Theo chiều hướng hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam chịu sức ép ngày càng mạnh của quốc tế đòi hỏi chính quyền Hà Nội phải thông qua một bộ luật về lập hội, một trong những quyền căn bản đã được ghi trong Hiến pháp từ hàng mấy chục năm qua nhưng chưa bao giờ người dân Việt Nam được thực thi.<!>
Thế nhưng đối với những nhà hoạt động như tiến sĩ Nguyễn Quang A, không nên trông chờ quá nhiều vào tác động của các hiệp ước quốc tế, mà chính người dân và các tổ chức ở Việt Nam phải “đồng lòng hợp sức” để gây áp lực buộc chính quyền tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để cho người dân thực hiện quyền hiến định này.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, tính đến tháng 12/2014, cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương ), với quy mô, phạm vi và tính chất hoạt động rất đa dạng. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, ở Việt Nam đã xuất hiện một số tổ chức xã hội dân sự độc lập. Nhưng những tổ chức này hoạt động rất khó khăn vì các thành viên thường xuyên bị sách nhiễu, hăm dọa, thậm chí hành hung, vì bị coi là bất hợp pháp.
Đối với những người sáng lập những tổ chức xã hội dân sự độc lập ấy, họ chỉ thực hiện đúng quyền tự do lập hội đã được ghi trong Hiến pháp Việt Nam. Nhưng vấn đề là Việt Nam vẫn chưa có một luật nào để cụ thể hóa quyền đó.
Dự luật về hội đã được soạn thảo từ nhiều năm nay, thế nhưng, cũng giống như luật về biểu tình, luật này cho tới nay vẫn bị dời tới dời lui. Nhưng có lẽ là do sức ép của quốc tế, theo dự kiến, năm nay bản dự thảo Luật về hội sẽ được trình ở Quốc hội khóa tới và sẽ được các đại biểu thông qua trong tháng 10/2016. Tuy vậy, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ, tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong những nhà hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam, cho rằng dự luật sẽ được trình trong năm nay có nội dung mang tính kiểm soát hơn là tạo điều kiện thực thi quyền tự do lập hội ở Việt Nam:
Tiến sĩ Nguyễn Quang A : “Luật về lập hội đã được thảo luận từ hồi năm 2007-2008 khá là sôi nổi, sôi nổi hơn bây giờ rất là nhiều. Nhưng sau khi có dự thảo lần thứ mười mấy thì họ lại gác lại điều này. Có lẽ họ sợ nhất là khi mà có luật như thế thì các tổ chức, hiệp hội mà họ coi là bất hợp pháp sẽ được hợp pháp hóa và như vậy đe dọa đến quyền lực của họ. Cho nên họ treo dự luật này mãi đến bây giờ mới đưa ra thảo luận trở lại. Có thể là do sức ép của quốc tế, khi mà Việt Nam tham gia vào hiệp định TPP chẳng hạn, buộc phải có công đoàn độc lập, và điều này thúc đẩy Việt Nam phải có một luật, một quy định nào đó để giải tỏa bớt áp lực đó đi.
Khi nhìn qua dự thảo mới, tôi e rằng nó sẽ không phải là luật để giúp cho người dân thực hiện quyền lập hội, mà là để kiểm soát quyền lập hội. Như vậy, có một cái luật dở thì còn tồi hơn là không có luật.
Về cơ bản, luật này là cập nhật một nghị định hiện hành của chính phủ Việt Nam về lập hội. Có một vài điểm trong dự thảo luật cũng như trong nghị định hiện hành mang tính chất cản trở việc người dân thực hiện quyền tự do lập hội.
Thứ nhất, khi muốn lập hội, họ quy định là phải có một ban vận động gồm một số người nhất định và ban vận động đó phải được một cơ quan nào đó của Nhà nước bảo trợ, ví dụ như nếu hoạt động của hội có liên quan lĩnh vực y tế, thì phải được bộ Y tế, còn liên quan đến viễn thông, truyền thông thì được bộ Thông tin bảo trợ chẳng hạn. Những bộ đó gọi là bộ chủ quản, họ phải chấp nhận danh sách những người đề xuất lập hội đó. Đấy là một cách để kiểm soát, theo kiểu « thích thì cho, không thì thôi », tức là cản trở quyền lập hội của người dân.
Một quy định thứ hai cũng rất là không hay, đó là không được có những hội hoạt động trong cùng lĩnh vực, ví dụ như hội bảo vệ người tiêu dùng, nếu đã có một hội bảo vệ người tiêu dùng rồi, thì sẽ không có những hội bảo vệ người tiêu dùng khác nữa. Như vậy là luật triệt tiêu hoàn toàn sự cạnh tranh trong hoạt động xã hội dân sự, bởi vì có thể là có 5-7 hội bảo vệ người tiêu dùng, hội nào hoạt động tốt thì người dân tham gia, góp sức vào. Như thế là vô hình trung tạo điều kiện cho họ kiểm soát vì chính họ phải chuẩn y điều lệ hội, họ phải chấp nhận ban vận động hội, cũng như ban lãnh đạo hội.
Khi đã có một hội, mà thật sự là hội do họ kiểm soát, thì những người khác không thể có bất kỳ sự cạnh tranh nào. Đấy là một quy định mà tôi nghĩ là phải xóa bỏ và họ chấp nhận cho một ban vận động.
Tất cả những quy định đó chỉ nhằm cản trở việc lập hội, chứ không phải là tạo điều kiện cho người thân thực hiện quyền lập hội của mình. Quyền lập hội đấy lẽ ra nó chỉ tuân thủ những quy định của luật và không bất cứ ai đứng trên nó cả. Không thể có một bộ chủ quản, cũng không thể có chuyện một cơ quan Nhà nước bảo tôi cho anh làm hay không cho anh làm !
Đúng ra luật phải quy định việc đăng ký (lập hội) là hoàn toàn tự do, không có ai được xét duyệt cả. Tất nhiên là việc lập hội phải thỏa mãn những tiêu chí về hình thức hoặc là để cho nó không trùng tên chẳng hạn. Hoặc có thể có những quy định là hội phải hoạt động ra sao, tìm kiếm tài trợ như thế nào, sổ sách kế toán ra sao, thực hiện thuế khóa như thế nào, chứ không thể có chuyện đi duyệt điều lệ hay ban vận động của các hội, bởi vì nếu người ta không thích thì người ta cứ ngâm hồ sơ ở đó. Cũng phải có quy định là nếu việc xin thành lập hội được thực hiện đúng theo các quy định thì bao nhiêu ngày phải cấp mã số đăng ký cho người ta. Nhưng dự luật lại không phải như thế mà lại có những điểm thực sự là cản trở quyền lập hội của người dân".
Trong bài phát biểu bế mạc Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam vào đầu tháng 12/2015, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới điểm lại một số kiến nghị đã được nêu trong Diễn đàn lần này và điểm đầu tiên mà bà nêu lên đó là Việt Nam cần phải soạn thảo một luật về hội “có hiệu lực mạnh”. Theo bà Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam, luật này sẽ giúp chính phủ thực hiện những kế hoạch đề ra cho việc phát triển đất nước.
Nhưng theo tờ Vn Economy ngày 6/12/2015, không chỉ có Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa, mà tại Diễn đàn, các tổ chức phi chính phủ Việt Nam cũng đã đặc biệt nhấn mạnh vai trò của dự luật này trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, vì theo họ kinh tế thị trường cũng cần vai trò thúc đẩy của xã hội dân sự và tinh thần hiệp hội.
Kiến nghị cụ thể của các tổ chức phi chính phủ là Luật về Hội cần đảm bảo tính tự nguyện, tự chủ và tự do trong hoạt động, không bị can thiệp tùy tiện bởi các cơ quan Nhà nước vào điều lệ, lãnh đạo cũng như lĩnh vực hoạt động của hội. Các tổ chức phi chính phủ cũng cho rằng đúng theo tinh thần của Hiến pháp thì thành lập hội không cần xin phép thủ tục rườm rà mà chỉ cần đăng ký với cơ quan Nhà nước.
Trong các buổi thảo luận dự thảo Luật về Hội, một số đại biểu Quốc hội cũng đã cho rằng dự thảo luật này vẫn còn nặng tính quản lý Nhà nước, không tạo điều kiện cho cạnh trạnh giữa các hội. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, việc thảo luận về dự thảo này lẽ ra phải được mở rộng cho người dân tham gia, để các đại biểu có thể hiểu rõ hơn thực chất của vấn đề:
Tiến sĩ Nguyễn Quang A : "Trong Quốc hội cũng có một số đại biểu nêu những điểm bất cập ấy ra và đấy là một tín hiệu đáng mừng. Nhưng rất đáng tiếc là nếu có một sự tham gia rộng rãi hơn, có điều kiện hơn để chính các tổ chức xã hội dân sự, chính các hội phát biểu ý kiến một cách đường hoàng trước công chúng thì chắc chắn là nhiều người được biết, để cho bản thân các vị đại biểu Quốc hội cũng hiểu việc đó như thế nào. Nhiều khi người ta thông qua nhưng cái luật mà người ta chẳng hiểu kỹ những câu chữ sẽ có ảnh hưởng như thế nào, nếu mà không có một cuộc thảo luận.
Thật ra về mặt hình thức, Việt Nam có một cái luật về thủ tục ban hành các vi phạm pháp luật, có quy định là phải làm theo trình tự nào, có quy định là phải lấy ý kiến các bên có liên quan, nhưng thường người ta chỉ chú ý đến các bên liên quan là các bộ liên quan đến việc quản lý Nhà nước, mà họ không chú ý đến việc lấy ý kiến của những người và những tổ chức liên quan. Tuy cũng có một quy định là trong vòng 60 ngày, mọi người có thể góp ý trực tiếp trên trang điện tử của bộ đó hoặc là của bộ Tư pháp, hoặc gởi thư góp ý đến bộ đó. Nhưng nếu việc góp ý này không được tổ chức một cách bài bản, chẳng hạn với sự chính đáng của truyền thông, thì có một ngàn ý kiến khác nhau thì sức nặng cũng không được mấy.
Thực sự là người dân cũng đã chán cái việc góp ý như thế này bởi vì người ta có góp ý thì cũng không có tác dụng nào cả. Nếu anh vào các trang điện tử của các bộ, xem phần góp ý kiến trong thời hạn 60 ngày, thì chẳng thấy có ý kiến gì cả hoặc chỉ có một vài ý kiến. Những ý kiến đó rồi cũng chẳng được chú ý. Góp ý kiến như thế tôi cho là chỉ mang tính hình thức, mà không có hiệu quả. Phải tổ chức làm sao cho các tập thể, các nhóm người tập hợp lại để bàn luận, đối thoại với chính phủ, để từ đó người hình thành nên chính kiến. Lúc đó với sức mạnh của đông người, người mới có trọng lượng để gây sức ép, chứ còn từng cá nhân thì rất khó".
Đúng là trong các buổi thảo luận về Luật về Hội, cũng có không ít đại biểu Quốc hội vẫn nghĩ rằng nếu cho lập hội tự do thì Nhà nước phải quản lý tất cả các hội! Lý do họ đưa ra là để có thể “xử lý mặt tiêu cực”, để không tạo điều kiện cho “con đường dẫn đến đa nguyên đa đảng”, ngăn chận những “hành vi ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”.
Tất nhiên ai cũng thừa biết rằng ở Việt Nam, Quốc hội không có thực quyền, cho dù các đại biểu có ý kiến như thế nào thì dự thảo Luật về Hội mà chính phủ đệ trình cũng sẽ chẳng được sửa đổi bao nhiêu. Nhưng những cuộc thảo luận nói trên giữa các đại biểu Quốc hội cũng phản ánh những sự quan ngại của nhà cầm quyền về một dự luật mở đường cho sự hình thành những tổ chức có thể đe dọa đến độc quyền lãnh đạo của Đảng.
Việt Nam sẽ buộc phải thông qua một luật về lập hội, nhưng theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, áp lực của quốc tế sẽ không đủ để Việt Nam có một luật thật sự bảo đảm quyền lập hội, mà người dân và các tổ chức phải “đồng lòng hợp sức” để buộc chính quyền tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để cho người dân “thực hiện quyền hiến định của họ một cách văn minh”:
Tiến sĩ Nguyễn Quang A : "Nếu hy vọng vào sự hội nhập kinh tế, qua việc ký kết các hiệp ước thương mại đa phương như TPP hay là giữa Việt Nam với EU, với sự hình thành cộng đồng ASEAN…, Việt Nam sẽ có tiến bộ trong việc thực hiện quyền lập hội, thì tôi nghĩ là việc hy vọng đó chỉ đúng một phần thôi. Lý do là người ta có trăm phương nghìn kế để bảo rằng : đây, chúng tôi cũng có đảm bảo quyền này, quyền kia, nhưng nhìn kỹ thì thật sự họ chẳng đảm bảo quyền nào cả, mà chỉ là sự siết chặt, sự gây cản trở.
Cái quan trọng hơn là dựa vào những cam kết của chính phủ Việt Nam với các tổ chức quốc tế, với các đối tác quốc tế. Nhưng quan trọng nhất là dựa vào Hiến pháp bây giờ, dựa vào những công ước quốc tế có hiệu lực bắt buộc đối với Việt Nam, mà Việt Nam đã tham gia. Người dân và các tổ chức ở Việt Nam phải đồng lòng hợp sức để gây áp lực buộc họ phải thực thi đúng nghĩa vụ của Nhà nước là tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để cho người dân thực hiện quyền hiến định của họ một cách văn minh.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét