Trung Quốc ra lệnh “truy nã đỏ” vì tội “khủng bố”. Điều này lại đi ngược lại hoàn toàn với quy chế của Interpol, theo đó, cấm “mọi hành động can thiệp mang tính chính trị, quân sự, tôn giáo hay chủng tộc”, “mọi cách thức liên quan đến hành động can thiệp như sử dụng các kênh hay công cụ”.
Ông Nicolas Bequelin lưu ý : “Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố tính đến việc sử dụng vị trí của ông Mạnh Hồng Vỹ để hỗ trợ chiến dịch chống tham nhũng. Thế nhưng, phần lớn các chiến dịch này lại do Uỷ ban Kỷ luật Trung ương Đảng điều hành và nằm ngoài hệ thống tư pháp hợp pháp. Điều này đi ngược với nhiệm vụ của Interpol” hoạt động theo “tinh thần của bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền”.
Một điểm bất thường khác cũng được bà Maya Wang nêu bật : “Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng rất nhiều lệnh truy nã đỏ của Interpol với mục đích trao đổi nội bộ, để chứng tỏ cuộc chiến chống tham nhũng có nhiều tiến triển. Vấn đề ở chỗ cuộc chiến này lại do một cơ quan kỷ luật tiến hành và sử dụng hệ thống bắt giữ bất hợp pháp các hanggui” (nghi phạm bị giam giữ bí mật và không có luật sư bảo vệ).
Việc bổ nhiệm này có ảnh hưởng đến các quyết định của Interpol?
Tổng thư ký của Interpol, Jurgen Stock, người Đức, khẳng định mạng lưới Interpol rất rộng. Chính tổng thư ký là người giám sát công việc hàng ngày của tổ chức, chứ không phải là người đứng đầu ủy ban hành pháp, thường đảm nhiệm “xác định chiến lược của tổ chức và định hướng hành động”.
Nỗi lo lớn nhất của các tổ chức phi chính phủ là cơ chế kiểm soát sẽ bị suy yếu do ban điều hành lại nằm trong tay các nước có xu hướng lạm dụng hệ thống. Thực vậy, bên cạnh giám đốc Interpol là người Trung Quốc, cũng tại Bali, đại diện các nước đã bầu Alexandre Propoktchouck, người Nga, làm phó giám đốc khu vực châu Âu. Dường như để trấn an, phát ngôn viên của Interpol nhấn mạnh rằng đại biểu các nước “cũng đã thông qua những biện pháp mới nhằm tăng cường tính minh bạch của các cơ chế thông tin, trong đó có lệnh truy nã đỏ”.
Hơn nữa, ngay trong trường hợp Interpol ra lệnh truy nã đỏ, các nước thành viên không bị bắt buộc phải dẫn độ những cá nhân bị một chính phủ khác hay một tòa án quốc tế truy nã. Tại Pháp, đã có một trường hợp bắt giữ trong khuôn khổ thỏa thuận dẫn độ giữa Pháp và Trung Quốc, được ký vào năm 2015. Trường hợp dẫn độ nghi phạm đầu tiên chiểu theo thỏa thuận này diễn ra vào tháng 09/2016.
Trở lại trường hợp của nhà đấu tranh người Duy Ngô Nhĩ, theo giải thích của Nicolas Bequelin, “khi ông Dolkun Isa bị bắt (ở sân bay Seoul năm 2009, khi đang đến Diễn Đàn thế giới về dân chủ tại châu Á), chính phủ Đức đã thông báo với Trung Quốc là họ không có bằng chứng cho thấy nhà đấu tranh Duy Ngô Nhĩ đã phạm tội ác chiểu theo luật pháp của Đức hay quốc tế. Nhưng tại một số nước nơi có hệ thống tư pháp yếu kém hơn, có thể sẽ có quyết định trục xuất mà không tuân thủ thủ tục tư pháp thật sự”.
Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh tăng cường chiến dịch cảnh sát bên ngoài lãnh thổ để “săn tìm” những người ly khai cùng với sự hỗ trợ của Interpol hoặc không cần, ví dụ như vụ bắt giữ “các nhà sách Hồng Kông”. Giám đốc Ân Xá Quốc Tế tại khu vực châu Á, trích nguồn tin nội bộ, cho biết : “Trung Quốc nổi tiếng trong nội bộ Interpol là một trong những nước đưa ra các yêu cầu mang rõ tính chính trị. Nói chung, các đại diện của tổ chức này đều hiểu rõ quy mô chính trị trong một số yêu cầu. Tuy nhiên, rất nhiều ý định sử dụng Interpol một cách bất hợp pháp đã bị ngăn chặn hay bị buộc từ bỏ. Nhưng thật sự là không có cơ chế kiểm soát minh bạch và có hệ thống”.
Một trường hợp khác gần đây được cho là định sử dụng các bộ phận của Interpol nhằm mục đích chính trị là trường hợp Nikita Kulachenkov, một nhà đấu tranh chống tham nhũng người Nga và thân cận với nhà đối lập Alexei Navalny. Tháng 01/2016, ông Nikita Kulachenkov bị tạm giam vài ngày ở đảo Chypre vì bị lưu trong danh sách “tội phạm” của Interpol do đã ăn cắp một đồ vật trị giá 1,5 euro. Libération đặt câu hỏi: Liệu trường hợp này có khiến tân phó giám đốc Interpol, từng là thành viên của bộ Nội Vụ Nga từ năm 2003, xúc động hay không? - RFI
2.
Trung Quốc: Hoa Kỳ gia tăng áp lực quân sự tại Biển Đông
Ngày 25/11/2016, một cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc công bố báo cáo đặc biệt về sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại châu Á - Thái Bình Dương, với chính sách « xoay trục », mà tiêu điểm là Biển Đông. Đây là đầu tiên Trung Quốc ra báo cáo về chủ đề này.
Người phụ trách bản báo cáo bày tỏ lo ngại là chính sách cứng rắn với Trung Quốc tại Biển Đông sẽ được đẩy mạnh trong nhiệm kỳ tổng thống mới.
Buổi ra mắt được quảng bá rầm rộ
Chính quyền Trung Quốc đã tổ chức rầm rộ buổi ra mắt báo cáo, với gần 60 cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, trong đó các báo đài nổi tiếng của phương Tây, như kênh NBC, các báo New York Times, Wall Street Journal, Washington Post, Financial Times, Yomiuri Shimbun, China Times (Đài Loan), các hãng tin Reuters, Bloomberg… Khoảng 80 đại diện các sứ quán và cơ sở nghiên cứu tham dự buổi ra mắt.
Thông tin của Viện Nghiên Cứu Nam Hải (tức Biển Đông) Quốc Gia (NISCSS), có trụ sở tại đảo Hải Nam, cơ quan chủ trì thực hiện, cho biết : Báo cáo gồm 5 chương, dài hơn 30.000 từ, tập trung mô tả hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương kể từ khi Hoa Kỳ thực hiện « tái cân bằng » năm 2010, chính sách Biển Đông của Washington, và các hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Năm 2015 : hơn 700 cuộc tuần tra « bảo vệ an toàn hàng hải »
Một tiêu điểm của bản báo cáo là các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ tại vùng Biển Đông. Hãng tin Bloomberg dẫn lại báo cáo, cho biết trong năm 2015, Hải Quân và Không Quân Hoa Kỳ đã tiến hành hơn 700 cuộc tuần tiễu tại Biển Đông, khiến Trung Quốc trở thành « mục tiêu theo dõi số một của Mỹ », và các hoạt động quân sự của Mỹ tại các vùng biển giáp với Biển Đông chưa bao giờ lại mạnh mẽ như vậy. Báo cáo cũng khẳng định : Các cuộc tuần tra tại Biển Đông là một đe dọa đối với chủ quyền lãnh thổ và an ninh của Trung Quốc.
Báo cáo của viện nghiên cứu về Biển Đông của Trung Quốc cũng thừa nhận mục tiêu số một và mục tiêu cơ bản của các hoạt động tuần tra của Hoa Kỳ là để « bảo vệ quyền tự do hàng hải », và mục tiêu thứ hai là để « tăng cường các quan hệ với đồng minh và đối tác » của Mỹ.
Vẫn theo Bloomberg, Ông Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun), người phụ trách báo cáo, cảnh báo « nếu Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường tuần tra và hoạt động tình báo tại Biển Đông, Trung Quốc có thể sẽ thành lập vùng nhận dạng hàng không ».
Tránh chạy đua vũ trang mới với Mỹ
Các hãng tin Reuters, ABC, Bloomberg đều dẫn lời ông Ngô Sĩ Tồn, nhấn mạnh là chính sách nói trên của Hoa Kỳ tại châu Á - Thái Bình Dương và Biển Đông, với tân chính quyền Donald Trump, chắc chắn vẫn sẽ được tiếp tục.
Ông Chu Phượng (Zhu Feng), một người đồng phụ trách buổi ra mắt bản báo cáo, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Hợp tác biển (Đại học Nam Ninh/Nanjing), cho Reuters biết, mục tiêu của bản báo cáo này là để tránh cho Trung Quốc và Hoa Kỳ rơi vào một cuộc « chạy đua vũ trang ». Hai ông Ngô Sĩ Tồn và Chu Phượng đều phán đoán Washington thời Donald Trump rất có thể sẽ gia tăng chi phí quân sự, tương tự như các tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng Hòa.
Tuy nhiên, quan hệ Trung-Mỹ không chỉ có tiêu cực, báo cáo của Viện nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc cũng dành nhiều trang để ca ngợi sự phát triển của quan hệ hợp tác quân sự song phương và tầm quan trọng của quan hệ này. Báo cáo nhấn mạnh : quân đội hai nước hiện nay đã trở nên « cởi mở hơn và mềm dẻo hơn trong các trao đổi, hợp tác về an toàn hàng hải », với các cuộc viếng thăm của tàu chiến, trao đổi khoa học quân sự, diễn tập phối hợp và đối thoại về an ninh tin học. Báo cáo cũng nhấn mạnh đến bộ Quy Tắc Tránh Va Chạm Ngoài ý Muốn Trên Biển (CUES), vừa được nhiều quốc gia Biển Đông và châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc và Hoa Kỳ, thông qua.
Ai là người bị chèn ép ?
Với bản báo cáo vừa được công bố, Bắc Kinh dường như muốn chứng minh với cộng đồng quốc tế là Trung Quốc đang có phần bị Hoa Kỳ chèn ép.
Trên thực tế, trong những năm vừa qua, đặc biệt là hai năm 2013-2014, Trung Quốc đã gia tăng gấp bội hoạt động xây dựng, củng cố các cơ sở quân sự tại nhiều thực thể địa lý ở Biển Đông, khiến các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại. Một trong những lý do chủ yếu khiến Hoa Kỳ gia tăng tuần tra tại Biển Đông trong năm 2015 vừa qua là thể theo nhu cầu của các đồng minh và đối tác trong khu vực, nhằm ngăn chặn các tham vọng thái quá của Bắc Kinh.
Các hành động lấn lướt về quân sự cũng như tàn phá môi trường của Trung Quốc tại Biển Đông cũng là chủ đề chính trong bản báo cáo dài gần 600 trang, mà Ủy Ban đánh giá về Kinh Tế và An Ninh Mỹ-Trung của Quốc Hội Mỹ (U.S. - China Economics and Security Review Commission), vừa công bố ngày 16/11. - RFI
3.
Xe tăng Singapore bị giữ ở Hong Kong
Hải quan Hong Kong vừa thu giữ chín xe bọc thép và thiết bị quân sự thuộc về quân đội Singapore tại một cảng lớn ở Hong Kong sau khi lô hàng này cập cảng từ Đài Loan.
Giới truyền thông ở Hong Kong và Đài Loan nói các xe tăng này đang trên đường về Singapore sau một cuộc tập trận ở Đài Loan.
Một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đài Loan khẳng định các xe tăng này không thuộc về Đài Loan và phủ nhận Đài Loan có liên quan đến lô hàng.
Theo quy định của Hong Kong, các chuyến tàu chở các hàng hóa chiến lược phải được cấp giấy phép.
Các nhân viên hải quan ở bãi container Kwai Chung đã nghi ngờ khi họ thấy hình các xe tăng được phủ bạt trong một container mở nắp, một nguồn tin chính phủ Hong Kong nói với tờ South China Morning Post.
Hải quan Hong Kong nói 12 container đang trên đường đi từ Đài Loan tới Singapore có mang "những mặt hàng đáng nghi cần được kiểm tra" đã bị phát hiện, nhưng không cho biết thêm thông tin chi tiết.
Hôm thứ Năm 24/11, Bộ Quốc phòng Singapore (Mindef) ra thông cáo nói: "Chính quyền Singapore đang có sự hỗ trợ cần thiết cho Cục Hải quan Hong Kong để lô hàng này trở về Singapore nhanh chóng. Các xe tăng bọc thép được Lực lượng Vũ trang Singapore dùng trong các cuộc tập trận ở nước ngoài và được chuyển về Singapore bằng đường thương mại, giống như các lần tập trận trước đây."
Tuy nhiên, thông cáo không nói rõ số lượng xe tăng hay chi tiết về các thiết bị quân sự bị giữ.
Quan hệ ba bên phức tạp Trung - Sing - Đài
Singapore và Đài Loan đã ký hiệp định quốc phòng từ năm 1974. Theo "Dự án Sao sáng" (Project Starlight), quân đội Singapore được phép tập trận ở Đài Loan cùng quân đội Đài Loan.
Singapore đã thành lập ba doanh trại đào tạo quân đội ở Đài Loan từ năm 1975, huấn luyện tới 15.000 lính mỗi năm ở Đài Loan.
Nhưng trong những năm gần đây, Singapore đã thiết lập quan hệ quân sự gần gũi hơn với Trung Quốc. Hai nước có cuộc tập trận chung năm 2014.
Đài Loan là một nền dân chủ từ năm 1979, nhưng Bắc Kinh vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình. Vì thế Trung Quốc không tán thành hợp tác quân sự giữa Đài Loan và bất cứ nước nào.
Hong Kong là khu bán tự trị được hưởng nhiều tự do so với Trung Hoa Đại lục, nhưng Bắc Kinh vẫn phụ trách chính sách quân sự và ngoại giao của vùng lãnh thổ này.
Đài Loan gần đây bị Hong Kong "khiển trách" vì đã lên tiếng bình luận về vụ hai dân biểu ủng hộ độc lập ở Hong Kong không được giữ vị trí trong Hội đồng Lập pháp.
Vụ lô hàng quân sự của Singapore bị giữ ở Hong Kong rất có thể gây ra xung đột quan hệ ngoại giao phiền toái giữa ba bên vốn đã có mối quan hệ phức tạp.
Sự kiện gây sứt mẻ quan hệ Trung-Sing?
Trong những năm gần đây, quan hệ Trung-Sing đã gặp nhiều sóng gió.
Tháng Chín vừa qua, Đại sứ Singapore tại Trung Quốc Stanley Lo đã có những cuộc bút chiến công khai trên Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, về vụ Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) về Biển Đông.
Tổng biên tập của Hoàn cầu Thời báo viết trong một bức thư ngỏ là Singapore "liên kết với Philippines và Việt Nam" và "lặp lại" quan điểm của Hoa Kỳ và Nhật Bản về các tranh chấp lãnh thổ trong vùng biển này.
Ian Chong, giáo sư chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng việc Hong Kong tịch thu xe tăng đã được dùng trong các cuộc tập trận ở Đài Loan có thể gây ra sứt mẻ mối quan hệ giữa Trung Quốc và Singapore.
"Việc Singapore huấn luyện quân sự tại Đài Loan không được thảo luận công khai, nhưng là chuyện ai cũng biết," ông nói với BBC.
"Chính phủ Trung Quốc rõ ràng là có thể dùng sự cố này để gây áp lực đòi Singapore rút các hoạt động huấn luyện quân sự của mình ở Đài Loan."
"Trung Quốc vốn đã không ưa Singapore, giờ đây lại có thêm chuyện để nghĩ tới sự khác biệt giữa hai nước. Điều đó rõ ràng sẽ làm tăng mâu thuẫn giữa hai quốc gia."
Trong những năm qua, khi mà Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực, Singapore đã duy trì quan hệ quân sự chặt chẽ với Hoa Kỳ, đồng thời cũng đang khám phá những liên kết quân sự mới với Hoa Kỳ.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long viết trong thư chúc mừng ông Donald Trump thắng cử tổng thống Mỹ: "Từ lâu chúng tôi đã ủng hộ sự hiện diện của Mỹ ở khu vực, điều giúp đảm bảo ổn định và hòa bình ở khu vực trong nhiều thập kỷ, và giúp Châu Á - Thái Bình Dương lớn mạnh và thịnh vượng."
Vì Bắc Kinh phụ trách quan hệ quốc tế của Hong Kong, rất có thể Singapore sẽ phải làm việc với Bộ Ngoại giao Trung Quốc để lấy lại lô hàng quân sự này. - BBC
4.
Miến Điện: LHQ tố cáo chiến dịch "thanh lọc chủng tộc" Rohingya
Theo hãng tin Pháp AFP, ngày 25/11/2016, một đại diện Liên Hiệp Quốc tại Bangladesh đã tố cáo : Miến Điện đang bắt đầu tiến hành một cuộc « thanh lọc chủng tộc » nhắm vào cộng đồng thiểu số Hồi Giáo Rohingya. Bangladesh là nước đã phải tiếp nhận hàng ngàn người thuộc cộng đồng này từ Miến Điện chạy qua lánh nạn trong những ngày gần đây.
Trả lời truyền thông quốc tế, ông John McKissick, giám đốc Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc HCR tại thị trấn Bazar Cox ở phía nam Bangladesh, giáp giới với Miến Điện, đã ghi nhận lời chứng của người tị nạn Rohingya về những vụ hãm hiếp tập thể, tra tấn, giết người và thảm sát hàng loạt. Thủ phạm các vụ này là quân lính Miến Điện tại vùng miền Tây, nơi có hàng chục ngàn người Rohingya sinh sống.
Theo ông John McKissick, căn cứ vào các lời chứng, thì đó quả là những hành động « thanh lọc chủng tộc ». Theo Liên Hiệp Quốc, kể từ khi quân đội Miến Điện bắt đầu trả đũa vụ tấn công đồn biên phòng tại vùng biên giới với Bangladesh hồi đầu tháng Mười, đã có 30.000 người phải bỏ nhà cửa chạy qua nước láng giềng tìm đường lánh nạn.
Tuy nhiên, bất chấp áp lực từ cộng đồng quốc tế thúc giục họ mở cửa biên giới để không xảy ra một thảm họa nhân đạo, chính quyền Bangladesh lại kêu gọi Miến Điện có « biện pháp khẩn cấp » để tránh việc người Rohingya chạy qua Bangladesh.
Theo ông McKissick, chính quyền Bangladesh không thể tuyên bố mở cửa biên giới vì điều đó « có thể khuyến khích chính quyền Miến Điện tiếp tục những hành vi tàn bạo để truy bức người Rohingya và đạt được mục tiêu tối hậu là thanh lọc Miến Điện để không còn sắc tộc thiểu số Hồi Giáo này ».
Cáo buộc nói trên đã bị ông Zaw Htay, người phát ngôn của chính phủ Miến Điện của bà Aung San Suu Kyi cực lực phản đối. Trả lời hãng AFP, nhân vật này « tự hỏi về tính chuyên nghiệp và đạo đức của quan chức Liên Hiệp Quốc ». Theo ông Zaw Htay, Liên Hiệp Quốc phải nói chuyện trên cơ sở các sự kiện cụ thể và được kiểm chứng, chứ không nên tố cáo vô căn cứ.
Vấn đề theo AFP là các nhà báo và nhân viên hoạt động nhân đạo không được quyền vào khu vực đang có chiến dịch của quân đội. - RFI
5.
Hàn Quốc: Bỏ phiếu truất phế tổng thống vào thượng tuần tháng 12?
Nhiều dân biểu đối lập Hàn Quốc vào ngày 24/11/2016 cho biết là một cuộc bỏ phiếu về việc truất phế tổng thống Park Geun Hye sẽ diễn ra vào tuần tới đây. Ngày càng đông dân biểu thuộc đảng cầm quyền Saenuri lần lượt đứng về phía đối lập và muốn truất phế vị tổng thống bị vướng vào vụ tai tiếng « quân sư Choi ».
Dân biểu đảng Dân Chủ (đối lập) Woo Sang Ho, cho biết là đang tìm cách tổ chức một cuộc bỏ phiếu truất phế tổng thống, nếu được, ngay vào ngày 02/12, và chậm nhất là ngày 09/12 tới đây. Một dân biểu hàng đầu trong đảng cầm quyền Saenuri cũng xác định rằng một cuộc biểu với mục đích trên có thể diễn ra từ đây đến ngày 09/12.
Đảng Dân Chủ đối lập và các dân biểu độc lập chỉ chiếm được 171 ghế trên tổng số 300 ghế Quốc Hội, trong lúc để truất phế tổng thống thì phải hội đủ 2/3 số đại biểu.
Theo giới quan sát cho đến gần đây, phe đối lập vẫn thận trọng chưa muốn sử dụng đến vũ khí truất phế vì không nắm chắc phần thắng nếu diễn ra một cuộc bầu cử trước thời hạn khi tổng thống bị truất phế. Nhiệm kỳ tổng thống của bà Park Geun Hye kết thúc vào tháng 02/2018.
Tuy nhiên, ngày 23/11, cựu lãnh đạo đảng Saenuri ông Kim Moo Sung đã lên tiếng cho là tổng thống Park Geun Hye phải bị truất phế vì đã vi phạm Hiến Pháp. Đến nay, đã có 30 nghị sĩ đảng cầm quyền chấp thuận việc truất phế.
Vấn đề là để sự kiện hiếm hoi này đi đến nơi đến chốn, cần phải đợi Tòa Bảo Hiến cho ý kiến, một tiến trình có thể mất nhiều thời gian.
Vụ tai tiếng liên quan đến Choi Soon-Sil, người bạn « quân sư » của bà Park Geun Hye, bị tố cáo can thiệp vào công việc nhà nước, lợi dụng quan hệ thân thiết với tổng thống để tống tiền, buộc các tập đoàn Hàn Quốc rót tiền vào quỹ mà bà sáng lập… ngày càng phình lên. Bản thân tổng thống còn bị tố cáo là đã « câu kết » với bà Choi.
Trong khi đó thì người dân Hàn Quốc liên tục xuống đường đòi bà Park Geun Hye từ chức. Điểm tín nhiệm của bà xuống mức thấp kỷ lục : chỉ còn 4% người tin tưởng, theo kết quả thăm dò của Gallup Korea, công bố ngày 25/11. - RFI
6.
Thủ tướng Nhật bất bình Nga đặt tên lửa tại Kuril
Bình luận về sự kiện Nga vừa đưa nhiều dàn tên lửa di động tới quần đảo tranh chấp Kuril, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm qua, 25/11/2016, cho biết ông thất vọng vì hành động tăng cường vũ trang của Matxcơva tại « vùng lãnh thổ bất khả phân » của Nhật Bản.
Bốn đảo nằm giữa Bắc Hải Đạo (Hokkaido) và mũi Kamchka cực nam của Nga bị Matxcơva kiểm soát từ sau khi Thế Chiến thứ hai kết thúc. Ngày 22/11/2016, truyền thông Nga loan tin nhiều dàn tên lửa phòng không có tầm bắn 300 km đã được đưa ra đảo Kounachir.
Trong buổi điều trần tại Thượng Viện Nhật ngày 25/11, thủ tướng Shinzo Abe cho biết qua các kênh ngoại giao, chính phủ đã nhiều lần khuyến cáo Nga tôn trọng lập trường của Nhật (không chấp nhận quân sự hóa khu vực tranh chấp) nhưng cuối cùng Nga vẫn bất chấp và đã đưa tên lửa đến quần đảo « thuộc chủ quyền của Nhật ». Tuy vậy, thủ tướng Nhật chỉ phản ứng nhẹ nhàng gọi sự kiện này là chuyện «đáng tiếc».
Theo Reuters, động thái của Nga bố trí tên lửa tại Kuril gây thất vọng cho thủ tướng Nhật diễn ra vào lúc Tokyo chuẩn bị đón tiếp tổng thống Vladimir Putin vào hai ngày 15 và 16/12/2016. Mục đích của chuyến công du này là «phát huy mối quan hệ song phương và giải quyết tranh chấp lãnh thổ».
Thứ Tư 23/11, Matxcơva đã trấn an Tokyo với luận điểm các dàn tên lửa phòng không K300P Bastion B sẽ không tác hại đến nỗ lực «tìm kiếm một hiệp định hòa bình» với Tokyo. - RFI
7.
Pháp: Khủng bố mưu toan tấn công ngày 01/12 --- Bầu sơ bộ phe hữu Pháp: "Cứng rắn" lấn át "ôn hòa"
Nhóm khủng bố bị bắt hồi cuối tuần trước, nhận lệnh từ lãnh thổ Daech kiểm soát ở Irak-Syria, đã dự định tấn công ở vùng thủ đô Paris vào ngày 01/12/2016. Trên đây là xác định của biện lý tòa án Paris trong cuộc họp báo sáng 25/11.
Trong cuộc họp báo, biện lý François Molins cho biết thêm một số kết quả điều tra sau khi bắt đuợc 7 kẻ tình nghi ở Strasbourg và Marseilles hồi cuối tuần, một phần nhờ mật báo của an ninh Maroc. Trừ hai người được thả, năm nghi can còn lại, gồm bốn người Pháp và một người Maroc, đã được giao cho cơ quan điều tra khủng bố để truy tố.
Theo tài liệu tịch thu được, toán khủng bố nhận lệnh trực tiếp từ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo - Daech - ở Irak và Syria. Nhóm này chuẩn bị ra tay vào ngày 01/12, nhưng các nhà điều tra không thể biết chính xác mục tiêu.
Một nguồn tin riêng của AFP cho biết thêm có hàng chục địa điểm đã được toán nghi can khủng bố tìm kiếm trên mạng internet, tất cả nằm trong vùng Paris và vùng phụ cận. Trong số này có cơ quan cảnh sát tư pháp Paris, chợ phiên Giáng sinh trên đại lộ Champs Elysées, công viên giải trí Disneyland Paris, một trạm xe điện ngầm, một số cơ sở tôn giáo, quán cà phê… - RFI
***
Tên tuổi ứng cử viên phe trung hữu sẽ được cử tri quyết định trong vòng hai sơ bộ vào ngày Chủ nhật 27/11/2016 . Ngày 24/11, trong cuộc tranh luận cuối cùng giữa hai đối thủ vào chung kết, phần thắng có vẻ nghiêng về cựu thủ tướng François Fillon, đại diện xu hướng tự do. Cựu thủ tướng Alain Juppé kỳ vọng vào thành phần cánh tả trợ sức lật ngược thế cờ.
Cuộc tranh luận làm sáng tỏ cương lĩnh của hai ứng cử viên muốn đại diện cánh hữu diễn ra trong bầu không khí lịch sự, ôn hoà, nhưng không khoan nhượng.
Mỗi người bảo vệ chặt chẽ quan điểm khác biệt của mình, từ kéo dài số giờ làm việc hàng tuần, biên giảm công chức, tăng tuổi về hưu, cho đến công nhận hay chống phá thai. Khi ông François Fillon giải thích chủ trương « làm 39 giờ trả lương 37 giờ », thì đối thủ Alain Juppé chỉ đáp nhẹ nhàng : không làm được đâu nhé.
Theo một kết quả thăm dò ý kiến sau cuộc tranh luận truyền hình (được hơn 8,5 triệu khán giả theo dõi ), ông François Fillon thắng thế với 57% trong khi đối thủ Alain Juppé được 41%.
Trong vòng một sơ bộ François Fillon bất ngờ vượt lên hạng nhất, vừa đánh bại cựu tổng thống Nicolas Sarkozy vừa qua mặt ông Alain Juppé đến 16 điểm, người đã dẫn đầu mọi kết quả thăm dò ý kiến cho đến tận ngày bỏ phiếu.
Theo dự báo của giới phân tích, trong bối cảnh phe tả suy yếu chia rẽ, đại diện của phe trung hữu sẽ đụng với ứng cử viên đảng cực hữu bài ngoại Marine Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 05/2017 và có nhiều xác xuất sẽ là tổng thống tương lai của Pháp.
Liệu ông Alain Juppé có cơ may lật ngược thế cờ trong cuộc bầu vòng hai sơ bộ vào Chủ nhật 27/11 này hay không ? Đáp án nằm trong tay cử tri đảng Xã Hội cũng như những người tuy đồng ý đã đến lúc nước Pháp cần phải thay đổi sâu rộng, nhưng muốn cải cách trong ôn hòa và bảo vệ thụ đắc an sinh xã hội. - RFI
Tin Hoa Kỳ
8.
Đảng Xanh huy động 2,5 triệu đôla để đếm lại phiếu bầu tổng thống ở Wisconsin
Ứng cử viên tổng thống Đảng Xanh Jill Stein hôm thứ Năm đã đạt được chỉ tiêu 2,5 triệu đôla tiền quyên góp để yêu cầu kiểm phiếu lại tại Wisconsin, một trong ba bang nơi bà định yêu cầu kiểm tra lại kết quả bầu cử tổng thống, theo ban vận động của bà.
Bà Stein sẽ yêu cầu Wisconsin xác minh tổng số phiếu bầu do máy điện tử đếm mà ban vận động của bà nói là "rất dễ bị tin tặc xâm nhập và bị lập trình lại có ác ý" trong một thông cáo trên website của mình.
Bà cũng đang nỗ lực huy động thêm 2 triệu đôla nữa để yêu cầu tái kiểm phiếu ở bang Michigan và bang Pennsylvania, những nơi mà hạn chót để nộp giấy tờ cần thiết là tuần sau.
Những chuyên gia bầu cử đã xác định Wisconsin, Michigan và Pennsylvania là những bang có "những bất thường thống kê," theo ban vận động của bà Stein.
"Chúng ta xứng đáng có được những cuộc bầu cử mà chúng ta có thể tin tưởng," ban vận động của bà nói.
Ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump vượt qua ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton với cách biệt mong manh ở ba bang chiến trường này trong khi ông sắp sửa giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 8 tháng 11. Trước cuộc bầu cử, nhiều cuộc khảo sát cho thấy bà Clinton dẫn trước ông Trump.
Mặc dù bà Clinton thắng số phiếu phổ thông, ông Trump thắng số phiếu Đại Cử tri Đoàn với cách biệt khá lớn. Đây mới là những phiếu quyết định ai sẽ là tổng thống Mỹ. Bà Stein giành được một ít hơn 1 phần trăm số phiếu phổ thông.
"Nỗ lực kiểm lại phiếu của chúng tôi không có chủ đích giúp Hillary Clinton," ban vận động của bà Stein nói.
Những chuyên gia bầu cử đang kêu gọi bà Clinton yêu cầu đếm lại bằng tay những phiếu giấy và rà soát lại máy bỏ phiếu ở ba bang này, giáo sư khoa học máy tính J. Alex Halderman của Đại học Michigan viết trong một bài tiểu luận.
Một cuộc kiểm tra như vậy "sẽ giúp xoa dịu nghi ngờ và cho cử tri niềm tin xác đáng rằng kết quả là chính xác," ông Halderman viết trên Medium.com, một website mà người dùng có thể tự đăng những bài viết và bài tiểu luận của mình.
Lời giải hợp lý nhất cho việc những cuộc khảo sát đã dự báo sai chiến thắng của bà Clinton là những cuộc khảo sát "đã sai một cách có hệ thống" chứ không phải là cuộc bầu cử bị tin tặc xâm nhập, ông viết. - VOA
9.
Giới tiêu thụ Mỹ hưởng ứng chương trình khuyến mãi 'Thứ Sáu Đen'
Ngay khi người dân Mỹ chưa ăn xong buổi tiệc Lễ Tạ ơn thì nhiều người đã xếp hàng – một số nơi còn cắm lều trại – bên ngoài các cửa hàng để mong có cơ hội mua hàng giảm giá vào dịp Black Friday - Thứ Sáu Đen.
Trên khắp nước, từ Florida sang Ohio, đến California, người mua sắm xếp hàng dài và dựng lều trại bên ngoài các cửa hiệu sắp mở cửa để mua hàng giảm giá nhân dịp Lễ Tạ ơn.
Từ 6 giờ sáng ngày thứ Năm, siêu thị Kmart đã bán hàng giảm giá, các cửa hàng lớn như JCPenney, Best Buy và Target mở cửa suốt cả ngày.
Từ chiều thứ Năm, khách tiêu thụ đổ xô đến cửa hàng Macy ở thành phố New York để mua sắm, họ xông vào ngay khi cửa tiệm mở cửa, khởi đầu mùa mua hàng giảm giá Black Friday.
Macy cho biết khi mở cửa lúc 5 giờ chiều hôm qua, có đến 16.000 khách xếp hàng ở trước cửa hiệu ở khu Manhattan.
Nhiều trung tâm thương mại mở cửa vào chiều tối thứ Năm hoặc vào sáng sớm thứ Sáu.
Black Friday, là ngày thứ Sáu ngay sau Lễ Tạ ơn, từ lâu là ngày khởi đầu mùa mua sắm ở Hoa Kỳ.
Thứ Sáu Đen là ngày các nhà bán lẻ kiếm ra nhiều lợi nhuận nhất – sổ sách kế toán chuyển từ “màu đỏ”, “tức là lỗ”, sang “màu đen”, tức là “lãi”. - VOA
Tin Việt Nam
10.
Việt Nam và Nga thảo luận mở rộng hợp tác song phương
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Việt Nam Phạm Bình Minh có cuộc đàm phán ở Moscow hôm thứ Năm.
Hai bên sẽ thảo luận việc mở rộng hợp tác song phương trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, khoa học quân sự và các lĩnh vực nhân đạo.
Đặc biệt, hai bên sẽ bàn đến việc Hà Nội từ chối thực hiện chương trình năng lượng hạt nhân quốc gia.
Ông Lavrov nói: “Các bộ trưởng sẽ ký kết một kế hoạch hợp tác giữa bộ ngoại giao hai nước Nga và Việt Nam năm 2017-2018”.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đến Nga “nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa bộ ngoại giao hai nước, so sánh quan điểm về các vấn đề quan tâm chung trên toàn cầu và khu vực, tăng cường phối hợp hành động trên trường quốc tế”, bộ ngoại giao Nga cho biết.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có chuyến thăm chính thức Nga từ ngày 23-25/11 theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov. - VOA
11.
Việt Nam, Campuchia đồng ý nhờ Pháp giúp để phân định biên giới
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 24/11 đã đồng ý cùng viết thư cho chính phủ Pháp để yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật trong việc sao chép bản đồ biên giới thời thuộc địa với độ phân giải cao hơn để sử dụng trong phân định biên giới giữa hai nước.
Trả lời báo giới Campuchia, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Hun Sen, ông Kao Kim Hourn, cho biết hai lãnh đạo Việt Nam – Campuchia đã loan báo quyết định này bên lề hội nghị thượng đỉnh tại Siem Reap hôm 24/11. Cả hai đồng ý xúc tiến viết thư yêu cầu Pháp giúp đỡ kỹ thuật để chuyển đổi tấm bản đồ hiện tại có tỷ lệ 1:100.000 sang chi tiết hơn với tỷ lệ 1:50.000.
Tấm bản đồ sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho việc cắm mốc phân định biên giới giữa hai nước sau khi được phê duyệt trong một cuộc họp tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng Ba năm sau.
Theo lời ông Kim Houn, Thủ tướng Campuchia một lần nữa, yêu cầu Việt Nam chấm dứt xây dựng trong “vùng trắng” chưa phân định ở biên giới. Tuy nhiên, giới chức của Campuchia không cho biết câu trả lời của Thủ tướng Việt Nam về yêu cầu này.
Căng thẳng vùng biên giới lâu nay không chỉ gây xung đột giữa Campuchia và Việt Nam, mà còn được xem là một vấn đề nhạy cảm chính trị giữa chính phủ Campuchia và phe đối lập CNRP.
Phe đối lập tố cáo chính quyền Campuchia đã sử dụng những bản đồ sai để thực hiện phân định biên giới và có thái độ nhượng bộ đối với Việt Nam. Đáp lại, Thủ tướng Hun Sen đe doạ sẽ bắt bất cứ ai tiếp tục vu cáo chính phủ sử dụng sai bản đồ.
Trong thời gian qua, một số nghị sĩ, thượng nghị sĩ của CNRP đã bị bắt vì những lời tố cáo vừa kể. Kể từ cuối năm ngoái, đảng đối lập Campuchia đã không đẩy mạnh vấn đề này thêm và nói họ không muốn gây thêm phẫn nộ cho chính phủ.
Phát ngôn viên của CNRP Yim Sovann hôm 24/11 nói phe đối lập hoan nghênh đề xuất mời chuyên gia Pháp giúp đỡ của ông Hun Sen, và việc sử dụng bản đồ mới chi tiết hơn để phân định cắm mốc biên giới có thể giúp xây dựng lòng tin.
Ông Yim Sovann nói thêm rằng các bên liên quan, trong đó có phe đối lập, nên có một vai trò trong tiến trình phân định biên giới.
Trong những năm gần đây, tranh chấp biên giới giữa Việt Nam và Campuchia đã dẫn đến nhiều vụ xô xát giữa người dân hai nước dọc theo biên giới. Cho tới nay, những nỗ lực song phương giữa Việt Nam và Campuchia không thực sự mang lại kết quả.
Hồi tháng Tám, những bất đồng trong Ủy ban biên giới chung liên quan đến các khu vực tranh chấp đã dẫn đến việc trì hoãn các cuộc đàm phán phân định biên giới. Phía đại diện Campuchia cho rằng chỉ có hai trong số bảy khu vực tranh chấp là cần sự hỗ trợ của Pháp, trong khi Việt Nam muốn Pháp làm trọng tài cho tất cả bảy khu vực. - VOA
12.
Cảnh sát Thái bắt 2 tàu cá của Việt Nam
Cảnh sát biển Thái Lan đã bắt hai tàu đánh cá trái phép của Việt Nam ngoài khơi tỉnh Narathiwat và bắt giữ 9 thuyền viên.
Các thuyền viên người Việt bị đưa tới đồn cảnh sát Narathiwat Muang để thẩm vấn cũng như nghe các cáo trạng.
Phó tư lệnh cảnh sát biển Daecha Upachaya cho biết, các tàu đang bắt trộm hải sâm ở vùng biển của Thái Lan chiều ngày thứ Năm thì bị chặn bắt. Cảnh sát đã thu giữ 30kg hải sâm và tàu thuyền cùng các thiết bị đánh bắt cá.
Các thuyền viên bị cáo buộc đánh bắt hải sâm ở vùng biển Thái Lan để bán ở Việt Nam bởi vì chúng hiếm và đắt.
Cảnh sát biển Thái Lan đã bắt 8 tàu cá của Việt Nam ngoài khơi Narathiwat trong vòng 6 tháng qua, Phó tư lệnh Daecha cho biết.
Trước đó, 4 tàu cá cùng 20 thuyền viên cũng bị bắt tại vùng biển này khi đánh bắt trái phép hải sâm hồi tháng 8.
Ngày 10/7, 29 thuyền viên cùng 3 tàu cá bị hải quân Thái Lan bắt giữ vì cáo buộc đánh bắt trái phép. - VOA
13.
Vì sao Việt Nam khăng khăng làm thép?
Bất chấp sự phản đối gay gắt từ công chúng, chính phủ Việt Nam tiếp tục khẳng định Việt Nam thiếu thép và cần những dự án đầu tư thép khổng lồ. Thái độ quyết liệt của giới hữu trách khiến công luận đặt ra nghi vấn về lý do đằng sau của việc chấp thuận các dự án này, bao gồm cả vấn đề lợi ích nhóm.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Việt Nam, nói với VOA:
“Có thể đây là lợi ích nhóm. Một số các nhà đầu tư đã bằng cách này hay cách khác vận động sau hậu trường ở địa phương, ở tỉnh, ở cấp nào đấy… Vì vậy mà mặc dù người dân, các chuyên gia đều lên tiếng phản đối rất mạnh mẽ, nhưng những dự án đó hiện nay vẫn được chấp nhận. Tôi rất lo ngại rằng quá trình triển khai sẽ gặp phải sự phản kháng của người dân và đến khi sản xuất thì ô nhiễm môi trường sẽ nghiêm trọng hơn nhất nhiều”.
Thắc mắc của công luận cũng đã được Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền của Phú Yên nêu lên trong phiên họp của Quốc họp hôm 15/11. Trong khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, bà Hiền đã hỏi thẳng rằng liệu có hay không lợi ích nhóm trong việc bổ sung quy hoạch dự án, cụ thể ở đây là dự án thép Cà Ná 10 tỷ đôla ở Ninh Thuận của Tập đoàn Hoa Sen; và liệu việc cứ tiếp tục tiến hành bổ sung vào quy hoạch dự án, bất chấp những phản biện mang tính khoa học, tâm huyết của các chuyên gia, thì có phải là hành vi dẫn đến tội ác hay không?
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Hiền, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 3 tỷ đôla sắt thép và dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô. Đến năm 2025, mức thiếu hụt sẽ là 20 triệu tấn và điều này sẽ dẫn đến tình trạng nhập siêu cao và ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Nhưng theo cựu Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, chính quyền Việt Nam hiện vẫn duy trì não trạng công nghiệp hóa theo mô hình cũ của thập niên 1930 cho rằng muốn công nghiệp hóa thì phải có thép. Vì vậy nên Việt Nam từ những năm 1960 đã bắt đầu đầu tư vào khu gang thép Thái Nguyên và tiếp tục quá trình này cho tới nay. TS. Lê Đăng Doanh cho rằng với mô hình công nghiệp hóa hiện đại thì cần phải có những sản phẩm trí tuệ, sáng tạo. Bên cạnh đó, bối cảnh toàn cầu hóa cho phép Việt Nam có thể mua bất kỳ loại thép nào trên thị trường, kể cả thép cao cấp phục vụ cho mục tiêu quốc phòng, nên lý do cho rằng Việt Nam phải tự sản xuất thép là không chính đáng.
Về lý do nhà đầu tư đổ vào đầu tư thép tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế của Việt Nam cho biết có 3 lý do chủ yếu. Ông nói:
“Các nhà sản xuất thép đầu tư vào thép Việt Nam để được lợi từ nguồn điện [giá] thấp đó. Ví dụ như một nhà máy thép của Trung Quốc ở Thái Bình, riêng nhà máy thép đó đã tiêu thụ bằng số điện của cả tỉnh Thái Bình cộng lại, chứng tỏ nhu cầu sử dụng điện của các nhà máy thép là rất lớn”.
Lý do thứ hai, theo TS. Lê Đăng Doanh, là các doanh nghiệp nước ngoài muốn tận dụng giá nhân công rẻ tại Việt Nam.
Ông nói thêm:
“Điều thứ 3 nữa là một số tỉnh muốn thu hút đầu tư nước ngoài để đạt được việc vượt chỉ tiêu tăng trưởng GDP của mình nên đã lặng lẽ giảm bớt những yêu cầu về môi trường. Đấy là điều hết sức nguy hiểm”.
Chuyên gia của Việt Nam cho rằng trong tình trạng dư thừa thép của Trung Quốc và nước này đang bù lỗ để xuất khẩu thép ra các nước, các nhà đầu tư sản xuất thép tại Việt Nam hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ có những ưu đãi đặc biệt cho ngành thép như giá đất, thuế má… để họ có thể cạnh tranh được với thép của Trung Quốc.
TS. Lê Đăng Doanh đặc biệt lưu ý đến tình trạng một số doanh nghiệp Trung Quốc giả danh Việt Nam để đầu tư vào ngành công nghiệp nặng này:
“Có khá nhiều doanh nghiệp Trung Quốc mượn danh về Việt Nam. Gần đây có một dự án thép khổng lồ của một ông đầu tư ở Việt Nam, đến khi nhìn kỹ vào thì đấy là các nhà đầu tư Trung Quốc đứng đằng sau. Và ông ấy không lý giải được là nguồn vốn to lớn ấy ông sẽ huy động từ đâu. Đấy là điều rất đáng suy nghĩ, có thể nói là đáng lo ngại, cho thị trường thép của Việt Nam”.
Trong phần trả lời chất vấn của Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền hôm 15/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh lặp lại cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng Việt Nam sẽ “không đánh đổi môi trường để lấy dự án” và khẳng định “không có lợi ích nhóm” trong việc phê chuẩn các dự án đầu tư.
Giới chức Bộ Công thương cam kết không chỉ dự án thép Cà Ná, mà cả các dự án thép khác như của Dung Quất, cũng sẽ được xem xét kỹ lưỡng về nguyên tắc bảo vệ môi trường sau khi rút ra bài học từ dự án thép Formosa, tập đoàn đã xả thải gây ô nhiễm ở khu vực biển miền Trung trong suốt nhiều tháng qua.
Hôm 21/11, VietnamNet trích bài viết của PGS.TS Đinh Đức Trường, Phó chủ nhiệm khoa Kinh tế môi trường, Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết “Mỗi năm Việt Nam thiệt hại do ô nhiễm môi trường tương đương với 5% GDP. Còn con số này của Trung Quốc là 10%”.
TS. Đinh Đức Trường cảnh báo: “Nếu với đà tăng ô nhiễm như hiện nay, Việt Nam sẽ sớm vượt qua Trung Quốc về ô nhiễm”. - VOA
14.
Ông Võ Văn Thưởng tiếp xúc cử tri
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đại biểu Quốc hội Võ Văn Thưởng tiếp xúc cử tri ở Đồng Nai, dẹp bỏ tin đồn ông bị bệnh nặng.
Sáng thứ Sáu 25/11, ông Võ Văn Thưởng, người cũng là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN, Bí thư Trung ương Đảng, đã có buổi tiếp xúc với cử tri hai huyện Nhơn Trạch và Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Các báo trong nước đăng hình ông tươi cười nói chuyện với cử tri, có vẻ hơi gầy so với trước.
Ông Thưởng được dẫn lời "lưu ý lãnh đạo địa phương về việc không sâu sát nắm tình hình".
Ông Võ Văn Thưởng nói: "Có vấn đề chỉ cần lãnh đạo ngồi lại nghe và giải quyết cho người dân nửa tiếng là xong nhưng lại để tồn đọng đến cả chục năm".
Theo Đài Tiếng nói Việt Nam, chính trị gia này cũng nhấn mạnh: "Chuyện của dân là chuyện của cả gia đình, là chuyện lớn, nên chuyện gì đã sai thì cố gắng khắc phục, làm cho nhanh, làm cho tốt".
Ủy viên trẻ nhất
Thực ra ông Võ Văn Thưởng đã xuất hiện trước công chúng trong lễ tổng kết và trao thưởng Giải báo chí "Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc" tối 17/11 ở Hà Nội.
Tuy nhiên trước đó ông vắng mặt một thời gian dài, gây đồn đoán.
Sinh năm 1970, ông Võ Văn Thưởng là một trong các lãnh đạo trẻ được đánh giá là có triển vọng trong hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của Đảng CSVN.
Ông vào Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng CSVN tại Đại hội XII, khi mới 46 tuổi, là ủy viên ít tuổi nhất.
Khi được bầu, ông Thưởng nhiều lần nhấn mạnh là làm cán bộ "phải lắng nghe ý kiến của người dân". - BBC
15.
Báo Anh: 'VN hoãn luật về hội nhưng chính quyền không đủ năng lực'
The Economist nói Việt Nam hoãn luật về hội nhưng không đủ năng lực làm việc của họ.
Tờ Economist (Anh) vừa có bài 'A plan to legalise Vietnam's private charities and clubs is shelved', đề cập tới quyết định ngưng thông qua Luật về Hội ở Việt Nam.
"Không ai trông đợi dự thảo Luật về Hội, sau một số năm để trong tủ, được đem ra phủi bụi năm 2015, có thể đem lại sự thay đổi đáng kể," báo này viết.
"Nhưng hy vọng chỉ là nó sẽ làm rõ những quyền hiện đang tồn tại trong một đống các nghị định - mà thường bị giới chức địa phương xem thường - tạo nên nền tảng pháp lý vững chắc để đi tới."
Dự thảo Luật về Hội được mong đợi thông qua trong kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa 14 nhưng hôm 25/10, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói "xin lùi" do còn nhiều tranh cãi.
Tờ báo Anh viết Việt Nam có những lý do tốt để nhẹ tay với những công dân có tinh thần dân sự.
Vì sức ép kinh tế, nợ công đang sắp chạm ngưỡng 65% GDP, các quan chức cao cấp của đảng Cộng sản có thể đã tính toán rằng sẽ dễ nhận diện các nhóm hoạt động hội công khai hơn là để họ tổ chức ngoài luồng trên Internet.
Nhưng tính toán này không thắng được nỗi sợ hãi rằng xã hội dân sự sẽ là "bà đỡ cho những phong trào có thể đe dọa sự kiểm soát của chính quyền".
"Cái chết của Hiệp định TPP làm giảm hẳn ham muốn cải tổ ở Việt Nam. Việc trì hoãn thông qua Luật về Hội lại càng giảm khả năng Việt Nam thực thi cam kết mạnh mẽ rằng họ sẽ bao dung với các nghiệp đoàn độc lập, một trong những điều mà Hà Nội đã nói khi đàm phán TPP."
Cùng lúc, theo The Economist, chính quyền không đủ năng lực để thực hiện các công việc mà xã hội dân sự đang làm.
'Chi phối'
Trước đó, trả lời BBC từ Hà Nội, nhà văn Phạm Thành, chủ blog Bà Đầm Xòe, nói: "Điều tôi bức xúc nhất về Dự thảo Luật về Hội là chính quyền buộc các hội phải có tính pháp nhân mới được hoạt động."
"Nghĩa là chính quyền chỉ thừa nhận những hội mà họ có thể chi phối sự hoạt động."
"Như thế rõ ràng là chống lại quyền của người dân và vi phạm những Công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết."
"Mặt khác, với những điều khoản khắt khe như buộc các hội đoàn không được nhận tiền từ các tổ chức nước ngoài, chính quyền dường như chỉ muốn hội là cánh tay nối dài của họ thôi."
Ông cũng dự báo: "Khó có khả năng chính quyền tiếp nhận những phản biện từ người dân mà họ sẽ thông qua Dự thảo Luật theo ý họ."
"Có thể chính quyền đang bị áp lực từ nhiều phía và cũng lo ngại giới dân chủ tạo sức ép qua các hội đoàn," ông Phạm Thành nói với BBC hôm 15/10.
Trong thảo luận tại Quốc hội Việt Nam hôm 25/10, đại biểu Bùi Mậu Quân nói:
"Dự luật phải quy định rõ chế tài với các tổ chức, cá nhân lạm dụng, thành lập hội trái phép,"
"Nghị định 45 của Chính phủ chỉ điều chỉnh các hội, nhóm thành lập hợp pháp. Đây là một trong những bất cập, đồng thời là kẽ hở lớn của pháp luật mà dự thảo Luật về hội cần điều chỉnh",
Đại biểu Quốc hội này cũng cảnh báo "không vì áp lực xã hội mà vội vã thông qua", theo VnExpress cùng ngày. - BBC
16.
VN bắt 600kg ngà voi sau Hội nghị Chống buôn động vật
Một tuần sau Hội nghị Chống buôn bán động vật hoang dã ở Hà Nội, Việt Nam bắt giữ 619 kg ngà voi tại cảng ở TP Hồ Chí Minh.
Lượng ngà voi trên được phát hiện trong hai container gỗ nhập khẩu tại cảng Cát Lái đêm 24/11, theo báo Hải Quan.
"Lô hàng cập cảng Cát Lái ngày 18/11, trên Manifest thể hiện mặt hàng là gỗ được nhập khẩu từ châu Phi. Người nhận hàng là công ty Dịch vụ vận tải giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu Kim Thành tại quận 2, TP Hồ Chí Minh," báo này tường thuật.
"Ngà voi được giấu trong ruột các khối gỗ khoét rỗng, đổ sáp trắng chèn kín xung quanh."
Vụ bắt giữ xảy ra một tuần sau khi Hà Nội tổ chức Hội nghị Quốc tế về Chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã.
Hôm 25/11, trả lời BBC, bà Madelon Willemsen, Trưởng đại diện Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam nói: "Chúng tôi hoan nghênh hải quan Việt Nam tiếp tục bắt giữ các lô hàng ngà voi lậu."
"Chúng tôi khuyến khích hải quan Việt Nam hợp tác với các phòng thí nghiệm của CITES, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (IEBR) để đảm bảo rằng ngà voi được lấy mẫu và có thể được xét nghiệm ADN."
"Và đó cũng là chứng cứ pháp lý được lưu lại làm bằng chứng để có thể truy tố các tội phạm động vật hoang dã, những người vận chuyển ngà voi bất hợp pháp vào Việt Nam."
"Bên cạnh việc tăng các vụ bắt giữ sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp, Việt Nam cần tăng tỷ lệ truy tố nhóm tội phạm này."
"Đây là cách duy nhất để triệt tiêu những mạng lưới tội phạm có tổ chức buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp vào Việt Nam."
'Uy tín'
Cùng ngày, bà Hồng Hoàng, Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động, Liên kết vì Môi trường - Phát triển (Change), đối tác chính của WildAid, nói với BBC: "Có thể thấy những vụ bắt giữ này chỉ là bề nổi của tảng băng."
"Quan trọng là nhà chức trách sẽ xét xử, truy tố những người đứng sau các vụ buôn động vật hoang dã thế nào, chứ chỉ bắt giữ và đưa tang vật vào kho thì không có tính răn đe."
Bà cũng nói thêm: "Việc tiêu thụ động vật hoang dã ở Việt Nam không chỉ gây tác động tới động vật và đa dạng sinh học ở các nước khác mà còn ảnh hưởng đến uy tín của người Việt."
Bảo vệ động vật hoang dã: ‘VN không thể làm ngơ’
"Mong muốn lớn nhất của tôi là chính phủ siết chặt thực thi pháp luật, truy tố những kẻ buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã."
"Vì chúng tôi có làm truyền thông nhiều đến đâu, mà không có hệ thống thực thi pháp luật tốt, thì vẫn khó có tác dụng."
Việt Nam cấm buôn bán ngà voi từ năm 1992, nhưng các cửa hàng vẫn bán ngà voi đóng dấu trước khi có lệnh cấm.
Tình trạng thực thi pháp luật yếu kém khiến việc buôn bán sản phẩm này bất hợp pháp tiếp diễn.
Cuộc khảo sát dài hai tuần năm ngoái cho thấy hơn 16.000 sản phẩm làm từ ngà voi được bày bán tại Hà Nội, theo Công ước Quốc tế Buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). - BBC
17.
Mặc áo cờ đỏ sao vàng đến Mỹ: Hòa giải hay khiêu khích
Trong những ngày qua chuyện râm ran xao động trên mạng xã hội và gây sự chú ý của khá nhiều của người Việt ở Hoa Kỳ là chuyện ông Hùng Cửu Long, người chuyên kinh doanh vàng bạc và đá quí ở Việt Nam, đến Hoa Kỳ với những bộ áo dài mà đặc biệt là bộ áo đỏ với một ngôi sao vàng chóe ở trên ngực.
Đó là ngày thứ Ba 15 tháng Mười Một. Thoạt đầu, ông Hùng Cửu Long đến vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, được người quen chở ra thủ đô Washington DC. Trong bộ áo dài đỏ, quần đỏ, giày đỏ và một ngôi sao vàng trên ngực áo, ông Hùng Cửu Long đứng chụp hình trước bức tường khắc tên 58.000 binh sĩ Mỹ từ trận trong cuộc chiến Việt Nam, kế tiếp trước Cây Bút Chì Washington Monument gần đó, cũng trong bộ áo dài màu đỏ ngôi sao vàng.
Ảnh được phóng lên Facebook với lời hứa hẹn của ông Hùng Cửu Long là sẽ mang bộ cánh này sang gặp đồng hương Nam California trong vài ngày nữa với ước muốn hòa giải một cách thân thiện. Ngay lập tức một làn sóng phản ứng dấy lên từ rất đông facebookers người Mỹ gốc Việt khắp nơi, kể cả những ai không dùng Facebook mà chỉ nghe thấy hay được kể lại.
Cộng đồng người Việt ở Washington phản đối
Tại Wahington, những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất, nói thẳng ra bị đồng hương chửi mắng nhiều nhất là chủ nhân tiệm làm móng tay Trendy Nails & Spa, anh Frank Huy Đỗ và vợ là chị Tina.
Theo lời anh Frank Huy Đỗ, không trực tiếp quen biết ông Hùng Cửu Long mà chỉ là bạn của Duy Khang, người đi cùng ông Hùng Cửu Long đến Mỹ:
Đang đi làm thì có người bạn gọi ra phi trường rước Duy Khang với người bạn của Duy Khang là anh Hùng Cửu Long gì đó. Duy Khang là bạn học chung ở Việt Nam hồi nhỏ tới giờ hai mươi mấy năm trời. Thì Huy chạy ra sân bay rước bạn, dẫn ra Eden ăn uống xong chở về khách sạn. Mấy người nói cho anh Hùng Cửu Long lên tắm rửa thay đồ tại anh ở Việt Nam mới qua. Anh lên thay đồ xuống rồi nhờ chở đi vòng vòng chụp hình.
Thực sự cái vô ý nhất của em là không để ý tới bộ đồ anh Hùng Cửu Long bân. Lúc chụp hình cởi áo ra thì thấy áo có ngôi sao màu vàng, cái cờ Việt Nam anh bận trên áo, thì em tưởng là cái kiểu của người ta thôi. Xong rồi thì em chở mấy người này về lại khách sạn.
Trên đường về khách sạn, anh Huy lại ghé qua tiệm làm móng tay Trendy Nails & Spa của vợ chồng anh ở thành phố Silver Spring, tiểu bang Maryland:
Lúc đầu anh bận áo khoác đen dài thì mấy người trong tiệm không thấy, tới trước khi về ảnh nói để chụp tấm hình thì anh cởi áo khoác ra. Thực sự lúc chụp hình thì không ai trong tiệm để ý chi tiết hết, tức là tụi em không biết để mà đề phòng hay cảnh giác mấy chuyện đó. Người chụp hình là người Mỹ, là receptionist trong tiệm, họ đâu có biết cờ nào ra cờ nào, họ chụp xong họ post lên thôi.
Em đâu biết cho tới lúc vợ chỉ cho em thì tối đó hai vợ chồng mất ngủ, nói trời ơi chuyện này lớn quá trời, rồi mới bắt đầu lên Facebook, người ta nói nhiều mà em không biết sao để trả lời hết từng người. Họ nói em là tay sai của cộng sản, là cộng sản nằm vùng, tiệm này là tiệm của cộng sản.
Trước sự công kích phản đối của cộng đồng người Việt ở Washington, chủ nhân Trendy Nails & Spa đã viết một bức thư xin lỗi trên mang, nói rằng “đã vô ý chụp hình chung với một người bạn học chung trường hồi nhỏ, và một người đã mặc một bộ đồ có lá cờ màu đỏ làm cho rất nhiều người trong cộng đồng buồn, giận và phẫn nộ”.
Cả hai cũng nhìn nhận “hoàn toàn lỗi của mình nên thật lấy làm hổ thẹn với ông, cha và tất cả những người đã hy sinh cho Việt Nam Cộng Hòa”:
Em hoàn toàn không phải là cộng sản, ba em là sĩ quan Khóa 22B Võ Bị Đà Lạt, phi công lái máy bay A37, rồi ông ngoại là Khóa 1 Võ Bị Đà Lạt, gia đình qua đây diện HO. Tới lúc đụng chuyện thì chú bác bạn của ba mẹ mới gọi qua hỏi sao con làm vậy, biết bao người đã bỏ nước đi, cộng sản đã giết bà con mình gia đình mình mà sao con lại đi thân với mấy người này vậy. Chuyện đã vậy rồi, nói chung bà con đã ghét cộng sản rồi thì họ cứ tưởng mình là cộng sản, cái mình sai mình phải chịu. Người ta gọi điện thoại liên tục, họ chủi mình là cộng sản. Lúc có em thì em bắt, còn lúc mình không có ở đó thì thợ bắt. Em thì còn biết lỗi của mình nên mình xin lỗi, còn mấy người thợ trong tiệm đâu có biết gì thành ra họ nói chuyện với người ta không được giống như mình. Đó là cái khó, mình không muốn mà nó đã xảy ra rồi, cái lỗi của mình là sao mà mình ngu quá vậy, chuyện vậy mà cũng nghĩ không ra hay là cũng không để ý tới, thực sự là quá bất cẩn.
Hành động sai lầm
Chuyện ông Hùng Cửu Long mặc áo dài màu đỏ có ngôi sao màu vàng xuất hiện ở Washington một ngày trước khi đi tiếp xuống Chicago chưa dừng lại vì hãy còn lời hứa trên facebook là sẽ sang khu Phước Lộc Thọ của người Việt ở Nam California trong bộ cánh như vậy.
Từ thành phố Westminster, anh Thiện Thành, Hội Anh Em Yêu Nước Hải Ngoại, nói rằng chuyện ông Hùng Cửu Long đang làm giống như một sự khiêu khích:
Sau khi đến DC, mặc bộ áo có cờ đỏ sao vàng và đi ngang nhiên ở Tượng Đài Chiến Sĩ tại DC, Hùng Cửu Long cho biết sẽ qua Cali trong những ngày sắp tới. Thiện Thành đã vào trang tên của Hùng Cửu Long, được biết anh ta hẹn sang Cali ngày 22 thang Mười Một để gặp mọi người ở Phước Lộc Thọ, nói là anh ta sẽ mặc bộ áo có cờ đỏ sao vàng.
Nhưng tới ngày 18 thì anh ta bắn tin trên Facebook là đúng ngày 20 sẽ có mặt tại Phước Lộc Thọ lúc 10 giờ. Thiện Thành đã liên lạc với thị trưởng Tạ Đức Trí, liên lạc với một số anh em trong nhóm, với Liên Hội Chống Nghị Quyết Cộng Sản của chú Phan Kỳ Nhơn cũng như ban đại diện cộng đồng. Để tránh những chuyện đáng tiếc xảy ra, thị trưởng Tạ Đức Trí liên lạc với anh Tim Vũ, phó cảnh sát trưởng thành phố Westsminster.
Tất cả mọi người chuẩn bị đúng 9 giờ thì có mặt trước cửa Phước Lộc Thọ và sau đó Hùng Cửu Long xuất hiện. Anh ta đi taxi tới, xuống xe, vừa bước vào là mọi người chạy tới.
Tuy nhiên ông Hùng Cửu Long, thay vì áo dài đỏ với sao vàng như đã nói trên Facebook, lại bận áo dài vàng, quần đỏ và khăn quang cổ màu đỏ:
Trước đó anh ta xác nhận sẽ mặc bộ đồ cờ đỏ sao vàng như đã mặc trên DC để đến hòa hợp hòa giải với đồng bào. Đó là sự khiêu khích ngay từ đầu thành ra mọi người chống là chống cái lá cờ đó. Người ta nghi ngờ không biết anh ta có mặc bên trong lá cờ đỏ sao vàng hay không thành ra mọi người đè anh ta xuống để tìm lá cờ đó. Khi tìm không có rồi thì người ta đẩy anh ta ra ngoài. Lúc bảo vệ của Phước Lộc Thọ đưa anh ta ra ngoài đường thì cảnh sát thành phố Westminster tới, khám xét và đưa lên xe, đó là tin tất cả mọi người đều biết trên Facebook.
Thị trưởng Tạ Đức Trí của thành phố Westminster cho biết theo báo cáo của cảnh sát mà ông đọc được khi bà con đối đầu với ông Hùng Cửu Long thì chỉ có lời qua tiếng lại chứ không có va chạm hay xô xát hoặc bạo động
Sau khi nghe cư dân cho biết có một nhân vật từ Việt Nam sẽ đến khu Phước Lộc Thọ và có những biểu tượng liên quan tới nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, chúng tôi đã cho phía cảnh sát Westminster biết để họ gìn giữ vấn đề an ninh và trật tự.
Phó cảnh sát trưởng gốc Việt là anh Tim Vũ và cảnh sát Westminster cũng hiểu thành ra đã chuẩn bị. Theo như báo cáo thì cảnh sát đã đem người đó rời khỏi khu Phước Lộc Thọ, sau đó nhân vật này yêu cầu được đón taxi ra phi trường L.A.X. (Los Angeles) để trở về Việt Nam.
Vẫn theo lời ông thị trưởng Tạ Đức Trí, nếu có một ai đó tìm cách tiếp cận với người Việt ở khu Little Saigon mà thông qua các biểu tượng trong nước như cờ đỏ sao vàng thì quả là chuyện không tưởng, là hành động ngây ngô nếu không muốn nói là sai lầm:
Chúng ta đều hiểu người Việt bỏ nước ra đi sau 30 tháng Tư 1975 không có muốn nhìn thấy bất cứ biểu tượng gì liên quan tới nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Những biểu tượng đó gợi lại nỗi đau của cộng đồng Việt Nam. Tập thể người Việt tị nạn tại hải ngoại, luôn tranh đấu cho dân chủ, tự do và nhân quyền, không chấp nhận bất cứ biểu tượng nào của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
Còn theo nhà báo Đoàn Trọng của đài Little Saigon TV thì chừng như ông Hùng Cửu Long này chỉ hành động đơn phương mà thôi:
Vì khiêu khích thì có thể nói hai lực lượng cân bằng với nhau, còn anh này là một người không ai biết đến ở quận Cam này. Có thể đây là hành động anh muốn cho người ta biết đến anh nhiều hơn. Sống ở miền Nam California gần trên 20 năm thì tôi nghĩ đến giờ chưa có ai dám đủ can đảm khiêu khích cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở đây như anh bận cái áo đỏ sao vàng ở Washington DC lên đây. Đến bây giờ khó có thể tưởng tượng được một sự khiêu khích như vậy vì dù sao đi nữa người Việt ở đây không thể chấp nhận cái điều kiện đó, thành ra tôi vẫn nghĩ không có sự khiêu khích đó ở đây.
Từ Bắc California, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, tù nhân lương tâm bị tống xuất từ trại giam miền Bắc thẳng sang Hoa Kỳ, nói rằng bà đã không nhịn được cười khi nghe chuyện về ông Hùng Cửu Long này:
Đây là sự khiêu khích mang tính cộng đồng chứ không phải giữa cá nhân với nhau. Anh ta phải biết anh ta đang ở đâu, đến thủ đô của người tị nạn thì anh ta phải biết cái cách nhìn, cái quan điểm, cái ý thức của những người đến mức phải bỏ đất nước, quê hương, mồ mả cha ông nghĩ như thế nào về lá cờ đó. Thế mà anh ta còn cố tình mặc nó vào người, lại còn nghênh ngang như giữa chỗ không người. Đấy là vừa điên vừa rồ vừa ngu kỳ diệu luôn!
May mà có cảnh sát chứ không thì bà con chửi cho lút đầu mà thậm chí còn dập bã trầu còn tơi tả luôn. Bà con không có gì là quá khích, hòa làm sao được, hợp làm sao được, đi khiêu khích bà con bên này thì đúng là hết thuốc chữa rồi.
Đó là câu chuyện xôn xao mấy ngày qua về một người tên Hùng Cửu Long, tự Việt Nam đến Mỹ và tự làm nỗi mình bằng bộ áo dài màu đỏ có ngôi sao vàng trên ngực áo, gọi là để hòa hợp hòa giải với người Mỹ gốc Việt mà không ngờ là bị chống đối mạnh như vậy. - RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét