Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

Lá Thư Úc Châu Trang Thơ Nhạc cuối Tháng (30-11-16) - TS Nguyễn Nam Sơn

Nhạc:
1. Tưởng Niệm: Trầm Tử Thiêng  - Tuấn Ngọc  
<!>
2.  Nụ Tầm Xuân: Phạm Duy - Vũ Khanh - Ý Lan
3. Thành Phố Buồn: Lam Phương - Chế Linh
4.  Hoài Cảm: Cung Tiến - Ngọc Hạ 
Tình thân,
NNS
.............................. .............................. .............................. ..........
I. Chuyện Thời sự & Xã hội

(i) Ts Nguyễn Thị Từ Huy: Thư gởi một số người bạn
Các anh chị quý mến,
Tôi viết lá thư này, không phải vì mối quan hệ giữa cá nhân tôi và các anh chị, không phải vì bản thân tổ chức của các anh chị, mà vì câu chuyện chung của tất cả mọi người Việt Nam, vì chúng ta có một điểm chung : chúng ta sinh ra trên cùng một mảnh đất (dù rằng có thể mỗi người sẽ chết ở những xứ sở khác nhau), chúng ta có cùng nơi chôn nhau cắt rốn, chúng ta có cùng nỗi lo trước vận mệnh một quê hương mà tương lai không có gì đảm bảo.
Cách đây vài ngày tôi có nhận được thông báo về việc tự giải thể của một tổ chức ở Úc Châu (Khối 8406, Melbourne, Úc châu). Và trong thời gian qua, tôi có trao đổi với một số người ở một số nhóm khác nhau về viễn cảnh của việc người Việt hải ngoại có thể liên kết lại với nhau hay không, câu trả lời rất thống nhất : không thể. Tôi có viết một bài báo đặt câu hỏi (xin nói rõ là tôi chỉ đặt câu hỏi chứ không phải là nêu ra một ảo tưởng) về khả năng thành lập liên minh chính trị của người Việt hải ngoại, những người hoạt động trong một hoàn cảnh vô cùng thuận lợi, không hề bị đàn áp, không hề bị bắt bớ. Và ngay lập tức có bài phản hồi, cũng nói rằng điều đó là không thể.
Việc thành lập một liên minh chính trị trong điều kiện thuận lợi ở các nước dân chủ là một việc hoàn toàn trong tầm tay, vậy mà lại trở thành « không thể ». Trong khi, người Miến điện, trong bối cảnh bị đàn áp tàn khốc ở thập kỷ 80 của thế kỷ trước, đã thành lập liên minh ngay tại đất Miến điện. Trong khi, trước đây, cũng chính người Việt Nam, trong bối cảnh đàn  áp của thực dân, và bối cảnh khốc liệt của chiến tranh, cũng có thể thành lập liên minh. Những việc trước đây hoàn toàn nằm trong tầm tay người Việt Nam, giờ đây trở thành « không thể ».
Tất cả những việc trên nói lên điều gì ? Nói lên rằng trên bình diện chung, chúng ta không chứng tỏ rằng chúng ta có khả năng phát triển. Trái lại, chúng ta đang chứng tỏ là chúng ta không có khả năng kết hợp với nhau vì một mục tiêu chung. Vậy thì kết cục là gì ? Là chúng ta cần chờ đợi rằng chính thể cộng sản sẽ vĩnh viễn duy trì, đảng cộng sản sẽ vĩnh viễn duy trì quyền lãnh đạo tuyệt đối, dù rằng bộ máy lãnh đạo thực sự rất nhiều vấn đề, rất bê bối, như chúng ta đã thấy. Và chúng ta đều biết rằng quyền lực tuyệt đối thì tha hoá tuyệt đối, nhưng không chỉ đảng cộng sản tha hoá, mà cả xã hội sẽ tha hoá dưới guồng máy quyền lực độc tài. Và không chỉ là hiện tượng tha hoá xã hội, mà cả chủ quyền và môi trường sống đều đang bị đe doạ trầm trọng. Những điều đó đã và đang là hiện thực, bởi vì chúng ta không đủ khả năng để làm xoay chuyển tình thế, vì chúng ta không giải quyết được các vấn đề của chính mình, vì chúng ta không thể trở nên mạnh, vì chúng ta tự làm chúng ta suy yếu và tan rã. Điều này thực sự rất đáng buồn. Nhất là tình thế hiện nay rất đáng lo ngại, Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ với hứa hẹn sẽ huỷ bỏ TPP, vì thế để bảo vệ chế độ, rất có thể xảy ra trường hợp lãnh đạo VN sẽ buộc phải lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc.
Vì thế mà tôi viết thư này, để nhắc lại hai niềm hy vọng mà tôi đã đặt vào tổ chức của các anh chị: hy vọng rằng tổ chức của các anh chị có thể bước sang một mức phát triển mới và trở thành một đảng chính trị chuyên nghiệp, và hy vọng rằng tổ chức của các anh chị sẽ là một tổ chức chính trị có khả năng mời gọi người Việt ngồi lại với nhau để tạo thành một sức mạnh chung, đáp ứng đòi hỏi của thực tế Việt Nam hiện tại. Quý mến, (NTTH - Paris, 26/11/2016)

(ii) Nguyễn Trần Sâm: Nước Mỹ sẽ đi về đâu?
Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với chiến thắng thuộc về tỉ phú Donald Trump, dư luận về nhân vật này càng thêm sôi động. Cả số người chửi bới và số người ca ngợi ông ta đều tăng lên. Trong số đó, có không ít người “bỗng nhiên nhận ra” “tài năng trác việt” của ông ta.
Tôi sẽ không bình luận nhiều về năng lực lãnh đạo một cường quốc hàng đầu của con người nỏ mồm phét lác này. Chỉ xin nêu vài suy nghĩ tản mạn về thời thế và về nước Mỹ.
Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, với bản dịch của Phan Kế Bính, mở đầu bằng câu: “Thế lớn trong thiên hạ cứ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan.” Vẫn theo tinh thần đó, có thể nói: Không thể có một quốc gia mãi mãi là số một trên thế giới này.
Cách đây tới 5000 năm, văn minh Ai Cập đã từng đạt đến đỉnh cao chót vót. Những kim tự tháp còn sót lại đến ngày nay phần nào nói lên điều này. Những hầm mộ bên trong đạt đến thiết kế gần như hoàn hảo để có thể tự bảo vệ khỏi những kẻ đột nhập tham lam hoặc có ý đồ đen tối. Người ta phát hiện ra rằng trục đối xứng theo hướng bắc-nam của những kim tự tháp này gần như hoàn toàn trùng với đường sức của từ trường Trái Đất, chứng tỏ khả năng quan trắc và tính toán “như thần” của những người thiết kế và chỉ đạo thi công. Và còn nhiều, rất nhiều những phát hiện khác về văn minh Ai Cập khiến con người hiện đại không khỏi kinh ngạc và không có cách nào giải thích được… Nhưng rồi nền văn minh đó đã tàn lụi, cũng theo cách đầy bí ẩn như vậy. Và ngày nay, toàn bộ những gì của nước Ai Cập hiện tại làm thế giới phải chú ý có lẽ là những thứ còn sót lại từ 4-5 ngàn năm trước. Ai Cập ngày nay không còn là một xứ sở đáng nể nữa.
Một nhà nước cổ đại khác ở vùng ven Địa Trung Hải là Hy Lạp. Cách đây khoảng 3000 năm, đây cũng là xứ sở của những phát minh vĩ đại mà ngày nay cả nhân loại vẫn còn phải học. Những cái tên như Plato(n), Aristoteles, Thales, Pithagoras, Archimedes,… vĩnh viễn đi vào lịch sử nhân loại. Hy Lạp cổ đại được coi là nơi mà con người thi thố với thần linh. Nhưng hãy nhìn vào Hy Lạp ngày nay: một quốc gia hạng dưới của châu Âu với những khối nợ chồng chất. Không có lĩnh vực nào mà người Hy Lạp còn nổi trội so với thế giới. Thậm chí trong nhiều lĩnh vực, nước này còn thua nhiều quốc gia châu Á.
Có thể dẫn ra hàng chục ví dụ về những nền văn minh từng rực rỡ một thời rồi tàn lụi.  Trung Hoa cổ đại từng có những phát minh đi trước phương Tây gần một thiên niên kỷ để rồi sau đó kéo dài sự tồn tại trong ngắc ngoải suốt hơn 2 ngàn năm.. Văn minh Lưỡng Hà cũng một thời rực rỡ rồi xuống dốc. Rồi các đế chế La Mã, Nguyên-Mông, Ottoman,… cũng chịu chung những số phận như vậy. Tất cả cho thấy dường như có một lực lượng vô hình đang thực hiện những trò chơi với loài người, theo định hướng làm cho “thế lớn trong thiên hạ cứ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan”. Mà theo cách đó thì ước mơ của con người về một thế giới ở đâu cũng đẹp là hoàn toàn vô vọng.
Trở lại với nước Mỹ. Hình như có gì đó hao hao giống nhau giữa Donald Trump và Adolph Hitler? Cũng cái khẩu khí một tấc đến trời. Cũng chiêu bài kích động lòng tự tôn vô giới hạn, với Hitler là tự tôn tính thượng đẳng của dòng máu Đức, còn với Trump là sự vượt trội và quyền làm chủ của những sắc tộc đã sống lâu ở lãnh thổ nước Mỹ ngày nay, mà chủ yếu là người da trắng. Luận điệu của Hitler được đa số dân Đức khi đó say mê, còn chiêu trò của Trump làm cho gần một nửa số cử tri Mỹ phát cuồng.
Việc một nửa số cử tri Mỹ đặt niềm tin và sự si cuồng vào một kẻ xảo ngôn, huênh hoang và tiền hậu bất nhất cho thấy thành phần dân chúng nơi đây đã thoái hóa đến độ đáng lo ngại.
Tuy nhiên, Trump sẽ không làm được điều mà Hitler đã làm với nước Đức. Vẫn còn rất nhiều thành phần trong xã hội Mỹ không bao giờ chấp nhận quan điểm của ông ta. Chắc chắn những lực lượng này sẽ chống đối Trump một cách quyết liệt. Ngay trong nội bộ chính quyền Mỹ tới đây cũng sẽ có rất nhiều quan chức thể hiện sự bất tuân trước những quyết định của Trump.  Điều này sẽ làm suy yếu nước Mỹ. Các thế lực chống Mỹ, đặc biệt là các chính thể độc tài, sẽ chi phối thế giới này mạnh hơn. (Tất nhiên, nếu đa số dân Mỹ nghe theo Trump thì hậu quả đối với thế giới này cũng không kém tồi tệ.)
Sự việc hôm nay làm tôi nhớ lại câu nói vào năm 1990 của Osho (Bhagwan Rajneesh), một bậc thầy tâm linh Ấn Độ: “Nước Mỹ đã đạt đến cực điểm của sự phát triển. Từ nay trở đi sẽ chỉ có đi xuống.” Đúng là từ cuối thế kỷ XX, ảnh hưởng của Mỹ không còn mạnh mẽ như gần 100 năm trước đó. Barack Obama đã muốn củng cố sức mạnh của Mỹ bằng cách làm giảm bớt tinh thần bài Mỹ ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng đáng tiếc là sự thiếu quyết đoán trong chính sách của vị Tổng thống Nhân văn nhất này lại tạo điều kiện cho các đối thủ lấn lướt Hoa Kỳ.Đặc biệt, trong những năm gần đây, sự trỗi dậy của một Trung Hoa hung hăng và xảo trá, và một số mâu thuẫn trong quan hệ giữa châu Âu và Hoa Kỳ càng làm ảnh hưởng của Mỹ bị suy giảm. Trump đã lợi dụng điều này để tấn công ứng viên đảng Dân Chủ.
Tôi vốn là kẻ thích nước Mỹ và muốn cho đất nước này mạnh lên. Thôi bắt đầu biết thích Mỹ khi thấy những trí tuệ vĩ đại nhất từ 5 châu đổ về Mỹ. Họ không ngu, và nếu họ thích miền đất đó thì nó phải có những gì xứng đáng để họ thích. Sau này, khi tiếp xúc với người Mỹ, tôi thấy đó là những con người có lẽ là vô tư nhất, chân thật nhất trên thế giới này. Làm việc với họ thực sự dễ chịu. Tất nhiên, ở đâu cũng có người xấu, thậm chí ở Mỹ có những kẻ xấu xa tồi tệ hiếm có trên thế giới, nhưng đa số những người tôi gặp đều để lại ấn tượng rất tốt trong tôi. Và cuộc sống bên đó thật đẹp. Đại đa số những người đã từng sống và làm việc tại Mỹ đều yêu đất nước này. Không phải vô cớ mà người ta nói đến “giấc mơ Mỹ”. Phạm Xuân Ẩn, người tình báo, mặc dù trung thành tuyệt đối với nhiệm vụ (chống Mỹ) được giao, nhưng luôn yêu người Mỹ. Khi hai nước bình thường hóa quan hệ, ông Ẩn mới cảm thấy yên tâm phần nào.
Von Neumann, một trí tuệ vĩ đại, cho rằng sức mạnh của Hoa Kỳ là nhân tố quan trọng nhất để giúp cho thế giới này tốt hơn lên. Tôi là kẻ theo quan điểm này. Chính vì vậy, sự suy yếu của cường quốc số một này làm những kẻ như tôi thấy có phần bất an.
Nhưng quy luật là quy luật. Ở đây là quy luật về “thế lớn trong thiên hạ”. Lịch sử không thể tránh được những khúc quanh u ám. Từ trước đến giờ và mãi sau này vẫn vậy.
Nước Mỹ sẽ đi về đâu? Không ai có thể trả lời được rõ ràng. Nhưng có một điều chắc chắn là ít nhất trong 5 năm tới nó sẽ không còn giữ được vai trò như trong một thế kỷ qua.
*** Minh Anh (RFI): Vỡ mộng vì Mỹ, APEC trông đợi Trung Quốc
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gần như bị khai tử. Các nước trong khối APEC và những nước tham gia đàm phán TPP cảm thấy hụt hẫng. Với thắng lợi của ông Donald Trump, Trung Quốc như từ trong bóng tối bước ra trước “ánh đèn sân khấu”. Trên đây là nhận định của tờ Nikkei Asian Review trong một bài phân tích đăng ngày 24/11/2016.
Khi tuyên bố sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ngay ngày đầu tiên làm tổng thống, ông Donald Trump đã làm cho chính sách “xoay trục” sang châu Á của tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama “tan thành mây khói”. Các nước trong khu vực Đông Nam Á nhắc đến chiến lược châu Á của Mỹ với một cảm xúc thất vọng pha lẫn sự châm biếm. Đối với nhiều quốc gia, chính sách này giờ chẳng khác nào như là một “chiếc thùng rỗng”. Một không khí hoài nghi bao trùm trên toàn bộ khu vực. Các nhà hoạch định chính sách quốc phòng bắt đầu ngờ vực khả năng Hoa Kỳ tiếp tục duy trì các chiến dịch tuần tra trên Biển Đông để bảo vệ cái nguyên tắc gọi là tự do lưu thông hàng hải, đồng thời ngăn chặn đà tiến của Trung Quốc trong khu vực. Cảm giác hẫng hụt như tăng lên gấp bội khi nói đến TPP, vũ khí kinh tế trong chính sách xoay trục sang châu Á của Hoa Kỳ. Phải mất đến 5 năm thương thuyết dài dăng dẳng và gay gắt theo một loạt các yêu cầu của Mỹ để các bên đi đến ký kết một thỏa hiệp, với mong muốn duy nhất có thể tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Mỹ. Để rồi sau đó, Hoa Kỳ thông báo tạm ngưng quy trình phê chuẩn TPP tại Quốc Hội. Các nước tham gia như có cảm giác ai đó bất ngờ rút thảm dưới chân. Họ cảm thấy “mệt mỏi vì Hoa Kỳ”, như lời than thở của Bộ trưởng Thương mại Malaysia, tại thượng đỉnh ASEAN.
Thế giới của Trung Quốc
TPP bị Úc và Việt Nam xếp xó, trong khi các nước khác như Hàn Quốc, Thái Lan hay Indonesia hầu như “im hơi lặng tiếng”, ngay sau khi người dân Mỹ mở cánh cổng Nhà Trắng cho một người mang tư tưởng bảo hộ mậu dịch. Động lực cho tự do thương mại sụt giảm thê thảm. Ảnh hưởng suy yếu của Hoa Kỳ trái ngược với một Trung Quốc tràn đầy sinh lực. Hoa Kỳ thời Donald Trump muốn xem xét lại các thỏa thuận tự do mậu dịch. Trung Quốc của Tập Cận Bình nhấn mạnh đến sự cần thiết của một Khu vực Tự do Mậu dịch châu Á – Thái Bình Dương. Bắc Kinh giờ không còn giấu giếm ý định, cho rằng chỉ có thị trường Trung Quốc rộng lớn, đầy tiềm năng mới là đối thủ cạnh tranh với Hoa Kỳ. Ngay cả tổng thống Pedro Pablo Kuczynski của Peru, nước chủ nhà thượng đỉnh APEC, còn nhắm đến một TPP mới với Nga và Trung Quốc là đầu tàu, thay thế TPP của Hoa Kỳ đang chết yểu
Gió đổi chiều
Có thể nói gió đang xoay chiều. Trong thượng đỉnh APEC 2015, diễn ra trên một hòn đảo nhỏ của Philippines, Trung Quốc bị cô lập vì những căng thẳng với tổng thống Philippines tiền nhiệm, Benigno Aquino xung quanh các tranh chấp trên Biển Đông. Khi đó, Mỹ và Nhật Bản là trung tâm của cuộc họp.Thắng lợi của Trump trong cuộc bầu cử Mỹ đã nâng cao vai trò của Trung Quốc, vậy Bắc Kinh sẽ kiến tạo thương mại thế giới ra sao? Trung Quốc có thể sớm đàm phán, ký kết thoả thuận đầu tư song phương vào năm tới, và đây là niềm mơ ước của giới công nghiệp Mỹ từ lâu nay. Cho dù cả hai bên đều chính thức nói rằng các đề nghị đàm phán đang trong giai đoạn bế tắc, nhưng Bắc Kinh đang chuẩn bị kế hoạch thương lượng với tân chính quyền Hoa Kỳ. Và điều này sẽ cho phép Trump thuyết phục rằng các nhượng bộ của Trung Quốc là một thắng lợi của Mỹ.
Thủ tướng Nhật Bản có lẽ đã cố thuyết phục ông Trump thay đổi ý định và phục hồi TPP đang trong cơn hấp hối trong cuộc gặp đôi bên tại New York, trước khi đến dự thượng đỉnh APEC, nhưng dường như nỗ lực của lãnh đạo Nhật đã bất thành. Giờ chỉ còn biết “Chờ và đợi xem”, theo như lời nhận định của bộ trưởng Thương mại Úc Steven Ciobo với báo Nhật Nikkei Asian Review.
*** Kiều Oanh (TTO): Ông Trump không muốn nghe thông tin tình báo?
Mặc dù được đề nghị nghe báo cáo tình báo mỗi ngày nhưng kể từ khi đắc cử tổng thống Mỹ, ông Trump chỉ dự đúng 2 buổi báo cáo, bỏ qua cơ hội học hỏi kiến thức ông đang thiếu trầm trọng trước khi vào Nhà Trắng.
Báo The Washington Post ngày 24.11 dẫn các nguồn tin tình báo cho biết ông Trump đã từ chối hầu hết các cuộc họp nghe báo cáo tình báo, chỉ dự đúng 2 cuộc. Con số này thấp hơn hẳn so với những người tiền nhiệm của ông trong giai đoạn chuẩn bị vào Nhà Trắng.
Còn quá sớm để rút ra kết luận rằng ông Trump xem thường thông tin tình báo. Ông đang ở giai đoạn bận rộn chuẩn bị nhân sự cho chính quyền chuyển tiếp. Những ngày qua, ông tập trung thời gian để gặp các ứng viên tiềm năng cho nội các mới bên cạnh các lãnh đạo báo chí và doanh nhân. Tuy nhiên trong bối cảnh ông Trump là người không có tí kinh nghiệm chính trị nào, lại từng nhiều lần bộc lộ sự “hổng kiến thức” của mình trong lĩnh vực tình báo, đối ngoại và an ninh quốc gia thì thông tin trên khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Những người chỉ trích cho rằng nếu ông Trump xem trọng đúng mức vấn đề an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại thì lẽ ra phải tận dụng khoảng thời gian này để học hỏi thông qua việc dự họp để nghe báo cáo tình báo thường xuyên.
NBC News đưa tin một nhóm chuyên gia phân tích tình báo đã sẵn sàng mỗi ngày để báo cáo và phân tích cho ông Trump nhưng ông từ chối hầu hết các cuộc họp. Trong khi đó, phó Tổng thống tân cử Mike Pence hầu như hằng ngày đều dự các cuộc báo cáo này. Được biết các thông tin được báo cáo hàng ngày thuộc loại tuyệt mật, bao gồm những diễn biến trên thế giới, các mối đe dọa an ninh đối với Mỹ và sẽ là cơ hội để nghiên cứu về chính sách đối ngoại.
Chính sự hổng kiến thức về đối ngoại là một trong những nguyên nhân chính khiến các lãnh đạo đảng Cộng hòa đã chống đối ông Trump gay gắt khi cuộc đua vào Nhà Trắng còn trong giai đoạn bầu cử sơ bộ.
Có lần ngay giữa một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, ông Trump đã không thể phân biệt được lực lượng Hamas ở Palestine với Hezbollah ở Lebanon và Syria. Thời điểm đó ông Trump đã nói với người dẫn chương trình ông sẽ học cách phân biệt “vào thời điểm thích hợp” rồi khẳng định "chắc như đinh đóng cột" rằng: “Tôi sẽ hiểu biết về điều này giỏi hơn anh. Tin tôi đi, ngày đó không xa đâu”.

(iii) Phong Phạm: Hãy chuẩn bị cho một mùa đông lạnh giá
Triều đại Donald Trump đã bắt đầu không phải với pháo hoa, champagne, mà là với những tiếng thở dài, lo âu. Những cam kết siết chặt quan hệ gần đây nhất của Trump với thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng chỉ làm vơi bớt một chút những lo âu tại Đông Nam Á, một phần là do bản thân và chính sách của Trump vẫn chưa thể xác định.
Donald Trump không hề nhắc gì đến Biển Đông, Philippines, Việt Nam. Điều đó chứng tỏ rằng vùng này sẽ không nằm cao trong nghị trình làm việc của nội các mới. Và nếu, đã chưa có quyết sách mới thì mọi việc sẽ giữ nguyên hiện trạng. Có thể tin rằng, Trump sẽ tiếp tục gởi tàu tuần tiểu vào biển Đông nhưng sẽ bớt ồn ào hơn để mua thời gian trước khi nội các mới tìm ra đối sách để có thể chống lại TQ một cách hiệu quả. Và Philippines với Duterte sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao tương tự như VN - đu dây giữa TQ và Hoa Kỳ, nhưng sẽ im ắng, nhẹ nhàng và ít tục tĩu hơn so với Obama. Con số tội phạm ma túy sẽ bị giết chắc sẽ còn tăng lên do Duterte biết rằng, Trump sẽ không quan tâm đến chuyện này. 
Cũng không cần phải lo lắng quá mức về sự va chạm của hai cường quốc khi TQ vẫn chưa hiểu rõ Trump, họ sẽ không dại dột ra tay chọc tức Trump. Giờ chưa phải là lúc nắn gân nhau. Với những tuyên bố nảy lửa trong lúc tranh cử, khiêu khích Trump, một đối thủ mạnh hơn mà mình chưa nắm được sẽ là tự sát. Việt Nam thì sao? 
Kinh tế 
Với TPP sẽ bị giết chết, TT Donald Trump sẽ tiếp tục phát huy quan hệ với Việt Nam nhưng sẽ là quan hệ song phương thay vì đa phương qua một hiệp ước thương mại nhiều quốc gia. Các ngành Dệt may, Thủy sản, Gỗ, khu công nghiệp, phân phối ô tô và logistics sẽ chịu ảnh hưởng lớn do việc đình chỉ thực hiện TPP. Nợ công chồng chất, nợ nước ngoài đáo hạn phải trả nên Việt Nam sẽ tiếp tục... đi vay nước ngoài, tăng thuế trong nước để... cầm cự. Nhiều công nhân sẽ mất việc. Đời sống càng thêm khó khăn. Tin rằng, nhà cầm quyền CS sẽ gia tăng xuất khẩu lao động và khuyến khích ra nước ngoài làm việc để thu ngoại tệ và giảm bớt gánh nặng. Việt nam cũng sẽ tiếp tục lệ thuộc trầm trọng vào TQ để sống còn.
Và nhân quyền
Với sự "khai tử" TPP, những cam kết ràng buộc của nhà nước CSVN với Hoa Kỳ về Nhân quyền, tự do Nghiệp đoàn, Tài chính, Môi trường... xem như cũng bị khai tửTình hình phát triển của Xã hộ Dân sự sẽ chậm lại và tình hình nhân quyền cũng sẽ không khá hơn. Tuy nhiên, thử thách cũng chính là cơ hội để tập luyện và củng cố lại hàng ngũ. Điều này cũng thúc đẩy các nhà hoạt động tìm cách đẩy lùi các hạn chế và tiến thêm bước nữa. Ở trong nước, những năm tới sẽ có nhiều khó khăn cho tiến trình dân chủ khi mà sự hổ trợ của chính phủ HK có thể sẽ giảm bớt. Dù vậy, hy vọng rằng chính sự khó khăn này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu "hình thành một liên kết giữa các tổ chức tranh đấu lại với nhau" để tăng thêm sức mạnh. Các tổ chức và hội đoàn tại hải ngoại sẽ cần phải đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cho quốc nội, tại các quốc gia mà họ đang sinh sống. Để thay thế cho sự hỗ trợ từ chính phủ Hoa Kỳ có thể sẽ giảm đi do chính sách ngoại giao thực dụng kiểu "con buôn" mà ông chủ mới của White House đã hé lộ qua cương lĩnh tranh cử của mình.
Mùa đông tuy lạnh, nhưng nếu có áo ấm, bạn sẽ ok. "Thay đổi không đến từ người khác, mà từ chính các bạn" - Barack Hussein Obama. (26.11.2016)
*** Ls Trịnh Hội: Một ngày sau chiến thắng của Trump
Nếu ở Mỹ sẽ có tổng thống Trump thì ngay tại đất nước Phi Luật Tân này đã có tổng thống Duterte lên ngôi vào ngày 30 tháng 6, đến 30 tháng 11 này mới được đúng 5 tháng.
Thế vậy mà đã có gần 5 ngàn người bị giết vì bị cho là có liên quan đến việc mua bán ma tuý. Họ bị giết bất kể thuộc thành phần nào hay ở bất kỳ nơi nào trên đất nước hiền hoà này. Chỉ trong tích tắc họ đã bị xử tử mà không cần phán quyết của toà án hay bào chữa của luật sư.
Cái chết của Jerico vừa tròn 21 tuổi và Angel chỉ mới 17 tuổi đầu là một trong gần 5000 trường hợp đó.
Hai đứa ở chung xóm, không khác xa nhà tôi ở Manila là bao. Và cũng như bao câu chuyện tình học trò khác, hai đứa gặp, rồi yêu nhau cho đến cách đây vài tuần khi hai đứa quyết định chia tay. Angel đã quen với một người mới.Nhưng chỉ trong vòng một tuần, Angel đã trở về nhà cố tìm cho bằng được Jerico để hàn gắn lại mối tình. Angel bảo Jerico mới chính là tình yêu đích thực. Nhưng hai lần trước Jerico đều cự tuyệt, không thèm gặp mặt. Cho đến đêm hôm 25 tháng 10, cách đây gần 2 tuần, Angel quay trở lại nhà của Jerico một lần nữa để giải bày. Lần này theo lời kể của bà ngoại Jerico, bà đã nghe hai đứa nhỏ tâm sự, những lời nài nỉ của Angel: về lại với em đi anh, em yêu anh mà. Không một ai nghe chính hai đứa nhỏ kể lại chuyện hàn gắn của hai đứa. Có thật là Jerico đã tha thứ cho Angel hay không. Vì 30 phút sau, cả hai đã bị bắn chết. Trước quán ăn gần nhà. Tất cả các bạn bè thân thiết và gia đình của Jerico đều bảo chắc chắn cả hai Jerico và Angel đều không có liên quan gì đến ma tuý. Ngay cả cảnh sát điều tra của chính phủ Phi cũng bảo họ không biết tại sao Jerico bị giết vì Jerico không nằm trong list những người đang bị họ theo dõi.
Và vì vậy đã hai tuần trôi qua nhưng xác của hai đứa nhỏ vẫn còn quàn đó, ngay tại nhà của gia đình. Vì họ không có tiền để làm giấy tờ chứng tử trước khi đem chôn. Họ chỉ cần khoảng $1000 đô để làm được điều đó cho mỗi cái xác. Thế vậy mà. Tuần trước một thanh niên trẻ đến nhà của Angel với một vài người bạn của anh ta bảo là anh đến để chia buồn với gia đình vì anh là người đã mang hạnh phúc đến Angel lúc Angel còn sống. Khi gia đình đề nghị anh nên gặp cảnh sát và các phóng viên để giúp tìm ra manh mối thì cả nhóm đều từ chối và rời khỏi khu vực ngay lập tức. Từ hôm đó đến nay họ không trở lại. Không ai biết anh thanh niên đó là ai và đang ở đâu.
Và vì không có $2000 đô nên 2 cái xác của Jerico và Angel vẫn chưa được đem đi chôn. Vẫn còn quàn ở nhà cho đến tận hôm nay. Một ngày sau sự thất bại của những gì tốt đẹp nhất, nhân văn nhất của nước Mỹ. Và sau gần 5 tháng từ lúc lãnh tụ Duterte lên ngôi nhờ vào sự ủng hộ của đa số người dân Phi Luật Tân.
Nhưng đối với riêng tôi, ý kiến đa số chưa chắc hẳn lúc nào cũng đúng. Nhất là đối với các sắc tộc thiểu số, các nhóm thiểu số, điều này càng là một sự thật hiển nhiên. Vì những người nghèo đó, những người kém may mắn đó, những người nằm trong các nhóm thiểu số đó thường là những người phải chịu thiệt thòi nhất, luôn bị đưa ra so sánh, kỳ thị và hất hủi nhất bởi cái gọi là lý lẽ của đám đông.
Trong 4 năm tới, chắc chắn nước Mỹ sẽ có nhiều thay đổi. Nhưng đối với riêng tôi, bắt đầu từ ngày hôm nay, tôi biết là tôi cần phải cố gắng hơn. Cố gắng thực hiện câu nói hay nhất mà tôi đã nghe trong kỳ tranh cử vừa qua. Đó là lời mà mẹ của Bà Clinton đã từng dạy cho bà trước khi nhắm mắt: 'We must do all the good we can for all the people we can in all the ways we can for as long as we can' ( Chúng ta phải cố gắng làm tất cả những điều tốt mà chúng ta có thể làm, cho tất cả những ai mà chúng ta có thể giúp, bằng tất cả tấm lòng cho đến khi chúng ta không thể). Tôi muốn thực hiện câu nói này qua một hành động cụ thể. Một ngày sau chiến thắng của sự đố kỵ, chia rẽ và thù hằn.
Tôi mong những ai đọc được bài viết này của tôi, đồng ý với những suy nghĩ của tôi, sẽ cùng tôi đóng góp để hai gia đình của Jerico và Angel có đủ tiền để đem chôn hai đứa con của họ trong một thời gian sớm nhất. Chính tay tôi sẽ đem số tiền chúng ta quyên góp được đến cho gia đình của Jerico và Angel. Để họ và Jerico và Angel và tất cả chúng ta, những ai còn tin vào sự từ tâm, lòng nhân ái và tính nhân văn trong mỗi xã hội, trong mỗi con người cuối cùng sẽ chiến thắng. (Manila, Tháng 11/2016)

(iv) Song Chi (RFA): Fidel Castro qua đời và Việt Nam 
Cuối cùng thì Fidel Castro, lãnh tụ cách mạng Cuba, cựu Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba, cựu Tổng Bí thư đảng cộng sản Cuba, một trong những nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất (47 năm) và mang tính biểu tượng nhất thế giới, đã qua đời ngày 25.11 ở tuổi 90.
Nếu như đối với người dân của nhiều quốc gia trên thế giới, cái chết của Fidel Castro chả có ý nghĩa gì, chỉ là một nhân vật độc tài đã sống quá lâu mới chịu ra đi, thì ở VN cái chết của Fidel Castro được đề cập đến khá nhiều, cả trên báo chí chính thống của nhà nước lẫn các trang blog, trang mạng xã hội.
Đứng về phía nhà nước cộng sản VN thì chả có gì khó hiểu. Chỉ có vài quốc gia còn sót lại trên thế giới là do đảng cộng sản lãnh đạo. Đảng cộng sản Cuba và đảng cộng sản VN từng một thời gắn bó, Cuba cũng như các nước XHCN khác đã ra sức ủng hộ, giúp đỡ Bắc VN trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Mối giao tình ấy sau này tuy có nhạt đi phần nào khi VN đi theo mô hình “đổi mới” của Trung Quốc, chuyển sang làm ăn kinh tế thị trường trong lúc Cuba vẫn trung thành với mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa, mọi thứ đều được quốc hữu hóa, nhưng đảng cộng sản VN vẫn giữ mối quan hệ với nước cộng sản anh em này. Vì vậy khi Fidel Castro chết, trong số ít ỏi những nhân vật lãnh đạo của các nước gửi điện chia buồn có Tổng thống Vladimir Putin của Nga, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, một số nước Nam Mỹ như Tổng thống Sanchez Ceren của Salvador, Tổng thống Nicolás Maduro của Venezuela, Tổng thống Enrique Peña Nietoc của Mexico…và tất nhiên, có VN.
Báo chí nhà nước chạy hết công suất để ca ngợi nhà cách mạng Fidel Castro, nhắc lại cuộc đời, sự nghiệp, những lần Fidel đến VN, nhắc lại những câu nói của Fidel Castro với VN trong đó có câu “Vì VN, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” v.v…
Còn đối với người dân VN, những ai vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi hệ thống giáo dục, tuyên truyền của nhà nước cộng sản thì vẫn nghĩ Fidel Castro là một nhà lãnh đạo cách mạng vĩ đại, “người bạn lớn” của nhân dân VN. Nhưng tất cả những ai có thông tin thì đều biết rằng Fidel Castro thật ra là một kẻ độc tài, dù có thể lúc đầu đã đứng lên đấu tranh vì một lý tưởng, vì muốn lật đổ một chế độ và xây dựng một chế độ khác tốt đẹp hơn cho dân tộc mình, nhưng cuối cùng lại trở thành kẻ tội đồ khi đi theo một lý thuyết sai lầm, chọn một con đường sai lầm, kìm hãm đất nước, nhân dân Cuba trong đói nghèo, lạc hậu và không được hưởng bất cứ quyền tự do, dân chủ nào. Cũng giống như những nhân vật độc tài khác, nhất là những nhân vật độc tài của chế độ cộng sản, như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Polpot, Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, cha con nhà Kim Jong-Il, Kim Jong-un, Fidel Castro sau khi giành được quyền lực đã biến đất nước, nhân dân thành sở hữu riêng của đảng cộng sản và của mình.
Và cũng giống như rất nhiều lãnh tụ cộng sản, “cha già dân tộc” chỉ đóng vai giản dị, nông dân trước quần chúng còn thật sự thì sống một cuộc sống xa hoa, sung sướng hơn rất nhiều lần so với đời sống bần cùng của đại đa số người dân dưới sự lãnh đạo của họ, đời sống tình dục thì vô cùng phóng đãng, vô độ, Fidel Castro cũng vậy.
Nhiều tài liệu cho biết ông có nhiều du thuyền, dinh thự riêng, hàng ngàn người bảo vệ, đời tư thì hết sức phóng túng, ngoài các người vợ là danh sách dài các người tình lâu dài, người tình một đêm. (Ngay lãnh tụ Lenin của Liên bang Xô Viết thì sau này sự thật mới lộ ra là chết vì giang mai do bị lây nhiễm từ gái điếm Paris chứ không phải bị đột quỵ như truyền thông, sách vở Liên Xô một thời đã viết như thế…)
Về mặt quan điểm chính trị, tư tưởng, Fidel Castro bảo thủ hơn các đồng chí cộng sản ở Trung Quốc hay VN, ông không chấp nhận đổi mới, kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân và tuyên bố “Tôi là người theo chủ nghĩa Mác Lênin và tôi sẽ như thế cho tới ngày cuối cùng của cuộc đời mình” (“Những câu nói nổi tiếng của lãnh tụ Cuba Fidel Castro”, Pháp luật TP.HCM).
Dưới thời Fidel Castro, hàng trăm ngàn người Cuba đã bỏ nước ra đi, cũng như người VN dưới thời cộng sản, và nếu như người Việt tỵ nạn có thủ phủ của mình là “Little Saigon” trên đất Mỹ thì người Cuba cũng có “Little Havana”. Khi được tin Fidel Castro chết, hàng ngàn người Cuba ở Little Havana, Miami, đã đổ ra đường ăn mừng.
Ai rồi cũng chết. Chính trị gia, lãnh tụ cách mạng hay “cha già dân tộc” gì cũng thế. Điều quan trọng là di sản mà họ để lại cho đất nước, dân tộc. Và vì cái di sản ấy, họ sẽ mãi mãi được ghi nhớ công lao trong lịch sử hay sẽ đời đời bị phán xét, nguyền rủa như tội đồ của dân tộcCho dù tạm thời lịch sử có bị bưng bít, che dấu, bản thân họ có được vẽ rồng rắn thành huyền thoại thì rồi cũng sẽ có ngày sự thật được trả lại và không một nhân vật nào có thể thoát khỏi sự đánh giá khách quan của hậu thế. Họ có chết đi thì con cháu họ cũng vẫn phải đọc lại những trang sử ấy.
Di sản của Fidel Castro để lại cho đất nước, nhân dân Cuba hay của Hồ Chí Minh để lại cho VN, đáng tiếc là quá tệ hại.
*** Thụy My (RFI): Fidel Castro, nhà cách mạng cuối cùng
Trích: Những năm tháng Fidel được ghi dấu với vô số vụ vi phạm nhân quyền. Nhưng trên trường quốc tế, Fidel Castro với bộ quân phục giản dị, râu quai nón lại chiếm được cảm tình, nhất là cánh tả phương Tây. Người dân Cuba không biết gì về đời tư lãnh tụ tối cao. Tại Matxcơva, báo chí tiết lộ cuộc sống xa hoa của Fidel Castro với ba du thuyền, 32 dinh thự và 9.700 cận vệ riêng. Huyền thoại Fidel Castro, người thách thức chủ nghĩa tư bản đã qua đời hôm thứ Sáu 25/11/2016 tại La Habana ở tuổi 90. Chính người em ông là Raul, đương kim chủ tịch nước đã loan báo trên truyền hình quốc gia.
Lên nắm quyền năm 1959, cựu luật sư đã lãnh đạo đảo quốc với bàn tay sắt trong gần năm thập kỷ. Từ khi cơn bệnh buộc ông phải nhường quyền lại cho người em Raul năm 2006, Fidel bắt đầu bình luận thời sự thế giới qua các bài xã luận đăng trên tờ báo chính thức Granma, với đề mục Phản ứng của đồng chí Fidel. Tuy giới trẻ Cuba quá chán ngán những khẩu hiệu sáo mòn, gọi ông là « el loco » (kẻ điên), Fidel vẫn bướng bỉnh đóng vai trò « người da đỏ cuối cùng ».
Trói mình trong bức tường kiêu căng vòi vọi, Lider Maximo (lãnh tụ tối cao) không muốn nghe, không muốn thấy gì khác và nhất là những bức tường nứt nẻ của La Habana. Fidel đã trở nên một tượng đài cần phải chiếu sáng vĩnh cửu như là « ngọn đèn pha trước mắt toàn thế giới ». Nhằm để lại cho hậu thế hình ảnh một nhà cách mạng thuần khiết, Fidel Castro sẵn sàng buộc mọi người Cuba phải hy sinh.
Chế độ toàn trị và cuộc sống riêng xa hoa
Những năm tháng Fidel được ghi dấu với vô số vụ vi phạm nhân quyền : bắt bớ tùy tiện, những bản án tù nặng nề, đàn áp đối lập, đóng cửa các nhà sách, truy bức người đồng tính, thanh trừng, thiếu vắng các quyền tự do căn bản. Cả một hệ thống toàn trị nhằm ngăn ngừa phản kháng. Nhiều người bạn chiến đấu của Fidel Castro thời hàn vi đã bị trấn áp vì dám lên tiếng chỉ trích. Nhưng trên trường quốc tế, Fidel Castro với bộ quân phục, râu quai nón và đôi giày thể thao lại chiếm được cảm tình, nhất là cánh tả phương Tây. Cho đến trước khi lâm bệnh năm 2006, Fidel là khách mời danh dự của nhiều diễn đàn trên thế giới. Huyền thoại này khi xuất hiện trước đám đông phóng viên ảnh và truyền hình, với những bài diễn văn hùng hồn luôn bảo đảm cho thành công của cuộc tập hợp.
Phong cách giản dị của Fidel thu hút những người bảo vệ những kẻ bị áp bức, nhưng Lider Maximo thích bí mật. Người dân Cuba không biết gì về đời tư lãnh tụ tối cao, chẳng bao giờ thấy cảnh Fidel ăn uống. Ông cũng che giấu kỹ các bà vợ, các người tình và những đứa con. Không ai biết về các dinh cơ, cách sống và những lần di chuyển của Fidel. Tại Matxcơva, báo chí tiết lộ cuộc sống xa hoa của Fidel Castro với ba du thuyền, 32 dinh thự và 9.700 cận vệ riêng.
Huyền thoại Fidel đã chết, một trang sử của thế kỷ 20 đã được lật qua. (Tổng hợp Le Figarovà Libération 26/11/2016)
*** Bs Cánh Cò: Fidel Việt Nam, mối tình truyền kiếp
Đây là tình đồng chí, tương trợ và khắng khít qua lý tưởng chống Mỹ. Đối với một số người dân Cuba, Fidel Castro tượng trưng cho niềm kiêu hãnh của quốc gia khi một mình đơn độc chống Mỹ tới sức tàn lực kiệt nhưng vẫn chống, chống trong niềm hoài nghi nhưng không đành lòng chấp nhận sự thất bại của mình kéo theo lầm than cho cả một dân tộc.
Người dân Cuba đứng tại thành phố La Habana nhìn sang Mỹ vừa giận dữ vừa thèm khát. Thứ giận dữ rất khó định hình nhưng thèm khát thì rõ như chiếc bánh mì nướng giòn tan nằm trên chiếc bàn đơn sơ chỉ còn lại một ít muối trằng của Chủ nghĩa xã hội. Mặn mùi hoang dại của biển và trắng tinh thứ chủ nghĩa úp mặt vào tường.
Từ ngày tham gia vào khối cộng sản, Việt Nam xem Fidel Castro là một vị thánh sống. Fidel luôn luôn vĩ đại và nhân dân Việt Nam được nhồi vào óc rằng trên thế giới không ai chống Mỹ bằng ông ta vì vậy muốn thắng Mỹ toàn dân Việt Nam phải lấy hình ảnh của Fidel Castro làm ngôi sao dẫn đường cho tới ngày hoàn tất giấc mơ diệt Mỹ.
Vài chục ngàn người Cuba trong nước rơi nước mắt vì Fidel ra đi. Vài chục ngàn người Cuba khác ở Miami nhảy múa ăn mừng một kẻ tội đồ của dân tộc vừa chết. Hai thái độ nghịch lý ấy là bi kịch của những đất nước cộng sản, bất cứ thứ cộng sản nào, Đông hay Tay.
Việt Nam có Chủ tịch Hồ Chí Minh, vĩ đại và đầy uẩn khúc trong tiểu sử lẫn lịch sử. Fidel Castro ngược lại, rõ ràng và đầy tính cách, cho dù bản chất lúc “khởi nghiệp” hùng tráng bao nhiêu thì càng về sau càng làm cho đất nước bi ai bấy nhiêu.
Dù gì thì gì Việt Nam vẫn bám chặt “mối tình” ấy một cách khó hiểu. Bàn cờ chính trị không còn thích hợp với con cờ Cuba, thậm chí còn là cản trở quá trình hội nhập nhưng Việt Nam vẫn tiếc rẻ, vẫn xem quá khứ chống Mỹ anh hùng phải được tô son trét phấn mặc dù nó đã quá già như khuôn mặt đất nước trải qua bao tai biến. Fidel Castro phải được nhắc đi nhắc lại như một tấm gương chống Mỹ sáng chói bất kể đất nước Cuba chịu thua thiệt và tụt hậu đến mức gạo trở thành một loại thực phẩm xa xỉ, thay vào đó là khuôn mặt của thứ Chủ nghĩa xã hội nhàu nát. Không có gạo, Việt Nam mang tặng tuy chính bản thân Hà Nội cũng chả sang trọng giàu có gì. Người cộng sản gọi đó là tinh thần vô sản đoàn kết, tinh thần của những chiếc gậy mù lòa quơ trong bóng đêm lịch sử. Gậy va vào nhau, va vào tình nghĩa rất nồng thắm tạo nên những tiếng động khô khan giữa mịt mùng lý thuyết.
Đó là tình nghĩa cộng sản. Thứ tình nghĩa lấy khẩu hiệu làm quà tặng cho nhau. Thứ tình nghĩa đãi bôi và thừa mùi vị gian trá.
Cho tới lúc chết, Fidel vẫn kiên trì với thứ mà ông ta bắt đầu hơn nửa thế kỷ trước. Đây là điểm đồng nhất với các lãnh tụ Việt Nam trong mọi thời đại. Cho dù chế độ có sụp đổ thì Chủ nghĩa xã hội vẫn được bảo vệ tới cùng. Nó mang tính cách truyền kiếp vừa đau đớn vừa có tác dụng thăng hoa ảo giác. Thứ chủ nghĩa khổ dâm ấy buộc Cuba vào Việt Nam tuy mơ hồ nhưng rõ ràng là không thể gạt bỏ trong chương cuối cùng của lịch sử cộng sản thế giới.
*** Nguyễn Đức Thành: Con đường và Di sản
Lý Quang Diệu (1923-2015) và Phidel Castro (1926-2016) là hai nhà cách mạng cùng một thế hệ, trong giai đoạn đỉnh cao của phong trào giải phóng thuộc địa đang diễn ra sục sôi trên toàn thế giới. Cả hai đều trở thành lãnh đạo đất nước vào năm 1959. Họ phải lựa chọn con đường cho đất nước non trẻ của mình. Cả hai đều là những người tràn trề năng lượng, tính cách mạnh mẽ, sắc sảo, đều là các nhà hùng biện, lôi cuốn quần chúng.
Phidel Castro đã chọn con đường theo chủ nghĩa cộng sản. Trong phiên toà xử ông tội lật đổ chính quyền, ông từng hùng hồn tuyên bố: "Lịch sử sẽ xoá án cho tôi."
Lý Quang Diệu, trong cuộc vật lộn với các phe phái, phong trào trong nước, đã kiên quyết tuyên bố: "Nếu chủ nghĩa cộng sản thắng thế, thì tôi thà đưa Singapore trở lại làm thuộc địa của Anh."
Cả hai đều kiên định con đường mình đã chọn. Cả hai đã duy trì quyền lực của mình đến cuối đời. Cả hai đều rất thọ. Cả hai đều để lại một di sản sau lưng (Một Quốc gia - Tự do - Dân chủ - Phú cường hay là Một Nhà nước Toàn trị - Rách nát).
*** Hồ Phú Bông: Cá nhân "anh hùng", nhưng người dân thì cùng khổ
Nhân vật lừng lẫy của đảng cộng sản Cuba mới qua đời. Ông Fidel Castro. Người Cuba lưu vong thì “ăn mừng” còn người tại Cuba trong nước lại "lặng lẽ". Thái độ tương phản đó nói lên sự chia rẽ trong lòng người Cuba. Và ai là trung tâm gây nên chia rẽ đó?
Một người, được gọi là “anh hùng”, mà là trung tâm của chia rẽ tình tự dân tộc, theo tôi, không đáng được trân trọng. Có thể ông Fidel yêu nước nhưng cho đến cuối đời vẫn tôn thờ chủ nghĩa cộng sản, một thứ chủ nghĩa chỉ đem lại nghèo đói và lạc hậu khắp thế giới và riêng cho đất nước và dân tộc ông, thì câu hỏi phải có, đó là ông yêu nước hay yêu tham vọng quyền lực của chính ông? Chính việc ông nhường lại chức vụ vì lý do sức khỏe, năm 2006, và trao toàn quyền cho em trai ông, ông Raul Castro năm 2011, là câu trả lời. Vì, nếu cộng sản là con đường đúng thì tại sao không có người tài giỏi nào khác tiếp nối mà chỉ trong vòng anh em?
Không riêng gì ông Fidel, cộng sản Bắc Hàn cũng cha truyền con nối. Còn cộng sản Tàu, cộng sản Việt thì ma mãnh hơn, kết thành nhóm cộng sản ròng để chia nhau quyền lực. Cứ xem thế hệ “Thái tử đảng” thì rõ. Giới lãnh đạo chóp bu không gửi con cháu qua học hỏi ở các nước đàn anh cộng sản nhưng lại gửi qua các nước tư bản, một kẻ thù không đội trời chung của cộng sản, để học hỏi rồi trở về cai trị.
Tranh đấu để đem lại ấm no hạnh phúc cho người dân hay để bị rơi vào lạc hậu, nghèo đói triền miên trong lúc gia tộc giới lãnh đạo thì giàu có xa hoa? Vì thế, ca ngợi một “anh hùng” hay ca ngợi một đất nước không có “anh hùng” nhưng dân tộc thì được hạnh phúc ấm no?Ai cũng nhân danh “nhân dân” nhưng nhân dân có hạnh phúc hay không, đó là vấn đề cốt lõi. Theo tôi, ai đem lại cho người dân hạnh phúc mới là anh hùng! Còn lại chỉ là thứ anh hùng chữ nghĩa, anh hùng chủ nghĩa trên giấy… thì phải bị phê phán.
Cuba dưới thời Fidel Castro không khác mấy với cộng sản Việt Nam thời chiến tranh Nam Bắc. Đói khát, lầm than… để được thế giới cùng phe ca ngợi là “anh hùng”! Việt Nam là bãi chiến trường giữa cộng sản quốc tế và khối Tự do. Cuba là bãi chiến trường giữa cộng sản Cuba với Tư bản Hoa Kỳ. Giới lãnh đạo chóp bu hai nước cộng sản nầy đã đưa hai dân tộc vào điêu linh khốn khổ, nghèo đói và lạc hậu thì sự phán xét không còn riêng của người dân chịu thống khổ của dân tộc đó mà phải thuộc về lương tri nhân loại. Còn những lời ca ngợi “có cánh” của người ngoài cuộc chỉ là tiếng vỗ tay của bầy kên kên trên xác chết!

II. Văn Nghệ
(i) Thơ Thái Bá Tân
DÂN CHỦ PHƯƠNG TÂY

Một bác Việt Kiều Mỹ
Tung clip gần đây,
Nói ở Mỹ cũng khổ,
Bị áp lực hàng ngày.
      Rồi bác nói cụ thể
      Về việc làm thêm ca,
      Tiền bảo hiểm y tế,
      Tiền lãi khi mua nhà…
Câu chuyện chỉ có thế.
Có thể đúng hoặc sai.
Nhưng liền ngay sau đó
Có nhiều người, nhiều bài
      Ném đá bác thậm tệ,
      Kiểu cho chết mới thôi.
      “Khổ thì mời cô cút
       Khỏi nước Mỹ chúng tôi!”
Nhiều người Việt có thói
Không chấp nhận lẫn nhau.
Cứ trái ý là chửi,
Mà cố tình chửi đau.
      Mỗi người một số phận.
      Anh sướng, mừng cho anh.
      Người ta khổ, có nói,
      Nên nói điều tốt lành.
Biết tôn trọng người khác,
Dẫu thế nọ, thế này,
Là biểu hiện Văn hóa
Và Dân chủ Phương Tây.

NGƯỜI VÀ CỪU
Nhiều người khuyên: Thôi bác.
Bác già rồi, thôi đi.
Nói chỉ chuốc thêm vạ.
Mà cũng chẳng ích gì.
      Có lẽ đúng thế thật.
      Già thì nên nghỉ ngơi.
      Không ích gì, tuy vậy,
      Tôi vẫn đang là Người…
*
Dám lên tiếng phẫn nộ
Trước xã hội bất công
Chưa hẳn là chính trị,
Đấu tranh vì cộng đồng.
      Tiếng nói phẫn nộ ấy
      Với Người là nhu cầu
      Và là cái cho thấy
      Người và Cừu khác nhau.
Cừu hoàn toàn im lặng
Trước áp bức, bất công.
Chỉ nhởn nhơ gặm cỏ,
Nhẫn nhục, coi như không.
      Một con Cừu nhẫn nhục
      Chịu đựng theo cách này
      Cùng nhiều con Cừu khác
      Sẽ tạo thành một bầy.
.............................. .............................. .............................. ..........
Kính,
NNS

Không có nhận xét nào: