Thu Hằng Đăng ngày 08-06-2016 Sửa đổi ngày 08-06-2016 15:34
Hàng hóa tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 22/05/2016.REUTERS/Stringer
Vào lúc Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào châu Âu, thì các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại quốc gia đông dân nhất thế giới phải chịu hai bất lợi : tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới bị chững lại và ngày càng bị phân biệt đối xử so với các doanh nghiệp địa phương. Ba lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất do khó thâm nhập vào thị trường là cơ khí, dược phẩm và truyền thông đại chúng.
Trong số những người trả lời cuộc thăm dò, 56% nhận định hoạt động kinh doanh của họ tại Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn, tăng thêm 5% so với năm 2015 ; 57% cho rằng các pháp chế về môi trường được áp dụng để chống các doanh nghiệp nước ngoài ; 70% cảm thấy không được chào đón nhiệt tình như cách đây 10 năm.
Nguyên nhân đầu tiên được Les Echos nêu bật là tác động của việc chính quyền kiểm soát truy cập internet gây bất bình trong giới doanh nhân nước ngoài. Bản báo cáo ghi rõ : « Dường như Bắc Kinh luôn phản ứng theo hướng ngược lại khi ban hành các đạo luật về an ninh, thường rất mơ hồ và bóp nghẹt việc truy cập internet đến mức trừng phạt các công ty trong nước cũng như quốc tế ».
Lý do thứ hai là quyền sở hữu trí tuệ. Dù có một đạo luật quy định vấn đề này nhưng không được tôn trọng trên thực tế. Trong bối cảnh này, không có gì ngạc nhiên khi các doanh nghiệp châu Âu và Hoa Kỳ chỉ dám tin một cách hạn chế vào những lời hứa mở cửa của chính phủ hay cam kết giảm sản xuất dư thừa công nghiệp, từ ngành công nghiệp nặng như lĩnh vực thép, than, xi-măng đến ngành sản xuất xe hơi hay phân phối. Lý do thứ ba là Trung Quốc đang mất dần khả năng cạnh tranh do lương của người lao động tăng cao và giá bất động sản ngày càng đắt.
Trái với một châu Âu rộng tay chào đón các nhà đầu tư Trung Quốc, Bắc Kinh lại ngày càng bảo hộ doanh nghiệp nội địa. Les Echos cho biết Liên Hiệp Châu Âu đang đàm phán với bắc Kinh một hiệp ước về đầu tư. Washington cũng đi theo cách này và thảo luận vấn đề trên trong cuộc đối thoại chiến lược Mỹ-Trung để yêu cầu Bắc Kinh mở cửa cho các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc.
Nhật Bản dần bỏ Trung Quốc để đầu tư vào Đông Nam Á
Vẫn theo Les Echos, với những lý do được nên trên, Trung Quốc không còn thu hút như trước và « Các tập đoàn Nhật Bản thích Đông Nam Á hơn ». Bằng chứng rõ nhất là chỉ cách đây vài ngày, tập đoàn vận tải hàng hải Nhật Bản Mitsui OSK đã đầu tư 100 triệu đô la để xây dựng một cảng container mới tại cảng Hải Phòng để chuẩn bị cơ sở cho hàng loạt tập đoàn Nhật Bản tìm cơ sở sản xuất mới ngoài Trung Quốc.
Năm 2014, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào thị trường ASEAN khoảng 20,4 tỉ đô la, nhiều hơn gấp ba lần so với đầu tư vào Trung Quốc (6,7 tỉ đô la) vào cùng thời điểm. Trong khi đó, trước năm 2012, các tập đoàn Nhật Bản luôn đầu tư vào Trung Quốc nhiều hơn so với Đông Nam Á.
Lo ngại nền kinh tế thứ hai thế giới đang tăng trưởng chậm lại, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc và Nhật Bản hy vọng vào sự tăng trưởng ổn định hơn và bền vững hơn tại Đông Nam Á, nơi có nhiều nước (Việt nam, Malaysia, Singapore…) sẽ được hưởng lợi từ hiệp định tự do mậu dịch (TPP) ký với Hoa Kỳ.
Một lý do khác khiến các tập đoàn Nhật Bản giảm bớt đầu tư vào Trung Quốc chính là môi trường kinh doanh tại đây ngày càng xấu đi. 13% nhà đầu tư Nhật nêu lý do là khung quản lý bị thắt chặt, trong khi đó chỉ 4% doanh nghiệp Nhật tại Đông Nam Á bận tâm về vấn đề này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét